Đấu tranh chính trị của nhân sĩ, trí thức Hà Nội trong lòng địch

Đoàn “Anh em nhiếp ảnh thành Hà Nội” tuần hành chào mừng ngày tiếp quản Thủ đô. (Ảnh: Sách ảnh "Hà Nội ngày tiếp quản" của UBND thành phố Hà Nội)

Đoàn “Anh em nhiếp ảnh thành Hà Nội” tuần hành chào mừng ngày tiếp quản Thủ đô. (Ảnh: Sách ảnh "Hà Nội ngày tiếp quản" của UBND thành phố Hà Nội)

Đông xuân 1953-1954, kế hoạch Nava của Pháp đã báo hiệu sự thất bại thảm hại. Mâu thuẫn giữa rải quân chiếm giữ đất đai với tập trung quân lực để cơ động đánh lớn không giải quyết được, chúng ngày càng sa vào thế phòng ngự bị động. Ngược lại ta càng đánh càng mạnh, khoét sâu vào chỗ yếu của địch, tạo điều kiện bao vây quân Pháp ở cánh đồng Mường Thanh-Điện Biên Phủ (11/1953), giải phóng Lai Châu (12/1953). Phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ, Hà Nội đẩy mạnh đấu tranh về các mặt chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa, giáo dục... đánh địch ngay ở hậu cứ quan trọng nhất của chúng. Trước hết, ta lấy phong trào chống bắt lính và làm tan rã ngụy quân làm đòn bẩy khuấy động quần chúng.

Hàng ngàn học sinh các trường Minh Tân, Tây Sơn, Khai Thành, Chu Văn An... đã bãi khóa chống học quân sự, chống lệnh động viên của địch. Sinh viên các trường Đại học Văn hóa, Đại học Sư phạm cũng tham gia hưởng ứng. Nhiều thanh niên đến tuổi tòng quân chạy ra vùng tự do. Địch cho vây ráp bắt lính, bà con ra sức bảo vệ thanh niên lẩn tránh, lập từng đoàn phụ nữ kéo nhau đến các trại tập trung ở Lò Đúc, Ngọc Hà đòi chồng con, anh em bị địch bắt. Công tác địch vận đã vận động hàng loạt binh lính ngụy bỏ trốn ra hậu phương đem theo cả súng đạn, quân trang, xe cơ giới.

Lấy phong trào chống bắt lính và làm tan rã ngụy quân làm đòn bẩy khuấy động quần chúng

Tại hội nghị giáo dục toàn quốc do địch tổ chức, giáo viên và học sinh, sinh viên đã vạch trần luận điệu cải cách giáo dục, giáo dục dân tộc và dân chủ, hòa bình; yêu cầu dùng tiếng Việt ở đại học, tăng cường môn lịch sử Việt Nam, đòi bỏ chương trình quân sự.

Nhân kỷ niệm khởi nghĩa Hai Bà Trưng, ngày 10/3/1954, ta tổ chức nói chuyện ở Nhà hát Lớn, buổi nói chuyện dấy lên tinh thần yêu nước, chống ngoại xâm, vận động lập Hội Phụ nữ Bắc Hà, đòi hòa bình cho trẻ em.

Chị em tiểu thương các chợ Đồng Xuân, Cửa Nam, Hàng Da, chợ Hồm kéo lên Tòa Thị chính đưa yêu cầu giảm thuế môn bài, bỏ thuế thương vụ. Đồng bạc Đông Dương bị phá giá, đời sống đất đỏ, công nhân các xí nghiệp lợi dụng các nghiệp đoàn do địch tổ chức, đấu tranh đòi tăng lương theo giá sinh hoạt, chống giãn phu, đuổi thợ.

