
Đại thắng mùa Xuân 1975 là thắng lợi vĩ đại và trọn vẹn, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Không chỉ mang ý nghĩa chính trị, quân sự, lịch sử to lớn, thắng lợi này còn là sự phát triển đến đỉnh cao nghệ thuật quân sự Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Trong đó, tư duy chiến lược sắc sảo, tổ chức chiến dịch xuất sắc và vận dụng chiến thuật linh hoạt, hiệu quả đã kết tinh thành một hình mẫu về chiến tranh nhân dân hiện đại, để lại dấu ấn sâu sắc trong lịch sử quân sự Việt Nam và thế giới.
Chủ động tạo thời cơ, nắm chắc thời cơ chiến lược; chọn hướng mở đầu chính xác; chỉ đạo kết hợp chặt chẽ tiến công và nổi dậy
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 thể hiện đỉnh cao của tư duy chiến lược quân sự Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Trong đó, nổi bật là nghệ thuật tạo và nắm bắt thời cơ chiến lược; nghệ thuật chọn hướng tiến công mở đầu đúng, bất ngờ và nghệ thuật chỉ đạo kết hợp nhuần nhuyễn giữa tiến công quân sự với nổi dậy của quần chúng.
Việc tạo và nắm bắt thời cơ chiến lược được tiến hành bài bản, có cơ sở thực tiễn vững chắc. Sau Hiệp định Paris năm 1973, tình hình chiến trường miền Nam chuyển biến nhanh chóng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng cách mạng miền Nam đã chủ động tranh thủ thời gian, củng cố vùng giải phóng, mở rộng thế trận, từng bước phá thế phòng thủ của địch. Đặc biệt, đến đầu năm 1975, tương quan so sánh lực lượng đã nghiêng hẳn về ta. Trên cơ sở phân tích chính xác tình hình, Bộ Chính trị đã thể hiện bản lĩnh chiến lược sắc sảo khi hạ quyết tâm chuyển từ kế hoạch giải phóng miền Nam trong hai năm (1975 - 1976) sang giải phóng trong năm 1975, sau khi giành thắng lợi ở Buôn Ma Thuột. Quyết sách này là minh chứng cho khả năng nắm chắc thời cơ và hành động quyết đoán, phản ánh tầm cao trí tuệ và bản lĩnh của một nền chiến lược quân sự chính quy, hiện đại và nhân dân.
Nghệ thuật chọn hướng tiến công mở đầu đã thể hiện tư duy linh hoạt và sắc sảo
Nghệ thuật chọn hướng tiến công mở đầu đã thể hiện rõ tư duy linh hoạt và sắc sảo. Ban đầu, Trị - Thiên và Đông Nam Bộ được dự kiến là hướng tiến công chủ yếu. Sau khi đánh giá toàn diện, Bộ Chính trị quyết định chọn Tây Nguyên - cụ thể là Buôn Ma Thuột - làm nơi mở đầu. Đây là khu vực phòng thủ mỏng, xa sự chi viện của quân chủ lực địch, nhưng lại có vị trí chiến lược quan trọng, “mất Tây Nguyên là mất cả miền Trung”. Đòn đánh vào Buôn Ma Thuột mang tính bất ngờ cao, đánh trúng tử huyệt trong hệ thống phòng ngự của ngụy quân, tạo đà cho chuỗi sụp đổ dây chuyền sau đó. Lựa chọn này là đỉnh cao của nghệ thuật đánh vào chỗ yếu nhất để tạo cú hích vào toàn bộ cục diện chiến lược.
Việc chỉ đạo kết hợp chặt chẽ giữa tiến công quân sự với nổi dậy của quần chúng nhân dân đã tạo nên sức mạnh tổng hợp không gì ngăn cản được. Mỗi đòn tiến công quân sự đều có lực lượng chính trị hỗ trợ; mỗi bước tiến của bộ đội chủ lực đều đi cùng với sự nổi dậy, chiếm lĩnh, làm chủ của nhân dân. Sự kết hợp này không chỉ làm tê liệt hệ thống chính quyền địch từ bên trong, mà còn giúp rút ngắn thời gian chiến đấu, giảm thiểu tổn thất và tạo thế tiến công liên tục, thần tốc. Việc kết hợp lực lượng ba thứ quân, kết hợp tiến công quân sự với nổi dậy của quần chúng nhân dân, đặc biệt trong lòng đô thị, chính là nghệ thuật vận dụng sức mạnh tổng hợp - cốt lõi của chiến tranh nhân dân.
