Điện Biên Phủ -
SỰ LỰA CHỌN ĐỊNH MỆNH
CỦA THỰC DÂN PHÁP
![](./assets/QMkOqgAVi0/phap1-800x533.jpg)
Ngày 8-6-1954, một tháng sau ngày tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ thất thủ, Plêven, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã nói trước Quốc hội Pháp: "Khi một chiến dịch quân sự kết thúc xấu, người ta thấy lập tức mọc lên nhan nhản những nhà "chiến lược xalông" và những nhà tiên tri "nói hậu", họ giải thích rằng họ đã luôn luôn báo trước nhưng nào họ có bày tỏ ý kiến gì trước đâu... Điện Biên Phủ được chiếm ngày 20-11-1953...
Giữa ngày đó đến lúc Việt Minh bắt đầu tiến công, ngày 13-3-1954, các nhà tiên tri có thể dễ dàng cho người ta nghe ý kiến của mình trong khoảng thời gian ba tháng rưỡi... Cái mà tôi biết, đó là ngày tôi lên thăm tập đoàn cứ điểm, ngày 19-2, mọi người ở đây đều rất tin tưởng vào sự bố phòng cũng như những phương tiện của mình và không một ai nghĩ đến việc rút bỏ nó. Cái mà tôi biết, đó là không một chỉ huy quân sự nào mà tôi hỏi ý kiến lại đề nghị tôi làm việc đó"!.
Vậy những lý do nào khiến Bộ Chỉ huy Pháp ở Đông Dương, đại diện là Tổng Chỉ huy Nava, chọn Điện Biên Phủ làm nơi đối đầu với Việt Minh trong một trận chiến có tính chất quyết định đến thắng bại của cả cuộc chiến tranh, một sự "lựa chọn định mệnh", lại được Chính phủ Pháp thông qua? Có nhiều lý do để giải thích vấn đề này, chúng tôi xin tóm tắt thành những điểm chủ yếu dưới đây:
Trong kế hoạch tổng thể của Nava, được Hội đồng Quốc phòng Pháp!, do Tổng thống Vanhxăng Ôriôn chủ tọa, thông qua! ngày 24-7-1953, không hề thấy nhắc đến địa danh Điện Biên Phủ cả về mặt vị trí chiến lược cũng như ý nghĩa chính trị, quân sự. Có chăng, Điện Biên Phủ chỉ nằm ở vị trí khiêm tốn trong mối quan tâm chung của Nava về vùng rừng núi Bắc Bộ và trách nhiệm bảo vệ Thượng Lào. Vậy mà, theo sự phát triển, chuyển biến của tình hình, cánh đồng lòng chảo Điện Biên, cách Hà Nội gần 400km về phía tây-bắc, dần dần, một cách không tự giác, trở thành trung tâm điểm của kế hoạch Nava.
![](./assets/U3ic9RUY6K/nhaydu-500x735.jpg)
Cảnh lính Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ ngày 23/3/1954 khi chiến dịch Điện Biên Phủ kéo dài 55 ngày đêm bắt đầu. Ảnh: TTXVN
Cảnh lính Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ ngày 23/3/1954 khi chiến dịch Điện Biên Phủ kéo dài 55 ngày đêm bắt đầu. Ảnh: TTXVN
Lý do về phía ta:
![](./assets/HH0hxXzSoe/bttm-800x534.jpg)
Bộ tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam nghiên cứu kế hoạch tác chiến.
Bộ tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam nghiên cứu kế hoạch tác chiến.
