Nhìn lại
những “đại án” của năm 2021
Năm vừa qua tiếp tục là một năm Đảng, Nhà nước quyết liệt thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng. Nhiều vụ đại án kinh tế, tham nhũng đã được phát hiện, đấu tranh, điều tra, truy tố và đưa ra xét xử, hàng loạt cán bộ chủ chốt, nguyên là lãnh đạo cấp cao vi phạm bị xử lý hình sự với những bản án nghiêm khắc.
Nguyên Bộ trưởng Công thương lĩnh án 11 năm tù
Dưới sự sát sao của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo), các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã nhanh chóng hoàn tất quá trình điều tra truy tố để đưa ra xét xử, đem lại niềm tin trong nhân dân cả nước.
Một trong những vụ việc gây chấn động nhất đầu năm 2021 là đưa ra xét xử vụ án Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" xảy ra tại Bộ Công Thương và Tổng Công ty Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) liên quan đến dự án 2-4-6 Hai Bà Trưng, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
Qua quá trình xét xử, Tòa sơ thẩm đã tuyên phạt các bị cáo: Vũ Huy Hoàng, nguyên Bộ trưởng Công thương 11 năm tù; Phan Chí Dũng, nguyên Vụ trưởng Công nghiệp nhẹ, Bộ Công thương 9 năm tù, cùng về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Ngoài ra, hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Nguyễn Hữu Tín, nguyên phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh 6 năm 6 tháng tù về tội Vi phạm các quy định về quản lý đất đai, cộng với 7 năm tù trong bản án trước đó, bị cáo Tín phải chịu tổng hình phạt chung là 13 năm 6 tháng tù. Các bị cáo còn lại trong vụ án bị tuyên phạt từ 30 tháng tù cho hưởng án treo đến 5 năm tù giam về tội Vi phạm các quy định về quản lý đất đai.
Bản án nêu rõ, Sabeco được giao khu đất tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng (diện tích 6.080m2) dùng sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp và nộp tiền thuê đất hằng năm. Nhưng nguyên Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng cùng các đồng phạm đã có ý kiến chỉ đạo về việc Sabeco góp vốn bằng quyền sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng và tiền của Sabeco để thành lập liên doanh Sabeco Pearl đầu tư thực hiện dự án "Xây dựng khách sạn sáu sao, trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị, hội thảo và văn phòng cho thuê" tại khu đất trên. Sau khi Sabeco thực hiện xong các thủ tục pháp lý đầu tư, trong đó có việc bổ sung chức năng officetel (mô hình kết hợp văn phòng cho thuê với khách sạn) và căn hộ ở cho dự án, Bộ Công thương chỉ đạo công ty này thoái toàn bộ vốn góp. Các hành vi trên dẫn tới hậu quả quyền quản lý, sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng bị chuyển từ doanh nghiệp nhà nước sang tư nhân trái pháp luật, gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng của nhà nước.
35 bị cáo lĩnh án tù vì làm đường cao tốc kém chất lượng
Vụ án vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại dự án đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi là một trong số các vụ án được Ban Chỉ đạo theo dõi, đôc đốn kể từ khi phát hiện dấu hiệu sai phạm cho đến khi vụ án được đưa ra xét xử.
Đầu tháng 12/2021, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên án đối với 35 bị cáo trong vụ án xảy ra tại dự án đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi. Theo đó, Tòa sơ thẩm tuyên phạt các bị cáo: Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) 7 năm tù; Lê Quang Hào, nguyên Phó Tổng Giám đốc VEC 6 năm tù; Hoàng Việt Hưng (Nguyên Giám đốc Ban quản lý dự án đường cao tốc) 8 năm 6 tháng tù cùng về tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng. 32 bị cáo khác trong vụ án chịu mức án từ 24 tháng tù treo đến 5 năm 6 tháng tù giam cùng về tội danh nêu trên.
