ĐIỆN BIÊN PHỦ - TRẬN THẮNG THẾ KỶ

ĐÁNH LẤN

Bấy giờ chiến dịch Điện Biên Phủ đã chuyển sang giai đoạn hai khá lâu. Quân Pháp đã lâm vào thế bị bao vây nguy ngập. Năm cao điểm phía đông đã bị quân ta chiếm bốn. Chỉ còn đồi A1 là hai bên ta và địch vẫn còn giằng co nhau liên tục ngày đêm. Về phía tây, những đồn ngoại vi như Căng Na, Bản Kéo đã ra hàng, đồn lê dương rút chạy, đồn 106 bị tiêu diệt. Các giao thông hào bao vây của ta đã tỏa ra, ôm chặt lấy khu trung tâm Mường Thanh. Những giao thông hào chiến đấu, trận địa tấn công ngày đêm vươn lên, thọc sâu mãi vào phía sân bay và khu chỉ huy sở địch.

Trung đoàn của tôi khi ấy ở mặt trận phía tây Mường Thanh. Bấy giờ tôi là đại đội phó thuộc tiểu đoàn chủ công. Sau khi tiêu diệt 106, trung đoàn chúng tôi được lệnh đào hào từ 106 tiến vào 206, một vị trí Âu - Phi rất mạnh bảo vệ sườn tây bắc của sân bay Mường Thanh, nhằm tạo điều kiện cho Bộ chỉ huy ta tung lực lượng vào đánh chiếm sân bay, cắt đường tiếp tế duy nhất và cũng là nguồn hy vọng cuối cùng của địch. Tôi còn nhớ khi nhận được nhiệm vụ này, đơn vị chúng tôi đang ở trong khu rừng gần chiếc máy bay phóng pháo hạng nặng bốn động cơ của địch bị cao xạ ta bắn rơi. Một buổi sáng, mây mù còn trắng rừng, vừa mới trỗi dậy khỏi lòng công sự trú ẩn, người còn ê ẩm vì hơi đất, ban chỉ huy đại đội chúng tôi đã được lệnh cấp tốc lên trung đoàn họp. Chúng tôi đoán ngay: Nhiệm vụ mới đã tới.

Điều dự đoán của chúng tôi không sai. Khi vừa mới đến khu lán và công sự trú ẩn của trung đoàn, chúng tôi đã thấy một đồng chí cấp trên ở Tổng cục Chính trị, người đậm, đeo kính trắng đang ngồi đợi, cùng đồng chí tư lệnh phó Đại đoàn và ban chỉ huy Trung đoàn chúng tôi.

Cuộc họp phổ biến nhiệm vụ rất gọn gàng, mau chóng nhưng không kém phần tỉ mỉ và cụ thể. Tôi còn nhớ đồng chí cấp trên, đeo kính trắng ấy (sau mới biết là đồng chí Lê Quang Đạo) nhắc đi nhắc lại quyết tâm của trên và dặn rất kỹ việc thực hiện đào hào đánh lấn, sáng tạo chiến thuật mới... Đồng chí Tư lệnh phó Đại đoàn cũng nhấn mạnh:

- Rút kinh nghiệm đánh đồi A1 của đơn vị bạn, vì không thực hiện được việc đào trận địa tiếp cận tấn công nên bị thương vong nhiều. Lại rút kinh nghiệm việc đánh 106 của trung đoàn các đồng chí đã có ý thức kiên trì đào hào tiến sát địch cho nên đỡ tốn xương máu, khi tấn công lại thuận lợi; cho nên lần này các đồng chí phải đào lấn sâu vào, càng lấn được bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu...

“Lấn sâu vào!”, “sáng tạo chiến thuật mới” tất cả đều là những vấn đề mới mẻ và to lớn đối với chúng tôi! Lấn tới đâu mới gọi là sâu? Tới hàng rào dây thép gai của địch đã gọi là lấn sâu chưa? Hay là, tùy thời cơ có thể thì đào chui hẳn qua rào, vào sát tận lô cốt địch? Và nếu làm được như vậy đã có thể gọi là sáng tạo một chiến thuật mới? - Những câu hỏi ấy quay lộn trong đầu óc chúng tôi. Đại đội trưởng Sĩ một mặt tỏ ra rất phấn chấn, nhưng mặt khác cũng không thể giấu được nỗi lo lắng.

Các đơn vị xung kích của bộ đội ta tấn công sân bay Mường Thanh và làm chủ sân bay từ chiều 22/4, cắt đứt đường tiếp tế cho Tập đoàn cứ điểm. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Các đơn vị xung kích của bộ đội ta tấn công sân bay Mường Thanh và làm chủ sân bay từ chiều 22/4, cắt đứt đường tiếp tế cho Tập đoàn cứ điểm. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Đêm hôm sau, chúng tôi được lệnh ra đào trận địa ngay. Suốt một ngày ròng rã, chúng tôi đã họp bàn trong Đảng, ngoài chính quyền rất cẩn thận và ráo riết động viên tinh thần chiến sĩ, tích cực kiểm tra việc mài lại xẻng cuốc.

Trời bắt đầu tối, chúng tôi nối nhau kéo ra khỏi rừng. Từ cửa rừng ra tới 106 đã có giao thông hào cũ nên đi tương đối mau. Nhưng khi đã vượt qua 106 thì chỉ có đồng trống, mặt ruộng phẳng, đầy cỏ dại. Bắt đầu từ đây mặt đất hoàn toàn như bí mật đối với chúng tôi. Có mìn hay không? Địch có ra phục kích hay không? Hoàn toàn chưa biết. Bao nhiêu cái bất ngờ đang chờ sẵn chúng tôi phía trước. Đấy là chưa nói chúng tôi sẽ ẩn nấp vào đâu để tránh những trận mưa thép lửa của địch? Chắc chắn chỉ còn có một cách duy nhất: đào cho nhanh, ai chưa đào sâu được thì nghiến răng lại, tạm nằm phơi lưng lên mà đào.

Nhưng rồi cũng vượt được qua những giây phút lo lắng ấy, tôi cùng các cán bộ cấp dưới đi động viên từng chiến sĩ, cổ vũ họ, chỉ dẫn cho họ, rồi rải quân ra thành một hàng dọc. Không phải là một hàng dọc đơn, mà là một hàng dọc kép: hai người thành một cặp, nằm sát nhau, và mỗi cặp cách nhau chừng năm thước. Phương pháp đào đã được quy định, hướng dẫn tỉ mỉ từ trong rừng trú quân: ai nhận được chỗ là cứ việc nằm đào ngay một hố nằm, rồi phát triển dần thành hố quỳ sau đến hố đứng. Tổ phía sau đào xong hố đứng, lập tức đào thông với tổ phía trên, nối thành giao thông hào. Cứ như vậy, theo lối cuốn chiếu, các tổ lần lần tiến lên mãi, và giao thông hào cũng do đó phát triển lên mãi.

