Điều chỉnh giá
dịch vụ y tế:
Hài hòa lợi ích
Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh (KBCB) thuộc phạm vi thanh toán Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) hiện hành được xây dựng trên cơ sở chi phí trực tiếp và tiền lương để bảo đảm cho việc khám chữa bệnh (KCB) gồm các giá dịch vụ: khám bệnh, hội chẩn; ngày giường bệnh; kỹ thuật, xét nghiệm. Cách tính giá dịch vụ KBCB mới đang được Bộ Y tế dự thảo, 4 nhóm chi phí sử dụng để tính giá bao gồm chi phí nhân công, chi phí trực tiếp sử dụng cho KCB, chi phí khấu hao và chi phí quản lý.
Việc định giá dịch vụ KBCB bảo đảm các nguyên tắc bù đắp chi phí thực hiện KCB phù hợp với quy định, đồng thời hài hòa lợi ích của Nhà nước, cơ sở KCB và người bệnh. Khi Luật KBCB (sửa đổi) có hiệu lực, vấn đề tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế (DVYT) là cần thiết, giúp các bệnh viện có thêm nguồn lực, chi phí để nâng cao dịch vụ KCB, đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế phục vụ nhu cầu của người dân, đồng thời với các cơ chế thanh toán của chính sách BHYT từng bước giảm tỷ lệ chi tiền túi của người dân cho chi phí chăm sóc sức khỏe.
Việc điều chỉnh giá DVYT ước tính chỉ tác động đến 45% trong tổng phần thanh toán chi phí KCB (tiền thuốc, vật tư y tế thanh toán theo thực tế sử dụng). Tỷ lệ dân số tham gia BHYT đã là 93,35% (hết năm 2023) nên dù điều chỉnh giá DVYT thì chi phí tăng ở phần đồng chi trả cũng không quá cao. Tuy nhiên cần điều chỉnh ở mức nào và theo lộ trình ra sao để bảo đảm khả năng cân đối của quỹ BHYT và chi trả của người dân, hài hòa lợi ích và góp phần chăm sóc tốt sức khỏe nhân dân? Tiêu điểm “Điều chỉnh giá dịch vụ y tế: hài hòa lợi ích” của Nhân Dân hằng tháng số tháng 4 góp phần kiến giải vấn đề này.
Cái khó
bó cái khôn
Giá dịch vụ KBCB hiện mới tính chi phí nhân công (tiền lương, tiền công phù hợp loại hình cung cấp dịch vụ); chi phí trực tiếp sử dụng cho KCB (thuốc, máu, dịch truyền, vật tư y tế...). Hai cấu phần gồm chi phí khấu hao thiết bị y tế, tài sản cố định và chi phí quản lý chưa được tính. Trong bối cảnh hầu hết các bệnh viện công đã thực hiện tự chủ tài chính, thì đó là áp lực rất lớn.
Thu có đủ bù chi?
Trong gần 10 năm qua, giá DVYT có nhiều thay đổi, từ tháng 3 năm 2016 tăng khoảng 30% và từ 1/7/2016 tăng 50%. Lý giải cho việc “tăng sốc” vào năm 2016, lãnh đạo Bộ Y tế khi đó nhấn mạnh điều chỉnh giá để dần tiến đến giá trị thực của DVYT. Khi giá dịch vụ tính đúng, tính đủ thì có lợi nhất là những người dân có BHYT. Nhà nước sẽ không phải bao cấp cho những cơ sở y tế đó nữa, mọi chi phí bảo hiểm chi trả.
Cuối năm 2018 và năm 2019, giá DVYT tiếp tục được điều chỉnh và gần đây nhất, Bộ Y tế ban hành Thông tư 22/2023/TT-BYT có hiệu lực thi hành từ ngày 17/11/2023 quy định thống nhất giá dịch vụ KBCB BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trong toàn quốc, được xây dựng trên cơ sở chi phí trực tiếp và tiền lương, tăng khoảng 10% so với lần điều chỉnh trước đó.
Nhiều người ví giá dịch vụ khám bệnh BHYT chỉ tương đương giá 1 bát phở: bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I là 42.100 đồng; hạng II là 37.500 đồng; hạng III là 33.200 đồng; bệnh viện hạng IV và trạm y tế xã có mức thanh toán là 30.100 đồng. Chế độ phụ cấp tiền trực 24/24 giờ chi trả cho 1 nhân viên y tế mỗi phiên là 115.000 đồng với bệnh viện hạng I, hạng đặc biệt, 90.000 đồng đối với bệnh viện hạng II, hỗ trợ tiền ăn 15.000 đồng. Nhiều bác sĩ cho rằng phụ cấp quá thấp, không bằng tiền công làm ca đêm 8 tiếng của công nhân, chưa kể có khi còn phải thức trắng đêm, đứng mổ liên tục tê chân, bị giãn tĩnh mạch là chuyện thường.
