Ký ức mùa thu
năm 1945
và những địa danh lịch sử của Hà Nội
Mùa thu năm 1945, cả dân tộc Việt Nam đã vùng lên giành độc lập và thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chứng tích lịch sử 76 năm trước vẫn còn ghi dấu ấn lên những con đường, góc phố, vườn hoa của Hà Nội ngày nay. Quá khứ vẫn nằm trong lòng hiện tại, nhắc nhớ chúng ta mỗi dịp thu về…
Cùng ghé qua những địa danh gắn liền với sự kiện lịch sử quan trọng của dân tộc trong mùa thu năm ấy.
Cuộc mít tinh phát động khởi nghĩa giành chính quyền do Mặt trận Việt Minh tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 19/8/1945.
Tinh mơ sáng ngày 19/8 năm đó, hàng chục vạn người dân ở Hà Nội và các tỉnh lân cận theo các ngả đường kéo về quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội.
Khoảng 10 giờ rưỡi, cuộc mít tinh lớn chưa từng có của quần chúng cách mạng được sự bảo vệ của Thanh niên tự vệ và tổ chức Việt Minh thành Hoàng Diệu Hà Nội đã diễn ra.
Ngày nay, Nhà hát Lớn Hà Nội 110 năm tuổi vẫn là một địa điểm quan trọng để tổ chức các sự kiện văn hóa - đời sống của Thủ đô nói riêng và của cả nước nói chung.
Giữa nắng thu vàng rực rỡ, Nhà hát Lớn trong những ngày này vắng bóng người vì Thủ đô giãn cách để phòng, chống dịch, nhưng vẫn toát lên vẻ đẹp vượt thời gian.
Ngày 5/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Ngày Kháng chiến trong Nhà hát Lớn, hô vang khẩu hiệu “Quyết giành độc lập”.
Tiếp tục vai trò trong quá khứ, Nhà hát Lớn Hà Nội vẫn là nơi biểu diễn nhiều chương trình văn hóa - nghệ thuật của các đoàn nghệ sĩ trong và ngoài nước. Nơi đây vẫn là một trong những không gian thưởng thức nghệ thuật bậc nhất của Thủ đô.
Ngày 3/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra 6 nhiệm vụ cấp bách, trong đó, vấn đề số 1 là cứu đói.
Đoàn rước phát động phong trào “Ngày cứu đói” xuất phát từ Quảng trường Nhà hát Lớn, thu hút được sự ủng hộ và lạc quyên rất lớn của quần chúng nhân dân.
Quảng trường Cách mạng Tháng Tám trước cửa Nhà hát Lớn ngày nay vẫn là địa điểm lý tưởng để tổ chức nhiều sự kiện cộng đồng của Thủ đô.
Không khí Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 19/8/1945.
Cuộc mít-tinh biến thành cuộc biểu tình tuần hành vĩ đại. Dòng người chia thành nhiều ngả, có các đội tự vệ chiến đấu dẫn đầu, đi chiếm các công sở và chiếm lĩnh các vị trí xung yếu, như Phủ Khâm sai, Sở Bưu điện, Sở Cảnh sát,...
Quảng trường ngày nay vẫn rộng thênh thang, con phố Tràng Tiền vẫn còn giữ được những đặc trưng kiến trúc Pháp. Nếu không vì dịch bệnh, những ngày này nơi đây đã trở thành điểm đến “check-in” của nhiều khách du lịch trong nước và cả nước ngoài.
Ngày 16/9/1945, trong không khí hân hoan của người dân khắp cả nước với niềm tin về một tương lai mới của đất nước, dòng người xếp hàng trên Quảng trường Nhà hát Lớn để được đóng góp của cải cho sự nghiệp gìn giữ nền Độc lập còn non trẻ mới giành được.
Sự ủng hộ nhiệt tình của quần chúng trong hai cuộc vận động “Tuần lễ Vàng” và “Quỹ Độc Lập” ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là thành quả của công tác dân vận, vận động quần chúng, đoàn kết mọi giai cấp, tầng lớp trong xã hội.
Phố Tràng Tiền ngày nay vừa hiện đại một cách quyến rũ với nhiều hàng quán sang trọng, cùng các hoạt động mua sắm, giải trí phong phú, nhưng vẫn mang vẻ hoài cổ từ những công trình trăm tuổi.