Trong đơn vị tôi khi ấy có khá nhiều tân binh. Có nhóm được bổ sung về chừng một tuần, sau những ngày bao vây Bản Kéo. Có nhóm mới được chuyển về sau trận tiêu diệt 106. Thành phần anh em khá khác nhau: có anh là thanh niên xung phong đã từng lặn lội trên các tuyến đường hậu phương mặt trận. Có anh đã tham gia du kích chiến đấu ở địch hậu mới được đưa ra vùng tự do bổ sung cho bộ đội. Nhưng cũng có nhiều thanh niên vùng quê, do không chịu được o ép, nên xin với Đảng và chính quyền địa phương cho ra khu kháng chiến tòng quân. Như vậy, có anh em dạn dày ít nhiều với súng đạn, và cũng có anh em chưa hề “chạm trán” với địch lần nào. Tuy nhiên, phải nói rằng dù đã chiến đấu hay chưa, tất cả những anh em ấy đều rất bỡ ngỡ trên cái chiến trường quy mô rộng lớn và vô cùng ác liệt này. Mỗi khi những vạt lửa phụt tung dậy từ trong khu Mường Thanh, nhuộm đỏ cả trời đất, tiếp đó là những loạt đại bác nổ khủng khiếp từ nơi này tới nơi khác, là anh em chiến sĩ mới đều không khỏi hoảng hốt, hoặc nhiều hoặc ít. Đấy là chưa kể những khẩu liên thanh bốn nòng của địch thi nhau nhả đạn liên hồi. Và những chiếc máy bay phóng pháo bay ầm ầm suốt đêm, chốc chốc lại trút bom xuống như sét đánh.

Tất cả cán bộ đều bộ di chuyển từ đầu hàng quân xuống cuối để động viên, phổ biến kinh nghiệm và cùng dốc sức ra làm với chiến sĩ cho nên trận địa của chúng tôi đã hình thành khá mau chóng, mặc dầu anh em đều rất mệt mỏi. Gần sáng, chúng tôi mới trở về rừng. Đêm ấy còn giữ được bí mật và xa địch, cho nên quân số của chúng tôi vẫn toàn vẹn. Khi sáng bạch, chúng tôi nhìn rõ nhau, đều bật cười. Anh nào cũng lấm như vùi, bùn đất bê bết từ đầu tới chân, chỉ còn hở có hai con mắt. Tới một quãng suối gần cửa rừng, tôi cho bộ đội xuống rửa ráy. Chỉ trong loáng mắt, cả khúc suối đã đục ngầu. Quần áo ướt lướt thướt, chúng tôi kéo về khu trú quân, ăn vội ăn vàng được mấy miếng cơm rồi lăn ra ngủ. Có anh mệt quá chỉ uống được một hớp nước là đã kềnh ra gốc cây ngáy như sấm.

Đêm thứ hai, rồi đêm thứ ba... chúng tôi lại tiếp tục đi làm trận địa, lại phơi mình trên đồng trống rét buốt và đầy bom đạn. Nhưng rồi sáng sáng chúng tôi lại xẻng cuốc trên vai, lũ lượt kéo nhau về. Tuy có mỏi mệt, nhưng ai ai cũng tràn đầy niềm phấn khởi vì nhiệm vụ đêm qua đã hoàn thành vượt yêu cầu.

Lưỡi xẻng dùng đề đào hào trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Hiện vật tại Bảo tàng lịch sử Điện Biên Phủ. Ảnh: Thành Đạt

Lưỡi xẻng dùng đề đào hào trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Hiện vật tại Bảo tàng lịch sử Điện Biên Phủ. Ảnh: Thành Đạt

Cho đến khi giao thông hào của chúng tôi đã vươn đài được ước chừng ba trăm mét thì địch đánh hơi thấy và bắt đầu đối phó. Nếu như đây là một trận địa lẻ nào, ở một chiến trường khác mà địch còn đang chiếm ưu thế, thì chắc chắn chúng sẽ tập trung phi pháo lại bắn chúng tôi một cách khủng khiếp và rồi đem quân ra vây càn lập tức; và chúng tôi, nếu có giữ được trận địa cũng gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng ở đây lại khác 205 cũng như tất cả các vị trí của địch đều nằm trong thế chung của mặt trận: bị bao vây, bị khống chế mãnh liệt. Nói một cách khác: địch đã bị khóa chặt.

Lại nói thêm: không riêng gì địch ở 206 phát hiện thấy giao thông hào chiến đấu của quân ta tiến vào. Nhiều đồn khác cũng đang bị bao vây đang bị chiến hào tấn công uy hiếp như thế.

Và riêng cái 206 không phải bọn địch ở đây chỉ phát hiện thấy một mũi hào của đơn vị tôi tiến lại, mà còn thấy hai mũi của hai đơn vị khác nữa, một mũi của tiểu đoàn 84, một mũi của tiểu đoàn 89, hai tiểu đoàn này cũng ở trong trung đoàn tôi. Bởi thế sự phản ứng đối phó của địch cũng bị hạn chế trong một chừng mực nhất định. Chủ yếu, chúng chỉ dùng pháo binh, súng cối để bắn ra, cùng các cỡ liên thanh bắn thẳng.

Ảnh: TTXVN

Ảnh: TTXVN

Phút nghỉ ngơi của các chiến sĩ giữa hai trận đánh. Tuy gian khổ, khốc liệt nhưng các cán bộ, chiến sĩ của ta vẫn luôn lạc quan, yêu đời. Những lá thư nhà đọc cho đồng đội nghe trong chiến hào là nguồn cổ vũ tinh thần mãnh liệt, tiếp thêm sức mạnh cho các chiến sĩ vững tâm vượt qua khó khăn để chiến đấu.

Phút nghỉ ngơi của các chiến sĩ giữa hai trận đánh. Tuy gian khổ, khốc liệt nhưng các cán bộ, chiến sĩ của ta vẫn luôn lạc quan, yêu đời. Những lá thư nhà đọc cho đồng đội nghe trong chiến hào là nguồn cổ vũ tinh thần mãnh liệt, tiếp thêm sức mạnh cho các chiến sĩ vững tâm vượt qua khó khăn để chiến đấu.

Đến đêm thứ tư, khi chúng tôi vừa ra khỏi cửa rừng đã bị một loạt đạn đại bác chặn ngang đường. Khói bốc mù mịt, mảnh đạn lia vèo vèo. Chúng tôi không chần chừ, cùng giục giã nhanh chóng tiến thẳng lên, vượt qua lưới lửa ra trận địa. Tới đầu hào ngoài cùng, chúng tôi đã thấy ba, bốn ổ đại liên từ trong đồn bắn ra dữ dội. Đạn đan đi đan lại là là trên mặt đất. Có những dòng đạn lửa đỏ lừ.

Các cán bộ chúng tôi vội dàn đội hình đơn vị và cho bộ đội đào ngay. Đêm nay anh em đào khỏe khác thường. Địch càng bắn mạnh, anh em càng đào gấp. Chỉ trong khoảnh khắc, tất cả đơn vị chúng tôi đã chìm xuống mặt đất, trong những hố nằm, sâu chừng ba bốn mươi phân.

