Ðại tướng Lê Trọng Tấn:
Người chỉ huy "dũng cảm và sáng tạo, mưu lược và quyết đoán"

Gần nửa thế kỷ tham gia cách mạng dưới sự lãnh đạo của Ðảng, Ðại tướng Lê Trọng Tấn là một trong những vị tướng "dũng cảm và sáng tạo, mưu lược và quyết đoán". Ở Ðại tướng, những phẩm chất này đã thấm sâu, hòa với tấm lòng của ông với Ðảng, với dân tộc thành nét riêng.

Lê Trọng Tấn là một vị tướng luôn suy nghĩ và hành động dựa trên niềm tin khoa học vững chắc. Với Ðại tướng Lê Trọng Tấn thì đường lối, chủ trương, chính sách của Ðảng là ý chí và nguyện vọng của nhân dân, dân tộc; là kim chỉ nam dẫn đường cho nhận thức và mọi hoạt động của ông như ông từng khẳng định: "Bí quyết giúp chúng tôi thành công là lòng tin không gì lay chuyển nổi vào sự lãnh đạo kháng chiến của Trung ương Ðảng, Bác Hồ, tin tưởng vào sự tất thắng của cách mạng". Nhờ đó, ông luôn coi trọng và phát huy được sức mạnh tổng hợp, sự đoàn kết của nhân dân và cán bộ, chiến sĩ để tạo nên động lực, sức mạnh chiến thắng kẻ thù.

Đại tướng Lê Trọng Tấn thời trẻ.

Với nhãn quan chính trị, quân sự sắc sảo, với tầm nhìn xa, trông rộng nhưng cũng rất cụ thể, ông đã nghiên cứu sâu qua tổng kết các trận đánh, chiến dịch, hoạt động quân sự, từng bước tích luỹ kinh nghiệm và dùng kinh nghiệm ấy để chỉ đạo lại thực tiễn, "đúc kết thành những nguyên tắc", góp phần bổ sung, phát triển đường lối, lý luận quân sự của Ðảng, xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội và cùng lãnh đạo, chỉ huy các cấp kịp thời đề ra phương châm, giải pháp, cách đánh độc đáo, sáng tạo; lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức xây dựng ý chí, quyết tâm, thực lực cách mạng và tăng cường tiềm lực quân sự, quốc phòng đất nước.

Ðại tướng nắm vững những vấn đề cơ bản của đường lối chiến tranh, nghệ thuật quân sự của Ðảng để vận dụng vào thực tiễn kháng chiến. Ông là người luôn có tư duy nhạy bén, luôn tự nghiên cứu nắm vững quan điểm, đường lối cách mạng của Ðảng để soi rọi vào thực tiễn. Ðặc biệt xông xáo trong xây dựng lực lượng vũ trang, quân đội, củng cố quốc phòng; tác chiến, huấn luyện, xây dựng quyết tâm, tìm cách đánh và thắng địch. Ở bất cứ đâu, với bất cứ việc gì, ông đều quan sát, lắng nghe, trăn trở, suy ngẫm cùng Ðảng, quân đội tìm ra lời giải về những vấn đề mà đồng bào, đồng chí và thực tiễn kháng chiến đang đặt ra.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao lá cờ "Quyết chiến quyết thắng" cho Đại đoàn 312 do đồng chí Lê Trọng Tấn làm Đại đoàn trưởng.

Những dự báo, ý tưởng, giải pháp chỉ đạo và tổ chức xây dựng, phát triển thế trận chiến tranh nhân dân, lực lượng cách mạng; hình thành nghệ thuật quân sự, cách đánh giặc... của ông đã góp phần làm cho các lực lượng kháng chiến của dân tộc ta có được những quả đấm thép, những đòn quyết định đánh thắng các cuộc tiến công, phản công của địch, tạo nên bước ngoặt đưa các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược của dân tộc đến toàn thắng.

Trong thời kỳ cả nước cùng thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, là người lãnh đạo, chỉ huy cao cấp của Ðảng và quân đội, ông cùng tập thể Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tham mưu cho Ðảng, Nhà nước hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách quân sự, quốc phòng; chỉ đạo và tổ chức toàn quân thực hiện xuất sắc chức năng, nhiệm vụ của một đội quân chiến đấu, sản xuất và công tác, làm tròn nhiệm vụ quốc tế.

