Di sản văn hóa trong sự phát triển đặc trưng và bền vững của Thủ đô Hà Nội
GS. NGND. Phan Huy Lê
Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam
Thủ đô Hà Nội là trái tim của cả nước, đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế; là vùng đất "Địa linh nhân kiệt" với lịch sử ngàn năm văn hiến, nơi hội tụ, kết tinh, lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
1. Từ Thăng Long đến Hà Nội: những biến đổi về không gian địa lý - hành chính và cấu trúc đô thị
Hà Nội khởi đầu lịch sử với vị thế kinh thành của đất nước từ sự kiện vua Lý Thái Tổ quyết định dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về thành Đại La và đổi tên là thành Thăng Long vào mùa Thu tháng 7 năm Canh Tuất (1010). Từ đó cho đến năm 1788, Thăng Long liên tục giữ vai trò kinh đô của nước Đại Việt, tuy tên gọi có thay đổi như Đông Đô vào cuối thời Trần (từ năm 1397) và Hồ (1400-1407), Đông Kinh thời Lê sơ (1428-1527) từ năm 1430, hay tên mang tính dân dã Kẻ Chợ trong thời kỳ phát triển của kinh tế hàng hóa và hưng khởi của đô thị thế kỷ XVII-XVIII, Giới hạn của kinh thành thời đó là trong phạm vi của vòng thành ngoài cùng gọi là La Thành hay thành Đại La nằm trong "tứ giác sông": sông Hồng (sông Nhị) phía đông - sông Tô Lịch phía bắc và phía tây - sông Kim Ngưu phía nam như miêu tả trong câu ca dân dã quen thuộc:
“Nhị Hà quanh bắc sang đông,
Kim Ngưu, Tô Lịch là sông bên này”.
Bên trong vòng thành làm ranh giới ngoài cùng đó, có hai vòng thành quan trọng là vòng thành giữa được phòng vệ kiên cố thường gọi là Hoàng Thành và vòng thành trong cùng được bảo vệ cẩn mật là Cấm thành hay Cung thành, cấu trúc và không gian đó của Thăng Long không mấy thay đổi từ thế kỷ XI đến thế kỷ XVIII. Quy hoạch của Hoàng Thành và Cấm thành mỗi vương triều đều có những sắp xếp và kiến tạo khác nhau, có khi mở rộng, có khi thu hẹp. Hoàng Thành được mở rộng lớn nhất thời vua Lê Thánh Tông năm 1490 và vua Tương Dực năm 1516. Năm 1759, chúa Trịnh đắp lại thành Đại Đô, đưa vùng phía tây ra khỏi Hoàng Thành. Toàn bộ khu kinh thành lập thành một phủ đặc biệt trực thuộc triều đình, thời Lê sơ gọi là phủ Trung Đô rồi phủ Phụng Thiên, gồm hai huyện Quảng Đức và Vĩnh Xương, mỗi huyện có 18 phường cộng 36 phường.
Trong thời Tây Sơn, năm 1788, vua Quang Trung đóng đô ở Phú Xuân, rồi từ năm 1802 nhà Nguyễn (1802-1945) cũng chọn Phú Xuân - Huế làm kinh thành. Thành Thăng Long trở thành thủ phủ của Bắc Thành, Cấm thành và một phần Hoàng Thành bị phá để xây dựng một tòa thành mới theo kiểu Vauban năm 1803-1805, Bắc thành tương ứng với Bắc Bộ, nhưng thủ phủ vẫn là phủ Phụng Thiên, năm 1805 đổi là phủ Hoài Đức gồm hai huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận.
Năm 1831, nhà Nguyễn lập tỉnh Hà Nội gồm 4 phủ: Hoài Đức, Thường Tín, Ứng Hòa, Lý Nhân, trong đó phủ Hoài Đức mở rộng thêm huyện Từ Liêm. Thành Hà Nội trở thành tỉnh thành của tỉnh Hà Nội. Với vị trí thủ phủ Bắc Thành rồi tỉnh thành Hà Nội, địa giới mở rộng thêm huyện Từ Liêm, nhưng thành Thăng Long, Hà Nội vẫn nằm bên trong sông về phía hữu ngạn sông Hồng. Một thay đổi quan trọng về cấu trúc không gian đô thị là chỉ còn một tòa thành của chính quyền khu vực và hành cung nhà Nguyễn, phía ngoài là các thôn, phường, trại của cộng đồng cư dân hai huyện. La Thành cùng các cửa ô mất dần vai trò thành lũy phòng vệ.
