Friedrich Engels, nhà lãnh tụ thiên tài của giai cấp vô sản nhận định: “Chiến tranh du kích là phương thức duy nhất nhờ đó mà một dân tộc nhỏ có thể chiến thắng được một dân tộc lớn, mà một quân đội ít mạnh hơn có thể đối lập với một quân đội mạnh hơn và có tổ chức hơn”1. Vận dụng quan điểm trên, kết hợp với truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định “Huy động toàn dân nổi dậy đánh du kích khắp nơi, làm cho lực lượng địch bị phân tán, mệt mỏi, khiến cho quân chủ lực ta bất thần đánh tiêu diệt địch từng bộ phận”2, tiến tới đánh bại hoàn toàn quân xâm lược.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954), chiến tranh du kích không ngừng phát triển và trở thành một đặc trưng cơ bản trong toàn bộ cuộc kháng chiến, đồng thời góp phần quan trọng vào thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta đến thắng lợi cuối cùng.

Ngày 7/5/1954, toàn bộ tập đoàn cứ điểm của địch ở Điện Biên Phủ đã bị quân ta tiêu diệt, lá cờ "Quyết chiến quyết thắng" đang phấp phới bay trên nóc hầm tên bại tướng thực dân pháp Đờ-cát. (Ảnh: TTXVN)

Ngày 7/5/1954, toàn bộ tập đoàn cứ điểm của địch ở Điện Biên Phủ đã bị quân ta tiêu diệt, lá cờ "Quyết chiến quyết thắng" đang phấp phới bay trên nóc hầm tên bại tướng thực dân pháp Đờ-cát. (Ảnh: TTXVN)

Từ cuối năm 1951, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 2 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam khóa II xác định: “Trong vùng tạm bị chiếm và vùng du kích ở Bắc Bộ cũng như trên các chiến trường Trung và Nam thì phải giữ vững và phát triển chiến tranh du kích, để thực hiện việc kiềm chế địch và phối hợp với chiến trường chính có hiệu quả hơn. Phải làm cho chiến tranh du kích giúp vào việc xây dựng và giữ vững cơ sở chính trị và kinh tế của ta, giúp vào việc tranh thủ nhân dân. Phải làm cho chiến tranh du kích kết hợp với toàn bộ cuộc đấu tranh của nhân dân trong vùng địch. Chiến tranh du kích phải thực hiện những nhiệm vụ và phương châm công tác trong vùng tạm bị chiếm và vùng du kích”3.

Trước khi bước vào chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, chiến tranh du kích đã góp phần quan trọng trong thế trận chiến tranh nhân dân, “toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính”, biến hậu phương địch thành hậu phương ta đã làm thay đổi cục diện chiến trường, tạo ra thế cài răng lược giữa ta và địch. Nhiều nơi trước đây vắng tiếng súng, như vùng hẻo lánh ở Tây Bắc, Đông Bắc, nay đã không còn là phía sau an toàn của địch. Nhận định về vấn đề này, trong Báo cáo quân sự tại Đại hội lần thứ II của Đảng (1951) nêu rõ: “Năm 1948 là năm thành công của du kích chiến tranh, là năm chúng ta đã biến hậu phương của địch thành hậu phương của ta”4.

Về phía thực dân Pháp, sau những thất bại trong các chiến dịch Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào, tướng Hăngri Nava được cử sang thay cho XaLăng; nhanh chóng tìm hiểu tình hình và đề ra một kế hoạch tổng thể cả về chính trị và quân sự hòng giành lại quyền chủ động chiến trường bằng cách đánh một đòn quyết định trước khi bước vào đàm phán trên thế mạnh với ta để kết thúc chiến tranh. Kế hoạch của Nava về quân sự dự kiến chia làm hai bước: Từ Thu Đông năm 1953 đến Xuân Hè 1954 tránh giao chiến với chủ lực của ta, tập trung xây dựng khối cơ động chiến lược ở miền Bắc, tiến hành bình định miền Nam và các tỉnh tự do Liên khu 5... Tuy nhiên, đến tháng 11 năm 1953, Nava quyết định mở cuộc hành quân Ca-xtơ đánh chiếm Điện Biên Phủ và xây dựng thành tập đoàn cứ điểm mạnh. Pháp cho rằng “sẽ tương kế tựu kế, biến Điện Biên Phủ thành một pháo đài vững chắc, vừa là một cái chốt, vừa là một là một cái bẫy hay một cái máy nghiền, sẵn sàng nghiền nát các sư đoàn thép của đối phương, đồng thời vẫn bảo vệ được nước Lào, ngăn chặn các cuộc tiến công lớn của đối phương...”.