Tổng thể, chiến lược quân sự trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 là một mẫu mực hoàn chỉnh về nghệ thuật chiến tranh cách mạng hiện đại, nơi sự sáng tạo, linh hoạt, chủ động và sức mạnh của toàn dân được phát huy ở mức cao nhất.
Kết hợp nhuần nhuyễn nghi binh, tác chiến hiệp đồng binh chủng và phát huy thắng lợi
Nếu chiến lược là “bản đồ lớn” định hướng toàn cục, thì chiến dịch là nơi thể hiện rõ tài nghệ tổ chức, điều phối và hiệp đồng tác chiến. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, ta đã triển khai hàng loạt chiến dịch quy mô lớn, trong đó nghệ thuật chiến dịch đạt đến đỉnh cao, thể hiện sự trưởng thành vượt bậc của Quân đội nhân dân Việt Nam về tổ chức và năng lực tác chiến hiệp đồng.
Đầu tiên phải kể đến nghệ thuật nghi binh chiến dịch. Trong chiến dịch Tây Nguyên, ta tạo giả thế tiến công Kon Tum - Plâyku khiến địch dồn lực lượng về phía bắc, trong khi đòn đánh chủ yếu của lực lượng chủ lực tập trung vào Buôn Ma Thuột, nơi địch phòng ngự mỏng và sơ hở. Đây là đòn đánh có tính bất ngờ cao, khiến địch không kịp trở tay. Sau khi giành thắng lợi, ta lại lợi dụng được sự phản ứng chậm trễ của địch để “đánh đòn phủ đầu” lên các tuyến tiếp theo.
Nghệ thuật tập trung lực lượng được thể hiện rõ nét với khả năng tập trung binh lực, phương tiện kỹ thuật và thực hành tác chiến hiệp đồng quy mô lớn. Trong Chiến dịch Tây Nguyên, ta tập trung lực lượng tạo ưu thế áp đảo địch ở những trận then chốt và trận then chốt quyết định. Ở Chiến dịch Trị Thiên - Huế và Chiến dịch Đà Nẵng, tuy binh lực, hỏa lực của ta không hơn địch, nhưng ta đánh địch trên thế mạnh nên vẫn áp đảo quân địch. Đến Chiến dịch Hồ Chí Minh, với việc phát huy sức mạnh của 5 cánh quân cấp quân đoàn và tương đương quân đoàn, ta đã giành ưu thế tuyệt đối. Bộ đội chủ lực phối hợp chặt chẽ với pháo binh, xe tăng, công binh, phòng không, bộ đội địa phương và nhân dân, tiến công từ nhiều hướng, đánh vào tử huyệt, chia cắt, bao vây, cô lập hoàn toàn các đơn vị địch.
Đỉnh cao của nghệ thuật chiến dịch thể hiện rõ nét trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, đánh vào trung tâm đầu não địch bằng tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng. Bộ Tổng Tư lệnh đã tổ chức 5 cánh quân lớn từ các hướng Bắc, Tây Bắc, Tây, Đông và Đông Nam tiến công đồng loạt vào Sài Gòn, với lực lượng binh chủng hợp thành hùng hậu. Đây là chiến dịch có quy mô lớn nhất, lực lượng tham gia đông nhất, sự hiệp đồng chặt chẽ nhất trong lịch sử quân sự Việt Nam đến thời điểm đó.
Nghệ thuật “phát huy thắng lợi để giành thắng lợi lớn hơn” được thể hiện rõ nét trong Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân 1975. Sau mỗi chiến thắng chiến dịch, ta không dừng lại củng cố mà lập tức mở rộng thế tiến công, đánh thẳng vào các mắt xích quan trọng tiếp theo của địch. Từ Buôn Ma Thuột đến Huế, Đà Nẵng rồi tiến về Sài Gòn, các chiến dịch nối tiếp nhau như thác lũ, tận dụng tối đa đà sụp đổ của đối phương. Đó là nghệ thuật chỉ huy thần tốc, quyết đoán, biết nắm thời cơ và biến từng thắng lợi thành bàn đạp cho thắng lợi lớn hơn, tạo áp lực khiến đối phương không kịp trở tay.