Năm 1831, Thành Hà Nội trở thành tỉnh thành của tỉnh Hà Nội.
Trong thời Pháp thuộc tính từ năm 1882 cho đến năm 1945, từ nhượng địa của Pháp bên bờ sông Hồng, thành phố Hà Nội được mở rộng dần, đến năm 1899 bao gồm hai huyện Thọ Xương, Vĩnh Thuận, một phần huyện Từ Liêm ở phía tây và huyện Thanh Trì ở phía nam. Một thay đổi căn bản trong cấu trúc thành Hà Nội là năm 1895-1897 chính quyền Pháp phá hủy tòa thành kiểu Vauban, rồi xóa bỏ nhiều đoạn Hoàng thành và cửa ô của La thành, biến thành bình diện của một thành phố mới. Một số đoạn La thành, Hoàng thành còn lại trở thành di tích và được sử dụng như những đoạn đê, đường giao thông. Từ đó xuất hiện những tên gọi như "đường đê La Thành", "đê La Thành"...
Năm 1903, vùng ngoại ô Hà Nội được mở rộng thêm về phía đông, gồm một số xã thuộc tổng Gia Thụy, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh. Vùng ngoại ô này từ năm 1915 nhập vào tỉnh Hà Đông, nhưng đến năm 1943 nhập vào Hà Nội. Như vậy, trong thời Pháp thuộc, Hà Nội đã có phần mở rộng sang bên kia sông Hồng, không còn là Hà Nội theo nghĩa thành phố bên trong sông nữa. Cũng trong thời Pháp thuộc, Hà Nội giữ vai trò thủ phủ của xứ Bắc Kỳ và của Liên bang Đông Dương thuộc Pháp, được quy hoạch lại, phát triển theo hướng đô thị hóa của mô hình phương Tây. Cấu trúc ba vòng thành của kinh thành rồi hai vòng thành của chính quyền khu vực thời chế độ quân chủ hoàn toàn bị xóa bỏ.
Năm 1945, sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, Hà Nội khôi phục lại vị thế Thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ khi tiếp quản Thủ đô ngày 10-10-1954 đến nay, cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, địa giới Hà Nội đã qua bốn lần điều chỉnh.
Sau năm 1954, địa giới Hà Nội vẫn như cũ gồm 36 phố nội thành và 4 quận ngoại thành; năm 1955 có diện tích 152,2 km2 và dân số 778.200 người. Lần điều chỉnh địa giới thứ nhất vào năm 1961, Hà Nội mở rộng khá đều về bốn phía, sáp nhập thêm một số xã và thị trấn của bốn tỉnh Hà Đông, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, đưa diện tích lên 586,2 km2, dân số lên 985.200 người, chia làm 4 khu nội thành và 4 huyện ngoại thành. Diện tích tăng lên gần 4 lần, dân số tăng 1,5 lần.
Lần điều chỉnh thứ hai vào năm 1978, Hà Nội mở rộng trên quy mô khá lớn về phía bắc và phía tây, bao gồm các huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất, Đan Phượng, Hoài Đức và thị xã Sơn Tây của tỉnh Hà Sơn Bình cùng huyện Mê Linh, Sóc Sơn của tỉnh Vĩnh Phúc. Với lần điều chỉnh này, Hà Nội có diện tích 2.131 km2, dân số 2.444.000 người, chia làm 4 khu nội thành và 12 huyện, thị xã ngoại thành.
Lần điều chỉnh thứ ba năm 1991, Hà Nội thu hẹp lại, trả các huyện mở rộng về tỉnh Hà Tây và Vĩnh Phúc, chỉ giữ lại huyện Sóc Sơn. Diện tích cũng thu lại 922,8 km, gồm 4 quận nội thành là Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng và 5 huyện ngoại thành, dân số 2.097.300 người[1]. Trên địa bàn đó, theo xu hướng đô thị hóa, các đơn vị quận, huyện được tổ chức lại. Năm 1995, 1996, 1997, lập thêm 3 quận mới: Tây Hồ, Thanh Xuân, Cầu Giấy. Năm 2003, lập thêm quận Hoàng Mai và quận Long Biên.
