Dấu ấn di sản
kiến trúc Pháp
ở Hà Nội
Trong quá trình phát triển đô thị của Hà Nội thời cận đại, khu phố Pháp để lại những dấu ấn đặc biệt. Từ du nhập cưỡng bức đến tương tác, hòa đồng, kiến trúc Pháp tràn vào Hà Nội và đã trở thành một phần không thể thiếu trong lịch sử, văn hóa Hà Nội hôm nay. Đây là di sản quý của Thủ đô cần trân trọng bảo vệ và có những giải pháp phù hợp để phát huy giá trị nhiều mặt.
Quá trình hình thành và những mảnh lấp lánh còn lại
Nhìn từ Lịch sử Việt Nam cận đại, (Đinh Xuân Lâm, 1998): Từ năm 1888, người Pháp bắt đầu tiến hành quy hoạch xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm chính trị, hành chính ở miền bắc Việt Nam rồi của cả xứ Đông Dương của chính quyền thuộc địa.
Khu phố Pháp ở Hà Nội ngày nay vẫn được nhiều người quen gọi là khu phố “cũ”, hoặc “khu phố Tây” để phân biệt với khu phố “cổ”, hình thành và phát triển chủ yếu trong thời kỳ từ cuối thế kỷ XIX, cho đến năm 1954, khi binh lính và chính quyền thực dân Pháp rút khỏi Hà Nội theo Hiệp định Genève.
Qua các bản đồ và những số liệu quy hoạch còn lưu giữ được, tổng diện tích khu phố Pháp ở Hà Nội tồn tại tới nay có quy mô khoảng 800 ha với ba khu vực, chủ yếu trên địa bàn hai quận: Ba Đình và Hoàn Kiếm, một phần thuộc quận Hai Bà Trưng.
Một số công trình tiêu biểu cho kiến trúc Pháp giai đoạn đầu: Phủ Toàn quyền, nay là Phủ Chủ Tịch, Nhà hát lớn, Dinh thống sứ, Tòa án tối cao... Các công trình này được tạo dựng dưới bàn tay chỉ đạo của kiến trúc sư tài danh Henri-Auguste Vildieu.
Khu phố Pháp ở khu Ba Đình nằm ở phía tây khu thành cổ, được xây dựng từ năm 1888 đến năm 1920 có diện tích khoảng 230 ha. Khu phía đông hồ Trúc Bạch có diện tích khoảng 80 ha. Khu phía nam khu phố cổ - phía đông và tây nam Hồ Gươm, có diện tích khoảng 470 ha.
Nếu chia theo thời gian, có thể thấy rõ hai giai đoạn phát triển của khu phố Pháp: Giai đoạn đầu từ cuối thế kỷ XIX đến năm 1920; giai đoạn tiếp theo từ năm 1920 đến năm 1954. Giữa giai đoạn này có sự gián đoạn nhất định trong những năm 1945-1946.
Trong giai đoạn từ cuối thế kỷ XIX đến năm 1920, người Pháp tiến hành cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất ở Đông Dương. Ở Hà Nội, cơ sở hạ tầng cho công cuộc khai thác thuộc địa như các công trình bưu điện, ngân hàng, điện, nước sạch, giao thông vận tải, thương mại và dịch vụ... cũng như trụ sở các cơ quan công quyền và nhà ở cho công chức cũng lần lượt được xây dựng.
Bắt đầu giai đoạn một, người Pháp bắt đầu xây dựng các công trình công cộng, các khu biệt thự đầu tiên trong “khu phố Tây”. Các công trình tiêu biểu thời kỳ này là Phủ Toàn quyền, nay là Phủ Chủ Tịch, Nhà hát lớn, Dinh thống sứ, Tòa án tối cao... Các công trình này được tạo dựng dưới bàn tay chỉ đạo của kiến trúc sư tài danh Henri-Auguste Vildieu.
Để giải quyết ổn thỏa những mâu thuẫn, chúng ta cần bổ sung vào khái niệm phát triển cụm từ “phát triển trong sự tiếp nối”. Sự tiếp nối chính là cầu nối giữa bảo tồn và phát triển. Tiếp nối chính là sự bảo đảm dòng chảy tự nhiên của lịch sử phát triển đô thị
Ngoài ra có thể kể đến: Nhà học biệt thự sát hồ, xây dựng năm 1909, nay là trường Trung học phổ thông Chu Văn An; Trường Trung học Albert Sarraut, xây dựng năm 1919, nay là Văn phòng Trung ương Đảng...
