Di dời tòa nhà

Chuyện khó tin ở Moskva

Câu chuyện về bệnh viện mắt vẫn tiếp nhận bệnh nhân ngay cả khi người ta đang dịch chuyển cơ sở này sang một vị trí khác là sự thật. Trên phố Tverskaya cách đây hơn 80 năm, ngoài bệnh viện mắt, những người Liên Xô (trước đây) còn dịch chuyển nhiều tòa nhà nữa. Đó là một trong những hoạt động kỹ thuật đáng kinh ngạc nhất từng diễn ra ở Moskva.

Phố Tverskaya hiện là một trong những con đường chính của Moskva, kéo dài 1,6 km từ điện Kremlin ra hướng tây bắc. Phố mang tên như bây giờ từ thế kỷ 14, theo tên của con đường dẫn đến Tver, địa phương mà Moskva có quan hệ thân thiết từ thế kỷ 12. Là một trong những con đường cổ nhất Moskva, từ thế kỷ 18, Tverskaya trở thành con phố chính của thành phố.

Qua 2 năm ảnh hưởng dịch bệnh, tại con phố từng tấp nập các cửa hiệu thời trang nổi tiếng, quán cà phê, quán ăn,... nay treo nhiều biển hiệu cho thuê mặt bằng. Khách du lịch vắng hẳn, nhưng giữa lòng đường 8 làn xe, lúc nào cũng tấp nập phương tiện đi lại. Để có chiều rộng “đáng tự hào” như hôm nay, đường Tverskaya đã trải qua một quá trình mở rộng quy mô lớn, bằng cách dịch chuyển các tòa nhà vào trong.

Nghệ thuật dịch chuyển nhà

Lịch sử dịch chuyển vị trí các tòa nhà và công trình kiến trúc bắt đầu từ thời Phục hưng. Năm 1455, Aristotle Fioravanti, một kỹ sư người Italia đã dịch chuyển tháp chuông nhà thờ Santa Maria Maggiore tại quê hương ông. Nhưng trong nỗ lực tiếp theo ở Venice, A.Fioravanti thất bại. Danh tiếng bị hoen ố có thể là một trong những lý do khiến vị kiến trúc sư này chuyển đến sinh sống và làm việc ở Moskva từ năm 1475, nơi ông đã xây dựng nhà thờ Assumption nổi tiếng trong Điện Kremlin.

Kiến trúc sư Aristotle Fioravanti (1415-1486). (Ảnh: rbc.ru)

Kiến trúc sư Aristotle Fioravanti (1415-1486). (Ảnh: rbc.ru)

Với những thành tựu trong lĩnh vực kỹ thuật, A.Fioravanti khiến người dân Moskva không khỏi ngạc nhiên vì sự thông thái của ông. A.Fioravanti cũng có thể được coi là kỹ sư chuyên nghiệp đầu tiên trên đất Nga, thậm chí với nhiều người, ông là cha đẻ của trường phái kiến trúc Nga.  

Sau “sự kiện A.Fioravanti”, phong trào dịch chuyển vị trí các tòa nhà tạm lắng trong khoảng 4 thế kỷ. Vào những năm 70 của thế kỷ 19, người Mỹ đã “cho sống lại” kỹ thuật này. Lúc đầu, họ chuyển những ngôi nhà nhỏ 1 hoặc 2 tầng, sau đó họ cho di dời cả vùng. Thí dụ, vào năm 1925, ở Osborne, 552 ngôi nhà đã phải di dời 2,5 km để tránh lụt. Với kinh nghiệm tích lũy được, người Mỹ tiếp tục di dời các tòa nhà lớn hơn. Năm 1930, tòa nhà tổng đài điện thoại ở Indianapolis nặng 11 nghìn tấn và cao 8 tầng được chuyển đến một địa điểm mới.

Tại Nga, các dự án dịch chuyển nhà đã bắt đầu ở Moskva trước cả những năm Xô viết, cụ thể là từ cuối thế kỷ 19. Đó là dự án mở rộng các con đường của tuyến đường sắt Saint Petersburg - Moskva.