Ðại tướng Lê Trọng Tấn là một nhà chính trị, quân sự kiên định nhưng không giáo điều. Ông nắm bắt và hiểu thấu đáo mọi vấn đề nhưng không tư duy theo "đường mòn", "lối cũ" mà luôn độc lập, hết sức năng động. Không chỉ phong phú về kinh nghiệm, bài bản và linh hoạt trong xây dựng, tổ chức lực lượng mà ông rất giỏi về chiến thuật và nghệ thuật chiến dịch, chiến lược. Luôn sâu sát thực tiễn để hiểu rõ tình hình, chủ động nắm bắt các tình huống làm cơ sở để xác định quyết tâm, khơi dậy tính năng động sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong xây dựng phương án tác chiến, phát động quần chúng đấu tranh, khắc phục khó khăn nảy sinh, tìm cách đánh, thắng địch.

Ðại tướng Lê Trọng Tấn

Ðại tướng Lê Trọng Tấn là một nhà chính trị, quân sự kiên định nhưng không giáo điều.

Những đóng góp và quyết định của Ðại tướng trong kháng chiến và cách mạng đều dựa chắc trên sự phân tích chặt chẽ, khoa học, toàn diện về chính trị, kinh tế, quân sự, con người và vũ khí trang bị, địa hình, môi trường và những tác động của địch khi bị "điểm đúng huyệt"...

Ðại tướng đã vận dụng sáng tạo mô hình, hoạt động của Ðội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân vào tổ chức, xây dựng, hoạt động của đội vũ trang tuyên truyền, vũ trang xung kích, đại đội và tiểu đoàn tập trung ở Sơn La những ngày đầu chống thực dân Pháp, thực hiện phân tán trung đoàn tập trung để phát động nhân dân kháng chiến. Khắc phục điều "khó nhất" trong xây dựng đơn vị là "khâu cán bộ" khi "tự tổ chức lấy trường quân chính của mình" lúc ông là chỉ huy Trung đoàn Sơn La (năm 1947).

Sự thận trọng, chu đáo, tỉ mỉ, sáng tạo của ông trong chuẩn bị chiến trường, tổ chức lực lượng; vận dụng các yếu tố thế, thời, mưu; sử dụng tập trung sức mạnh đơn vị đánh vào những nơi hiểm yếu của địch, hình thành và chuyển hóa, phát triển thế trận, lực lượng tạo nên ưu thế để ta càng đánh càng mạnh, địch càng đánh càng thất bại.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Tư lệnh Chiến dịch Đường 9-Nam Lào Lê Trọng Tấn (ngoài cùng, bên phải) sau chiến thắng tháng 2/1971.

Những chỉ đạo sát sao, biến hóa của Ðại tướng trong xây dựng lực lượng và thế trận; hiện thực hóa chủ trương của Ðảng và Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về thành lập các sư đoàn chủ lực cơ động; chủ trương, giải pháp, cách thức tổ chức và sử dụng lực lượng, huấn luyện và tác chiến... tại chiến trường Nam Bộ những năm 60 của thế kỷ 20 đã góp phần đưa cách mạng miền nam phát triển, đánh bại các chiến lược chiến tranh của Mỹ.

Vai trò nổi bật của ông trong sứ mệnh tư lệnh các chiến dịch và Tổ trưởng Tổ Trung tâm nghiên cứu đề xuất "Kế hoạch chiến lược giải phóng miền nam" thông qua Bộ Chính trị vào đầu năm 1975 cùng những đề xuất đòn đánh tiêu diệt địch ở Ðà Nẵng; thành lập Cánh quân Duyên hải tiến công trong hành tiến thần tốc theo Ðường số 1 ở hướng đông tiến thẳng vào Sài Gòn, cho cánh quân này nổ súng trước giờ G; chỉ huy Mặt trận hướng đông tập trung hỏa lực khống chế Sài Gòn, cùng các bộ phận nhanh chóng đập tan chính quyền trung ương Việt Nam Cộng hòa... đã góp phần quan trọng đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta đến toàn thắng, thống nhất đất nước.

Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh tại căn cứ Tà Thiết - Lộc Ninh, trong đó Trung tướng Lê Đức Anh là Phó Tư lệnh cùng với các đồng chí Thượng tướng Trần Văn Trà, Trung tướng Đinh Đức Thiện và Trung tướng Lê Trọng Tấn (1975).