Lần điều chỉnh thứ tư vào ngày 1-8-2008, địa giới Hà Nội được mở rộng trên quy mô lớn nhất trong lịch sử, đưa toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh của tỉnh Vĩnh Phúc và 4 xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung của huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình hội nhập vào Hà Nội. Với địa giới mới, Hà Nội có diện tích 3.344,7 km, tăng gấp 3,6 lần và dân số 6.232.940 người, trở thành một trong những thủ đô có diện tích lớn nhất trên thế giới. Cuối năm 2012, Hà Nội có 10 quận, 1 thị xã, 18 huyện, 154 phường, 22 thị trấn, 401 xã và dân số tăng lên 6.844.100 người [2].
Như vậy là, kinh thành Thăng Long - Hà Nội đến nay, đặc biệt là tính từ ngày tiếp quản Thủ đô, ngày 10-10-1954, Hà Nội đã có sự phát triển vượt bậc về diện tích và dân số. Hai huyện Thọ Xương, Vĩnh Thuận của kinh thành xưa (25 km3)[3] so với Hà Nội hiện nay, diện tích Hà Nội tăng hơn 133 lần (25 km/3.344,7 km). Từ năm 1955 đến năm 2014, diện tích tăng 22 lần (152,2 km/ 3.344,7 km2), dân số tăng hơn 8 lần (778.200 người/6.232.940 người).
Từ khi định đô Thăng Long thế kỷ XI cho đến Thủ đô Hà Nội ngày nay, không những địa giới mở rộng mà cấu trúc đô thị cũng thay đổi. Trong thời kỳ chế độ quân chủ, Thăng Long mang kết cấu của đô thị vương quyền với ba vòng thành, trong đó Cấm thành và Hoàng Thành là trung tâm chính trị của vương quyền, không gian giữa Hoàng Thành và La thành là khu vực kinh tế - xã hội thị dân.
Trong thời Pháp thuộc, kết cấu ba vòng thành bị phá hủy, nhường chỗ cho một không gian đó thị quy hoạch và phát triển theo mô hình đô thị phương Tây, Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chủ yếu sau khi giải phóng Thủ đô, Hà Nội phát triển mạnh theo kết cấu một đô thị hiện đại với vai trò Thủ đô của nước Việt Nam trên đường hiện đại hóa, công nghiệp hóa. Sự mở rộng địa giới và những biến đổi về kết cấu không gian đô thị ảnh hưởng rất lớn đến di sản văn hóa cũng như sự phát triển văn hóa của Thủ đô.
2. Di sản văn hóa đồ sộ trên một không gian rộng với một trung tâm tích tụ và lắng đọng lâu đời
Trước hết, từ kinh thành Thăng Long đến Thủ đô Hà Nội mở rộng như hiện nay, Hà Nội thừa hưởng một di sản văn hóa vô cùng đồ sộ về mọi lĩnh vực, văn hóa vật thể cũng như văn hóa phi vật thể.
Chỉ tính các di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng di tích quốc gia, cho đến cuối năm 2013, Hà Nội đã có 847 di tích trên tổng số 3.359 di tích quốc gia của 63 tỉnh/thành phố cả nước, chiếm tỷ lệ 25%. So với những tỉnh/thành phố khác có nhiều di tích quốc gia nhất sau Hà Nội, mỗi đơn vị chỉ có khoảng trên dưới 150 di tích, như: Hưng Yên 159 di tích, Bắc Ninh 149 di tích, Hải Dương 147 di tích..., Hà Nội nhiều hơn khoảng gấp 3 lần[4].
Ngoài ra, Hà Nội còn có 1.143 di tích xếp hạng cấp thành phố và nhiều di tích chưa được lập hồ sơ xếp hạng, về các di tích quốc gia đặc biệt, trong lần xếp hạng đầu tiên năm 2009, Hà Nội đã có 2 di tích trên 10 di tích và đến nay có 9 di tích trên tổng số 48 di tích của cả nước. Hay về làng nghề truyền thống, cả nước có 3.335 làng nghề và làng có nghề thì Hà Nội có 1.350 làng, chiếm tỷ lệ hơn 40%, trong đó có 391 làng được xếp hạng làng nghề truyền thống[5].
