Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 đã làm thất bại hoàn toàn kế hoạch Nava, buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Giơnevơ, thừa nhận nền độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nhân dân 3 nước Đông Dương, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Thắng lợi đó là sự kết tinh của nhiều nhân tố, trước hết, đó là thắng lợi của thế trận chiến tranh nhân dân, toàn dân đánh giặc, dưới sự lãnh đạo của Đảng đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó còn là thắng lợi của sự phát huy cao độ truyền thống đại đoàn kết, ý chí quyết chiến, quyết thắng của toàn thể dân tộc Việt Nam trong lịch sử dựng nước và giữ nước.

Đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng

Tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ hai, Đảng ta xác định đây là cuộc kháng chiến: “Toàn dân, toàn diện, lâu dài, tự lực cánh sinh”, ngay trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “…bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc hễ là người Việt Nam thì đều phải đứng lên đánh đuổi giặc Pháp, cứu Tổ quốc”1. Hưởng ứng lời kêu gọi của Người, toàn dân, toàn quân ta từ Bắc chí Nam, từ rừng núi, nông thôn đồng bằng đến đô thị, đâu đâu cũng đứng lên đoàn kết chiến đấu, cùng các lực lượng vũ trang càng đánh càng mạnh, từng bước giành lại quyền chủ động chiến lược trên chiến trường chính, đẩy quân địch vào thế sa lầy, bị động. Lời kêu gọi ấy có sức mạnh lan tỏa, hiệu triệu nhân dân khắp nơi nô nức tòng quân tham gia phối hợp với chủ lực chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ đã có hàng vạn dân công tham gia tải thương, gùi lương thực, thực phẩm, vũ khí, trang bị vào phục vụ chiến trường; xẻ núi, bạt đèo cho bộ đội ta kéo pháo vào trận địa, đóng góp nhiều nhất của cải và tài sản của mình làm cách mạng. Chưa bao giờ khí thế lại trào dâng mãnh liệt đến như vậy, thế trận chiến tranh nhân dân ấy đã trở thành bức thành đồng vững chắc nhấn chìm bè lũ bán nước và cướp nước. Thế trận ấy vì một mục tiêu duy nhất: chiến đấu vì độc lập tự do của dân tộc, tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng. Chỉ tính riêng nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã đưa ra tiền tuyến 9.000 tấn gạo, nhân dân tỉnh Lai Châu đóng góp cho Điện biên Phủ 2.666 tấn gạo, 226 tấn thịt; 210 tấn rau xanh, huy động 16.972 dân công, tham gia 517,210 ngày công; 348 ngựa thồ, 58 thuyền mảng, đóng góp 25.070 cây gỗ để làm đường2. Nhân dân Liên khu 5 trong 4 năm từ 1951-1954 đã đóng góp 1.322.600 tấn thóc và số tiền tương đương 1.500.000 tấn. Nhân dân cả nước đóng góp 25.056 tấn gạo, góp 26 vạn người đi dân công hỏa tuyến, riêng tuyến hậu cần chiến dịch đã sử dụng lực lượng khoảng 33.500 người phục vụ với hơn 30.000 ngày công. Trong 4 năm từ 1950-1954, ta khôi phục và mở rộng 3.670km đường cũ, làm 505km đường mới, trong đó đường vận tải chiến lược dài 2.080km3.

Thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ, Hồ Chủ Tịch trực tiếp giao nhiệm vụ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghiên cứu kế hoạch tác chiến và mở chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)

Thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ, Hồ Chủ Tịch trực tiếp giao nhiệm vụ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghiên cứu kế hoạch tác chiến và mở chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)

Cùng với hoạt động tác chiến của các lực lượng quân sự, công tác hoạt động bảo đảm phục vụ cho chiến dịch cũng được tiến hành rất khẩn trương. Hàng đêm có tới 200 xe tải, xe kéo pháo ra vào trận địa, hàng trăm xe đạp thồ vận chuyển gạo, đạn, nhu yếu phẩm phục vụ chiến đấu, mỗi xe bằng nhiều sáng kiến thồ được từ 200-300kg. Công tác vận chuyển đường sông cũng được chú trọng, để bảo đảm cho công tác vận chuyển được thuận lợi, 103 thác dữ ở Nậm Na được khắc phục làm cho dòng sông trở nên dịu hiền, nhiều tấm gương phá thác dữ như đồng chí Phan Tư được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang. Công tác bảo đảm được thực hiện với nhiều cách sáng tạo để vận chuyển thuốc nổ như: hơ nóng lá chuối tươi cho mềm rồi gói thuốc nổ, rồi dùng cơm nếp giã nhuyễn để bịt ngòi nổ rồi buộc chặt vào đầu cây dài đưa xuống sâu lòng thác để phá thác…

