Điểm nghẽn
cần khơi thông

Vẫn còn những điểm nghẽn được tạo ra bởi cả yếu tố khách quan và chủ quan khiến quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực hành chính gặp phải những trở ngại không đáng có...

Sự linh hoạt từ cơ sở

“Ngày thứ 6 không viết” là lựa chọn được UBND phường Trung Văn (quận Từ Liêm, Hà Nội) thực hiện tại bộ phận một cửa, để linh hoạt trước thực tế còn một số người dân chỉ tự tin khi kê khai các loại hồ sơ trên giấy mà kém kỹ năng sử dụng mạng. Hai đoàn viên thanh niên túc trực tại trụ sở, sẵn sàng giúp đỡ những người còn ngại ngần khi đăng ký dịch vụ công trên internet theo quy định. Có thời gian dài bám sát công việc, Nguyễn Thị Bích Thuận, cán bộ tư pháp phường chia sẻ: Có nhiều người dân thao tác thành thạo, trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia hay Cổng Dịch vụ công của Hà Nội, dù vậy cũng có người chưa quen hay còn bỡ ngỡ, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ ngay tại bộ phận một cửa. Đẩy mạnh khai thác dịch vụ công trực tuyến, người dân sẽ thuận lợi hơn nhiều, ngược lại cán bộ làm việc trực tiếp vất vả hơn một chút vì phải thêm công đoạn tra cứu hồ sơ.

“Vất vả hơn”, theo Nguyễn Thị Bích Thuận và nhiều cán bộ cơ sở phường, xã... còn là sự chưa đồng bộ của hệ thống. Theo quy trình được Trung tâm dữ liệu Quốc gia về công dân hướng dẫn, có 7 cách sử dụng thông tin công dân thay cho hộ khẩu: Sử dụng thẻ CCCD gắn chíp điện tử để chứng minh thông tin cá nhân, nơi thường trú; Sử dụng thiết bị đọc mã QR-code trên thẻ CCCD gắn chíp để đọc thông tin công dân; Sử dụng thiết bị đọc chíp trên thẻ CCCD (hiện công an cấp huyện đã được trang bị và đang sử dụng); Tra cứu, khai thác thông tin cá nhân trực tuyến trong Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư; Sử dụng thông tin tài khoản định danh điện tử cấp độ 2 trên ứng dụng VNeID; Trực tiếp đến cơ quan đăng ký cư trú trên cả nước đề nghị cấp giấy xác nhận cư trú hoặc gửi yêu cầu xác nhận qua Cổng dịch vụ công trực tuyến trong trường hợp cần phải có giấy xác nhận; Sử dụng thông báo số định danh cá nhân và thông tin trong Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư do công an phường xã nơi công dân cư trú cấp... Tuy nhiên ghi nhận từ thực tế thì ngay cả khi đã được cung cấp thiết bị đọc QR-code thì không phải lúc nào máy cũng chịu “đọc” và “đọc” được hay người dân còn thiếu thông tin cá nhân, thông tin cá nhân trên CCCD gắn chíp còn sai lệch so với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư... Hạ tầng công nghệ nhiều nơi còn thiếu và yếu, không tương thích với hệ thống cũng là ách tắc chưa thể giải quyết trong ngày một ngày hai. Những bất cập này đã ảnh hưởng phần nào tới hiệu quả chung, gia tăng thời gian đi lại, chờ đợi cho người dân và áp lực cho cả cán bộ công chức, viên chức cơ sở...

Các kỹ sư vận hành Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.Ảnh: Trần Hải

Các kỹ sư vận hành Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.Ảnh: Trần Hải

Hóa giải tâm lý e ngại cho cả người dân và cán bộ

Trực chiến thường xuyên tại đơn vị, Thiếu tá Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm dữ liệu Quốc gia về dân cư cho rằng, có nhiều lý do, trong đó có cả tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, quen làm việc với văn bản giấy còn đeo đẳng trong cả người dân lẫn cán bộ công chức, viên chức... khiến kết quả triển khai Đề án 06 ở nhiều địa phương chưa được như mong muốn. Điều này được ghi nhận ngay trên hệ thống, qua sự truy cập, kết nối của các địa phương, bộ, ngành vào Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư. Toàn bộ các thao tác kết nối vào Cơ sở dữ liệu Quốc gia đều được giám sát, lưu trữ, bảo đảm an toàn. Một bộ phận người dân cũng mơ hồ khi nhận thức, Luật Cư trú đã bỏ hộ khẩu trong khi, theo Thiếu tá Hoàng Anh Dũng, chỉ bỏ sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy và chuyển sang hình thức quản lý trên môi trường điện tử. Tính tới 9/3, vẫn còn khoảng 260 thủ tục có yêu cầu người dân nộp giấy tờ xác nhận cư trú được đề nghị sửa đổi, thay thế bằng các quy trình trực tuyến.