Chủ trương tác chiến của ta trong Đông Xuân 1953-1954 là sử dụng một bộ phận chủ lực mở những cuộc tiến công vào hướng quân Pháp sơ hở đồng thời tranh thủ cơ hội tiêu diệt trong vận động ở những hướng quân Pháp có thể đánh sâu vào vùng tự do của ta. Điểm mấu chốt cần tập trung nỗ lực là tìm cách phân tán khối cơ động chiến lược của Pháp vừa được tổ chức xây dựng. Nava dự kiến tập trung xây dựng 27 GM (binh đoàn) cơ động cho toàn chiến trường Đông Dương (mỗi GM tương đương một trung đoàn tăng cường). Riêng ở Bắc Bộ, Pháp có 44 tiểu đoàn cơ động, trong khi đó ta có năm đại đoàn bộ binh và một đại đoàn công binh - pháo binh. Tỷ lệ quân chủ lực cơ động giữa ta và Pháp là 1/1,5. Tuy vậy, Nava vẫn chua chát thừa nhận: "Mặc dù đông quân hơn đối phương một chừng mực nào đấy, lực lượng cơ động của ta vẫn không có khả năng đương đầu với khối chủ lực cơ động tác chiến của họ. Việc tổ chức một khối lực lượng mạnh hơn và có sức cơ động có thể sánh với Việt Minh là một điều cần thiết"!.
Do phải rút lực lượng ở các chiến trường về tập trung xây dựng khối cơ động, nên lực lượng Pháp - nguỵ trở nên sơ hở, mỏng yếu. Ta đã triệt để khai thác yếu điểm này, phân tán chủ lực đánh vào các địa bàn chiến lược mà Pháp không thể bỏ, buộc chỉ huy Pháp phải xé lẻ khối cơ động làm nhiệm vụ đóng giữ. Mâu thuẫn giữa tập trung và phân tán lực lượng của Pháp, một lần nữa lại trở nên gay gắt.
Điều tài tình ở chỗ, chỉ với một đại đoàn thiếu (Đại đoàn 316 thiếu Trung đoàn 176) và một trung đoàn tăng cường hành quân làm nhiệm vụ tác chiến theo hai! trong số nhiều hướng đã dự kiến, ta đã buộc Bộ Chỉ huy Pháp dần dần chuyển trọng tâm nỗ lực của kế hoạch (đã vạch ra) theo hướng nam - bắc. Có nghĩa là kế hoạch của Nava bước đầu bị phá vỡ trong khi ông ta muốn dành ưu tiên ở bước một cho chiến trường Nam Bộ và Liên khu V, thì nay buộc phải quay ra Bắc đối phó với ta. Chỉ riêng động thái đầu tiên này đã bộc lộ sự nhạy cảm, bị động, sơ hở trong thế bố trí chiến lược và trong cách điều quân, tổ chức lực lượng của phía Pháp.
Có thể nói rằng, trước khi Đại đoàn 316 rời địa bàn đứng chân ở Thanh Hóa theo đường 41 hành quân lên Lai Châu và một bộ phận chủ lực khác tiến sang Trung Lào, ngay cả phía ta cũng chưa lường trước sự thay đổi tình thế có tính chiến lược do sự đối phó của Pháp mang lại. Cơ quan chiến lược của ta vẫn có kế hoạch dài hơi trong hai năm (1953-1954), đồng thời dự kiến những khả năng, tình huống có thể xảy ra. Ta vẫn lựa chọn hướng địa bàn sở trường là vùng rừng núi để thực hành tác chiến ở Lai Châu, Tây Bắc, mà chưa dự kiến hết được Thượng Lào chính là điểm nhạy cảm, là "huyệt hiểm" của Pháp trong thế bố trí chiến lược ở Đông Dương. Việc Pháp cấp tốc cho sáu tiểu đoàn (gồm 4.500 quân) nhảy dù xuống chiếm đóng Điện Biên Phủ! vào các ngày 20, 21, 22 tháng 11-1953 trong lúc Đại đoàn 316 đang trên đường hành quân lên Lai Châu, là biểu hiện của phản ứng tức thì khi bị điểm trúng huyệt.
Tiến theo một bước, khi nhận thấy tình thế chiến lược mới xuất hiện, ta nhanh chóng điều chỉnh kế hoạch. Cuối tháng 11-1953, Đại đoàn 308 được lệnh rút khỏi khối chủ lực gồm các Đại đoàn 308, 312, 304 (thiếu một trung đoàn) và Đại đoàn công - pháo 351, bố trí ở khu vực Phú Thọ - Yên Bái - Tuyên Quang sẵn sàng đánh tiêu diệt lớn khi Pháp tiến công, hành quân lên Tây Bắc.
