Đầu tư cho R&D:
Sức bật mới cho Việt Nam

Ngày 22/12/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đã được coi là “điều kiện tiên quyết” và cơ hội tốt nhất để Việt Nam đạt được các mục tiêu đầy tham vọng như: Đứng trong “top 30 toàn cầu về đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” vào năm 2045; quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 30% GDP vào năm 2030, tiến tới đạt tối thiểu 50% GDP vào năm 2045… Đặc biệt, Nghị quyết 57 nhấn mạnh tới hoạt động R&D (Research and Development - nghiên cứu và phát triển) với việc đề ra nhiều chỉ số cụ thể. Hệ thống tổ chức khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo được sắp xếp lại bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu - ứng dụng - đào tạo.
Con đường để hoàn thành mục tiêu Nghị quyết 57 đề ra được dự đoán vô cùng khó khăn vì thực trạng R&D ở Việt Nam còn yếu và manh mún, chi phí đầu tư còn thấp. Việt Nam sẽ làm gì để quyết liệt thúc đẩy hoạt động R&D, tăng năng suất lao động, làm chủ công nghệ, tăng khả năng cạnh tranh toàn cầu, đóng góp vào tiến trình phát triển của đất nước trong kỷ nguyên vươn mình. Để trả lời các câu hỏi này, Nhân Dân hằng tháng thực hiện Tiêu điểm Đầu tư cho R&D: Sức bật mới cho Việt Nam.
Mãi đi sau, nếu không làm chủ công nghệ