Về trách nhiệm dân sự, tòa không buộc các bị cáo phải bồi thường, mà buộc các nhà thầu thi công liên đới bồi thường cho VEC số tiền hơn 811 tỷ đồng. Trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Mạnh Hùng và Lê Quang Hào được phân công phụ trách dự án nhưng không thực hiện nhiệm vụ được giao. Hai bị cáo đã để xảy ra nhiều sai phạm trong quá trình nghiệm thu cơ sở, gây thiệt hại số tiền lớn. Còn nhóm bị cáo thuộc nhà thầu và đơn vị tư vấn giám sát đã thực hiện không bảo đảm đúng yêu cầu kỹ thuật của dự án, chịu trách nhiệm liên đới.
Theo bản án, dự án đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi do VEC làm chủ đầu tư có tổng chiều dài toàn tuyến hơn 139 km. Giai đoạn 1 của dự án dài 65 km, từ thành phố Đà Nẵng đến thành phố Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) gồm 7 gói thầu thi công đường và 1 gói chủ yếu thi công cầu.
Trong năm đầu tiên khai thác sử dụng, đoạn đường thuộc giai đoạn 1 xuất hiện 380 điểm hư hỏng trên mặt đường bê-tông nhựa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc vận hành khai thác, an toàn khi tham gia giao thông và gây bức xúc dư luận. Căn cứ kết quả giám định và các tài liệu khác xác định tất cả 7 gói thầu không bảo đảm chất lượng so với tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu thiết kế dự án.
Đại án buôn lậu ở Công ty Nhật Cường
Tháng 5/2021, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên án sơ thẩm 14 bị cáo trong vụ án buôn lậu; vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (Công ty Nhật Cường).
Theo đó, Tòa đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Bảo Ngọc (SN 1980, Giám đốc Tài chính Công ty Nhật Cường) 10 năm tù về tội “Buôn lậu”, 4 năm tù về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, tổng hợp hình phạt chung đối với bị cáo Ngọc là 14 năm tù. Bị cáo Nguyễn Thị Bích Hằng (SN 1972, Kế toán trưởng của Công ty Nhật Cường) bị phạt 3 năm 6 tháng tù về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”. 12 bị cáo còn lại trong vụ án bị tuyên phạt từ 4 năm tù đến 13 năm tù cùng về tội “Buôn lậu”.
Tại buổi tuyên án, Hội đồng xét xử nêu rõ, đây là vụ án có sự tổ chức, câu kết giữa các bị cáo trong việc thực hiện hành vi phạm tội. Trong đó, bị can Bùi Quang Huy (Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường, hiện đang bị truy nã) là người tổ chức, chủ mưu, cầm đầu, điều hành toàn bộ hoạt động buôn lậu và gian lận kế toán tại Công ty Nhật Cường. Bùi Quang Huy cùng các đồng phạm đã thực hiện việc vận chuyển trái phép hàng hóa để buôn lậu.
Hành vi của các bị cáo là rất nghiêm trọng, đã xâm phạm đến trật tự trị an, an toàn quản lý kinh tế của Nhà nước trong lĩnh vực xuất - nhập khẩu, gây thất thu cho ngân sách nhà nước, gây rối loạn thị trường. Hành vi đó còn gây bất bình, phẫn nộ trong dư luận quần chúng nhân dân nên cần phải được xử lý thật nghiêm minh.
Tiếp tục làm rõ được các vụ án có hành vi đưa và nhận hối lộ
Nếu như trước đây, để điều tra, truy tố được tội danh đưa và nhận hối lộ, cơ quan điều tra thường gặp khó khăn thì trong những năm gần đây những đại án về đưa và nhận hối lộ đã được làm rõ và đưa hàng loạt đối tượng là cán bộ cấp cao ra truy tố.
