“Cao nguyên trắng” Bắc Hà (tỉnh Lào Cai) những năm gần đây đã trở thành điểm đến du lịch văn hóa, sinh thái hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước. Nơi đây, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng phong cảnh núi rừng hùng vĩ, mà còn được thưởng thức những nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, nổi bật như điệu xòe của đồng bào dân tộc Tày, ở xã Tà Chải.

Nét đẹp của phụ nữ người Tày ở Tà Chải (Lào Cai) trong trang phục truyền thống.

Nét đẹp của phụ nữ người Tày ở Tà Chải (Lào Cai) trong trang phục truyền thống.

Huyện Bắc Hà (tỉnh Lào Cai) mỗi dịp Tết đến Xuân về, hoa mận nở trắng cao nguyên. Nơi đây với bao phong tục truyền thống tốt đẹp được gìn giữ từ đời này qua đời khác. Những lễ hội mùa xuân thu hút đông đảo người dân trong vùng. Những sắc màu của phiên chợ vùng cao mang đến nhiều điều thú vị cho du khách khi đến đây. Và mùa xuân trong dịp lễ hội đó không thể thiếu những điệu xòe sôi động đắm say lòng người.

Trải qua bao thời gian, điệu xòe vẫn tồn tại và được người dân nơi đây kế thừa và phát huy dù cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn. Theo thông lệ, cứ mỗi độ xuân về, khắp rẻo cao lại phủ một màu hoa mận trắng tinh khôi, đó cũng là lúc người Tày Bắc Hà háo hức đi trảy hội xuống đồng, cùng tham gia múa xòe để cầu may mắn trong năm mới. Người Tày gửi gắm trong những điệu xòe của mình những tâm tư, tình cảm, mong ước cuộc sống tươi đẹp và ý nghĩa.

Trước ngày “Lễ hội xuống đồng”, hai nghệ nhân Lâm Văn Lù và Lâm Văn Vương lại kêu gọi đội xòe của thôn để luyện tập cho nhuần nhuyễn, phục vụ người dân trong vùng và du khách. Trước đây, đội xòe của xã Tà Chải - nơi ông Lù và ông Vương sinh sống do nhóm nghệ nhân ở các thôn hợp lại phục vụ trong các dịp lễ hội, các ngày lễ lớn. Khi xòe càng được nhiều người biết đến, nhu cầu thưởng thức nét đẹp văn hóa của người dân được nhân lên, xã Tà Chải đã chỉ đạo thành lập các đội xòe ở các thôn, bản.

Bên cạnh các điệu xòe, nhiều nhạc cụ cũng được tác hợp từ quá trình hình thành và phát triển của nghệ thuật xòe như: kèn Pí lè là nhạc cụ thuộc họ hơi, có âm thanh vang vọng tưng bừng phù hợp cho những điệu múa xòe rộn rã. Chiêng - một loại nhạc cụ gõ bằng đồng, được sử dụng trong các điệu xòe ờ Ngày hội Xuân, Hội Xuống đồng và trống - được ví như là linh hồn của các điệu xòe.

Item 1 of 2

Múa xòe quạt của đồng bào dân tộc Tày ở Lào Cai. (Ảnh: Quốc Hồng)

Múa xòe quạt của đồng bào dân tộc Tày ở Lào Cai. (Ảnh: Quốc Hồng)

Người dân nơi đây quan niệm rằng: “Không xòe không vui, không xòe cây lúa không trổ bông, không xòe cây ngô không ra bắp, không xòe trai gái không thành đôi”.

Ban đầu, những điệu xòe ra đời gắn liền với đời sống sinh hoạt và sản xuất của đồng bào vùng cao, xòe Tà Chải có 12 điệu, gồm 6 điệu xòe có nhạc đệm trống, chiêng và 6 điệu xòe nhạc đệm kèn, trống. Theo thời gian, người Tày nơi đây lại tiếp tục cho ra đời những điệu xòe mới, như: xòe trồng đậu, xòe đan sao, xòe hái chè, xòe mời rượu... Sự ra đời của các điệu xòe mới làm cho kho tàng nghệ thuật xòe ngày càng thêm phong phú. Tiếng kèn, tiếng trống của ông, của cha như nhịp ru những đứa trẻ từ vành nôi, lớn lên đôi chút, đứa trẻ được ngắm nhìn điệu xòe của bà, của mẹ.