Các chiến sĩ tổ mũi nhọn đánh sân bay Gia Lâm đêm 3 rạng sáng 4-3-1954. (Ảnh: Bảo tàng lịch sử quốc gia)

Các chiến sĩ tổ mũi nhọn đánh sân bay Gia Lâm đêm 3 rạng sáng 4-3-1954. (Ảnh: Bảo tàng lịch sử quốc gia)

Máy bay địch bị phá hủy trong trận tập kích sân bay Gia Lâm, vào đêm 3, rạng sáng 4-3-1954. (Ảnh: baochinhphu.vn)

Máy bay địch bị phá hủy trong trận tập kích sân bay Gia Lâm, vào đêm 3, rạng sáng 4-3-1954. (Ảnh: baochinhphu.vn)

Về quân sự, ta tổ chức đánh sân bay Gia Lâm đêm 3/3/1954, phá hủy 18 máy bay, và kho xăng, diệt 16 tên địch gây khó khăn cho chúng trong việc tiếp tế đường không cho Điện Biên Phủ. Anh chỉ em kho quân nhu của địch ở trong thành đột phá kho dù càng gây thêm bất lợi cho chúng.

Chỉ 10 ngày sau trận đánh sân bay, quân đội ta đã nổ phát đại bác đầu tiên tấn công tập đoàn cứ điểm của Pháp ở cánh đồng Mường Thanh. Các vị trí xung yếu của chúng như Him Lam, Bản Kéo... sụp đổ. Vòng vây quanh Điện Biên siết dần lại.

Hằng ngày, các máy bay chở lính Pháp-ngụy bị thương trên chiến trường về Hà Nội càng làm người dân nức lòng.

Địch càng bưng bít tin thất bại thì dân chúng càng theo dõi tin tức qua các đài, báo nước ngoài rồi loan rộng cho nhau.

Không khí Hà Nội đã căng thẳng như dây đàn.

Từ cuối năm 1953, kết hợp tiến công quân sự với đấu tranh ngoại giao, Đảng ta đã chủ trương vừa đánh vừa đàm. Tháng 12/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trả lời phóng viên tờ báo Thụy Điển-Expressen về lập trường của ta là sẵn sàng thương lượng với Pháp để chấm dứt chiến tranh, trên cơ sở Pháp phải tôn trọng độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Ở Hà Nội, chấp hành chỉ thị của Đảng, tháng 4 năm 1954 các cán bộ hoạt động nằm vùng ở nội thành đã vận động giới trí thức, văn nghệ sĩ, nhân sĩ đấu tranh mạnh mẽ chống chiến tranh xâm lược, ủng hộ chủ trương mở Hội nghị Geneve, lập lại hòa bình ở Đông Dương.

Khi cuộc chiến tranh toàn quốc nổ ra ở Hà Nội tháng 12/1946, có một số trí thức gồm bác sĩ, luật sư, kỹ sư, văn nghệ sĩ bị kẹt lại ở nội thành. Họ là những người có tinh thần yêu nước nên không chịu làm việc cho Pháp, họ mở nhà thuốc, bệnh viện tư, phòng luật tư nhân để sinh sống. Trong đó có bác sĩ Trần Văn Lai, người được chính phủ Trần Trọng Kim sau ngày Nhật đảo chính Pháp đã mời ra giữ chức Thị trưởng thành phố Hà Nội. Ngôi nhà của ông trong ngõ Tức Mặc là điểm đến của những người nghèo mắc bệnh đến khám và được phát thuốc miễn phí. Ông cầm quyền ở thành phố chỉ trong một tháng thì Cách mạng Tháng Tám thành công. Nhưng trong thời gian ấy ông đã làm được một việc “tày trời” là hạ bệ tất cả các pho tượng mà thực dân Pháp đã dựng trên đất Hà Nội để biểu dương công bảo vệ người Việt của chúng, cũng như xóa bỏ các tên phố chữ Pháp và tên các “quan” xâm lược, trả lại tên các phố “Hàng” cổ xưa của 36 phố phường và thay tên phố Tây bằng các danh nhân, anh hùng dân tộc nước Việt Nam. Pháp muốn lôi kéo ông ra làm việc cho chúng để dễ bề mị dân, nhưng ông thẳng thừng từ chối. Bởi vậy, ông được chúng tặng cho cái tên là “trí thức trùm chăn".