Một tình huống mới đặt ra đối với Bộ Chỉ huy Pháp: sử dụng lực lượng đánh lên Phú Thọ, Yên Bái để kìm chân chủ lực ta hay đưa thêm lực lượng lên Điện Biên Phủ và chấp nhận giao chiến ở đó đồng thời vẫn xúc tiến thực hiện kế hoạch Nava, mở cuộc tiến công ở Liên khu V và miền Nam vào đầu năm 1954? Sau khi cân nhắc nhiều mặt, Nava quyết định chọn phương án thứ hai: vừa đưa thêm quân lên Điện Biên Phủ, chấp nhận giao chiến vừa tiếp tục thực hiện kế hoạch mở cuộc tiến công ở miền Nam. Theo ông ta, nếu đồng ý với tướng Cônhi, Tư lệnh quân Pháp ở Bắc Bộ, tập trung lực lượng đánh lên Phú Thọ - Yên Bái, nơi chủ lực ta đã sẵn sàng chờ giao chiến, thì khả năng giành thắng lợi không chắc chắn, vả lại, khối quân cơ động sẽ bị xé lẻ thêm nữa, sau khi đã phải "cắm chốt" ở Điện Biên Phủ và Trung Lào. Và lý do quan trọng nhất là sẽ không tiếp tục thực hiện được kế hoạch tiến công ở miền Nam như đã dự kiến.
Trong chỉ thị đề ngày 3-12-1953 gửi cho cấp dưới, Nava nhấn mạnh "Để ngăn chặn những ý đồ ấy (ý nói hoạt động sắp tới của chủ lực ta ở Tây Bắc) tôi quyết định chấp nhận cuộc chiến đấu ở Tây Bắc trong những điều kiện tổng quát sau đây:
1. Việc phòng giữ vùng Tây Bắc sẽ tập trung ở Điện Biên Phủ, căn cứ không quân và mặt đất cần được bảo vệ bằng mọi giá.
2. Việc chiếm giữ Lai Châu sẽ chỉ được duy trì khi các biện pháp hiện có bảo đảm được việc phòng thủ mà không bị tổn hại. Trong trường hợp bị uy hiếp nghiêm trọng, các đơn vị sẽ rút theo đường bộ hoặc đường không về Điện Biên Phủ"!.
Ngày 5-12, tránh trước khả năng bị chủ lực ta tiến công, các lực lượng đồn trú Pháp ở Lai Châu rút về Điện Biên Phủ bằng 183 chuyến máy bay Đakôta khứ hồi, bỏ lại tại thị xã này hơn 300 tấn trang thiết bị và 40 xe quân sự. Ngày 7-12, Đại tá Đờ Cátxtơri thay tướng Gin chỉ huy GONO5.
Như vậy, cho đến ngày 10-12, số quân Pháp ở Điện Biên Phủ đã lên tới 10 tiểu đoàn bộ binh, do tiếp nhận các đơn vị từ Lai Châu rút về, và hai tiểu đoàn của bán Lữ đoàn lê dương thứ 13 (13è ĐBLE) mới được đưa lên.
Điện Biên Phủ dần dần trở thành mối quan tâm, thu hút nhiều lực lượng, phương tiện chiến tranh của đội quân viễn chinh Pháp. Ngoài lý do chủ yếu là hoạt động và di chuyển các đơn vị chủ lực của ta hướng dần lên Điện Biên Phủ, buộc Pháp phải từng bước một chấp nhận cuộc đọ sức ở đây, nơi địa bàn chưa được dự kiến chuẩn bị, còn nhiều lý do khác khiến Điện Biên Phủ, một cách không tự giác, trở thành trung tâm điểm của kế hoạch Nava. Đó là sự đánh giá không đúng của Pháp về khả năng của bộ đội ta, không nắm được ý đồ tác chiến chiến lược, phán đoán của ta, từ đó bộc lộ điểm yếu cơ bản mà ta đã biết lợi dụng triệt để để giành thắng lợi.
