Trận tiến công của Quân đoàn 2 được tăng cường lực lượng của Quân khu 5 và Mặt trận Tây Nguyên, nhằm phá vỡ tuyến phòng thủ của Quân đội Sài Gòn ở khu vực thị xã Phan Rang (tỉnh Ninh Thuận), trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, nhanh chóng đưa cánh quân duyên hải vào tham gia giải phóng Sài Gòn. Tối 16 tháng 4 năm 1975, ta đánh tan tuyến phòng thủ Phan Rang, giải phóng tỉnh Ninh Thuận và một phần phía bắc tỉnh  Bình Thuận. Ta đã loại khỏi vòng chiến đấu và làm tan rã toàn bộ quân địch trên tuyến phòng thủ, bắt hàng nghìn binh lính, sĩ quan (trong đó có Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, Tư lệnh chỉ huy tiền phương Quân đoàn 3 Quân đội Sài Gòn; Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang, Tư lệnh Sư đoàn Không quân 6; Chuẩn tướng Lê Quang Lưỡng, Chỉ huy Lữ đoàn Dù 3); thu 40 máy bay, 60 pháo cùng nhiều phương tiện và đồ dùng quân sự.

Đầu tháng 4 năm 1975, tình hình chiến trường ngày càng trở nên sôi động, các mũi tiến công của Quân giải phóng từ khắp các hướng liên tục dồn về trung tâm đầu não chính quyền Sài Gòn. Trên hướng tiến công dọc theo duyên hải miền Trung, Bộ Tư lệnh Cánh quân Duyên hải đã kịp thời thay đổi cách đánh, đập tan “lá chắn thép Phan Rang” của quân đội Sài Gòn, góp phần đẩy nhanh nhịp độ hành quân, đưa mũi tiến công này nhanh chóng tiến sát cửa ngõ Sài Gòn phối hợp cùng các cánh quân khác, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau khi bị mất toàn bộ quyền kiểm soát ở Quân khu 1 và phần lớn Quân khu 2, chính quyền Sài Gòn đã cắt hai tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận còn lại của Quân khu 2 nhập về Quân khu 3, thành lập Bộ Tư lệnh Tiền phương của Quân đoàn 3 đóng ở Phan Rang do Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi đảm trách. Với lực lượng khoảng 12.000 quân, chính quyền Sài Gòn đã tổ chức Phan Rang thành tuyến phòng thủ từ xa bảo vệ Sài Gòn và các vùng đất còn lại, hy vọng có thể cản phá hoặc làm chậm bước tiến của Quân giải phóng trên hướng duyên hải vào Sài Gòn.

Ngày 2 tháng 4 năm 1975, Thường trực Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh quyết định thành lập cánh quân Duyên Hải (còn gọi là cánh quân phía Đông), gồm Quân đoàn 2 (thiếu Sư đoàn 324 ở lại Huế), Sư đoàn 3 (Quân khu 5) và các đơn vị pháo binh, cao xạ, xe tăng, công binh, do Trung tướng Lê Trọng Tấn làm Tư lệnh, Trung tướng Lê Quang Hòa làm Chính ủy, nhằm thực hiện nhiệm vụ đập tan các tuyến phòng thủ kiên cố của quân đội Sài Gòn ở ven biển miền Trung, đánh thông đường 1A, con đường huyết mạch trên hướng tiến vào Đông Nam Sài Gòn.

Ngày 14 tháng 4 năm 1975, thực hiện chỉ thị của Tư lệnh Cánh quân Duyên Hải, Sư đoàn 3 thuộc Quân khu 5 và Trung đoàn 25 thuộc Mặt trận Tây Nguyên với sự hỗ trợ của quân dân địa phương tổ chức tiến công các cụm tiền tiêu của tuyến phòng thủ Phan Rang ở Du Long, Suối Vàng, Suối Đá, nhằm mở thông đường cho các lực lượng theo sau tiến vào giải phóng miền Nam. Dựa vào các điểm cao thực hiện phòng thủ, được sự chi viện trực tiếp của hỏa lực pháo binh, không quân, địch ra sức chống trả. Sau hai ngày chiến đấu, Sư đoàn 3 chiếm được một số mục tiêu dọc Đường số 1 cùng các khu vực lân cận như quận lỵ Du Long, các điểm cao 105, 300, Ba Râu, Suối Vàng, Suối Đá và tiêu diệt một số cứ điểm ngoại vi sân bay Thành Sơn nhưng chưa đột phá được vào trong.

