KHẮC "HUYỀN THOẠI" ĐIỆN BIÊN...
BẰNG ÁNH SÁNG
Khi ánh sáng được hắt qua khối điêu khắc, trên bức màn phía sau, hình ảnh đoàn xe thồ vượt dốc cao, đèo sâu tiếp tế cho chiến trường bỗng chốc hiện ra. Khi chúng tôi vẫn chưa hết trầm trồ, nghệ nhân trẻ Bùi Văn Tự lại lúi húi xoay, khiến “bóng” đen biến đổi, hóa thành cụm 3 chiến sĩ Điện Biên Phủ phất cao lá cờ chiến thắng trên nóc hầm Đờ Cát.
Đó là cụm điêu khắc “2 trong một” mang tên: Chiến thắng Điện Biên Phủ và Người chiến sĩ Điện Biên được Bùi Văn Tự mang tới triển lãm Du lịch qua các miền di sản và danh thắng Việt Nam sẽ diễn ra tại Điện Biên tới đây. Cùng với tác phẩm Tự hào Việt Nam, Tự mong muốn bày tỏ lòng tri ân tới thế hệ cha, ông đã làm nên chiến thắng lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” 70 năm về trước.
Từ chiếc xe thồ huyền thoại tới ngọn cờ trên trận địa Điện Biên
Mất vài ngày hẹn, sau cùng, chúng tôi cũng gặp được Bùi Văn Tự. Dẫn chúng tôi lên phòng trưng bày lờ mờ tối nằm trên lầu 4 Bảo tàng gốm sứ Bát Tràng, Tự thanh minh: Cả tuần qua, anh không rời xưởng vì bận hoàn thiện nốt cụm tác phẩm về chiến dịch Điện Biên Phủ.
Nói đoạn, nghệ sĩ trẻ sinh năm 1992 chỉ tay vào một khối bao tải gai có… đính kèm vài nhành cây nhựa lởm chởm, khoe: “Sản phẩm cuối đây anh, đang ở những bước sau cùng rồi”. Thoáng nhìn, không ai trong chúng tôi hình dung được những thứ trước mắt có liên quan gì tới… trận Điện Biên Phủ 70 năm về trước.
Thấy khách mắt tròn, mắt dẹt, Tự liền ngồi xuống, bật đèn. Ánh sáng vàng từ chân đế thốc ngược lên, chiếu qua những bao tải, cành cây nhựa rồi in bóng đen sậm lên tấm màn trắng đã được dựng sẵn phía sau.
“Các anh vẫn chưa thấy đường nét gì nổi bật đúng không?”,Tự vừa lúi cúi, vừa cười cười; đoạn bắt đầu xoay phần đế một cách chỉn chu. Những bóng đen cũng theo đó chuyển động, rồi chậm rãi xếp thành bức hình đầu tiên trong sự ngỡ ngàng của người chứng kiến. Trên một triền dốc cao, xuất hiện cảnh một dân công hoả tuyến, đầu đội cối nguỵ trang. Phía trước anh là chiếc xe đạp thồ-biểu tượng đã đi vào huyền thoại của chiến dịch lịch sử 70 năm về trước.
Lịch sử đã từng ghi lại, trong chiến dịch Điện Biên Phủ kéo dài từ ngày 13/3 - 7/5/1954, hơn 2 vạn dân công hỏa tuyến với những chiếc xe đạp thồ thô sơ đã khiến địch bất ngờ. Bằng ý chí quyết tâm, mỗi dân công đã vận chuyển hàng trăm kg hàng hóa, đạn dược trên chiếc xe thồ vào chiến trường, góp phần làm nên chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".
Lúc đầu, mỗi xe đạp thồ chỉ chở được 80-100kg, sau trọng tải được tăng dần lên nhờ các sáng kiến cải tiến đơn giản mà hiệu quả của các dân công. Để biến một chiếc xe đạp thành xe thồ, dân công buộc thêm một đoạn tre nhỏ, dài khoảng 1 mét, gọi là “tay ngai” để điều khiển vào ghi đông. Một đoạn tre cao hơn yên khoảng 50cm để vừa cầm, được buộc vào trục yên xe nhằm vừa giữ thăng bằng vừa đẩy xe đi.
