ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC CHUẨN BỊ CHO CHIẾN DỊCH ĐIỆN BIÊN PHỦ

Bộ tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam nghiên cứu kế hoạch tác chiến.

Đoàn dân công xe thồ phục vụ tiền tuyến.

Từ khi địch nhảy dù chiếm đóng Điện Biên Phủ cho đến lúc quân ta tiến công tiêu diệt Điện Biên Phủ, thời gian gần 4 tháng. Trong thời gian đó, địch đã ra sức tăng thêm binh lực, đào thêm hào chiến đấu và hào giao thông, tăng cường công sự, củng cố hệ thống phòng ngự của chúng.

Trong thượng tuần tháng 12/1953, sau khi Na-va đã hạ quyết tâm biến Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh thì quân địch đã đề ra một kế hoạch phòng thủ gồm bốn bước:

Bước thứ nhất: Làm chậm bước tiến của quân ta bằng cách dùng không quân oanh tạc các đường chuyển quân của ta, các đường giao thông chính từ Yên Bái và Thanh Hoá đi Tây Bắc.
Bước thứ hai: Tiến hành oanh tạc dữ dội để đánh bật quân ta ra khỏi Lai Châu.
Bước thứ ba: Chặn các cuộc tiến công của ta vào Điện Biên Phủ, gây cho ta những thiệt hại nặng.
Bước thứ tư: Khuếch trương chiến quả, mở rộng vùng chiếm đóng của chúng.

Vào cuối tháng 11/1953, quân địch dự định mở một cuộc hành binh đánh vào vùng Thái Nguyên-Chợ Chu để phá hủy kho tàng và thu hút chủ lực của ta. Sau khi cân nhắc lợi hại, chúng nhận thấy không đủ khả năng để thực hiện kế hoạch đó, một mặt vì thiếu binh lực, mặt khác vì sợ vấp phải thất bại như trong cuộc đánh ra Phú Thọ-Đoan Hùng năm trước.

Chúng bèn tăng cường các cuộc ném bom và bắn phá các đường hành quân tiếp tế của ta, có khi suốt cả ban ngày và ban đêm, mong đánh vào một nhược điểm quan trọng của ta là việc chi viện cung cấp cho tiền tuyến, để phá kế hoạch tiến công của ta.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp quan sát trận địa lần cuối cùng trước khi nổ súng.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp quan sát trận địa lần cuối cùng trước khi nổ súng.

Đẩy mạnh công tác chuẩn bị: mở đường kéo pháo; xây dựng trận địa cho pháo binh và bộ binh; chuẩn bị về cung cấp tiếp tế; chuẩn bị lực lượng bộ đội về mọi mặt; theo dõi tình hình địch.

Chính trong điều kiện quân địch đã chuẩn bị đề phòng và dùng mọi thủ đoạn để đối phó, chúng ta đã tiến hành một công cuộc chuẩn bị hết sức to lớn để thực hiện quyết tâm của Trung ương là mở cuộc đại tiến công tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Theo chỉ thị của Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn quân và toàn dân ta đã tập trung lực lượng, cố gắng đến tột bậc để giành thắng lợi lớn cho các cuộc tiến công Đông Xuân của ta mà điểm trung tâm là mặt trận Điện Biên Phủ.

Trên chiến trường cả nước, quân ta đã mở nhiều cuộc tiến công thắng lợi, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, buộc địch phải phân tán lực lượng cơ động khắp nơi, giải phóng nhiều địa phương quan trọng, trong đó có các khu vực chung quanh Điện Biên Phủ, làm cho Điện Biên Phủ ở vào tình trạng hoàn toàn cô lập, đồng thời giảm bớt trong một chừng mực nào khả năng tăng viện của địch lên chiến trường Điện Biên Phủ.

Bộ tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam nghiên cứu kế hoạch tác chiến.

Bộ tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam nghiên cứu kế hoạch tác chiến.

Tại mặt trận Điện Biên Phủ, chúng ta đã xúc tiến mạnh mẽ công tác chuẩn bị về mọi mặt cho chiến dịch to lớn sắp tới.

a) Khi địch mới nhảy dù đánh chiếm Điện Biên Phủ thì Điện Biên Phủ là một vị trí ở cách xa hậu phương của ta, chỉ nối liền với đường số 41 bằng một con đường ngựa dài gần 100km. Đó là con đường Tuần Giáo-Điện Biên Phủ, đã lâu địch và ta đều ít dùng đến. Con đường đi qua những đồi núi liên tiếp trên những độ dốc khá cao, bị cắt đứt bởi gần 100 con suối lớn nhỏ.

