(COPY) (COPY)

Bộ tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam nghiên cứu kế hoạch tác chiến/ Ảnh: TTXVN

Bộ tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam nghiên cứu kế hoạch tác chiến. Ảnh: TTXVN

TỪ "ĐÁNH NHANH, THẮNG NHANH" SANG "ĐÁNH CHẮC, TIẾN CHẮC"

VÀ BẢN LĨNH CỦA NGƯỜI CẦM QUÂN

Chiến dịch Điện Biên Phủ - Chiến dịch quyết chiến chiến lược, chiến dịch cuối cùng trong cuộc kháng chiến chống Pháp.
Quân ta bước vào chiến dịch Điện Biên Phủ sau khi đã tạo được cục diện chiến lược thuận lợi, làm tiền đề thắng lợi cho một chiến dịch quyết chiến chiến lược lớn nhất và quan trọng nhất trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Sau khi đánh bại mấy “đòn đánh trước” của Nava (Lạng Sơn - Trị Thiên - tây nam Ninh Bình), quân ta liên tiếp giành được những thắng lợi quan trọng về chiến lược ngay từ đầu.

Bằng chiến dịch tiến công quy mô nhỏ gối đầu, song song và kế tiếp trên nhiều hướng từ Bắc đến Trung và Nam Đông Dương (Lai Châu - Trung - Hạ Lào - Đông Bắc Campuchia, bắc Tây Nguyên, Thượng Lào lần 2) quân ta đã tiêu diệt hàng vạn tên địch, giải phóng nhiều địa bàn chiến lược quan trọng (chủ yếu trên chiến trường rừng núi), đặc biệt đã buộc Nava phải phân tán chừng 70 tiểu đoàn các loại lên các vùng rừng núi Tây Bắc, Lào, bắc Tây Nguyên làm cho khối quân cơ động của địch ở đồng bằng Bắc Bộ đã bị điều đi ứng cứu quá nửa. Riêng trên chiến trường Tây Bắc, gần 1/3 lực lượng cơ động của địch bị giam chân trong một tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ hoàn toàn cô lập, xa căn cứ hậu phương ở đồng bằng. Trong vùng sau lưng địch, nhất là ở đồng bằng Bắc Bộ, phong trào chiến tranh du kích của ta phát triển cao, buộc địch luôn phải tung lực lượng đi đối phó khắp nơi, nhất là bảo vệ đường số 5 - con đường chiến lược Hà Nội - Hải Phòng, khiến cho khoảng 20 tiểu đoàn cơ động chiến lược còn lại "không còn là lực lượng cơ động nữa".

Ngày 14 - 1 - 1954, Bộ chỉ huy phổ biến kế hoạch tác chiến chiến dịch tại Hội nghị cán bộ chiến dịch. Qua thảo luận, Hội nghị thống nhất nhận định rằng địch lúc này mới chiếm đóng, binh lực chưa nhiều, bố trí của chúng còn tương đối sơ hở, nhất là hướng tây, trận địa phòng ngự chưa được củng cố. Ta chủ trương tranh thủ thời gian, lợi dụng những điều kiện sơ hở của một kẻ địch mới lâm thời chiếm lĩnh, thực hiện phương châm "Đánh nhanh giải quyết nhanh". Để thực hiện cách đánh này, ta tập trung ưu thế binh lực, hỏa lực, chia làm nhiều hướng, nhằm chỗ sơ hở nhất và quan trọng nhất, đánh thẳng vào trung tâm địch, chia cắt tập đoàn cứ điểm, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, sau đó tiếp tục giải quyết những bộ phận còn lại, hoàn thành nhiệm vụ chiến dịch: tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm. Phân tích cách đánh này, Hội nghị nhận thấy "Đánh nhanh giải quyết nhanh" có nhiều điều lợi, vì bộ đội đang sung sức, cuộc chiến đấu không kéo dài nên ít ngại tiêu hao mệt mỏi, việc bảo đảm hậu cần không gặp trở ngại lớn.

Tuy đã thống nhất quyết tâm thực hiện phương châm “Đánh nhanh giải quyết nhanh” nhưng khi đánh giá trình độ bộ đội. Hội nghị cho rằng mặc dù ta đã được chuẩn bị về tư tưởng và chiến thuật để đánh tập đoàn cứ điểm, nhưng ta chưa có kinh nghiệm thực tế. Đây là lần đầu tiên đánh tập đoàn cứ điểm, lại là một tập đoàn cứ điểm mạnh. Do đó, trong quá trình chuẩn bị theo phương châm “Đánh nhanh giải quyết nhanh”, vẫn phải tiếp tục theo dõi tình hình địch và kiểm tra lại khả năng của ta.

Sau Hội nghị, hằng ngày đồng chí Chỉ huy trưởng chỉ đạo cơ quan tham mưu chiến dịch theo dõi những thay đổi về bố phòng của địch và tình hình chuẩn bị của bộ đội, nhất là việc kéo pháo vào trận địa.

Về địch, trải qua 10 ngày, ta thấy địch tiếp tục tăng cường binh lực, xây dựng và củng cố hệ thống trận địa phòng ngự ngày càng vững chắc. Điểm cao Độc Lập ở phía bắc tập đoàn cứ điểm lúc đầu chỉ là một vị trí tiền tiêu, dần dần trở thành một cứ điểm mạnh do một tiểu đoàn Âu - Phi chiếm giữ. Điểm cao Him Lam ở phía đông bắc (án ngữ đường Tuần Giáo — Điện Biên Phủ) được tăng cường vào bậc nhất của tập đoàn cứ điểm, ở phía nam, Hồng Cúm lúc đầu chỉ là một cứ điểm, đã phát triển thành một cụm cứ điểm, có sân bay và trận địa pháo, có khả năng chi viện hoả lực cho phân khu Mường Thanh.

Về phía ta, mặc dù thời gian mở màn chiến dịch đã phải lùi 5 ngày (từ 20 lùi đến 25-1), thời gian kéo pháo đã tăng gấp hơn 3 lần dự kiến ban đầu, nhưng đến ngày 25 pháo vẫn chưa vào trận địa đủ theo kế hoạch, về cách đánh của cả bộ binh và pháo binh đều còn nhiều vấn đề khiến cán bộ trung đoàn, đại đoàn chưa thật yên tâm: đánh liên tục ngày đêm trên cánh đồng bằng phẳng với trang bị như hiện nay, biện pháp hạn chế hoả lực phi pháo và cơ giới của địch như thế nào cho có hiệu quả? Quân ta chưa có nhiều kinh nghiệm hiệp đồng “bộ - pháo” trong đánh cụm cứ điểm, nhất là chi viện của pháo binh trong chiến đấu tung thâm và đánh địch phản kích, vấn đề tiếp tế cho bộ đội (nhất là cho Đại đoàn 312 quá xa trên hướng bắc) bảo đảm như thế nào v.v..

Càng gần ngày mở màn chiến dịch (25-1), phân tích tình hình thay đổi của địch và khả năng chuẩn bị còn hạn chế của bộ đội ta, đồng chí Chỉ huy trưởng và cả đồng chí Tham mưu trưởng chiến dịch cùng thấy cách “Đánh nhanh giải quyết nhanh” chưa có đầy đủ yếu tố giành thắng lợi, mà “Đánh chắc thắng chắc” lại là một nguyên tắc tác chiến cơ bản của quân đội ta và đó cũng là điều được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh khi giao nhiệm vụ cho đồng chí Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp lên đường trực tiếp lãnh đạo, chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ.

16 giờ ngày 25 - 1, theo kế hoạch, là thời điểm nổ súng mở màn chiến dịch. Bộ đội trên các hướng đã ở tư thế sẵn sàng chiến đấu. Trong cuộc hội ý Đảng uỷ Mặt trận, đồng chí Bí thư Đảng ủy kiêm Chỉ huy trưởng Võ Nguyên Giáp điểm lại tình hình mọi mặt và nêu ý kiến khẳng định: Để đảm bảo toàn thắng cho chiến dịch, phải tạm ngừng nổ súng, kéo pháo ra, chuẩn bị thêm, để đánh theo phương châm tác chiến mới: Đánh chắc, tiến chắc. Sau khi thảo luận, phân tích, ý kiến trên được sự nhất trí của tập thể Đảng ủy.

Vào thời điểm đặc biệt đó của một chiến dịch lớn, khi mà bộ đội trên toàn Mặt trận đang đợi lệnh nổ súng, quyết định trên là một việc làm quả đoán, táo bạo của người cầm quân, thể hiện trách nhiệm rất cao trước thắng lợi của chiến dịch và xương máu của chiến sĩ.

Ngày 7 - 2, Hội nghị cán bộ chiến dịch được triệu tập để quán triệt quyết tâm của Đảng ủy Mặt trận “Tích cực hoàn thành công tác chuẩn bị, tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ”. Trong báo cáo đọc trước Hội nghị, đồng chí Chỉ huy trưởng dự kiến: Đánh theo phương châm mới “Đánh chắc, tiến chắc” chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn. Địch có thể tăng cường lực lượng. Bộ đội ta có thể tiêu hao, mệt mỏi. Việc cung cấp tiếp tế có thể thiếu thốn... Những khó khăn nói trên cần phải được khắc phục bằng mọi biện pháp tích cực nhất, với quyết tâm cao nhất để giành toàn thắng cho chiến dịch. Song, đánh theo phương châm mới, chúng ta có nhiều điều lợi. “Đánh chắc, tiến chắc”, chúng ta sẽ chủ động: muốn đánh mục tiêu nào, lúc nào, thì đánh; muốn đánh thì đánh, muốn nghỉ thì nghỉ; muốn giữ nơi nào và có thể giữ được thì giữ, không thì không giữ. Cách đánh đó phù hợp với nguyên tắc chỉ đạo tác chiến và phù hợp với trình độ bộ đội ta. Cách đánh đó cho phép ta tập trung ưu thế tuyệt đối binh lực, hoả lực vào từng trận đánh, bảo đảm chắc thắng cho từng cuộc chiến đấu. Với cách đánh đó, ta có thể hạn chế đến mức thấp nhất chỗ mạnh của địch là quân số đông, hoả lực mạnh, công sự vững chắc, đồng thời khoét sâu chỗ yếu lớn nhất của chúng là ở vào thế bị bao vây cô lập và gặp nhiều khó khăn về tiếp tế, tăng viện.

Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam nghiên cứu kế hoạch tác chiến. Ảnh: TTXVN

Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam nghiên cứu kế hoạch tác chiến. Ảnh: TTXVN

Hội nghị thảo luận những biện pháp hoàn thành những công tác chuẩn bị chủ yếu, nhằm bảo đảm thắng lợi như tổ chức đường cơ động cho pháo; tổ chức trận địa pháo thật kiên cố; chuẩn bị bộ đội về sức khoẻ, quân số chiến đấu, chiến thuật kỹ thuật (nhất là xây dựng trận địa và hợp đồng “bộ — pháo’), động viên chính trị, giữ vững quyết tâm; chuẩn bị cung cấp về mọi mặt: đường vận chuyển, dân công, đạn dược, nhất là lương thực, (tăng gấp 3 lần so với dự kiến trước đây); theo dõi tình hình địch, nắm vững mọi thay đổi thế bố trí binh lực, hoả lực và củng cố công sự của chúng, nhất là trong tung thâm...