Trong giai đoạn sau có thêm các công trình: Nhà thờ Cửa Bắc, xây dựng năm 1925; Nhà Tài chính và Trước bạ, xây dựng trong những năm 1925-1930, nay là trụ sở Bộ Ngoại giao; Câu lạc bộ thể thao Pháp, xây dựng năm 1930, rồi trở thành câu lạc bộ Ba Đình, nay đã nằm trong khuôn viên khu Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long và không còn dấu tích hiện hữu trên mặt đất; Các biệt thự là trụ sở của 11 Đại sứ quán các nước Xã hội chủ nghĩa trước đây; Câu lạc bộ Thủy quân, xây dựng năm 1939, nay là trụ sở Cục Thể dục Thể thao...
Khu phía đông hồ Hoàn Kiếm có nhiều công trình kiến trúc có giá trị như: Tòa thị chính thành phố, xây dựng trong khoảng 10 năm 1897-1906, nay là Ủy ban nhân dân thành phố; Phòng Thương mại và Nông nghiệp, xây dựng từ năm 1897 đến năm 1907, nay là Bưu điện Quốc tế Bờ Hồ; Các kiến trúc trên phố Paul Bert, nay là phố Tràng Tiền; Nhà hát lớn, xây dựng từ năm 1901 đến 1910; Tòa án tối cao, xây dựng năm 1912; Dinh thống sứ (Bắc Bộ phủ), xây dựng năm 1918, nay là Nhà khách Chính phủ...
Ngoài ra còn có các công trình công cộng như: ga Hàng Cỏ, xây dựng năm 1902, nay là Ga xe lửa Hà Nội; Công ty xe lửa Đông Dương và Vân Nam nay là Trụ sở Tổng công đoàn Việt Nam; Bệnh viện K-radium.
Khu phía tây hồ Hoàn Kiếm có Nhà thờ lớn, được xây từ khá sớm, từ năm 1883 đến năm 1891; Tòa soạn báo Hà Nội mới tại 44 Lê Thái Tổ; “bót Hàng Trống”, nay là trụ sở Công an quận Hoàn Kiếm; khu phố của bà con công giáo cuối thế kỷ XIX là khu vực các phố Nhà Chung, Nhà Thờ... xung quanh Nhà thờ lớn.
Bên cạnh những công trình lớn được xây dựng làm trụ sở cho các cơ quan công quyền và những cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho một đô thị lớn, có tính đầu não ở miền bắc Đông Dương, khu phố Pháp còn có khu vực nhà ở dành cho công chức người Pháp và một số ít công chức cao cấp người Việt ở Hà Nội.
Đường nét cơ bản dễ thấy trên diện mạo của những khu phố này là những khu biệt thự riêng biệt, được quy hoạch trên các tuyến phố vuông vắn như bàn cờ.
Phía Nam hồ Hoàn Kiếm có gần 100 biệt thự lớn trên các phố Trần Hưng Đạo, Phan Chu Trinh, Lý Thường Kiệt, Ngô Quyền…, là nơi ở của các quan chức cao cấp người Pháp, Việt và một số ít thương gia lớn. Các biệt thự dành để ở được xây theo lối kiến trúc Pháp. Nhà có mái dốc, có tầng hầm, tường xây dày 33 cm, hệ thống cửa “trong kính - ngoài chớp”. Tường quét vôi vàng, cửa sơn xanh, tường rào chạy thẳng hàng dọc theo hè phố, bờ tường thấp có hàng rào sắt ở trên là những nét đặc trưng của các biệt thự nằm dọc theo các tuyến phố trong khu phố Pháp.
Cũng theo các nhà nghiên cứu lịch sử kiến trúc Hà Nội (Viện Nghiên cứu kiến trúc): Về cấu trúc, khu phố Pháp được thiết kế theo hai trục cơ bản là Bắc - Nam và Đông - Tây. Đường phố rộng và vỉa hè lớn. Những công trình công cộng lớn như Nhà hát lớn, ga Hàng Cỏ, Đại học Dược, Nhà băng Đông Dương được bố trí là những điểm nhấn. Các phố nằm trên trục Bắc - Nam kết nối các khu vực không gian lớn với nhau ở khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm, khu vực quanh hồ Thiền Quang.
Trong quy hoạch tổng thể của khu phố Pháp, cây xanh và hồ nước là những điểm nhấn quan trọng. Trong vườn các khu biệt thự đều có cây xanh.
Cây xanh được trồng dọc hai bên phố theo tính toán quy hoạch sau khi nghiên cứu có sự phù hợp: phố Trần Hưng Đạo trồng nhiều sấu, phố Lý Thường Kiệt trồng nhiều phượng vĩ, các phố Lê Thánh Tông, phố Hai Bà Trưng, phố Phan Đình Phùng trồng nhiều xà cừ v.v. Hồ Gươm, hồ Trúc Bạch, hồ Tây, hồ Thiền Quang là những điểm nhấn trong cảnh quan kiến trúc đô thị Hà Nội.