Đầu tháng 11/2021, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên án sơ thẩm đối với ba bị cáo là Phan Văn Anh Vũ, Nguyễn Duy Linh và Hồ Hữu Hòa trong vụ án “đưa hối lộ, nhận hối lộ; môi giới hối lộ”. Theo đó, qua quá trình xét xử, hội đồng xét xử quyết định tuyên phạt bị cáo Nguyễn Duy Linh, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Tình báo (Bộ Công an), 14 năm tù về tội nhận hối lộ. Tuyên phạt bị cáo Phan Văn Anh Vũ, 7 năm 6 tháng tù về tội đưa hối lộ. Đây là bản án thứ 5 đối với Phan Văn Anh Vũ, tổng hình phạt phải chấp hành của bị cáo này là 30 năm tù.
Trước đó, bị cáo đã nhiều lần bị xét xử về các tội danh khác nhau. Tuyên phạt bị cáo Hồ Hữu Hòa, 2 năm 7 tháng 25 ngày tù, thời hạn chấp hành án phạt tù tính từ ngày 12/3/2019 về tội môi giới hối lộ. Hội đồng xét xử cho biết, bị cáo Hòa đã chấp hành xong hình phạt tù, cho nên tuyên bố trả tự do cho bị cáo tại tòa. Ngoài ra, Hội đồng xét xử cũng buộc bị cáo Linh phải nộp lại 5 tỷ đồng (tiền nhận hối lộ) sung công quỹ nhà nước. Về số tiền này, hội đồng xét xử cho biết bị cáo Linh đã nộp lại.
Tại phần tuyên án, hội đồng xét xử nhận định hành vi của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức, gây bất bình trong dư luận nên cần phải có mức hình phạt tương xứng với hành vi phạm tội của các bị cáo.
Riêng đối với bị cáo Nguyễn Duy Linh là cán bộ cao cấp trong ngành công an, nắm rõ các quy định của pháp luật nhưng vì lý do cá nhân, bị cáo đã có sai phạm nghiêm trọng. Tại phiên tòa, bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội, tự nguyện nộp 5 tỷ đồng khắc phục hậu quả, cho nên hội đồng xét xử coi đây là tình tiết giảm nhẹ. Bản thân bị cáo cũng là người có nhiều thành tích, đóng góp cho ngành Công an.
Theo bản án, bị cáo Vũ là thuộc cấp của ông Linh ở Tổng cục Tình báo, Bộ Công an. Năm 2017, Vũ biết đang bị điều tra trong vụ án cố ý làm lộ bí mật Nhà nước nên nhờ Hồ Hữu Hòa giới thiệu gặp ông Linh để đưa tiền hối lộ và xin giúp đỡ. Sau đó, nhờ thông tin tiết lộ từ ông Linh, Phan Văn Anh Vũ bỏ trốn sang Singapore nhằm trốn tránh việc bị điều tra.
Thua lỗ hơn 500 tỷ đồng tại Dự án Ethanol Phú Thọ
Tòa án nhân dân TP Hà Nội tuyên án các bị cáo trong vụ án "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ (Ethanol Phú Thọ). Bị cáo Ðinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) bị tuyên phạt 11 năm tù về tội "vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng".
Tổng hợp với bản án trước đó, hình phạt chung áp dụng đối với bị cáo Ðinh La Thăng là 30 năm tù. Bị cáo Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) bị tuyên án 10 năm tù về tội "vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" và 8 năm tù về tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Tổng hợp với các bản án trước đó, hình phạt chung đối với bị cáo Trịnh Xuân Thanh là tù chung thân.
Trong số 10 bị cáo còn lại trong vụ án, có chín bị cáo chịu mức án từ 24 tháng đến 17 năm tù (một số bị cáo tổng hợp với bản án trước đó), một bị cáo chịu mức án 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Tại buổi tuyên án, Hội đồng xét xử nhận định, các bị cáo trong vụ án đã vi phạm nghiêm trọng trong quá trình thực hiện đầu tư xây dựng Nhà máy Ethanol Phú Thọ, khiến dự án bị dừng thi công giữa chừng dù chưa có bất cứ hạng mục nào hoàn thành, gây thiệt hại hơn 543 tỷ đồng cho Công ty cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB).