Cứ vậy, vòng xòe của người Tày càng ngày càng rộng hơn, bởi thêm nhịp điệu, vòng tay của những thế hệ trẻ đang tiếp bước những điệu xòe truyền thống. Đây là cách làm hay, vừa lồng ghép, gắn việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa với chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương. Qua đó để điệu xòe sống mãi với thời gian, được bạn bè, du khách trong và ngoài nước yêu thích, say mê, đến với Bắc Hà khám phá và trải nghiệm.

Hai nghệ nhân Lâm Văn Lù và Lâm Văn Vương vẫn thường dặn bảo con cháu của mình rằng, không thạo các điệu xòe cổ thì không xòe đúng và đẹp các điệu xòe khác. Xòe vòng có các nét cơ bản, đội hình xòe xếp thành hình vòng tròn, động tác chủ đạo cơ bản lặp đi lặp lại ở 2 nhịp. Xòe vòng tập thể có khả năng ứng biến linh hoạt thành nhiều điệu xòe khác nhau. Những điệu múa xòe vô cùng uyển chuyển cuốn mọi người không chỉ mang tính cộng đồng cao mà còn mang ý nghĩa sâu sắc, thể hiện ước mơ về những mùa màng bội thu cùng một cuộc sống thanh bình no đủ tươi vui trong năm mới.

Người dân nơi đây quan niệm rằng: “Không xòe không vui, không xòe cây lúa không trổ bông, không xòe cây ngô không ra bắp, không xòe trai gái không thành đôi” vang vẳng giữa cao nguyên ngút ngàn hoa đào, hoa mận.

Item 1 of 3

Người dân nơi đây quan niệm rằng: “Không xòe không vui, không xòe cây lúa không trổ bông, không xòe cây ngô không ra bắp, không xòe trai gái không thành đôi”.

Những lúc rảnh rỗi, nghệ nhân Lâm Văn Lù thường dạo bước trong sân Dinh thự cổ Hoàng A Tưởng để hoài niệm ký ức xưa. Ông Lù cho biết, ông đã lớn lên cùng những câu ca, điệu xòe, cùng những vất vả một nắng hai sương của cha, của mẹ. Khi còn là một cậu bé mới lớn, cha mẹ đã dạy ông phải biết yêu quý, trân trọng những giá trị truyền thống, kể những câu chuyện về dân tộc mình, dạy ông thổi những câu Pí Lè và điệu xòe đầu tiên.

Trong khuôn viên của Dinh thự nay có những vị khách nước ngoài đến thăm. Họ đang trên hành trình khám phá vùng non cao và thăm Dinh thự Hoàng A Tưởng là trải nghiệm thú vị không thể bỏ qua. Họ thích thú, tìm hiểu và ghi lại những bức ảnh về kiến trúc, lịch sử hay nếp sinh hoạt của người dân xưa kia qua những bức ảnh trong phòng trưng bày tại đây.

Dinh thự Hoàng A Tưởng - nơi hình thành đội xòe trước đây nay thường xuyên biểu diễn phục vụ du khách đến tham quan.

Dinh thự Hoàng A Tưởng - nơi hình thành đội xòe trước đây nay thường xuyên biểu diễn phục vụ du khách đến tham quan.