![](./assets/Jd7eahGd9G/daohao2-800x500.jpg)
2. Lý do về phía Pháp:
a. Về chính trị
![](./assets/BGp5v7lOWB/bdo1-500x743.jpg)
Hình thái chiến trường Đông Dương (Đông Xuân 1953 - 1954).
Hình thái chiến trường Đông Dương (Đông Xuân 1953 - 1954).
Đây là thời điểm nước Pháp mỏi mệt về những biến động chính trị, xã hội, bị sa lầy ở Đông Dương, muốn rút khỏi cuộc chiến tranh trong danh dự. Giới cầm quyền Pháp ở Pari đặt hy vọng vào kế hoạch của Nava và bản thân ông ta trong việc tìm ra một thắng lợi quân sự khả dĩ để "tạo thế" trong đàm phán. Mục đích của kế hoạch Nava, được Chính phủ Pháp xác định, nhằm làm cho Việt Minh phải nhận ra họ không có khả năng giành được một thắng lợi quân sự quyết định, từ đó không thể lợi dụng kết quả của thắng lợi quân sự để mặc cả về chính trị, để đàm phán. Mặt khác, giới lãnh đạo ở Pari và các cấp chỉ huy Pháp ở Đông Dương hy vọng, qua việc đánh thắng ở Điện Biên Phủ, sẽ phá vỡ kế hoạch giành chiến thắng quyết định của Việt Minh, ngăn chặn được tác động sâu sắc của thắng lợi đó đến dư luận Pháp và thế giới.
b. Lý do bảo vệ Lào
Nước Lào, đặc biệt là Thượng Lào, có tầm quan trọng chiến lược trong thế bố trí của Pháp ở Đông Dương. Đây là nơi có cả kinh đô của vương quốc và thủ đô của nước Lào thuộc Pháp. Theo Pháp, trong ba nước liên kết ở Đông Dương thì Lào được coi là nước "trung thành" nhất. Ngày 28-10-1953, Pháp đã ký với Lào một hiệp ước, theo đó Lào gia nhập khối Liên hiệp Pháp và nước Pháp cam kết bảo vệ Lào. Các chính khách, tướng tá Pháp đều có chung một nhận định: mất Thượng Lào sẽ có những tác hại không thể tính hết được về mặt chính trị!. Nava cho rằng: đánh Thượng Lào, chiếm kinh đô Luông Prabăng, Việt Minh sẽ giáng cho Pháp một thất bại về tinh thần khó có thể gượng dậy. Chiếm Trung Lào, Việt Minh sẽ tiếp tay cho Liên khu V và đe dọa toàn miền Nam Đông Dương. "Bảo vệ Thượng Lào đối với Pháp cần thiết biết nhường nào nếu không muốn chứng kiến cái cảnh chỉ một vài tháng nữa toàn bộ miền trung và miền nam Đông Dương sẽ bị sụp đổ". Đây chính là một trong những điểm yếu trong thế bố trí chiến lược của Pháp ở Đông Dương. Nếu chỉ mất Lai Châu, có lẽ Bộ Chỉ huy Pháp đã không vội vã phản ứng như vậy. Pháp còn trù tính một sự sụp đổ dây chuyền từ Thượng Lào xuống Trung Lào, rằng: "Cộng sản sẽ xâm nhập vào Thái Lan, chính quyền Băng Cốc sụp đổ như một lâu đài xây dựng bằng những quân bài, Campuchia bị uy hiếp sau lưng và công cuộc bình định miền Nam bị đe dọa...". Lý do bảo vệ Lào cũng chính là ý thức bảo vệ cho sự triển khai suôn sẻ bước một của kế hoạch Nava ở Liên khu V và miền Nam. Bởi vì, theo lời ông Mắc Giắckê, khi sang Đông Dương tháng 11-1953: "Nếu Việt Minh tới được sông Mê Công thì chắc chắn dư luận nước Pháp sẽ bị một cú sốc choáng váng đến nỗi không còn có thể tiếp tục cuộc chiến tranh được nữa".