Trước tình hình khó khăn của lực lượng phòng thủ Phan Rang, Tổng trưởng Quốc phòng chính quyền Sài Gòn Trung tướng Trần Văn Đôn cùng với Tư lệnh Quân đoàn 3 quân đội Sài Gòn Trung tướng Nguyễn Văn Toàn đã đáp máy bay xuống Thành Sơn để động viên tinh thần binh sĩ. Được cấp trên chấp thuận những yêu cầu tối đa về viện trợ về trang bị, vũ khí, kể cả bom CBU và hỗ trợ của hỏa lực pháo binh, không quân, Nguyễn Vĩnh Nghi đã hứa hẹn: “Nếu được vậy tôi sẽ giữ Phan Rang. Tôi sẽ tổ chức cuộc phản công lớn vào ngày mai để chiếm lại quận lỵ Du Long và các vị trí đã mất”

Từ diễn biến cụ thể trên chiến trường, Bộ Tư lệnh Cánh quân Duyên Hải đã nhận định: trên tuyến phòng thủ Phan Rang, lực lượng địch tập trung đông, có sự phối hợp của các lực lượng hải, lục, không quân, nhất là được sự chi viện mạnh của hỏa lực không quân, pháo binh. Do địa hình phức tạp, các mũi tiến công của Sư đoàn 3 sử dụng bộ binh có xe tăng và pháo binh hỗ trợ, thực hiện đột kích theo lối “cuốn chiếu”, thì phải hơn 1 tuần lễ mới đánh chiếm được hết chiều sâu thung lũng Phan Rang. Bản thân Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi cũng nhận định: “Tất cả các cầu cống trên đường số 1, không quân của tướng Sang đã đánh sập. Bắc Việt ít nhất cũng phải một tuần lễ nữa mới tổ chức được cuộc tấn công Phan Rang”. Nếu Quân giải phóng tiến công với tốc độ chậm, thì sau khi mất Ninh Thuận, địch có thể lùi về Bình Thuận, kết hợp với lực lượng phía sau thiết lập tuyến phòng thủ mới ở Bình Thuận, làm bàn đạp tiến công giành lại địa bàn đã mất.

Trước tình hình này, Bộ Tư lệnh cánh quân Duyên Hải quyết định thay đổi cách đánh nhằm giành thắng lợi quyết định, sử dụng lực lượng binh chủng hợp thành thực hiện “tiến công trong hành tiến”, tấn công thọc sâu, đột phá liên tục, bao vây chia cắt, đánh tan rã xung lực, hỏa lực, tinh thần quân đội Sài Gòn. Theo cách đánh này, một bộ phận tinh nhuệ sẽ thực hiện mũi đột kích mạnh, đánh thẳng vào trung tâm thị xã Phan Rang, bỏ qua các chốt phòng ngự thứ yếu vòng ngoài của đối phương. Bộ phận còn lại cùng với lực lượng phối thuộc và quân dân địa phương bao vây, tiêu diệt quân địch rút chạy, giải phóng địa bàn.

Trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình chung, Bộ Tư lệnh Cánh quân Duyên hải khẳng định những điều kiện để thực hiện “tiến công trong hành tiến” đã hội đủ, nên quyết tâm thay đổi cách đánh nhằm chuyển biến mau chóng cục diện chiến trường.

Theo đó, phương thức tác chiến chung của mũi tiến công chủ yếu được xác định là: “Lấy nhiệm vụ thọc sâu vào mục tiêu chủ yếu là chính. Gặp máy bay địch ngăn chặn, xe không đứng lại, mà sử dụng hỏa lực trung liên trở lên ngồi trên xe bắn máy bay, nếu xe bị cháy, xe khác vượt lên. Gặp bộ binh nhỏ, xe cứ tiến chỉ dùng hỏa lực khống chế tiêu diệt. Gặp địch lớn không tiến được, xuống xe đánh thông đường rồi lên xe thọc sâu ngay”.

Quán triệt quyết tâm của trên, các đơn vị tham gia trận đánh đã tích cực chuẩn bị về mọi mặt, nhanh chóng tập kết đến vị trí xuất phát theo đúng kế hoạch đã đề ra.

Vào lúc 5 giờ 40 phút sáng ngày 16 tháng 4 năm 1975, trận đánh bắt đầu với ba mũi tiến công: Mũi thọc sâu, Trung đoàn bộ binh 101 thuộc Sư đoàn 325 và Tiểu đoàn 4 thuộc Lữ đoàn xe tăng 203 thực hiện đột phá theo Đường số 1 vào trung tâm phòng ngự của quân đội Sài Gòn ở thị xã Phan Rang, phát triển chiến đấu từ hướng Nam ngược lên hiệp đồng với Sư đoàn 3 đánh chiếm sân bay Thành Sơn. Mũi tiến công từ hướng tây và tây bắc, do Trung đoàn 25 Tây Nguyên và Đơn vị H15 phụ trách tiến công vào Trung đoàn 4 đang chốt giữ trên khu vực Hòn Dài (Đèo Cậu), đồng thời pháo kích một số mục tiêu xung quanh và trong sân bay Thành Sơn. Mũi vu hồi do Trung đoàn 141 thuộc Sư đoàn 3 và lực lượng vũ trang Thuận Bắc đánh chiếm cảng Ninh Chữ (quận lỵ Thanh Hải).

