Nói tới Vĩnh Linh lũy thép, người ta thường nhắc đến địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh, tuy nhiên ít người biết tới Di tích Hầm Khu ủy Vĩnh Linh - một trong những căn hầm kiên cố được xây dựng đầu tiên tại địa phương trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, là tiền thân của hệ thống làng hầm Vĩnh Linh sau này. Hầm thuộc hệ thống hầm ngầm Vĩnh Tiến-Nam Hồ và là nơi trú ẩn của cơ quan đầu não Khu vực Vĩnh Linh thời bấy giờ.
HẦM KHU ỦY VĨNH LINH – TIỀN THÂN CỦA HỆ THỐNG LÀNG HẦM VĨNH LINH
Chúng tôi tới Vĩnh Linh trong những ngày hè đổ lửa. Cũng thời gian này cách đây gần 70 năm trước, lịch sử đã đặt lên vai mảnh đất nhỏ bé này sứ mệnh là tiền đồn của miền bắc xã hội chủ nghĩa, là hậu phương trực tiếp của tiền tuyến lớn miền nam.
Sau Hiệp định Geneva năm 1954, sông Bến Hải trở thành giới tuyến quân sự tạm thời phân định hai miền nam-bắc.
Ngày 25/8/1954, khi quân Pháp rời đi, Vĩnh Linh trở thành huyện duy nhất của tỉnh Quảng Trị được giải phóng. Rồi sau đó, với vị trí đặc biệt và yêu cầu của hoàn cảnh lịch sử, Vĩnh Linh trở thành một đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương (tương đương cấp tỉnh). Từ đây, cơ quan của Đảng ủy khu vực Vĩnh Linh là Khu ủy Vĩnh Linh.
Tới nay, hầm trú ẩn của Khu ủy Vĩnh Linh thời kỳ đó vẫn được bảo tồn và trở thành chứng tích cho một thời kỳ chiến tranh ác liệt, thể hiện ý chí kiên cường, bám trụ bảo vệ quê hương của quân và dân Vĩnh Linh.
Được gọi là hầm Khu ủy, bởi ở thời điểm xây dựng, hầm nằm trong khuôn viên trụ sở Khu ủy thời bấy giờ (thuộc HTX Nam Hồ, xã Vĩnh Nam).
Di tích hầm Khu ủy Vĩnh Linh hiện nay nằm trên trục đường Ngô Quyền thuộc khu phố 5, thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, cách khu vực hành chính của huyện Vĩnh Linh không xa.
Anh Lương Ngọc Ninh, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Vĩnh Linh cho biết, xét đề nghị của Khu ủy Vĩnh Linh và Quân khu 4, Bộ Quốc phòng tháng 6 năm 1962 đã đầu tư xây dựng một số hầm dân sinh, hầm cứu thương, phòng họp, hầm chiến đấu và đặc biệt là hầm trú ẩn cho Khu ủy Vĩnh Linh.
Về thời điểm xây dựng các căn hầm này, một số tài liệu ghi năm 1958-1960, nhưng Trung tâm bảo tồn di tích tỉnh Quảng Trị gần đây qua nghiên cứu hồ sơ và gặp gỡ nhân chứng đã xác định thời gian xây hầm là vào tháng 6/1962, trước khi đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại.
Sở dĩ căn hầm được Khu ủy Vĩnh Linh đề nghị xây dựng từ trước khi quân Mỹ leo thang bắn phá miền bắc là bởi từ năm 1958, chính quyền Ngô Đình Diệm và phía Mỹ tuyên bố khóa tuyến, cự tuyệt hiệp thương tổng tuyển cử. Tuy quân và dân Vĩnh Linh bằng nhiều hình thức đã đấu tranh đòi đối phương thực thi Hiệp định Geneva, nhưng quân địch vẫn nhiều lần dùng biệt kích xâm nhập Vĩnh Linh, cho quân đội bắn phá từ bờ nam sông Bến Hải sang bờ bắc. Thậm chí, Ngô Đình Diệm còn đòi bắc tiến.