Đánh nhanh, thọc sâu, hiệp đồng nhiều lực lượng hiện đại
Không thể không nhấn mạnh đến vai trò của chiến thuật trong mỗi trận đánh, từng chiến dịch - nơi nghệ thuật quân sự được cụ thể hóa trên thực địa. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, sự vận dụng các hình thức chiến thuật truyền thống bằng phương pháp tác chiến hiện đại đã tạo nên một bức tranh chiến thuật phong phú, hiệu quả cao và linh hoạt đặc biệt.
Chiến thuật “thọc sâu, đánh hiểm, luồn sâu” là một trong những điểm nổi bật. Ta không tiến công tuần tự, mà sử dụng lực lượng xe tăng, bộ binh cơ giới hóa đột phá qua các điểm yếu, hành tiến thần tốc, tiến sâu vào nội đô, đánh vào các trung tâm chỉ huy, sân bay, cơ quan đầu não. Đòn thọc sâu của các đơn vị xe tăng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, với biểu tượng Xe tăng 390 húc đổ cổng Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975, là minh chứng sinh động cho chiến thuật đánh thẳng vào tim địch, khiến chúng hoàn toàn suy sụp.
Chiến thuật “tiến công trong hành tiến” cũng được vận dụng linh hoạt. Trên các tuyến đường dài từ Bắc vào Nam, bộ đội ta vừa hành quân, vừa chiến đấu, vừa làm công tác dân vận, chốt chặn, bảo vệ giao thông chiến lược. Việc tổ chức hành tiến gắn liền với đánh chiếm mục tiêu quan trọng, như: cầu, sân bay, tuyến đường huyết mạch… đã khiến thế tiến công của ta liên tục, không bị ngắt quãng.
Đòn thọc sâu của các đơn vị xe tăng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, với biểu tượng Xe tăng 390 húc đổ cổng Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975, là minh chứng sinh động cho chiến thuật đánh thẳng vào tim địch, khiến chúng hoàn toàn suy sụp.
Đặc biệt, chiến thuật vượt sông bằng sức mạnh được thực hiện nhuần nhuyễn. Các lực lượng bộ binh, công binh, pháo binh, xe tăng, phòng không, không quân, đặc công đã hiệp đồng chặt chẽ, hỗ trợ nhau thực hiện vượt sông bằng sức mạnh thành công, hiệu quả, tiêu diệt cứ điểm địch, mở rộng bàn đạp, tạo điều kiện cho các đơn vị chủ lực tiến lên.
Sự phối hợp tác chiến giữa các lực lượng bộ binh, xe tăng, công binh, phòng không, không quân, đặc công… trong các hình thức chiến thuật thể hiện sự trưởng thành vượt bậc của Quân đội ta trong tổ chức tác chiến hiện đại, làm nên sức mạnh “đánh đâu thắng đó” trên khắp chiến trường miền Nam.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân năm 1975 là minh chứng hùng hồn cho nghệ thuật quân sự Việt Nam phát triển đến đỉnh cao trong thời đại Hồ Chí Minh. Sự kết hợp hài hòa giữa tư duy chiến lược quân sự sắc sảo, tổ chức chiến dịch xuất sắc và vận dụng chiến thuật linh hoạt, hiệu quả đã làm nên một trong những chiến thắng vẻ vang nhất của dân tộc Việt Nam. Đây không chỉ là bài học kinh điển của nghệ thuật chiến tranh nhân dân mà còn là di sản quý báu cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Ngày xuất bản: 17/4/2025
Tổ chức sản xuất: Bùi Nam Đông
Nội dung: Thượng tá, ThS Nguyễn Duy Hiển, Viện Chiến lược và Lịch sử quốc phòng Việt Nam
Trình bày: Thùy Lâm