Đến lượt moócchiê trong đồn địch câu ra. Moócchiê quả là ác, nổ rầm rầm dọc chiến hào; mảnh đạn lao như mưa xuống mặt ruộng. Có những quả chỉ còn cách có gang tấc là “cả cái” đúng vào các hố cá nhân của chúng tôi. Mỗi lúc, moócchiê của địch một thêm nhiều. Đạn nổ hỗn loạn khắp trận địa. Khói khét sặc sụa.

Bị quân ta tấn công, địch ở các vị trí khu đồi C chạy toán loạn, các chiến sĩ xung kích của ta ở dưới các giao thông hào đang dùng súng trường bắn tỉa.

Bị quân ta tấn công, địch ở các vị trí khu đồi C chạy toán loạn, các chiến sĩ xung kích của ta ở dưới các giao thông hào đang dùng súng trường bắn tỉa.

Đôi lúc, tranh thủ giữa những loạt moócchiê, đại bác, tôi bò lên miệng hào quan sát thì thấy công việc của đại đội hầu như bị ngừng trệ hẳn. Đây đó đã có tiếng người kêu rên vì bị thương. Một đồng chí tiểu đội trưởng nào đang càu nhàu với anh y tá.

Lúc đó chi ủy Đảng cấp tốc hội ý ngay tại trận. Sau đó một nghị quyết được đưa ra phổ biến rộng rãi cho toàn thể chiến sĩ: “Địch bắn mạnh tức là biểu lộ sự hốt hoảng của chúng, không có gì đáng sợ. Phải kiên quyết tiếp tục nhanh chóng đào hào để tiêu diệt chúng. Tranh thủ, tận dụng mọi lúc địch ngừng bắn để tiếp tục làm việc!”.

Nghị quyết ấy đã làm cho cả đơn vị như sống dậy. Chi ủy chúng tôi còn nhắc nhở thêm cho anh em nắm vững và nhớ lại tầm quan trọng lớn lao của trận đánh “mở cửa" vào sân bay này. Đây là một khâu tối quan trọng trong việc cắt đứt cái “dạ dày” cuối cùng của Điện Biên Phủ.

Như tôi đã nói: Cả đơn vị tôi như sống dậy. Tôi lại nghe thấy tiếng xẻng cuốc rào rào quyết liệt, lại nghe thấy tiếng những người đảng viên, những chiến sĩ cũ cổ vũ, khích lệ những chiến sĩ mới hoặc những người còn do dự, thiếu bình tĩnh. Mũi hào của chúng tôi lại tiếp tục nhích lên mặc dầu có chậm hơn trước. Hơn lúc nào hết, trong tình huống này tôi càng cảm thấy rõ rệt tính chất kiên cường tuyệt vời của quân đội ta, dân tộc ta.

Hơn lúc nào hết, trong tình huống này tôi càng cảm thấy rõ rệt tính chất kiên cường tuyệt vời của quân đội ta, dân tộc ta.

Những khẩu đại liên vẫn phun lửa ra phè phè. Những khẩu cối vẫn thi nhau giã vào lưng chúng tôi, nhưng đã không thể gí sâu chúng tôi xuống đất bùn được nữa. Trong ánh lửa loè sáng liên tục, nhìn những gương mặt chiến sĩ bóng nhẫy mồ hôi đang rắn đanh lại, hàm răng nghiến chặt, mà lòng tôi xôn xao xúc động. Các chiến sĩ của chúng tôi vẫn tiếp tục kiên nhẫn moi đất tiến thẳng về phía quân thù. Còn phải tìm đâu xa, chính đây là hình ảnh của những người đầy tinh thần quyết chiến quyết thắng, với những chiến cụ bình thường, đang tiến lên áp đảo một đội quân xâm lược có trang bị tối tân, hiện đại. Chính ở đây: hình ảnh của cả một dân tộc bất khuất, gan góc lạ kỳ đang nghiến răng vật lộn với quân thù để giành lấy thắng lợi. Những hình ảnh ấy đang phơi bày ra rực rỡ trên từng thước đất đẫm máu và đầy mảnh gang, mảnh thép của Điện Biên Phủ.

"Con cúi" làm bằng rơm dùng để chắn đạn trong quá trình đào hào. Ảnh: Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ

"Con cúi" làm bằng rơm dùng để chắn đạn trong quá trình đào hào. Ảnh: Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sau đêm đó trở về, chi ủy Đảng chúng tôi lại tiếp tục họp bàn. Rồi sau đó một nghị quyết mới lại được phổ biến: “Một mặt tiếp tục phát huy tinh thần dũng cảm tuyệt vời của bộ đội, một mặt phải tìm mọi biện pháp an toàn làm giảm bớt thương vong cho đơn vị...”. Căn cứ trên nghị quyết ấy, chúng tôi đã nghĩ ra cách làm các mũ rơm và lá chắn rơm cho bộ đội mang đi đào trận địa. Mỗi tiểu đội còn phải làm thêm một con cúi, cũng bằng rơm bện, dài hai mét, đường kính một mét rưỡi, dùng để làm vật che đỡ phía trước, cản đạn thẳng của địch, cho bộ đội nối nhau đào hào ở phía sau. Sáng kiến ấy được toàn thể đơn vị rất thích. Chỉ trong một buổi chiều, tất cả các thứ trang bị đặc biệt ấy đã được làm xong.

Chúng tôi đã nghĩ ra cách làm các mũ rơm và lá chắn rơm cho bộ đội mang đi đào trận địa. Mỗi tiểu đội còn phải làm thêm một con cúi, cũng bằng rơm bện, dài hai mét, đường kính một mét rưỡi, dùng để làm vật che đỡ phía trước, cản đạn thẳng của địch, cho bộ đội nối nhau đào hào ở phía sau.

Trời đổ tối, chúng tôi lại lên đường. Các đại đội bạn không có nhiệm vụ ra đào hào, đứng đầy ở cửa rừng đưa tiễn chúng tôi. Những anh chàng vui nhộn hét lên inh ỏi: “Anh em ơi! Đội quân nhà trời! Đúng là một đội quân nhà trời!”. Quả là chúng tôi đội mũ rơm, mang lá chắn rơm, nom cũng kỳ dị và buồn cười thật!

Cánh đồng Mường Thanh lại hiện ra trước mặt chúng tôi, tối mù mịt. Pháo hiệu của địch chốc chốc lại vọt lên cao, chiếu sáng rực cả bầu trời. Các cỡ súng lại nổ vang dậy. Đạn lại trút xuống các đường hào của chúng tôi tới tấp.

Những con cúi rơm quả là có tác dụng tốt. Đào tới đâu, chúng tôi đẩy nó lăn lên tới đó. Nấp phía sau, chúng tôi cứ yên trí mà moi đất, khoét đất. Đạn thẳng của địch bắn vào rơm nghe như mưa rào mà không một đồng chí nào sây sát một mẩu da.