Thực hiện lối đánh “tiến công trong hành tiến”, đội hình thọc sâu của Trung đoàn 101 được hỏa lực xe tăng, thiết giáp chi viện đã tổ chức tiến công cụm phòng thủ do Liên đoàn 31 biệt động quân đảm trách ở Hội Diên, An Xuân. Bị đánh bất ngờ, địch ban đầu rối loạn nhưng nhanh chóng tổ chức lực lượng để tiến hành phản kích, huy động pháo binh, máy bay bắn phá dồn dập nhằm chặn bước tiến của các cánh quân đang tiến về thị xã Phan Rang. Các chiến sĩ Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 101 cơ động trên những xe bánh hơi với sự yểm trợ của hỏa lực xe tăng, pháo phòng không, bỏ qua nhiều chốt chặn bên ngoài, phá vỡ cụm phòng thủ của địch ở ngã ba Cà Đú, tiến về ấp Đái Sơn, dồn đẩy quân đội Sài Gòn co cụm về thị xã. Các lực lượng theo sau thực hiện tiến công tiêu diệt các cụm phòng thủ thứ yếu và truy quét tàn binh địch tháo chạy. Đến 7 giờ sáng, Tiểu đoàn 1 đã làm chủ hoàn toàn thị xã Phan Rang và tổ chức chốt chặn ở phía nam để bịt chặt đường bộ, khiến cho lực lượng phòng thủ ở các khu vực khác càng thêm hoảng loạn. Các cánh quân theo kế hoạch đã định tiến công giải phóng cảng Tân Thành và Ninh Chữ chặn cắt con đường rút lui theo đường biển của đối phương.

Phát triển thế tiến công, Sư đoàn 325, Sư đoàn 3, Trung đoàn 25 kết hợp với lực lượng địa phương, tổ chức bao vây từ các hướng, đánh chiếm sân bay Thành Sơn, mục tiêu chủ yếu cuối cùng trong “tuyến phòng thủ từ xa” của quân đội Sài Gòn. Hỏa lực pháo binh, xe tăng hỗ trợ cho bộ binh tiến công dồn dập, tràn vào từ khắp các hướng, làm chủ hoàn toàn trung tâm chỉ huy sân bay Thành Sơn, thu gần 40 máy bay còn nguyên vẹn. Trước diễn biến nhanh chóng, bất ngờ, Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang cùng nhiều sĩ quan chỉ huy Quân đoàn 3 không kịp lên máy bay tháo chạy, bị Sư đoàn 3 truy kích, bắt được vào tối ngày 16 tháng 4 năm 1975 sau nhiều giờ tìm cách chạy trốn.

Với lối đánh thần tốc, táo bạo, các lực lượng của Cánh quân Duyên hải đã phát huy sức mạnh binh chủng hợp thành và giành được nhiều thắng lợi to lớn: tiêu diệt và bắt gọn Bộ Tư lệnh tiền phương quân khu 3, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 6 không quân, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 2 bộ binh; tiêu diệt và làm tan rã Lữ đoàn 2 dù, Liên đoàn 31 biệt động quân, một bộ phận Sư đoàn 2, toàn bộ lực lượng của Tiểu khu Ninh Thuận cùng hàng nghìn binh lính, sĩ quan, thu hàng chục máy bay, cùng nhiều trang bị kỹ thuật, giải phóng hoàn toàn thị xã Phan Rang và tỉnh Ninh Thuận.

Sau ba ngày liên tục tiến công, truy kích (14-16/4/1975), Cánh quân Duyên hải đã đập tan “lá chắn thép Phan Rang”, mở thông cửa ngõ tiến vào giải phóng Sài Gòn. Thành công này đã khẳng định sự chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Trung ương Đảng, trực tiếp là Bộ Tư lệnh Cánh quân Duyên hải, minh chứng cho bước trưởng thành của các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam. Phòng tuyến Phan Rang tan vỡ đã giáng thêm một đòn chí mạng vào nỗ lực kéo dài “cơn hấp hối” của chính quyền Sài Gòn, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nhanh chóng kết thúc thắng lợi.

Trận Phan Rang góp phần quyết định đập tan kế hoạch phòng thủ từ xa của quân đội Sài Gòn, tạo thế thuận lợi giải phóng Bình Tuy, Bình Thuận, kịp thời đưa toàn bộ cánh quân duyên hải vào tham gia giải phóng Sài Gòn - Gia Định. Đây là trận tiến công trong hành tiến, thể hiện sức mạnh chiến đấu hiệp đồng binh chủng và tinh thần thần tốc, táo bạo của cán bộ, chiến sĩ ta trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975.

Ngày xuất bản: 4/2025
Tổ chức sản xuất: Bùi Nam Đông
Nội dung: Thiếu tá, ThS Lê Minh Nam - Viện Chiến lược và Lịch sử quốc phòng Việt Nam
Trình bày: Hạnh Vũ