Từ ngày tạm ngừng tiến công đến khi mở màn chiến dịch, ta phải trải qua gần 50 ngày nữa mới hoàn thành về cơ bản công tác chuẩn bị nói trên. Trong quá trình đó, cuộc họp 3 ngày từ 20 đến 22 tháng 2 đã có vị trí rất quan trọng, nhất là về giải quyết nhận thức, tư tưởng của cán bộ đối với phương châm tác chiến mới. Theo nhận xét của đồng chí Chỉ huy trưởng chiến dịch thì, qua thảo luận ở Hội nghị, “Cán bộ đã nhận thức được một số vấn đề về chiến thuật, nhưng nhìn chung còn có lo ngại. Điều đó chứng tỏ các đồng chí tuy tin tưởng vào phương châm “Đánh chắc tiến chắc” nhưng tin tưởng chưa đầy đủ...”. Hội nghị đã tập trung vào việc quán triệt sâu sắc hơn nữa phương châm tác chiến mới và giải đáp những tồn tại trong tư tưởng cán bộ về khả năng tăng cường binh lực của địch đến mức nào và các biện pháp khắc phục tiêu hao mệt mỏi của bộ đội khi chiến dịch kéo dài. Cách đánh cụ thể cũng được thảo luận, tranh luận, nhằm làm cho cán bộ quán triệt chủ trương và biện pháp bao vây, khống chế sân bay, triệt tiếp tế, tăng viện bằng đường không của địch, tiêu diệt gọn quân địch trong từng trận đi đôi với liên tục tiêu hao rộng rãi sinh lực địch trên toàn mặt trận...

Kể từ ngày chiếm đóng Điện Biên Phủ đến ngày ta mở màn chiến dịch, địch đã có trên 100 ngày xây dựng và củng cố tập đoàn cứ điểm. Binh lực của chúng đã tập trung tới 11.800 tên[1] gồm 12 tiểu đoàn và 7 đại đội bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo, 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng, 1 đại đội xe vận tải, 1 phi đội máy bay. Tập đoàn, cứ điểm được tổ chức thành 3 phân khu, gồm 49 cứ điểm khoanh thành 8 cụm cứ điểm (trung tâm đề kháng). Mỗi cứ điểm và cụm cứ điểm đều có khả năng độc lập chiến đấu. Quan trọng nhất là phân khu Trung tâm, với 7 cụm cứ điểm. Lực lượng địch ở đây có 5 tiểu đoàn chiếm đóng và 2 tiểu đoàn dù cơ động, có trận địa pháo, sân bay chính, căn cứ hậu cần và sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm. Phân khu Bắc có 2 trung tâm đề kháng: Gabrielle (đồi Độc Lập) ở phía bắc, trấn giữ đường Lai Châu - Điện Biên và Béatrice (Him Lam) ở đông bắc, trấn giữ đường Tuần Giáo - Điện Biên. Hai trung tâm đề kháng này cùng với Anne Marie (Bản Kéo) ở phía tây bắc hợp thành ba vị trí vành ngoài, bảo vệ phân khu Trung tâm từ tây bắc sang đông bắc 2. Phân khu Nam (Idaben - Hồng Cúm) do 1 tiểu đoàn Âu - Phi chiếm giữ cùng với 1 tiểu đoàn lê dương dự bị, có sân bay phụ và trận địa pháo, có thể bắn yểm trợ cho phân khu Trung tâm.

Quá trình nghiên cứu thế bố trí của địch và xây dựng kế hoạch tác chiến, Bộ chỉ huy và cơ quan tham mưu chiến dịch đặc biệt chú ý cụm điểm cao phía đông phân khu Trung tâm. Địch dựa vào hệ thống điểm cao này, tổ chức thành 2 trung tâm đề kháng lợi hại (Đôminích và Êlian). Đây là khu vực mạnh nhất và quan trọng nhất của phân khu Trung tâm và của cả tập đoàn cứ điểm.

Về phía ta, trải qua gần 50 ngày chuẩn bị thêm theo phương châm “Đánh chắc, tiến chắc”, vào cuối thượng tuần tháng 3, bộ đội trên chiến trường Điện Biên Phủ đã sẵn sàng nổ súng mở màn chiến dịch.

Đây là lần đầu tiên hầu hết các đơn vị chủ lực của Bộ được huy động vào một chiến dịch lớn nhất trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Đó là các Đại đoàn 308, Đại đoàn 312, Đại đoàn 316 (gồm 2 trung đoàn 98 và 174); trung đoàn 57 (Đại đoàn 304). Cũng là lần đầu tiên các đơn vị hỏa lực mạnh của ta ra trận, gồm trung đoàn 45 lựu pháo, trung đoàn 675 sơn pháo, trung đoàn 367 cao xạ pháo.

Item 1 of 2

Bộ tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam nghiên cứu kế hoạch tác chiến

Bộ tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam nghiên cứu kế hoạch tác chiến

Bộ tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam nghiên cứu kế hoạch tác chiến

Bộ tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam nghiên cứu kế hoạch tác chiến

Theo kế hoạch tác chiến, ta dự kiến chiến dịch diễn biến thành 2 đợt:

Đợt 1: Tập trung lực lượng, tiến công tiêu diệt các trung tâm đề kháng Him Lam, Độc Lập và Bản Kéo, phá vỡ thế trận phòng ngự từ tây bắc sang đông bắc tập đoàn cứ điểm, đánh chiếm các vị trí vành ngoài, cửa ngõ của tập đoàn cứ điểm mở đường tiến xuống cánh đồng Mường Thanh, tạo điều kiện siết chặt trận địa bao vây và tiến công.

Đợt 2: Mở các chiến dịch tiến công tiêu diệt hai cụm cứ điểm trên dãy điểm cao phía đông; hướng bắc, tiến chiếm sân bay, siết chặt vòng vây quanh tập đoàn cứ điểm, thu hẹp không phận, hạn chế tăng viện và tiếp tế của địch, tạo thế trận và thời cơ chuyển sang tổng công kích, tiêu diệt toàn bộ quân địch.

Chiều ngày 13 tháng 3, chiến dịch bắt đầu.

Trong 2 đêm 13 và 14, quân ta tiêu diệt 2 trung tâm đề kháng Độc Lập và Him Lam do 2 tiểu đoàn Âu - Phi chiếm giữ, đánh lui 2 cuộc phản kích của bộ binh và xe tăng địch từ phân khu Trung tâm ra hòng chiếm lại 2 cụm cứ điểm đã mất.

Thắng lợi giòn giã của 2 trận đầu đã động viên khí thế và củng cố lòng tin của bộ đội vào phương châm “Đánh chắc, tiến chắc”, và lối đánh “bóc vỏ”, đồng thời là 2 đòn mạnh đầu tiên về quân sự, tinh thần và tâm lý đối với hàng vạn quân địch trong tập đoàn cứ điểm. Với 2 trung tâm đề kháng bị san phẳng, cùng với cái chết của cả 2 ban chỉ huy 2 cứ điểm Độc Lập và Him Lam, tiếp đến là việc tự sát của viên trung tá chỉ huy pháo binh tập đoàn cứ điểm và cuộc rút chạy của tiểu đoàn ngụy Thái khỏi cụm cứ điểm Bản Kéo (đang bị trung đoàn 36 bao vây và chuẩn bị tiến công) đã tạo nên thế mới của chiến dịch có lợi cho ta.

Qua đợt 1, quân ta đã rút được những kinh nghiệm bước đầu về đánh cụm cứ điểm trong tập đoàn cứ điểm, thấy được khả năng của quân ta, tiêu diệt cụm cứ điểm kiên cố cùng những thiếu sót trong hợp đồng “bộ - pháo”, nhất là chế áp pháo binh địch và những thiếu sót về tổ chức vị trí xuất phát xung phong.

Song với thắng lợi giòn giã của đợt 1, quân ta đã tạo ra, một tình huống chiến dịch rất thuận lợi để áp sát khu Trung tâm, tạo điều kiện cho chiến dịch phát triển. Ba trung tâm đề kháng vòng ngoài bị tiêu diệt, cánh cửa phía bắc tập đoàn cứ điểm được mở toang. Từ các điểm mới giành được, quân ta đã tạo được thế đứng để tiến xuống cánh đồng Mường Thanh. Đây là thắng lợi ban đầu rất quan trọng, không chỉ về quân sự mà cả về tinh thần, tâm lý.

Đánh giá tình hình sau đợt 1, Bộ chỉ huy chiến dịch nhận định: Chúng ta đã thu được những thắng lợi lớn, quân địch đã bị thất bại nặng. Nhưng hiện nay lực lượng của chúng còn mạnh và chúng còn ra sức đối phó. Những biện pháp đối phó đầu tiên của địch diễn ra ngay trong đợt 1: ngày 14 và 16, địch tăng viện tiểu đoàn dù ngụy 5 (5è BPVN), bố trí giữa đồi D và C1, tiểu đoàn dù thuộc địa 6 (6è BCP), bố trí giữa 2 cụm cứ điểm C1 và C2 làm cho hệ thống phòng thủ trên các điểm cao phía đông càng thêm mạnh. Phía tây sân bay, địch sáp nhập 1 cứ điểm 105 và 106 (trước thuộc cụm Bản Kéo) và đưa lính Âu - Phi ra thay thế quân ngụy ở khu vực này. Bộ chỉ huy của Cônhi (Cogny) ở Hà Nội còn cho thả thêm nhiều bộ phận súng nặng và đạn được để bổ sung, thay thế. Sau 2 trận bị bất ngờ vì lựu pháo của ta, địch gấp rút củng cố trận địa phòng ngự đồng thời tăng cường máy bay trinh sát, tăng cường đánh phá những nơi nghi là trận địa pháo của ta.

Quân ta khẩn trương chuẩn bị bước vào đợt chiến đấu mới. Nhiệm vụ trung tâm chuẩn bị bước vào đợt 2 là xây dựng trận địa tiến công và bao vây, nhằm vây ép quân địch trên cả 4 phía, trong cự ly mà các loại pháo lớn nhỏ của ta đều có thể phát huy hoả lực, đồng thời chia cắt phân khu Nam với phân khu Trung tâm.

Xây dựng trận địa quy mô lớn, liên hoàn trong chiến dịch tiến công là một việc mới, bộ đội ta chưa có kinh nghiệm. Cơ quan tham mưu chiến dịch đã cử cán bộ tác chiến xuống đơn vị đào thử công sự chiến hào, rút kinh nghiệm về cách tổ chức, tiêu chuẩn kích thước, làm mẫu cho các đơn vị triển khai. Trải qua 10 ngày, bộ đội đã đào được hàng trăm kilômét giao thông hào, hàng ngàn công sự và ụ súng các loại. Một hệ thống trận địa bao vây và tiến công từ đại đoàn đến phân đội đã hình thành hoàn chỉnh để bộ đội tiếp cận mục tiêu, chuẩn bị tiến công. Chính nhờ hệ thống giao thông hào và chiến hào này mà bộ đội cơ động lực lượng an toàn, bám sát mục tiêu cả ngày lẫn đêm dưới hoả lực của địch và đánh lui các cuộc phản kích của chúng, giữ vững thế trận.