Đêm sau, rồi đêm sau nữa, chúng tôi vẫn dùng con cúi mầu nhiệm ấy, và đã tiến tới sát hàng rào dây thép gai thứ nhất của 206. Nghĩa là chúng tôi chỉ còn cách ụ súng đầu tiên của đồn địch chừng một trăm thước. Chúng tôi đã nom rõ lô châu mai, nom rõ các gờ chiến hào chi chít của địch, cùng các mái nhà bạt san sát ở trong trung tâm. Nhưng mặt khác, đêm ấy chúng tôi cũng ngạc nhiên nhận thấy con hào của chúng tôi bị co tụt lại tới gần năm mươi thước. Thì ra, ban ngày thừa khi chúng tôi rút cả vào rừng, địch đã cho quân ra lấp lại mất một đoạn. Đại đội trưởng Sĩ lên quan sát rồi nói:

- Cẩn thận! Trung đội 1 cho một tổ lên dò mìn. Tất cả bộ đội chuẩn bị sẵn sàng để chiến đấu và sẵn sàng tiếp tục đào hào.

Bộ đội ta vượt qua cầu Mường Thanh, tấn công vào Sở chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, chiều 7/5/1954.

Bộ đội ta vượt qua cầu Mường Thanh, tấn công vào Sở chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, chiều 7/5/1954.

Nhận lệnh, trung đội 1 cử một tiểu đội trưởng và hai chiến sĩ lên. Chỉ một lúc sau ba người này quay trở lại báo cáo đã gỡ xong mìn. Sĩ bèn ra lệnh cho bộ đội lên ngay, đồng thời yêu cầu cối của tiểu đoàn bắn chi viện, áp đảo những khẩu cối của địch trong đồn đang nhao nhao sủa. Moócchiê của ta rất khá. Đạn nổ đỏ lòe trong đồn, chụm chi chít vào khu trận địa pháo cối của địch. Trong khi đó bộ binh chúng tôi tiếp tục đào đất để khôi phục đoạn hào đã bị phá.

Một lúc sau đồng chí Duy Biên, một tiểu đội trưởng cứng của trung đội đi đầu quay lại báo cáo với Sĩ và tôi: Đã khôi phục được hoàn toàn quãng hào cũ. Người chiến sĩ đầu tiên đã chạm xẻng vào cọc rào của địch.

Sĩ ra lệnh tiếp tục đào luồn hẳn qua hàng rào địch. Không do dự gì nữa, tôi lên cùng với anh em ở đầu hào. Tôi cho anh em cắt bỏ những sợi dây thép gai sát mặt ruộng để khỏi vướng, rồi đào đáy chiến hào cho sâu thêm chút nữa.

Khó mà nói cho thật đúng những cảm giác của tôi khi đó. Lúc còn hì hục đào, dũi ở ngoài đồn địch, tuy cũng hồi hộp, nhưng giờ đây đi dưới giao thông hào chiến đấu, chui hẳn qua dây thép gai của địch, mới càng thấy bội phần xúc động, mới càng thấy cái quyết tâm và sự chỉ đạo của trên quả là sáng suốt, đồng thời cũng thấy chiến sĩ mình quả là gan góc phi thường và có đủ khả năng làm được tất cả mọi việc dù khó khăn, gian khổ, nguy hiểm đến bậc nào.

Khó mà nói cho thật đúng những cảm giác của tôi khi đó. Lúc còn hì hục đào, dũi ở ngoài đồn địch, tuy cũng hồi hộp, nhưng giờ đây đi dưới giao thông hào chiến đấu, chui hẳn qua dây thép gai của địch, mới càng thấy bội phần xúc động, mới càng thấy cái quyết tâm và sự chỉ đạo của trên quả là sáng suốt, đồng thời cũng thấy chiến sĩ mình quả là gan góc phi thường và có đủ khả năng làm được tất cả mọi việc dù khó khăn, gian khổ, nguy hiểm đến bậc nào.

Ban chỉ huy chúng tôi cũng nhận định: đêm trước địch đã ra lấp hào, nay đã đào vào vùng bãi dây thép gai nhất định địch sẽ còn ra và phải ra mạnh hơn nữa. Vì vậy chúng tôi cần phải có một trận địa để chiến đấu và cần phải có lực lượng để ở lại tại chỗ, giữ đường hào, không rút tất cả về rừng như trước. Ý định này của chúng tôi khi báo cáo lên cấp trên, được tiểu đoàn, trung đoàn đồng ý ngay.

Thế là chúng tôi ra lệnh cho anh em đào tỏa ra hai đường hào “râu tôm"', đồng thời kiến thiết cả những ụ súng máy, những trận địa súng cối, ụ ĐKZ, để có thể sẵn sàng chiến đấu. Mặt khác, chúng tôi cũng yêu cầu anh em làm cả những hầm trú ẩn rộng, có thế chứa được năm sáu người làm nơi nghỉ ngơi cho đơn vị phòng ngự ngoài trận địa.

Đến gần sáng, chúng tôi cho bộ đội rút trở về rừng như thường lệ, nhưng có khác là để lại một tiểu đội mạnh, được tăng cường hỏa lực.

Các chiến sĩ xung kích của ta đang tiến sát vào các vị trí của địch bằng giao thông hào, đồi Him Lam, ngày 13/3/1954.

Các chiến sĩ xung kích của ta đang tiến sát vào các vị trí của địch bằng giao thông hào, đồi Him Lam, ngày 13/3/1954.

Kể tới đây, có thể có đồng chí sẽ hỏi: sao để lại một lực lượng quá ít ỏi như vậy? Ban ngày địch ra sẽ nghiền nát cái tiểu đội này mất.

Tôi xin trả lời: các bạn hãy nhớ cho rằng, địch ở 206 này cũng như tất cả tập đoàn cứ điểm đang ở vào thế bị uy hiếp, bao vây chặt, như chúng tôi đã nói ở trên. Cho nên, chúng tôi dự đoán địch có ra ở mũi này, cũng chỉ nhiều nhất là một đại đội có tăng cường một hoặc hai xe tăng. Như vậy, một tiểu đội chúng tôi với hỏa lực mạnh, với tinh thần của người chiến thắng, có đủ sức để giữ vững trận địa.

Nếu bạn hỏi đến máy bay địch, tôi xin thưa: một đại đội cao xạ pháo đã kéo vào cánh đồng, ở ngay sau lưng chúng tôi không xa. Họ cũng đang thực hiện bao vây trên không, thu hẹp phạm vi hoạt động của máy bay địch; mặt khác, chúng tôi đã ở sát hàng rào rồi, muốn oanh tạc chúng cũng phải tính toán kỹ, không dễ gì đã dám thả bừa như ở những nơi khác.

Tôi xin kể tiếp: sau khi trao nhiệm vụ cho tiểu đội của đồng chí Duy Biên ở lại, chúng tôi ra lệnh cho các đồng chí đó: không để cho địch ra lấp hào. Muốn làm được nhiệm vụ này thắng lợi phải tìm cách “đánh chim sẻ” gây cho địch hoang mang rối loạn, giam chân chúng tại chỗ.

Cùng lúc đó, chúng tôi cũng nhận được mệnh lệnh của Bộ chỉ huy chiến dịch mở một phong trào thi đua bắn tỉa, tiêu hao quân địch trên toàn mặt trận (về sau càng đánh, chúng tôi càng nhận thấy rõ: việc bắn tỉa đã trở thành một vấn đề trọng yếu chiến thuật đánh lấn. Muốn đánh lấn phải bắn tỉa để góp phần gây hoang mang, tổn thất, giam chân địch, tạo điều kiện thuận lợi cho bộ đội tiếp tục đào hào vào sát địch).

