Ðại tướng Hoàng Văn Thái
Tổng Tham mưu trưởng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam

Ðại tướng Hoàng Văn Thái (1-5-1915 - 1-5-2015) là một trong những vị tướng có vai trò quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và chiến thắng của Quân đội Nhân dân (QÐND) Việt Nam, người có nhiều công lao trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, cũng như trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (1975 - 1986).

Sinh ra trong một gia đình yêu nước, ở một vùng quê giàu truyền thống cách mạng, đồng chí sớm giác ngộ, tham gia hoạt động cách mạng, trở thành đảng viên Ðảng Cộng sản Việt Nam lúc 23 tuổi.

Từ năm 1941 đến 1945, trên cương vị chỉ huy, đồng chí luôn kiên định, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, có năng lực tổ chức, giàu trí sáng tạo, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Tháng 10 năm 1945, đồng chí được cử giữ chức Tổng Tham mưu trưởng (Tổng Tham mưu trưởng đầu tiên của QÐND Việt Nam), khi đó đồng chí mới 30 tuổi.

Ðại tướng Hoàng Văn Thái giữ chức Tổng Tham mưu trưởng khi mới 30 tuổi. (Ảnh chụp năm 1945)

Trên cương vị Tổng Tham mưu trưởng đầu tiên của QÐND Việt Nam, đồng chí Hoàng Văn Thái đã góp phần rất quan trọng, đặt nền móng vững chắc cho sự hình thành, phát triển của cơ quan tham mưu chiến lược và ngành tham mưu các cấp trong quân đội.

Ngày đầu mới thành lập, cơ quan tham mưu chỉ có tám người, đồng chí đã lựa chọn một số cán bộ hiểu biết về quân sự, có trình độ học vấn để huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng về lý luận và thực tiễn công tác; chú trọng nâng cao chất lượng xây dựng cơ quan tham mưu các cấp; hình thành, tiến tới thống nhất về tổ chức Quân đội và ngành tham mưu toàn quân...

Những cán bộ thời kỳ đầu thành lập Bộ Tổng Tham mưu. Ảnh chụp năm 1946

Ðến tháng 3 năm 1949, cơ quan tham mưu đã được kiện toàn từng bước từ Bộ Tổng Tham mưu đến cấp quân khu, trung đoàn và tỉnh đội. Công tác tham mưu đã thực hiện tốt nhiệm vụ thống nhất biên chế quân đội, xây dựng lực lượng vũ trang, bán vũ trang và dân quân tự vệ.

Trong quá trình xây dựng cơ quan tham mưu, đồng chí luôn chú trọng việc chỉ đạo xây dựng, củng cố, cải tiến nền nếp, tác phong làm việc của cơ quan tham mưu các cấp. Ðồng chí đặc biệt coi trọng xây dựng nhân tố con người, bởi đây là nhân tố vô cùng quan trọng, có ý nghĩa quyết định làm cho mỗi cơ quan, đơn vị, con người của ngành luôn giữ vững định hướng chính trị, tuyệt đối trung thành với Ðảng, với Tổ quốc và Nhân dân, có tinh thần, ý chí chiến đấu cao, sẵn sàng chiến đấu hy sinh quên mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội.

Là người tham mưu cho Bộ Chính trị, Trung ương Quân ủy (Tổng Chính ủy, Tổng Quân ủy) và Bộ Tổng tư lệnh về phương châm, phương thức, kế hoạch tác chiến của nhiều chiến dịch lớn quan trọng, quyết định: Kháng chiến toàn quốc bùng nổ tại Hà Nội, đồng chí đã cùng với Ðại tướng Võ Nguyên Giáp thông qua và phê duyệt kế hoạch tác chiến do đồng chí Vương Thừa Vũ - Chỉ huy trưởng mặt trận Hà Nội đề xuất.

Đồng chí Hoàng Văn Thái báo cáo tình hình chiến trường miền Nam với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: QĐND

Ðồng chí đã vận dụng kinh nghiệm từ thực tiễn chỉ huy chiến đấu ở Hải Phòng vào chỉ đạo mặt trận Hà Nội để xây dựng thế trận bảo đảm sự liên hoàn, bố trí lực lượng theo khu vực để kìm giữ, tiêu hao quân Pháp trong nội thành Hà Nội hai tháng, tạo điều kiện cho quân và dân ta rút an toàn lên chiến khu Việt Bắc, đồng thời có thêm thời gian chuẩn bị cho cuộc kháng chiến.