Dù vậy, phong trào di dời nhà thật sự diễn ra mạnh mẽ ở Moskva từ những năm 30 của thế kỷ 20, thời điểm thành phố tái thiết quy mô lớn, với các dự án mở rộng phố, xây cầu đường. Nhiều ngôi nhà được lên kế hoạch phá dỡ. Song do nguồn cung nhà ở tại Moskva khiêm tốn, thay vì đập bỏ, người ta tìm cách để di dời các tòa nhà sang vị trí mới. Trong bối cảnh đó, người hùng của Nga xuất hiện.

Hầu hết các dự án dịch chuyển nhà của Liên Xô (trước đây) đều do Emmanuel Gendel, một kỹ sư dân dụng Liên xô gốc Do thái phát triển và thực hiện. Những năm 1930, Gendel làm việc tại Metrostroy, gia cố nền móng những ngôi nhà nằm gần đường hầm tàu điện ngầm Moskva. Năm 1935, trong quá trình xây dựng giai đoạn 2 của hệ thống tàu điện ngầm, ông Gendel đã chuyển trạm biến áp xe điện từ Tverskaya đến Brestskaya 2. Điều này đã giúp người kỹ sư này nảy ra ý tưởng về “giải pháp” cho quá trình tái thiết Moskva.

Dịch chuyển nhà trên phố Osipenko. (Ảnh: rbc.ru)

Dịch chuyển nhà trên phố Osipenko. (Ảnh: rbc.ru)

Năm 1936, một cơ quan được thành lập trực thuộc Hội đồng Moskva, có nhiệm vụ triển khai các dự án di dời và gia cố các tòa nhà. Gendel làm kỹ sư trưởng. Nhiệm vụ đầu tiên là di dời một tòa nhà nặng 8 nghìn tấn và cao 5-6 tầng, được xây dựng vào năm 1929, nằm trên phố Osipenko (nay là phố Sadovnicheskaya), gần cầu Krasnokholmsky. Tòa nhà đã được dịch chuyển thành công trong 3 ngày, bảo đảm an toàn cho các công trình gần cầu.

Thực hiện như thế nào?

Ý tưởng chung của kỹ thuật dịch chuyển các tòa nhà là cắt bỏ phần móng của tòa nhà tại vị trí ban đầu, rồi bằng các phương pháp khác nhau đưa toàn bộ tòa nhà lên hệ thống đường ray. Từ đó, dịch chuyển tòa nhà đến vị trí mới đã xác định.

Kỹ thuật dịch chuyển các tòa nhà ở Moskva thường được thực hiện theo 6 bước:

Bước 1: Củng cố nhà bằng khung sắt

Ở Moskva, tất cả những ngôi nhà phải di dời đều có tường gạch chịu lực. Khi dịch chuyển, nếu lớp gạch này được đặt trên đường ray, nó sẽ vỡ ngay vì không chịu nổi sức nặng. Vì vậy, công nhân đã “khoác” cho tòa nhà một khung sắt. “Lồng sắt” được lắp đặt dọc theo viền các bức tường chịu lực.

Nhà được khoác khung sắt khi dịch chuyển. (Ảnh rbc.ru)

Nhà được khoác khung sắt khi dịch chuyển. (Ảnh rbc.ru)

Bước 2: Xây móng mới

Ngôi nhà sẽ được cắt bỏ phần móng cũ và đặt trên móng mới. Vì vậy, bước quan trọng là xây móng nhà ở một vị trí mới.

Bước 3: Cắt móng nhà

Người Mỹ thường làm theo cách sau: Họ đặt kích dưới tòa nhà và nâng tòa nhà lên, đặt đường ray vào khe hở và hạ tòa nhà xuống. Nhận thấy việc để nâng lên và hạ nhà xuống cần thêm thời gian và chi phí, kỹ sư Gendel đã tìm ra phương pháp được cho là dễ dàng hơn, nhanh hơn và tiết kiệm chi phí hơn.