Về sau càng đánh, chúng tôi càng nhận thấy rõ: việc bắn tỉa đã trở thành một vấn đề trọng yếu chiến thuật đánh lấn. Muốn đánh lấn phải bắn tỉa để góp phần gây hoang mang, tổn thất, giam chân địch, tạo điều kiện thuận lợi cho bộ đội tiếp tục đào hào vào sát địch.

Tiểu đội trưởng Duy Biên của chúng tôi là một người rất vững, qua mấy trận trước anh đều tỏ ra bình tĩnh, gan dạ và rất linh hoạt. Trong tiểu đội anh còn bốn cựu binh, cũng đều là những anh em chiến đấu giàu kinh nghiệm, xạ kích tốt. Những chiến sĩ mới của tiểu đội này cũng đều khá cả. Qua mấy đêm đào hào dưới hỏa lực địch có một anh bị thương nặng, nhưng tất cả những anh khác đều giữ vững được tinh thần, không hoang mang sợ hãi.

Trong số anh em mới này, có một anh nổi bật làm cho tôi chú ý ngay từ đêm đầu. Tên anh là Mùi, quê ở Hải Dương người nhỏ bé, nhưng rất tinh nhanh.

Hôm đầu tiên gặp cậu ta, tôi hỏi: “Ra khu kháng chiến cậu thích cái gì nhất?”. Mùi đáp ngay: “Báo cáo anh, thích nhất hai việc: một là được vào bộ đội, hai là thấy có giảm tô và cải cách ruộng đất. Như vậy, ít nữa giải phóng xong, nhà em nhất định thế nào cũng được chia ruộng...”.

Hỏi thêm mới biết: nhà Mùi rất khổ. Cha chết sớm, mẹ làm thuê làm mướn quanh năm, đói rách vất vả đã mấy đời. Đêm nào đi đào hào, Mùi cũng hăng hái xin được đi đầu. Tuy chưa hề “chạm trán” với địch lần nào, nhưng Mùi tỏ ra rất can đảm, táo bạo không hề sợ hãi. Anh ta lại còn luôn luôn động viên các bạn tân binh khác: “Sợ gì nó, cứ nom các anh cán bộ, các anh cựu binh kia kìa! Đã là người bộ đội cách mạng mà lại sợ thằng Tây à? Cố diệt cái Điện Biên này, ít nữa về giải phóng Hải Dương tha hồ mà sướng”. Duy Biên cũng rất mến Mùi, đi tới đâu đều dắt Mùi đi tới đó.

Nhằm thẳng quân thù, bắn!

Nhằm thẳng quân thù, bắn!

Hôm sau, ở lại trận địa, Duy Biên sắp xếp lại lực lượng. Anh cắt người thường trực ở vị trí để sẵn sàng chiến đấu, đồng thời tranh thủ mọi thời cơ bắn tỉa. Còn đại bộ phận anh bắt vào hầm ngủ lấy sức.

Thoạt đầu tiên các chiến sĩ còn bỡ ngỡ không hiểu bắn tỉa thế nào. Duy Biên bèn chỉ dẫn: hễ nom thấy bất cứ thằng địch nào trong đồn là bắn luôn. Nếu súng trường nom thấy trước thì súng trường bắn trước; nếu súng máy nom thấy trước, súng máy bắn trước; nếu cả hai, ba thứ súng cùng nom thấy, cùng bắn, cố nhiên nếu mục tiêu là một thằng địch đi lẻ thì không cần tốn phí đạn, nên nom nhau mà bắn. Còn trường hợp địch đi đông thì có khi cả súng cối cũng bắn. Để gây sự hào hứng tin tưởng, Duy Biên bố trí hai cựu binh là xạ thủ ra bố trí ngoài cùng. Anh cho cả Mùi cũng ra bố trí ở cạnh anh. Thoạt tiên nom thấy một thằng Pháp mặc “tạp dề” mang một lô cả mèn đi tất tưởi trên đồn. Duy Biên bảo một xạ thủ:

- Bắn đi.

Anh này ngần ngừ:

- Nó là cấp dưỡng, bắn làm gì!

Biên trợn mắt:

- Nó là cấp dưỡng, không là quân thù của anh à? Nó cấp dưỡng cho ai, nó là ai, anh nhớ không?

Anh xạ thủ vẫn ngần ngừ:

- Nhưng nhỡ bắn, lộ mục tiêu, nó dội moócchiê ra, chạy không kịp.

Sao lại không kịp! Trông đây!

Và tiếp ngay đó một phát đạn nổ nhọn hoắt. Tên Pháp mang cà-mèn trên đồn ngã lộn cổ xuống, kêu rống như bò. Cà-mèn rơi đổ loảng xoảng. Bắn xong phát đạn, Duy Biên rời ngay vị trí, chạy vụt sang chỗ khác. Bọn địch trong đồn hốt hoảng bắn tràn ra. Sau đó có lẽ có lệnh của tên chỉ huy, hai tên lê dương khác từ một ụ súng lớn thập thò như hai con chuột ngày rồi chạy vụt ra định khiêng thằng cấp dưỡng vào. Nhưng trong chớp mắt Duy Biên đã nã liên tiếp thêm hai viên. Cả hai tên lê dương đều ôm chặt lấy ngực, ngã nhào. Tiếng kêu la trong đồn càng nổi lên ầm ĩ.

Duy Biên lại nhanh chóng chuyển sang một vị trí mới. Mùi thích chí quá reo ầm lên. Biên phải ra hiệu cho anh ta bé mồm lại.

Vừa khi đó một tên, có lẽ là chỉ huy phó hoặc một sĩ quan nào đó, muốn tỏ ra can đảm để tác động tinh thần binh lính, từ trong một nhà bạt xồng xộc chạy ra, miệng la hét, chửi bới om xòm.

- Bắn đi! Mùi! Bắn đi! - Biên gọi giật giọng.

Mùi hồi hộp giương súng lên.

Nhắm cho tin! Mỗi viên là một quân thù - Biên cổ vũ.

'Tằng!”. Phát đạn nổ gắt. Tên sĩ quan địch kêu rú một tiếng như chó dại rồi gieo cả cái khối thịt nặng nề của nó xuống đất.

Hoan hô Mùi! Hoan hô Mùi! - Biên phấn khởi quá, ghé vào tai Mùi reo lên.

- Chuyển vị trí đi! Mau lên - Biên gọi tiếp.

Mùi nghe lời, vừa rời khỏi vị trí cũ được hai, ba phút thì một chùm moócchiê địch đã bổ xuống gần đúng nơi vừa phát ra tiếng súng trường làm tất cả bay lên mù mịt. Mùi thích chí cười lên khanh khách:

- Vừa tốn người, lại thêm cái tốn đạn nhá! Cả cái họ thực dân đế quốc nhà mày, phen này gọi là ăn cám ráo!

