Nhận lời mời của Tổng thống Emmanuel Macron, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiến hành thăm chính thức Pháp vào từ ngày 6 - 7/10/2024. Trong khuôn khổ chuyến thăm, lãnh đạo hai bên đã tuyên bố nâng cấp mối quan hệ giữa hai nước lên tầm Đối tác chiến lược toàn diện. Như vậy, Pháp trở thành là quốc gia đầu tiên tại Châu Âu thiết lập mối quan hệ này với Việt Nam.
Nhân dịp xuân Ất Tỵ, phóng viên Báo Nhân Dân đã có buổi phỏng vấn với Đại sứ Pháp Olivier Brochet về tiềm năng hợp tác giữa hai nước sau khi nâng cấp quan hệ. Nhìn lại lịch sử, Đại sứ Olivier Brochet đã nhận định mối quan hệ hợp tác mà Việt Nam năm 2025 cần đã rất khác mối quan hệ hợp tác mà Việt Nam năm 1986 có: “Bây giờ, chúng ta không nói về sự hợp tác nữa mà nói về quan hệ đối tác”. Ngoài ra, các nhà đầu tư Pháp cũng rất trông chờ vào những cải cách hành chính và hành lang pháp lý của Việt Nam trong thời gian tới.
Cụ thể, khi nâng cấp mối quan hệ lên tầm Đối tác chiến lược toàn diện, lãnh đạo hai nước đã đề ra ba trục hợp tác chính:
Thứ nhất, chủ quyền: Pháp mong muốn đồng hành cùng Việt Nam trong quá trình khẳng định được chủ quyền, góp phần duy trì ổn định, hòa bình trong khu vực.
Thứ hai, phát triển bền vững: Cả Pháp và Việt Nam đều rất quan tâm đến các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững như biến đổi khí hậu, an toàn an ninh mạng,… Do đó, chúng tôi hy vọng hai bên có thể cùng tiến xa trong quá trình hợp tác, tìm ra cách giải quyết những thách thức của thời đại.
Thứ ba, đổi mới: Pháp mong muốn hợp tác chặt chẽ để Việt Nam có được những công nghệ mang tính đổi mới cao. Đây chính là nền tảng để tạo ra mối quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước.
Có thể nói rằng, việc nâng cấp mối quan hệ lên tầm Đối tác chiến lược toàn diện là một tín hiệu chính trị rất mạnh mẽ. Đây là mệnh lệnh từ lãnh đạo cấp cao của hai bên để tất cả các cơ quan chức năng tăng cường hợp tác với nhau.
Tôi xin được nêu ra ba ví dụ:
Thứ nhất, chủ quyền: Trong chuyến thăm Pháp của Tổng Bí thư Tô Lâm vào tháng 10/2024 và chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Pháp Sébastien Lecornu vào tháng 5/2024, hai bên đã đề cập tới việc tăng cường hợp tác trên lĩnh vực bảo vệ chủ quyền. Việt Nam không chỉ cần có những đối tác lớn mà còn cần cả những đối tác đa dạng. Và Pháp sẵn sàng tăng cường hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này.
Với vị thế của mình, Pháp có điều kiện hỗ trợ các đối tác khẳng định chủ quyền. Chúng tôi đã xây dựng hình thức hợp tác này với nhiều quốc gia như Ấn Độ hay Indonesia. Ở Việt Nam, hai bên có thể xem xét hợp tác trong các lĩnh vực liên quan đến trang thiết bị quân sự và vũ khí nhằm tăng cường khả năng bảo vệ chủ quyền của Việt Nam.
Chúng tôi tin rằng với khuôn khổ hợp tác mới, Pháp và Việt Nam sẽ có những bước xa hơn trong lĩnh vực này.
Thứ hai, giao thông đường sắt: Pháp hoàn toàn có đủ năng lực tham gia vào dự án xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam của Việt Nam.
Quả thực, chúng tôi rất kỳ vọng vào sự hợp tác này. Pháp là một quốc gia đi đầu trong lĩnh vực phát triển các tuyến đường sắt tốc độ cao với khoảng 3.000 km nội địa.