Hà Nội còn vinh dự sở hữu một di tích văn hóa thế giới là Khu di tích trung tâm Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội, một di tích phi vật thể đại diện nhân loại là Hội Gióng đền Phù Đổng và đền Sóc Sơn, một di sản tư liệu thế giới là 82 bia Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Còn phải tính thêm hàng trăm lễ hội, một kho tàng văn hóa dân gian phong phú, một khối lượng rất lớn các tác phẩm Hán Nôm, văn bia, gia phả, địa bạ, thần phả... và di sản chữ viết thời cận đại, hiện đại trên đất Hà Nội.
Hà Nội và mỗi người sống trên đất Hà Nội có quyền tự hào chính đáng về kho tàng di sản cực kỳ phong phú, đa dạng mà lịch sử cùng các thế hệ cư dân từng cư trú trên không gian này đã sáng tạo nên trong lao động và chiến đấu vì quê hương đất nước.
Hà Nội từ một thành phố bên trong sông, đã nhanh chóng mở rộng bao quát cả hai bên bờ sông Hồng, biến dòng sông Cái thành như dải lụa vàng chạy từ Tây Bắc qua vùng trung tâm rồi che chở mặt đông và nối liền với sông Cà Lồ, sông Cầu, sông Ngũ Huyện Khê phía đông bắc, sông Đuống bên đông, sông Đà, sông Đáy, sông Tích, sông Nhuệ, sông Tô Lịch bên tây. Nhưng trên không gian địa giới hành chính được mở rộng qua nhiều lần, Hà Nội lại có một trung tâm hoàn toàn không thay đổi và luôn luôn đóng vai trò trung tâm cốt lõi của văn hóa Thủ đô. Đó chính là vùng kinh thành Thăng Long gồm hai huyện Thọ Xương, Vĩnh Thuận nằm trong vùng các quận nội đô của Hà Nội ngày nay: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng.
Kinh đô của một nước bao giờ cũng là trung tâm chính trị, trung tâm quyền lực và trung tâm văn hóa của nước đó. Đấy là nơi quy tụ và kết tinh các giá trị văn hóa của dân tộc. Điều đặc thù là Thăng Long - Hà Nội giữ vai trò kinh đô gần như liên tục trong suốt chiều dài hơn nghìn năm kể từ khi định đô Thăng Long năm 1010.
Cho đến nay, trong 1004 năm (1010-2014), Thăng Long là kinh đô của nước Đại Việt liên tục cho đến năm 1788, cộng 778 năm. Từ năm 1945 cho đến nay, Hà Nội là Thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; sau đó là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong 1004 năm, Thăng Long - Hà Nội giữ vai trò kinh đô của nước Đại Việt rồi nước Việt Nam trong 847 năm.
Thăng Long - Hà Nội giữ vai trò kinh đô gần như liên tục trong suốt chiều dài hơn nghìn năm kể từ khi định đô Thăng Long năm 1010
Trong thời gian không phải là kinh đô từ năm 1788 đến năm 1945 thì Thăng Long - Hà Nội vẫn là một trung tâm kinh tế, văn hóa tiêu biểu của vùng châu thổ sông Hồng và thời Pháp thuộc là thủ phủ của Đông Dương thuộc Pháp. Ngược lên trước thời định đô, thường gọi là thời tiền Thăng Long, vùng trung tâm Hà Nội đã có con người sinh tụ từ thời văn hóa Phùng Nguyên cách đây khoảng 3.500 năm, đã là một địa bàn phân bố khá dày của văn hóa Đông Sơn thời dựng nước Văn Lang và trong thời Bắc thuộc, là kinh thành Vạn Xuân của vua Lý Nam Đế, là trị sở Tống Bình của Giao Châu thời Tùy, Đường, là phủ thành An Nam thời Đường với thành Đại La.
Cả một lịch sử lâu dài, đặc biệt là bề dày hơn nghìn năm gần như liên tục là đất kinh kỳ, Thăng Long - Hà Nội có quá trình tích tụ văn hóa lâu dài, tạo nên một di sản văn hóa có sức kết tinh, lắng đọng sâu và tỏa chiều rộng, Đấy là công sức lao động sáng tạo và đấu tranh không biết mệt mỏi của biết bao nhiều thế hệ cư dân bản địa trên mảnh đất này và cư dân các vùng miền của đất nước đã quy tụ về đây.
