ĐỂ BÁO CÁO CHÍNH TRỊ LÀ VĂN KIỆN TRUNG TÂM CỦA ĐẠI HỘI

Hiện nay, các cấp ủy đang dự thảo văn kiện đại hội nhiệm kỳ khóa 2025-2030, đọc các bài viết của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về Đại hội XIII, thấy vẫn nguyên giá trị, nhất là đối với xây dựng báo cáo chính trị. Đồng chí lưu ý: “Việc xây dựng báo cáo chính trị - văn kiện trung tâm của mỗi đại hội, phải thể hiện một cách tập trung nhất tầm nhìn, bản lĩnh, trí tuệ, ý chí và sức mạnh đoàn kết của cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên và các tầng lớp nhân dân”.

Chỉ thị số 35, ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị về đại hội nêu rõ: Báo cáo chính trị của đảng bộ là báo cáo trung tâm, có vai trò định hướng cho các văn kiện khác; phải đánh giá toàn diện, khách quan, trung thực tình hình, kết quả đạt được, ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; đồng thời tiếp thu những quan điểm chỉ đạo, chủ trương, định hướng lớn trong các dự thảo văn kiện Đại hội XIV của Đảng, của cấp trên, dự báo được tình hình để đề ra phương hướng, mục  tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp có tính khả thi cao cho nhiệm kỳ 2025-2030, chú ý các nhiệm vụ, giải pháp đột phá với tầm nhìn dài hạn.

Thực tế những nhiệm kỳ vừa qua cho thấy, việc dự thảo báo cáo chính trị luôn được các cấp ủy quan tâm đầu tư và cơ bản bảo đảm các yêu cầu đề ra. Tuy nhiên, báo cáo chính trị của một số cấp ủy, chủ yếu là ở cơ sở chưa xứng tầm một văn kiện của Đại hội Đảng. Hạn chế chủ yếu là còn nặng về miêu tả dàn trải, báo cáo thành tích là chính mà thiếu tính tổng kết thực tiễn một cách sâu sắc; khi đánh giá về mặt hạn chế, yếu kém còn chung chung, chưa chỉ ra được nguyên nhân và trách nhiệm của các cấp ủy viên, người chịu trách nhiệm trực tiếp. Khi dự báo tình hình, đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp cũng còn hình thức, chưa sát với thực tiễn và tính khả thi không cao,vv… Những hạn chế ấy ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đại hội.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các đại biểu dự Hội nghị toàn quốc sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các đại biểu dự Hội nghị toàn quốc sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Ảnh: TTXVN

Chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nhiều bài viết chỉ đạo quan trọng về công tác chuẩn bị văn kiện, công tác nhân sự và chuẩn bị, tiến hành thật tốt Đại hội XIII, đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới mang tầm tư duy vượt trội. Đọc bài Chuẩn bị và tổ chức thật tốt đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (in trong cuốn Tầm nhìn chiến lược và ý chí vươn lên của dân tộc do Báo Nhân Dân với hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phát hành năm 2020) cùng với các văn kiện chỉ đạo của Trung ương, những bài viết, phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm gần đây, các cấp ủy sẽ được định hướng đầy đủ, toàn diện, sâu sắc hơn để xây dựng báo cáo chính trị có chất lượng tốt nhất.

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, báo cáo chính trị của đại hội là sự kết tinh trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm, sự sáng tạo, tầm nhìn, khát vọng của đảng bộ và định hướng phát triển của địa phương, cơ quan, đơn vị. Đồng chí nhấn mạnh: “Báo cáo phải gắn kết nhuần nhuyễn lý luận với thực tiễn, kết hợp chặt chẽ giữa kế thừa và đổi mới; tập trung đánh giá khách quan, toàn diện, cụ thể trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, nhất là những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân; đánh giá sự lãnh đạo, chỉ đạo, việc đổi mới tư duy, tầm nhìn và cách thức tổ chức thực hiện của cấp ủy, tổ chức đảng” (SĐD, trang 16-17).