Công tác tổ chức hậu cần cũng được hoàn thiện dần cùng với các hoạt động tác chiến, kết hợp tổ chức hậu cần địa phương với Hội đồng cung cấp từ Trung ương tới liên khu, tới tỉnh, hình thành mạng lưới cung cấp, huy động nhân, vật lực ở các địa phương, kết hợp nguồn trên cấp, nguồn địa phương và nguồn khai thác tại chỗ, phát huy hậu cần nhân dân bảo đảm cho chiến dịch giành thắng lợi. Thế trận hậu cần đó chỉ có thể có được từ thế trận chiến tranh nhân dân mà thôi4.

…bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc hễ là người Việt Nam thì đều phải đứng lên đánh đuổi giặc Pháp, cứu Tổ quốc
Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tổ chức lực lượng hợp lý, triển khai thế trận chiến tranh nhân dân trước trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ

Để làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc, lập thế trận chiến tranh nhân dân, trước hết ta tổ chức các đại đoàn chủ lực và một số binh chủng kỹ thuật. Ngay từ cuối năm 1949 đầu 1950 các đại đoàn nhanh chóng được thành lập: Đại đoàn 308 (28/8/1949), Đại đoàn 304 (10/3/1950), Đại đoàn 325 (5/12/1952)… Đến cuối 1952, ta đã có sáu đại đoàn 304, 308, 312, 316, 320, 325 và Đại đoàn Công - Pháo 351. Cùng với sự lớn mạnh vượt bậc của các đại đoàn chủ lực ta chủ trương xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân, đẩy mạnh chiến tranh du kích tiến lên vận động chiến.

Lịch sử dân tộc đã chứng minh: muốn chống lại một đội quân xâm lược lớn mạnh hơn về lực lượng và phương tiện chiến tranh thì không thể chỉ trông cậy vào đội quân thường trực mà phải huy động toàn dân đánh giặc, kết hợp tác chiến của quân đội chủ lực và vũ trang toàn dân, không giới hạn ở phương thức tác chiến thông thường, mà là thế trận và phương thức của sự nổi dậy của quần chúng tiến hành chiến tranh cách mạng và các đội du kích ở khắp nơi - thế trận chiến tranh nhân dân. Thông qua thực tiễn chiến đấu, ta đã kịp thời rút kinh nghiệm trong toàn quân, toàn dân, tiến hành chỉnh huấn đôn quân, nâng cao bản chất giai cấp của quân đội nhân dân cách mạng, chính qui, hoàn chỉnh tổ chức biên chế, trang bị. Từng bước hình thành phương thức tác chiến tiến công các cứ điểm, cụm cứ điểm phòng ngự trong công sự vững chắc, nâng cao khả năng phối hợp giữa các lực lượng trong tác chiến, giữa tác chiến của các đại đoàn chủ lực cơ động với lực lượng vũ trang địa phương, dân quân du kích, lập thế trận chiến tranh nhân dân trên phạm vi cả nước và trên toàn chiến trường Đông Dương, làm cho địch dần mất thế chủ động. Đó là nghệ thuật tổ chức, chỉ đạo lực lượng vũ trang 3 thứ quân và nghệ thuật tổ chức và động viên nhân dân tham gia kháng chiến kiến quốc bằng mọi thứ vũ khí có trong tay, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng vũ trang, phát huy sức mạnh vật chất và tinh thần đánh thắng địch.

... phải huy động toàn dân đánh giặc, kết hợp tác chiến của quân đội chủ lực và vũ trang toàn dân, không giới hạn ở phương thức tác chiến thông thường, mà là thế trận và phương thức của sự nổi dậy của quần chúng tiến hành chiến tranh cách mạng và các đội du kích ở khắp nơi - thế trận chiến tranh nhân dân.