Trước khi bước vào chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, chiến tranh du kích đã góp phần quan trọng trong thế trận chiến tranh nhân dân, “toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính”, biến hậu phương địch thành hậu phương ta đã làm thay đổi cục diện chiến trường, tạo ra thế cài răng lược giữa ta và địch.

Trước âm mưu và hành động của địch, ngày 6 tháng 12 năm 1953, sau khi nghe Tổng Quân ủy báo cáo, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, thông qua lần cuối phương án tác chiến Đông Xuân 1953-1954 và chỉ rõ Điện Biên Phủ sẽ là một tập đoàn cứ điểm mạnh, nhưng có cái yếu là cơ bản bị cô lập, mọi việc tiếp viện, tiếp tế đều phải phụ thuộc vào đường không… Để phối hợp với chiến trường chính Điện Biên Phủ, các chiến trường đã tích cực đẩy mạnh chiến tranh du kích vào vùng địch tạm chiến, nhằm tiêu hao, tiêu diệt, phân tán lực lượng của địch, góp phần vào thắng lợi chung của cả nước.

Trên chiến trường Việt Bắc, trong quá trình chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ và suốt thời gian thực hiện bao vây tiêu diệt địch ở Điện Biên Phủ, các lực lượng du kích địa phương thuộc Liên khu Việt Bắc tiếp tục nổ súng đánh địch ở một số nơi như Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc để chống địch càn quét, cầm chân tiêu hao, tiêu diệt địch không cho chúng tập trung quân vào chiến trường chính. Các lực lượng vũ trang Việt Bắc đã nắm chắc thời cơ chủ động mở các đợt hoạt động đánh mạnh vào các vùng địch còn chiếm đóng, phá các cuộc càn quét nhỏ của địch, đánh 754 trận lớn nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu 9.765 tên địch, làm bị thương 2.500 tên, bắt sống và gọi hàng 2.094 tên5. Bằng cách phối hợp các lực lượng, các mũi tiến công, nhiều địa phương thực hiện “tổng phá tề” thắng lợi. Bước sang đầu năm 1954, hầu hết các địa phương ở Việt Bắc được giải phóng, đã trở thành hậu phương trực tiếp cho chiến dịch.

Đẩy mạnh chiến tranh du kích ở Việt Bắc trong giai đoạn này góp phần đánh bại các cuộc càn quét, gây phỉ, biệt kích, phản động của địch bảo vệ vững chắc căn cứ địa hậu phương chiến lược của cả nước. Đóng góp cao nhất sức người, sức của phục vụ cho các chiến dịch, nhất là Chiến dịch Điện Biên Phủ giành thắng lợi.

Ở chiến trường đồng bằng Liên khu 3, trước khi chiến dịch mở màn, ngày 26 tháng 2 năm 1954, lực lượng vũ trang Liên khu tiến hành một đợt đánh phá giao thông vận chuyển chiến lược của địch, trọng điểm là đường sắt, đường 5, sân bay, kho tàng. Mở đầu đợt hoạt động, đêm ngày 4 tháng 3 năm 1954, lực lượng vũ trang Hà Nội tập kích sân bay Gia Lâm phá hủy 18 máy bay, tiếp đó đêm ngày 7 tháng 3 lực lượng vũ trang Kiến An tập kích phá hủy 59 máy bay ở sân bay Cát Bi. Sau chiến thắng trên, quân và dân Quân khu Tả Ngạn mở nhiều đợt tổng công kích đường 5 và các tuyến vận tải chiến lược của địch, liên tiếp tập kích, phục kích, công đồn diệt viện, chống càn giành nhiều thắng lợi. Quân dân Quân khu Hữu Ngạn cũng liên tiếp tiến công đập tan phòng tuyến sông Đáy của địch, đánh điểm diệt viện, đánh phá giao thông, liên tiếp đánh bại các cuộc hành quân giải tỏa của địch mở rộng nhiều vùng căn cứ6... gây cho địch nhiều khó khăn trong việc ứng cứu, chi viện cho các mặt trận, nhất là Điện Biên Phủ.