Kinh thành bao giờ cũng là đất tụ nhân, tụ tài trước hết là của cư dân các vùng phụ cận, của tứ trấn/tứ xứ: xứ Bắc (trấn Kinh Bắc), xứ Đông (trấn Hải Dương), xứ Nam (trấn Sơn Nam) và xứ Đoài (trấn Sơn Tây). Rộng hơn nữa là nơi quy tụ nhân tài của cả nước về đây dự các kỳ thi Hội, thi Đình, rồi không ít người ở lại tham gia bộ máy chính quyền trung ương, của những thợ thủ công lành nghề, những thương nhân giàu có về đây hành nghề, lập nghiệp.
Hầu như không một nhà văn hóa lớn nào của dân tộc mà không có thời gian sống ở kinh kỳ hay ít nhất cũng có thời gian trải nghiệm ở trung tâm trí tuệ này của dân tộc. Có thể nói, những tinh hoa trí tuệ và tài năng nghề nghiệp đều tìm về đất kinh kỳ, cống hiến phần mình vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ kinh đô, để lại những di sản trên mọi lĩnh vực của văn hóa Thủ đô.
Quá trình tích tụ văn hóa còn thực hiện qua sự giao lưu giữa kinh đô với mọi miền vùng của cả nước và với khu vực, với thế giới. Cùng sự quy tụ các giá trị văn hóa dân tộc, văn hóa Thăng Long - Hà Nội chứa đựng nhiều giá trị tư tưởng và văn minh được tiếp nhận và dung hợp từ thế giới bên ngoài, từ phương Đông và phương Tây. Vì vậy, di sản văn hóa Hà Nội mở rộng trên một không gian rộng lớn nhưng có một trung tâm văn hóa Thăng Long - Hà Nội rất bền vững, vừa phong phú, đa dạng, vừa mang tính chắt lọc và lắng đọng vô cùng sâu sắc. Di sản đó ngưng kết những giá trị tiêu biểu của văn hóa dân tộc mà sợi chỉ đỏ xuyên suốt là chủ nghĩa yêu nước, ý chí quật cường bất khuất, tinh thần nhân ái và hòa hiếu. Di sản đó biểu thị trong cuộc sống của cộng đồng cư dân qua cảnh quan đô thị, bộ mặt kiến trúc, qua lối sống và phong cách ứng xử, qua nghệ thuật biểu cảm và ẩm thực.
Trong di sản văn hóa của trung tâm giữ vai trò cốt lõi đã có sự đóng góp của các trấn phụ cận, nhưng với quá trình mở rộng địa giới mà mốc quan trọng là năm 2008 thì một bộ phận xứ Bắc, xứ Đông, xứ Nam và toàn bộ xứ Đoài đã hội nhập vào địa phận Hà Nội. Từ đó, di sản văn hóa những vùng đất này trở thành bộ phận cấu thành của văn hóa Hà Nội. Một vấn đề lớn đặt ra là mối quan hệ giữa các bộ phận đó với văn hóa trung tâm lâu đời của Thăng Long - Hà Nội.
Rõ ràng sự mở rộng và hội nhập đó đã làm phong phú và đa dạng thêm di sản văn hóa Hà Nội. Không gian Hà Nội ôm cả vùng Ba Vì vốn là Thần điện của Sơn Thánh Tản Viên, vùng Thánh Gióng với đền Phù Đổng - đền Sóc Sơn từ thời Hùng Vương, rồi kinh thành cổ Loa của nước Âu Lạc thời An Dương Vương và nhiều vùng miền có lịch sử ngược lên đến văn hóa Sơn Vi cách ngày nay khoảng 2 vạn năm và trải qua các thời kỳ của lịch sử dân tộc. Trên địa bàn mở rộng này còn để lại biết bao nhiêu di tích quý giá như khu núi Ba Vì, khu Chùa Hương rồi đình Tây Đằng (Ba Vì), đình Chu Quyến (Ba Vì), chùa Tây Phương (Thạch Thất), chùa Bối Khê (Thanh Oai), đền Phù Đổng (Gia Lâm), đền Hai Bà Trưng (Mê Linh)... và biết bao làng nghề truyền thống, lễ hội dân gian... Khi đã trở thành các đơn vị hành chính của Hà Nội, quan hệ tương tác hai chiều sẽ thúc đẩy sự phát triển của cả trung tâm và vùng mở rộng.