Cụ thể, trên phần tường dưới các khung sắt vừa được lắp đặt, người ta đục nhiều lỗ, gọi là các “cửa sổ”; dưới tầng hầm của tòa nhà các công nhân rải sỏi, đặt tà vẹt và đường ray. Các đường ray này được thiết kế dọc từ vị trí cũ đến địa điểm mới của tòa nhà.

Trên các đường ray bố trí các con lăn. Các thanh dầm lớn bằng kim loại chạy theo con lăn và chui qua các “cửa sổ”, sao cho giữa khung sắt bọc tường chịu lực và thanh dầm có một khoảng 1-2 cm.

Tiếp theo, người ta thêm thanh chêm vào khoảng trống giữa khung sắt và thanh dầm, rồi hàn chắc lại. Giờ thì tòa nhà không chỉ nằm trên nền móng của chính nó, mà còn trên các đường ray có gắn con lăn và thanh dầm. Việc còn lại là đập vỡ các khoảng tường giữa các “cửa sổ”. Móng cũ hoàn toàn đã được cắt rời. Ngôi nhà hiện chỉ đứng trên đường ray.

Các con lăn, thanh dầm và khung sắt khi chuyển nhà. (Ảnh: rbc.ru)

Các con lăn, thanh dầm và khung sắt khi chuyển nhà. (Ảnh: rbc.ru)

Bước 4: Di chuyển tòa nhà

Để dịch chuyển tòa nhà, người ta sử dụng kích và tời. Tương tự cách đẩy một chiếc xe bị chết máy. Quan trọng nhất là di chuyển nó khỏi vị trí cũ, sau đó nó tự lăn từ từ. Đối với tòa nhà cũng vậy. Để di chuyển nó, phải kết hợp cả tời và kích, sau đó nó lăn nhờ tời.

Bước 5: Đặt tòa nhà trên nền móng mới

Khi nhà đã di chuyển, nhiệm vụ là đặt nó trên nền móng mới. Bước này tương tự như bước thứ 3, song theo trình tự ngược lại. Khi ngôi nhà đã được dịch chuyển đến vị trí mới, người ta xây các phần tường giữa các “cửa sổ”, cắt bỏ các thanh chêm, tháo dầm, đường ray và bịt kín các “cửa sổ”. Tòa nhà hoàn toàn nằm trên nền móng mới.

Bước 6: Điều gì xảy ra với các cư dân?

Câu trả lời là chẳng có gì đặc biệt. Họ tiếp tục sống trong ngôi nhà như họ đã từng sống. Trên thực tế, một trong những bước đầu tiên khi chuyển nhà là ghép đường ống kiên cố và hệ thống dây dợ thông tin liên lạc sang đường ống tạm thời. Để làm được điều này, hệ thống cấp và thoát nước đã được đưa lên phía trên mặt cắt và được kết nối với mạng lưới của thành phố bằng các ống mềm. Người dân đi bộ về nhà dọc theo những chiếc cầu gỗ tạm thời.

Những lần thực hiện đáng kinh ngạc

Trong năm 1937, một tòa nhà xây dựng năm 1929 được di dời trên phố Serafimovich. Nhưng nảy sinh vấn đề là địa điểm mới cao hơn địa điểm cũ gần 2 m, tức là dịch chuyển theo đường dốc. Để hoàn thành nhiệm vụ, đầu tiên, tòa nhà được nâng lên. Dầm chạy, con lăn và đường ray được đưa xuống dưới, một phần nằm trên mặt đất ở địa điểm mới, một phần nằm trên cọc gỗ. Thực tế thì ngôi nhà đã được treo trên không.