Lập thế trận chiến tranh nhân dân đánh địch trên tất cả các mặt: chính trị, kinh tế, văn hóa, tư tưởng, ngoại giao, quân sự bằng sức mạnh tổng hợp. Kết hợp đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị, kinh tế, binh vận và ngoại giao. Để chiến thắng kẻ thù lớn mạnh, có tiềm lực về quân sự, kinh tế… ta không chỉ dựa vào đấu tranh vũ trang, bởi so sánh lực lượng quân sự giữa hai bên giữa ta và địch trong toàn cuộc chiến tranh thường chênh lệch, gây bất lợi cho ta. Nên vừa phải giành thắng lợi trong đấu tranh vũ trang, vừa phải thắng địch trên các mặt đấu tranh khác. Thế trận chiến tranh nhân dân được tiến hành với hai lực lượng quân sự và chính trị, hai hình thức đấu tranh, đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị. Kết hợp chặt chẽ chiến tranh cách mạng và khởi nghĩa vũ trang, giữa tiến công và nổi dậy, làm chủ để tiêu diệt, tiêu diệt để làm chủ theo tiến trình, quy luật của đấu tranh cách mạng ở nước ta. Đó là nghệ thuật kết hợp tiến công đánh thắng địch “bình định” ở Nam Bộ, cực Nam Trung Bộ và đánh thắng các cuộc hành quân lấn chiếm, bảo vệ vùng giải phóng Bắc Bộ và Liên khu 5, phối hợp chặt chẽ giữa các chiến trường Nam - Bắc và chiến trường Lào, Campuchia, tác chiến bằng hai hình thức chiến tranh chính quy và chiến tranh du kích.

Thế trận chiến tranh nhân dân được tổ chức ngày càng chặt chẽ, tạo thế cài xen giữa ta và địch trên một không gian rộng lớn. Trụ cột vững chắc của thế trận chiến tranh nhân dân là lực lượng vũ trang ba thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích tạo nên một thế trận chiến lược hiểm hóc, vừa thực hiện được bao vây, chia cắt, kìm hãm địch, vừa tạo ra thế chủ động tiến công địch rộng khắp trên cả ba vùng chiến lược.

Bộ đội cùng đồng bào các dân tộc Tây Bắc xẻ núi, làm đường vào trận địa. (Ảnh: TTXVN)

Bộ đội cùng đồng bào các dân tộc Tây Bắc xẻ núi, làm đường vào trận địa. (Ảnh: TTXVN)

Bằng nghệ thuật tổ chức lực lượng cả nước đánh giặc, sử dụng hai hình thức đấu tranh cơ bản (đấu tranh quân sự kết hợp đấu tranh chính trị), hai phương thức tác chiến chủ yếu (tác chiến tập trung và tác chiến du kích), ta đã xây dựng được thế trận chiến tranh nhân dân tạo ra “thiên la địa võng” đối với quân thù. Thế trận chiến lược đó cho phép chúng ta thực hiện phối hợp tác chiến giữa lực lượng tại chỗ với lực lượng cơ động của bộ đội chủ lực; kết hợp đánh du kích với tập trung, kết hợp đánh nhỏ, đánh vừa, với đánh lớn. Thế trận chiến lược đó cho phép chúng ta có thể mở cuộc tiến công chiến lược ở bất cứ nơi nào có địch, đánh cả trước mặt, sau lưng, trong lòng địch; căng địch ra mà đánh, đánh mọi lúc, mọi nơi. Thế trận đó được giữ vững và ngày càng phát triển bởi hệ thống căn cứ địa, làng xã chiến đấu mọc lên khắp nơi, tạo thành thế bao vây, áp sát quân thù; đồng thời là chỗ đứng chân, là bàn đạp tiến công vững chắc của các lực lượng, bảo đảm cho quân và dân ta luôn đánh địch ở thế chủ động, càng đánh càng mạnh. Đó là nghệ thuật tổ chức thế trận chiến tranh nhân dân có tính khoa học, thống nhất và chặt chẽ cao, làm cho toàn dân ta triệu người như một, tạo thành lực lượng to lớn có một sức mạnh vô song để đánh địch và thắng địch.

Thực hiện mưu kế chiến lược “căng địch ra mà đánh, trói địch lại mà diệt” để tạo lập thế trận chiến tranh nhân dân, tiến hành thắng lợi trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ

Thế trận chiến tranh nhân dân là tổng thể các biện pháp tổ chức, bố trí, triển khai lực lượng và thiết bị chiến trường nhằm tạo thế có lợi và phát huy cao nhất sức mạnh chiến đấu của các lực lượng tham chiến để giành thắng lợi trong tác chiến. Thế trận chiến tranh nhân dân được Bộ Tổng Tư lệnh chủ động hoạch định sớm, tổ chức tiến hành bằng nhiều biện pháp sáng tạo, phù hợp với từng chiến trường, từng giai đoạn. Đặc biệt, thế trận chiến tranh nhân dân ta đã được cụ thể hóa bằng việc thực hiện tốt mưu kế chiến lược “căng địch ra mà đánh - trói địch lại mà diệt,… thế trận như một trận đồ bát quái, đánh địch cả ở đằng trước mặt và đằng sau địch, đánh địch ở các chiều, các hướng”5. Sa vào thế trận đó, các đội quân xâm lược buộc phải phân tán lực lượng với tỷ lệ ngày càng cao, khiến cho chúng đông mà hóa ít, mạnh hóa yếu, không phát huy được ưu thế vũ khí, càng đánh càng bộc lộ sơ hở, càng đánh càng bị dồn vào thế bất lợi. Dựa trên nền thế trận chiến tranh nhân dân tạo ra, tích cực tạo lập thế trận chiến tranh nhân dân cho trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ. Căn cứ vào so sánh thế và lực giữa ta và địch cũng như yêu cầu của nhiệm vụ chiến lược, lợi dụng triệt để yếu tố địa hình, những đặc điểm ảnh hưởng cơ bản ở các chiến trường chính và phối hợp, ta đã bố trí, triển khai các lực lượng và thiết bị chiến trường một cách thích hợp nhất để thực hành thắng lợi trận then chốt, then chốt quyết định, hoàn thành toàn bộ nhiệm vụ trận quyết chiến chiến lược.

Mưu kế “căng địch ra mà đánh - trói địch lại mà diệt,…” đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ Tổng Tư lệnh triển khai rất thành công trong việc phát huy sức mạnh tổng hợp của thế và lực trên khắp các chiến trường.

Mưu kế “căng địch ra mà đánh - trói địch lại mà diệt,…” đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ Tổng Tư lệnh triển khai rất thành công trong việc phát huy sức mạnh tổng hợp của thế và lực trên khắp các chiến trường. Từ nghiên cứu kỹ lưỡng về địch, Bộ Tổng Tư lệnh triển khai lực lượng trên các chiến trường chủ yếu như sau: Trên chiến trường Tây Bắc và Thượng Lào: bố trí Đại đoàn 316 và Trung đoàn 148. Trên chiến trường đồng bằng Bắc Bộ: ta bố trí 2-3 đại đoàn và và lực lượng trong vùng địch hậu. Trên chiến trường Trung, Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia: bố trí 2-3 đại đoàn và bộ đội địa phương. Trên chiến trường Tây Nguyên ta bố trí các trung đoàn chủ lực Liên khu 5 và lực lượng vũ trang địa phương. Từ thế bố trí lực lượng ban đầu, ta đã tạo ra thế trận chiến tranh nhân dân kìm giữ địch trên các chiến trường trọng điểm để tạo ra bước chuyển chiến lược mới, phá vỡ một mảng quan trọng hậu phương và phá thế đứng chân của địch, phá thế tập trung khối chủ lực của địch, phân tán dàn mỏng lực lượng cơ động chiến lược của địch. Đồng thời, ta lập thế trận tổ chức đánh địch trên khắp chiến trường Đông Dương, làm cho hơn 80% lực lượng cơ động của quân Pháp đã bị phân chia ra các chiến trường, tạo thế trận có lợi để ta tiêu diệt địch ở chiến trường Điện Biên Phủ.

Thực hành tác chiến tạo thế, triển khai nhanh thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp đánh địch trên nhiều chiến trường, bảo vệ vùng giải phóng Bắc Bộ và Liên khu 5. Chủ trương của ta là sử dụng một bộ phận chủ lực hợp lý kết hợp với các lực lượng vũ trang địa phương đẩy mạnh các hoạt động tác chiến tiến công địch ở đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Tây Nguyên; phối hợp với bạn tiến công địch ở Thượng, Trung, Hạ Lào mở rộng vùng giải phóng, tạo thế vững chắc cho hậu phương chiến lược và vùng địch hậu. Đẩy mạnh chiến tranh du kích ở Nam Bộ, cực Nam Trung Bộ, Bắc Bộ để bảo vệ vùng giải phóng Liên khu 5.