Thứ bảy, khu văn phòng Trung tâm dữ liệu Quốc gia về dân cư (trực thuộc Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội-CO6-Bộ Công an) vẫn làm việc như bình thường. Ở đơn vị này, lâu nay các cán bộ, chiến sĩ đã hầu như không có ngày nghỉ, giờ nghỉ. Đảm trách khối lượng công việc khổng lồ cùng tầm quan trọng vô cùng lớn, trung tâm được coi như cốt lõi để xây dựng xã hội số, chính phủ số... Phương thức quản lý, quản trị xã hội, con người được thay đổi triệt để trên nền tảng ứng dụng khoa học công nghệ..., đáp ứng nhanh nhất các nhu cầu của người dân và nền kinh tế số chính là mục tiêu bền vững của trung tâm từ khi thành lập tới nay... Dù tất bật với núi công việc đồ sộ, nhưng hằng ngày, Trung tâm dữ liệu Quốc gia về dân cư vẫn cắt cử cán bộ, chiến sĩ nhẫn nại trả lời các thắc mắc, khiếu nại của người dân trên fanpage... Thiếu tá Hoàng Anh Dũng, tiết lộ: Ngay tại trụ sở, qua các số điện thoại đường dây nóng và cả cá nhân, lượng cuộc gọi mong muốn được giải đáp thêm thông tin nhiều không kể xiết. Đã được cấp tài khoản định danh điện tử cấp độ 2, có dữ liệu giấy phép lái xe trên cơ sở dữ liệu của Bộ Giao thông vận tải, nhưng không thể tích hợp vào VNeID; nhầm lẫn thông tin nhân thân trên VNeID..., người dân có thể yên tâm, những trục trặc kiểu này sẽ được giải quyết triệt để khi ứng dụng VNeID luôn được nâng cấp, hoàn thiện, tích hợp các chức năng mới thường xuyên. CCCD gắn chíp đã được kết hợp vào nhiều loại giấy tờ đang phát huy sự tiện lợi trong cuộc sống.

Mới đây, ngày 19/2, Công an xã Thanh Phong (huyện Thanh Liêm, Hà Nam) đã nhanh chóng xác minh trên hệ thống của thẻ CCCD gắn chíp điện tử để tra soát, tìm ra chủ nhân của một chiếc ví bị đánh rơi và trao trả giấy tờ, tài sản đúng người. CCCD gắn chíp, số định danh và xác thực điện tử tạo điều kiện cho người dân yên tâm giao dịch nhiều hơn, đa dạng hơn trên không gian mạng. Những dữ liệu này được các địa phương, bộ, ngành chia sẻ, khai thác nhanh chóng, chính xác, giúp giảm thiểu tối đa thời gian thực hiện các thủ tục hành chính cũng như các dịch vụ công khác hóa giải được các “điểm nghẽn” này.

Người dân làm căn cước công dân gắn chíp. Ảnh: Nguyễn Hưởng

Người dân làm căn cước công dân gắn chíp. Ảnh: Nguyễn Hưởng

Nặng về số lượng, nhẹ về chất lượng

66% thủ tục hành chính (khoảng 4.290 dịch vụ công trực tuyến) đã được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Tuy nhiên, theo đánh giá của chính lãnh đạo nhiều địa phương, bộ, ngành được công bố trong nhiều cuộc họp trực tuyến, Cổng Dịch vụ công Quốc gia cũng chưa thuận tiện cho khai thác điện tử, chưa khiến người sử dụng yên tâm khi thực hiện thanh toán trực tuyến. Ngoài ra, người dân mới chỉ tập trung vào các dịch vụ công thiết yếu trên Cổng (khoảng trên 25%) cũng do một số địa phương, bộ, ngành còn chần chừ, chậm trễ trong chia sẻ dữ liệu, kết nối dùng chung. “Dữ liệu là tài nguyên”, nên vẫn tiếp diễn tình trạng cát cứ, luyến tiếc, “câu giờ” trước yêu cầu đồng bộ hóa vào hệ thống. Cơ sở dữ liệu về đất đai, Cơ sở dữ liệu về nhà ở do Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm, dự kiến hoàn thiện trong năm 2023; cùng với Cơ sở dữ liệu về khám, chữa bệnh, Cơ sở dữ liệu người có công theo lịch trình công bố trong nửa đầu năm nay... hứa hẹn sẽ đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc, cắt giảm bớt các loại giấy tờ thủ tục hành chính, liên quan đến quyền lợi sát sườn của cả người dân và doanh nghiệp... Đẩy nhanh và liên tục quá trình “làm giàu dữ liệu” cũng tức là tích lũy thêm được nhiều “tài nguyên”, người dân, doanh nghiệp, cả nền kinh tế càng nhanh được hưởng lợi ích...

Tổ chức thực hiện :
Ban Nhân Dân hằng tháng
Nội dung :
Khánh Lam-Thanh Huyền-Xuân Thu-Danny Ngô-Mi Sol
Trình bày mỹ thuật :
Duy Thanh
Ảnh :
Trần Hải, Xuân Thu, Nguyễn Hường, Ngọc Thạch, nguồn internet