
Để Hà Tĩnh phát triển bứt phá, trở thành tỉnh khá của cả nước

Từ một tỉnh thuần nông, Hà Tĩnh đang dần chuyển mình theo hướng phát triển công nghiệp với các khu kinh tế, khu công nghiệp gắn với hệ thống cảng biển nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương.
Tuy vậy, sự phát triển này chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và sự kỳ vọng. Hà Tĩnh cần một khu kinh tế tự do gắn với hệ thống cảng biển nước sâu và hệ thống giao thông kết nối để tạo bước đột phá về kinh tế, sớm trở thành tỉnh khá, góp phần vào sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới.


Từ vùng “chảo lửa, túi mưa”
thành trung tâm công nghiệp, cảng biển quốc tế
Nền tảng phát triển
Tháng 9/1991, sau khi tái lập tỉnh, các thế hệ lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đều đau đáu nỗi niềm, từ một tỉnh thuần nông, làm sao tạo bước đột phá về công nghiệp, dịch vụ thương mại để sớm đưa Hà Tĩnh trở thành một trong những trung tâm công nghiệp của miền Trung.
Quyết tâm chính trị này đã được thể hiện qua các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh và được khẳng định rõ tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 16, nhiệm kỳ 2005 - 2010, với mục tiêu tổng quát: “… tập trung mọi nguồn lực tạo bước đột phá về công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; đồng thời, hết sức coi trọng phát triển nông nghiệp, nông thôn toàn diện, phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa… Phấn đấu đưa Hà Tĩnh từ một tỉnh nông nghiệp sớm trở thành tỉnh có công nghiệp - dịch vụ phát triển, tạo nền tảng để đến năm 2015, Hà Tĩnh trở thành một trong những trung tâm công nghiệp của miền Trung".

Sau nhiều năm kiên trì thực hiện mục tiêu Nghị quyết, nhiều công trình, dự án trọng điểm như: dự án FDI gang thép của Tập đoàn Formosa (Đài Loan, Trung Quốc) với công suất “khủng” 7,5 triệu tấn/năm (giai đoạn 1), Cảng Vũng Áng, Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 công suất 1.200 MW, Nhà máy BOT Nhiệt điện Vũng Áng có vốn đầu tư 2,2 tỷ USD; dự án sản xuất ô-tô điện 7.300 tỷ đồng; dự án Khu Công nghiệp Vinhomer Vũng Áng hơn 13 nghìn đồng; Dự án VSIP Bắc Thạch Hà 1.555 tỷ đồng; Nhà máy sản xuất và thương mại pin Lithium 275 triệu USD; nhà máy sản xuất pin VINES 3.784 tỷ đồng, công trình thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang... lần lượt ra đời và đi vào hoạt động, góp phần tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế công nghiệp, dịch vụ cảng biển nước sâu cho tỉnh, cũng như vùng Bắc Trung bộ và nước bạn Lào.
Hà Tĩnh đã và đang trở thành một trong những trung tâm của khu vực và miền trung về năng lượng, luyện kim, cảng biển, chế tạo pin và lắp ráp ô-tô...