Dịch chuyển tòa nhà Savvinsky trên phố. (Ảnh rbc.ru)

Dịch chuyển tòa nhà Savvinsky trên phố. (Ảnh rbc.ru)

Năm 1938, tòa nhà Savvinsky được dịch chuyển trên phố Tverskaya. Với trọng lượng 22,5 nghìn tấn, ngôi nhà được xây vào năm 1907 theo trường phái Tân nghệ thuật Nga này trở thành kết cấu nặng nhất trong số những tòa nhà được dịch chuyển trên thế giới. Tòa nhà được dời đi 50 m trong 3 ngày.

Kỷ lục này khiến nhiều người tò mò. Chúng tôi tìm đến tòa nhà Savvinsky, hiện nằm thụt vào trong, sau một tòa nhà mới có cổng chào trên phố Tverskaya. Mặt tiền Savvinsky được lát gạch men nhiều mầu, cùng những mảng khảm, được xem là một trong những thí dụ thành công nhất về việc áp dụng các kỹ thuật của xu hướng lãng mạn - dân tộc trong trường phái Tân nghệ thuật, lối kiến trúc thịnh hành tại Nga cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Đặc trưng của phong cách này là kết hợp các vật liệu và cấu trúc hiện đại với các họa tiết trang trí cổ, truyền thống của Nga.

Tòa nhà Savvinsky hiện tại. (Ảnh: THANH THỂ)

Tòa nhà Savvinsky hiện tại. (Ảnh: THANH THỂ)

Item 1 of 3

Tòa nhà Savvinsky hiện tại. (Ảnh: THANH THỂ)

Tòa nhà Savvinsky hiện tại. (Ảnh: THANH THỂ)

Tòa nhà Savvinsky vẫn đang hoạt động với nhiều văn phòng sáng đèn. Những cửa sổ có mái vòm dày, lồi ra, chắc chắn. Trên cửa sổ trang trí hoa văn thực vật tinh tế. Tòa nhà có 4 mặt, ở giữa là khoảng sân và cổng trời lớn. Mặt chính gắn biển di tích kiến trúc được nhà nước gìn giữ.   

Từ tòa nhà Savvinsky, đi ngược lên theo hướng xa dần Quảng trường Đỏ, có thể nhận ra tòa thị chính Moskva với tường mầu đỏ hồng, 8 cột trụ tròn ở mặt tiền nửa phía trên. Năm 1939, tòa nhà này là cơ quan Hội đồng thành phố Moskva, cũng phải lùi ra sau để mở rộng đường.

Tại đây, Gendel đối mặt một số khó khăn. Thứ nhất, ông phải di chuyển một di tích lịch sử - tòa nhà lúc đó đã hơn 150 tuổi. Điều này buộc ông phải nghiên cứu cẩn thận tình trạng kỹ thuật của toàn nhà và tăng cường các kết cấu cần thiết. Thứ hai, do không muốn để việc đào đất đặt đường ray và dầm ảnh hưởng công việc của Hội đồng thành phố, mọi việc đều được thực hiện dưới lòng đất. Rất may là Gendel đã có kinh nghiệm khi xây dựng tàu điện ngầm. Cuối cùng thì tòa nhà của Hội đồng thành phố vẫn đứng yên; công việc chuẩn bị dưới đất diễn ra trong vài tháng.

Một ngày tháng 9, tòa nhà được lùi vào trong, để lộ ra một cái hố sâu bên dưới. Việc dịch chuyển cơ sở Hội đồng thành phố cũng diễn ra nhanh nhất trong lịch sử. Một tòa nhà nặng 20 nghìn tấn được di chuyển 13,5 m chỉ trong 41 phút.

Tòa Hội đồng thành phố Moskva, nay là Tòa thị chính Moskva. (Ảnh: THANH THỂ)

Tòa Hội đồng thành phố Moskva, nay là Tòa thị chính Moskva. (Ảnh: THANH THỂ)

Thêm một tòa nhà khác là bệnh viện mắt ở Tverskaya được đề cập đầu bài, được dịch chuyển vào năm 1940. Tòa nhà được quay 97 độ, để mặt tiền của nó không bị khuất trong sân, sau đó được dịch chuyển 20m theo hướng xiên, và thậm chí nâng lên 1 tầng. Trong thời gian dịch chuyển, bệnh viện vẫn không dừng tiếp nhận bệnh nhân.