Theo Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Yên Dũng (Bắc Giang) Đặng Hữu Tuấn, 1 ca phẫu thuật ruột thừa trong khoảng 2 tiếng cần 5 người, trừ tất cả chi phí trực tiếp mới lãi khoảng 120 nghìn đồng, chia đều mỗi người chưa được bát phở, nếu mổ ngoài giờ thì “lỗ” vì phải trả thêm chi phí nhân công. Một ca phẫu thuật sọ não màng cứng giá thường quy hơn 3 triệu đồng không đủ tiền mua mũi khoan, cắt và tạo hình, chưa kể chi phí thuốc, vật tư y tế, chi trả cho kíp mổ, kíp gây mê.
Giá cả đều tăng nhưng giá dịch vụ KBCB nhiều năm vẫn “giậm chân tại chỗ”. Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng Nguyễn Thị Mai Anh trải lòng, một ca đỡ đẻ thường giá cho bệnh nhân có BHYT là 736.000 đồng gồm cả tiền vật tư tiêu hao, thuốc, nhân lực, bảo dưỡng, điện nước, đồ vải, phụ cấp phẫu thuật thủ thuật trả cho kíp đỡ đẻ là 34.500 đồng/ca. Bác sĩ, điều dưỡng phải chăm sóc sản phụ từ lúc bắt đầu chuyển dạ cho tới 6 giờ sau đẻ, thường xuyên thăm khám, theo dõi tim thai, cơn đau, đỡ đẻ...
Giám đốc TTYT thành phố Hưng Yên Nguyễn Thanh Tuệ than phiền, bệnh nhân vắng, nội trú ít, chủ yếu nằm điều trị ban ngày, giá dịch vụ ngày giường bệnh tại các khoa liên chuyên khoa tính đồng giá theo khoa có giá ngày giường bệnh thấp nhất, giá dịch vụ ban ngày bằng một nửa so với cả ngày cũng làm hụt thu. Với mức giá hiện tại, đơn vị gặp rất nhiều khó khăn nâng cao tỷ lệ tự chủ theo lộ trình của tỉnh chứ chưa nói đến mở rộng và nâng cao chất lượng điều trị hay tăng thu nhập cho cán bộ nhân viên.
Tiếp đón người dân tới khám chữa bệnh tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Ảnh: Trần An
Tiếp đón người dân tới khám chữa bệnh tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Ảnh: Trần An
Khó chồng khó
Quang cảnh thường thấy ở TTYT thị xã Duy Tiên (Hà Nam) là sự vắng vẻ. Bệnh nhân phần đông là phụ nữ đến khám thai định kỳ, người mắc bệnh mạn tính lấy thuốc BHYT. Trước đây mỗi ngày hơn 400 lượt người tới KCB, tiền lương thấp, thu nhiều, giờ chỉ còn một nửa, thu giảm, tiền lương trả cao hơn, càng khó khăn. Quy mô 100 giường kế hoạch, mỗi ngày chỉ được vài chục. Ngoài trả lương, nguồn thu chỉ đủ trang trải tiền điện nước, học nghề ngắn hạn, đầu tư lớn đều trông chờ ngân sách. Các tòa nhà cũ, phòng ốc, nhà vệ sinh xuống cấp, có phòng thấm dột. Trang thiết bị cũ kỹ, máy siêu âm từng phải sửa đầu dò, hiện cần mua sắm, bổ sung thêm gần 20 máy các loại phục vụ KCB. Bác sĩ đi học phải tự túc, nhiều người ra trường về làm khi có chứng chỉ hành nghề, tay nghề vững là xin chuyển công tác, thậm chí bỏ về mở phòng khám tư. Không còn tay mổ cứng chỉ đỡ đẻ thường, KCB đơn thuần, đội ngũ bác sĩ không có điều kiện triển khai kỹ thuật chuyên sâu, tay nghề dần mai một. Giờ có chính sách thông tuyến, chỉ vài cây số tới ngay bệnh viện tỉnh Hưng Yên nên nhiều người sang đó chữa bệnh. Biết là phí nhưng đành “lực bất tòng tâm”, Phó Giám đốc Nguyễn Đức Long ngậm ngùi.