Lợi thế chiến lược
Là một tỉnh có bờ biển dài gần 140 km với nhiều vịnh có độ sâu 15 - 20 mét, tỉnh Hà Tĩnh sớm xác định phát triển hệ thống cảng nước sâu, mà điển hình là khu vực Vũng Áng - Sơn Dương là vấn đề cốt lõi, là "thỏi nam châm” thu hút nguồn lực phát triển kinh tế địa phương.
Từ nguồn vốn “mồi” ban đầu của Chính phủ đầu tư xây dựng bến số 1 và 2 cảng nước sâu Vũng Áng với tổng chiều dài hơn 450 mét, đến nay, Hà Tĩnh đã thu hút hàng tỷ USD để đầu tư hệ thống cảng biển nước sâu cùng kè chắn sóng tại Vũng Áng và Sơn Dương với hàng chục bến cảng có chiều dài hơn sáu km cầu cảng cùng hệ thống xếp dỡ hiện đại.
Hệ thống cảng biển này đón tàu hàng tổng hợp và chuyên dùng từ 50 nghìn đến 250 nghìn tấn vào làm hàng.
Ngoài ra, tại đây còn hệ thống cảng chuyên dùng về khí hóa lỏng, than nhiệt điện…
Hệ thống cảng biển nước sâu quốc tế Vũng Áng - Sơn Dương đã trở thành địa chỉ quen thuộc của hãng tàu lớn và điểm sáng trên bản đồ cảng biển thế giới, khi mỗi năm xếp dỡ hàng chục triệu tấn hàng hóa và hàng vạn container…
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, nhà nước Việt Nam và Lào dự lễ khánh thành cầu cảng số 3 (Cảng quốc tế Lào - Việt).
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, nhà nước Việt Nam và Lào dự lễ khánh thành cầu cảng số 3 (Cảng quốc tế Lào - Việt).
Với tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt giữa hai dân tộc Việt - Lào, các bến cảng số 1, 2 và 3 (cảng Vũng Áng) đã được bàn giao cho nước bạn Lào khai thác, sử dụng thông qua Công ty Cảng quốc tế Lào - Việt.
Nhờ có các bến cảng này, nước bạn Lào từ không chỗ có biển trở thành đất nước có cảng biển, giúp nước bạn có cửa ngõ để thông thương hàng hóa xuất, nhập khẩu, tạo sự phát triển và hội nhập cho bạn.
Nhờ lợi thế hệ thống cảng biển nước sâu quốc tế cùng hệ thống giao thông kết nối liên hoàn, Hà Tĩnh đã tập trung ưu tiên phát triển Khu Kinh tế Hà Tĩnh (gồm Khu Kinh tế Vũng Áng và Khu Kinh tế Cầu Treo) và bảy khu công nghiệp liên quan. Trong giai đoạn từ 2021 đến 2024, các khu kinh tế, khu công nghiệp đã thu hút mới 30 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư hơn 3,77 tỷ USD; trong đó bốn dự án FDI với vốn đầu tư đăng ký hơn 2,5 tỷ USD.
Tuy là tỉnh nghèo khó, nhưng với quyết tâm chính trị cao độ, Hà Tĩnh đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó lấy người dân làm trung tâm thực hiện một cách bài bản, kiên trì nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên, các giá trị văn hóa truyền thống được dìn giữ, bảo tồn.
Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên, các giá trị văn hóa truyền thống được dìn giữ, bảo tồn.
Nhờ đó, đến nay, các địa phương ở Hà Tĩnh đã hoàn thành, được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng, nhiều làng quê trù phú, “vùng quê đáng sống” hiện hữu ngay trên vùng “chảo lửa, túi mưa”.


Sớm phát triển
mô hình Khu kinh tế tự do
Tầm nhìn khu kinh tế đặc biệt
Những năm qua, Hà Tĩnh đã tập trung mọi nguồn lực tạo bước đột phá về công nghiệp, về phát triển nông nghiệp, nông thôn mới… Tuy vậy, so với tiềm năng lợi thế và sự kỳ vọng của Đảng bộ, nhân dân, cũng như Trung ương, thì Hà Tĩnh vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn.
Điều dễ nhận thấy là sau những dự án trọng điểm, chiến lược như gang thép Fomosa, Nhiệt điện, sản xuất pin - lắp ráp ô tô…, việc thu hút các dự án lớn, dự án FDI của tập đoàn lớn, nhất là các dự án phát triển các ngành điện tử, bán dẫn, chíp... toàn cầu đến đầu tư còn khiêm tốn; phát triển logictics đang nằm ở dạng tiềm năng…
Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh thị sát dự án Nhà máy sản xuất ô tô điện VinFast (khu kinh tế Vũng Áng).
Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh thị sát dự án Nhà máy sản xuất ô tô điện VinFast (khu kinh tế Vũng Áng).
Theo chia sẻ của nhiều ý kiến tâm huyết, với đà này, Hà Tĩnh khó lòng tạo nên sự khác biệt trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Vì vậy, tỉnh cần mạnh dạn tạo ra sự khác biệt, cách tiếp cận mới để tạo ra không gian phát triển mới mang tầm khu vực và quốc tế
Với tiềm năng lợi thế, nhất là hệ thống cảng biển nước sâu quốc tế ở Khu Kinh tế Vũng Áng, hệ thống giao thông, kết nối đồng bộ, Hà Tĩnh hội tụ đủ các điều kiện để xây dựng Khu Thương mại tự do (TMTD) nằm trong Khu kinh tế Vũng Áng.
Việc phát triển mô hình khu TMTD không chỉ phù hợp với xu thế phát triển của thế giới, mà còn khai thác tối đa dư địa phát triển của Hà Tĩnh nhờ những ưu thế về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên đặc thù; về điều kiện kinh tế - xã hội; nguồn nhân lực… Hà Tĩnh đã định vị thương hiệu về phát triển Logistics trong khu vực, việc quảng bá cho khu TMTD Hà Tĩnh có nhiều thuận lợi, tạo sức hấp dẫn ngay trong giai đoạn đầu.