Báo cáo phải gắn kết nhuần nhuyễn lý luận với thực tiễn, kết hợp chặt chẽ giữa kế thừa và đổi mới; tập trung đánh giá khách quan, toàn diện, cụ thể trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, nhất là những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân; đánh giá sự lãnh đạo, chỉ đạo, việc đổi mới tư duy, tầm nhìn và cách thức tổ chức thực hiện của cấp ủy, tổ chức đảng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Báo cáo chính trị là tổng kết toàn diện các mặt công tác dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng trong nhiệm 5 năm, nhưng cần nhìn sâu hơn về những năm trước đó, mới thấy chiều sâu, cái gốc và tính lịch sử của một vấn đề. Cũng như vậy, khi đề ra phương hướng nhiệm vụ không chỉ trong năm năm tới mà cần có tầm nhìn xa hơn trong 10 năm và đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm Nhà nước ta ra đời, khắc phục bệnh tư duy nhiệm kỳ. Vì thế, các cấp ủy cần có cách nhìn toàn diện, khoa học, đặc biệt là phải đánh đúng thực trạng, cả việc làm được, việc đang làm và việc chưa làm được. Trên cơ sở đó mới định hướng cho nhiệm kỳ tới những nhiệm vụ có tính khả thi cao.

Các cấp ủy cần có cách nhìn toàn diện, khoa học, đặc biệt là phải đánh đúng thực trạng, cả việc làm được, việc đang làm và việc chưa làm được. Trên cơ sở đó mới định hướng cho nhiệm kỳ tới những nhiệm vụ có tính khả thi cao.

Theo cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Đánh giá đúng bao giờ cũng là một việc khó, đòi hỏi phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, phương pháp khoa học, thái độ nghiêm túc, chân thành, trung thực của từng cấp ủy đại hội, tổ chức đảng và người đứng đầu” (SĐD, trang 17).

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Đại hội XIII của Đảng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Đại hội XIII của Đảng.

Đánh giá đúng kết quả đạt được không hoàn toàn là báo cáo thành tích mà cái chính là tổng kết thực tiễn, những mô hình mới, cách làm hay, rút ra những bài học có giá trị, khích lệ tinh thần vươn lên, khuyến khích tìm tòi, đổi mới, sáng tạo của toàn đảng bộ trong nhiệm kỳ tới. Muốn đánh giá đúng hạn chế, yếu kém phải nhìn thẳng vào sự thật, mạnh dạn nói đúng sự thật, chỉ rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, không chỉ là nghiêm túc tự phê bình và phê bình mà quan trọng hơn là rút ra được bài học kinh nghiệm để có giải pháp khắc phục hiệu quả nhất.

Đánh giá đúng bao giờ cũng là một việc khó, đòi hỏi phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, phương pháp khoa học, thái độ nghiêm túc, chân thành, trung thực của từng cấp ủy đại hội, tổ chức đảng và người đứng đầu.
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng -

Trong nhiệm kỳ vừa qua, các đảng bộ đã chủ động lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị nhìn chung hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra, vượt qua nhiều khó khăn, đặc biệt là thành công trong phòng, chống đại dịch Covid-19. Điều đó cho thấy, càng khó khăn thì tinh thần đoàn kết, thống nhất trong Đảng, trong nhân dân và toàn xã hội càng được phát huy cao độ.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các đại biểu và cử tri đơn vị bầu cử số 1, TP Hà Nội. Ảnh: Đăng Khoa

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các đại biểu và cử tri đơn vị bầu cử số 1, TP Hà Nội. Ảnh: Đăng Khoa

Mặt khác, cũng trong nhiệm kỳ qua, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực  tiếp tục được đẩy mạnh và quyết liệt, nhiều vụ án tham nhũng, vụ việc phức tạp gây bức xúc dư luận lần lượt được đưa ra xét xử, xử lý; nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao buộc phải thôi việc, thậm chí vướng vào lao lý, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Song đáng tiếc, vấn nạn này dường như chưa giảm, có nơi còn diễn biến phức tạp hơn.

Đối với các nội dung nêu trên, cả thành tích cũng như hạn chế, yếu kém, cần được tổng kết thấu đáo, mô hình hay thì khích lệ tinh thần cho nhiệm kỳ tới, vấn đề đặt ra thì phải có kế hoạch cách khắc phục. Nội dung, tư tưởng chỉ đạo trong các bài viết của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn là tài liệu quý có tính định hướng, gợi mở, là một trong những cơ sở để các cấp ủy chuẩn bị và tổ chức đại hội thành công.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp mặt cán bộ Mặt trận Tổ quốc tiêu biểu toàn quốc năm 2022. Ảnh: ĐĂNG KHOA

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp mặt cán bộ Mặt trận Tổ quốc tiêu biểu toàn quốc năm 2022. Ảnh: ĐĂNG KHOA

Ngày xuất bản: 12/11/2024
Nội dung: BẮC VĂN
Ảnh: ĐĂNG KHOA
Trình bày: BẢO MINH