Bộ chỉ huy chiến dịch dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang bàn kế hoạch tác chiến cho từng trận đánh. Ảnh; TTXVN

Bộ chỉ huy chiến dịch dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang bàn kế hoạch tác chiến cho từng trận đánh. Ảnh; TTXVN

Yêu cầu của đợt 2 chiến dịch là tập trung ưu thế binh lực, hoả lực, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, trong đó có một số đơn vị cơ động, đánh chiếm các cụm phòng ngự phía đông, biến các điểm cao phía đông thành trận địa của ta để uy hiếp phân khu Trung tâm; đánh chiếm sân bay Mường Thanh, triệt tiếp tế và tăng viện của địch; chiếm lĩnh một bộ phận trận địa pháo binh của chúng; thắt chặt vòng vây quanh tập đoàn cứ điểm, từng bước thu hẹp phạm vi chiếm đóng và vùng trời của địch ở phân khu Trung tâm, tạo điều kiện đầy đủ chuyển sang tổng công kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm của địch ở Điện Biên Phủ.

Trong Hội nghị cán bộ ngày 27 - 3, Bộ chỉ huy chiến dịch đã khẳng định: Đây là một cuộc chiến đấu rất lớn, vì mục đích của nó không phải chỉ nhằm tiêu diệt từng tiểu đoàn của địch mà tiêu diệt nhiều tiểu đoàn. Cuộc chiến đấu này lại không đơn giản như 2 trận chiến đấu đầu tiên mà phức tạp hơn, bao gồm cả một loạt trận công kiên tiêu diệt cứ điểm và những cuộc chiến đấu thọc sâu vào tung thâm địch. Đây là một cuộc chiến đấu có tính chất quyết định để tạo điều kiện chuyển sang tổng công kích, giành toàn thắng cho chiến dịch.

18 giờ 30 ngày 30 tháng 3, đợt 2 bắt đầu.

Sau một tuần chiến đấu, quân ta đã tiêu diệt một số cứ điểm địch trên dãy điểm cao phía đông (Cl, D1. E) và một số cứ điểm trên hướng tây bắc sân bay (106,311), tạo điều kiện phát triển trận địa bao vây và tiến công vào sâu hơn, bước đầu uy hiếp phía tây sân bay. Một số trường hợp địch phản kích nhiều lần (Dl, E), bộ đội đã kiên quyết đánh trả, giữ vững trận địa. Trong đợt này, xuất hiện một số cách đánh, tuy mới là bước đầu nhưng làm cơ sở kinh nghiệm cho cách đánh hiểm trên toàn mặt trận. Đó là 6 mũi luồn sâu vào tung thâm địch, mà tiêu biểu là mũi thọc sâu vào hướng đông của đại đội 83 (Đại đoàn 312); cách đánh lấn của trung đoàn 36 (Đại đoàn 308), tiêu diệt gọn cứ điểm 106, sau đó phát triển tiến công, bao vây bức hàng quân địch ở cứ điểm 311...

Nhưng trong đợt 2, số lượng mục tiêu quá nhiều so với khả năng bộ đội ta (9 mục tiêu, trong đó có 5 cứ điểm trên hệ thống điểm cao phía đông mà Bộ chỉ huy chiến dịch đánh giá là mạnh), do đó lực lượng sử dụng dàn đều, không tập trung ưu thế dứt điểm từng mục tiêu, kể cả cứ điểm mạnh như A1. Tại đây (A1), sau trận đầu tiên của trung đoàn 174 đêm 30 không thành công, cơ quan tham mưu chiến dịch đã không kịp thời nghiên cứu, rút kinh nghiệm, tìm ra nguyên nhân (không thành công và thương vong cao) để bổ khuyết và thay đổi cách đánh, nên 2 lần tiến công sau (đêm 31-3 và 1-4) cũng đều không thành công. Trong toàn đợt 2, nhiều cứ điểm tiến công không dứt điểm (4/8); cũng nhiều trận thọc sâu của phân đội không thành công (4/6). Do đó thương vong cao, cả trong tiến công cứ điểm (nhất là ở A1, C2) và chiến đấu thọc sâu.
Sau đợt 2 của ta, địch tăng viện thêm 1 tiểu đoàn dù và phản kích chiếm lại một nửa cứ điểm C1.
Qua hai đợt (1 và 2), quân ta đã tiêu diệt hơn 1/3 sinh lực địch trên toàn mặt trận, đã hoàn thành nhiệm vụ đợt 1 nhưng chưa thực hiện đầy đủ nhiệm vụ đợt 2.

Trong Hội nghị sơ kết đợt 2 (8-4). Bộ chỉ huy chiến dịch đã nêu lên những việc cần tiếp tục hoàn thành, tạo điều kiện chuyển sang đợt chiến đấu mới:

- Tiếp tục xây dựng trận địa tiến công và bao vây, thắt chặt hơn nữa vòng vây, uy hiếp mạnh hơn nữa tung thâm địch, cắt đứt liên lạc giữa hai phân khu Mường Thanh và Hồng Cúm.
- Vừa xây dựng trận địa tiến công và bao vây, vừa đánh địch phản kích, giữ vững trận địa.
- Khống chế không phận cả ngày và đêm, khống chế hoàn toàn sân bay, tiến tới phá hoại và đánh chiếm sân bay, tranh đoạt và triệt tiếp tế của địch, hạn chế tiến tới triệt tăng viện của chúng.
- Tổ chức các đơn vị hoả lực lưu động, hoạt động lẻ, tiêu hao rộng rãi sinh lực địch, làm cho chúng luôn căng thẳng tinh thần và hao mòn sức chiến đấu.
- Tiếp tục tiêu diệt một số vị trí địch, thu hẹp hơn nữa phạm vi chiếm đóng của chúng, đưa trận địa tiến công và bao vây ngày càng áp sát cứ điểm địch, chia cắt các cứ điểm của địch, tạo thế trận thuận lợi cho đợt chiến đấu mới.

Hoạt động của bộ đội trong suốt nửa cuối tháng 4 đã làm cho thế trận biến chuyển từng ngày, có lợi cho ta.

Hệ thống trận địa tiến công và bao vây không ngừng tiến sát và trực tiếp uy hiếp địch, có nơi chỉ cách vị trí địch vài chục mét. Một số điểm cao phía đông do quân ta làm chủ đã trở thành những trận địa phòng ngự vững chắc, cùng với trận địa pháo, súng cối, thường xuyên uy hiếp địch trong phân khu Mường Thanh. Từ ngày 16-4-1954, chiến hào của ta từ 2 hướng hợp điểm cắt đôi sân bay Trung tâm, tiếp đó quân ta làm chủ cứ điểm 105 ở phía bắc. Cuộc chiến đấu giành giật sân bay diễn ra quyết liệt suốt 5 ngày đêm. Các đợt phản kích của bộ binh và xe tăng địch đều bị đánh lui. Cuối cùng, từ ngày 28 tháng 4, sân bay Trung tâm - cái dạ dày của tập đoàn cứ điểm - hoàn toàn bị vô hiệu hóa. Phạm vi kiểm soát của địch, nhất là ở phân khu Trung tâm, bị thu hẹp tới mức các mục tiêu địch đều nằm dưới tầm hoả lực các loại của ta. Pháo cao xạ tiến sâu xuống cánh đồng Mường Thanh đã góp phần quyết định thu hẹp không phận hoạt động của địch ở Điện Biên Phủ, buộc máy bay tiếp tế và tăng viện của địch phải thả dù từ độ cao kém hiệu quả (khiến một số dù hàng và người rơi cả vào trận địa của ta). Trận chiến tiến công và bao vây càng áp sát địch càng tạo thuận lợi cho các tổ súng trường thiện xạ, tổ trung liên, đại liên lưu động, các khẩu đội sơn pháo hoạt động lẻ... luồn sâu, bắn tỉa, phá kho tàng..., đồng thời hỗ trợ các tổ bộ binh đoạt dù tiếp tế của địch ở sát ngay vị trí của chúng.

Trong tất cả các hoạt động bổ sung sau đợt 2, việc chiếm sân bay Trung tâm là một sự kiện nổi bật của chiến dịch, tạo một tình huống chiến dịch vô cùng quan trọng có lợi cho ta, không lợi cho địch. Nó dập tắt hy vọng cuối cùng của địch về tiếp tế và tăng viện bằng đường không từ Hà Nội lên Điện Biên Phủ; tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ từ đây đã hoàn toàn bị cô lập.

Bằng những hoạt động liên tục và có hiệu quả sau đợt 2, càng về cuối tháng 4, quân ta càng dồn địch vào tình thế mà sau này chúng thừa nhận là “không thể chịu đựng nổi”. Sinh lực bị tiêu hao hằng ngày; nguồn tiếp tế bị hạn chế tới mức thấp nhất khiến lương thực, đạn dược, thuốc men càng thiếu thốn; tinh thần luôn luôn căng thẳng trước những “họng súng vô hình” của các thiện xạ bắn tỉa, tới mức địch không dám rời công sự ra sông Nậm Rốm lấy nước...

Về ta, hàng loạt biện pháp được tích cực triển khai chuẩn bị gấp rút cho đợt chiến đấu mới. Chỉ đạo rút kinh nghiệm hai đợt chiến đấu vừa qua; huấn luyện tân binh bổ sung; bảo vệ có hiệu quả đường vận chuyển tiếp tế trong điều kiện địch tăng cường dùng không quân đánh phá ác liệt, mở thêm đường sông Nậm Na để có thêm nguồn lương thực; cải thiện và bình thường hóa sinh hoạt của bộ đội trong chiến hào khi bắt đầu xuất hiện những cơn mưa đầu mùa; cứu chữa thương bệnh binh ở ngay trung tuyến để sớm trả anh em về đơn vị chiến đấu... Đặc biệt là cuộc vận động đấu tranh chống tư tưởng hữu khuynh tiêu cực trong toàn bộ lực lượng tham gia chiến dịch đã góp phần quyết định củng cố quyết tâm, ý chí quyết chiến quyết thắng của cán bộ, chiến sĩ toàn mặt trận. Thắng lợi của cuộc đấu tranh đó được coi là thành công điển hình của công tác chính trị, của quân đội ta trong chiến dịch cũng như trong cả cuộc kháng chiến chống Pháp.

Trải qua 3 tuần chỉ đạo toàn quân phấn đấu vươn lên về mọi mặt nhằm tạo thế mới, đầu tháng 5, Bộ chỉ huy ra lệnh bắt đầu đợt 3 chiến dịch.

Lúc này, phạm vi chiếm đóng của địch ở phân khu Mường Thanh chỉ còn khoanh trên một diện tích chừng 2km2. Lực lượng của chúng còn xấp xỉ 10 tiểu đoàn bộ binh và dù, rải ra phòng giữ hơn 30 cứ điểm. Lực lượng dự bị từ 9 đại đội lúc đầu, nay chỉ còn 5. Trải qua một tháng rưỡi chiến đấu trong tình thế ngày càng bất lợi, tinh thần binh lính địch đã sa sút nghiêm trọng. Tuy nhiên, một số sĩ quan địch còn tin vào sức mạnh của trên dưới 1 vạn quân, tin vào khả năng duy trì được thế trận có lợi trên các điểm cao phía đông để kéo dài cuộc chiến đấu chừng một tháng nữa, tới mùa mưa, ta không còn điều kiện duy trì cuộc chiến đấu thêm. Rõ ràng đợt 3 chiến dịch không chỉ là cuộc đấu trí, đấu lực giữa ta và địch mà còn là cuộc chạy đua về thời gian trước khi mùa mưa tới.