Trong không gian mở rộng, chỉ có Cổ Loa là kinh đô của nước Âu Lạc thời An Dương Vương cuối thế kỷ III đầu thế kỷ II TrCN, rồi kinh đô của nhà Ngô trong thời gian 939-965. Đó là vị trí kinh đô ngắn ngủi không đủ điều kiện tích tụ và lắng đọng tạo nên một di sản mang tính trung tâm quốc gia bên vững. Vùng còn lại là vùng đồi núi và đồng bằng của các xóm làng và thị trấn mang nặng tính nông nghiệp kết hợp với các nghề thủ công và buôn bán.
Vì vậy, cần quan niệm văn hóa Hà Nội hiện nay như một không gian văn hóa đa dạng gồm trung tâm văn hóa Thăng Long - Hà Nội giữ vai trò cốt lõi tiêu biểu cho sự tích tụ và kết tinh của các giá trị văn hóa của một kinh thành hơn nghìn năm tuổi và các vùng văn hóa mới mở rộng như vùng ngoại vi. Đây là mối quan hệ giữa trung tâm và ngoại vi không phải của một quốc gia hay vùng mang tính liên quốc gia mà là giữa các đơn vị hành chính của Thủ đô Hà Nội. Do đó, mối quan hệ này cùng tồn tại và tương tác trong một thể thống nhất của Thủ đô về mặt quản lý, quy hoạch và phát triển. Trong quan hệ tương tác đó, văn hóa trung tâm phát huy ảnh hưởng mạnh mẽ ra ngoại vi và ngược lại, tiếp nhận, tích tụ thêm các giá trị của ngoại vi. Vùng ngoại vi không phải là một vùng văn hóa thống nhất mà gồm nhiều tiểu vùng văn hóa mang tính đa dạng cùng phát triển trong mối quan hệ qua lại giữa các tiểu vùng và với trung tâm.
Trung tâm văn hóa Thăng Long - Hà Nội giữ vai trò bảo tồn di sản văn hóa của đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến.
Trong quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa, hiện đại hóa, theo quy hoạch xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, không gian đô thị Hà Nội gồm một đô thị trung tâm Hà Nội và một số đô thị vệ tinh như Sơn Tây, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Xuân Mai, Hòa Lạc. Không gian đô thị trung tâm được mở rộng từ nội đô đến vành đai 4 về phía tây và phía nam, đến Mê Linh, Đông Anh về phía bắc, đến Gia Lâm, Long Biên về phía đông. Trong đô thị trung tâm có khu vực nội đô gồm khu nội đô lịch sử giới hạn từ phía nam sông Hồng đến vành đai 2 và khu nội đô mở rộng giới hạn từ vành đai 2 đến sông Nhuệ.
Văn hóa Hà Nội sẽ phát triển theo quy hoạch đó, tạo thành một không gian văn hóa gồm nhiều vùng, nhiều trung tâm mà khu nội đô lịch sử chính là trung tâm văn hóa Thăng Long - Hà Nội giữ vai trò bảo tồn di sản văn hóa của đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến. Đây là sự phát triển, biến đổi rất lớn, có thể nói là một sản phẩm mới về văn hóa của sự phát triển Thủ đô sau 60 năm kể từ khi tiếp quản Thủ đô ngày 10-10-1954.