Các hồ đó đóng vai trò quan trọng trong đồ án quy hoạch đô thị của thành phố, cả trong việc tiêu thoát nước và cân bằng môi trường sinh thái. Cho đến những năm 1920, khu phố Pháp ở Hà Nội đã trở thành một quần thể đô thị tương đối đồng nhất về phong cách quy hoạch kiến trúc.
Cho đến những năm 1920, khu phố Pháp ở Hà Nội đã trở thành một quần thể đô thị tương đối đồng nhất về phong cách quy hoạch kiến trúc.
Những năm từ 1920 đến 1954, các kiến trúc sư Pháp tiếp tục xây dựng thêm nhiều công trình công cộng, cơ sở hạ tầng và biệt thự ở Hà Nội như: Sở Tài chính, Bảo tàng Viễn Đông Bác cổ, Nhà thờ Cửa Bắc, Viện Pasteur, Câu lạc bộ Thủy quân, trụ sở hãng Shell, xây dựng trong những năm 1925 -1930, nay là trụ sở Bộ Khoa học Công nghệ; Đại học Đông Dương, được xây dựng trong những năm 1923 - 1926, nay là Đại học Dược và một phần Đại học quốc gia Hà Nội, Viện Pasteur, hoàn thành năm 1930, nay là Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương - dân gian vẫn quen gọi là “nhà ba chuông” vì có ba quả chuông treo trên tòa nhà chính có mái cong; Khu Đông Dương học xá, xây dựng năm 1942, nay là Khu Đại học Bách Khoa…
Trên nền quy hoạch đô thị kiểu châu Âu, các kiến trúc sư người Pháp và người Việt có những giải pháp nhằm tạo lập không gian, cảnh quan phù hợp với điều kiện khí hậu, phong tục của địa phương. Cây xanh được trồng thêm trên các phố. Nhiều giống cây mới được nhập và trồng thích hợp ở Hà Nội. Điển hình như cây phượng có gốc từ Madagasca được nhập vào Việt Nam khoảng cuối thế kỷ XIX.
Những “bước đi” của phong cách kiến trúc
Những công trình kiến trúc Pháp mang những phong cách kiến trúc nối nhau theo trục thời gian. Cuối thể kỷ XIX là phong cách kiến trúc gothic thuần Pháp rồi chuyển sang pha với phong cách Đông Dương trong các công trình tôn giáo (chủ yếu là nhà thờ), phong cách Tân cổ điển đầu thế kỷ XX, phong cách Art deco những năm 1920 - 1930, phong cách Đông Dương những năm 1925 - 1945, với những kiến trúc sư xây dựng và quy hoạch có tên tuổi: Auguste Henri Vildieu, Andre Bussy, Ernest He’brard.
Phong cách Tân cổ điển áp đặt và phô trương
Từ cuối thế kỷ XIX, những công trình được người Pháp xây dựng ở Hà Nội phục vụ cho nền hành chính thuộc địa mang ý đồ rõ nét là nhấn mạnh quyền lực, sự hiện đại của Pháp. Những công trình được xây dựng trong thời kỳ này có vẻ như chưa thích nghi với các điều kiện bản địa, thiếu sự hài hòa với không gian chung của Hà Nội.
Tuy nhiên, sự thống nhất và triệt để trong việc sử dụng phong cách Tân cổ điển đã tạo ra cho Hà Nội những biến đổi căn bản về hệ thống các công trình công cộng và không gian đô thị. Người Hà Nội đã dần quen với một diện mạo đô thị mới kiểu châu Âu, được quy hoạch và phát triển có tính toán chứ không phải là những phường (nghề), những phố - gồm dãy các sạp bày bán các mặt hàng công cụ tiểu thủ công và các sản phẩm thực phẩm chế biến, hình thành một cách tự nhiên do nhu cầu và tự phát do điều kiện địa lý như đã từng diễn ra ở khu phố cổ trong thời trung đại.
Nhiều công trình quan trọng được đặt ở cuối các con đường với một quảng trường phía trước: Dinh Toàn quyền ở cuối đường Puginier, nay là đường Điện Biên Phủ, Nhà hát Lớn ở đầu đường Paul Bert, phố Tràng Tiền ngày nay, ga Hà Nội ở cuối đường Gambetta, nay là phố Trần Hưng Đạo, nhà Đấu xảo và ngay gần đó là trụ sở Công ty hỏa xa, nay là trụ sở Tổng Liên đoàn lao động, ở cuối đường Richaud, phố Quán Sứ ngày nay...
Trong thời kỳ này Vildieu và Andre Bussy, gần như đã “bê” nguyên những mẫu kiến trúc theo phong cách Tân cổ điển lúc đó đang thịnh hành ở Pháp để xây dựng các công trình ở Hà Nội.