Một nhân vật nữa là ông Vũ Đình Khoa du học bên Pháp 2 năm trở về dạy học các trường tư ở Hà Nội và mở hiệu sách báo ngoại văn ở số nhà 23 Tràng Thi, giao cho cô em bán. Phần lớn sách, báo, tạp chí bằng tiếng Pháp, tiếng Anh ông đều nhập thẳng từ bên ấy, trong đó có không ít sách, báo của Đảng Cộng sản Pháp. Cũng nội dung ấy nếu là tiếng Việt sẽ bị mật thám bắt ngay, mang danh dân chủ nên chúng không thể cấm lưu hành ở thuộc địa. Người mua ở đây phần lớn là các trí thức, văn nghệ sĩ, họ tìm đọc những tác phẩm nghiên cứu chủ nghĩa Mác, sách văn học Pháp và Nga dịch ra tiếng Pháp. Báo Nhân đạo của Đảng Cộng sản Pháp chỉ sau một ngày đã có mặt ở hiệu sách. Trí thức Hà Nội rất cần biết tin tức chiến sự ở Việt Nam và thời sự quốc tế cả từ hai phía để tìm hiểu sự thực. Hiệu sách trở thành nơi lui tới của các bác sĩ Phạm Khắc Quảng, Điều Văn Thắng, Đặng Văn Chung, luật sư Vũ Văn Hiền và cả cụ đốc ký "trùm chăn" tiêu biểu Trần Văn Lai. Họ trở thành bạn với ông Vũ Đình Khoa mặc dầu có bằng cử nhân luật nhưng chỉ dạy trường tư và được gọi là “giáo sư".

Khách mua sách còn có mấy anh cán bộ Việt Minh “nằm vùng" mà ông đoán biết qua trao đổi chuyện trò và vài chị sinh viên kháng chiến đến mua sách báo để giữ qua đường dây ra hậu phương. Ông Khoa biết ý thường lưu giữ và giới thiệu cho họ những cuốn sách nên đọc. Trong đó có một nhà giáo cũng dạy trường tư, có tên là Thân, thường đến hiệu sách, ông Thân thường trao đổi với chủ hiệu về tình hình thời sự và đưa ra những ý kiến nên làm gì để ủng hộ kháng chiến. Lúc này, ông Khoa được anh em nhà giáo bầu vào Ban Chấp hành Hội Ái hữu giáo giới. Ngày 26/3/1954 các báo ở Hà Nội đăng bản kiến nghị của trí thức Sài Gòn đòi lập lại hòa bình, đứng đầu là kỹ sư Lưu Văn Lang, luật sư Trịnh Đình Thảo.

Thành ủy Hà Nội giao cho nhóm cán bộ “nằm vùng” vận động các nhân sĩ, trí thức ký kiến nghị hưởng ứng.

Ông Thân, lúc ấy là cán bộ trí thức vận bí mật bàn với ông Khoa, hai người thống nhất cách vận động và gợi ý về nội dung. Trước hết, phải có người uy tín trong giới nhân sĩ làm hạt nhân, người ấy không ai hơn ngài Đốc lý “trùm chăn” Trần Văn Lai. Ông Lai là người góp ý về nội dung bản kiến nghị và cũng là người đầu tiên ký tên vào bản kiến nghị đòi hòa bình tạo nên làn sóng đấu tranh công khai, gây áp lực với địch trên mặt trận ngoại giao.