Nghệ thuật “căng địch ra mà đánh” triển khai thế trận chiến tranh nhân dân trên khắp các chiến trường tiêu diệt, tiêu hao địch

Ngay khi Bộ Tổng Tư lệnh điều động lực lượng chủ lực của ta đến Tây Bắc và Trung Lào, Nava đã vội vàng cho lực lượng cơ động chiến lược tăng cường cho Điện Biên Phủ và Trung Lào vừa ngăn chặn ta tiến quân lên Tây Bắc vừa để bảo vệ vùng Thượng Lào. Từ động thái trên, sau khi phân tích kỹ lưỡng tình hình, Bộ Tổng Tư lệnh nhận định: ta có thể giam chân các lực lượng cơ động của địch ở các chiến trường lựa chọn và chọn mục tiêu Điện Biên Phủ để mở chiến dịch. Để thực hiện ý định trên, ta tiến hành nghi binh và tác chiến tạo thế chiến dịch. Sử dụng lực lượng tiến công Lai Châu, giải phóng thị xã và toàn tỉnh Lai Châu, cắt đứt trục đường huyết mạch Lai Châu - Điện Biên Phủ, bao vây Nam Điện Biên Phủ. Phối hợp với Pathet Lào tiến công Trung Lào, giải phóng Khăm Muộn và thị xã Thà Khẹt. Nava lại phải vội vã điều động 6 tiểu đoàn cơ động chiến lược ở chiến trường Bắc Bộ lên Trung Lào, tập trung 13 tiểu đoàn ở Sênô thành tập đoàn cứ điểm lớn ở đây. Lực lượng ta phát triển chiến đấu về hướng Đường 9 và Hạ Lào, giải phóng thị xã Attapư và vùng cao nguyên Bôlôven, truy kích địch ở Pắcxế, buộc địch tăng viện cho khu vực này.

Trên chiến trường Liên khu 5, ta chỉ để một lực lượng thích hợp ở hướng chính diện để nghi binh, kìm chân địch, lực lượng chủ yếu cơ động về Bắc Tây Nguyên, tiến công giải phóng Kon Tum và một phần tỉnh Gia Lai, phát triển chiến đấu xuống sát Đường 19, địch vội vàng bỏ cuộc hành binh Át-lăng ở Phú Yên đưa phần lớn lực lượng về ứng cứu cho Tây Nguyên. Ở Thượng Lào, liên quân Việt-Lào mở cuộc tiến công đập vỡ phòng tuyến của địch vùng hạ lưu sông Nậm Hu ở Thượng Lào (1/2/1954), diệt 3 tiểu đoàn và 11 đại đội địch với khoảng 2.200 tên, phát triển chiến đấu lên hướng Bắc, giải phóng một phần tỉnh Xiêng Khoảng và tỉnh Phong Xa Lỳ với diện tích khoảng 35.000km2 và hơn 300.000 dân, nối liền Sầm Nưa của Lào với vùng Tây Bắc của ta, tiến sát và trực tiếp uy hiếp Luông Pha Băng, buộc Nava phải điều động tăng cường lực lượng lên khu vực này, hình thành cứ điểm mới ở Luông Pha Băng và Mường Sài. Ta đã mở rộng chiến trường hậu phương và chiến trường sau lưng địch ở cả Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ tạo ra thế trận vững chắc trên các chiến trường tạo điều kiện cho cuộc kháng chiến ở Việt Nam và các nước Đông Dương phát triển. Nava lại vội vàng điều động hai tiểu đoàn tăng viện cho Mường Sài. Trên chiến trường Bắc Bộ, tháng 10/1953, địch mở cuộc hành quân Hải Âu, đánh ra Nho Quan, đánh vào Thanh Hóa, uy hiếp vùng tự do Phú Thọ, Hòa Bình. Sau khi đánh lui cuộc hành quân, diệt khoảng 1.500 tên địch, ta thực hiện Kế hoạch tác chiến Đông-Xuân 1953-1954, phá tan kế hoạch Nava của địch.

Nghệ thuật lập thế trận chiến tranh nhân dân “trói địch lại mà diệt” ở Điện Biên Phủ

Tại Điện Biên Phủ ta tiến hành bao vây, tiêu hao và kiềm chế địch, chuẩn bị mọi mặt cho trận quyết chiến chiến lược. Địch phải tăng cường lực lượng ở Điện Biên Phủ lên đến 12 tiểu đoàn và 7 đại đội bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng, 1 phi đội máy bay với quân số lên đến 11.800 tên, phần lớn là lính Âu Phi tinh nhuệ (trong quá trình chiến dịch được tăng viện 4 tiểu đoàn và 2 đại đội dù), tổ chức phòng ngự thành 3 phân khu, 8 trung tâm đề kháng, gồm 49 cứ điểm được trang bị hỏa lực mạnh, có 2 căn cứ hỏa lực và 2 sân bay ở Mường Thanh và Hồng Cúm. Ý định của địch là xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh “một quả đấm thép mạnh” có thể đập vỡ các đại đoàn chủ lực của ta, điều chưa từng có ở chiến trường Đông Dương. Ngoài ra, địch còn có lực lượng cơ động chiến lược (84 tiểu đoàn) để tổ chức các cuộc hành quân nhằm tiêu diệt, tiêu hao lực lượng chủ lực của ta, đánh chiếm đất đai, mở rộng các vùng chiếm đóng.