Cho đến nay các công trình này vẫn còn làm cho nhiều người ngạc nhiên vì nhìn qua giống hệt một số công trình ở Pháp. Nhưng lúc mới khánh thành, tất cả các công trình đó đều to lớn, nặng nề và chẳng ăn nhập gì với khung cảnh xung quanh khi đó vẫn còn nhiều đầm lầy, ruộng lúa, những con đường đất với những người dân bản địa thuần túy.
Phong cách Tân cổ điển nhấn mạnh bố cục đối xứng nghiêm ngặt, nhấn mạnh khu vực trung tâm và hai khối bên cạnh trong thế tương quan hài hòa với toàn quần thể... Tuy nhiên, phong cách Tân cổ điển sang đến Đông Dương đã không còn là Tân cổ điển “thuần Pháp” nữa. Ở nhiều công trình, kiến trúc Phục hưng cứng nhắc và Baroc cầu kỳ cũng được sử dụng.
Sự phô trương in đậm màu sắc chính trị trong việc thiết kế, xây dựng các công trình kiến trúc ở Hà Nội trong thời kỳ này. Sự phô trương đó không ngoài mục đích đề cao vai trò cũng như nhấn mạnh sự so sánh tương đồng: Sự “vĩ đại”, dáng vẻ lộng lẫy, đường nét sang trọng và chau chuốt, quy mô bề thế của công trình - cũng là sự “vĩ đại” và ưu thế của nước Pháp thực dân.
Theo các tác giả Phạm Xuân Hằng, Phan Phương Thảo (Đồng chủ biên) cuốn Biên niên lịch sử Thăng Long Hà Nội (2010): Sự phô trương này có thể chứng minh qua những con số: Phủ Toàn quyền, nay là Phủ Chủ tịch, được xây xong năm 1906, cố tình chọn chỗ ở khu vực ngoại vi phía tây Hoàng thành với quy mô bề thế một cách thái quá đến nỗi không đủ chi phí để xây nốt phần cánh hai bên tòa nhà chính.
Nhà hát Lớn được hoàn thiện năm 1911, sau hơn 10 năm xây dựng với số chi phí bằng tổng thu ngân sách của thành phố trong nhiều năm cùng với nhiều tai tiếng về tài chính...
Nhà triển lãm Đấu xảo, Cung văn hóa Hữu nghị hiện nay, được làm năm 1902 với mặt tiền theo kiểu Petit Palais ở Paris, với hàng cột dài tới trăm mét, nhiều lần được nêu dẫn chứng như một điển hình lố bịch về văn hóa…
Phong cách địa phương Pháp và phong cách Art Deco thêm những sự pha trộn
Trong những năm đầu thế kỷ XX, nhiều người Pháp sang Hà Nội cùng với cả gia đình. Họ lần lượt xây những ngôi biệt thự mang phong cách kiến trúc từ các địa phương khác nhau ở Pháp trên các khu phố mới của Hà Nội. Phong cách miền bắc Pháp với mái đa diện, dốc và được tô điểm bằng những tháp nhỏ hoặc ống khói cao. Phong cách miền trung Pháp có mái dốc vừa phải, hệ con sơn gỗ nhẹ nhàng.
Phong cách miền nam Pháp với cửa rộng mở cùng các hàng hiên, ban công để tăng thêm vẻ tao nhã. Phong cách kiến trúc địa phương Pháp còn ảnh hưởng mạnh tới việc xây dựng các trường học trong thời kỳ này: trường Albert Saraut, nay là trụ sở Ban đối ngoại Trung ương, trường Nữ học Pháp, nay là trụ sở Bộ Tư pháp, các ngôi trường Phan Đình Phùng, Trần Phú, Chu Văn An ngày nay.
Từ những năm 1920, nhiều doanh nghiệp đầu tư xây dựng trụ sở giao dịch ở Hà Nội. Nhiều trường học, bệnh viện, cửa hàng cũng được xây dựng thêm. Kiến trúc Art Deco nhấn mạnh hình khối, bài bác tính hoa mỹ và sự rườm rà đã tỏ ra phù hợp với những công trình mang tính công năng cao nên nhanh chóng được đón nhận. Phong cách Art Deco với các khối hộp vuông, chữ nhật kết hợp với khối bán trụ tạo ra những kiến trúc năng động. Để làm “nhẹ” bớt các khối chính, người ta trang trí bằng thép uốn, phù điêu, kính màu, các dàn hoa bằng bê tông.