Hơn một trăm nhân sĩ, trí thức và các giáo sĩ đã ký tên vào bản kiến nghị này như Bùi Tường Chiểu, Hoàng Xuân Hãn, Vũ Văn Hiến, Nguyễn Mạnh Hà, Phạm Khắc Quảng, Vũ Công Hòe, Đặng Văn Chung, Đinh Văn Thắng...

Bản kiến nghị đề ngày 12/4/1954 được luật sư Nguyễn Mạnh Hà mang sang Pari và gửi đăng trên các báo L'Humanité (Nhân đạo), Le Monde (Thế giới), dưới đầu đề "Les Notabilliter" (Những nhân sĩ danh tiếng) số ra ngày 21/4/1954, trước khi Hội nghị Geneve về Đông Dương họp đúng 5 ngày (26/4/1954). Bản kiến nghị đã có ảnh hưởng tích cực đối với dư luận trong nước và ngoài nước. Trên đất Pháp, phong trào chống chiến tranh ở Việt Nam đã hưởng ứng đòi Chính phủ Pháp phải điều đình với Chính phủ Hồ Chí Minh để lập lại hòa bình ở Đông Dương, tôn trọng chủ quyền độc lập thống nhất, vẹn toàn lãnh thổ của Việt Nam, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước.

Bản kiến nghị đã có ảnh hưởng tích cực đối với dư luận trong nước và ngoài nước.

Phát huy kết quả này, cuộc vận động ký kiến nghị đòi hòa bình đã phát triển rộng rãi ra các giới ở Thủ đô. Ngoài công nhân, nhân dân lao động, thanh niên, học sinh sinh viên, tiểu thương còn có cả ngụy quân, công chức trong bộ máy chính quyền địch cũng tham gia. Tới tháng 6, cuộc vận động đã thu được hàng vạn chữ ký.

Trong tình hình quân Pháp đang trên đà xuống dốc nhưng chúng vẫn tìm cách bịt kín tin tức chiến trường, lại ra sức tuyên truyền xuyên tạc sự thật, tô vẽ cho thứ độc lập giả hiệu của ngụy quyền, phản đối điều đình với Chính phủ ta, lập Ủy ban bảo vệ Bắc Việt để phá hoại hiệp định Geneve nếu được ký kết.

Thành ủy thấy cần có một tờ báo công khai để định hướng dư luận. Việc này giao cho số cán bộ trí thức vẫn nằm vùng.

Ông Thân còn viết báo công khai với bút danh là Trung Ngôn, Tô Tân... (đến ngày hòa bình lập lại về tiếp quản Thủ đô, ông có tên là Nguyễn Bắc, làm giám đốc Sở Văn hóa, sau là Sở Văn hóa-Thông tin). Ông Nguyễn Bắc cùng với một số anh em trung kiên trong làng báo tìm cách để làm báo. Cái khó nhất là giấy phép. “Muỗi Sài Gòn”[1] - cây bút trào phúng nổi tiếng của báo Tia sáng có quan hệ rộng rãi với giới quan chức ngụy quyền, bắt được tin Nguyễn Bình Tuyên, thông báo cao cấp Phủ Thủ hiến Bắc Việt đang có trong tay giấy phép ra báo Dân ý nhưng chưa ra được, bèn đến thuê lại. Có giấy phép rồi phải lo đến trụ sở, ban biên tập và tài chính. Ông Phạm Nhất Hân-chủ hiệu sách và nhà xuất bản Kuy Sơn ở 84 phố Thuốc Bắc đã giúp đỡ cho mượn trên gác làm nơi làm việc. Hoàng Công Khanh lo bài vở, nhà in Lê Cường nhận in báo lấy tiền sau. Các văn nghệ sĩ viết bài đều không nhận nhuận bút. Số 1 ra mắt ngày 1/5/1954. Măng-séc báo và minh họa của họa sĩ Bùi Xuân Phái, mang dòng chữ: “Cương quyết chống văn hóa dâm ô, trụy lạc".

