"Nghệ thuật là như vậy... Mình kể những gì mình tin, mình kể những gì mình yêu, mình kể những gì mình cảm thấy muốn kể. Đấy là điều quan trọng."

Nghiêm Ngọc: Cảm ơn đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã đến với Cà Phê Nhân Dân! "12A và 4H" - một trong những tác phẩm giai đoạn đầu khi anh Chuyên bước chân vào làm phim, nhưng nó đã là bộ phim được khán giả luôn nhớ đến, tạo được dấu ấn và chỗ đứng trên thị trường. Cảm xúc của anh như thế nào khi ngay từ những năm đầu, mình đã tạo được dấu ấn mạnh mẽ đến vậy?

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên: '12A và 4H' là một bộ phim truyền hình sản xuất năm 1995. Mình còn nhớ hồi đó mình đã rất thích truyện của anh Nguyễn Đông Thức và đã chuyển thể truyện đó, làm cho chương trình Văn Nghệ Chủ Nhật.

Hồi đó, quay phim với các bạn học sinh 17-18 tuổi, mình nghĩ phim phải chân thực nên đã đòi hỏi các em không hóa trang chút nào cả. Toàn bộ phim đó đều quay mặt mộc, nên cũng có sự thú vị. Khi phim chiếu xong, có lần mình đi sau các bạn học sinh tan trường, nghe các bạn nói chuyện với nhau bằng lời thoại trong phim. Thấy vui lắm!

Nghiêm Ngọc: Đi từ cảm xúc trong trẻo của '12A và 4H' sang những giai đoạn gai góc hơn, có thể kể đến 'Sống Trong Sợ Hãi', rồi 'Chơi Vơi', rồi 'Tro Tàn Rực Rỡ', phải chăng mỗi giai đoạn trong cuộc đời, những biến chuyển về tâm lý, về trải nghiệm cuộc sống của anh, đều được anh truyền tải qua các bộ phim?

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên: Nghệ thuật là như vậy. Mình nhớ họa sĩ Trịnh Lữ từng nói một câu rất hay: "Vẽ cái gì thì cũng là vẽ chân dung mình".

Người làm phim kể gì cũng là kể câu chuyện của mình, kể cuộc sống của mình, kể cái nhìn của mình. Mình cũng vậy và mình phải rất thành thật trong chuyện đó. Mình kể những gì mình tin, mình kể những gì mình yêu, mình kể những gì mình cảm thấy muốn kể. Đấy là điều quan trọng.

Những tưởng "Tro tàn rực rỡ" (2022) đã là mốc son rực rỡ đánh dấu con đường trở lại làm phim của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên sau một thập kỷ vắng bóng, với các giải Bông Sen Vàng, Cánh Diều Vàng và nhiều giải thưởng danh giá khác. Nhưng chỉ 3 năm sau, "Địa đạo" xuất hiện - mang theo tâm huyết của 11 năm ấp ủ.

Nếu trước đó "Sống trong sợ hãi" từng là bộ phim nổi tiếng nhất của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên về đề tài chiến tranh, thì "Địa đạo - mặt trời trong bóng tối" lại mang một lát cắt mới, bằng việc tái hiện một trong những cuộc chiến cam go nhất của dân tộc, dưới lòng địa đạo, với sự lột tả chân thực tới ám ảnh.

Ngay từ những ngày đầu biết tới câu chuyện về vùng đất thép Củ Chi, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã bị hấp dẫn mãnh liệt. Không chỉ là cảm xúc, ông còn nhìn thấy một vùng đề tài quá đỗi giá trị nhưng chưa từng được khai thác sâu trong điện ảnh Việt Nam.

Bộ phim là những câu chuyện đan xen giữa tình đồng đội, tình yêu và khát khao sống của những người lính, nhưng trên hết vẫn là tinh thần hi sinh vì Tổ Quốc.

HÀNH TRÌNH ĐI TÌM
"MẶT TRỜI TRONG BÓNG TỐI"

"Làm phim là một cái duyên...
Mình nghĩ Củ Chi lựa chọn mình, đề tài đó lựa chọn mình. Mình may mắn được lựa chọn, thành ra mình phải cố gắng hết sức để làm.."

Nghiêm Ngọc: "Địa đạo" ra đời và đang được mọi người đón nhận rộng rãi, đặc biệt là giới trẻ. Sau gần ba mươi năm, anh lại thêm một tác phẩm thu hút nhiều bạn trẻ theo dõi tới vậy, cảm xúc của anh thế nào ạ?