Muốn sử dụng chủ lực, nhất là pháo binh, mở cuộc tiến công vào Điện Biên Phủ, thì vấn đề đặt ra trước tiên là phải gấp rút mở con đường Tuần Giáo-Điện Biên Phủ để xe hơi có thể chạy được. Quân và dân ta đã khắc phục những khó khăn rất lớn, mở được đường, bắc được hàng chục chiếc cầu qua suối trong một thời gian tương đối ngắn. Về sau, cho đến khi chiến dịch kết thúc, các đơn vị công binh đã làm tròn nhiệm vụ giữ vững con đường được tốt, mặc dầu địch càng ngày càng tăng cường phá hoại, mưa to và nước lũ gây thêm cho ta rất nhiều khó khăn.

b) Quân ta đã mở đường và kéo pháo vào trận địa. Lúc đầu, khi ta tranh thủ điều kiện địch còn sơ hở để đánh nhanh giải quyết nhanh, pháo binh của ta đã được di chuyển bằng xe hơi đến vùng phụ cận Điện Biên Phủ, rồi từ đó cho đến trận địa dã chiến, bộ đội ta đã từng dùng sức người để kéo pháo trong suốt bảy ngày đêm liền.

Trong điều kiện đánh phá ác liệt của máy bay và pháo binh địch, việc dùng sức người kéo những khẩu pháo 105mm và pháo cao xạ 37mm vượt đèo cao, suối sâu trong gần 10 ngày đêm liền trên đoạn đường dài 15km rừng núi, là một thử thách rất lớn đối với chúng ta trong lần đầu đưa pháo lớn ra trận. Với quyết tâm cao và kế hoạch tổ chức ngày càng hoàn chỉnh, hàng ngàn chiến sĩ bộ binh và pháo binh đã vượt qua mọi khó khăn, lập kỳ công bí mật đưa được pháo vào trận địa.

Hò dô ta nào! Kéo pháo ta vượt qua đèo

Hò dô ta nào! Kéo pháo ta vượt qua đèo

Đến khi phương châm đánh chắc tiến chắc được xác định, để tăng cường việc chuẩn bị, bộ đội ta lại kiên quyết kéo pháo ra. Trong hai mươi ngày đêm liên tục kéo pháo đầy gian khổ hy sinh, cán bộ và chiến sĩ ta đã nghiêm túc chấp hành mệnh lệnh dũng cảm vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Tiếp đó, chúng ta đã mở 5 con đường mới để có thể vận chuyển pháo binh bằng xe hơi, tạo điều kiện sử dụng pháo binh một cách cơ động hơn. Đây là những con đường được mở qua các sườn núi và ngọn đèo ở chung quanh Điện Biên Phủ, trong tầm hỏa lực pháo binh của địch, qua những nơi từ trước đến nay chưa bao giờ có một vết đường con nào cả. Bộ đội ta đã bạt núi xẻ đồi, hoàn thành được nhiệm vụ mở đường cho pháo binh trong thời gian quy định. Những con đường ấy đã được bảo quản tốt và giữ được bí mật nhờ ngụy trang kín đáo mãi cho đến lúc chiến dịch kết thúc.

Để chuẩn bị mở cuộc tiến công vào Điện Biên Phủ, pháo binh của ta lại được di chuyển qua các con đường mới đó và trên những đoạn đường quá hiểm trở xe hơi không thể đi qua thì pháo lại được kéo vào trận địa bằng sức người. Việc mở đường cho pháo binh và kéo pháo vào trận địa là một cuộc chiến đấu gian khổ và anh dũng của các đơn vị bộ đội pháo binh và bộ binh, tiêu biểu cho tinh thần chiến đấu và lao động của một quân đội cách mạng. Trong khi làm đường và kéo pháo, cán bộ và chiến sĩ ta đã tỏ ra hết sức dũng cảm và cần cù, không ngại pháo binh và không quân của địch, tích cực lao động, ra sức phát huy sáng kiến tăng năng suất lao động, rút ngắn thời gian hoàn thành nhiệm vụ trong những trường hợp khó khăn gian nguy, đã từng có những đồng chí hy sinh thân mình để bảo vệ pháo.