“Tôi chưa bao giờ hứng khởi như vậy về không khí phát triển khoa học công nghệ ở Việt Nam những ngày này” - ông Võ Quang Huệ, người từng có 25 làm việc tại BMW của Đức, trong đó có 12 năm làm nghiên cứu phát triển và cũng là người thuyết phục được hãng Bosch chuyển một dự án công nghệ cao về Việt Nam (dù dự định ban đầu đặt ở một quốc gia khác) đã chia sẻ cảm xúc của mình, khi Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia được ban hành.
Việt Nam trên bản đồ R&D thế giới
“Những năm cuối thập niên 80 thế kỷ 20, nghe Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh nói: Đổi mới hay là chết, tôi đã khóc. Đến nay, tôi thấy sống lại nhiệt huyết ngày đó”, ông Võ Quang Huệ hào hứng. Điều khiến ông Huệ một lần nữa “sống lại nhiệt huyết” tuổi trẻ là hàng loạt nỗ lực cải cách gần đây của Việt Nam mà tiêu biểu là Nghị quyết 57-NQ/TW. Nghị quyết xác định: “Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
“Xác định chúng ta phải vươn mình. Và vươn mình bằng khoa học, công nghệ là đúng hướng. Vấn đề bây giờ chỉ còn là how - làm thế nào? Tôi biết rất nhiều người chung quanh và cả bản thân tôi đều phấn chấn muốn đóng góp vào cái how đó” - ông Huệ hồ hởi.
Nghị quyết 57 đặt mục tiêu đến năm 2030 tiềm lực, trình độ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam đạt mức tiên tiến ở nhiều lĩnh vực quan trọng, thuộc nhóm dẫn đầu trong các nước có thu nhập trung bình cao; trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp đạt mức trên trung bình của thế giới; một số lĩnh vực khoa học, công nghệ đạt trình độ quốc tế. Tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao đạt tối thiểu 50% tổng giá trị hàng hóa xuất. Hơn 40% trong tổng số doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo, kinh tế số đạt tối thiểu 30% GDP, nâng cao hạ tầng công nghệ, phủ sóng 5G toàn quốc v.v. “Đích đến đã rất rõ ràng, và lần này có vẻ đong đếm được”, ông Võ Quang Huệ bày tỏ phấn khích.
Hàng loạt các chỉ số về R&D cũng được định lượng rõ ràng trong Nghị quyết như: Nguồn nhân lực cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo đạt 12 người trên một vạn dân; có từ 40 - 50 tổ chức khoa học và công nghệ được xếp hạng khu vực và thế giới; số lượng công bố khoa học quốc tế tăng trung bình 10%/năm; số lượng đơn đăng ký sáng chế, văn bằng bảo hộ sáng chế tăng trung bình 16 - 18%/năm, tỷ lệ khai thác thương mại đạt 8 - 10%. Thu hút thêm ít nhất 3 tổ chức, doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới đặt trụ sở, đầu tư nghiên cứu, sản xuất tại Việt Nam...
“Nếu không có R&D, chúng ta sẽ không có cái gì của riêng mình, sẽ mãi mãi đi sau, không bao giờ làm chủ được công nghệ. Phần quan trọng trong hoạt động R&D của một quốc gia cần xuất phát từ khối tư nhân, từ doanh nghiệp vì R&D của họ gắn với sản phẩm, với thị trường, gắn với những giải pháp cải thiện chất lượng cuộc sống của con người. Tôi thấy rất mừng là Việt Nam đã đặt vai trò đáng kể của khối tư nhân trong mục tiêu phát triển khoa học, công nghệ. Tôi nghĩ vai trò này cần được nhấn mạnh hơn nữa. Các quốc gia đã phát triển thần tốc về khoa học, công nghệ thời gian qua như Trung Quốc, Hàn Quốc đều đã đi theo con đường này”, ông Trần Đình Cường, Chủ tịch Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam (EY) cho biết.
Quang cảnh Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Ảnh: Phạm Thắng
Quang cảnh Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Ảnh: Phạm Thắng
Động lực đến từ khu vực tư nhân
Đặt nhiều tâm huyết vào R&D, cho rằng đó là vấn đề cốt yếu, sống còn của một đất nước muốn phát triển, muốn thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, ông Cường nhận định, trước hết Việt Nam phải nhìn nhận rõ mình đang ở đâu, muốn đi đến đâu? Điểm xuất phát và đích đến sẽ giúp nhìn rõ hơn con đường, và xác định tới đích như thế nào. “Tìm hiểu số liệu từ Ngân hàng thế giới (WB), chúng tôi nhận thấy rằng tỷ lệ đầu tư cho R&D của Việt Nam năm 2021 đạt khoảng 0,42% GDP. Đây là tỷ lệ rất thấp so với các quốc gia hàng đầu thế giới về khoa học công nghệ, thấp so với trung bình thế giới và thấp ngay cả khi so với các quốc gia khác trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, đặc biệt là Singapore. Việt Nam đứng ở nửa cuối, khoảng thứ 56/86 quốc gia/vùng lãnh thổ mà WB có dữ liệu”, ông Cường nhấn mạnh. Cũng theo số liệu của WB, quốc gia đứng đầu thế giới về đầu tư cho R&D trên tổng GDP là Israel với xấp xỉ 5,8% GDP. Thứ hai là Hàn Quốc dành khoảng 4,9% GDP cho R&D, Hoa Kỳ xếp thứ 3 với xấp xỉ 3,5%. Nếu so sánh về con số tuyệt đối, mức độ đầu tư cho R&D của Việt Nam còn thấp hơn nhiều, do quy mô GDP còn rất khiêm tốn so với các nước Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đức… Việc nâng kinh phí chi cho R&D của Việt Nam đạt mức 2% GDP vào năm 2030 là bước nhảy vọt đáng kể, nhất là phần lớn trong mục tiêu đó sẽ đến từ khối tư nhân. WB cũng công bố, từ năm 1990 đến nay, chỉ có 34 nền kinh tế thoát được “bẫy thu nhập trung bình”. Hiện có 108 quốc gia khác nỗ lực vượt qua “bẫy” này, trong đó có Việt Nam. Hơn 1/3 trong số 34 quốc gia thoát “bẫy thu nhập trung bình” là nhờ việc gia nhập EU hoặc phát hiện dầu mỏ.
Không thể phát triển khoa học công nghệ nói chung và R&D nói riêng nếu không có nguồn nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, về nguồn nhân lực cho đổi mới sáng tạo, cũng theo dữ liệu của WB, năm 2021, Việt Nam đứng thứ 57/91 quốc gia, với khoảng 780 người/1 triệu dân. Quốc gia có số nhà nghiên cứu trên một triệu dân cao nhất là Hàn Quốc, gấp hơn 10 lần Việt Nam với khoảng 9.087 người/1 triệu dân. Thực tế, chỉ số nguồn nhân lực cho đổi mới sáng tạo của Việt Nam lại thấp hơn so với các nước trong khu vực, các quốc gia mà chúng ta muốn bắt kịp như Singapore, Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản...
Động lực chính cho đầu tư R&D trên thế giới là khu vực tư nhân, với các doanh nghiệp hàng đầu chạy đua để sở hữu những phát kiến mới nhất. Theo nghiên cứu từ dự án của Ủy ban châu Âu năm 2024 mang tên Kinh tế học của Nghiên cứu và Đổi mới công nghiệp (IRI), top 2.000 doanh nghiệp hàng đầu thế giới đã đổ gần 1.260 tỷ Euro vào R&D, đứng đầu là các doanh nghiệp Mỹ và Trung Quốc. Năm 2022, Việt Nam mới chính thức có một doanh nghiệp vào top là Vingroup với mức đầu tư 177,9 triệu Euro, xếp thứ 887/2.500 doanh nghiệp toàn cầu. Cho đến năm 2024, vẫn chưa có thêm doanh nghiệp mới nào của Việt Nam lọt top này.
Hiện trạng phát triển khoa học công nghệ của Việt Nam
Việt Nam đang có 423 tổ chức R&D với quy mô khác nhau, chủ yếu tập trung ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Có gần 900 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Cả nước có khoảng 4.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, 208 quỹ đầu tư, 84 vườn ươm và 20 trung tâm khởi nghiệp sáng tạo. Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đứng thứ 56/100 quốc gia, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vào top 200 thành phố khởi nghiệp sáng tạo toàn cầu. Năm 2024, Việt Nam xếp hạng 44/133 về Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu và đứng hạng 71/193 về Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử; ngành công nghiệp công nghệ số ước đạt doanh thu 152 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu phần cứng và điện tử ước đạt 132 tỷ USD. Đến hết năm 2024, tỷ trọng kinh tế số trong GDP đạt 18,3%.
(Theo báo cáo tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, ngày 13/1/2025)

Tổ chức thực hiện :
Ban Nhân Dân hằng tháng
Nội dung :
Nam Phương-Thanh Thanh-Trần Thanh Hương-Mi Sol-Ngô Hương Sen
Trình bày mỹ thuật :
Duy Thanh
Ảnh :
Phạm Thắng, Sơn Tùng,Vietnamnet, internet.