Trong đó, bị cáo Ðinh La Thăng với vai trò người đứng đầu PVN, Trưởng Ban Chỉ đạo dự án nhiên liệu sinh học, mặc dù biết PVC không đủ năng lực, kinh nghiệm, thậm chí tình hình tài chính đang thua lỗ nhưng vẫn dùng ảnh hưởng của mình chỉ định thầu cho công ty này. Bị cáo còn chủ trì các cuộc họp, chỉ đạo, gây sức ép để các bị cáo khác hoàn tất hồ sơ chỉ định thầu cho liên danh của PVC.
Về phía mình, Trịnh Xuân Thanh với vai trò đứng đầu PVC biết rõ liên danh của công ty mình không đủ năng lực nhưng vẫn tiếp nhận sự chỉ đạo của bị cáo Thăng dẫn tới những sai phạm nghiêm trọng. Hội đồng xét xử cũng xác định, điểm mấu chốt trong vụ án này ở chỗ, ban đầu dự án được tổ chức đấu thầu rộng rãi, nhưng trên cơ sở chỉ đạo của bị cáo Thăng và một số bị cáo, dự án cuối cùng lại được chỉ định thầu cho liên danh của PVC.
Ðáng chú ý, hồ sơ yêu cầu được lập không đúng quy định pháp luật dẫn tới không lựa chọn được nhà thầu đủ năng lực.
Thất thoát hơn 830 tỷ đồng tại dự án Gang Thép
Là một trong những “đại án” kinh tế có số tiền thiệt hại lớn, năm 2021, 19 bị cáo trong vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO) đã được đưa ra xét xử nghiêm minh.
Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Trần Trọng Mừng, nguyên Tổng giám đốc TISCO 9 năm 6 tháng tù; Trần Văn Khâm, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc TISCO 8 năm 6 tháng tù; Mai Văn Tinh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị VNS 6 năm tù; Đậu Văn Hùng, nguyên Tổng Giám đốc VNS 3 năm tù, cùng về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Các bị cáo còn lại bị tuyên phạt từ 18 tháng tù, cho hưởng án treo đến 8 năm tù về các tội danh "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. áo trạng vụ án xác định, 2007, TISCO làm chủ đầu tư dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 với tổng mức đầu tư dự kiến 3.843 tỷ đồng. VNS giữ vai trò chỉ đạo, kiểm soát, đơn vị trúng thầu là Tập đoàn Khoa học công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC).
Tháng 7/2007, Trần Trọng Mừng đã ký hợp đồng EPC với đại diện của MCC. Giá trị hợp đồng hơn 160 triệu USD, là giá trọn gói không thay đổi trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng. Thời gian thực hiện hợp đồng được ấn định là 30 tháng. Tuy nhiên, sau hơn 11 tháng khởi công xây dựng, MCC tự ý dừng hợp đồng, rút hết người về nước trong khi chưa hoàn thành thiết kế chi tiết các hạng mục, chưa lựa chọn và ký được hợp đồng với nhà thầu phụ, chưa triển khai thi công bất kỳ hạng mục nào của gói thầu nhưng lại có nhiều văn bản gửi TISCO đề nghị kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng. Không những thế, MCC còn có văn bản đề nghị điều chỉnh giá hợp đồng EPC với tổng chi phí tăng thêm là hơn 138 triệu USD không có cơ sở.
Với chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, bị cáo Trần Trọng Mừng và Mai Văn Tinh cùng một số bị cáo trong vụ án đã không xem xét, chỉ đạo dừng, chấm dứt hợp đồng, thu hồi tiền tạm ứng, áp dụng điều khoản phạt hợp đồng, báo cáo người có thẩm quyền xem xét để hủy đấu thầu và tổ chức đấu thầu lại theo quy định để bảo đảm hiệu quả và tiến độ của Dự án, mà lại chỉ đạo thực hiện các hành vi phạm pháp luật về đầu tư, vi phạm Hợp đồng EPC để tiếp tục thực hiện hợp đồng.