"Bức điêu khắc" của Bùi Văn Tự thậm chí đã khắc hoạ được cả cái “tay ngai” đầy sáng tạo và tràn trề ý chí ấy của quân và dân ta năm nào. Anh bảo, hình tượng “huyền thoại” ấy đã ăn sâu vào tâm tưởng anh từ rất lâu, và bật lên ngay khi nghĩ tới việc sáng tạo sản phẩm về Điện Biên.
Thấy chúng tôi xuýt xoa không ngừng, Tự lại úp mở: Điều đặc sắc vẫn còn ở phía trước; rồi tiếp tục… xoay phần đế. Sau chừng 10 giây, ánh sáng và bóng tối trên tấm vách lại biến đổi, ghép thành hình ảnh 3 chiến sĩ đang cầm súng, giương cao ngọn cờ trên ngọn đồi Điện Biên… Bóng các anh như được tạc vào giữa đất trời, đầy hào hùng và tráng lệ.
“Tác phẩm lần này, tôi sử dụng thủ pháp di hình, hoán ảnh để có thể tạo ra 2 khối hình ảnh trên cùng một chủ thể. Chỉ cần xoay các hướng, người xem sẽ được chiêm ngưỡng các hình điêu khắc ánh sáng khác nhau”, Bùi Văn Tự nói.
Về ý nghĩa tác phẩm, anh cho biết: Hai hình tượng được “trình chiếu” thể hiện 2 giai đoạn khác nhau của chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Nếu như huyền thoại xe đạp thồ thể hiện ý chí toàn dân, toàn quân dồn sức người, sức của cho Điện Biên; thì bức Chiến thắng Điện Biên là kết tinh đỉnh cao của cả chiến dịch. Tính nối tiếp và bổ trợ khiến cho người xem có cái nhìn khá toàn diện và ấn tượng về một sự kiện lịch sử đã lùi xa.
Tự cho biết thêm, từ cuối năm 2023, anh đã bắt đầu lên ý tưởng, phác hoạ hình khối và bắt tay vào sáng tạo cụm tác phẩm đặc biệt kể trên. Cho tới tận những ngày giữa tháng 4, toàn bộ các khâu mới được hoàn tất.
Tiếp tục dẫn chúng tôi tới gian phòng lớn hơn, nơi đặt một khối gỗ lúa đồ sộ, Tự giới thiệu: Đó là tác phẩm mang tên Tự hào Việt Nam. Tác phẩm cũng nằm trong cụm chủ đề hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Sau một vài thao tác, ánh sáng chiếu qua khối điêu khắc phía trước trình chiếu lần lượt các hình ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn độc lập trong sáng mùa thu lịch sử; Cờ đảng và quốc kỳ phấp phới bay; Bản đồ Tổ quốc với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ruột thịt...
“Tác phẩm thể hiện ý tưởng: Tư tưởng của Bác Hồ, đường lối của Đảng… chính là ngọn đuốc soi sáng, là yếu tố then chốt dẫn tới chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử. Đây cũng chính là lý do, tôi chọn Tự hào Việt Nam tới tham dự triển lãm Du lịch qua các miền di sản và danh thắng Việt Nam được tổ chức từ ngày 20-24/4 tại Điện Biên”, Tự thông tin.
Thông thường, để thực hiện một tác phẩm, Bùi Văn Tự mất từ 1 đến 6 tháng, bao gồm việc lên ý tưởng, tìm nguyên liệu, tạo hình và bổ sung chữ, thơ để tạo thành một tác phẩm hoàn thiện.
“Một tác phẩm điêu khắc ánh sáng luôn dựa trên 3 trường phái: Trường phái điêu khắc truyền thống trên chất liệu gỗ, gốm, đá; thứ hai là điêu khắc bằng ánh sáng và cuối cùng là điêu khắc bằng ngôn ngữ để tạo thành nội dung tác phẩm. Các trường phái này sẽ giúp tác phẩm trở nên hoàn hảo, truyền tải được ý tưởng, tư duy nghệ thuật và những thông điệp của tác giả. Riêng với cụm tác phẩm này, tới đây, tôi sẽ mang lên Điện Biên để triển lãm, như một lời tri ân tới các thế hệ cha ông đã làm nên chiến thắng lịch sử năm nào”, nghệ nhân Bùi Văn Tự chia sẻ.
Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh được khắc họa sống động. Qua đây, tôi muốn thể hiện tình yêu với vị Cha già dân tộc. Đây cũng chính là hợp phần đầu tiên tạo nên cụm tác phẩm liên hoàn mang tên Tự hào Việt Nam...
Tiếp đó, khi xoay khối điêu khắc, kết hợp với ánh sáng chiếu lên, hình ảnh tiếp theo xuất hiện chính là bản đồ Việt Nam với cả 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thân yêu...
Tiếp tục di chuyển khối điêu khắc, ánh sáng sẽ "họa hình" lá cờ búa liềm. Hệ đèn được dùng lúc này là ánh sáng vàng để màu cờ trở nên sát thực nhất...
Tôi chưa từng nghĩ rằng sự kết hợp giữa ánh sáng, điêu khắc lại có thể hoàn hảo tới vậy. Phải tận mắt ngắm nhìn mới cảm nhận hết nét tinh tế trong từng hình khối...
Đây là lần đầu tiên chúng tôi được tận mắt chứng kiến nghệ thuật điêu khắc ánh sáng. Qua những hình ảnh được chiêm ngưỡng, tôi thực sự bất ngờ vì sự chân thật cũng như tính thẩm mỹ của các tác phẩm...
… Và hành trình "thắp đèn... theo dấu tiền nhân"
Điện Biên Phủ thật ra chỉ là một điểm nhấn trong hành trình “thắp đèn theo dấu tiền nhân” của Bùi Văn Tự. Tự kể, anh vốn theo chuyên ngành xây dựng, từng làm kỹ sư cho một cơ quan cấp Bộ tại Hà Nội. Cơ duyên với điêu khắc ánh sáng tới với anh từ rất sớm, khi còn đang là sinh viên. Khi ấy, trong một lần đi trang trí tiểu cảnh, Tự phát hiện ánh sáng hắt qua khối non bộ in lên tường rất giống hình chú gấu. Ngay lập tức, anh nghĩ tới việc tại sao không thể kết hợp đèn với điêu khắc để “hoạ hình”… ánh sáng?
Bắt đầu từ đây, Tự lao vào một hành trình chưa từng có tiền lệ. Anh mày mò trong căn phòng trọ nhỏ chật chội, mang về đủ thứ người ta vứt đi để tạo hình. Từ xi-măng đến giấy vụn, bao bì, phế liệu… tất cả được anh miệt mài lắp ghép, rồi trình chiếu để tạo nên những vật đơn giản và quen thuộc nhất như con cá, chiếc ô-tô, người mẹ bồng con chờ chồng…
Năm 2014, sau khi thành công trong chương trình Tìm kiếm tài năng Việt, Tự quyết định nghỉ việc, tìm về Bát Tràng, vừa để học nghề gốm, vừa chuyên tâm sáng tạo. Đến năm 2020, Bùi Văn Tự đã dành toàn bộ thời gian cho điều mà anh gọi là Điêu khắc ánh sáng.
Nhìn lại chặng đường đã qua ấy, Tự bảo, anh chưa từng hối hận. Bởi, thứ nghệ thuật ấy đã giúp anh có cơ hội nhìn sâu hơn và khám phá những ngóc ngách còn ẩn kín trong tâm hồn. Ở đó, Tự được lãng du trong văn hoá-lịch sử, được sáng tạo và quan trọng nhất là được… “thắp đèn, tìm kiếm bóng tiền nhân”.