Để tạo lập thế trận chiến tranh nhân dân đánh thắng địch trong trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ, ta có nhiều sáng tạo trong việc lợi dụng thế có lợi của địa hình để bày trận. Ở Điện Biên Phủ, địch có lực lượng mạnh và tổ chức phòng ngự chặt chẽ, nhưng chúng gặp một số bất lợi về mặt địa hình; ta đã lợi dụng địa hình vùng núi cao bao quanh lòng chảo Điện Biên Phủ để xây dựng thế trận, khống chế, bao vây chặt quân địch; ta cũng đã giải quyết thành công vấn đề nghi binh, lừa địch, giữ bí mật ý định, hành động tác chiến, nhất là chủ động cắt đứt nguồn tăng viện, tiếp tế bằng đường không của địch, triệt phá hậu cần địch… đó là những thành công lớn và cũng là nghệ thuật nổi bật lập thế trận chiến tranh nhân dân của ta trong trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ.

Lập thế trận bao vây, chia cắt. Tập trung lực lượng, vũ khí trang bị ưu thế, chớp đúng thời cơ, thực hiện tiến công từ nhiều hướng, ra đòn quyết định giành thắng lợi

Căn cứ vào tình hình địch, sau khi khảo sát chiến trường, phân tích kỹ lưỡng tình hình các mặt, ngày 26/1, Bộ Tổng Tư lệnh đã quyết định chuyển phương án tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Các đơn vị thực hiện xây dựng hệ thống chiến hào, nối liền các trận địa với nhau, thực hiện “vây, lấn, tấn, diệt”, từng bước cô lập, xiết chặt vòng vây, chia cắt thế liên hoàn của các cụm cứ điểm, các phân khu trong toàn bộ tập đoàn cứ điểm của địch. Sử dụng lực lượng, vũ khí trang bị tập trung ưu thế, vận dụng phương pháp tác chiến, thủ đoạn chiến đấu hiểm hóc, linh hoạt, phát huy uy lực vũ khí, sở trường của bộ đội, thực hiện đánh bóc vỏ các cứ điểm vòng ngoài, cô lập và đánh chiếm và làm chủ phân khu phía Bắc, đánh trả không quân, pháo binh địch. Tiếp tục xiết chặt vòng vây, thực hiện từng bước chia cắt phân khu trung tâm và phân khu phía Nam, tiến tới đánh chiếm phân khu phía Đông, khống chế sân bay, hạn chế tiếp viện của không quân địch, khoét sâu chỗ yếu của địch. Đánh chiếm đồi A1, chọc thủng phân khu phía Nam, chớp đúng thời cơ thực hiện tiến công từ nhiều hướng, ra đòn quyết định giành thắng lợi.

Thắng lợi Điện Biên Phủ là thắng lợi của nghệ thuật lập thế trận chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, về tổ chức chỉ đạo xây dựng và phát triển thế trận chiến tranh nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tạo sức mạnh vô song của dân tộc… Ngày nay, thế trận chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện là sự kế thừa và phát triển truyền thống toàn dân đánh giặc của dân tộc Việt Nam trong chiến tranh giải phóng tạo nên sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới. Để đánh thắng những đội quân xâm lược lớn, Đảng ta không chỉ dựa vào lực lượng vũ trang nhân dân và đấu tranh vũ trang, mà còn dựa vào sức mạnh của toàn dân, tiến hành chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện, tạo sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa./.

Thắng lợi Điện Biên Phủ là thắng lợi của nghệ thuật lập thế trận chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, về tổ chức chỉ đạo xây dựng và phát triển thế trận chiến tranh nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tạo sức mạnh vô song của dân tộc…

Bài: Đại tá, TS Nguyễn Văn Lượng – Trưởng phòng Quản lý khoa học, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam
Trình bày: Ngọc Toàn
Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo Khoa học “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và hiện thực (07/5/1954-07/5/2019)”