Trong giai đoạn này ở đồng bằng Liên khu 3, chiến tranh du kích đã đứng vững trong thế trận toàn dân đánh giặc ở địa phương, đánh bại các cuộc càn lớn của địch góp phần rất quan trọng đánh bại âm mưu “dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh” của địch, cùng cả nước giành thắng lợi cuối cùng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam bàn kế hoạch tác chiến Đông-Xuân (1953-1954). (Ảnh: TTXVN)

Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam bàn kế hoạch tác chiến Đông-Xuân (1953-1954). (Ảnh: TTXVN)

Bộ chỉ huy chiến dịch dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang bàn kế hoạch tác chiến cho từng trận đánh. (Ảnh: TTXVN)

Bộ chỉ huy chiến dịch dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang bàn kế hoạch tác chiến cho từng trận đánh. (Ảnh: TTXVN)

Trên chiến trường Tây Nguyên, ngày 27 tháng 1 năm 1954, phối hợp với cuộc tiến công lên Tây Nguyên của bộ đội chủ lực, trên hướng chính Bắc Kon Tum, du kích và bộ đội địa phương mở đường, bảo vệ hành lang, diệt một cứ điểm, đồn bốt, phá tan các ổ GOUM7, truy bắt, gọi hàng làm tan rã toàn bộ lực lượng của địch. Trên hướng thứ yếu của chiến dịch, lực lượng vũ trang địa phương phối hợp với một tiểu đoàn chủ lực, tiến công tiêu diệt và bức rút 5 cứ điểm làm chủ đoạn đường 19 đoạn Đông-Tây đèo Mang Giang, uy hiếp thị xã Pleiku; ngày 7 tháng 2 năm 1954, quân Pháp ở thị xã Kon Tum bỏ chạy, du kích cùng bộ đội địa phương và nhân dân truy lùng, bắt, gọi hàng gần 1.000 ngụy quân, ngụy quyền, tề điệp, nhanh chóng ổn định tình hình vùng giải phóng8. Ở Đắc Lắc, đầu năm 1954, dân quân du kích cùng bộ đội địa phương liên tục đánh vào các bàn đạp và kho hậu cần dự trữ của địch, từ Tây Nguyên đánh xuống Phú Yên, sau đó tiếp tục tập kích các cuộc vận chuyển quân tiếp tế của địch trên các đường số 7 và 21, đồng thời đánh sâu lên đường 14, gây mất ổn định phía sau lưng địch. Du kích vùng Đắc Bằng - Suối Trai bố trí trận địa chông và thò ngăn chặn một tiểu đoàn Âu Phi đang hành quân càn quét làm chết và bị thương 50 tên địch, số còn lại hốt hoảng tháo chạy.

Cũng trong những tháng đầu năm 1954, du kích cùng với bộ đội địa phương và chủ lực ở Lâm Đồng kết hợp đấu tranh chính trị ở Đà Lạt, đánh tiêu diệt nhỏ ở nông thôn, phát triển chiến tranh du kích mở thế chiến trường. Tiếp đó, đầu tháng 4 năm 1954, du kích phối hợp với các lực lượng đã tiêu diệt ba cứ điểm nằm ở vùng giáp ranh giữa hai tỉnh Bình Thuận và Lâm Đồng, giải phóng một vùng rộng lớn, giải tán một số GOUM, biến 52 buôn từ vùng địch tạm chiếm thành vùng du kích, giải phóng 1/3 tỉnh Đồng Nai Thượng với gần 10.000 dân trong khu vực B’Lao và Di Linh9.