c. Lý do chọn Điện Biên Phủ về mặt địa lý - quân sự
Nava và các tướng tá ở Đông Dương đều thống nhất cho rằng do thiếu lực lượng và sự kém thích nghi địa bàn rừng núi của binh lính nên Pháp chỉ còn cách bảo vệ trực tiếp cho Thượng Lào. Điều đó có nghĩa là thiết lập một căn cứ ngăn chặn Việt Minh tiến sang Lào chứ không phải sử dụng lực lượng đánh chặn theo kiểu vận động chiến. Có hai trục đường từ Tây Bắc Việt Nam sang Thượng Lào: một đường đi qua Sầm Nưa và cao nguyên Trấn Ninh, trên đường này đã có tập đoàn cứ điểm Cánh Đồng Chum do tướng Xalăng thiết lập từ trước, chặn lại; một đường tốt hơn đi từ Tuần Giáo, Điện Biên Phủ sang lưu vực sông Nậm Hu, tới Luông Prabăng. Đây chính là con đường chủ lực Việt Minh, theo dự kiến của Pháp, sẽ đi. Vì vậy, cách tốt nhất là phải thiết lập các căn cứ không - bộ, các "con nhím" hay các tập đoàn cứ điểm để ngăn chặn. Có bốn địa điểm được đưa ra cân nhắc: Lai Châu, Điện Biên Phủ (Việt Nam) và Viêng Chăn, Luông Prabăng (Lào). Hai địa điểm trên đất Lào không đáp ứng được yêu cầu cần phòng thủ cả trên không và trên mặt đất do bị hạn chế về tầm bao quát. Sân bay nằm cách xa thành phố nên không thể xây dựng được một tập đoàn cứ điểm ôm gọn cả thành phố lẫn sân bay. Hai thành phố Viêng Chăn và Luông Prabăng không nằm ở vị trí có thể khống chế toàn bộ vùng xung quanh khi bị Việt Minh tiến công nên nguy cơ bị cô lập là rõ ràng. Hơn nữa, việc tiếp tế sẽ khó khăn vì hai nơi nói trên đều nằm cách xa đồng bằng.
Lai Châu, nơi Pháp đã thiết lập căn cứ phòng thủ, cho đến lúc này cũng không đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Đây vừa là khu vực khó trụ vững khi bị tiến công, đồng thời lại biệt lập, xa đường tiến quân của chủ lực Việt Minh nên không thể ngăn chặn có hiệu quả.
Chỉ còn có Điện Biên Phủ. Cựu Tổng Chỉ huy Xalăng đã nhận định về vị trí chiến lược của Điện Biên Phủ ngày 25-5-1953, hai tháng trước khi kế hoạch Nava được thông qua, như sau: "Cần thiết phải bổ sung cho thế bố trí hiện tại bằng việc thiết lập một trung tâm đề kháng mới ở Điện Biên Phủ... chiếm được Điện Biên Phủ, ta (Pháp) sẽ khóa được con đường một cách rất có hiệu quả, bởi vị trí này chỉ có thể vòng qua một cách rất khó khăn bằng những con đường mòn phải vượt qua núi rất xấu"!.