Với tình hình như vậy, Trung ương Đảng, Khu ủy Vĩnh Linh đã xác định cuộc chiến tranh sớm muộn gì cũng sẽ xảy ra và đã âm thầm chuẩn bị cho cuộc chiến đấu lâu dài. Chủ trương xây dựng hầm ngầm tại nơi đặt cơ quan đầu não của Vĩnh Linh khi đó đã được nhanh chóng triển khai thực hiện.
Tháng 6/1962, được sự giúp đỡ của Liên khu IV, lực lượng quân đội, Đảng ủy Khu vực Vĩnh Linh tiến hành xây dựng hầm ngầm. Công tác xây dựng hầm ngầm Khu ủy Vĩnh Linh được làm liên tục khẩn trương nên chỉ trong thời gian ngắn đã hoàn thành.
Tiếp tục chủ trương, các cơ quan của khu vực Vĩnh Linh đang đóng trên địa bàn thị trấn Hồ Xá như Ty Bưu điện, Ty Công an, lực lượng quân sự... cũng thực hiện xây dựng các hầm ngầm kiên cố để chuẩn bị cho chiến sự xảy ra. Hệ thống hầm ngầm đó sau này được gọi là hệ thống hầm ngầm Vĩnh Tiến-Nam Hồ và là những công trình ngầm được xây dựng đầu tiên trên khu vực Vĩnh Linh trước khi Mỹ leo thang bắn phá miền bắc.
Hầm Khu ủy Vĩnh Linh thuộc hệ thống hầm ngầm Vĩnh Tiến-Nam Hồ - hệ thống các công trình ngầm được xây dựng đầu tiên trên khu vực Vĩnh Linh trước khi Mỹ leo thang bắn phá miền bắc.
Trong thời gian từ 1962-1965, tại Khu ủy Vĩnh Linh thường xuyên diễn ra các cuộc họp quan trọng nhằm chỉ đạo xây dựng chủ nghĩa xã hội và chuẩn bị cho cuộc chiến ngày càng leo thang. Trong thời gian này nhiều cán bộ lãnh đạo của Trung ương, Quân khu IV cũng thường xuyên vào chỉ đạo trực tiếp các hoạt động của Khu ủy Vĩnh Linh, hầm ngầm Khu ủy là nơi tổ chức các cuộc họp an toàn, bí mật của cán bộ cao cấp.
Và những dự cảm không lành về sự tráo trở của quân thù đã trở thành sự thật. Ngày 8/2/1965, Mỹ tiến hành chiến dịch “mũi lao lửa 1” dùng hàng trăm máy bay các loại đánh phá miền bắc từ khu vực Vĩnh Linh đến Quảng Bình. Mục tiêu số một trong giai đoạn này là hủy diệt Hồ Xá - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, thành tựu tiêu biểu 10 năm xây dựng xã hội chủ nghĩa của Vĩnh Linh, nơi đặt các cơ quan đầu não của khu vực, từ đó làm tê liệt toàn khu vực Vĩnh Linh, làm mất chỗ dựa cho chiến trường Trị Thiên, trực tiếp là bắc Quảng Trị.
Tới năm 1966, khi chiến tranh diễn ra ác liệt ở thị trấn Hồ Xá, Khu ủy Vĩnh Linh sơ tán về các địa phương và đặt trụ sở ở xã Vĩnh Hiền.
Năm 1967, chiến sự ngày càng ác liệt, toàn bộ Hồ Xá và Vĩnh Linh bị đánh phá, gần như san phẳng. Tòa nhà 2 tầng của Khu ủy cũng bị đánh sập. Từ đó, hầm ngầm Khu ủy không còn giữ chức năng trú ẩn cho cán bộ lãnh đạo Đảng ủy khu vực nữa, mà được lực lượng vũ trang trên địa bàn Hồ Xá trưng dụng làm nơi trú ẩn, canh gác cho tới khi chiến tranh kết thúc.