Bộ tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam nghiên cứu kế hoạch tác chiến. (Ảnh: TTXVN)

Bộ tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam nghiên cứu kế hoạch tác chiến. (Ảnh: TTXVN)

Trên chiến trường miền Đông Nam Bộ, để thực hiện kế hoạch Nava, Pháp đã đưa nhiều đơn vị tinh nhuệ ra chiến trường Bắc Bộ và Lào, chỉ để lại ba tiểu đoàn Âu Phi thiếu quân số và vũ khí trang bị. Để bù đắp thiếu hụt lực lượng, chúng gấp rút thành lập thêm nhiều đơn vị ngụy binh ở miền Đông lên đến 12 tiểu đoàn, phần lớn là tân binh. Với lực lượng còn lại như vậy chúng không thể dàn trải mà chủ yếu tập trung bố trí quanh các đô thị, dọc các tuyến giao thông quan trọng, trong các đồn điền cao su và ven khu căn cứ địa của ta. Bước vào cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954. Với chiến trường Nam Bộ, Bộ Chính trị chủ trương tiếp tục đẩy mạnh chiến tranh du kích, lợi dụng điều kiện thuận lợi mới do quân địch phải tập trung lực lượng cho các hướng khác mà tăng cường lực lượng đánh những trận nhỏ, nhằm tiêu hao tiêu diệt từng bộ phận sinh lực địch... mở rộng căn cứ du kích và khu du kích. Với phương châm “Du kích chiến là chính, học tập đánh vận động khi có điều kiện thuận lợi”, du kích và chủ lực toàn chiến trường tổ chức thành từng phân đội nhỏ, đẩy mạnh tác chiến tiêu hao địch trên diện rộng, tại các tỉnh Thủ Biên, Bà Chợ, Gia Ninh, Mỹ Tân Gò, Long Châu Sa. Đầu năm 1954, từ ngày 22 tháng 2 đến 29 tháng 2, du kích cùng với nhân dân và bộ đội địa phương Gò Công đã diệt và bức hàng 75 tháp canh, bức rút 30 đồn, tháp canh, trụ sở tề ngụy khác, chiến 50% tổng số đồn bốt trên địa bàn huyện, diệt 275 tên, bắt sống 175 tên, thả tại chỗ 600 tên, binh vận làm rã ngũ 1.500 tên, thu 7.000 súng các loại, giải phóng 30 trong tổng số 41 xã toàn huyện. Du kích cùng bộ đội địa phương và Tiểu đoàn 300 tiến công tiêu diệt đồn Hàng Dương, phá nhiều khu dồn dân của địch ở Bà Chợ. Từ cuối năm 1953 đến tháng 5 năm 1954, các lực lượng vũ trang Phân Liên khu miền Đông đã “đánh 2.133 trận lớn nhỏ, hầu hết ở các vùng du kích và tạm bị chiếm, diệt bức hàng 197 đồn bốt, tháp canh. Riêng 5 tháng đầu năm 1954 ta đã diệt 61 đồn bốt, 102 tháp canh, bức rút 398 đồn bốt tháp canh khác, giết và làm bị thương, bắt sống 9.699 tên, trong đó có 150 sĩ quan (125 tên chết); 7 đại đội bị tiêu diệt, 7 đại đội thiệt hại nặng. Đánh chìm 73 tàu, phá hủy 65 xe cơ giới, 28 kho bom đạn (10.000 tấn), bắn rơi 1 máy bay. Ta thu 2.632 súng các loại, 8.411 lựu đạn, súng cối. Đặc biệt trong 6 trận chống càn vào căn cứ, ta đều diệt gọn từng đại đội quân địch, có trận diệt 2 đại đội”10. Kết quả hoạt động của du kích cùng với các lực lượng tại chiến trường miền Đông Nam Bộ đã góp phần trong thế trận chung của lực lượng kháng chiến cả nước, vươn lên giành thế chủ động ở một chiến trường du kích chiến tranh phát triển ở một trình độ cao.

Với phương châm “Du kích chiến là chính, học tập đánh vận động khi có điều kiện thuận lợi”, du kích và chủ lực toàn chiến trường tổ chức thành từng phân đội nhỏ, đẩy mạnh tác chiến tiêu hao địch trên diện rộng, tại các tỉnh Thủ Biên, Bà Chợ, Gia Ninh, Mỹ Tân Gò, Long Châu Sa.