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên: Từ nhỏ mình đã rất thích lịch sử. Mình cũng đọc sử, ngẫm nghĩ về những câu chuyện lịch sử Việt Nam qua các thời kỳ. Khi có dịp nghiên cứu sâu về Củ Chi, mình mới phát hiện ra đó thực sự là một câu chuyện đầy năng lượng, là niềm tự hào và không kém phần hấp dẫn, bí ẩn.

Khi làm phim này, mình cũng nghĩ liệu có thể tặng cho các bạn trẻ một chất keo kết dính chăng? Nếu may mắn là như thế, thì đấy chính là điều mình mong muốn nhất.

Chất keo kết dính đó là tinh thần tự hào dân tộc, tự hào về thế hệ cha ông, về cuộc kháng chiến rất vĩ đại. Khi mình nhỏ bé thế, nhưng lại là một trong những nước đầu tiên tự giành độc lập ở Đông Nam Á. Bộ phim trở thành một thứ kết dính, một thứ có thể tác động đến người xem. Lúc ấy, nó mới là một bộ phim (mà mình nghĩ là) thành công.

Nghiêm Ngọc: Thật ra trước đó, anh Bùi Thạc Chuyên đã làm bộ phim về thời kỳ hậu chiến rồi, nhưng Địa đạo là lần đầu tiên anh làm trực diện về đề tài chiến tranh. Không biết có nguyên nhân nào khiến anh lựa chọn đề tài này ạ?

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên: Rất nhiều người đến Củ Chi, rất nhiều người biết về địa đạo. Nhưng có lẽ các cô các chú (những người anh hùng đã hy sinh) nghĩ rằng mình làm được. Và chính mình cũng thật sự bị kích động khi biết về những câu chuyện đó, mình thấy hay và đã viết rất nhanh.

May mắn thay, các cô các chú còn sống! Thế là mình bắt đầu phỏng vấn. Mình mang máy quay đến đặt đấy thôi, rồi bắt đầu hỏi rất nhiều chuyện, hỏi từ ngày này qua ngày khác, hỏi nhiều tới nỗi các cô chú không còn để ý đến cái máy quay nữa. Phải hỏi rất nhiều, thì mọi người mới có những câu chuyện chưa kể ra.

Thậm chí với chú Tô Văn Đực, khi chú cháu thân thiết, mình cứ vào Sài Gòn là đến chỗ chú, mang máy đến và hỏi. Mỗi lần mình lại phát hiện ra thêm những thứ mới, điều này càng làm mình thêm sôi sục, có cảm giác đây thực sự là đề tài rất đáng giá. Năm 2016 viết xong kịch bản, bắt đầu đi tìm cách để thực hiện. Đó là một quá trình rất gian truân.

Nghiêm Ngọc: Khi làm chủ đề chiến tranh, mọi người thường chọn cái vĩ mô, nói về một cuộc chiến chung hoặc một trận đánh lớn, có những đại cảnh, cháy nổ, với rất nhiều người. Tại sao với Địa đạo, anh lại chọn một lát cắt đi sâu hơn, nhỏ hơn, với những con người rất bình dị, những người mà có thể chúng ta còn chưa kịp nhớ mặt đặt tên?

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên: Mọi người hay xem phim Mỹ, từ trước đến nay phim chiến tranh về Việt Nam toàn là phim của Mỹ, mà Mỹ nhiều tiền lắm! Người ta làm đại cảnh là bình thường.

Mình là đạo diễn nhưng "máu sản xuất" chảy trong người. Từ trước đến nay mình toàn làm phim độc lập, tự kiếm tiền. Những bộ phim mình làm phải nghĩ đến chuyện làm sao cho tính khả thi cao. Đề tài thì hay rồi, nhưng nếu quá hoành tráng thì kinh phí không thể nào kể xiết được. Và phải có một đội ngũ rất chuyên nghiệp để làm chuyện đấy.

Từ xưa mình đã suy nghĩ về việc làm những bộ phim nhỏ và mịn. Có nghĩa là nhỏ thôi, nhưng nó thực sự điển hình và sâu sắc, thì Củ Chi đúng là một câu chuyện rơi vào tình huống như thế. Tức là quy mô không lớn, nhưng nó thực sự tiêu biểu cho một chiến lược đặc biệt của Việt Nam, đấy là chiến tranh nhân dân. Ở đó cần sự thông minh! Cực kỳ thông minh! Mình nghĩ đấy là cái mới của cuộc chiến tranh này.