Kết quả là trái với dự đoán của địch cho rằng ta không có cách nào chuyển pháo binh đến gần tập đoàn cứ điểm của chúng, bộ đội ta đã chuyển hàng trăm tấn pháo và đạn dược, vượt qua hàng chục dốc cao vực thẳm, đưa được pháo vào trận địa.

c) Quân ta đã tổ chức những trận địa pháo binh hết sức kiên cố. Để phát huy sức mạnh hỏa lực, bảo đảm an toàn cho pháo binh ta trong một thời gian hoạt động khá dài, chúng ta đã xây dựng những trận địa đủ sức chịu đựng trong pháo 105 và 155mm của địch ở những vị trí hoàn toàn bất ngờ đối với chúng. Các trận địa này được xây dựng vào sườn núi, sườn đồi lại được ngụy trang rất kín đáo, nên máy bay trinh sát của địch khó phát hiện, và lại có đủ khả năng chịu đựng được mọi sự oanh tạc, bắn phá của địch. Ngoài những trận địa thật, chúng ta lại tổ chức những trận địa nghi binh để làm lạc hướng quân địch, phân tán hỏa lực và tiêu hao bom đạn của chúng.

Quân địch đã coi thường pháo binh của ta, không những cho rằng pháo binh của ta lực lượng còn yếu mà lại không có cách gì vận chuyển đến những địa điểm ở gần chúng. Chúng tin rằng nếu quân ta di chuyển được pháo binh vào những trận địa có thể uy hiếp chúng thì chúng hoàn toàn có khả năng sử dụng các phương tiện quan sát hiện đại để tức khắc phát hiện các căn cứ hỏa lực của ta và hoàn toàn có khả năng dùng pháo binh hoặc không quân của chúng để bắn trả hoặc oanh tạc, tiêu diệt pháo binh ta. Nhưng, trái với dự tính của chúng, do sự chuẩn bị đầy đủ của ta, từ khi ta nổ súng tiến công cho đến suốt quá trình chiến dịch, pháo binh nhỏ bé của ta không những không bị tiêu diệt mà ngược lại còn phát huy tác dụng rất lớn, làm cho quân địch phải khiếp sợ.

Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị xung kích, các chiến sĩ cao xạ pháo đang đánh trả quyết liệt máy bay địch ở Điện Biên Phủ

Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị xung kích, các chiến sĩ cao xạ pháo đang đánh trả quyết liệt máy bay địch ở Điện Biên Phủ

d) Quân ta đã xây dựng những Sở Chỉ huy kiên cố, những trận địa cần thiết để chuẩn bị cho bộ binh xuất kích và tiếp cận. Các trận địa đó về sau được phát triển thành cả một hệ thống trận địa tiến công và bao vây rộng lớn, đã có tác dụng quan trọng trong việc giải quyết cho bộ đội ta vấn đề tiếp cận và chiến đấu liên tục suốt ngày đêm trên một địa hình bằng phẳng, đối với một kẻ địch có hỏa lực không quân và pháo binh mạnh.

Trong điều kiện chiến dịch kéo dài, tác chiến với một quân địch khá mạnh, chúng ta đã đặt thành một nhiệm vụ quan trọng vấn đề bảo đảm an toàn và sự liên tục trong chỉ huy và công tác cho các cơ quan chỉ huy, các đơn vị chủ lực. Để đạt mục đích đó, bộ đội ta đã xây dựng những Sở Chỉ huy hết sức kiên cố cho các Bộ tư lệnh đại đoàn, phần lớn nằm sâu trong các sườn núi và có thể chịu đựng được những trận bắn phá của pháo binh và không quân địch.