Điện Biên Phủ là cánh đồng lòng chảo rộng nhất ở Tây Bắc, có điều kiện thuận lợi cho việc thiết lập một căn cứ phòng thủ không - bộ và phát huy được uy lực của pháo binh, khả năng của xe tăng, thiết giáp. So với Luông Prabăng và Viêng Chăn thì tiếp tế bằng không quân cho Điện Biên Phủ có nhiều điểm thuận lợi hơn. Theo Tổng Chỉ huy Nava: "Vị trí địa lý của khu lòng chảo Điện Biên Phủ, những đặc điểm về khí hậu ở đây khiến cho nó trở thành một địa bàn dễ phòng thủ, một trong những căn cứ không quân tốt nhất Đông Nam Á, một đầu cầu hàng không tuyệt vời. Chúng ta có những điều kiện rất thuận lợi để chấp nhận một trận chiến đấu ở đây"!. Ngoài vận chuyển tiếp tế, Việt Minh sẽ "gặp khó khăn lớn khi đưa pháo 37 ly vào sát tầm mà máy bay lăn bánh khi cất cánh, hạ cánh và thả dù. Các vị trí pháo của họ (Việt Minh) sẽ bị đập nát vụn. Vì vậy, họ chỉ đưa được pháo vào lúc họ mở trận tấn công mạnh vào khu trung tâm. Như vậy, việc tiếp tế bằng không quân có thể tiến hành thoải mái cho đến ngày có cuộc tiến công... Ở mức tối thiểu vẫn có thể tiếp tế về ban đêm. Như vậy, rất có thể là việc tiếp tế bằng không quân luôn có thể bảo đảm"!. Pháo hạng nặng của Việt Minh cũng chỉ có thể bố trí ở các mỏm núi vành ngoài lòng chảo Điện Biên, vì vậy "ban ngày và những lúc thời tiết tốt thì các căn cứ của ta (Pháp) ít có khả năng bị kẻ thù pháo binh. Họ lập tức sẽ bị trừng trị"!.
d. Lý do về mặt tâm lý
Chúng tôi không cho rằng đây là lý do chính khiến Pháp quyết định chấp nhận cuộc đối đầu ở Điện Biên Phủ, song đây là một khía cạnh, do chịu tác động của các vấn đề khác nên rất có ảnh hưởng đến thái độ, đến quyết định của các nhà chính trị, quân sự Pháp. Có thể lý giải điều này qua mấy điểm dưới đây:
- Mong muốn chung của giới cầm quyền Pháp là kết thúc cuộc chiến tranh ở Đông Dương bằng một thắng lợi danh dự. Họ không muốn Việt Minh ngồi vào bàn đàm phán với tư cách của người chiến thắng, mà ngược lại. Vì vậy, mặc dù đã bỏ nhiều công sức để xây dựng và thực hiện kế hoạch Nava, hy vọng trong thời gian hai năm 1954-1955 sẽ xoay chuyển được tình thế có lợi cho Pháp, thậm chí tiêu diệt đối phương bằng một đòn quân sự mạnh mẽ, Bộ Chỉ huy Pháp vẫn quyết định thay đổi kế hoạch, chấp nhận giao chiến lớn ở Điện Biên Phủ với ý đồ kìm giữ và tiêu diệt đại bộ phận chủ lực của ta.
- Nava và Bộ Chỉ huy Pháp ở Đông Dương, bằng nhiều cách, đã thành công trong việc gây tâm lý chiến thắng đến hầu hết các nhân vật chủ chốt của Chính phủ Pháp có liên quan trách nhiệm đến Đông Dương!. Những người đã hậu thuẫn mạnh mẽ cho Nava tiếp tục chuẩn bị cuộc giao chiến. Tướng Blăng đã viết cho Nava: "Từ mình tôi tin rằng trận đánh sẽ kết thúc bằng một thắng lợi không thể chối cãi được của bên phòng thủ và ở đây, tôi có thể giải thích nó bằng những lý lẽ thực tế"!. Phái đoàn Chính phủ Pháp do Plêven dẫn đầu, sau khi lên thăm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, ngày 19-2-1953, khi trở về Pháp cũng không hề che giấu niềm tin vào chiến thắng của phía Pháp trong trận đánh quyết định này.
- Dựa vào kết quả cuộc tập kích vào Lạng Sơn (17-7-1953), cuộc tập kích vào Lào Cai (6-10-1953) và nhất là sau khi mở cuộc hành binh Hải Âu (15-10-1953 - Mouette) vào tây - nam Ninh Bình, tìm diệt Đại đoàn 320 của Việt Minh, một tâm lý lạc quan bắt đầu xuất hiện trong hàng ngũ tướng lĩnh chính khách Pháp. Họ cho rằng kế hoạch tác chiến của ta bước đầu bị đảo lộn, Pháp đã phần nào giành lại quyền chủ động tiến công, tình thế đã trở nên sáng sủa hơn. Chính vì xuất hiện tâm lý chủ quan như vậy nên Pháp nhanh chóng "chộp" lấy cơ hội nhằm đánh đòn quyết định ở Điện Biên Phủ.