Sau này, ông cùng Bộ Tổng Tham mưu tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với Ðảng, Nhà nước, quân đội tiếp tục bổ sung phát triển đường lối, chủ trương, chiến lược, sách lược, kế hoạch bảo vệ Tổ quốc; điều chỉnh thế bố trí chiến lược và phòng thủ đất nước; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và lực lượng vũ trang nhân dân; xây dựng quân đội; quản lý nhà nước về quân sự, quốc phòng; phát triển đối ngoại quân sự, quốc phòng và khoa học, nghệ thuật quân sự; công tác nhà trường quân đội... Ðồng thời, cùng Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng hiện thực hóa các vấn đề đó trên thực tiễn.

Dày dạn kinh nghiệm trận mạc, Ðại tướng còn là một nhà lý luận quân sự xuất sắc, luôn khiêm tốn và cầu thị. Những nghiên cứu, tổng kết từ chính cuộc đời của Ðại tướng về cả thành công lẫn chưa thành công trong kháng chiến và hòa bình, lãnh đạo và chỉ đạo chiến tranh; công tác chính trị và tác chiến; xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân, các đơn vị chủ lực, quân binh chủng và cơ quan tham mưu; phát triển nền khoa học và nghệ thuật quân sự cách mạng; xây dựng hậu phương và bảo đảm hậu cần - kỹ thuật; công tác nhà trường và huấn luyện cán bộ... thật sự là những công trình lý luận quân sự đầy sáng tạo và giàu tính thực tiễn, trở thành tài sản quý báu cho quân đội và nhân dân ta.

Trích phóng sự: Lê Trọng Tấn - Một đời trận mạc. Nguồn: qpvn.vn

Ông luôn lấy thực tiễn kháng chiến, kinh nghiệm từ đồng chí, đồng đội, nhân dân để học tập, rèn luyện; đề cao tính kỷ luật và khả năng tư duy của chính mình... Với Ðại tướng, thắng địch đã khó nhưng thắng chính mình còn khó hơn: "Dũng cảm nhìn thẳng vào khuyết điểm của bản thân mình cũng khó khăn không kém trong chiến đấu"(1).

Trong mọi hoàn cảnh, ông luôn kiên định với con đường đã chọn; dám đương đầu với khó khăn thử thách, đối diện với sự thật; sâu sát thực tiễn, giữ nghiêm kỷ luật, không chủ quan, tự kiêu tự mãn; luôn quyết tâm, bền bỉ, gắng sức; biết cách nắm, hiểu sâu về địch; đặt sự vật hiện tượng quân sự trong toàn cục để đánh giá và có kế sách xử lý đúng. Theo ông, thành công chỉ đến khi có quyết tâm và sự sáng tạo trong hành động kiên quyết thực hiện bằng được quyết tâm đó...

"Dũng cảm nhìn thẳng vào khuyết điểm của bản thân mình cũng khó khăn không kém trong chiến đấu"

Ðại tướng Lê Trọng Tấn

Suốt cuộc đời tham gia cách mạng, tên tuổi Lê Trọng Tấn gắn liền với các chiến thắng Việt Bắc, Sông Thao, Biên giới, Trung du, Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào và Chiến dịch Ðiện Biên Phủ lịch sử trong kháng chiến chống thực dân Pháp; gắn liền với chiến thắng Bình Giã, Ðồng Xoài, Ba Gia, Bàu Bàng - Dầu Tiếng, Gian-xơn Xy-ty, Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Chiến dịch Ðường 9 - Nam Lào, Trị Thiên, Huế, Ðà Nẵng và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; với thắng lợi của hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới tây nam và biên giới phía bắc.

Nhớ về Ðại tướng, chúng ta học tập ở ông tấm gương sáng trong của người cộng sản, người thực hiện xuất sắc những ý đồ chiến lược quân sự, chính trị của Ðảng, Bác Hồ và quân đội. Ðại tướng Võ Nguyên Giáp, người anh cả của quân đội ta đã khẳng định: "Ðại tướng Lê Trọng Tấn là người chỉ huy dũng cảm và sáng tạo, mưu lược và quyết đoán, có ý thức trách nhiệm và ý thức tổ chức kỷ luật rất cao, trong hoàn cảnh gay go phức tạp thế nào, đồng chí cũng tìm cách khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ(2).

---------------------------

(1) Ðại tướng Lê Trọng Tấn - Tổng tập, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2007, tr.125.

(2) Ðại tướng Lê Trọng Tấn, nhà quân sự tài giỏi, đức độ, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội. 2010, tr.11

Nội dung: Thượng tướng Nguyễn Thành Cung
Ảnh: QĐND; TTXVN
Trình bày: Thi Uyên - Tạ Lư