Tình cảnh đó cũng không hiếm gặp ở các bệnh viện, TTYT tuyến huyện. Nguồn thu không nhiều, rất khó để đầu tư cơ sở hạ tầng, máy móc, đào tạo nâng cao nhân lực - những điều kiện cơ bản thu hút bệnh nhân. Giám đốc TTYT quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) Nguyễn Đại Vĩnh cho biết mặc dù số lượt KCB tăng, nhưng nguồn thu thấp và trang trải nhiều chi phí, kết dư không đáng kể, không đủ nguồn để tái đầu tư hoạt động KBCB và chi thu nhập tăng thêm, chi phúc lợi cho cán bộ, viên chức và người lao động, đặc biệt là “giữ chân” đội ngũ bác sĩ trong bối cảnh “chảy máu chất xám” sang bệnh viện tư. Đồng cảnh, Giám đốc TTYT huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) Hoàng Ngọc Túy chia sẻ, để chi tiền lương, tiền trực, phụ cấp và các khoản chi khác thì đơn vị không đủ chi phí để hoạt động mà Nhà nước phải cấp bổ sung hằng năm.
Điều chỉnh giá dịch vụ KBCB chưa theo kịp lộ trình tăng lương và lạm phát. Với những cơ sở y tế có thực hiện phẫu thuật, nguồn thu cũng không đáng kể. Bác sĩ Vũ Trí Quý, Giám đốc TTYT huyện Lục Nam (Bắc Giang) cho biết nhà cửa, trang thiết bị mua sắm và sử dụng đã lâu, hiện hư hỏng, xuống cấp. Máy CT chỉ có 2 dãy, máy siêu âm từ trước năm 2016, cố gắng chắt chiu tiết kiệm cũng chỉ đủ lo sửa chữa, thay thế linh kiện, bảo dưỡng lặt vặt. Đầu mỗi quý, bảo hiểm tạm ứng 80% kinh phí KCB, lương cán bộ thì không thể trả chậm, nếu cân đối không tốt, khó thanh toán đúng hạn cho các nhà cung cấp thuốc, vật tư y tế. Thu nhập trung bình chỉ 8 triệu đồng, không có cơ chế trả cao hơn cho bác sĩ giỏi, trung tâm trông chờ khi chuyển sang tòa nhà mới hiện đại, đầu tư thêm máy móc để triển khai dịch vụ KCB theo yêu cầu, tăng thêm nguồn thu.
Ngay cả một số bệnh viện tuyến tỉnh, trung ương, khó khăn cũng không ít. Chi phí vận hành tốn kém. Điện, nước giá liên tục tăng, ngày hè dùng điều hòa, quạt sà sã vừa tốn điện vừa nhanh hỏng. Chi phí xử lý chất thải giá đắt, chi phí vệ sinh phải thêm khoản đào tạo nhân viên làm vệ sinh trong phòng mổ để bảo đảm thực hiện đúng quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn. Nhà cửa xập xệ, mỗi lần đường điện, đường ống thoát nước rò rỉ, hỏng hóc tốn cả thời gian và chi phí dò tìm sửa chữa, chi cho hạng mục phòng cháy chữa cháy cũng tăng. Việc thực hiện các dịch vụ kỹ thuật ngày càng được nâng cao đòi hỏi đầu tư thêm trang thiết bị tiên tiến. Công nghệ thay đổi nhanh, nhiều loại máy lên tới tiền tỷ, trong khi kinh phí đầu tư trang thiết bị chuyên sâu, kỹ thuật cao còn hạn hẹp, nhiều bệnh viện chỉ đủ sức xoay xở mua sắm thêm những trang thiết bị nhỏ, cấp thiết để phục vụ người bệnh. “Có thực mới vực được đạo”, đào tạo 1 bác sỹ mất nhiều năm, để có tay nghề vững tốn công, tốn của bồi dưỡng, khi cử đi học dài hạn vẫn phải trả lương, bù đắp phụ cấp nghề, nhưng trông vào đồng lương không đủ sống.
Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin tạo điều kiện thuận lợi cho cả người bệnh và bệnh viện, nhưng chi phí mua sắm, cập nhật, thuê bao, sửa chữa đều không rẻ. Nhiều bệnh viện hiện vẫn làm song song bệnh án điện tử và bệnh án giấy tốn nhiều giấy mực, nhà kho lưu trữ hồ sơ. Do chi phí quản lý chưa được tính vào giá, khối lâm sàng, cận lâm sàng tạo sinh ra dịch vụ còn phải gánh trả lương cho khối quản lý, hành chính.