Các vi phạm này chính là nguyên nhân dẫn đến dự án chậm tiến độ, làm phát sinh tăng lãi vay, tăng chi phí đầu tư, gây thất thoát, lãng phí đặc biệt nghiêm trọng. Hành vi của các bị cáo được xác định đã gây thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước hơn 830 tỷ đồng.
Vi phạm sử dụng đất đai xảy ra tại Công ty xây dựng Tân Thuận
Tháng 8/2021, Cơ quan An ninh điều tra, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị Viện Kiểm sát Nhân dân cùng cấp truy tố 10 bị can gồm: Tất Thành Cang (nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh); Trần Công Thiện (nguyên Tổng Giám đốc Công ty xây dựng Tân Thuận); Nguyễn Văn Minh (nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty xây dựng Tân Thuận); Trần Tấn Hải (nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty); Nguyễn Thị Ngọc Bích (nguyên Kế toán trưởng Công ty); Nguyễn Hoàng Việt (nguyên kiểm soát viên Công ty); Nguyễn Xuân Tùng (nguyên Trưởng phòng Kinh doanh tổng hợp); Phạm Văn Thông (nguyên Phó Chánh Văn phòng Thành ủy); Huỳnh Phước Long (nguyên Trưởng phòng Quản lý đầu tư kinh doanh vốn, Văn phòng Thành ủy); Phan Thanh Tân (nguyên Phó Chánh Văn phòng Thành ủy) cùng về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí”.
Theo kết luận điều tra, bị can Trần Công Thiện đã có hành vi tổ chức và thực hiện không đúng quy định về xây dựng giá dẫn đến giá trị chuyển nhượng phần đất đã đền bù tại Dự án khu dân cư Phước Kiển không bảo đảm nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch gây thất thoát số tiền hơn 167,8 tỷ đồng.
Tại Dự án khu dân cư Ven sông, bị can Thiện có sai phạm trong việc chuyển nhượng 45% trong 55% vốn góp không đúng quy định dẫn đến giá chuyển thấp, gây thiệt hại gần 61,6 tỷ đồng và hơn 18,5 tỷ đồng (thiệt hại thời điểm hoán đổi 10% vốn góp còn lại tại Dự án khu dân cư Ven sông ) - nguồn vốn của Đảng bộ Thành phố tại Công ty. Bị can Nguyễn Văn Minh đã có hành vị họp bàn, thống nhất giá chuyển nhượng với Trần Công Thiện và trực tiếp ký văn bản gửi Văn phòng Thành ủy xin chủ trương chuyển nhượng 45% trong 55% vốn góp với giá được xây dựng không đúng quy định.
Các bị can còn lại là cán bộ Công ty xây dựng Tân Thuận cũng bị đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự liên quan đến hành vi trên. Bị can Tất Thành Cang, cựu Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đã có hành vi không báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy mà tự ý cho chủ trương để cấp dưới thực hiện chuyển nhượng phần đất đã đền bù tại Dự án khu dân cư Phước Kiển với giá được xây dựng không đúng quy định dẫn đến giá trị chuyển nhượng thấp, gây thất thoát số tiền hơn 167,8 tỷ đồng của Đảng bộ Thành phố tại Công ty.
Các bị can Phạm Văn Thông, Phan Thanh Tân, Huỳnh Phước Long có trách nhiệm cùng với bị can Tất Thành Cang. Vụ án này hiện vẫn đang tiếp tục được điều tra mở rộng. Mới đậy, Viện Kiểm sát yêu cầu Cơ quan An ninh điều tra tiếp tục điều tra, xác định và kết luận về trách nhiệm của các cá nhân thuộc Công ty Quốc Cường Gia Lai trong vụ án.
“Thổi giá” các bộ Kit xét nghiệm Covid-19
Trong năm 2021, hàng loạt các vụ án vi phạm về đấu thầu trong lĩnh vực y tế đã được phát hiện điều tra truy tố như vụ việc xảy ra ở Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tim Hà Nội. Đặc biệt là vụ việc bắt giam Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Chưa dừng lại ở đó, những ngày cuối năm 2021, dư luận xã hội tiếp tục xôn xao khi Cơ quan điều tra của Bộ Công an tiếp tục phanh phui vụ án “thổi giá” Kit xét nghiệm Covid-19.