Một lúc sau Mùi lại tỉa thêm được một thằng pháo thủ khác vừa mới ở sau những ụ đất bao quanh khu pháo cối, ôm quần hớt hải chạy về phía khu nhà xí. Tiếp đó, hai anh xạ thủ của tiểu đội cũng tỉa được hai tên lê dương ở hai ổ súng máy vừa thò đầu lên để quan sát.

Thế là một không khí vui vẻ, phấn chấn tràn ngập cả trận địa. Anh nào cũng trở nên ham bắn. Mùi như một anh bé con mê bắn chim, nhảy nhót hết hố này sang hố khác, suốt ngày (kết quả sau ba ngày, riêng Mùi đã tỉa được hai chục tên địch và được thưởng huân chương ngay tại trận địa).

Cũng bắt đầu từ hôm đó cuộc sống của quân địch ở cái đồn 206 này bị đảo lộn hoàn toàn. Tất cả mọi hoạt động trên mặt đất đều bị tê liệt hẳn. Từ việc ăn, đến việc ỉa đái, nhất nhất đều phải rút xuống giao thông hào, hầm hố. Một không khí hoang mang dao động lộ rõ trong sự rối loạn hốt hoảng của binh lính địch. Thấy vậy, chúng tôi càng thi nhau bắn tỉa mạnh mẽ hơn trước. Tuy nhiên, nói như thế, không có nghĩa là quân địch không còn phản ứng mạnh. Những ụ súng máy càng điên cuồng bắn ra. Pháo binh từ Mường Thanh dội xuống đường hào chúng tôi tơi bời. Súng cối địch vẫn thỉnh thoảng lại gây cho chúng tôi những thiệt hại nhỏ.

Anh em tân binh đã từng tham gia du kích chiến đấu ở địch hậu đề ra một ý kiến hết sức độc đáo: nên chuyển cách đào hào lộ thiên sang cách đào ngầm dưới mặt đất, như kiểu đào hang chuột. Theo ý anh em, đào như vậy sẽ giữ được bí mật, đồng thời sẽ tránh được thương vong.

Qua một đêm một ngày nữa, chiến hào của chúng tôi đã tiến gần sát đồn địch. Hai bên nói to đều nghe rõ nhau.

Một hôm tiểu đoàn trưởng của chúng tôi ra kiểm tra trận địa và quan sát tình hình địch. Đồng chí nhận xét: Dầu sao, vào tới đây, việc đào hào vẫn khó khăn hơn và chậm hơn trước. Trên Bộ đã hạ lệnh phải khẩn trương hơn nữa để phối hợp chung toàn mặt trận. Tiểu đoàn trưởng yêu cầu chúng tôi phải tìm một phương pháp đào hào tốt hơn nữa để bảo đảm thời gian.

Hôm ấy, trong khu rừng trú quân cạnh chiếc máy bay năm đầu bị bắn rơi, chúng tôi lại họp chi bộ, chi ủy và mở đại hội quân nhân để nghĩ mưu tìm kế. Tôi còn nhớ trong lúc mọi người còn đang xôn xao bàn cãi thì một số anh em tân binh giơ tay xin phát biểu. Đó là những anh em đã từng tham gia du kích chiến đấu ở địch hậu. Các cán bộ chúng tôi đều mừng rỡ chờ đợi ý kiến. Quả nhiên anh em đề ra một ý kiến hết sức độc đáo làm cho tất cả đơn vị sửng sốt. Anh em bàn: nên chuyển cách đào hào lộ thiên sang cách đào ngầm dưới mặt đất, như kiểu đào hang chuột. Theo ý anh em, đào như vậy sẽ giữ được bí mật, đồng thời sẽ tránh được thương vong. Anh em đã có nhiều kinh nghiệm đào hầm bí mật ở hậu địch.

Như tôi đã nói: cả đơn vị sửng sốt, xôn xao. Người thì mừng rỡ tán thành. Người thì lắc đầu kịch liệt phản đối, với nhiều lý lẽ:

- Đào ngầm như vậy sẽ rất lâu vì phải moi từng tí đất một.

- Đào ngầm sẽ mất phương hướng, chệch mục tiêu.

- Đào ngầm sẽ thiếu dưỡng khí, anh em sẽ bị ngạt.

Những lý lẽ này nghe ra cũng phải. Thành ra cuộc tranh cãi càng thêm sôi nổi, gay go. Sau chi ủy hội ý và đề nghị số anh em địch hậu làm thử luôn cho đơn vị xem, nếu tốt, thì tất cả mọi nỗi hoài nghi, lo lắng sẽ được giải quyết hết. Mấy anh em địch hậu vui vẻ làm ngay. Tôi bèn chọn lấy bốn anh và giao cho bốn chiếc xẻng tốt. Sau đó chỉ cho anh em một mảnh đất tương đối mềm gần như mặt ruộng và một gốc cây phía xa để làm đích. Bốn chiến sĩ ngắm nhìn gốc cây ấy kỹ lưỡng rồi xin bắt tay đào luôn. Anh em bố trí như sau: hai người đào, hai người chuyển đất đổ ra phía sau, khi mỏi lại thay phiên nhau. Tất cả đơn vị tôi vây quanh lấy họ chăm chú, vui vẻ, hồi hộp theo dõi y như xem diễn tập vậy.

Quả nhiên, một lúc sau anh em đã đào được một đoạn hầm ngầm dưới mặt đất, sâu hơn một mét rưỡi, rộng tám mươi phân. Tính thời gian không lâu hơn đào lộ thiên. Nếu trừ cả thời gian tránh pháo địch và cả thời gian đào ban ngày thì rõ ràng lối đào này nhanh hơn nhiều. Tôi bèn cho mấy anh em chui vào thử. Một lúc sau họ quay ra, đều vui vẻ:

- Khá lắm! Lỗ thông hơi làm rất khéo. Đứng trên không để ý kỹ, không nom thấy.

Tôi bèn yêu cầu những anh em lo hầm chệch hướng ngắm lại thử. Mấy anh này đều công nhận đào rất tài, không sai chút nào.

Thế là mọi tư tưởng vướng mắc đều thông suốt. Một niềm vui lan tràn khắp đơn vị. Ban chỉ huy chúng tôi lập tức bàn bạc kế hoạch thực hiện, một mặt yêu cầu các trung đội chuấn bị xẻng cuốc thật đầy đủ.

Hôm ấy chúng tôi ra trận địa sớm hơn mọi khi chừng một giờ để có thể chỉ mục tiêu và nhận vật chuẩn được dễ dàng.

Tôi đã nói tới cái cảm giác hồi hộp của tôi khi đường hào bắt đầu chui qua hàng rào dây thép gai đầu tiên của địch. Bây giờ đột nhiên chuyển sang đào kiểu “hang chuột” chui ngầm xuống mặt đất để xông tới trận địa quân thù, chúng tôi lại có những cảm giác thực đặc biệt.

Các bạn hãy tưởng tượng ra hai người ngồi trong công sự, kiên nhẫn, cần cù cuốc cuốc, đào đào, moi ra từng sọt đất, ở phía sau họ là một dây dài những người chuyển đất để đổ vào một nơi rất xa không cho địch biết.