Mặt khác, Pháp cũng có kinh nghiệm hợp tác ở Việt Nam. Cụ thể, một phần tuyến metro số 3 do Pháp và Việt Nam cùng xây dựng đã đi vào vận hành tại thành phố Hà Nội vào tháng 11/2024. Đây không chỉ đơn thuần là một dự án chuyển giao công nghệ mà còn là quá trình đào tạo để vận hành cho nhân lực Việt Nam. Mới gần đây, Pháp đã phối hợp triển khai thành công một tuyến đường sắt cao tốc khác tại Maroc.
Bằng những kinh nghiệm này, chúng tôi hy vọng Việt Nam sẽ quan tâm, xem xét khả năng tham gia của Pháp vào dự án tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam sắp tới.
Thứ ba, năng lượng: Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến sự trở lại của Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Bởi Pháp cũng là một trong những quốc gia phát triển năng lượng nguyên tử quyết liệt nhất trên thế giới. 70% nguồn điện của Pháp là năng lượng nguyên tử. Đây là con số cao nhất Châu Âu. Chính vì vậy, Pháp cũng là nước có độ phát thải CO2 bình quân đầu người thấp nhất châu Âu.
Từ khi hình thành đến nay, Pháp chưa từng có một sự cố lớn nào trong lĩnh vực này. Điều này không chỉ đơn thuần là công nghệ tốt, mà còn là những khuôn khổ pháp lý, quy tắc rất chặt chẽ.
Do đó, chúng tôi rất mong muốn có được sự hợp tác tăng cường với Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.
Cách nhìn nhận thứ nhất:
Dự án này đã kéo dài hơn 20 năm. Chúng ta đã mất quá nhiều thời gian và thật thất vọng trước những kỳ vọng ban đầu. Hai nước không thể hợp tác trong điều kiện như vậy được. Nói tóm lại, đây là một thất bại.
Cách nhìn nhận thứ hai:
Chúng ta sẽ phải đương đầu với phức tạp khi muốn hợp tác hai nền văn hóa khác nhau, hai cách tiếp cận với các nhóm nhân sự khác nhau. Đây là những khó khăn cần phải vượt qua.
Sẽ có những thời điểm không hòa hợp nhưng với quyết tâm và thiện chí của cả hai bên, chúng ta đã vượt qua. Sau mỗi lần như vậy, hai bên cũng sẽ hiểu nhau hơn và có khả năng hợp tác tốt hơn trong tương lai.
Đây là cách nhìn nhận của Pháp.
Chúng tôi mong muốn đúc rút và tích lũy kinh nghiệm trong quá trình làm việc với các đối tác Việt Nam. Xin lưu ý rằng quan hệ giữa hai nước hiện nay là quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Tôi nhấn mạnh yếu tố chiến lược, bởi mối quan hệ này không đơn thuần chỉ dựa trên lợi ích thương mại trong hợp tác giữa hai bên.
Trong những lĩnh vực đường sắt, chúng tôi cũng có những doanh nghiệp nhà nước là những đơn vị chủ trì như công ty đường sắt quốc gia Pháp SNCF. Nhờ vậy, họ có thể hiểu các đối tác thuộc khối công của Việt Nam rõ hơn.
Các nhà đầu tư Pháp cũng mong muốn Việt Nam có một khuôn khổ pháp lý ngày càng rõ ràng hơn. Bởi họ không thể quá phiêu lưu trong những dự án có quy mô lớn như vậy được.
Tôi tin phía Việt Nam có quyết tâm rất rõ ràng về vấn đề này. Tổng Bí thư Tô Lâm đã đặt ra mục tiêu cải cách hành chính và hành lang pháp lý mạnh mẽ nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hợp tác kinh tế.
Tháng 11/2023, Bộ trưởng Công vụ Pháp Stanislas Guérini đã thăm và làm việc tại Việt Nam. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Pháp đã trao cho phía Việt Nam sổ tay hướng dẫn phát triển Chính phủ điện tử. Hiện nay, hai bên vẫn tiếp tục tăng cường hợp tác nhằm tăng cường tính hiệu quả và hiệu suất của mô hình Chính phủ điện tử tại Việt Nam.
Ngoài quan hệ hợp tác giữa các cơ quan nhà nước, Pháp và Việt Nam có rất nhiều hợp tác giữa các doanh nghiệp khởi nghiệp. Tôi cho rằng hai bên có thể tiếp tục xem xét khả năng hợp tác trong lĩnh vực này.