Sau chiến tranh và sau khi Stalin qua đời, các kế hoạch hoành tráng tái thiết Moskva dừng lại. Nhà cửa cũng không cần phải dịch chuyển nữa. Còn kiến trúc sư Gendel chăm chỉ với công việc trùng tu các di tích kiến trúc.

Thực tế thì các dự án dịch chuyển tòa nhà ở Moskva tiếp tục diễn ra cho đến cuối thế kỷ 20, nhưng Gendel không tham gia. Năm 1979, sau khi hoàn thành xây dựng tòa soạn báo Izvestia của Ban chấp hành trung ương Liên Xô và Ban chấp hành trung ương toàn Nga trên đại lộ Tverskaya, người ta quyết định dịch nhà in Sytin sang một bên để tránh cản tầm nhìn. Nhà in Sytin được di chuyển 33 m dọc theo đường phố, đến góc Nastasinsky. Kinh nghiệm của những năm 1930 đã không được sử dụng, mà tòa nhà được gia cố bằng khung kim loại và được kéo đi an toàn bằng 3 đai lớn.

Dịch chuyển tòa nhà Sytin từ phải qua trái. (Ảnh: rbc.ru)

Tòa Sytin và tòa Izvestia hiện nay. (Ảnh: THANH THỂ)

Ngày nay, đứng trước tượng đài đại thi hào A.Puskin trên phố Tverskaya, có thể trông thấy rõ tòa nhà Izvestia, với mặt tiền thông thoáng khi nhà in Sytin đã dịch hẳn sang một bên. Chứng kiến không gian rộng lớn, thoáng đạt, nhiều người cảm thấy tự hào với những lần Moskva có thể di dời cả một tòa nhà hàng chục nghìn tấn chỉ trong một thời gian ngắn.

Năm 1983, nhà hát nghệ thuật Moskva ở Kamergersky xây lại hộp sân khấu. Chiếc hộp đã được cưa ra khỏi tòa nhà chính của nhà hát và lùi 24 m, giúp kéo dài tòa nhà, phục vụ sắp đặt các thiết bị mới. Từ đó về sau, việc di chuyển vị trí các tòa nhà hầu như không được thực hiện.

Tách hộp sân khấu nhà hát nghệ thuật Moskva. (Ảnh: rbc.ru)

Tách hộp sân khấu nhà hát nghệ thuật Moskva. (Ảnh: rbc.ru)

Tuy nhiên, tháng 7/2020, một sự kiện được cho là lịch sử lại diễn ra. Tại công trường xây dựng tiểu khu Sheremetevsky, các tòa nhà của thế kỷ 19 gồm tháp nước, nhà xưởng đã được dịch chuyển. Sự kiện này phần nào an ủi giới kiến trúc sư, những người vẫn tỏ ra nuối tiếc khi hằng năm một số tòa nhà lịch sử phải biến mất. Với những công dân thủ đô, việc di dời tòa nhà có thể cho phép Moskva vừa trở thành một thành phố phát triển năng động, vừa giữ lại những di tích lịch sử.

Người dân Nga đang hân hoan khi Moskva vừa được Liên hợp quốc công nhận là đô thị tốt nhất trên thế giới về phát triển cơ sở hạ tầng và chất lượng sống. Một trong những yếu tố làm nên chất lượng cuộc sống cao ở thủ đô của “xứ sở Bạch dương”, không gì khác chính là trân trọng những giá trị lịch sử, vốn vẫn trường tồn cùng những tòa nhà có tuổi đời lên đến hàng trăm năm./.


Ngày xuất bản: 20/02/2022
Tổ chức sản xuất: TRƯỜNG SƠN
Nội dung: THANH THỂ (Phóng viên báo Nhân Dân thường trú tại Liên bang Nga)
Trình bày: HOÀNG HÀ