Phối hợp với chiến trường chính trong Đông Xuân 1953-1954, Bộ Tư lệnh Phân liên khu miền Tây phát động đẩy mạnh tiến công phối hợp. Phương châm hoạt động lúc này là, tập trung sức đánh sâu đánh mạnh vào vùng địch hậu, tiêu hao tiêu diệt nhiều sinh lực địch, phá hoại cơ sở kinh tế, cơ sở hậu cần, buộc địch phải đối phó ngay tại sào huyệt của chúng, đồng thời phải có kế hoạch đề phòng địch càn quét vào vùng căn cứ, nhưng không được phân tán lực lượng.

Từ cuối năm 1953, các tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, du kích phối hợp với các lực lượng bao vây, uy hiếp, bức rút, bức hàng, tiêu diệt... Tiêu biểu như tại Cần Thơ, ta bao vây, uy hiếp 40 đồn theo trục lộ Rạch Sỏi-Minh Lương và lộ Bến Nhứt-Giồng Riềng, đánh bại tiểu đoàn cơ động 14, 15 địch; du kích phối hợp hoạt động với Tiểu đoàn 307, 3 lần đột nhập thị xã Rạch Giá, 5 lần tiến công vào thị trấn Rạch Sỏi, diệt căn cứ lính thủy Cao Đài và các vị trí đóng quân của chúng; ở Ô Môn ta bao vây hầu hết các đồn bốt ở tả ngạn và hữu ngạn sông Cần Thơ, diệt đồn Cả Lay xã Giai Xuân, cùng với đó vận động 5 lô cốt xung quanh đồn làm binh biến, 80 binh sĩ cùng với 75 súng về với kháng chiến. Tại Bạc Liêu, huyện Giá Rai và Vĩnh Lợi, du kích cùng lực lượng vũ trang huyện luồn sâu vào vùng địch hậu tuyên truyền, bắn tỉa, bao vây đồn bốt, đánh phá giao thông, đánh 47 trận, bức hàng 3 đồn, loại khỏi vòng chiến đấu 100 tên11... Tại Sóc Trăng, Vĩnh Trà, Bến Tre, Long Châu Hà, chiến tranh du kích phát triển mạnh, góp phần giành thắng lợi quan trọng trên chiến trường đồng bằng sông Cửu Long.

Có thể khẳng định rằng, trên các chiến trường trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 đã liên tục phối hợp với chiến trường chính. Bằng lực lượng du kích, đẩy mạnh chiến tranh du kích trong vùng địch tạm chiếm, căng kéo, tiêu hao, tiêu diệt làm cho kẻ địch phân tán lực lượng, bị động, không tập trung được toàn lực cho chiến trường chính, tạo điều kiện thuận lợi cho ta giành thắng lợi quyết định trong Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, đập tan ý chí xâm lược của thực dân Pháp lần thứ hai có sự giúp sức của Mỹ. Chiến thắng vĩ đại Điện Biên phủ như một bản hùng ca của cuộc chiến tranh nhân dân thần kỳ nhất “được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa trong thế kỷ XX, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc”12.

Như vậy, chiến tranh du kích là phương thức tác chiến từ lâu đời trong lịch sử dựng nước và giữa nước của dân tộc Việt Nam; chiến tranh du kích đã được Đảng ta mà trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng phát triển lên một tầm cao mới; là một trong những nhân tố quan trọng, góp phần quyết định đến thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; là cơ sở lý luận và thực tiễn, bước đầu cho sự phát triển chiến tranh du kích đến đỉnh cao trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước./.

Chiến tranh du kích đã được Đảng ta mà trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng phát triển lên một tầm cao mới; là một trong những nhân tố quan trọng, góp phần quyết định đến thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Bài: - Thiếu tá, ThS Nguyễn Trọng Thành, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam
- Thiếu tá, ThS Trần Minh Tú, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam
Trình bày: Ngọc Toàn
Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo Khoa học “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và hiện thực (07/5/1954 - 07/5/2019)”