Nghiêm Ngọc: Khi cảm xúc đi qua thời gian dài, tính bằng thập kỷ, thì có hai xu hướng: một là càng ngày càng sâu đậm thêm, hai là nó bị mai một đi. Anh đã nuôi giữ cảm xúc về Địa đạo bằng cách nào và truyền tải đến khán giả ra sao để mọi người nhìn thấy được một ngọn lửa sục sôi trong anh cả một thập kỷ như vậy?

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên: Thời gian càng lùi xa, mình càng tỉnh táo, càng nhận ra những điều cần phải làm - một cách chín chắn, nhưng hứng thú thì không mất đi. Cái sục sôi, cái "lên đồng" có thể chỉ ở trong giai đoạn đầu thôi. Nhưng sau đó, mình phải đưa lý trí vào, bắt đầu xét đoán, cân nhắc rất nhiều thứ. Bởi thực hiện bộ phim là cả một vấn đề.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên: Chúng ta có câu chuyện dưới địa đạo, đó là một không gian mà chắc chắn không có cách gì quay phim được. Tưởng tượng cầm điện thoại di động quay cũng không được, chật quá, hẹp quá. Chưa kể giờ địa đạo cũng tu sửa để làm du lịch, đã được bê tông hóa, hình dáng có thể không giữ được nguyên bản ngày xưa.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên: Năm 2014, mình được chui xuống địa đạo tầng hai. Mình còn nhớ như in hình ảnh những vết đào đất qua thời gian, qua phong hóa, qua tất cả sự biến đổi. Đặc biệt là những rễ cây đâm ra, đẹp lắm! Chính vì thế mình mới có những mường tượng về nó mang tính nguyên bản và muốn phục hồi lại.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên: Ý tưởng thì rất đẹp, nhưng liên quan nhiều đến kết cấu. Chẳng may sụt xuống thì có thể nguy hiểm đến tính mạng. Đấy là chủ nghĩa lãng mạn, còn mình phải đưa lý trí vào, phải cân nhắc, tính toán và phải thử. Thử rất nhiều đấy, thử để làm sao thực hiện được.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên: Thậm chí hồi đầu còn có ý định làm phim trường như vậy, rồi giữ lại làm nơi tham quan để tìm thêm nguồn lực cho phim, bởi vì phim thực sự luôn luôn thiếu kinh phí, không đủ... Phải nói thời gian quay tốn gấp khoảng bốn, năm lần so với quay một phim bình thường. Tiền chảy như suối. Nghĩ lại hãi hùng luôn!

"Cho đến giờ, có lẽ Địa đạo là một trong những phim được đầu tư lớn nhất của điện ảnh Việt Nam, nhưng ăn thua gì so với một phim chiến tranh? Không ăn thua gì hết!"

Nghiêm Ngọc: Một bộ phim chiến tranh mà có thể đứng đầu phòng vé trong tuần đầu tiên. Anh đã bao giờ mường tượng đến việc này khi bắt đầu bắt tay vào sản xuất phim chưa?

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên: Không nghĩ được như vậy. Mình thực sự không tưởng tượng được bộ phim lại được các bạn trẻ tiếp nhận tốt như thế. Và phải nói là mình rất xúc động. Đọc những nhận xét của các bạn về bộ phim, mình thấy đầy cảm xúc trong đó. Các bạn trẻ đã đưa ra những ý kiến khiến mình rất ngạc nhiên, vì các bạn ấy hiểu, thực sự rất hiểu về lịch sử.

Mình cũng có cảm giác đã làm được một thứ mà mình không ngờ đến, đó là truyền cảm hứng cho các bạn trẻ, để các bạn có sự kết nối lại với căn tính người Việt Nam trong bản thân mình - cái căn tính gan lì, mạnh mẽ, quả cảm và sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn,... từ cha ông của mình...

Nghiêm Ngọc: Một số bạn trẻ có chia sẻ rằng khi xem cảm thấy rất khó thở vì không gian phim và họ thực sự nhập tâm vào sự căng thẳng của cuộc chiến. Nhưng rồi nhận ra một điều rằng tất cả những anh du kích, chị du kích trong phim cũng chỉ mười chín, hai mươi tuổi. Với cuộc sống hòa bình ngày hôm nay, các bạn ấy chỉ là những đứa trẻ. Chỉ vì ở cuộc chiến của dân tộc, cuộc chiến của nhân dân, mọi người phải lớn nhanh và bắt buộc phải trưởng thành hơn để đi vào cuộc kháng chiến.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên: Hầu hết đội du kích đấy đều bằng tuổi các bạn trẻ ngày hôm nay: mười chín, hai mươi tuổi, thậm chí có người còn mười lăm tuổi. Và họ là những người bình thường.

