
Chiến tranh cách mạng, hình tượng người lính hôm qua và hôm nay là mảng đề tài lớn, luôn chờ đợi và cả thách thức người làm nghệ thuật. Nhưng lớp văn nghệ sĩ thế hệ mới nếu tâm huyết, có ý thức dấn thân, có các điều kiện và phương pháp thực tế, trải nghiệm phù hợp, sẽ có được những sáng tác mới phục vụ xã hội. Một số văn nghệ sĩ thế hệ mới, thời gian qua có nhiều thành quả trong mảng đề tài đặc biệt này, đã chia sẻ với chúng tôi.
Từ góc nhìn và trải nghiệm với ngành nghệ thuật mình đang hoạt động, xin các anh chị chia sẻ về cái khó khi văn nghệ sĩ trẻ hoặc thế hệ mới tiếp cận đề tài chiến tranh cách mạng?

NSƯT, đạo diễn Lê Nguyên Đạt, Giám đốc Sân khấu Sen Việt TP Hồ Chí Minh
NSƯT, đạo diễn Lê Nguyên Đạt, Giám đốc Sân khấu Sen Việt TP Hồ Chí Minh
Yếu tố giáo dục lịch sử luôn cần thiết để soi rọi cho mọi người và cuộc sống hôm nay. Nhưng thật không dễ. Sân khấu đang thiếu các chuyên gia đi sâu vào mảng đề tài đặc biệt này. Tôi từng dàn dựng cho các bạn trẻ, nhưng nhiều bạn không sống qua thời chiến tranh nên khó lòng truyền tải được tinh thần nhân vật, không khí thời cuộc lúc bấy giờ. Thậm chí, nhận lời rồi nhưng có khi lại “chạy”, kể cả nghệ sĩ ngôi sao.
Mặt khác, việc sáng tác, dàn dựng cho mảng đề tài này cũng thường đòi hỏi mức đầu tư lớn. Trong khi khán giả hôm nay đang đòi hỏi nhiều hơn, sâu hơn ở cách kể, cách diễn cùng các yếu tố trang trí, kỹ thuật…

Trung tá, nhà thơ Phạm Vân Anh, cán bộ Cục Chính trị Bộ đội Biên phòng
Trung tá, nhà thơ Phạm Vân Anh, cán bộ Cục Chính trị Bộ đội Biên phòng
Tôi xin đưa một vài hạn chế để thấy cái khó về cách làm và cơ hội cho việc dấn thân vào mảng đề tài này. Thí dụ như nhiều trại sáng tác được mở nhưng thường ngắn hạn và mức độ thâm nhập vào thực tế đời sống người lính chưa sâu. Với riêng tác giả là người cầm bút trong quân đội thì thời gian, không gian cho sáng tác còn eo hẹp, do còn phải dành tâm sức cho các nhiệm vụ khác. Cũng một phần do đó mà cơ hội giao lưu, kết nối để nâng cao năng lực cầm bút còn ít.

Thượng tá, nhạc sĩ An Hiếu, Khoa Quản lý văn hóa, Trường đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội
Thượng tá, nhạc sĩ An Hiếu, Khoa Quản lý văn hóa, Trường đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội
Từ góc nhìn của bản thân, tôi cho rằng một nhạc sĩ khi tiếp cận mảng đề tài này là tương đối khó. Đó là việc nhiều nhạc sĩ gạo cội đã làm. Khán giả vẫn nghe thường xuyên những ca khúc đi cùng năm tháng với nhiều xúc cảm. Thế hệ sau sẽ viết gì để chinh phục không chỉ khán giả lớn tuổi mà cả lớp người trẻ tuổi nữa. Câu chuyện của anh, âm nhạc của anh có gì mới không hay lại sa vào lối mòn, kể những câu chữ cũ?
Vậy cũng từ thực tiễn của bản thân, các anh chị đã làm gì để vượt qua những khó khăn như thế?