Theo bác sĩ Lê Văn Tiến, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Lâm Đồng, cơ sở vật chất đã được đầu tư gần 20 năm nên nhiều vị trí đã xuống cấp nghiêm trọng, nhiều máy móc hết khấu hao, lạc hậu. Bệnh viện tự chủ nhóm 2 “tự bảo đảm chi thường xuyên” vẫn phải chủ động và tự cân đối để bảo đảm hoạt động; không có được nguồn kết dư để tự đầu tư thêm cơ sở vật chất, trang thiết bị; chi tăng thêm thu nhập cho nhân viên y tế. TS Vũ Xuân Phú, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương chia sẻ, nguồn thu bảo đảm đủ cho hoạt động của bệnh viện, để phát triển các kỹ thuật chuyên sâu, kỹ thuật cao thì còn khó khăn. Bệnh viện Ung bướu Hà Nội có tòa nhà KCB theo yêu cầu và một số trang thiết bị được đầu tư xã hội hóa từ nhiều năm nay, mới có thêm nguồn cân đối chi phí cho các hoạt động.
Tiết kiệm tối đa để duy trì hoạt động
Tổng thu năm 2023 của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam gần 266 tỷ đồng, thuộc hạng thấp trong các bệnh viện tỉnh, nên không có cách nào là phải “thắt lưng buộc bụng”, tiết kiệm từng số điện, khối nước bằng cách thay bóng đèn led, điều tiết cho các khoa, phòng sử dụng điều hòa hài hòa, linh hoạt. Trong hơn 10 tòa nhà, có tòa xây đã 70 năm, “đói cho sạch, rách cho thơm”, bệnh viện cố gắng hạn chế tối đa mùi, đọng nước, gây nguy hiểm cho người bệnh. Cơ sở vật chất xuống cấp, thiếu tiền mua sắm trang thiết bị lớn, thiếu nhân lực ở một số chuyên ngành, khốn khó trăm bề, bệnh viện chỉ đủ lực sửa chữa tối thiểu đáp ứng KCB.
Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng tự chủ nhóm 1 “tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư”, áp lực cân đối thu chi là bài toán nan giải, nhất là trong bối cảnh giá cả thị trường và chế độ lương bổng, thu nhập của cán bộ, nhân viên luôn tăng. DVYT là loại dịch vụ đặc biệt, liên quan đến tính mạng con người, phải ngày càng tốt hơn, độ chính xác cao hơn. Chất lượng sống nâng cao, nhu cầu người bệnh cũng đòi hỏi cao, để đáp ứng phải có nguồn lực đầu tư. “Ngày xưa mổ phanh chỉ cần dao mổ, nay mổ nội soi cần cả dàn máy đắt tiền. Bệnh nhân muốn mổ nội soi, dùng hàng tiêu hao chất lượng cao, ít tác dụng phụ để nhanh phục hồi sức khỏe, bảo đảm thẩm mỹ, bớt ngày nằm viện, muốn điều trị nội trú trong phòng sạch sẽ, tiện nghi. Thế nên bệnh viện phải luôn nỗ lực đổi mới, gây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp và an toàn, cố gắng tiết kiệm tối đa để có nguồn đầu tư nhân lực và vật lực gây dựng thương hiệu, thu hút bệnh nhân”, Giám đốc Vũ Văn Tâm bộc bạch.
Điều chỉnh giá dịch vụ KBCB theo lộ trình tính đúng, tính đủ và được Nhà nước quan tâm đầu tư, hỗ trợ nhiều hơn, đó là mong muốn chung của các bệnh viện. Tuy nhiên, việc xây dựng mức giá cần tính toán thật đúng, chuẩn, minh bạch chi phí, căn cứ vào kỹ thuật, công nghệ, trình độ tay nghề, tiện ích của dịch vụ. Cũng không nên tăng cơ học tất cả bảng giá và cần có mức trần khống chế, từ đó các cơ sở y tế quyết định mức giá phù hợp, thậm chí hạ giá để cạnh tranh.
Tổ chức thực hiện :
Ban Nhân Dân hằng tháng
Nội dung :
Tuấn Dung-Minh Tâm-Mai Đào-Gia Khánh-
Thanh Quý-Tuấn Anh-Trung Hiếu
Trình bày mỹ thuật :
Duy Thanh
Ảnh :
Trần An, Khánh An, Mai Bảo, Đức Anh, nguồn internet