Kiến trúc Art Deco phát triển mạnh trong thập niên 1920. Những công trình lớn thể hiện rõ nét phong cách này là các trụ sở cơ quan thương mại và ngân hàng: Ngân hàng Đông Dương, nay là trụ sở Ngân hàng Nhà nước; Phòng Thương mại và Nông nghiệp, nay là Bưu điện quốc tế; Ngân hàng Pháp Hoa, nay là trụ sở Bộ Công thương trên góc phố Tràng Tiền và Ngô Quyền… Nhiều biệt thự được xây cùng thời cũng mang phong cách này.
Phong cách Đông Dương tiến dần đến sự hòa đồng
Từ giữa những năm 1920 đến năm 1954 với một đoạn gián cách nhỏ những năm 1945 - 1946, chính quyền thuộc địa đã nhận ra rằng: Cần tỏ ra hòa nhập và chinh phục tình cảm của xã hội Việt Nam trước hết và nhất là giới thượng lưu tư sản bản địa và giới trí thức tây học. Trong kiến trúc, điều này dẫn đến sự thay dần việc áp đặt phong cách Pháp như giai đoạn trước bằng sự tìm tòi một phong cách tổng hợp, pha trộn, kết hợp những đường nét văn hóa đông - tây.
Dưới ảnh hưởng rõ rệt của kiến trúc sư Ernest He’brard, các công trình kiến trúc lớn ở Hà Nội mang Phong cách Đông Dương đã được xây dựng. Đặc trưng của các công trình theo phong cách này là có công năng hoàn toàn theo kiểu Pháp nhưng hình thức kiến trúc lại mang đậm chất Á Đông với bộ mái ngói được đỡ bởi các con sơn gỗ, các góc mái và đầu nóc được trang trí bởi các gờ chạm khắc kiểu “chữ triện”.
Các motif trang trí lấy cảm hứng từ các hình tượng nghệ thuật phương đông trên tường, cửa và lan can ban công cho ấn tượng rõ nét về sự kết hợp văn hóa Đông - Tây.
Ba công trình tiêu biểu của phong cách này vẫn còn đến nay là Đại học Đông Dương, xây dựng năm 1927, nay là Đại học Dược, Bảo tàng Viễn đông Bác cổ, xây dựng năm 1931, nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Sở Tài chính Đông Dương, xây dựng năm 1931, nay là trụ sở Bộ Ngoại giao. Sau này còn có thêm tòa nhà Câu lạc bộ Thủy quân, xây dựng năm 1939, nay là trụ sở Cục Thể dục thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), với nhiều mái cong làm người ta mường tượng tới mái và đầu đao của những đình, chùa Việt.
Ngoài ra còn phải kể đến: Nhà số 4 Lý Nam Đế, nay là trụ sở Tạp chí Văn nghệ quân đội, Viện Pasteur, nhà thờ dòng Dominic trên đường Hùng Vương...
Phong cách Đông Dương được đội ngũ kiến trúc sư người Việt tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Đông Dương tiếp nối và mở rộng trong việc thiết kế những biệt thự - chủ yếu cho các nhà tư sản và công chức người Việt, dọc các tuyến phố mới mở, đặc biệt ở khu vực xung quanh hồ Thiền Quang. Họ đã thiết kế cho Hà Nội gần 200 biệt thự với nhiều cảm hứng sáng tạo và những thử nghiệm phóng khoáng. Những công trình mới xây sau trong khu phố Pháp được nhiệt đới hóa một cách khá đồng nhất để phù hợp hơn với khí hậu Hà Nội: có tầng hầm, thềm cao, tường dày hai lớp, mái có khoảng không lớn để tăng khả năng cách nhiệt, chống nóng...
Những phong cách kiến trúc Pháp tiêu biểu ở Hà Nội đầu thế kỷ 20
Ga Hàng Cỏ.
Ga Hàng Cỏ.
Phong cách Tân cổ điển
Phong cách Tân cổ điển nhấn mạnh bố cục đối xứng nghiêm ngặt, nhấn mạnh khu vực trung tâmPhong cách Art Deco và hai khối bên cạnh trong thế tương quan hài hòa với toàn quần thể... Tuy nhiên, phong cách Tân cổ điển sang đến Đông Dương đã không còn là Tân cổ điển “thuần Pháp” nữa. Ở nhiều công trình, kiến trúc Phục hưng cứng nhắc và Baroc cầu kỳ cũng được sử dụng.
Ngân hàng Đông Dương.
Ngân hàng Đông Dương.
Phong cách Art Deco
Kiến trúc Art Deco nhấn mạnh hình khối, bài bác tính hoa mỹ và sự rườm rà đã tỏ ra phù hợp với những công trình mang tính công năng cao nên nhanh chóng được đón nhận. Phong cách Art Deco với các khối hộp vuông, chữ nhật kết hợp với khối bán trụ tạo ra những kiến trúc năng động. Để làm “nhẹ” bớt các khối chính, người ta trang trí bằng thép uốn, phù điêu, kính màu, các dàn hoa bằng bê tông.