Nhiệm vụ đợt 3 là đánh chiếm các điểm cao còn lại ở phía đông, tiếp tục tiêu diệt thêm một số cứ điểm khác của địch, phát triển trận địa tiến công và bao vây chia cắt vào sâu hơn nữa, tiếp tục thu hẹp phạm vi phong toả và vùng trời của chúng, uy hiếp mạnh tung thâm phân khu Trung tâm, nắm thời cơ nhanh chóng chuyển sang tổng công kích, tiêu diệt toàn bộ khu vực còn lại của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Hò dô ta nào! Kéo pháo ta vượt qua đèo

Hò dô ta nào! Kéo pháo ta vượt qua đèo

Đợt 3 chiến dịch ác liệt suốt tuần đầu tháng 5. Quân ta đã hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt các mục tiêu kế hoạch. Gay go ác liệt nhất là các trận tiêu diệt 2 cứ điểm C2 và A1 trên hướng đông. Đến sáng ngày 7 tháng 5, mặc dù quân ta mới đánh chiếm thêm chừng 1/3 số cứ điểm còn lại ở phân khu Trung tâm, nhưng địch đã ở vào tình thế hoàn toàn bất lợi. Hệ thống điểm cao phía đông đã bị mất. Sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm bị uy hiếp nặng nề trên cả hai hướng đông và tây 3 . Mọi sự tính toán tháo chạy của địch, từ kế hoạch “Chim ưng” (Condor) đến kế hoạch “Chim biển” (Albatros) đều không còn khả năng thực hiện.

Ta đã định tối mồng 7 sẽ tổng công kích; nhưng trưa ngày 7 đã hiện rõ sự tan rã của địch: nhiều tiếng nổ lớn trong phân khu Trung tâm; địch vứt súng xuống sông Nậm Rốm; nhất là những mảnh vải trắng (cờ trắng) xuất hiện lác đác trên các cứ điểm quanh sở chỉ huy của Đờ Cát... Thời cơ tổng công kích đã đến. Bộ chỉ huy chiến dịch ra lệnh: “Không cần chờ đến tối như đã dự định, các đơn vị trên tất cả các hướng chuyển ngay sang tổng công kích...”.

Từ 14 giờ, quân ta lần lượt tiêu diệt nhiều vị trí còn lại ở phân khu Trung tâm, phát triển sâu vào hướng sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm. Một tiểu đội bộ binh của trung đoàn 209 (Đại đoàn 312) vượt qua cầu Mường Thanh thọc thẳng vào hầm chỉ huy của Đờ Cát, bắt viên tướng chỉ huy tập đoàn cứ điểm và toàn ban tham mưu của hắn. 19 giờ, 2 tiểu đoàn địch ở phân khu Hông Cúm địch lợi dụng đêm tối rút chạy sang phía Thượng Lào. Nhưng đã bị trung đoàn 57 (đại đoàn 304) đã kịp thời truy kích, bắt gọn toàn bộ.

22 giờ ngày 7 tháng 5 năm 1954, chiến dịch tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ kết thúc toàn thắng.

Trải qua 55 ngày đêm chiến đấu liên tục, ta đã diệt và bắt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ gồm 16.000 tên địch, thu toàn bộ vũ khí trang bị của chúng, hoàn thành thắng lợi trọn vẹn chiến dịch tiến công lớn nhất trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã hậu thuẫn kịp thời, đắc lực cho cuộc đàm phán về cuộc chiến tranh Đông Dương, khai mạc hôm sau, 8 tháng 5, tại Giơnevơ.

* * *

Trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, nghệ thuật chiến dịch của ta được phát triển cao là do có sự chỉ đạo tài tình của chiến lược; nghệ thuật chỉ đạo chiến lược là phân tán khối quân cơ động của địch ra nhiều hướng và phát động mạnh mẽ chiến tranh du kích trong cả nước để đảm bảo thuận lợi cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Nghệ thuật chiến dịch của ta, chủ yếu là nghệ thuật chiến dịch tiến công đã phát triển đa dạng, phong phú từ phản công (một dạng đặc biệt của tiến công) ở đồng bằng (đánh bại cuộc hành quân Mouette), đến truy kích trên chiến trường rừng núi (giải phóng Lai Châu và dọc sông Nậm Hu), từ tiến công thọc sâu vào địa bàn địch sơ hở (Trung Hạ Lào - Đông Bắc Campuchia) đến đánh điểm diệt viện trên vùng rừng núi bắc Tây Nguyên và cuối cùng là chiến dịch tiến công trận địa quy mô lớn tiêu diệt tập đoàn cứ điểm mạnh nhất ở Đông Dương trên chiến trường Điện Biên Phủ.

Trong chiến dịch phản công ở tây nam Ninh Bình, xuất phát từ so sánh lực lượng (địch 3/ta 1) và điều kiện địa hình (cả trên bộ và trên sông), ta đã vận dụng cách đánh thích hợp bằng lực lượng vừa và nhỏ, kết hợp chủ lực với địa phương, kết hợp trận địa phục kích với làng chiến đấu để hạn chế và làm thất bại từng mũi tiến quân của địch và cuối cùng làm thất bại mưu đồ cuộc hành quân của chúng.

Trong các chiến dịch tiến công chuyển sang truy kích liên tục trên những chặng đường dài hàng mấy trăm kilômét, địa hình, rừng núi, quân ta đã phát triển sáng tạo kinh nghiệm đuổi địch trong chiến dịch Thượng Lào năm trước. Điểm mới về nghệ thuật trong hai chiến dịch tiến công truy kích giải phóng Lai Châu và lưu vực sông Nậm Hu và quân ta đã biết lợi dụng đường tắt, vượt lên trước địch, đuổi địch trên nhiều hướng, chia cắt đội hình rút chạy của chúng; kết hợp truy kích với chốt chặn, đón lõng, phục kích và tiến công địch co cụm trên đường rút chạy, kết hợp đánh địch với gọi hàng và truy quét tàn quân, nên đã hoàn thành cả hai nhiệm vụ tiêu diệt địch và giải phóng đất đai.

Bước phát triển của nghệ thuật chiến dịch trong chiến dịch Trung Hạ Lào - Đông Bắc Campuchia và cả đợt 2 chiến dịch bắc Tây Nguyên là sớm hình thành mũi thọc sâu chiến dịch có ý nghĩa chiến lược. Quân ta đã kịp thời phát hiện và triệt để khai thác những sơ hở của địch, nhanh chóng phát triển sâu vào “hậu phương an toàn” của chúng, kết hợp với các đơn vị cỡ trung đoàn tiếp tục hoạt động trên địa bàn rộng, “đánh điểm diệt viện” trên các trục đường chiến lược, chia cắt địch trên nhiều hướng, kiềm chế các cứ điểm mới hình thành của địch (Xênô, Xaravan) hỗ trợ đắc lực cho mũi thọc sâu tiến xa xuống phía tây nam gây bất ngờ lớn cho địch làm đảo lộn thế bố trí chiến lược của chúng.

Điểm nổi bật về nghệ thuật chiến dịch trong chiến dịch Bắc Tây Nguyên là chọn hướng và mục tiêu tiến công, đúng thời cơ nổ súng, phối hợp chiến trường. Chiến dịch mở màn bằng 3 trận diệt đồn, trực tiếp uy hiếp thị xã Kon Tum từ phía đông bắc, chỉ một ngày sau khi địch tiến đánh vùng tự do Liên khu V. Đòn tiến công bất ngờ của chiến dịch trên hướng rừng núi đã tác động trực tiếp đến cuộc hành binh Atlăng của địch ở hướng đồng bằng. Vừa tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng đất đai trên một địa bàn có tầm quan trọng về chiến lược, chiến dịch tiến công bắc Tây Nguyên đã hỗ trợ đắc lực cho cuộc chiến đấu của quân và dân Phú Yên chống lại cuộc hành binh lớn của địch, buộc chúng phải đình chỉ tiến công Phú Yên, điều lực lượng lên ứng cứu Kon Tum.

Đỉnh cao phát triển nghệ thuật chiến dịch trong cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 cũng như trong cả cuộc kháng chiến chống Pháp 1945-1954, tập trung trong chiến dịch Điện Biên Phủ, một chiến dịch tấn công trận địa quy mô lớn nhất của quân ta thời đó, gồm một loạt trận đánh địch trong công sự vững chắc, diễn ra trong một thời gian dài tiến trình tiến công vây hãm - đột phá lần lượt.

Đoàn dân công xe thồ phục vụ tiền tuyến

Đoàn dân công xe thồ phục vụ tiền tuyến

Với phương châm đúng: “Đánh chắc, tiến chắc", nghệ thuật chiến dịch trong chiến dịch Điện Biên Phủ biểu hiện cụ thể trên các mặt sau đây:

1. Sớm hình thành thế bao vây. Xây dựng trận địa tiến công và bao vây, ngày càng xiết chặt từng cụm cứ điểm và cả tập đoàn cứ điểm, chia cắt thế liên hoàn của chúng.

Chiến dịch Điện Biên Phủ lúc đầu dự định mở màn ngày 25 - 1 - 1954, về sau quyết định mở đầu ngày 13 - 3; nhưng ngay từ ngày 5 - 12 - 1953, khi bộ phận tiền trạm của Sở chỉ huy tiền phương của Bộ vừa đến Tuần Giáo được tin địch ở Lai Châu rút về Điện Biên Phủ, đồng chí Hoàng Văn Thái đã lệnh cho đại Đoàn 316 tiếp tục tiến công giải phóng Lai Châu theo kế hoạch, đồng thời lệnh ngay cho Đại đoàn 308 (đã hành quân đến Sơn La) điều ngay 1 trung đoàn tắt đưòng rừng xuống chốt ở Pom Lót, chặn đường Điện Biên Phủ sang Thượng Lào. Khi Đại đoàn 316 truy kích địch trên đường Lai Châu - Điện Biên Phủ, mấy đơn vị của đại đoàn đều có lực lượng chốt chặn từ Mường Mươn, Mường Pồn đến Pu San đồng thời bám địch ở Him Lam, Bản Tấu.

Như vậy là đúng những lúc cứ điểm đầu tiên của địch vừa mới bắt đầu xây dựng ở Điện Biên Phủ cũng là lúc cấp chiến lược ta hạ quyết tâm mở chiến dịch Điện Biên Phủ (quyết tâm ngày 5-12-1953), thì trên cả phía bắc và phía nam cánh đồng Mường Thanh (các ngả đường Lai Châu - Điện Biên, Tuần Giáo, Điện Biên, Điện Biên - Sốp Nao, Thượng Lào) ta đã bước đầu hình thành thế bao vây địch về chiến dịch. Quân ta đã chốt chặn cả hai đầu con đường độc đạo bắc nam dọc cánh đồng Mường Thanh, từ Bản Tấu đến Pom Lót. Đây chính là sự vận dụng kinh nghiệm chiến dịch Thượng Lào vào điều kiện mới, đề phòng địch rút chạy.