Các bạn hãy tưởng tượng tiếp: một cái hang tối om, sâu hoắm trong lòng đất, bước vào phải cúi lom khom, chân cắm xuống bùn nhầy nhụa, tay vịn vào vách đất nhớp nháp đầy nước mạch, lổn nhổn những rễ cây, rễ cỏ và sỏi đá. Vào đường hào này, ai cũng có cảm giác như đi vào một hầm tối, bí mật và lạ lùng nào đó. Cách mười thước mới thấy có một lỗ thông hơi để lọt xuống một vài tia sáng lừ mờ, kỳ dị. Khó mà tin được đây là con đường chiến đấu và là con đường dẫn tới thắng lợi.

Chúng tôi đào liên tục hai ngày hai đêm. Ban ngày đào dễ hơn, nên đường hầm tiến càng mau hơn. Và cái hào bí mật này càng tiến sâu, chúng tôi càng thêm hồi hộp. Chúng tôi hiểu rằng trong thời gian này bọn địch ở trong 206 đang rất hoang mang.

(Về sau bắt được tù binh, bọn này khai rằng: mọi hôm trước chúng còn nhìn thấy con hào rất rõ ràng và cứ sau mỗi đêm lại thấy con hào tiến gần vào đồn được một đoạn. Nhưng đột nhiên không thấy con hào vươn lên nữa. Những tên chỉ huy trong đồn cũng phải ngạc nhiên. Đứa đoán là: Việt Minh không dám đáo nữa và bị pháo cối, đại liên bắn thiệt hại quá nhiều. Có thằng lại đoán: có lẽ Việt Minh đã bỏ ý định bao vây, tiến đánh đồn này. Tuy vậy, muốn đoán thế nào thì đoán, tất cả sĩ quan, binh lính trong đồn đều hoang mang, phấp phỏng).

Trở lại chuyện chúng tôi: Sau hai ngày hai đêm đào dũi kiểu hang chuột một cách hoàn toàn yên ổn và bí mật, chúng tôi chỉ còn cách lô cốt đại liên thứ nhất của địch chừng mười thước. Hôm ấy đồng chí tiểu đoàn trưởng lại ra quan sát trận địa. Đồng chí rất khen ngợi đường hào bí mật của chúng tôi, nhưng đồng thời cũng cho biết: lệnh của Đại đoàn phải chuẩn bị gấp, đến mai bắt buộc phải nổ súng tiêu diệt 206 để phối hợp chung mặt trận. Hiện nay, chấp hành lệnh trên, tất cả tiểu đoàn đã chuẩn bị sẵn sàng, đại đội chủ công ở phía sau chúng tôi chỉ còn đợi giờ xuất kích. Như vậy, nếu đại đội chúng tôi cứ tiếp tục đào dũi thì e không kịp.

Đồng chí tiểu đoàn trưởng bèn chỉ thị cho chúng tôi phải dùng hỏa lực bản thân đánh chiếm ngay lô cốt đại liên cùng hai ụ vệ tinh của nó, ở phía trước mặt chúng tôi, mục đích giữ lấy một đầu cầu cho bộ đội phía sau cấp tốc tràn lên mặt đất đào gấp giao thông hào tiến sát vào tận trong đồn. Nếu không chiếm được lô cốt này trước, e rằng khi đào tới gần nó, đánh bục đất mà lên cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn, lúng túng.

Nhiệm vụ quả là cấp bách. Đại đội trưởng Sĩ bèn phân công cho tiểu đội Duy Biên gánh vác việc này, vì tiểu đội của Duy Biên nằm ngoài này phòng ngự đã thuộc địa hình. Duy Biên nhận lệnh rất phấn khởi, mặc dầu anh biết tiểu đội anh sẽ chiến đấu trong một hoàn cảnh đơn độc đặc biệt và không hề có hỏa lực mạnh yểm hộ, trừ một số đại liên, ĐKZ được trên tăng cường từ trước và một số súng cối 60 ly của đại đội.

Sau khi nhận lệnh, tiểu đội trưởng Duy Biên tổ chức bộ đội rồi cho xuất kích ngay. Sau một loạt cối 60 ly của ta dội tập trung bao quanh chiếc lô cốt, Duy Biên dắt hai chiến sĩ bộc phá, vượt qua cửa hầm ngầm đã được phá bục, nhảy lên mặt ruộng rồi tiến thẳng lại đồn địch. Nhưng chậm rồi. Một băng đại liên rú lên. Tất cả ba anh em đều lảo đảo ngã gục xuống.

Đại đội trưởng Sĩ nghiến răng, dậm chân. Anh hạ lệnh cho tiểu đội thứ hai lên. Đó là tiểu đội của Ngô Biên (anh này cũng tên là Biên nhưng khác họ). Ngô Biên cao lớn, đen cháy, người rắn như lim, hai mắt sắc như hai mũi dao. Anh cắp khẩu tiểu liên bước xăm xăm. Cả tiểu đội của anh rầm rập chạy theo sau. Người nào cũng khoẻ mạnh, khí thế rất hăng hái.

Tiếp theo sau tiểu đội của Ngô Biên là tiểu đội của Cậy. Trung đội phó Thực nắm tiểu đội hỏa lực đi sau cùng. Cả cái trung đội 1 ấy dần thành hàng dọc chen chúc nhau trong đường hầm. Đại đội trưởng Sĩ nhắc lại nhiệm vụ cho họ rồi hạ lệnh tiến lên công kích tức khắc, không để chậm trễ.

Trung đội trưởng Nghĩa cùng tiểu đội Ngô Biên vượt qua cửa hầm đã mở, nhảy lên mặt ruộng, cũng đúng như tiểu đội của Duy Biên đã tiến.

Nhưng rút kinh nghiệm lần trước, đại đội trưởng Sĩ cho cối bắn dồn dập vào lô cốt địch, đồng thời cho một đại liên bố trí cánh phải, một đại liên bố trí cánh trái bắn dốc vào lỗ châu mai phía trước, đè đầu những tên bắn súng máy của địch xuống.

Trong lúc đó tiểu đội trưởng Ngô Biên dẫn một chiến sĩ bộc phá - tên là Duy - lao vút lên như hai mũi tên bắn. Duy là một chiến sĩ mới, quê ở Thái Nguyên, trong khi đi chiến dịch, Duy được tin ở xã đã phát động cải cách và gia đình đã được chia 6 sào ruộng và một cẳng trâu. Anh rất phấn khởi. Duy chưa có kinh nghiệm chiến đấu, nhưng tỏ ra rất quyết tâm. Ngô Biên rất thích Duy vì anh bảo tới đâu Duy làm được ngay tới đó. Bởi vậy Biên đã trao cho Duy vinh dự đem quả bộc phá đầu tiên lên đánh lô cốt.

Duy và Ngô Biên đang tiến thì thấy hai ổ súng máy ở hai ụ vệ tinh đột nhiên hoạt động. Đạn lia tới rào rào. Duy gọi:

- Anh Biên ơi, nó bắn phía tay phải mình đấy!

Biên nói:

- Kệ cha nó! Cậu dùng lựu đạn diệt đi mà tiến.