Về đào tạo, các trường đại học Pháp - Việt có nhiều tiềm năng hợp tác, hình thành các chương trình đào tạo và môn học mới. Tôi muốn nhấn mạnh vào những dự án liên quan đến Đại học Khoa học Công nghệ Hà Nội (Đại học Việt Pháp). Chương trình Kỹ sư chất lượng cao Việt - Pháp (PFIEV) hay Trung tâm Pháp Việt Đào tạo về Quản lý (CFVG) đều có nhiều chương trình mới liên quan đến lĩnh vực công nghệ.
Vào giữa tháng 2 năm nay, Paris sẽ tổ chức một hội nghị về trí tuệ nhân tạo. Thư mời đã được gửi tới Việt Nam. Chúng tôi hy vọng rằng, Việt Nam sẽ cùng tham gia thảo luận, chia sẻ và xây dựng một phương thức quản trị thế giới trong thời đại của AI.
Quan điểm của Pháp là luôn ủng hộ phát triển các công nghệ mới. Chúng tôi hy vọng cả hai bên có thể cùng hợp tác để đạt được tham vọng đặt ra trong những năm tới.
Năm 1986 là dấu mốc đổi mới của Việt Nam nhưng thực chất giai đoạn này kéo dài đến năm 1990. Đây cũng là thời điểm hết sức khó khăn của Việt Nam: Vừa mới thoát khỏi chiến tranh liên miên, đồng thời vẫn phải chịu áp lực của lệnh cấm vận.
Vào thời điểm đó, rất ít nước quan tâm đến Việt Nam. Với mối quan hệ đặc thù, Pháp là một trong những đối tác lớn trong lĩnh vực hợp tác quốc tế của Việt Nam.
Năm 1993, Tổng thống François Mitterrand - vị nguyên thủ đầu tiên đến từ phương Tây đã có chuyến thăm chính thức cấp nhà nước tới Việt Nam. Trong khuôn khổ chuyến thăm này, hai nước đã triển khai rất nhiều dự án quan trọng. Trong đó có sự hình thành của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam. Cho đến nay, tổng nguồn ngân quỹ mà AFD triển khai tại Việt Nam đã lên tới hơn 3 tỷ euro. Ngoài ra, Pháp còn trao hàng nghìn học bổng cho sinh viên Việt Nam.
Dĩ nhiên, những dự án này không phải là cơ sở duy nhất để Việt Nam có thể thành công, nhưng cũng góp phần tích cực vào quá trình đổi mới của Việt Nam.
Việt Nam ngày nay thì hoàn toàn không có gì giống với Việt Nam của năm 1986 cả.
Việt Nam ngày nay là một nước có vị thế, nằm trong top 30 nền kinh tế lớn nhất trên thế giới.
Việt Nam ngày nay có rất nhiều tham vọng lớn.
Chúng tôi thấy rõ điều đó qua những mục tiêu mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã đặt ra, đặc biệt là mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một nước phát triển vào năm 2045. Mục tiêu đó không chỉ đầy tham vọng mà còn rất quan trọng và chính đáng. Pháp tin rằng Việt Nam hoàn toàn có khả năng thực hiện được mục tiêu này. Để đạt được mục tiêu đó, Việt Nam sẽ phải dựa vào thực lực của chính mình, nhưng đồng thời cũng cần có sự hợp tác quốc tế.
Sự hợp tác mà Việt Nam ngày nay cần hoàn toàn khác với sự hợp tác mà Việt Nam có cách đây 40 năm. Bây giờ, chúng ta không nói về sự hợp tác nữa mà nói về quan hệ đối tác. Việt Nam cần có những quan hệ đối tác ngang hàng để chuyển giao công nghệ, chuyển giao năng lực, đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho Việt Nam.
Với những đặc thù gắn bó giữa hai nước, tôi hy vọng rằng, mối quan hệ hợp tác Pháp-Việt sẽ ngày càng được tăng cường, góp phần vào sự phát triển của Việt Nam.
Phóng viên: Xin cảm ơn và chúc mừng năm mới ngài Đại sứ!
Ngày xuất bản: 05/02/2025
Tổ chức sản xuất: Hồng Vân
Thực hiện: Thi Uyên
Trình bày: Tạ Lư
Ảnh: Thành Đạt