Theo đó, Công ty Việt Á do Phan Quốc Việt thành lập, giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc, người đại diện pháp luật. Tháng 4/2020, Công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành cho sản phẩm Kit xét nghiệm Covid-19. Đến nay, Công ty Việt Á đã cung ứng Kit xét nghiệm Covid cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước với doanh thu gần 4.000 tỷ đồng.
Kết quả điều tra bước đầu, Phan Quốc Việt và các đối tượng là lãnh đạo chủ chốt Công ty Việt Á khai nhận: Quá trình kinh doanh và tiêu thụ Kit xét nghiệm Covid-19 do Công ty Việt Á sản xuất, lợi dụng tính cấp bách về nhu cầu test Covid-19 của các địa phương trên cả nước, sản phẩm Kit test Covid-19 thuộc danh mục được áp dụng hình thức Chỉ định thầu rút gọn nên Phan Quốc Việt đã chủ động cung ứng thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế trước cho các Bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố sử dụng.
Sau đó, thông đồng với lãnh đạo các đơn vị này hợp thức hồ sơ Chỉ định thầu bằng cách Công ty Việt Á sử dụng các pháp nhân trong hệ thống (Công ty liên danh, Công ty con) lập hồ sơ chào hàng sản phẩm, xác nhận khống các báo giá... để hoàn thiện hồ sơ, ký hợp đồng, thanh quyết toán cho Công ty Việt Á theo giá do Công ty Việt Á đưa ra, cao hơn nhiều so với giá thành sản xuất.
Đồng thời, để được giao cung ứng trước thiết bị, vật tư y tế, tiêu thụ với số lượng lớn, tăng doanh thu lợi nhuận và được tạo điều kiện trong việc hoàn thiện hồ sơ, thanh quyết toán theo giá do Công ty Việt Á đề nghị, Phan Quốc Việt còn thỏa thuận, thống nhất, chi cho cán bộ, lãnh đạo các đơn vị mua hàng với số tiền rất lớn.
Để thu lợi nhuận bất chính và chi tiền ngoài hợp đồng, Phan Quốc Việt và các đối tượng của Công ty Việt Á đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào đưa vào thuyết minh cơ cấu giá xác định giá bán là 470.000 đồng/Kít; thỏa thuận và chi tiền % hợp đồng cho lãnh đạo Bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố trong quá trình cung cấp sản phẩm.
Đến nay, bước đầu Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã làm rõ sai phạm trong việc Công ty Việt Á bán Kit xét nghiệm Covid-19 cho CDC Hải Dương thông qua 05 hợp đồng với tổng giá trị 151 tỷ đồng, Phan Quốc Việt đã chi tiền % ngoài hợp đồng cho Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC Hải Dương số tiền gần 30 tỷ đồng.
Các cơ quan đã mở rộng điều tra, làm rõ bản chất hành vi chiếm đoạt, tham nhũng, khởi tố thêm nhiều bị can, trong đó có cả cán bộ cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang (có 10 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý); khởi tố mới nhiều vụ án lớn, nghiêm trọng, phức tạp như: Các vụ án xảy ra trong lĩnh vực y tế; vụ án xảy ra tại một số đơn vị thuộc Bộ tư lệnh Cảnh sát biển, Bộ đội biên phòng; các vụ án vi phạm quy định quản lý đất đai, quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước xảy ra tại Bình Dương, Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh... Đã khởi tố, điều tra nhiều vụ án tiêu cực xảy ra trong lĩnh vực giáo dục, lợi dụng dịch Covid-19 để trục lợi và sai phạm trong lực lượng chống tham nhũng./.
Chỉ đạo: NGỌC THANH
Tổ chức thực hiện: THẢO LÊ - GIAI THANH
Nội dung: LÊ TÚ
Trình bày: MINH DUY
Ảnh: Thời đại, VOV, Thanh Niên,...