Cuối năm 1947, thực dân Pháp mở cuộc tiến công quy mô lớn lên Việt Bắc, hòng tiêu diệt cơ quan đầu não và quân chủ lực của ta. Ðồng chí đã tham mưu cho Bộ Chính trị, Trung ương Quân ủy chủ trương phát triển bộ đội địa phương và dân quân du kích; xác định nhiệm vụ cấp thiết lúc này là phải xây dựng các đơn vị chủ lực; phương thức hoạt động của bộ đội chủ lực và lực lượng vũ trang địa phương; đề xuất giúp Bộ Tổng chỉ huy ra "Mệnh lệnh tác chiến" cho toàn quân, toàn quốc thực hiện kế hoạch tác chiến và phân công cụ thể nhiệm vụ, địa bàn tác chiến cho các đơn vị trên chiến trường, góp phần làm nên chiến thắng Việt Bắc...

Trong Chiến dịch Biên giới 1950, đồng chí Hoàng Văn Thái đã tham mưu cho Ðảng ủy và Bộ chỉ huy chiến dịch chọn đúng mục tiêu, hướng, khu vực tiến công chủ yếu; chỉ đạo tập trung hỏa lực trong các trận then chốt; vận dụng phương châm "đánh điểm diệt viện"; tạo thế liên tục trong suốt quá trình chiến dịch; đặc biệt lần đầu tiên chủ trương thực hiện từ những đợt hoạt động, những chiến dịch nhỏ, tiến tới mở chiến dịch với quy mô lớn, đánh tập trung chính quy, hiệp đồng binh chủng.

Tháng 6/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Thường vụ Trung ương Đảng chủ trương mở chiến dịch lớn đánh địch trên tuyến biên giới Việt-Trung. Đồng chí Hoàng Văn Thái đã tham mưu cho Ðảng ủy và Bộ chỉ huy chiến dịch. Nguồn: TTXVN

Tại hội nghị mở rộng của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Ðảng (tháng 9 năm 1953), đồng chí đã đề đạt với Bộ Chính trị về phương án hoạt động quân sự Thu Ðông năm 1953 trong đó, hướng tiến công chiến lược là chiến trường rừng núi Tây Bắc và đề nghị sự phối hợp giúp đỡ của các cơ quan, ban, ngành nhằm động viên nhân, vật lực phục vụ cho bộ đội đánh lớn.

Tiếp đó, đồng chí chỉ đạo Bộ Tổng Tham mưu xây dựng kế hoạch tác chiến với phương châm "Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt", theo nguyên tắc: tiêu diệt sinh lực địch, bồi dưỡng lực lượng ta; đánh ăn chắc, đánh chắc thắng, đánh tiêu diệt, chọn nơi sơ hở mà đánh, chọn nơi địch tương đối yếu mà đánh; giữ vững chủ động; kiên quyết buộc địch phân tán, dàn mỏng lực lượng theo ý đồ của ta.

Cuối tháng 9 năm 1953, đồng chí Hoàng Văn Thái báo cáo Tổng Quân ủy trình Bộ Chính trị phương án hoạt động Ðông Xuân 1953 - 1954, quyết tâm: phải bảo đảm chắc thắng, chắc thắng thì kiên quyết đánh, không chắc thắng thì không đánh; chọn Tây Bắc làm hướng tiến công chính để mở chiến dịch tiến công, các hướng khác phối hợp nhằm phá âm mưu tập trung binh lực của địch, buộc địch phải phân tán lực lượng đối phó trên nhiều hướng, tạo điều kiện tác chiến tương đối lớn.

Bộ Tư lệnh Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh chụp năm 1954.
Trước đó, đồng chí Hoàng Văn Thái đã báo cáo Tổng Quân ủy trình Bộ Chính trị phương án hoạt động Ðông Xuân 1953 - 1954, chọn Tây Bắc làm hướng tiến công chính.

Giữa tháng 11 năm 1953, Tổng Quân ủy phê duyệt kế hoạch tác chiến cụ thể trong mùa khô 1953 - 1954. Ðây là kế hoạch đầu tiên của Bộ Tổng Tham mưu được xây dựng với quy mô rộng lớn, bao gồm: hoạt động của tất cả các đại đoàn chủ lực cơ động của Bộ; các trung đoàn chủ lực của các quân khu và lực lượng vũ trang cả nước; sự phối hợp chiến đấu với lực lượng vũ trang các chiến trường bạn; lấy chiến trường rừng núi làm hướng tiến công chiến lược chủ yếu, trong đó Tây Bắc là hướng chính; đẩy mạnh chiến tranh du kích trên các chiến trường sau lưng địch; trước mắt một bộ phận quan trọng của bộ đội chủ lực vẫn bí mật sẵn sàng cơ động khi có tình huống.