Viện Viễn Đông Bác Cổ.
Viện Viễn Đông Bác Cổ.
Phong cách Đông Dương
Phong cách Đông Dương có công năng hoàn toàn theo kiểu Pháp nhưng hình thức kiến trúc lại mang đậm chất Á Đông với bộ mái ngói được đỡ bởi các con sơn gỗ, các góc mái và đầu nóc được trang trí bởi các gờ chạm khắc kiểu “chữ triện”. Các motif trang trí lấy cảm hứng từ các hình tượng nghệ thuật phương đông trên tường, cửa và lan can ban công cho ấn tượng rõ nét về sự kết hợp văn hóa Đông - Tây.
Đã có sự đứt gãy và biến đổi
Sau năm 1954, khu phố Pháp ở Hà Nội trải qua nhiều biến cố. Khi người Pháp chấm dứt sự hiện diện về hành chính và quân sự ở Hà Nội, toàn bộ khu phố Pháp thuộc sở hữu của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Công sở trước kia của chính quyền thuộc địa nay được sử dụng là nơi làm việc của chính quyền mới. Một phần trong số các biệt thự cũng được sử dụng làm công sở. Một phần khác được chia cho các cán bộ cao cấp dùng làm chỗ ở.
Ở các biệt thự được dùng làm nhà ở, theo thời gian, dân số trong các khu biệt thự này tăng lên. Các cán bộ đưa gia đình mình từ các địa phương khác về sống tại những ngôi biệt thự được chia đó và thế hệ thứ hai rồi thứ ba nối tiếp nhau ra đời trên diện tích ở được phân phối ban đầu. Diện tích ở bình quân trên đầu người trong những khu biệt thự giảm dần.
Năm 1954, bình quân một người sử dụng 4,84m nhà, năm 1960 chỉ còn 3,9m, năm 1984 là 3,04m (Anne Koperdraat, Hans Schenk: “Tàn dư thuộc địa lúc giao thời: Người Hà Nội ở “khu phố Pháp”, Kỷ yếu hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ nhất, 1998).
Hiện nay, tuy chưa có số liệu thống kê đầy đủ, nhưng chắc chắn số người còn “hộ khẩu” ở các căn biệt thự đó đã tăng lên rất nhiều và về nguyên tắc vẫn có quyền thừa kế.
Các biệt thự cũ không còn đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của những người sử dụng nó. Tại các khu biệt thự này, người ta buộc phải tìm nhiều cách khác nhau để cải thiện điều kiện ở của mình. Biện pháp đơn giản nhất là xây thêm những phần công trình mới trên khoảng không gian còn lại của khuôn viên biệt thự hoặc cơi nới thêm gác, tầng xép. Kèm theo việc xây dựng là việc lắp đặt thêm các thiết bị mới trong nội thất: máy điều hòa nhiệt độ, bồn tắm hiện đại, bình nước nóng lạnh. Các biệt thự bị biến dạng, méo mó, mất đi giá trị thẩm mỹ ban đầu.
Với những biệt thự được trưng dụng làm công sở, tình hình cũng diễn ra tương tự. Cùng với thời gian, khối lượng công việc, số lượng phòng ban và nhân viên tăng lên khiến người ta phải ngăn nhỏ, xây thêm để tăng thêm số phòng. Sau một thời gian dài sử dụng nhưng ít được duy tu bảo dưỡng, nhiều biệt thự - công sở trở nên chật chội và lần lượt xuống cấp khiến người ta nghĩ đến phương án phá đi để xây một trụ sở mới với kiến trúc hiện đại trên diện tích cũ.
Cho đến năm 1986, trong số 500 biệt thự thì có 435 biệt thự được dùng làm nhà ở. Theo thống kê về quyền sở hữu: Trong số này, 368 biệt thự thuộc quyền sở hữu nhà nước, 53 là biệt thự tư nhân, và 20 là hỗn hợp.
Mong manh trước sức ép của kinh tế thị trường
Từ năm 1986 đến nay, cấu trúc của các khu phố Pháp ở Hà Nội đã thay đổi. Ngoài sự xuống cấp của các công trình thì chức năng của chúng cũng được sử dụng vào những mục đích mới. Trong những năm gần đây, trước sự xuống cấp và mai một của “khu phố Tây” và nhu cầu buôn bán tăng cao của thị trường, đã xuất hiện các xu hướng xây dựng mới để nâng cao “hiệu quả kinh tế” của các khu biệt thự cũ.