Quá trình chuẩn bị chiến dịch theo phương châm “Đánh nhanh giải quyết nhanh” lúc đầu, là quá trình quân ta hình thành thế bao vây quân địch quy mô lớn hơn, chặt hơn quanh cánh đồng Mường Thanh, Đại đoàn 308 ở phía bắc và tây bắc; Đại đoàn 312 ở phía đông bắc; 2 trung đoàn (Đại đoàn 316) ở phía đông; trung đoàn 57 (Đại đoàn 304) ở phía nam. Đặc biệt là từ hạ tuần tháng 1 (khi ta thay đổi sang phương châm “Đánh chắc, tiến chắc” cho đến ngày quân ta giành toàn thắng, hệ thống chiến hào hàng trăm kilômét ngày càng ken dày và xiết chặt từng phân khu, từng cụm cứ điểm, thậm chí từng cứ điểm. Mọi kế hoạch tháo chạy của địch, từ Xênôphôn lúc ban đầu đến Diều hâu của Mỹ 4 và cuối cùng là các kế hoạch Chim ưng, Chim biển của Pháp đều không thể thực hiện được vì chiến hào của ta đã bao vây chặt và không ngừng vươn tới áp sát địch.

Đối với ta, ngay từ đầu, Bộ chỉ huy chiến dịch đã khẳng định tác dụng lớn lao của trận địa tiến công và bao vây chia cắt trong chiến dịch tiến công tập đoàn cứ điểm này. Thực tế diễn biến chiến dịch Điện Biên Phủ đã chứng minh tính đúng đắn của sự khẳng định đó. Xây dựng trận địa cũng là áp dụng thực sự phương châm “Đánh chắc, tiến chắc” trong điều kiện tác chiến công kiên lớn. Có xây dựng trận địa vững chắc và ngày càng tiến sâu áp sát địch mới khắc phục được chỗ mạnh của chúng về máy bay, pháo binh, mới tạo điều kiện cho đơn vị lớn của ta vận động tiếp cận, tiêu diệt địch. Xây dựng trận địa, thắt chặt vòng vây là tạo điều kiện cho ta phát huy đồng thời tất cả hoả lực sát thương địch, cho pháo mặt đất, pháo cao xạ triển khai và phát huy hoả lực thuận lợi để khống chế sân bay, khống chế không phận, hạn chế đi đến triệt tiếp tế, tăng viện của địch hiệu quả hơn 5.

Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị xung kích, các chiến sĩ cao xạ pháo đang đánh trả quyết liệt máy bay địch ở Điện Biên Phủ

Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị xung kích, các chiến sĩ cao xạ pháo đang đánh trả quyết liệt máy bay địch ở Điện Biên Phủ

Bằng hệ thống trận địa tiến công và bao vây từ sau đợt 2 chiến dịch, quân ta đã “trói chặt địch lại để lần lượt tiêu diệt từng bộ phận. Tác dụng quyết định của nó được phát huy cho đến phút cuối cùng, khi quân ta thực hành cuộc tổng công kích chiều 7 - 5 - 1954.

2. Tập trung ưu thế binh hoả lực, đánh chắc thắng, tiêu diệt từng bộ phận sinh lực địch, từng bước uy hiếp, tiến tới tiêu diệt khu vực trọng yếu nhất của địch.

So sánh lực lượng chiến đấu giữa ta và địch trong chiến dịch Điện Biên Phủ ta thấy về bộ binh, ta gấp 2 lần quân địch, về pháo binh, ta và địch xấp xỉ nhau. Nhưng chúng hơn hẳn quân ta về máy bay, cơ giới và hệ thống công sự của chúng đã trải qua hơn ba tháng xây dựng và củng cố. Tình hình trên đây cho thấy bên phòng ngự lợi hơn bên tiến công.

Một yếu tố khác được Bộ chỉ huy chiến dịch đặc biệt quan tâm, đó là trình độ tác chiến của bộ đội, cụ thể là khả năng đánh công sự vững chắc. Bước vào Đông Xuân 1953-1954, trình độ phổ biến của các đơn vị chủ lực ta trong đánh công kiên còn hạn chế. Ta mới có kinh nghiệm tiến công tiêu diệt từng cụm cứ điểm độc lập do một tiểu đoàn địch chiếm giữ, nổ súng tiến công tiêu diệt mục tiêu và lui quân trong đêm. Quân ta lại chưa có kinh nghiệm hợp đồng bộ binh - pháo binh trong tác chiến tập trung quy mô lớn. Thực tế đó là một nguyên nhân chủ yếu khiến ta thực hiện phương châm “Đánh chắc, tiến chắc”.

Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ gồm 49 cứ điểm, hầu hết tập trung ở phía bắc cánh đồng Mường Thanh, trên một diện tích khoảng 40km2 (dọc: Bản Mịn - Hồng Én 7km; ngang: Pe Luông - Long Pua 6km). Trên các điểm cao từ tây bắc sang đông bắc và đông hình thành những cụm cứ điểm ngoại vi bảo vệ phân khu Trung tâm mà hạt nhân là Epervier, nơi đặt sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm. Khu vực giao chiến rộng, so sánh trang bị kỹ thuật chênh lệch, kinh nghiệm đánh công kiên của quân ta hạn chế, không cho phép quân ta hình thành nhiều hướng đồng thời đánh thẳng vào tung thâm phân khu Trung tâm của địch (như ý định ban đầu “Đánh nhanh giải quyết nhanh”). Ta đã chọn cách “Đánh chắc, tiến chắc”, tập trung ưu thế binh hoả lực đánh từng trận hay một số trận gối đầu liên tiếp, diệt từng cứ điểm. Cụm cứ điểm ngoại vi, trước hết là trên các điểm cao khống chế phía bắc rồi phía đông, “bóc vỏ” từ ngoài vào, mở đường tiến xuống cánh đồng Mường Thanh, tiếp cận và uy hiếp ngày càng sâu, càng mạnh tung thâm địch, cuối cùng dứt điểm bằng cuộc tổng công kích, đánh vào chỗ trọng yếu nhất là sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm.

Đánh địch trong công sự vững chắc, yêu cầu hàng đầu là tiếp cận địch, từng bước uy hiếp, phá vỡ từng mảng phòng ngự của chúng, đập tan sự chống giữ của từng bộ phận địch, tiến tới tiêu diệt bộ phận quan trọng nhất của chúng. Đáp ứng yêu cầu đó, cách “đánh chắc, tiến chắc” phù hợp với điều kiện địa hình ở Điện Biên Phủ. Cách đánh đó cho phép quân ta vừa đánh vừa học, rút kinh nghiệm trận trước phục vụ cho trận sau, củng cố lực lượng sau từng trận, từng đợt chiến dịch và có điều kiện chuẩn bị cho bước tiếp theo. Cách đánh đó cũng chính là bước phát triển của nghệ thuật chiến dịch trong một chiến dịch tiến công trận địa quy mô lớn nhất của quân đội ta trong kháng chiến chống Pháp, bước phát triển được đánh dấu bằng việc xác định đúng phương châm tác chiến chiến dịch là “Đánh chắc, tiến chắc”.

Phương châm tác chiến đúng đã được thực tế chứng minh. Nhưng vận dụng cụ thể trong từng đợt, có lúc sự quán triệt không thật đầy đủ, ảnh hưởng đến việc hoàn thành kế hoạch, đến tiến trình chiến dịch. Nổi lên là vấn đề xác định số lượng mục tiêu sao cho phù hợp với khả năng tập trung binh hoả lực của ta trong từng đợt. Mục tiêu càng nhiều, càng hạn chế mức độ tập trung binh hoả lực, cũng là không đảm bảo chắc chắn.

Trong đợt 1, ta đã tập trung ưu thế binh hoả lực tiêu diệt 3 cụm cứ điểm ngoại vi phía bắc. Tỷ lệ binh lực trong trận Him Lam. địch 1/ta 3; trận đồi Độc Lập: địch 1/ta 4,5; trận Bản Kéo (theo kế hoạch): địch 1/ta 3. Trong trận then chốt mở đầu chiến dịch (Him Lam), so sánh pháo cối trực tiếp chi viện đánh vào mục tiêu, ta hơn địch gấp 10 lần. Nếu tính cả nhiệm vụ chế áp các mục tiêu khác, ta cũng gấp 2,6 lần. Ta tập trung tiêu diệt mỗi cụm cứ điểm trong một đêm nên pháo binh có điều kiện thuận lợi chi viện cho bộ binh trong từng trận đánh.

Sau thắng lợi giòn giã của đợt 1, nguyên tắc và kinh nghiệm tập trung binh hỏa lực không được vận dụng đầy đủ vào cuộc tiến công cụm điểm cao phía đông, khi bước vào đợt 2. Về binh lực, trên hướng này, địch có 5 tiểu đoàn (kể cả 2 tiểu đoàn dù cơ động ứng cứu), ta tập trung 6 trung đoàn. Nhưng về mục tiêu thì quá nhiều. Chỉ riêng trên hướng đông, 9 mục tiêu phải diệt (Đại đoàn 308:2; Đại đoàn 312: 4, Đại đoàn 316:3). Ngoài ra, còn 2 tiểu đoàn dù 6è BPC và 5è BPVN dự bị cơ động mới được thả xuống tăng viện, đứng chân trong khu vực các điểm cao D, C1, C2, mà cả 3 đại đoàn lại đều có nhiệm vụ phối hợp tiêu diệt.

Như vậy là về bộ binh địch 1/ ta 3,6 (5/18 tiểu đoàn), về pháo cối, địch 1 /ta 8,4 nhưng hoả lực ta lại phải rải ra trên nhiều mục tiêu ngay từ đêm đầu (30-3). Hơn 30 khẩu đội pháo và cối và phải chi viện cho các trận đánh trên các điểm cao A, B, C, E trong điều kiện cả pháo và cối ta đang đứng trước nguy cơ “đói đạn trầm trọng” 6. Trong khi hơn 30 khẩu đội trực chiến chi viện cho bộ binh trên hướng đông thì các đơn vị pháo cối còn lại phải đảm nhiệm việc áp chế sân bay, sở chỉ huy và nhất là trận địa pháo binh địch. Như vậy là trên hướng đông cũng như toàn mặt trận, hoả khí tập trung nhưng hoả lực phân tán. Riêng việc chi viện cho trung đoàn 174, đánh A1, một mục tiêu trọng điểm của đợt 2, thì sử dụng hoả lực còn chưa tập trung để chi viện cho bộ binh tiến công A1. Còn trong chi viện đánh địch phản kích ở cứ điểm này thì đánh phản kích yêu cầu hoả lực phải tập trung mãnh liệt trong thời gian ngắn, nhưng phổ biến thường dùng 1 đại đội bắn và mỗi lần chỉ bắn vài ba viên nên không ngăn chặn được địch phản kích.