Trong đợt đầu, nhiệm vụ tác chiến của bộ đội ta là tiêu diệt một số cứ điểm vòng ngoài của địch. Bản thân các cứ điểm này là những trung tâm đề kháng khá mạnh được che chở bằng những hệ thống trận địa và công sự phụ rất phức tạp, bằng những lưới hỏa lực bắn thẳng, bắn chéo quét các sườn đồi và một lưới hoả lực cầu vồng bắn chặn tất cả những nẻo đường quân ta có thể dùng để xuất kích; hơn nữa các vị trí này lại được các căn cứ hỏa lực ở phân khu trung tâm và phân khu nam yểm hộ với một kế hoạch hỏa lực đã chuẩn bị sẵn. Đó là chưa nói đến hoạt động của không quân chiến đấu của địch. Trong điều kiện như vậy, để bảo đảm cho cuộc tác chiến sắp tới thu được thắng lợi, quân ta đã ra sức đào công sự, xây dựng trận địa xuất phát tiến công, từ đó các đơn vị ẩn nấp xuất kích, đào cả một hệ thống hào giao thông dài gần trăm kilômét để bộ đội có thể lợi dụng tiếp cận quân địch, chuẩn bị kỹ lưỡng trận địa xuất phát xung phong để từ đó quân ta tiến công vào vị trí của quân địch. Việc chuẩn bị kỹ lưỡng cả một hệ thống trận địa đó cho bộ binh đã làm giảm tác dụng của hoả lực địch và bảo đảm cho quân ta chiến đấu thắng lợi.

e) Chúng ta đã chuẩn bị tốt về mặt cung cấp tiếp tế. Nhu cầu của chiến dịch về lương thực, đạn dược, thuốc men rất lớn. Nhân dân ta đã hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh "Tất cả cho mặt trận, tất cả để chiến thắng", đã dồn sức người sức của để chi viện mặt trận Điện Biên Phủ; nhân dân ở vùng tự do, ở vùng mới giải phóng Tây Bắc, cũng như ở vùng sau lưng địch, đều hăng hái tham gia phục vụ tiền tuyến. Chúng ta đã tổ chức những tuyến cung cấp dài hàng mấy trăm kilômét từ Thanh Hoá hay Phú Thọ lên đến Tây Bắc, đi qua những quãng đường hiểm trở và ngày đêm bị địch oanh tạc phá hoại, tìm mọi cách cản trở sự vận chuyển của ta.

Có thể nói trong cả chín năm xâm lược Đông Dương, đây là thời kỳ địch dùng không quân đánh phá ác liệt nhất các tuyến đường vận chuyển của ta từ hậu phương ra tiền tuyến.

Cuộc chiến đấu bảo vệ giao thông vận tải diễn ra khẩn trương, quyết liệt ngay từ những ngày đầu chuẩn bị cho đến khi kết thúc chiến dịch.

Các chiến sĩ công binh và thanh niên xung phong miền xuôi và miền ngược đã anh dũng làm đường, sửa đường, phá bom chờ nổ. Địch phá đường, ta làm lại. Các chiến sĩ ta đã thi gan với quân giặc và nêu cao tinh thần quyết tâm mở đường thắng lợi. Ngay ở những quãng đường vô cùng hiểm nghèo không ngày đêm nào là không quân địch không oanh tạc bắn phá, đường vận chuyển của ta chỉ bị đình trệ ít nhiều và nói chung vẫn được bảo đảm. Hàng chục vạn anh em dân công nam, nữ đã không quản khó khăn, gian nguy, hăng hái phục vụ tiền tuyến, tính đến trên ba triệu ngày công.

Hội đồng Cung cấp tiền phương của Chính phủ và các tổ chức hậu cần của quân đội đã huy động mọi phương tiện hiện đại và thô sơ có thể huy động được để vận chuyển lương thực, đạn dược ra mặt trận. Các đoàn xe hơi đã được sử dụng với năng suất cao nhất, đi không đèn trong suốt nhiều đêm, lợi dụng sương mù để chạy ban ngày, vượt đèo cao đường khó, vượt qua cả những nơi địch ném bom chờ nổ. Hàng vạn xe đạp thồ và xe đẩy thô sơ, hàng nghìn thuyền mảng, hàng đoàn lừa, ngựa đã được huy động để vận chuyển lương thực, đạn dược qua đường lớn, đường nhỏ, sông sâu, suối lũ để bảo đảm nhiệm vụ chi viện cho tiền tuyến.

Đoàn dân công xe thồ phục vụ tiền tuyến.

Đoàn dân công xe thồ phục vụ tiền tuyến.

Nhân dân ta đã lập được một kỳ công hoàn toàn ngoài sự ước lượng của địch. Chúng ta đã bảo đảm cung cấp tiếp tế cho một lực lượng bộ đội lớn, tác chiến trên một mặt trận rất xa hậu phương, trong một thời gian dài, một việc mà quân địch cho là chúng ta không thể nào làm được.