Người ta phá và sửa những phần tiếp giáp với đường phố của các biệt thự cho mục đích kinh doanh. Nhiều bức tường bao quanh được phá đi và không gian thoáng được biến thành các cửa hàng, quán ăn, quán cà phê.
Dễ thấy nhất ở các tuyến phố thuộc quận Hoàn Kiếm - nơi kinh doanh buôn bán nhộn nhịp nhất. Khu vườn của các biệt thự hoàn toàn biến mất. Mọc lên trên đó là những nơi bán hàng theo phong cách hiện đại. Nhiều ngôi biệt thự bị phá hoàn toàn để xây những tòa nhà làm văn phòng cho thuê. Số lượng biệt thự ngày càng giảm vì quá trình phá dỡ, cải tạo kiểu như thế đến nay vẫn đang tiếp tục.
Một xu hướng khác tìm đến nhu cầu và thị hiếu của những khách hàng cao cấp muốn sống và làm việc trong những ngôi nhà kiểu châu Âu cũ. Nhiều ngôi biệt thự, bằng nhiều cách và nhiều con đường khác nhau, đã được sửa chữa, khôi phục lại hình dáng và cấu trúc ban đầu.
Việc tu sửa này trước hết nhằm mục đích kinh doanh - cho tư nhân thuê để mở các nhà hàng, khách sạn, văn phòng với mức giá cao, nếu so sánh với những công trình có cùng mục đích ở những địa điểm khác ở Hà Nội.
Xu hướng này không rầm rộ như xu hướng thứ nhất song cũng đã xuất hiện nhiều trên những đường phố thuộc quận Ba Đình
Cần được nhìn nhận và nghiên cứu, bảo tồn như một di sản
Từ khi hình thành cho đến nay, khu phố Pháp đã trải qua nhiều thời kỳ phát triển - biến đổi, song hành cùng những thăng trầm của lịch sử Thủ đô và đất nước. Quá trình du nhập của kiến trúc Pháp ở Hà Nội diễn ra từ cưỡng bức trong buổi đầu đã dần chuyển hóa mềm mại và tìm đến những đặc trưng phù hợp với đặc điểm tự nhiên và xã hội của Hà Nội. Mỗi công trình đều mang trong nó dấu ấn thời đại và dấu ấn của các cá nhân đương thời.
Nhiều trong số những công trình kiến trúc Pháp ở Hà Nội được biết đến như những di tích lịch sử - cách mạng của quốc gia và Thủ đô: Quảng trường Nhà hát Lớn, Dinh Thống sứ - Bắc Bộ phủ - Nhà khách Chính phủ; Nhà số 90 phố Thợ Nhuộm ngày nay, nơi đồng chí Trần Phú soạn Luận cương chính trị của Đảng...
Cũng còn nhiều địa chỉ khác ít người biết hơn: Căn phòng áp mái tòa nhà Ngân hàng Nhà nước là nơi Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ viết cuốn Tự chỉ trích nổi tiếng; Ngôi nhà số 101 phố Trần Hưng Đạo là trụ sở của Ủy ban khởi nghĩa Hà Nội từ sáng 18/9/1945...
Nhiều công trình kiến trúc Pháp khác vẫn mang giá trị sử dụng cao cho đến ngày nay, đặc biệt là trụ sở các cơ quan. Nhưng hầu hết những giá trị nghệ thuật, kiến trúc, lịch sử, văn hóa mà chúng chứa đựng thì chưa được nghiên cứu đầy đủ và đúng mức. Cho đến nay mới chỉ có hai công trình tiêu biểu trở thành Di tích quốc gia là tòa nhà Bộ Ngoại giao và tòa nhà Tòa án nhân dân tối cao.
Những công trình kiến trúc Pháp đã “sống” trong lịch sử và trở thành một phần không thể thiếu của văn hóa Hà Nội. Nó cần được nhìn nhận như một di sản, cần được nghiên cứu, đầu tư để bảo tồn trên nhiều phương diện, như người ta đã từng nhấn mạnh với “khu phố cổ”, để phát huy các giá trị lịch sử - văn hóa - nghệ thuật bên cạnh việc khai thác những công năng phục vụ cho giá trị sử dụng như vẫn đang làm hiện nay.
TS Vũ Minh Hương, Phó Chủ tịch Ủy ban Ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, xếp các di sản kiến trúc Pháp ở Hà Nội thuộc loại hình di sản tư liệu (giống như các bia tiến sĩ ở Văn Miếu) vì chúng mang tải những thông tin: lịch sử hình thành, đồ án thiết kế, xây dựng và quy hoạch, cả loại hình, chủng loại vật liệu xây dựng, phương pháp thi công…
Nhưng còn hơn thế, những ký ức đó được “in” trên/trong di tích vật thể vẫn hiện diện với những công năng đang được khai thác mà nhiều nơi đã quá tải. Ẩn trong các vật thể công trình văn hóa đó luôn có những giá trị tinh thần của văn hóa phi vật thể. Di sản ấy cần có được các tiêu chí nhận diện, đánh giá chính xác và phải có phương thức ứng xử phù hợp với yêu cầu bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc, mỹ thuật... bên cạnh việc khai thác hiệu quả những giá trị sử dụng như vẫn đang làm hiện nay.