Duy lại gọi:

- Anh Biên ơi, nó lại bắn phía tay trái mình đấy.

- Kệ cha nó! ụ này để tớ!

Nói dứt lời, anh cùng Duy tẽ ra thành hai mũi. Nhanh như con sóc, Duy chạy tạt sang sườn ụ vệ tinh bên phải, lấy răng cắn dây lựu đạn rồi nhằm trúng lỗ châu mai ném tọt vào. Một tiếng nổ ầm trong lòng đất dội lên. Duy mừng rỡ quay lại nhìn thì thấy Ngô Biên cũng đã diệt xong ụ súng bên trái. Không chậm trễ, Ngô Biên vẫy Duy tiến thẳng lại lô cốt đại liên. Bỗng nhiên, Biên ngờ ngợ vì không thấy có tiếng súng nổ ở đó, lại không nghe thấy tiếng nói xì xồ như lúc nãy. Anh nghi ngờ: “Khéo Tây rút chạy cả vào trong đồn rồi cũng nên”. Nhưng cẩn thận, anh vẫn cứ chỉ thị cho Duy đánh bộc phá. Khi chiếc nụ xoè xì lửa ra, cả hai anh em cùng chạy ngược trở lại, lao người nằm sấp xuống. Cũng vừa lúc đó tiếng bộc phá gầm lên chuyển động cả mặt đất. Lại nghe thấy tiếng đại đội trưởng Sĩ hô:

Bộc phá nổ rồi! Ngô Biên cho quân lên đi!

Xung pho o ong!

Ngô Biên vùng dậy thét vang. Cả tiểu đội phía sau anh cuốn lên như gió lốc.

Ngô Biên xông vào lô cốt đầu tiên. Quả như dự đoán của anh: không có một tên địch nào chết trong đó. Cùng lúc ấy, tổ bên phải báo cáo: giao thông hào không có địch, tổ bên trái cũng báo cáo giao thông hào trống không. Biên hiểu ngay: thấy tiểu đội của anh lên đánh chiếm lô cốt, bọn địch tưởng là cuộc tấn công quy mô lớn đã bắt đầu nên hốt hoảng bỏ vị trí chạy dạt cả vào trong đồn để: một là cố thủ, hai là tháo chạy về Mường Thanh.

Biên bèn cho một chiến sĩ nhanh chóng chạy ra báo với đại đội trưởng. Sĩ cũng đã xồng xộc chạy vào tới nơi. Anh đồng ý với sự phán đoán của Ngô Biên và trong óc anh nảy lên một ý định táo bạo: “Nhân thời cơ này, cứ đánh thốc vào, không dừng lại nữa. Nếu dừng lại ở lô cốt này là máy móc, bỏ lỡ mất một thời cơ vô vàn quý báu”. Thế là, mặc dầu đại đội anh hoàn toàn chưa có chuẩn bị một tí gì để chiến đấu, trong tay chủ yếu chỉ có xẻng cuốc và một số vũ khí nhẹ để tự vệ, mặc dầu chưa được lệnh cấp trên, Sĩ vẫn quả quyết dám phụ trách trước quyết định của mình, hạ lệnh cho tiểu đội của Ngô Biên tiếp tục đánh dốc vào trung tâm.

Mệnh lệnh của anh được toàn thể chiến sĩ, cán bộ cấp dưới nhiệt liệt hưởng ứng. Tiểu đội Ngô Biên tràn vào với một khí thế mãnh liệt chưa từng có. Đến giữa đồn thì tiểu đội anh gặp địch. Ngô Biên cho nổ súng đánh luôn. Quân địch chỉ bắn loạn một chập rồi cuống quít bỏ chạy dồn tất cả về phía một ụ súng lớn phía cuối đồn. Biên gọi tiểu đội phó Lộ lại.

Cho nó một quả năm cân!

Không nói không rằng, Lộ ôm một quả bộc phá chạy lên. Trong chớp mắt một quả cầu lửa bùng lên rồi một tiêng nổ như sét đánh kế tiếp ngay sau đó. Đại đội trưởng Sĩ reo lên:

Tốt lắm!

Nhìn sang khu A của địch, thấy bọn chúng đang chạy nhốn nháo, đại đội trưởng Sĩ bèn tung ngay tiểu đội Cậy và tiểu đội hỏa lực của trung đội 1 vào chiến đấu.

Cùng lúc đó, ở phía cánh trái và sau đồn cũng có tiếng súng nổ ran và tiếng quân ta reo hò ầm ĩ. Sĩ đoán biết ngay: Thấy bên này đánh, bên ấy, anh em 84, 89 cũng nắm thời cơ đánh luôn, cùng phối hợp.

Thật là đẹp! Ba mũi giáp công tiến như chẻ tre. Chỉ trong vòng không đầy ba mươi phút, toàn bộ quân địch đã bị vây chặt ở cuối đồn và chúng đều giơ tay xin đầu hàng vô điều kiện.

Lá cờ “Quyết chiến - Quyết thắng” lập tức được cắm lên trên lô cốt cố thủ của địch. Trong ánh lửa của những chiếc nhà bạt bị cháy, lá cờ đỏ thắm, bay múa phần phật.

- Toàn thắng rồi! Toàn thắng rồi! - Tiếng quân ta reo hò vang dậy.

Trận đánh đã kết thúc quá mau lẹ ngoài dự đoán của tất cả mọi người, kể cả ban chỉ huy tiểu đoàn trực tiếp.

Về sau, khi quân ta đã tiêu diệt bắt sống toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ, cấp trên của tôi có dịp hỏi cung tên Đờ Cát về cái trận 206 này. Thằng Đờ Cát mặt vốn đã dài như mặt ngựa, lúc đó càng dài ngoẵng ra một cách thiểu não. Nó đáp: “Thật là một trận đánh kỳ lạ! Chính tôi cũng không hiểu tại sao 206 lại mất nhanh chóng đến như vậy. Và hồi đó, cũng không hiểu 206 mất lúc nào. Chỉ biết hôm các ông lấy xong 206, chúng tôi ở Mường Thanh vẫn cho quân đem đạn dược, lương thực ra tiếp tế như thường lệ. Khi đến nửa đường bị lực lượng phòng ngự của các ông ở 206 bắn chặn bấy giờ mới biết là cái 206 thảm hại của chúng tôi không còn nữa...! Thật là kỳ lạ! Thú thật cho đến bây giờ, chúng tôi vẫn chưa hiểu các ông dùng thứ chiến thuật gì...”.

Một đồng chí cấp trên của tôi đã bảo nó: “Phải, các anh không thể hiểu được những chiến thuật rất sáng tạo của chúng tôi, cũng không thể hiểu được sức mạnh của nhân dân tôi, cho nên các anh mới thất bại”.

Đại úy Triệu kể, Hồ Phương ghi

Nguồn: Sách "Điện Biên Phủ - Trận thắng thế kỷ" (NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, năm 2004)
Trình bày: Phi Nguyễn
Ảnh: TTXVN, Nhân Dân
Trở về nhandan.vn
Trở về Chuyên trang 70 năm Điện Biên Phủ