ĐIỆN BIÊN PHỦ LÀ MỘT KỲ TÍCH

Đạo diễn Daniel Roussel giới thiệu bài viết về chiến thắng Điện Biên Phủ trong thời gian làm phóng viên thường trú của báo Nhân đạo ở Việt Nam.

Đạo diễn Daniel Roussel giới thiệu bài viết về chiến thắng Điện Biên Phủ trong thời gian làm phóng viên thường trú của báo Nhân đạo ở Việt Nam.

Đạo diễn - nhà làm phim người Pháp Daniel Roussel khẳng định, có thể nói rằng chiến thắng Điện Biên Phủ là kỳ tích và một bước ngoặt đối với Việt Nam, chấm dứt cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp. Đây là chiến thắng vô cùng quan trọng vì tạo ra tiền đề và thế mạnh đàm phán cho Việt Nam tại Hội nghị Geneva để giành lại độc lập, hòa bình.

Daniel Roussel là phóng viên thường trú báo Nhân đạo (Đảng Cộng sản Pháp) từ năm 1980 đến 1986. Sau đó nhiều năm ông trở lại Việt Nam với vai trò một nhà làm phim. Ông đã thực hiện hơn 20 bộ phim tài liệu về Việt Nam, trong đó có phim về Điện Biên Phủ, Hiệp định Paris. Được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhiều lần kể từ năm 1980, năm 2003 ông Daniel Roussel đã làm bộ phim tài liệu “Cuộc chiến giữa Hổ và Voi”, tái hiện những diễn biến trên chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, nơi quân và dân Việt Nam đã làm nên một trong những chiến thắng vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc.

Đạo diễn Daniel Roussel chia sẻ:

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, quân đội Pháp đã quyết định từ bỏ cứ địa Điện Biên Phủ. Đây được coi là một bước ngoặt đầu tiên trong cuộc đấu tranh giành lại độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của nhân dân Việt Nam.

Quân đội của chế độ thực dân Pháp đã bị đánh tan bởi một quân đội nhân dân có trang bị khí tài ít hơn rất nhiều. So về cân bằng lực lượng giữa hai bên ở thời điểm đấy thì sự thất bại của Pháp là một điều khiến thế giới vô cùng kinh ngạc.

Chiến thắng Điện Biên Phủ là bài học và là nguồn cảm hứng cho nhiều phong trào giải phóng dân tộc của các quốc gia bị áp bức trên toàn thế giới tại châu Phi, Nam Mỹ… có niềm tin vào chiến thắng, về sự đoàn kết của toàn thể người dân trong một đất nước có thể đánh bại được chủ nghĩa đế quốc và thực dân. Thực tế đúng như vậy khi sau đó một số quốc gia tại châu Phi đã đánh tan được chế độ thực dân.

Các đơn vị bộ binh cơ giới đang chuẩn bị xuất phát đưa quân vào Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)

Các đơn vị bộ binh cơ giới đang chuẩn bị xuất phát đưa quân vào Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)

Chiến thắng Điện Biên Phủ được coi là một chiến thắng vang dội toàn cầu và rất nhiều người biết tới sự kiện lịch sử quan trọng này. Đã có những lần tôi di chuyển bằng taxi ở nước ngoài và chính người tài xế taxi ấy cũng biết rất rõ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp của Việt Nam. Và cũng rất ngạc nhiên vì chính người tài xế ấy đã xem bộ phim “Cuộc chiến giữa Hổ và Voi” do tôi thực hiện. Điều đó cho thấy chiến thắng Điện Biên Phủ đã vang dội khắp nơi.

Bộ phim này của tôi lấy hình tượng là một cuộc chiến giữa con hổ, biểu trưng cho sức mạnh quân đội của Việt Nam, và con voi biểu trưng cho quân đội thực dân Pháp. Bình thường trong tự nhiên, có thể là con voi sẽ chiến thắng con hổ. Nhưng mà ở đây chúng ta lại nhìn thấy một trường hợp ngoại lệ. Cũng giống như chiến dịch Điện Biên Phủ, Quân đội nhân dân Việt Nam không có quá nhiều khí tài mạnh mẽ so với phe đối địch là thực dân Pháp nhưng lại có ý chí quyết tâm giành chiến thắng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói với Đại tướng Võ Nguyên Giáp rằng: chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh. Trong đêm 24, rạng sáng 25/1/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cảm thấy tình hình không chắc chắn với binh lực lúc bấy giờ. Nếu như khí tài không đủ mà vẫn cố ra quân thì sẽ thiệt hại rất nhiều. Do đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định là không tiến hành chiến dịch đánh nhanh thắng nhanh.

Thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp giao nhiệm vụ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghiên cứu kế hoạch tác chiến và mở chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)

Thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp giao nhiệm vụ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghiên cứu kế hoạch tác chiến và mở chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)

Đã có rất nhiều cuộc vận chuyển đạn dược và lương thực trên những chiếc xe đạp thồ để tới cứu viện cho Quân đội nhân dân Việt Nam. Những chiếc xe đạp phải chở hàng trăm tấn hàng, được đẩy bằng đường bộ, nhằm duy trì sự cầm cự trong nhiều tuần nhiều tháng.

Đã có những chiếc pháo được kéo qua những điều kiện địa hình khó khăn để đưa vào trận địa Điện Biên Phủ, phải đi qua rất nhiều địa hình đồi núi hiểm trở, thậm chí là vận chuyển trong đêm để tránh sự trinh sát của máy bay địch. Những chiếc pháo được kéo đến các trận địa mới tạo thành hình vòng cung bao vây cứ điểm.

Quân đội Việt Nam cũng tiến hành đào hầm bí mật tiến vào căn cứ chính, nhưng phải làm sao cho thật bí mật, ngụy trang che mắt địch. Sân bay tại khu vực đấy cũng đã hoàn toàn bị hủy hoại nên máy bay không thể tiếp cận được.

Đã từng có nguyên tắc không tiến hành tấn công tất cả các điểm cùng một lúc mà tiến hành tấn công từng đồi một, đánh tan cụm này xong sẽ chuyển sang cụm khác. Sau nhiều lần tiến hành các cuộc tấn công kéo dài nhiều tuần, cuộc tấn công cuối cùng diễn ra vào ngày 7/5/1954.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn nhớ rõ lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong suốt khoảng thời gian từ ngày 25/1 đến ngày mùng 7/5, quân đội Pháp vẫn có một niềm tin rằng quân đội Việt Nam sẽ chẳng thể nào tiến công được.

Quân đội Việt Nam có một ý chí quyết tâm giành được độc lập, quyết tâm theo đuổi một mục tiêu rõ ràng, tập hợp được sức mạnh của nhân dân.
Đạo diễn - nhà làm phim người Pháp Daniel Roussel

Quân đội Việt Nam có một ý chí quyết tâm giành được độc lập, quyết tâm theo đuổi một mục tiêu rõ ràng, tập hợp được sức mạnh của nhân dân.

Có thể nói rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt niềm tin tuyệt đối vào Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một người vô cùng thông minh và quyết liệt. Từ đó mới có những quyết định lịch sử làm nên kỳ tích Điện Biên Phủ, như quyết định thay đổi phương châm từ đánh nhanh thắng nhanh sang đánh chắc tiến chắc là một quyết định lịch sử, tạo bước ngoặt trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Chiến thắng Điện Biên Phủ chỉ là chiến thắng ban đầu vì mục tiêu cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn là thống nhất đất nước.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân yêu chuộng hòa bình ở ngay chính nước Pháp và nhiều nơi trên thế giới. Đó cũng là nhờ tình hữu nghị giữa các dân tộc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh vun đắp. Là người tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp vào năm 1920, Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhiều ảnh hưởng và tập hợp được những người Pháp ủng hộ Việt Nam chống lại chủ nghĩa thực dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn huy hiệu "Chiến sĩ Điện Biên Phủ" cho những cán bộ, chiến sĩ có công xuất sắc trong chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn huy hiệu "Chiến sĩ Điện Biên Phủ" cho những cán bộ, chiến sĩ có công xuất sắc trong chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến rất nhiều nơi, dành nhiều năm của cuộc đời để sinh sống và hoạt động tại Pháp nên hiểu rất rõ về nhân dân Pháp. Đối với các chiến sĩ cộng sản Pháp cũng như nhiều bạn bè Pháp thì đây có thể được coi là một tình đồng chí, anh em vô cùng tuyệt vời.

Chiến thắng Điện Biên Phủ là bước ngoặt, tác động rất lớn đến đàm phán Hiệp định Geneva và thúc đẩy phong trào ủng hộ cuộc đấu tranh giành lại độc lập của Việt Nam và các nước thuộc địa ở Đông Dương.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp là những người có công rất lớn đối với đất nước, để thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay có thể được sống trong đất nước hòa bình. Đó là những tấm gương sáng ngời cho thế hệ trẻ ngày nay, những người được sống trong thời đại hòa bình, được tham gia vào sự nghiệp hiện đại hóa của đất nước và hội nhập quốc tế.

Giới trẻ Việt Nam hiện nay vô cùng năng động và cần tiếp nối truyền thống vẻ vang của các thế hệ đi trước, trở thành những người tiên phong trong việc duy trì hòa bình, tăng cường tình hữu nghị và đoàn kết giữa các dân tộc cũng như tham gia tích cực vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ Trái đất, sự đa dạng sinh học...

Nội dung: KHẢI HOÀN và MINH DUY
(Phóng viên báo Nhân Dân thường trú tại Pháp)
Trình bày: NHÃ NAM