Chỉ xếp hồ sơ về các công trình kiến trúc Hà Nội (cả cống ngầm) đã dài tới nhiều mét giá tài liệu. Muốn tìm để hiểu về những công trình này đương nhiên không phải là điều đơn giản. Thế hệ trước là nhân chứng của những sự đổi thay bộ mặt đô thị Hà Nội thời thuộc Pháp vẫn hoài niệm và tự hào về một thời thanh niên bỡ ngỡ nhưng tiếp thu nhanh những điều mới mẻ. Thế hệ trẻ đọc về quá khứ và nhìn so sánh với hôm nay trong mối phân vân bởi những hiểu biết còn chưa được lấp đầy. Kết nối và hỗ trợ hồi ức của thế hệ trước với kiến văn của thế hệ sau sẽ góp phần làm nên phông tư liệu phong phú.
Di sản đô thị nói chung và khu phố Pháp ở Hà Nội nói riêng, không chỉ cần được bảo tồn, duy trì mà cần được tiếp tục sử dụng, tiếp tục phát triển tiếp nối. Di sản đó, về một phương diện nào đó, là di tích, song về cơ bản vẫn là những thực thể “sống”. Duy trì lâu bền những hạt nhân di sản sẽ bảo đảm cho mỗi đô thị vẫn phát triển mà không nghèo đi bản sắc.
Theo GS, TS, KTS Hoàng Đạo Kính: “Để giải quyết ổn thỏa những mâu thuẫn, chúng ta cần bổ sung vào khái niệm phát triển cụm từ “phát triển trong sự tiếp nối”. Sự tiếp nối chính là cầu nối giữa bảo tồn và phát triển. Tiếp nối chính là sự bảo đảm dòng chảy tự nhiên của lịch sử phát triển đô thị”
Cũng theo GS, TS, KTS Hoàng Đạo Kính: Trong bảo tồn và phát triển tiếp nối các di sản kiến trúc đô thị cần nhiều giải pháp. Bên cạnh các giải pháp kỹ thuật, các nhà chuyên môn cần cung cấp cho người dân những hiểu biết về giá trị của di sản của mình, làm cho họ hiểu rõ nhu cầu bảo tồn di sản với tư cách một động lực phát triển kinh tế và nâng cao mức sống. Chính quyền cần sắp xếp và điều chỉnh cơ cấu dân cư, giảm bớt mật độ dân số, khuyến khích người dân duy trì, giữ gìn nét đẹp kiến trúc của căn biệt thự, duy trì truyền thống sinh hoạt, giao tiếp cộng đồng ở đó.
Chìa khóa để giải quyết những vấn đề đang đặt ra chính là sự nhận thức và thực hiện phương châm bảo tồn di sản đô thị trong sự phát triển tiếp nối vừa mang tính thực tế, vừa có tính khả thi.
Theo hướng này cũng đã có tín hiệu vui. Biệt thự ở 49 phố Trần Hưng Đạo (Hà Nội) được phục hồi từ tháng 4/2022 và đã hoàn thành tháng 1/2024, theo nguyên tắc bảo tồn tối đa các yếu tố gốc, sử dụng các giải pháp kỹ thuật truyền thống kết hợp với các giải pháp công nghệ hiện đại mà không ảnh hưởng đến yếu tố gốc của công trình. Đây là công trình thuộc dự án nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị khu phố Pháp được Thành phố Hà Nội hợp tác với vùng Ile-de-France (Pháp) tiến hành. Công trình này được kỳ vọng sẽ tạo ra hình mẫu về công tác bảo tồn biệt thự trong tương lai.
Những công trình kiến trúc Pháp đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa Hà Nội. Nó cần được nhìn nhận như một di sản văn hóa, đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa kiến trúc và quy hoạch đô thị. Quỹ di sản ấy cần có được các tiêu chí nhận diện chính xác và có các phương thức ứng xử phù hợp phục vụ cho mục tiêu duy trì, bảo tồn, cải tạo để tiếp tục phát huy công năng và giá trị.
Bên cạnh các giải pháp kỹ thuật, các nhà chuyên môn cần cung cấp cho người dân những hiểu biết về giá trị của di sản của mình, làm cho họ hiểu rõ nhu cầu bảo tồn di sản với tư cách một động lực phát triển kinh tế và nâng cao mức sống.