Hợp tác & Hội nhập
Hiện nay, trên thế giới đã có khoảng 6.000 đặc khu kinh tế, trong đó gần nửa số đó là các khu TMTD.
Tại Việt Nam, sau quá trình manh nha, trung ương đã dần hoàn thiện cơ sở pháp lý để xây dựng khu TMTD tại các tỉnh, thành phố, gồm: Đà Nẵng, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Đồng Nai...
Mới đây, ngày 13/6/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1142/QĐ-TTg về việc thành lập Khu TMTD Đà Nẵng, thưc hiện theo mô hình “một cửa, tại chỗ”.
Đây là quyết định mang tính lịch sử, lần đầu tiên Việt Nam có một khu TMTD được thành lập và vận hành trên cơ sở kết hợp giữa thể chế đặc biệt, hạ tầng hiện đại và tư duy phát triển đột phá theo chuẩn quốc tế.
Ngày 26/6/2025, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành Nghị quyết số 226/2025/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng; trong đó, thành lập và hoạt động của Khu TMTD thành phố Hải Phòng.
Khu TMTD này sẽ gắn với cảng Lạch Huyện, khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải và khu kinh tế phía Nam Hải Phòng.
Bên cạnh đó, tỉnh Đồng Nai đang xây dựng đề án thành lập khu TMTD gắn với sân bay Long Thành và cảng Phước An. Và Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang triển khai các bước xây dựng đề án khu TMTD...
Đối với Hà Tĩnh, tại Thông báo số 34/TB-VPQH ngày 3/1/2025 của Văn phòng Quốc hội về thông báo kết luận của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tại cuộc làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã đồng ý cho tỉnh Hà Tĩnh nghiên cứu chủ trương thành lập khu TMTD Vũng Áng gắn với cảng biển nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương.
Tiếp đó, ngày 21/1/2025, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 542/VPCP-QHĐP xung quanh việc nghiên cứu thành lập Khu TMTD Vũng Áng. Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình có ý kiến, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh lấy ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư (nay là Bộ Tài chính) và các Bộ, cơ quan liên quan về việc thành lập Khu Kinh tế TMTD Vũng Áng gắn với cảng biển nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.

Hiện, Hà Tĩnh đang cùng các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu các bước để xây dựng Đề án thành lập khu TMTD Hà Tĩnh.
Theo đó, Đề án sẽ có nhiều cơ chế chính sách đột phá, vượt trội; đồng thời, hoàn thiện bộ máy quản lý, vận hành, xây dựng hạ tầng kết nối các khu chức năng, hạ tầng sản xuất, kinh doanh và triển khai các cơ chế hấp dẫn đầu tư, thu hút lao động chất lượng cao…
Đây là nhân tố mới, tạo động lực và mở ra không gian phát triển mới để Hà Tĩnh thật sự đóng vai trò là địa phương dẫn đầu về đổi mới, trung tâm phát triển của vùng ven biển Bắc Trung Bộ, nâng vị thế tỉnh trong các điểm đến thương mại, logistist quốc tế… Khu TMTD này hứa hẹn sẽ trở thành khu vực thí điểm đổi mới cơ chế chính sách, thể chế kinh tế, môi trường kinh doanh của Việt Nam theo chuẩn mực quốc tế…
Trong ngắn hạn, đến năm 2030, triển vọng của khu TMTD Hà Tĩnh được định hình với sự gắn kết chặt chẽ cùng các cảng biển nước sâu Sơn Dương-Vũng Áng và hệ thống giao thông kết nối, đóng vai trò động lực chiến lược và đòn bẩy phát triển kinh tế khu vực.
Khu TMTD tập trung vào các lĩnh vực trọng điểm như logistics, với mục tiêu trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa hiện đại với chi phí cạnh tranh, và du lịch - thương mại - dịch vụ, khai thác tối đa lợi thế về vị trí ven biển và tiềm năng du lịch sẵn có.