Trong lúc tiến hành những công tác chuẩn bị nói trên, chúng ta lại cần theo dõi tình hình địch ở Điện Biên Phủ và trên chiến trường cả nước. Tại mặt trận Điện Biên Phủ, địch đã tăng cường củng cố trận địa phòng ngự đến một mức độ khá cao, vì vậy cần phải đi sâu nắm vững đặc điểm cụ thể của địch, phân tích cụ thể những chỗ mạnh và chỗ yếu của chúng, đặc biệt là đối với vị trí Him Lam và các vị trí phân khu bắc là những mục tiêu tiến công của quân ta trong đợt thứ nhất.

Công tác thông tin liên lạc được đặt ra theo yêu cầu của một chiến dịch quy mô lớn và có ý nghĩa chiến lược quyết định.

Chúng ta đã làm tốt công tác phòng gian giữ bí mật, ngụy trang và nghi binh nhằm làm lạc hướng phán đoán của địch, bảo vệ lực lượng của ta, bảo đảm bất ngờ cho chiến dịch. Trong suốt thời gian chuẩn bị, bộ đội và dân công ta đã phải đảm nhiệm những công tác nặng nề như mở đường Tuần Giáo-Điện Biên, mở đường cho pháo binh, xây dựng trận địa pháo, vận chuyển và kéo pháo vào vị trí, xây dựng trận địa cho bộ binh. 

Trong tâm hỏa lực pháo binh của địch, dưới sự quan sát thường xuyên của máy bay trinh sát của chúng, một công trường khổng lồ đã xuất hiện trong vùng phụ cận Điện Biên Phủ. Để tránh mọi tiêu hao không cần thiết, bộ đội và dân công ta đã hoạt động ban đêm ở những nơi trống trải, về sau để tranh thủ thời gian, đã lợi dụng sương mù hoặc dựng lên những giàn ngụy trang dài hàng kilômét để tiến hành công việc cả ban ngày. 

Phải nói rằng trong cả tháng 12/1953 và tháng 1/1954, pháo binh và không quân địch hoạt động rất ráo riết. Bước sang tháng 2/1954, chính trong lúc công tác chuẩn bị của ta được đẩy mạnh rất khẩn trương thì cũng là lúc địch cho rằng có lẽ ta đã bỏ ý định tiến công Điện Biên Phủ nên máy bay oanh tạc của chúng bị thu hút một phần đi các chiến trường khác, nhất là về phía lưu vực sông Nậm Hu và Luông Prabăng, ở đó Quân giải phóng Pathét Lào và bộ đội tình nguyện của ta đang mở cuộc tiến công thắng lợi.

Quân địch cũng đã nhiều lần dùng lực lượng cơ động của chúng ở Điện Biên Phủ, có pháo binh và xe tăng yểm hộ, tiến hành những cuộc hành binh trinh sát, đi sâu vào các vùng phụ cận. Chúng ta đã cho một số đơn vị nhỏ lợi dụng những địa hình tốt, lợi dụng công sự kiên cố để đánh lui các cuộc hành binh đó, bảo vệ và giữ bí mật cho công tác chuẩn bị của ta. Các đơn vị này mặc dầu phải đơn độc chiến đấu với một quân địch mạnh gấp mấy lần nhưng đã làm tròn nhiệm vụ một cách rất anh dũng. 

Ngày 31/1/1954, một trung đội chiếm giữ trận địa ở phía bắc Điện Biên Phủ đã đánh lui bảy đợt xung phong của hai tiểu đoàn địch. Ngày 12/2/1954, một tổ 5 trinh sát viên đã đánh lui một tiểu đoàn địch. Ngày 15/2/1954, một trung đội của ta lại đánh lui 12 đợt xung phong của ba tiểu đoàn địch. Các đơn vị sơn pháo của ta cũng được đưa đến những vị trí cách địch chỉ 2-3km, bắt đầu uy hiếp sân bay Mường Thanh, để gây trở ngại cho việc tiếp tế của chúng.