Mục tiêu báo Dân ý là phải làm sao để thể hiện được nguyện vọng của nhân dân, mong mỏi hòa bình, độc lập và thống nhất đất nước. Các bài viết đều phải xoay quanh yêu cầu ấy.

Quan trọng là phần tin tức do Nguyễn Bắc trực tiếp phụ trách. Số 4 ra ngày 16/6/1954 đã lược thuật bài của báo Express ngày 5/6 với tiêu đề: Hy vọng ngừng bắn có thể thành hiện thực trong 6 tuần nữa. Số 5 là số cuối cùng ra ngày 2/7 có bài tường thuật phiên họp thu hẹp ngày 22/6 tại Geneve giữa Chu Ân Lai và Mendes France với thỏa thuận lập Ủy ban trung lập kiểm soát đình chiến gồm 3 nước: Ấn Độ (chủ tịch), Ba Lan và Indonesia (theo báo Le Monde). Những thông tin này rất quý vì địch hoàn toàn bưng bít. Số 5 vừa ra thì mật thám Pháp Soubrier gọi Hoàng Công Khanh và Hoài Việt đến cảnh cáo và đe dọa. Nguyễn Bỉnh Tuyên với danh nghĩa là quản lý, người chịu trách nhiệm chính trị về tờ báo cũng bị “sờ gáy”, y tuyên bố đòi lại giấy phép, đúng lúc có quyết định của ngụy quyền Sài Gòn bắt đóng cửa tờ báo. Một tờ báo sống được hai tháng, mỗi kỳ ra 5.000 bản phát hành khắp các thành phố lớn ở cả Bắc và Nam đã có ảnh hưởng nhất định trong giới văn nghệ, trí thức, sinh viên học sinh, giáo viên và đã tập hợp được một số văn nghệ sĩ có lòng với kháng chiến sát cánh bên nhau.

Các văn nghệ sĩ viết bài đều không nhận nhuận bút.

Mục tiêu báo Dân ý là phải làm sao để thể hiện được nguyện vọng của nhân dân, mong mỏi hòa bình, độc lập và thống nhất đất nước.

Vào lúc 24 giờ ngày 20/7/1954 (giờ Geneva), tức sáng 21/7/1954 (giờ Hà Nội), Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu thay mặt Chính phủ và Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam ký Hiệp định đình chiến ở Việt Nam. Ngay sau đó, Hiệp định đình chiến ở Lào và Campuchia cũng được ký kết. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Vào lúc 24 giờ ngày 20/7/1954 (giờ Geneva), tức sáng 21/7/1954 (giờ Hà Nội), Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu thay mặt Chính phủ và Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam ký Hiệp định đình chiến ở Việt Nam. Ngay sau đó, Hiệp định đình chiến ở Lào và Campuchia cũng được ký kết. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Đêm 20 rạng sáng 21/7/1954, Hiệp định Geneve được ký kết, nhưng các báo ở Hà Nội chỉ đưa tin mà không đăng các điều khoản cụ thể, không cho biết ngày nào quân Pháp phải rút khỏi miền Bắc, ngày nào quân ta vào tiếp quản Hà Nội. Chúng lại còn phao lên là Việt Minh chia cắt đất nước. Báo của ta chưa đưa vào được nhiều, Đài Tiếng nói Việt Nam bị chúng phá nhiễu không nghe rõ. 

Ông Nguyễn Bắc cùng với cụ Trần Văn Lai đứng ra làm chủ nhiệm báo hàng ngày lấy tên là Niềm vui để đưa thông tin cần thiết cho người dân chờ đến ngày Thủ đô giải phóng.

Tấm lòng của các nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ Thủ đô đã góp phần nhất định vào thắng lợi chung của dân tộc.

Tác giả: Nhà báo Giang Quân
Nguồn: Sách “Thiên sử vàng của quân dân Thủ đô anh dũng”, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, NXB Hà Nội-2014.
Trình bày: T. Lâm