Dinh thự Hoàng A Tưởng - nơi hình thành đội xòe trước đây nay thường xuyên biểu diễn phục vụ du khách đến tham quan. Để khai thác thế mạnh và phát triển các điệu xòe truyền thống, người Tày Bắc Hà đã có nhiều cách làm hay, nhằm bảo tồn văn hóa của dân tộc mình và phục vụ phát triển du lịch để xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Chính quyền huyện Bắc Hà đã thực hiện chủ trương dựa vào dân để xây dựng và duy trì các đội xòe tại các thôn, bản, dòng họ, cụm dân cư. Đến nay tại 3 xã của người Tày, đều có từ 5 đến 6 đội xòe ở các thôn. Mỗi đội có từ 12 đến 15 nghệ nhân nòng cốt thường xuyên tập luyện vào lúc nông nhàn hoặc ban đêm tại nhà văn hóa hoặc nhà trường thôn. Sau buổi tập luyện họ lại đi biểu diễn tại các điểm du lịch do huyện Bắc Hà bố trí như: Dinh Hoàng A Tưởng và không gian chợ đêm vào thứ 7 hằng tuần. Đến với không gian văn hóa chợ đêm Bắc Hà, ngoài việc được thưởng thức những tiết mục văn hóa-văn nghệ mang đậm nét truyền thống các dân tộc, du khách còn có thể được giao lưu văn nghệ, hòa mình với các cô gái Tày trong các làn điệu xòe đặc sắc. Đây thật sự là những trải nghiệm vô cùng ấn tượng với khách du lịch.

Trong những năm gần đây, du lịch cộng đồng phát triển, Bắc Hà là một trong những điểm đến được nhiều du khách lựa chọn. Do vậy, chính quyền và các ngành chức năng trên địa bàn đã chung tay phối hợp để tạo đà cho du lịch nơi đây phát triển bằng việc đưa nghệ thuật xòe trở thành sản phẩm văn hóa phục vụ du khách. Đây là cách làm hay, vừa lồng ghép gắn việc bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa với chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương.

Chị Hà Thị Vân (chủ homestay Na Lo, xã Tà Chải, huyện Bắc Hà) chia sẻ: “Việc gắn kết giữa du lịch với văn hóa dân tộc địa phương đã tạo nên sự hấp dẫn để thu hút du khách trong và ngoài nước”.

Một cách làm rất hay nữa của huyện Bắc Hà là đưa xòe vào trường học với mong muốn phổ cập điệu múa xòe cho học sinh. Từ đó tạo nền tảng và những hạt nhân trong các đội xòe thôn, đội văn nghệ xã. Múa xòe diễn ra vào giờ ra chơi buổi chiều của học sinh. Ngoài việc rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, tham gia các hoạt động xã hội, cách làm này còn giúp các em giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của chính dân tộc mình.

Cô giáo Vũ Thị Thanh Hương (Trường tiểu học Na Hối, xã Tà Chải, huyện Bắc Hà) cho biết: “Điệu xòe truyền thống đã được đưa vào trường từ rất lâu. Hằng năm, nhà trường sẽ thay đổi ít nhiều về hình thức. Thí dụ, học sinh có thể múa theo 1 hoặc 2 vòng tròn”.

Trong tiết xuân se lạnh ở vùng cao, mọi người nô nức rủ nhau đi trảy hội. “Lễ hội xuống đồng” mang ý nghĩa cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi. Mỗi gia đình tham gia lễ hội sẽ chuẩn bị một mâm cỗ cúng tùy theo khả năng, nhưng cơ bản phải có rượu và thịt. Không chỉ là tâm linh, người Tày Bắc Hà gửi gắm niềm tin và cả mong ước của mình trong đó.

Sau phần lễ là phần hội. Do được luyện tập công phu, nên vào ngày hội, các điệu xòe như: xuống đồng, múa gieo hạt, múa thu hoạch, múa lên nương… thể hiện những nét truyền thống, vừa uyển chuyển quyến rũ, vừa độc đáo sôi nổi.

Giá trị nghệ thuật xòe của người Tày Bắc Hà là niềm tự hào, vinh dự của một dân tộc có bề dày văn hóa, là nét đẹp gọi mời du khách gần xa đến với Bắc Hà để được đắm say trong những điệu xòe.

Ngày xuất bản: 11/2024
Tổ chức thực hiện: Đông Minh
Nội dung: Linh Ngọc
Trình bày: Diệc Dương
Ảnh: Linh Ngọc; Quốc Hồng; Sở Du lịch tỉnh Lào Cai