Trong lúc phải tiến hành một khối lượng công tác to lớn nói trên thì đồng thời bộ đội ta phải chuẩn bị lực lượng cho sung sức để đi vào chiến đấu. Các đơn vị đều hết sức chú trọng việc nâng cao sức khoẻ, giữ vững số quân chiến đấu, việc cải thiện cấp dưỡng bảo đảm cho bộ đội ăn uống nghỉ ngơi, cho chiến sĩ ăn no, ăn nóng, uống nước nóng, ngủ đủ, ngủ ấm. Việc tăng cường vệ sinh phòng bệnh được các tổ chức quân y các cấp quan tâm rất nhiều. Mặt khác, chúng ta đã dành một phần thời gian để tiếp tục huấn luyện về chiến thuật và kỹ thuật cho cán bộ và chiến sĩ, nhất là về vấn đề xây dựng trận địa, về vấn đề tác chiến hiệp đồng giữa bộ binh và pháo binh, về vấn đề đánh tập đoàn cứ điểm.

Từ khi Trung ương hạ quyết tâm tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ, từ khi phương châm đánh chắc tiến chắc được xác định, kế hoạch tác chiến cụ thể, nhất là kế hoạch chuẩn bị, đã được đề ra, công tác chính trị, đã phát huy tác dụng to lớn của mình. Dựa vào chi bộ làm nòng cốt, công tác chính trị đã tiến hành giáo dục chính trị và lãnh đạo tư tưởng một cách hết sức sâu rộng, làm cho mỗi cán bộ và chiến sĩ đều thấm nhuần ý nghĩa to lớn của Chiến dịch Điện Biên Phủ, làm cho ai nấy đều nhận rõ thắng lợi của chiến dịch, cũng như thắng lợi của mọi sự nghiệp cách mạng, chỉ có thể giành được bằng chiến đấu anh dũng, hy sinh gian khổ; làm cho ai nấy đều nhận rõ, muốn giành thắng lợi lớn, tất nhiên phải cố gắng lớn, do đó đã rèn luyện cho bộ đội có một tinh thần quyết chiến quyết thắng rất cao. 

Đối với phương châm đánh chắc tiến chắc của chiến dịch, không phải lúc đầu toàn thể cán bộ và chiến sĩ đều thông suốt. Công tác chính trị đã ra sức quán triệt phương châm, khắc phục mọi tư tưởng sợ mỏi mệt, sợ tiêu hao, xây dựng và giữ vững quyết tâm chiến đấu lâu dài và liên tục. 

Bộ tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam nghiên cứu kế hoạch tác chiến

Bộ tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam nghiên cứu kế hoạch tác chiến

Trong thời kỳ chuẩn bị, công tác chính trị cũng đã giáo dục ý nghĩa quan trọng của công cuộc chuẩn bị đối với thắng lợi của chiến dịch, do đó đã nâng cao ý chí chiến đấu và tinh thần dũng cảm lao động của cán bộ và chiến sĩ, đổ nhiều mồ hôi hơn để sau này tiết kiệm xương máu của đồng đội, vượt mọi khó khăn trở lực, làm cho tốt công việc chuẩn bị. 

Công tác chính trị đã biết kết hợp việc giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng với yêu cầu cụ thể của nhiệm vụ mà động viên và chỉ rõ phương hướng cụ thể để toàn thể cán bộ và chiến sĩ ta cố gắng tiến lên. Nhiều khẩu hiệu thiết thực đã được đề ra như: "Tích cực làm đường sá cho pháo binh là tích cực tranh thủ thắng lợi"; "Tích cực làm trận địa kiên cố là tích cực tranh thủ thắng lợi"; "Bảo đảm đường sá thông suốt là tích cực tranh thủ thắng lợi"; hay là "Thêm một người làm đường tức là tăng thêm điều kiện để chiến thắng quân địch"; "Xây dựng công sự dày thêm một phân tức là tạo thêm điều kiện để chiến thắng quân địch".

Vào trung tuần tháng 3/1954, công tác chuẩn bị về mọi mặt đã được hoàn thành và kiểm tra kỹ lưỡng.

Ngày 13/3/1954, quân ta được lệnh mở cuộc đại tiến công vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Nguồn: Sách "Điện Biên Phủ", Đại tướng Võ Nguyên Giáp, NXB Chính trị quốc gia, năm 2004, tr. 192-204
Ảnh: TTXVN
Trình bày: HÙNG HIẾU