Sự chỉ đạo chỉ huy của cấp chiến dịch và của Đại đoàn 316 đối với trận tiến công A1 cũng không thể hiện nguyên tắc “Bảo đảm chắc thắng”, cấp chiến dịch tuy đã đánh giá A1 là một cứ điểm mạnh, do tiểu đoàn 1/4 RTM chiếm giữ, nhưng chỉ sử dụng 1 trung đoàn (174) tiến công một cứ điểm cứng trên điểm cao, có hầm ngầm, thì mức độ tập trung ưu thế binh hoả lực như vậy cũng chưa cao ngay từ đêm đầu. Sau trận đêm 30 tháng 3, trung đoàn 174 chưa có điều kiện rút kinh nghiệm tìm biện pháp bổ khuyết những thiếu sót về nắm địch (hầm ngầm), về tổ chức chỉ huy và cách đánh, cấp chiến dịch điều trung đoàn 102 đến cùng một bộ phận của trung đoàn 174 đánh liên tiếp trong 2 đêm (31-3 và 1-4). Cả hai đơn vị đều không có thời gian cần thiết để chuẩn bị chu đáo, bảo đảm chắc thắng cho trận đánh. Vì thời gian gấp, đơn vị phải triển khai đánh theo phương án cũ nên lại gặp khó khăn ngay từ đầu và cả hai trận tiếp theo vẫn không thành công, quân ta bị tiêu hao nặng.

Những vấn đề mang tính chất nguyên tắc khi thay đối phương châm tác chiến chiến dịch từ “Đánh nhanh giải quyết nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc” như tập trung ưu thế binh hoả lực, chuẩn bị đầy đủ, không bảo đảm chắc thắng thì không đánh... được thể hiện tốt trong đợt 1, nhưng lại không thể hiện đầy đủ trong đợt 2. Do đó, dẫn đến kết quả, như đánh giá của Bộ chỉ huy chiến dịch “Một số đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ”, nên nhiệm vụ chung của đợt 2 không thực hiện được đầy đủ. Riêng đối với cứ điểm A1, cho đánh liền 3 trận trong 3 đêm mà thiếu yếu tố chắc thắng, là biểu hiện nóng vội trong việc thực hiện ý định tác chiến đợt 2. Cũng như chủ trương “Chiếm lĩnh toàn bộ các điểm cao phía đông, biến những điểm cao đó thành trận địa của ta để uy hiếp khu vực Mường Thanh” là đúng, nhưng biện pháp chỉ đạo thực hiện cũng không thể hiện sự quán triệt đầy đủ phương châm “Đánh chắc, tiến chắc”.

Tạm dừng đợt 2, chỉ đạo hoạt động bổ sung và tăng cường chuẩn bị suốt 3 tuần cuối tháng 4 là một chủ trương đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tế và đã thể hiện đúng phương châm “Đánh chắc, tiến chắc”. Nhờ vậy mà các đơn vị có điều kiện củng cố và phát huy kết quả (tuy còn hạn chế) của đợt 2, tạo được thế mới, lực mới để bước vào đợt chiến đấu giành thắng lợi cuối cùng của chiến dịch.

3. Chọn cách đánh hiểm, phát huy uy lực mọi thứ hỏa khí của ta, hạn chế chỗ mạnh, khoét sâu chỗ yếu của địch.

Đây là bước phát triển về chỉ đạo cách đánh chiến dịch, nảy sinh rõ nét sau đợt 2. Lúc này địch còn trên 1 vạn quân, rải ra trên hơn 30 vị trí trên cánh đồng Mường Thanh. Chúng vẫn giữ được một phần các điểm cao A1, C1. Sau khi được tăng viện, địch ra sức củng cố trận địa hòng bảo vệ khu vực phòng ngự then chốt trên dãy điểm cao phía đông. Hoả lực của địch còn mạnh, phi cơ và pháo binh của chúng vẫn hoạt động ráo riết. Mặc dù việc tăng viện, tiếp tế đã có phần khó khăn hơn trước nhưng địch vẫn còn thả dù tiếp tế được cả lương thực và vũ khí, vẫn tăng viện được một phần binh lực.

Sau thắng lợi hạn chế của đợt 2, một vấn đề cấp thiết đặt ra là tiếp tục đánh địch bằng cách nào để vừa hạn chế thương vong của ta, vừa khoét sâu hơn nữa chỗ yếu của địch, hạn chế chỗ mạnh còn lại của chúng, tạo điều kiện chuyển sang đợt tác chiến mới, tiêu diệt toàn bộ quân địch còn lại trong tập đoàn cứ điểm.

Ta chủ trương dùng lực lượng nhỏ, hoạt động rộng rãi dưới các hình thức đánh lấn, phá huỷ từng ụ đề kháng, tiêu diệt thêm một số vị trí địch; bắn tỉa tiêu hao địch rộng rãi, làm cho sinh lực chúng luôn hao mòn, tinh thần luôn căng thẳng; đánh chiếm sân bay, thắt chặt vòng vây, thu hẹp không phận, khống chế máy bay, đoạt dù tiếp tế, hạn chế, tiến tới triệt hẳn nguồn tiếp tế và tăng viện của địch vì địch chỉ còn chỗ dựa cuối cùng là tiếp tế bằng đường không. Khống chế sân bay, đánh chiếm sân bay là dập tắt hy vọng cuối cùng đó của địch, là cắt cái dạ dày của chúng. Điều kiện để vận dụng được cách đánh này là phải không ngừng đưa trận địa tiến công và bao vây ngày càng áp sát địch, hạn chế uy lực máy bay và pháo binh của chúng.

Các đơn vị xung kích của ta dưới sự chỉ huy của anh hùng quân đội Nguyễn Quốc Trị đang tấn công sân bay Mường Thanh

Các đơn vị xung kích của ta dưới sự chỉ huy của anh hùng quân đội Nguyễn Quốc Trị đang tấn công sân bay Mường Thanh

Thực hiện chủ trương tác chiến trên đây, từ trung tuần tháng 4, quân ta đã từng bước làm thay đổi hẳn cục diện chiến trường.

Sân bay địch bị chiến hào ta cắt đứt từ hai hướng đông và tây; hai vị trí sân bay (105 và 206) bị các đơn vị ta lấn dần, bóc gọt rồi tiêu diệt. Sân bay không những không còn là nơi lên xuống cho máy bay mà cũng không còn là bãi thả dù tiếp tế nữa.

Hai trận địa pháo binh địch ở 307a và 307b bị lựu pháo của ta loại khỏi vòng chiến đấu. Từ trận địa đặt trên đồi E, nắm đúng thời cơ khi pháo địch ở trung tâm Mường Thanh ra khỏi hầm chuẩn bị bắn chi viện cho đồng bọn phản kích ở 206, một khẩu đội sơn pháo của ta đã dùng lối bắn trực tiếp lần lượt diệt gọn 4 khẩu lựu pháo địch.

Phong trào bắn tỉa của các tổ thiện xạ bộ binh thường xuyên gây nên nỗi kinh hoàng đối với địch. Điển hình là ở phân khu Nam. Trong vòng nửa tháng, các tổ thiện xạ của trung đoàn 57 đã diệt khoảng 100 tên địch, xấp xỉ số địch bị bắn tỉa trên toàn phân khu Trung tâm. Đáp lời kêu gọi của Bộ chỉ huy chiến dịch “Một viên đạn một tên địch, một viên đạn mấy tên địch, kiên nhẫn tích cực, nhằm đúng mục tiêu, hễ bắn là trúng”, có chiến sĩ diệt 13 tên địch bằng 15 viên đạn.

Pháo cao xạ tiến sâu xuống cánh đồng Mường Thanh, khống chế không phận, trong khi hoả lực pháo cối thu hẹp khu vực thả dù, buộc máy bay địch phải thả dù trên độ cao lớn 7. Gần một nửa số dù rơi sang trận địa của ta hoặc rơi vào khoảng trống giữa ta và địch. Đó là thời cơ xuất hiện phong trào đoạt dù, góp phần triệt hạ nguồn tiếp tế của địch. Có đơn vị, trong một tuần, đoạt 766 chiếc dù, với một khối lượng hàng mà nếu chở bằng máy bay Đakôta, địch phải dùng tới 30 chuyến. Đối với binh chủng pháo binh của ta, đoạt dù địch là một biện pháp tích cực để khắc phục nạn thiếu đạn. Trong đợt này, ta đã thu được chừng 5.000 viên đạn lựu pháo và đạn súng cối. Điển hình là đại đội 805 lựu pháo ở phân khu Nam, các đơn vị bộ binh đoạt dù đem về cho đại đội này tới gần 2.000 viên đạn pháo 8.

Chọn cách đánh hiểm, phát huy hiệu lực của các loại binh khí, quân ta đã khoét sâu nhược điểm cơ bản của địch là tinh thần ngày càng sa sút, tiếp tế ngày càng khó khăn 9.

Đến cuối tháng 4, tức là vào cuối đợt hoạt động bổ sung (sau đợt 2) của ta, quân số địch ở Điện Biên Phủ tuy còn chừng 1 vạn tên nhưng chỉ có 42% đủ sức chiến đấu (3.000 ở phân khu Trung tâm, 1.200 ở phân khu Nam). Trang bị đã bị thiếu thốn nghiêm trọng, trong điều kiện nguồn tiếp tế như đã bị bóp nghẹt 10.

Chọn cách đánh thích hợp với điều kiện thực tế cụ thể chiến trường (sau đợt 2) nhưng rất hiểm, ta đã làm cho địch quân còn đông mà hóa ít, trang bị còn mạnh mà hóa yếu, tinh thần, vật chất và thế trận đã hoàn toàn bất lợi. Chính bằng cách đánh hiểm và rất sáng tạo đó mà đến cuối tháng 4, mặc dù quân ta chưa hoàn toàn làm chủ dãy điểm cao phía đông, nhưng đã uy hiếp mạnh phân khu Trung tâm và chuẩn bị đầy đủ điều kiện chắc thắng để chuyển sang đợt tiến công cuối cùng.

Điểm phát triển đặc sắc của nghệ thuật chiến dịch trong đợt 3 là xác định đúng thời cơ đánh đòn quyết định cuối cùng.

Trước những triệu chứng đột biến của địch, Bộ chỉ huy đã thay đổi kế hoạch, kịp thời ra lệnh Tổng công kích trên toàn mặt trận trước giờ quy định, tức là ngay chiều 7 tháng 5 (không chờ đến tối). Sau này, tài liệu Pháp và phương Tây cho thấy, quyết định sáng suốt đó đã kịp thời chặn đứng thủ đoạn cuối cùng của chúng. Theo lệnh của Cônhi ở Hà Nội, địch dự định tháo chạy sang hướng Thượng Lào vào 19 giờ hôm đó, theo kế hoạch “Chim biển”. Nhưng quân ta đã thọc thẳng vào sở chỉ huy địch, bắt tướng chỉ huy tập đoàn cứ điểm và toàn ban tham mưu của hắn. Từ Hà Nội. Cônhi ra lệnh trực tiếp cho đại tá Lalãngdơ (Lalande) phó chỉ huy tập đoàn cứ điểm, đặc trách phân khu Nam: "Tự quyết định lấy việc thực hiện một phần kế hoạch Chim biển”. Nhưng ý đồ đó cũng không thành. Gần 2.000 quân địch vừa rời khỏi phân khu Nam đã bị quân ta truy kích bắt gọn.

Toàn bộ bọn giặc Pháp còn sống sót ở Điện Biên Phủ đã kéo cờ trắng lũ lượt ra hàng.

Toàn bộ bọn giặc Pháp còn sống sót ở Điện Biên Phủ đã kéo cờ trắng lũ lượt ra hàng.