3. Di sản văn hóa trong sự phát triển của Hà Nội
Vấn đề lớn cần đặt ra là trên một không gian văn hóa rộng và đa dạng như vậy, làm sao bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa chung của Thủ đô và từng vùng văn hóa. Chúng ta đứng trước một thực trạng là các vùng văn hóa ngoại vi chiếm tỷ trọng rộng lớn hơn nhiều về diện tích và dân số so với vùng trung tâm. Nếu không có định hướng và quy hoạch, để cho sự phát triển tự phát chi phối thì rất dễ dẫn đến khả năng di sản văn hóa trung tâm tích lũy hơn nghìn năm tạo nên vùng đất ngàn năm văn hiến, ngàn năm văn vật bị pha loãng, mai một dần và hòa đồng với vùng ngoại vi rộng lớn. Đấy sẽ là một tổn thất rất lớn không những làm hủy hoại dần một di sản văn hóa lâu đời đã từng tạo nên vị thế mang tính tiêu biểu và đại diện của văn hóa Thủ đô mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững và đặc trưng của Thủ đô, làm cho văn hóa Thủ đô không còn mang tính tiêu biểu và đại diện cao của văn hóa dân tộc. Chiều hướng tự phát đó cần được cảnh báo và ngăn chặn một cách có hiệu quả.
Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội phải được bảo tồn và phát huy có hiệu quả cao nhất để tạo nên một trung tâm văn hóa của Thủ đô Hà Nội vừa tiếp nối con đường và truyền thống của Thủ đô qua hơn nghìn năm lịch sử xây dựng và bảo vệ. Đây không chỉ là bảo tồn và trùng tu, tôn tạo các di sản vật thể như các chùa tháp, đình đền cổ kính, các di tích cách mạng và kháng chiến thời hiện đại mà còn bao hàm việc bảo tồn và phát huy các di sản phi vật thể, các truyền thống tốt đẹp và phong cách thanh lịch của con người Hà thành.
Vùng trung tâm Hà Nội cần hiển thị một không gian văn hóa đặc sắc của Thủ đô hòa quyện những giá trị truyền thống nghìn năm với cuộc sống văn minh thời hiện đại. Dĩ nhiên văn hóa trung tâm của Thủ đô vẫn tiếp tục quy luật phát triển của nó, không ngừng quy tụ và dung hợp những giá trị mới qua giao lưu với vùng ngoại vi và cả nước, qua giao lưu văn hóa quốc tế. Một trung tâm văn hóa mạnh và giàu sức sống bao giờ cũng không ngừng phát triển trong sự giao lưu, tiếp biến và sáng tạo.
Trong khu văn hóa trung tâm này có ba di sản văn hóa rất quý là khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội, khu phố cổ Hà Nội và khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiêu biểu cho ba thời kỳ lịch sử phát triển lớn của Thăng Long - Hà Nội, thời truyền thống thời cận đại và thời hiện đại. Khu trung tâm này đã từng là khu Hoàng Thành, Cấm thành Thăng Long, khu buôn bán phố phường, chợ, bến truyền thống và khu trung tâm chính trị của thủ phủ Đông Dương thuộc Pháp, rồi ngày nay là khu trung tâm chính trị Ba Đình. Do đó, không những trên mặt đất dày đặc các di tích kiến trúc cổ truyền của nhân dân, các kiến trúc có giá trị thời Pháp, mà trong lòng đất còn chứa đựng nhiều di sản của quá khứ, mà có người nói đào đâu cũng thấy di sản. Vì vậy, theo Luật di sản văn hóa, thành phố Hà Nội cần khẩn trương xây dựng quy hoạch khảo cổ học để phối hợp với quy hoạch xây dựng và phát triển, bảo đảm sự hài hòa trong bảo tồn và phát triển, tránh hay giảm thiểu sự va chạm đáng tiếc đã từng xảy ra.
Vùng ngoại vi sẽ phát triển theo quy hoạch và sẽ hình thành những đô thị vệ tỉnh, từ đó cũng sẽ hình thành những trung tâm văn hóa vệ tinh của Thủ đô. Con đường hình thành và phát triển của các trung tâm ngoại vi này, một mặt quy tụ các giá trị văn hóa vùng và qua giao lưu với trung tâm và các vùng phụ cận tiếp nhận và dung hợp những giá trị văn hóa mới.
Trong các mối quan hệ giao lưu này, quan hệ với trung tâm giữ vai trò hết sức quan trọng, không chỉ trong quan hệ lãnh đạo và quản lý giữa các cấp của một thành phố trực thuộc trung ương, của thủ đô một quốc gia, mà cả trên lĩnh vực văn hóa. Quan hệ văn hóa này cần có tác động mạnh mẽ theo hai chiều tương tác để các trung tâm văn hóa ngoại vi vừa mang đặc trưng từng vùng của xứ Bắc, xứ Nam, xứ Đoài, vừa tạo dựng nên một số đặc trưng chung của văn hóa Thủ đô Hà Nội.