Một lý do tâm lý không kém phần quan trọng nữa là ý định và hoạt động "không rõ ràng" của cấp chỉ đạo chiến lược và các đơn vị chủ lực ta trong suốt thời gian ba tháng 23 ngày, kể từ khi Pháp nhảy dù xuống (20-11-1953), đến khi súng bắt đầu nổ ở Điện Biên Phủ (13-3-1954). Cái sự "không rõ ràng" đó đã gây tâm lý sốt ruột, đánh giá thấp đối phương của phía Pháp, từ đó càng củng cố quyết tâm dùng Điện Biên Phủ làm nơi "nghiền nát chủ lực Việt Minh" của Pháp.
Pháp cho rằng quân và dân ta không thể chiến thắng trong trận Điện Biên Phủ. Vì Điện Biên Phủ là một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất, có số quân đông nhất, được trang bị phương tiện chiến đấu hiện đại, đầy đủ nhất, thời gian chuẩn bị, bố trí phòng thủ dài nhất. Trước kia, ta đã không có cách gì đánh bại được hình thức phòng ngự (biện pháp chiến lược) của Pháp ở Hòa Bình, Nà Sản, Cánh Đồng Chum... thì bây giờ càng không thể đánh được Điện Biên Phủ. "Bộ Chỉ huy Pháp cho rằng nếu kẻ thù tiến hành trận đánh này thì nó rất gay go nhưng cũng tạo cho Pháp những cơ may lớn giành thắng lợi. Từ trước tới nay, đội quân của tướng Giáp chưa bao giờ đương đầu với một sứ mệnh ghê gớm như sứ mệnh đánh Điện Biên Phủ"!.
Ngoài ra, Bộ Chỉ huy Pháp còn cho rằng ta không thể tập trung quân với số lượng lớn quá hai sư đoàn và pháo binh hạng nặng lên một khu vực biệt lập, đường sá xa xôi, không có phương tiện chuyên chở cơ giới. Việc tiếp tế lương thực, đạn dược trong một thời gian dài, trên những con đường dài hàng trăm kilômét từ đồng bằng lên và từ biên giới Việt - Trung đến, chủ yếu bằng mang vác thô sơ, lại luôn bị máy bay ném bom phá, là điều không thể thực hiện được. Mặt khác, nếu bị kìm giữ một lực lượng lớn chủ lực ở Điện Biên Phủ thì kế hoạch tác chiến, thế bố trí chiến lược và quyền chủ động tiến công của ta sẽ bị phá vỡ.
Vì thế, nếu chiếm giữ được Điện Biên Phủ có nghĩa là Pháp vẫn đứng chân được ở Tây Bắc, vừa giữ được cả Thượng Lào, giữ được đồng bằng Bắc Bộ đồng thời vẫn có điều kiện để mở cuộc tiến công ở miền Nam như dự kiến của kế hoạch Nava. Điện Biên Phủ sẽ là cái "nhọt hút độc" (lời của Cônhi), lực lượng đối phương sẽ bị kìm chân ở đây 33 tiểu đoàn, trong khi đó Pháp chỉ cần có 12 tiểu đoàn.
Ngày 24-12-1953, lên dự lễ Nôen tại Điện Biên Phủ, tướng Nava đã tuyên bố với sĩ quan, binh lính Pháp phòng thủ tại đây: “Trong những điều kiện ấy thì một trận chiến đấu chỉ có thể diễn biến thuận lợi cho ta (Pháp). Tất nhiên, đối phương có thể gây bất ngờ cho ta ở một số nơi và còn có thể giành được những kết quả quan trọng cục bộ. Nhưng những khả năng của ta tập trung nhanh chóng, tại những nơi bị uy hiếp, những lực lượng lớn hơn của đối phương - lực lượng của quân địa phương, lực lượng không quân, và nhất là các lực lượng quân dù... sẽ chắc chắn mang lại kết quả có lợi cho ta. Nếu ta thắng trận này thì chúng ta sẽ thắng tất, vì thời gian ủng hộ chúng ta do (sẽ có) sự phát triển của các lực lượng các quốc gia liên hiệp... Những điều kiện quân sự cho chiến thắng đã hội đủ. Tôi tin chắc rằng các điều kiện chính trị cũng sẽ có thôi"!.