Nhưng chiến tranh nhân dân của mình hay ở chỗ phát huy được sức mạnh của những người bình thường, giúp họ trở thành phi thường. Câu chuyện Củ Chi từ năm mươi năm trước, được chúng ta nhìn nhận, kết nối lại trong ngày hôm nay. Bộ phim chính là một sự kết nối, kết nối lịch sử với các bạn trẻ.

Nghiêm Ngọc: Mọi người có thể nhận ra trong năm 2024 và hướng tới 2025 là sự lan tỏa về tình yêu văn hóa, đất nước, lịch sử đang diễn ra rất rộng rãi trên mạng xã hội. Và điều đó cũng một phần khiến khán giả trẻ nô nức đi xem Địa đạo, nô nức đi tìm hiểu một lát cắt lịch sử mà trước đây các bạn chưa bao giờ nghĩ đến hoặc chưa có điều kiện tiếp cận. Anh nghĩ mình có một trách nhiệm nhỏ nào, hoặc có mong muốn tiếp tục đi theo dòng phim này để mang đến cho các bạn trẻ nhiều "chất keo kết dính" hơn trong tương lai không?

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên: Nó là cái duyên đấy, tùy duyên. Nếu có duyên thì nó thành, và nó chưa có duyên thì không thành được. Mình rất tin vào điều đấy, nếu mình chân thành thì duyên sẽ tới. Bởi nếu năm 2017 mình có cơ hội làm và làm được thì chắc đã không có được không khí như ngày hôm nay.

"Thế giới biến động nhanh kinh khủng khiếp. Bao giờ cũng thế, không bao giờ hết khó khăn, không bao giờ hết những vấn đề mà chúng ta phải đối mặt trong cuộc sống. Và những bài học lịch sử, những bài học của cha ông có rất nhiều giá trị trong ngày hôm nay."

Nghiêm Ngọc: Thật ra, em tin rằng với thành tích và sự ủng hộ hiện nay, phim Địa đạo sẽ trở thành cột mốc trong dòng chảy văn hóa đương đại của giới trẻ hôm nay và cả những năm sau này. Tuy nhiên, em luôn thắc mắc rằng liệu với một đạo diễn như anh, sự công nhận của công chúng quan trọng hơn hay sự công nhận của giải thưởng quan trọng hơn?


Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên: Thường thì anh không nghĩ đến cái đấy đâu. Anh chỉ nghĩ làm sao làm phim cho tốt thôi. Thứ nhất là mình không hổ thẹn với bản thân mình, đó là điều đầu tiên. Mình cũng nghĩ đến công chúng, nghĩ đến khán giả và vì bộ phim ấy lựa chọn mình, thì mình phải làm cho nó hết những gì mình nghĩ, mình tin. Thế thôi. Nếu phải làm theo một tính toán nào đấy thì mình không làm được. Mình không thể làm được. Ở đây không phải là một hàng hóa theo bản vẽ, hay theo chiến lược marketing, hay theo bất cứ điều gì.

Cũng có những đạo diễn, những người làm phim rất giỏi việc tạo ra những sản phẩm như vậy. Nhưng mình thì từ trước đến nay luôn làm những thứ mà đầu tiên mình thấy nó có ý nghĩa đối với bản thân. Mình thấy nó hay.

Mình luôn tin vào cái duyên với khán giả - những người yêu thích bộ phim và hiểu những gì mình định nói, định làm. Vì thực sự, sự thành thật là lớn nhất.

Nghiêm Ngọc: Cảm ơn đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã ghé đến Cà Phê Nhân Dân và mang đến rất nhiều câu chuyện hay, truyền cảm hứng!

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên: Câu chuyện hôm nay có chứa đựng cả chiến tranh nhân dân, rồi cà phê nhân dân... Nói chung là bây giờ mình thấy thích những gì mang tính chất nhân dân.

Nghiêm Ngọc: Cà Phê Nhân Dân có một món quà nhỏ gửi tặng anh Bùi Thạc Chuyên. Dạ, đây là hình ảnh cây đa trong sân tòa soạn Báo Nhân Dân. Đó là một trong những biểu tượng của tòa soạn tại 71 Hàng Trống.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên: Vâng, cảm ơn chương trình.

  • Ngày xuất bản: 19/04/2025
  • Tổ chức sản xuất: Việt Anh - Duy Hưng - Khánh Sơn
  • Thực hiện: Quỳnh Trang - Nghiêm Ngọc
  • Trình bày: Hương Trang
  • Hình ảnh: Trung Hiếu - Quang Anh - Anh Đức