Con phố cũng là nơi tọa lạc của trung tâm thương mại kiểu phương Tây lớn nhất Hà Nội xưa, nay tên là Tràng Tiền Plaza, phía đối diện là Trung tâm Thông tin Triển lãm Thành phố Hà Nội.
Gần đó, vẫn thấy lưu giữ nét văn hóa xưa cũ, với sự hiện diện của những sạp báo, cửa hàng sách và văn hóa phẩm.
Trong Cách mạng Tháng Tám, lực lượng Việt Minh cùng nhân dân Hà Nội đã tiến công và chiếm giữ Bắc Bộ phủ, cơ quan đầu não của chính quyền tay sai Pháp ở Bắc Bộ ngày 19/8/1945.
Bắc Bộ phủ ngày nay trở thành Nhà khách Chính phủ, là nơi diễn ra các buổi giao lưu, gặp gỡ và tiệc chiêu đãi ngoại giao cùng nhiều hoạt động tiếp khách trong nước và quốc tế.
Ngày 20/8/1945, Ủy ban nhân dân chính quyền Bắc Bộ, đại diện cho chính quyền cách mạng lâm thời đã ra mắt tại Vườn hoa Con Cóc (hay còn gọi là Vườn hoa Diên Hồng).
Ngày nay, vườn hoa Con Cóc cũng vẫn là một điểm đến đặc biệt khám phá du lịch của Hà Nội.
Không chỉ dành cho người dân đi dạo và tập thể dục, các cặp đôi cô dâu, chú rể chụp ảnh cưới, nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật đường phố cũng được tổ chức tại nơi đây.
Ngôi nhà số 48 Hàng Ngang (Hà Nội), nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bản "Tuyên ngôn độc lập".
Sau 76 năm, ngôi nhà vẫn gìn giữ những kỷ vật mà Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn thường dùng trong những ngày Người sinh sống và làm việc tại nơi đây. Ngôi nhà 48 Hàng Ngang đã trở thành một địa chỉ đỏ để các thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về sự ra đời của bản "Tuyên ngôn độc lập".
Ngôi nhà số 48 Hàng Ngang thuộc sở hữu của ông Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ, doanh nhân buôn tơ lụa nổi tiếng giàu có những năm 40 của thế kỷ trước, sớm giác ngộ cách mạng và trở thành đảng viên Cộng sản.
Từ ngày 25/8 đến đầu tháng 9 năm 1945, gia đình ông Trịnh Văn Bô đã hết lòng phục vụ, chăm lo cho Bác Hồ và các đồng chí trong Trung ương Đảng. Tại căn phòng ở tầng 2, Bác đã dành toàn bộ tâm lực, trí tuệ và bản lĩnh để soạn thảo bản “Tuyên ngôn Độc lập”.
Sau này, ngôi nhà 48 Hàng Ngang đã được gia đình ông Trịnh Văn Bô hiến tặng cho Nhà nước và trở thành một di tích lịch sử.
Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản “Tuyên ngôn độc lập”, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Còn nguyên giá trị lịch sử, văn hóa sau 76 năm, quảng trường Ba Đình vẫn là trung tâm chính trị - văn hóa, là nơi diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước.
Năm 1945 đánh dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước. Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, lá cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên được treo lên Cột cờ Hà Nội, như một niềm tự hào đánh dấu bước ngoặt của lịch sử dân tộc.
Cột cờ Hà Nội được xây dựng năm 1812, dưới thời nhà Nguyễn trên phần đất phía nam của Hoàng thành Thăng Long, với mục đích làm đài quan sát.
Cột cờ cao 41 mét, gồm ba tầng đế và một thân cột. Các tầng đế có hình vuông, nhỏ dần lên trên, chồng xếp lên nhau.
Từ đỉnh của kỳ đài, có thể quan sát được toàn bộ thành phố và vùng ngoại ô. Đó là lý do thực dân Pháp đã không phá hủy trong giai đoạn Pháp thuộc.
Từng là vọng canh trong quần thể Di tích Hoàng thành Thăng Long, vượt qua sự khắc nghiệt của thời gian và tàn phá, chứng kiến những sự kiện trọng đại của dân tộc, Cột cờ Hà Nội vẫn sừng sững tung bay lá cờ đỏ sao vàng, như biểu trưng cho ý chí độc lập - tự do của nhân dân Việt Nam.
Thực hiện: MINH DUY, PHAN ANH
Ảnh: TƯ LIỆU TTXVN, DƯƠNG TRUNG QUỐC