Ðồng chí đã trực tiếp tham gia, chỉ huy một số chiến dịch lớn giành thắng lợi, góp phần quan trọng vào thắng lợi của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược: Ngay khi nhận chức Tổng Tham mưu trưởng, đồng chí bắt tay ngay vào việc chỉ đạo, chỉ huy đối phó với cuộc gây hấn quân sự của Pháp ở Nam Bộ ngày 23 tháng 9 năm 1945; chỉ đạo Bộ Tổng Tham mưu tổ chức lực lượng chiến đấu, điều động cán bộ chỉ huy từ miền bắc vào để kịp thời chi viện cho chiến trường miền Nam.

Trong Chiến dịch Việt Bắc Thu - Ðông năm 1947, được phân công kiêm Chỉ huy trưởng Mặt trận Bắc Cạn - Ðường số 3, đồng chí đã chỉ huy thực hiện "Nhiệm vụ tiêu diệt địch cơ động trên đường Bắc Cạn - Cao Bằng và nống ra chung quanh thị xã Bắc Cạn; bảo vệ cơ quan Trung ương", góp phần không nhỏ vào những thắng lợi của Mặt trận và Chiến dịch, đập tan ý đồ đánh nhanh thắng nhanh của địch.

Trong Chiến dịch Biên Giới (năm 1950), đồng chí là Tổng Tham mưu trưởng, kiêm Tham mưu trưởng chiến dịch, trực tiếp chỉ huy trận đánh then chốt đột phá Ðông Khê trên Ðường số 4. Sau Chiến dịch Biên giới, đồng chí còn tham gia chỉ huy nhiều chiến dịch tiến công ở trung du và đồng bằng, tiêu biểu là các chiến dịch Trung Du, Hoàng Hoa Thám, Ðường 18; Hà - Nam - Ninh, Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, tạo điều kiện phát triển chiến tranh du kích.

Ðại tướng Hoàng Văn Thái - Tổng Tham mưu trưởng đầu tiên của Quân đội Nhân Dân Việt Nam.

Trong giai đoạn đầu Chiến dịch Thu Ðông 1953 - 1954, đồng chí đã chỉ đạo các cơ quan tập trung chấn chỉnh về tổ chức, biên chế (một số đơn vị binh chủng kỹ thuật đã được thành lập); tăng cường đầu tư trang bị kỹ thuật; nâng cao chất lượng huấn luyện bộ đội. Cũng trong thời gian này, lần đầu tiên trong chỉ đạo huấn luyện, đồng chí Hoàng Văn Thái chỉ đạo các cơ quan tham mưu phải chỉ đạo được các binh chủng pháo binh, cả pháo mặt đất và pháo cao xạ, phấn đấu mùa khô năm 1953, pháo lớn của ta có thể xuất trận lần đầu với quy mô trung đoàn, đánh hiệp đồng binh chủng lớn hơn những năm trước đây.

Trong quá trình chuẩn bị và tiến hành chiến dịch, đồng chí đã đóng góp nhiều ý kiến sắc sảo về bố trí, sử dụng lực lượng, chọn hướng đột phá, cách đánh, công tác tổ chức, hiệp đồng giữa bộ binh và pháo binh, sự phối hợp tác chiến giữa các chiến trường, công tác bảo đảm hậu cần, kỹ thuật... góp phần quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Từ phải sang trái: Hoàng Văn Thái, Trần Độ, Trần Văn Trà, Nguyễn Thị Định.

Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của đồng chí Ðại tướng Hoàng Văn Thái - Tổng Tham mưu trưởng đầu tiên của QÐND Việt Nam, là dịp để chúng ta tiếp tục khẳng định và tôn vinh những cống hiến xuất sắc của đồng chí đối với cách mạng Việt Nam. Noi gương đồng chí Ðại tướng Hoàng Văn Thái, cán bộ, chiến sĩ Bộ Tổng Tham mưu ngày nay không ngừng phấn đấu, rèn luyện, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, nâng cao trình độ và năng lực công tác chuyên môn.

Trên cơ sở nắm vững mục tiêu, quan điểm, phương châm chỉ đạo của Ðảng, tiếp tục xây dựng Bộ Tổng Tham mưu vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, xây dựng tổ chức Ðảng trong sạch, vững mạnh, cơ quan vững mạnh toàn diện; xứng đáng là cơ quan tham mưu chiến lược của Ðảng, Nhà nước và quân đội.

Nội dung: Thượng tướng Ðỗ Bá Tỵ
Ảnh: QĐND; TTXVN
Trình bày: Thi Uyên - Tạ Lư