4. Chủ động vượt qua khó khăn, tự lực tự cường, tạo mọi yếu tố vật chất, tinh thần, đưa chiến dịch đến toàn thắng.

Thắng lợi to lớn của chiến dịch Điện Biên Phủ một phần nữa chứng minh luận điểm cơ bản về vai trò hậu phương, nhân tố thường xuyên quyết định thắng lợi của chiến tranh. Những sự kiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, của Trung ương, cũng như những số liệu về sức người, sức của từ các miền hậu phương dốc ra tiền tuyến đã khẳng định một cách sinh động quy luật đó 11. Từng đoàn tân binh lên đường; toàn bộ phương tiện thông tin mà phía sau có thế huy động được; hàng vạn bức thư báo tin thắng lợi của cuộc đấu tranh thực hiện chính sách ruộng đất; các chiến trường trong cả nước nỗ lực lập công, phối hợp chặt chẽ với mặt trận trọng điểm... tất cả đã nói lên quyết tâm và sức mạnh của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đang ngày đêm hướng về chiến trường trọng điểm với ý chí “Đập tan kế hoạch Nava”, theo khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến - Tất cả để chiến thắng”.

Sau đợt 2 chiến dịch, trước những khó khăn mới của mặt trận, Nghị quyết ngày 19 - 4 của Bộ Chính trị càng động viên hậu phương dốc thêm sức cùng tiền tuyến giành thắng lợi. Bộ Chính trị quyết định: Toàn dân, toàn Đảng và Chính phủ nhất định phải đem toàn lực chi viện Điện Biên Phủ và nhất định làm mọi việc cần thiết để giành toàn thắng cho chiến dịch này.

Vấn đề đặt ra đối với chiến dịch là phải chủ động tạo mọi yếu tố giành thắng lợi cuối cùng cho chiến dịch. Đương nhiên cách đánh là vấn đề hàng đầu, biểu hiện tập trung nhất trong cuộc đấu trí - đấu lực trên chiến trường. Nhưng còn biết bao yếu tố vật chất và tinh thần tác động trực tiếp đến sự thành công của chiến dịch. Có nhiều yếu tố tại chỗ, ngoài tầm lo toan của hậu phương, mà Bộ chỉ huy và các cơ quan chiến dịch phải xử trí trong quá trình chuẩn bị và thực hành chiến dịch.

Khi thay đổi phương châm tác chiến, Bộ chỉ huy đã dự kiến chiến dịch sẽ kéo dài, ta sẽ phải đương đầu với những khó khăn về hậu cần tiếp tế, về thời tiết khắc nghiệt khi mùa mưa đến, về sức khoẻ, quân số và sức chiến đấu của bộ đội.

Thực tế “bài học Khâu Vác” trong chiến dịch Tây Bắc cho thấy vấn đề bảo đảm lương thực quan trọng như thế nào đối với tiến trình chiến dịch. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, tuy có tới 450 xe vận tải cơ giới là lực lượng vận chuyển chủ yếu của hậu cần chiến dịch nhưng tuyến đường quá dài, địch lại đánh phá ác liệt 12, nên ảnh hưởng không nhỏ đến lưu lượng lương thực đưa ra phía trước: có đêm gạo nhập kho không đầy 1 tấn. Đó là một con số báo động trước yêu cầu của hơn 40 tiểu đoàn quân ta đang trực tiếp chiến đấu ở Điện Biên Phủ.

Ngoài việc điều thêm lực lượng cao xạ và công binh ra bảo đảm trục đường Sơn La - Tuần Giáo - Điện Biên, Bộ chỉ huy đã hạ quyết tâm: mở đường vận chuyển đường sông từ bản Nậm Cúm về Lai Châu. Phải phá hơn 100 thác lớn nhỏ trên sông Nậm Na, dài chừng 80km, mở đường cho hơn 1 vạn lượt chiếc mảng nứa vận chuyển hơn 1 nghìn tấn gạo về Lai Châu để chuyển tiếp theo trục đường bộ Tuần Giáo - Điện Biên.

Một vấn đề quan trọng khác là đạn, nhất là đạn pháo, cối 13 . Bộ chỉ huy đã phê phán nghiêm khắc những thiếu sót của các đơn vị không coi trọng việc thu dọn chiến lợi phẩm (trong cả hai trận đợt 1) và hiện tượng lãng phí trong đợt 2. Trong khi hai tiểu đoàn lựu pháo (24 khẩu) lần đầu xuất trận với số lượng đạn quá ít trước yêu cầu của một chiến dịch lớn kéo dài; hậu phương “vét kho” cũng chỉ đáp ứng chừng 1/2 số đạn tiêu thụ trong toàn chiến dịch (11.715/20.000 viên), số đạn bạn giúp cũng chỉ đạt 18% so với yêu cầu (3.600 viên/20.000). Do thiếu đạn, có đại đội lựu pháo (803) phải tạm ngừng chiến đấu 3 ngày; có đại đội sơn pháo (752) phải đưa pháo rời trận địa, pháo thủ tạm điều đi đơn vị khác.

Bộ chỉ huy chiến dịch đã động viên các đơn vị phát huy truyền thống của quân đội ta, “lấy vũ khí địch diệt địch”. Sức mạnh của quần chúng chiến sĩ trong phong trào “đoạt dù tiếp tế” đã dần dần đáp ứng yêu cầu về đạn pháo, cối trước khi bước vào đợt 3. Riêng đạn lựu pháo đoạt được của địch đã bằng 1/2 tổng số đạn đưa từ hậu phương ra, đáp ứng 14 tổng số đạn tiêu thụ trong toàn chiến dịch.

Khi đợt 2 bắt đầu, những cơn mưa đầu mùa báo hiệu mùa mưa đến sớm hơn mọi năm. Cuộc sống chiến đấu trong chiến hào của bộ đội (nhất là các đơn vị sống trong những “hàm ếch” khoét bên bờ chiến hào giữa cánh đồng phía tây) gặp nhiều khó khăn. Sau mỗi trận mưa là những ngày nắng dữ dội. Không khí oi ả ngột ngạt cộng với hiện tượng thiếu nước, ăn ngủ thất thường, thiếu rau xanh... đã đe doạ trực tiếp sức khoẻ bộ đội.

Bộ chỉ huy đã cử nhiều cán bộ chủ chốt của các cơ quan chiến dịch xuống giúp đơn vị cải thiện sinh hoạt của bộ đội. Phong trào “bình thường hóa cuộc sống trong chiến hào”, với nhiều biện pháp tích cực sáng tạo, bảo đảm ăn, ngủ, nghỉ, tắm giặt giải trí của chiến sĩ sau từng trận đánh, cùng với phong trào tăng gia ở hậu cứ từng đơn vị (như đào củ mài, kiếm hoa chuối rừng thay rau, trồng rau ngắn ngày, bắt cá suối cá sông, ngâm giá đỗ để tiếp tế ra phía trước...) đã góp phần quyết định duy trì sức khoẻ cho bộ đội chiến đấu dài ngày trong điều kiện thời tiết thất thường đang chuyển từ mùa khô sang mùa mưa.

Vấn đề bồi dưỡng nâng cao trình độ chỉ huy của cán bộ, trình độ tác chiến của bộ đội trong điều kiện tân binh bổ sung nhiều, cán bộ đề bạt nhanh, sau từng trận, từng đợt chiến dịch và trước sự phát triển của các hình thức chiến thuật, đã được giải quyết kịp thời để không ngừng đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ. Cơ quan tham mưu chiến dịch đã thường xuyên phổ biến kinh nghiệm sốt dẻo về hợp đồng giữa bộ binh với pháo mặt đất, pháo cao xạ; về vận dụng kết hợp hai hình thức chiến thuật tiến công tiêu diệt cứ điểm với lâm thời phòng ngự, đánh địch phản kích bằng bộ binh và xe tăng, giữ vững trận địa; về chiến thuật vây lấn (bao vây bằng hệ thống trận địa kết hợp với tiến công tiêu diệt cứ điểm từ trận địa bao vây) v.v.. Để chuẩn bị cho quân ta bước vào đợt tiến công cuối cùng, việc chỉ đạo và giúp đỡ đơn vị đào hơn 40 mét hầm ngầm xuyên trong lòng đất vào cứ điểm A1 và hướng dẫn tháo bom chưa nổ của máy bay địch để lấy 1 tấn thuốc, đánh sập hầm ngầm của địch trên đồi A1... là điển hình sự cố gắng của các cơ quan tham mưu chiến dịch và tham mưu đại đoàn 316, góp phần tiêu diệt “điểm cao cuối cùng” trước giờ tổng công kích.

Ngày 6/5/1954, ta mở cuộc tổng công kích vào Điện Biên Phủ. Ảnh: Quả bộc phá 1 tấn thuốc nổ phá tan các lô cốt và hầm ngầm cố thủ của địch trên đồi A1, 1 vị trí quan trọng trong Điện Biên Phủ, ta đã tiêu diệt ở đây 1 tiểu đoàn Âu Phi

Ngày 6/5/1954, ta mở cuộc tổng công kích vào Điện Biên Phủ. Ảnh: Quả bộc phá 1 tấn thuốc nổ phá tan các lô cốt và hầm ngầm cố thủ của địch trên đồi A1, 1 vị trí quan trọng trong Điện Biên Phủ, ta đã tiêu diệt ở đây 1 tiểu đoàn Âu Phi

Về công tác chính trị, lãnh đạo tư tưởng, thành công lớn nhất là cuộc vận động đấu tranh chống tư tưởng hữu khuynh tiêu cực.

Sau đợt 2, Đảng ủy Mặt trận nhận thấy “một số hiện tượng không bình thường bắt đầu xuất hiện trong việc chấp hành nhiệm vụ chiến đấu của cán bộ” 14. Lúc này khắc phục tư tưởng tiêu cực, mỏi mệt, ngại chiến đấu ác liệt và kéo dài, nâng cao quyết tâm chiến đấu của cán bộ đã trở thành một yêu cầu cấp thiết để đưa chiến dịch đến toàn thắng. Đảng ủy Mặt trận triệu tập Hội nghị các đồng chí Bí thư đại đoàn ủy, các đồng chí phụ trách cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần, những đồng chí có trách nhiệm nặng nhất trong chiến dịch, để tiến hành kiểm điểm tư tưởng hữu khuynh tiêu cực trước khi bước vào đợt chiến đấu quyết liệt cuối cùng.