Nhạc sĩ An Hiếu: Tôi cố gắng tìm tòi những điểm riêng cho sáng tác của mình. Ngoài cái chung rộng lớn, tôi đi vào nội tâm người chiến sĩ, thương binh, truyền tải những nét đời thường của họ, qua đó tạo nên cung bậc và sức hút. Nhưng bất cứ đề tài gì cũng phải có cảm xúc, trái tim nghệ sĩ phải rung động thì mới hay được, mới thoát khỏi chung chung, xưa cũ, hô hào khẩu hiệu. Nếu có điều kiện thì phải đi thực tế, tự phát hiện những điều mà mọi người không nhìn thấy. Cá nhân tôi rất tích cực khai thác thế mạnh của mình, trở thành người lính từ năm 18 - 19 tuổi, được hiểu lối sống, cách sống của bộ đội, được đi những nơi mà không phải ai cũng có điều kiện đến được, thí dụ như tôi đã 3 lần ra Trường Sa để thực tế sáng tác và có được những thu hoạch quý giá.
Nhạc sĩ An Hiếu tham gia một chương trình văn hóa nghệ thuật về người lính.
Nhạc sĩ An Hiếu tham gia một chương trình văn hóa nghệ thuật về người lính.
NSƯT Lê Nguyên Đạt: Như tôi và ê-kíp của mình chẳng hạn, thì khi dàn dựng nhiều vở có đề tài chiến tranh cách mạng như “Cõi thiêng”, “Tổ quốc nơi cuối con đường”, “Đồng chí”…, tôi kết hợp 3 thế hệ diễn viên có tuổi, trung và trẻ tuổi để có sự bổ khuyết, tạo tâm lý vững vàng hơn cho các bạn trẻ. Rộng hơn, vận dụng chương trình sân khấu học đường, tôi đưa các nghệ sĩ trẻ đến với học sinh, qua giao lưu, sinh hoạt sân khấu sẽ vỡ ra những vấn đề có tính báo động về lịch sử, về hiểu biết đối với mảng đề tài chiến tranh cách mạng. Thậm chí có nghệ sĩ còn “hốt hoảng” nhận ra mình đã thờ ơ, thiếu nhận thức về những vấn đề, mảng đề tài này.
Và nữa, chúng tôi quan tâm đến những sáng tạo mới. Đã 50 năm đất nước thống nhất, tôi muốn đưa cái nhìn mang tinh thần ái quốc, với ý nghĩa bảo vệ đất nước, lòng tự tôn của người Việt vào các tác phẩm. Đất nước đã hòa cùng thế giới, chúng ta nên phát huy mạnh mẽ tinh thần hòa hợp dân tộc, xóa bỏ hận thù, thể hiện sự gắn kết trong một dân tộc nhân văn.
Nhà thơ Phạm Vân Anh: Từ thực tế công tác, sáng tác và những mối liên kết văn chương của mình, thời gian qua tôi xác định hỗ trợ, khích lệ các bạn viết trẻ. Hiện nay chúng tôi đang có phong trào Chiến sĩ Biên phòng viết, động viên các bạn tích cực sáng tác, gửi bài, cố gắng làm phong phú thêm đời sống tinh thần cho bộ đội. Tự tôi cũng giao cho mình nhiệm vụ góp ý, chỉnh sửa cho nhiều cây bút ở cơ sở gửi lên; hoặc liên hệ, trao đổi ý kiến với thủ trưởng đơn vị và hội văn học nghệ thuật ở tỉnh, đề nghị có sự hỗ trợ, tạo điều kiện sáng tác, giao lưu, tham dự trại viết cho các bạn đóng quân ở địa phương.
Trong các đợt tổ chức đi thực tế sáng tác, thì cũng từ bất cập như đã chia sẻ, chúng tôi xây dựng trước hệ thống đề tài và gợi ý, giới thiệu về câu chuyện, nhân vật, nhân chứng… ở một số đơn vị, cơ sở khác nhau để các tác giả chọn lựa, sau đó tạo điều kiện cho tác giả đi sâu, làm việc kỹ theo các mũi. Thậm chí còn “tính toán” cả phong cách, “tạng văn” của các cây bút để gợi ý, đề nghị những đề tài phù hợp.
Nhà thơ Phạm Vân Anh cùng trẻ em miền núi trong một chuyến đi công tác.
Nhà thơ Phạm Vân Anh cùng trẻ em miền núi trong một chuyến đi công tác.