Đó là một tiến trình còn lâu dài nhưng ngay từ bây giờ có thể hình dung: văn hóa Hà Nội sẽ là một không gian văn hóa rộng lớn gồm nhiều trung tâm, trong đó có một trung tâm cốt lõi của vùng nội đô lịch sử kế thừa và phát huy giá trị của văn hóa hơn nghìn năm Thăng Long - Hà Nội và nhiều trung tâm ngoại vi vừa mang sắc thái vùng vừa biểu thị một số đặc trưng chung của Thủ đô. Rõ ràng đây là bức tranh mới bắt đầu phác họa, nhưng cần nhìn trước hướng phát triển của nó để có sự chỉ đạo thống nhất trên cơ sở một quy hoạch thống nhất. Vì vậy, bên cạnh quy hoạch xây dựng và phát triển toàn diện của Thủ đô, nên có một quy hoạch bảo tồn và phát triển văn hóa, vừa làm cơ sở cho sự quản lý và triển khai quy hoạch chung, vừa bảo đảm sự phát triển đúng hướng và hài hòa giữa kinh tế - xã hội với văn hóa.
Cần có một quy hoạch bảo tồn và phát triển văn hóa
Thủ đô Hà Nội trước hết là trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm quyền lực và đầu não của đất nước, tiếp theo là một trung tâm phát triển về kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật, một trung tâm giao lưu quốc tế, trong đó trung tâm văn hóa là nét đặc trưng và tiêu biểu. Hà Nội có thể không đứng đầu cả nước về phương diện kinh tế, công nghiệp,... nhưng sau vai trò trung tâm chính trị phải là trung tâm văn hóa tiêu biểu của cả quốc gia - dân tộc.
Về mặt này, Hà Nội đã có những ưu thế tuyệt đối do lịch sử hơn ngàn năm Thăng Long - Hà Nội tạo nên và công cuộc xây dựng, phát triển Hà Nội ngày nay phải phát huy được vị thế đó. Cả một lịch sử kinh đô lâu dài và gần như liên tục hơn một nghìn năm đã để lại một di sản văn hóa đồ sộ và vô giá. Sự mở rộng Hà Nội trong 60 năm qua tạo nên một không gian mới cho sự phát triển của Thủ đô.
Di sản văn hóa của cả Hà Nội hôm nay trong đó di sản hơn nghìn năm đóng vai trò trung tâm cốt lõi, mỗi khi được bảo tồn và phát huy, mỗi khi thấm vào nhận thức và tình cảm mỗi con người, khi được quán triệt trong quy hoạch chung và trong công cuộc xây dựng, sẽ là một nội lực trọng yếu bảo đảm sự phát triển đặc trưng và bền vững của Thủ đô Hà Nội ngày nay và mãi mãi về sau: một Thủ đô Hà Nội văn minh, hiện đại mang sắc thái và cốt cách tiêu biểu của truyền thống văn hóa ngàn năm Thăng Long - Hà Nội, không chỉ quy tụ vào một trung tâm lịch sử mà còn tỏa rộng trên không gian đô thị rộng lớn.
Văn hóa Hà Nội sẽ là một không gian văn hóa rộng lớn gồm nhiều trung tâm, trong đó có một trung tâm cốt lõi của vùng nội đô lịch sử kế thừa và phát huy giá trị của văn hóa hơn nghìn năm Thăng Long - Hà Nội và nhiều trung tâm ngoại vi vừa mang sắc thái vùng vừa biểu thị một số đặc trưng chung của Thủ đô
Thủ đô Hà Nội văn minh, hiện đại mang sắc thái và cốt cách tiêu biểu của truyền thống văn hóa ngàn năm Thăng Long - Hà Nội, không chỉ quy tụ vào một trung tâm lịch sử mà còn tỏa rộng trên không gian đô thị rộng lớn.
Bài đăng trong cuốn sách "60 năm giải phóng Thủ đô, thành tựu, thời cơ, thách thức và phát triển" (Thành ủy – Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hà Nội), Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia
Trình bày: T. Lâm
Ảnh: Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, Hà Nội mới