Về dài hạn, tầm nhìn của Hà Tĩnh là xây dựng những lợi thế cạnh tranh vượt trội và đa dạng hóa nền kinh tế. Trong đó tập trung phát triển các ngành công nghiệp, cơ khí chính xác, lắp ráp ô tô, năng lượng, tạo nền tảng cho sự phát triển xanh và bền vững...
Trước tiềm năng phát triển đầy hứa hẹn, Khu TMTD Hà Tĩnh cần đáp ứng các tiêu chí then chốt để vươn tầm cạnh tranh quốc tế. Thông qua nghiên cứu đối chuẩn các khu TMTD hàng đầu ở Đông Nam Á, châu Á, kết hợp với phân tích từ các bảng xếp hạng Khu TMTD uy tín toàn cầu, có thể xác định một số tiêu chí quan trọng mà khu vực này cần tập trung phát triển gồm:
- Cơ sở hạ tầng toàn diện với mạng lưới kết nối giao thông, logistics hiện đại và hạ tầng bất động sản đa dạng;
- Cơ chế ưu đãi vượt trội nhằm thu hút đầu tư chiến lược với các chính sách thuế, thủ tục hành chính linh hoạt và hỗ trợ doanh nghiệp toàn diện;
- Lực lượng lao động chất lượng cao và môi trường sống hấp dẫn, bảo đảm năng suất làm việc cao đi kèm với các dịch vụ tiện ích, giáo dục, y tế và văn hóa đẳng cấp;
- Hệ sinh thái mạnh mẽ với sự góp mặt của các doanh nghiệp đa dạng về quy mô, ngành nghề, cùng các nguồn vốn đầu tư ổn định và năng động;
- Định hướng phát triển bền vững rõ ràng, tập trung vào năng lượng tái tạo, quản lý tài nguyên hiệu quả và thúc đẩy tăng trưởng xanh dài hạn…

Áp dụng theo các đối chuẩn quốc tế tương đồng thì khu TMTD Hà Tĩnh sẽ áp dụng các chính sách ưu đãi hấp dẫn, vượt trội, cạnh tranh để thu hút các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp trong nước có vị thế dẫn dắt đối với một số ngành ưu tiên, thúc đẩy các liên kết và tạo hiệu ứng lan tỏa với các hoạt động sản xuất trong nước cùng các cơ chế hợp tác để hình thành hệ sinh thái doanh nghiệp trên nền tảng quản trị hiện đại, tinh gọn phù hợp với thông lệ quốc tế.


Khát vọng bứt phá
Là khu TMTD đầu tiên được tích hợp các chức năng logistics cảng biển, đường bộ, đường sắt quốc tế Lào - Việt gắn với các hoạt động thương mại, dịch vụ, công nghiệp chế xuất và các chức năng phụ trợ khác. Phát triển theo mô hình “khu trong khu” hoạt động liên thông, một cửa, một đầu mối. Lấy thu hút phát triển bên ngoài lãnh thổ để cộng hưởng thu hút các hoạt động bên trong lãnh thổ, tạo hiệu ứng liên kết tổng hợp thúc đẩy phát triển vùng, quốc gia. Định hướng phát triển kết hợp giữa khu TMTD Hà Tĩnh gắn với thí điểm tự do hoá tài chính có kiểm soát nhằm tập trung xây dựng một hệ sinh thái kinh tế - tài chính hiện đại, đồng bộ và có tính kết nối quốc tế cao. Sự kết hợp này không chỉ giúp các doanh nghiệp trong khu TMTD tiếp cận dễ dàng dịch vụ tài chính mà còn thúc đẩy tự do hóa dòng vốn, giao dịch ngoại hối và phát triển các sản phẩm tài chính tiên tiến…
Một số ngành nghề ưu tiên thu hút vào Khu TMTD Hà Tĩnh như về lĩnh vực logistics tập trung vào giao thông (đường bộ, đường thủy, đường sắt) cùng dịch vụ phụ trợ và kho bãi. Lĩnh vực sản xuất tập trung vào công nghiệp ô tô; điện tử, chíp bán dẫn; cơ khí và máy móc truyền thống; Dược phẩm và công nghệ sinh học; chế biến thực phẩm, thuỷ sản; thời trang và dệt may. Lĩnh vực dịch vụ thương mại tập trung vào du lịch; công nghệ thông tin và phần mềm, viễn thông; nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo và dịch vụ hỗ trợ…
Dự án khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương đầu tàu phát triển kinh tế - xã hội của Hà Tĩnh.
Dự án khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương đầu tàu phát triển kinh tế - xã hội của Hà Tĩnh.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, trước hết tỉnh Hà Tĩnh cần tiếp tục huy động sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, thể hiện rõ khát vọng vươn lên với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám hy sinh vì lợi ích chung để tạo đà cho sự bứt phá mới. Cùng với đó, sự hỗ trợ của trung ương về cơ chế, chính sách và nguồn lực sẽ là động lực quan trọng giúp Hà Tĩnh vươn lên, tự tin tái hiện lại khí thế hào hùng của “Người xây hồ Kẻ Gỗ”, niềm háo hức trên “Công trường Vũng Áng rộn tiếng vui”... trong kỷ nguyên mới.
Tổ chức sản xuất: KIỀU HƯƠNG
Ảnh và nội dung: TRUNG LƯƠNG
Trình bày: ĐÌNH THÁI