Sự ra đời của hầm Khu ủy và hệ thống hầm ngầm Vĩnh Tiến-Nam Hồ trong thời kỳ chuẩn bị cho cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ có vai trò hết sức quan trọng. Ngoài việc giúp bảo đảm an toàn, bí mật cho hoạt động của lãnh đạo, cán bộ Trung ương, Quân khu và Đảng ủy khu vực, thì kinh nghiệm xây dựng hệ thống hầm này là bài học để các lực lượng chức năng chỉ đạo quân và dân Vĩnh Linh thực hiện chủ trương “quân sự hóa toàn khu vực”, tiến hành đào hầm hào, địa đạo ở khắp nơi nhằm chuyển cuộc sống từ mặt đất xuống lòng đất, xây dựng các làng hầm trên khắp Vĩnh Linh sau này.
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy khu vực Vĩnh Linh, với quyết tâm và ý chí kiên cường, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Vĩnh Linh cùng với cả nước đã chiến đấu và chiến thắng mọi âm mưu phá hoại của kẻ thù, giành lại độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc.
Sự ra đời của hầm Khu ủy và hệ thống hầm ngầm trên địa bàn thị trấn Hồ Xá là tiền thân của hệ thống làng hầm Vĩnh Linh. Kinh nghiệm xây dựng hệ thống hầm này là bài học để các lực lượng chức năng chỉ đạo quân và dân Vĩnh Linh thực hiện chủ trương “quân sự hóa toàn khu vực”. Những năm 1965-1966, khi các cơ quan của khu vực Vĩnh Linh rời địa bàn Hồ Xá về nông thôn đã cùng với nhân dân tiến hành đào hầm, địa đạo ở khắp nơi nhằm chuyển mọi sinh hoạt từ mặt đất xuống lòng đất.
"Với những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học quan trọng, hệ thống hầm ngầm trên địa bàn Vĩnh Tiến-Nam Hồ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đã được UBND tỉnh Quảng Trị xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 1996 theo Quyết định số 707/QĐ-UB ngày 12/7/1996" - anh Lương Ngọc Ninh cho biết.
GÌN GIỮ VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI TÍCH
Biện Văn Hòa - Bí thư Đoàn thanh niên thị trấn Hồ Xá cho biết, Di tích hầm Khu ủy hiện nay do Ban Chỉ huy quân sự huyện Vĩnh Linh quản lý và giao lại cho Đoàn thanh niên thị trấn Hồ Xá trực tiếp chăm sóc, làm vệ sinh, bảo vệ cảnh quan.
Dù đã được xây dựng hơn 60 năm và trải qua bao bom đạn chiến tranh, nhưng căn hầm kiên cố vẫn được giữ hầu như nguyên trạng.
Lối xuống hầm có bậc thang dẫn với đường hầm hình chữ Z để bảo đảm an toàn hơn khi bị bom đạn đánh vào. Căn hầm rộng khoảng 30m2 với 2 phòng, có lỗ thông hơi để phòng khí độc. Trong hầm vẫn còn các móc sắt đối xứng để treo võng... Toàn bộ hầm ngầm được xây dựng bằng bê-tông cốt thép, độ dày trần lên đến 1m, tường hầm 0,5m nhằm bảo đảm an toàn nếu sự cố bị đánh bom.
Toàn bộ hầm ngầm được xây dựng bằng bê-tông cốt thép, độ dày trần lên đến 1m.
Căn hầm rộng khoảng 30m2 với 2 phòng.
Tường hầm dày 0,5m nhằm bảo đảm an toàn nếu sự cố bị đánh bom.
Hệ thống hầm ngầm Vĩnh Tiến-Nam Hồ gồm 4 hầm ở Nam Hồ và 2 hầm ở Vĩnh Tiến. Tuy nhiên, ngoài hầm Khu ủy được phóng mặt bằng năm 2017 để dành quỹ đất cho di tích, các hầm ngầm khác của hệ thống này hiện nằm trong khu dân cư và đất đai đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân.