Giải thích về ý tưởng này, anh chia sẻ, nghệ thuật điêu khắc ánh sáng kết hợp giữa điêu khắc và ánh sáng, từ đó tạo nên hình ảnh độc đáo từ phần bóng của vật thể. Bởi vậy, điêu khắc ánh sáng rất phù hợp để kể chuyện về đời sống, văn hóa, con người, lịch sử…
“Văn hóa, lịch sử Việt Nam luôn là chủ đề cho tôi nhiều nguồn cảm hứng nhất. Tôi đã lựa chọn nhiều câu chuyện khác nhau để thể hiện nhằm truyền cảm hứng, giới thiệu cho công chúng, đặc biệt giới trẻ về bản sắc văn hóa, lịch sử hào hùng của dân tộc ta", anh nói.
Dẫn chúng tôi đi thăm Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt, Bùi Văn Tự không giấu được niềm tự hào khi giới thiệu bộ sưu tập 14 vị anh hùng dân tộc nổi tiếng trong lịch sử do chính tay anh sáng tác nên. Phải mất đến 3 năm, Bùi Văn Tự mới có thể hoàn thành bộ sưu tập có tên “Thắp đèn soi niên sử” này.
Từ những phiến gỗ xù xì, dưới óc sáng tạo và bàn tay khéo léo của người nghệ nhân, kết hợp cùng ánh sáng, những chân dung sống động đã được tạo dựng, từ vua Hùng, Hai Bà Trưng, Đinh Tiên Hoàng, Lý Thái Tổ, Ngô Quyền… đến Nguyễn Trãi hay vị anh hùng áo vải Nguyễn Huệ. Trong phút chốc, người xem như được lạc vào một không gian đầy linh thiêng và trầm mặc mà ở đó, chỉ có sự tôn nghiêm và thành kính.
Ngừng lại một lát, anh bảo: Nghệ thuật điêu khắc đòi hỏi người sáng tạo kiến thức hội hoạ, tư duy khác biệt và đôi tay khéo léo. Với điêu khắc ánh sáng, anh sẽ còn cần thêm trí tưởng tượng, khả năng truyền thần...
Bên cạnh đó, do đặc thù nên ánh sáng đóng vai trò rất quan trọng. Ánh sáng cần phải được lựa chọn đúng và đặt đúng vị trí mới tôn lên hết vẻ đẹp của tác phẩm. Đèn Spotlight được sử dụng phổ biến trong loại hình nghệ thuật này, bởi loại hình này dùng ánh sáng chiếu thẳng vào tác phẩm điêu khắc để tạo nên một bức tranh nghệ thuật.
Ánh sáng cũng sẽ được sử dụng ngay khi bắt đầu điêu khắc, vừa chiếu đèn, vừa chạm trổ sao cho ra đúng sản phẩm mà mình đã lên ý tưởng.
Tự chia sẻ thêm : Giai đoạn khó khăn nhất chính là khi tạo hình. Phần hình chỉ cần sai lệch 1mm thì sẽ làm hỏng cả phần bóng. Nó đòi hỏi sự tập trung và tính tỉ mỉ rất cao.
Đặc biệt, khi lựa chọn lối đi tái hiện các nhân vật lịch sử, người nghệ sĩ phải trang bị rất nhiều hiểu biết về lịch sử, văn hóa; thực sự thấu hiểu và đồng cảm với mỗi nhân vật mình sẽ khắc họa.
Đây cũng chính là cách mà Tự đã mải miết làm, mải miết thể nghiệm trong suốt nhiều năm qua. Đó có thể là chân dung 12 nhà khoa học, danh họa, nhạc sĩ nổi tiếng trên thế giới như Albert Einstein, Nikola Tesla, Leonardo da Vinci, Ludwig van Beethoven... tại triển lãm Ánh sáng tri thức năm 2022. Đó cũng có thể là hành trình văn minh của cả nhân loại với “Nhật ký xuyên không” tại cố đô Hoa Lư Ninh Bình. Hay mới đây nhất là bộ sưu tập các tác phẩm kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Và dù ở đâu, Bùi Văn Tự vẫn đang cần mẫn "thắp đèn, soi dấu tiền nhân"...
Ngày xuất bản: 19/4/2024
Nội dung: SƠN BÁCH
Ảnh: THÀNH ĐẠT
Trình bày: BÌNH NAM