Mặc dầu đã có những tính toán thắng thua, tính đến những tác động tích cực cũng như những hậu quả tiêu cực khi chọn Điện Biên Phủ làm nơi quyết đấu, song đã có nhiều cứ liệu chứng minh sự hoang mang, không mấy tin vào thắng lợi của phía Pháp, ngay từ trước khi trận đánh bắt đầu. Trong bức thư đề ngày 1-1-1954 gửi Mắc Giắckê, Nava đã không giấu giếm sự lo ngại: "Trường hợp bị tiến công, khả năng thành công của ta sẽ thế nào? Trước đây hai tuần, tôi đánh giá khả năng đó là 100% (...). Nhưng trước sự tăng cường lực lượng của đối phương, mà tin chắc chắn cho biết, thì tôi không dám khẳng định thế nữa (...). Vậy tôi coi quân số tập trung ở Điện Biên Phủ như là một “khoản đặt” có thể chấp nhận và cần thiết để phòng thủ Thượng Lào và duy trì sự có mặt của chúng tại vùng Thượng. Cái "khoản đặt" ấy có thể mang lại những kết quả to lớn nếu ta thắng trận Điện Biên Phủ. Nếu ta thua trận thì "khoản đặt" ấy có thể mất phần lớn"!. Chưa hết, vào giữa tháng 1-1954, Nava còn bí mật chỉ thị cho Cônhi, Đờ Cátxtơri và Crevơcơ (chỉ huy quân Pháp ở Lào) xúc tiến lập một kế hoạch rút quân khỏi Điện Biên Phủ mang tên "Cuộc hành quân Xênôphôn" trong trường hợp nguy cấp.
Như vậy, "canh bạc Điện Biên Phủ" đã diễn ra với thất bại thuộc về phía Pháp. Trên thực tế, nguồn gốc sâu xa của "khoản đặt" ở Điện Biên Phủ bắt nguồn một cách lôgích, từ tiến trình phát triển của cuộc chiến tranh, với sự yếu kém, bị động ngày càng nghiêng về phía Pháp. Có thể coi đó là sự giải thích: tại sao Pháp lại chọn Điện Biên Phủ.
![](./assets/xm41hph8n1/bk.1580_resize1-3014x1369.jpg)
Ngày 7/5/1954, toàn bộ tập đoàn cứ điểm của địch ở Điện Biên Phủ đã bị quân ta tiêu diệt, lá cờ "Quyết chiến quyết thắng" đang phấp phới bay trên nóc hầm tên bại tướng thực dân pháp Đờ-cát.
Ngày 7/5/1954, toàn bộ tập đoàn cứ điểm của địch ở Điện Biên Phủ đã bị quân ta tiêu diệt, lá cờ "Quyết chiến quyết thắng" đang phấp phới bay trên nóc hầm tên bại tướng thực dân pháp Đờ-cát.
![](./assets/Pflh0k50I5/bk.1582_resize-2048x1279.jpg)
Toàn bộ bộ chỉ huy địch ở Điện Biên Phủ đi đầu là tên tướng Đờ Cát-tơ-ri ra hàng. Ảnh: TTXVN
Toàn bộ bộ chỉ huy địch ở Điện Biên Phủ đi đầu là tên tướng Đờ Cát-tơ-ri ra hàng. Ảnh: TTXVN
![](./assets/JHr8cb0gCK/bk.1581_resize-2048x1281.jpg)
Quang cảnh tập đoàn cứ điểm ở Điện Biên Phủ của giặc Pháp bị quân ta tiêu diệt. Ảnh: TTXVN
Quang cảnh tập đoàn cứ điểm ở Điện Biên Phủ của giặc Pháp bị quân ta tiêu diệt. Ảnh: TTXVN