Đồng chí Lương Ngọc Ninh cho biết, hiện trạng công trình tại Di tích hầm Khu ủy Vĩnh Linh hiện nay là kết quả của đợt bảo tồn, đầu tư trùng tu tôn tạo vào năm 2019-2020 nhân dịp chào mừng kỷ niệm 65 năm truyền thống Vĩnh Linh và chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025.
Ngoài việc bảo tồn hầm Khu ủy gốc, di tích đã được đầu tư tôn tạo, có sân hành lễ rộng rãi, kỳ đài trang nghiêm và đã trở thành một địa điểm sinh hoạt chính trị, văn hóa quan trọng của địa phương.
Hằng năm vào các dịp lễ, kỷ niệm quan trọng của quê hương, đất nước, như: Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2), thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3), Ngày giải phóng miền nam thống nhất đất nước (30/4)... chính quyền địa phương, các Hội, đoàn thể đã tập trung về di tích để tổ chức lễ kỷ niệm, ôn lại truyền thống cách mạng của thế hệ cha anh.
Đoàn viên Hoàng Ngọc Dũng - chi đoàn THCS Lê Quý Đôn, huyện Vĩnh Linh vẫn nhớ như in khoảnh khắc em cùng 32 bạn khác được kết nạp Đoàn trong một không khí trang nghiêm dưới chân kỳ đài ngay tại Di tích hầm Khu ủy. Một lễ kết nạp thật trang trọng với sự chứng kiến của không chỉ thầy cô, bạn bè, mà cả các bác cựu chiến binh đã sống và chiến đấu cho bình yên của Tổ quốc và mảnh đất này.
"Em cảm thấy rất bồi hồi, xúc động, tự hào khi được đứng trong hàng ngũ của Đoàn. Chúng em nguyện sẽ dốc hết sức lực, trí tuệ và cả tấm lòng nhiệt huyết của mình làm những gì có thể để tiếp nối truyền thống hào hùng của các bậc cha anh đi trước, phát triển phong trào đoàn đội của trường và địa phương đi đến kết quả tốt nhất" - Ngọc Dũng chia sẻ.
Theo Bí thư Đoàn thanh niên thị trấn Hồ Xá Biện Văn Hòa, lễ kết nạp đoàn viên là một trong nhiều hoạt động mà Đoàn Thanh niên đã phối hợp với Hội Cựu chiến binh địa phương tổ chức tại di tích này.
Qua các buổi sinh hoạt truyền thống, các bạn Đoàn viên, thanh niên được nghe các nhân chứng sống kể lại những câu chuyện lịch sử hào hùng, những trận đánh và chiến công oanh liệt của quân và nhân dân Vĩnh Linh. Từ đó các bạn trẻ hiểu và trân trọng hơn truyền thống anh dũng của cha anh, đồng thời khơi dậy ý chí quyết tâm tu dưỡng để góp phần xây dựng quê hương và bảo vệ Tổ quốc ngày một tươi đẹp hơn.
*****
Di tích hầm Khu ủy Vĩnh Linh hiện là một trong số 180 di tích lịch sử-văn hóa được Trung ương, tỉnh xếp hạng trên địa bàn huyện Vĩnh Linh. Di tích đã trở thành chứng tích cho một thời kỳ chiến tranh ác liệt, thể hiện ý chí kiên cường, bám trụ bảo vệ quê hương của quân và dân nơi đây trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Chiến tranh giờ đây đã lùi xa trên mảnh đất này, những “làng trong hầm” nay đã sáng tươi những gam màu mới. Rời Di tích hầm Khu ủy, hình ảnh các đoàn viên đang âm thầm chăm sóc cho một địa chỉ đỏ gợi cho chúng tôi liên tưởng tới những mầm xanh đang dần lớn lên và trưởng thành trên mảnh đất "lũy thép trong thời chiến, lũy hoa trong thời bình".
Ngày xuất bản: 12/7/2024
Tổ chức thực hiện: Hồng Minh-Xuân Bách
Nội dung và trình bày: Lâm Quang Huy-Song Thu-Ngọc Bích
Ảnh, Video: Hà Nam