Trong báo cáo đọc trước Hội nghị, đồng chí Bí thư Đảng ủy chiến dịch Điện Biên Phủ Võ Nguyên Giáp nhận định: “Tư tưởng hữu khuynh tiêu cực hiện nay là trở ngại lớn nhất trên con đường đi đến toàn thắng của chúng ta” 15. Đưa ra những dẫn chứng cụ thể, bản báo cáo phân tích hai hình thức biểu hiện tư tưởng hữu khuynh tiêu cực. Một là, dao động, sợ khổ, sợ khó, sợ chết, sợ thương vong, sợ tiêu hao mệt mỏi; đứng trước khó khăn thì thiếu tinh thần khắc phục, đối với quân địch thì thiếu tinh thần tích cực tiêu diệt địch; đối với những sai lầm của bản thân và của anh em đồng đội thì không kiên quyết đấu tranh... Hai là, chủ quan khinh địch, chủ quan tự mãn, quan liêu đại khái. Bề ngoài thì có vẻ hăng hái không sợ địch, nhưng sự thực thì là hữu khuynh tiêu cực. Không nhận thấy bản chất cực kỳ hung ác và ngoan cố của kẻ địch, không căm thù quân địch đến cao độ nên thiếu tinh thần cảnh giác đối với chúng... Biểu hiện cụ thể và nghiêm trọng nhất của tư tưởng hữu khuynh tiêu cực hiện nay là thiếu tinh thần triệt để chấp hành mệnh lệnh, là không tin tưởng, không kiên trì thực hiện mệnh lệnh của cấp trên. Tư tưởng hữu khuynh tiêu cực đang phổ biến trong các đơn vị, nhưng nghiêm trọng nhất là ở cấp đại đoàn, trung đoàn, tiểu đoàn.

Hội nghị ra Nghị quyết “Kiên quyết đấu tranh chống tư tưởng hữu khuynh tiêu cực, phát huy tinh thần trách nhiệm và nâng cao quyết tâm tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ” 16. Sau Hội nghị, Đảng ủy Mặt trận chỉ đạo các đơn vị triển khai một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn thể bộ đội, từ cấp ủy đến đảng viên, từ cán bộ đến chiến sĩ, để mọi người nhận rõ tình hình, nâng cao quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ chiến dịch. Từ đó, một khí thế mới dâng lên khắp nơi sau đợt học tập này.

Ngày 7/5/1954, toàn bộ tập đoàn cứ điểm của địch ở Điện Biên Phủ đã bị quân ta tiêu diệt, lá cờ "Quyết chiến quyết thắng" đang phấp phới bay trên nóc hầm tên bại tướng thực dân pháp Đờ-cát.

Ngày 7/5/1954, toàn bộ tập đoàn cứ điểm của địch ở Điện Biên Phủ đã bị quân ta tiêu diệt, lá cờ "Quyết chiến quyết thắng" đang phấp phới bay trên nóc hầm tên bại tướng thực dân pháp Đờ-cát.

Như đồng chí Võ Nguyên Giáp đánh giá: “Đây là một thành công rất lớn của công tác chính trị trên Mặt trận Điện Biên Phủ, một trong những thành công lớn nhất của công tác chính trị trong lịch sử chiến đấu của quân đội ta". 17

* * *

Cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 của ta diễn ra trong khoảng 5- 6 tháng 18, ta đã tiến hành song song và kế tiếp khoảng 5-6 chiến dịch 19; chiến dịch nào - dù là quy mô nhỏ - cũng giành thắng lợi với ý nghĩa lớn và có bước phát triển mới về nghệ thuật chiến dịch. Nổi bật của chiến dịch giải phóng Lai Châu và chiến dịch giải phóng khu vực sông Nậm Hu là nghệ thuật truy kích với tốc độ nhanh, chốt chặn mạnh, đuổi đến cùng; đạt kết quả lớn; của chiến dịch Trung Hạ Lào - Đông Bắc Campuchia là nghệ thuật thọc sâu hiệp đồng với lực lượng bạn, đạt hiệu quả rất cao bằng một lực lượng không lớn; của chiến dịch bắc Tây Nguyên là nghệ thuật đánh điểm - diệt viện, hiệp đồng chặt chẽ giữa chủ lực với địa phương, chiến trường rừng núi với chiến trường đồng bằng. Nổi bật bao trùm nhất của chiến dịch Điện Biên Phủ là nghệ thuật đánh tiêu diệt lớn, tiêu diệt một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương, tiêu diệt toàn bộ sinh lực địch, thu toàn bộ trang bị vũ khí trong điều kiện so sánh lực lượng chiến dịch ta không hơn hẳn địch 20.

Thắng lợi oanh liệt của chiến dịch Điện Biên Phủ đánh dấu đỉnh cao phát triển nghệ thuật chiến dịch của quân đội ta trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

1. Quá trình diễn biến chiến dịch- địch tăng viện thêm 4.000 quân, nâng tổng số quân địch ở Điện Biên Phủ lên hơn 16.000 tên.
2. Theo hiểu biết của ta hồi đó, phân khu Bắc bao gồm cụm Độc Lập và Bản Kéo. Nhưng theo tài liệu của tướng lĩnh Pháp ( như Y.Gras) hay ký giả, sứ giả Pháp (như P.Rocolle) viết sau này thì Anne Marie (Bản Kéo) thuộc phân khu Trung tâm. Các cụm Gabrielle (Độc Lập), Béctrice (Him Lam) cùng với Anne Marie (Bản Kéo) hợp thành 3 cứ điểm vành ngoài, có nhiệm vụ bảo vệ phân khu Trung tâm từ xa, nhất là bảo vệ sân bay Mường Thanh.
3. Như cách nói bình thường của sách báo phương Tây sau này, phạm vi chiếm đóng còn lại của địch trên cánh đồng Mường Thanh đã bị thu hẹp lại bằng "diện tích của một sân vận động".
4. Kế hoạch Vautour mà Mỹ đã đề nghị với Pháp, dùng số lớn máy bay ném bom ồ ạt vào trận địa của ta hòng giải vây cho quân Pháp (dự định vào đầu tháng 4) nhưng Pháp không dám chấp nhận. Một trong nhiều lý do, là quân đội hai bên đã quá gần nhau trên cánh đồng Mường Thanh.
5. Như sau này tướng lĩnh Pháp nhận xét, " Từ sau ngày 17-3, khi Việt Minh tiến hành cuộc bao vậy một cách có phương pháp phân khu Trung tâm..., họ bắt đầu xây dựng chung quanh tập đoàn cứ điểm một mạng lưới hầm hào để công kích, cho phép quân đội của họ tiếp cận các vị trí Pháp bằng cách vượt qua những khoảng đất rộng và trống trải mà không bị hỏa lực ngăn chặn và như vậy, họ có thể tổ chức những đợt đột kích từ cự ly gần hơn... Tập đoàn cứ điểm (của Pháp) sớm bị vây hãm bởi một "tập đoàn cứ điểm" khác đang ngày càng xiết chặt thòng lọng của nó... Quân Pháp cố ngăn chặn sự phát triển của mạng lưới hầm hào đang bóp nghẹt Điện Biên Phủ mà không ngăn nổi...".
6. Pháo binh nhân dân Việt Nam - Những chặng đường chiến đấu, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1982, tr.350.
7. Theo Y.Gras, trong tổng số 3.964 tấn hàng thả dù thì 2.297 tấn (58%) phải thả từ độ cao lớn; 1.516 tấn (39%) thả từ độ cao thấp vào ban ngày, 151 tấn (3%) thả từ độ cao thấp vào ban đêm.
8. Nhớ lại hiệu quả hoạt động của bộ đội trong những ngày cuối tháng 4 trên chiến trường Điện Biên Phủ, đồng chí Chỉ huy trưởng viết: " Hằng ngày, ở sở chỉ huy, khi nghe báo cáo số địch chết vì bị bắn tỉa, số lương thực, đạn dược của địch thả dù mà bộ đội ta đã đoạt được, tôi chẳng khỏi nghĩ, chúng ta đang làm cho kẻ địch nếm những đòn cay đắng nhất". Vài hồi ức về Điện Biên Phủ - Nhiều tác giả, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1969, Xem t.1, tr.69.
9. Như sau này Y.Gras thú nhận, điều đáng lo ngại nhất đối với Pháp là khu vực thả dù nằm chính giữa phân khu Trung tâm và phân khu Nam đã ngày càng bị thu hẹp lại " như một tấm da thuộc phơi khô, hầu như hoàn toàn nằm dưới hỏa lực của đối phương".
10. Vũ khí địch còn 19 khẩu 105mm với 14.000 viên đạn, 1 khẩu 155mm với số đạn không đáng kể, 15 khẩu súng cối 120mm với 5.000 viên đạn. Tóm lại là với số đạn chỉ đủ cho 1-2 ngày chiến đấu liên tục. Tất cả các xe cơ giới đều đã bị các trận pháo kích của ta phá hủy, chỉ còn lại 3 chiếc xe tăng...(!) (Theo tài liệu của P. Rocolle và Y.Gras).
11. Tinh thần chỉ đạo của Trung ương là đảm bảo yêu cầu mọi việc quan trọng, nhưng yêu cầu của Điện Biên Phủ là quan trọng nhất. Bộ Chính trị cử nhiều đồng chí ủy viên Trung ương Đảng đi các khu để kiểm tra, đôn đốc; trong đó đồng chí Nguyễn Chí Thanh được cử đi trung du và Việt Bắc, đồng chí Văn Tiến Dũng đi Khu III và Khu IV..
Hậu phương đã huy động cho chiến dịch Điện Biên Phủ: 20.584 tấn gạo, 33.500 dân công (4,7 triệu ngày công), 2.724 xe đạp thồ, 2.674 thuyền, 17.400 ngựa. Riêng vùng Tây Bắc, đất rộng người thưa và mới sau một năm giải phóng, cũng đã đóng góp cho chiến dịch 7.310 tấn gạo (bằng 35,5% tổng số gạo huy động), 31.818 dân công ( bằng 1.296.078 ngày công).
12. Có ngày địch dùng tới 250 lần/chiếc máy bay bắn phá ngăn chặn vận chuyển từ hậu phương lên Điện Biên Phủ.
13. Có tiểu đoàn phòng không chỉ một ngày bắn hết 12.000 viên đạn; có trung đoàn chỉ trong 5 ngày làm nhiệm vụ kiềm chế đã bắn hết 2.195 viên đạn súng cối 82mm, có khẩu súng cối 81mm, một đêm bắn 240 viên đạn...
14,15,16. Xem Vài hồi ức về Điện Biên Phủ, Sdd, tr.76 và Báo cáo về kế hoạch tác chiến và tổng kết kinh nghiệm trong các chiến dịch lớn, Sdd, tr.147-159.
17.Vài hồi ức về Điện Biên Phủ, Sdd, tr.80.
18. Nếu kể từ chiến dịch phản công tây nam Ninh Bình thì từ cuối tháng 10-1953, nếu kể từ chiến dịch giải phóng Lai Châu từ đầu tháng 12-1953... đến đầu tháng 5-1954.
19. Nếu kể từ chiến dịch phản công tây nam Ninh Bình và coi cuộc tiến công phòng tuyến sông Nậm Hu như một chiến dịch tiến công quy mô nhỏ thì ta đã tiến hành 6 chiến dịch là tây nam Ninh Bình, Lai Châu, Trung Hạ Lào - Đông Bắc Campuchia, bắc Tây Nguyên, phòng tuyến sông Nậm Hu và Điện Biên Phủ.
20. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ta chỉ có ưu thế tương đối hơn địch về một số mặt, nhưng địch lại chiếm ưu thế tuyệt đối hơn ta trên nhiều lĩnh vực.

Nguồn: Sách "Lịch sử nghệ thuật chiến tranh Việt Nam 1945-1975", Nxb Quân đội nhân dân, 1995

Bài được in lại trong sách "Điện Biên Phủ - Trận thắng thế kỷ" (NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, năm 2004)

Trình bày: HÙNG HIẾU
Ảnh: TTXVN