Thực tế hoạt động sáng tạo mà các anh chị phản ánh cũng cho thấy đã có rất nhiều thế hệ cầm bút, viết nhạc, dàn dựng tác phẩm về chiến tranh cách mạng, hình tượng người lính. Các anh chị có thể gợi ý một số đề tài còn đang chờ đợi các văn nghệ sĩ?
Nhà thơ Phạm Vân Anh: Cá nhân tôi khi đi công tác, thực tế sáng tác thơ, văn, ký, làm phim tài liệu và cả tham gia tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật, chính luận ở nhiều địa bàn, đơn vị, tôi thấy còn rất nhiều vấn đề, sự kiện, chi tiết trong quá trình hoạt động cách mạng của các vị tiền bối mà chúng ta cần tiếp tục khai thác, chuyển tải thành tác phẩm.
Ngay với hình ảnh người lính hiện nay thì đã có rất nhiều nét thay đổi, mới, khác. Nhiều bạn lính trẻ năng động, tinh thông công nghệ, ngoại ngữ, có khi có những hy sinh mà bề ngoài không thấy được. Thậm chí, người lính cũng có những thách thức nội tại, có phút yếu lòng, xao động, bồng bột… Rồi người lính làm các nhiệm vụ trinh sát, dân vận hay phòng chống tội phạm ma túy… cũng rất đa dạng, nhiều chi tiết hay trong công tác và đời thường, rất cần sự trải nghiệm, am hiểu của các văn nghệ sĩ.
NSƯT Lê Nguyên Đạt: Hiện Sân khấu Sen Việt đang dàn dựng tác phẩm “Người công dân số 1” về bác Tôn Đức Thắng. Đã có một số tác phẩm nghệ thuật về các nhà lãnh đạo nhưng vẫn có thể tìm tòi, phát hiện ra những ý tứ khác để xây dựng tác phẩm mới. Gần đây, tôi có đọc được truyện ngắn “Lá cờ máu” của nhà thơ “Tống biệt hành” - liệt sĩ Thâm Tâm đăng trên báo Thời Nay, viết về các chiến sĩ tử thủ giữ cột cờ Thủ Ngữ tại Sài Gòn năm xưa. Tôi thấy rất cuốn hút và sẽ liên lạc với gia đình bác Nguyễn Tuấn Khoa - con trai của nhà thơ, về việc khai thác truyện để xây dựng kịch bản. Như vậy, còn nhiều đề tài, câu chuyện hay có thể kể tiếp cho khán giả hôm nay.
Nhạc sĩ An Hiếu: Chiến tranh đã đi qua, chúng ta đã nói rất nhiều về những việc đã xảy ra ngoài chiến trường. Còn ở nơi hậu phương của người chiến sĩ, cũng đã được viết, được kể, được hát lên, nhưng vẫn còn nhiều nguồn thông tin, tài liệu, sự việc gợi cho chúng ta những phát hiện mới. Tôi đang tâm huyết với mảng đề tài này. Rồi đề tài về cuộc sống người lính trên mặt trận thời bình, mặt trận không tiếng súng, cũng nhiều cam go lắm! Rồi những người “lính số”, lính thuộc thế hệ 2K…
Tôi cũng muốn nói với các tác giả ngoài quân đội rằng, nhiều khi chúng tôi đã quen với môi trường của mình thì chưa chắc đã tìm ra cái mới. Còn mọi người ở ngoài đời khi lướt qua một chút có thể lại phát hiện ra những điều tâm đắc riêng. Hoặc nữa, đôi khi có thể ai đó còn ngần ngại do ít có điều kiện tiếp xúc, thâm nhập các nguồn tư liệu hay đời sống của người lính. Nhưng chúng ta đang ở trong thời đại công nghệ số, có rất nhiều tư liệu được tìm kiếm dễ dàng. Với các nhạc sĩ thì nguồn thơ ca, bút ký, truyện sáng tác về người lính rất dồi dào, tìm đọc sẽ giúp chúng ta có được nhiều cảm xúc, ca từ, nhiều ý tưởng gợi mở cho các giai điệu mới.
Xin cảm ơn và mong đón nhận nhiều tác phẩm mới của các anh chị!
Thực hiện: QUANG HƯNG
Trình bày: NGỌC TOÀN
Bài đăng trong Số đặc biệt kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, Báo Nhân Dân, tháng 4/2025