Một đỉnh cao thắng lợi của chiến tranh nhân dân Việt Nam

Quân và dân ta tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968. Ảnh: TTXVN

Quân và dân ta tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968. Ảnh: TTXVN

* Năm 1998
* Thành ủy-Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh-Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 (Kỷ yếu hội thảo), Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1998, trang 25-31

Cách đây vừa tròn 30 năm, đúng vào Tết Mậu Thân, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta nổ ra đồng loạt trên toàn chiến trường miền nam, đặc biệt là ở Sài Gòn, Huế, nhiều thị xã, thị trấn và căn cứ quân sự của Mỹ-ngụy. Vào lúc đội quân viễn chinh Mỹ trực tiếp tham chiến trên chiến trường đông tới 50 vạn tên, cộng với quân ngụy và quân một số nước khác là trên một triệu tên, có vũ khí trang bị kỹ thuật hiện đại, vào lúc tướng Westmoreland chỉ huy quân Mỹ vừa chủ quan, vừa bưng bít sự thật tuyên bố "đối phương sắp bị đánh đến nơi", cuộc Tổng tiến công đồng loạt, mạnh mẽ vào các trung tâm đầu não của Mỹ-ngụy và phong trào nổi dậy của đông đảo quần chúng ở các đô thị đã làm chấn động nước Mỹ và dư luận thế giới.

Ngày 28/12/1967, Bộ Chính trị họp phiên đặc biệt, thông qua Kế hoạch chiến lược năm 1968 "Chuyển cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta ở miền nam sang một thời kỳ mới, thời kỳ tiến công và nổi dậy giành thắng lợi quyết định", chủ trương mở đợt Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968. Ảnh: TTXVN

Ngày 28/12/1967, Bộ Chính trị họp phiên đặc biệt, thông qua Kế hoạch chiến lược năm 1968 "Chuyển cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta ở miền nam sang một thời kỳ mới, thời kỳ tiến công và nổi dậy giành thắng lợi quyết định", chủ trương mở đợt Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968. Ảnh: TTXVN

Thông thường, khi chiến tranh sắp đến hồi kết thúc, phía mạnh hơn và chiến thắng mới có thể mở những cuộc tiến công vào sào huyệt của đối phương. Ở Việt Nam, điều đã trở thành bình thường là ngay khi chiến tranh vừa bùng nổ và trong quá trình chiến tranh, ở bất cứ thời điểm nào, địa phương nào, khi có địch là có phong trào kháng chiến rộng khắp của mọi tầng lớp nhân dân. "Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh!". Cả nước chung sức, toàn dân đánh giặc đã trở thành truyền thống từ ngàn xưa của dân tộc Việt Nam.

Cuộc kháng chiến chống Pháp, tiếp đó là kháng chiến chống Mỹ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc đã kế thừa và phát triển truyền thống tốt đẹp đó lên một trình độ mới. Theo lời kêu gọi toàn dân, toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta trên mọi miền của đất nước, từ vùng núi đến nông thôn, đồng bằng và đô thị đã kiên quyết đứng lên kháng chiến chống xâm lược. Đánh địch trên cả ba vùng chiến lược trở thành phương châm chỉ đạo kháng chiến của Đảng, là thực tiễn sinh động trong 30 năm chiến tranh giải phóng, là nét đặc sắc của nghệ thuật quân sự và chiến tranh nhân dân Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

Đánh địch trên cả ba vùng chiến lược trở thành phương châm chỉ đạo kháng chiến của Đảng, là thực tiễn sinh động trong 30 năm chiến tranh giải phóng, là nét đặc sắc của nghệ thuật quân sựchiến tranh nhân dân Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

- Tổng Bí thư NGUYỄN VĂN LINH -

Các thành thị là những vùng kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật phát triển, nơi tập trung đông đảo giai cấp công nhân, đồng bào lao động, trí thức, sinh viên học sinh... Do những đặc điểm lịch sử trong quá trình hình thành và phát triển, các thành thị ở Việt Nam gắn rất chặt với vùng nông thôn. Khi nước ta bị xâm lược do tương quan lực lượng giữa quân địch và ta còn chênh lệch, thành thị thường bị địch tạm chiếm trong thời kỳ đầu, là nơi địch đặt các cơ quan chỉ huy, sân bay, kho tàng, bến cảng... Chúng bình định, kiểm soát gắt gao và tìm mọi cách để đẩy chiến tranh ra xa thành phố. Nhưng chính ở đây, cơ sở chính trị và vũ trang đã được Đảng xây dựng từ rất sớm. Phong trào đấu tranh chính trị phát triển mạnh với nhiều hình thức phong phú.

Khi đế quốc Mỹ thay chân thực dân Pháp xâm lược miền nam, cuộc đấu tranh chống Mỹ, đòi hòa bình, thống nhất đất nước của nhân dân các đô thị, đặc biệt là ở Sài Gòn-Gia Định phát triển lên quy mô mới. Nhiều cuộc đấu tranh lôi cuốn sự tham gia của hàng chục vạn công nhân, người lao động, đồng bào phật tử, sinh viên, học sinh, tư sản, trí thức yêu nước, tranh thủ được sự ủng hộ của binh lính và nhân viên ngụy quyền vì trong các khẩu hiệu đấu tranh có cả khẩu hiệu đòi tăng lương cho họ... Phương châm chỉ đạo và phương thức đấu tranh bằng hai chân (chính trị-vũ trang), ba mũi (chính trị-quân sự-binh vận), trên cả ba vùng chiến lược (miền núi, nông thôn đồng bằng, đô thị) hình thành và phát triển mạnh trong các cao trào "đồng khởi" và trong thời kỳ đánh bại chiến lược "chiến tranh đặc biệt" của Mỹ-ngụy.

Item 1 of 6

Quân giải phóng tiến công căn cứ lính thủy đánh bộ Mỹ ở Khe Sanh.

Quân giải phóng tiến công căn cứ lính thủy đánh bộ Mỹ ở Khe Sanh.

Du kích Quảng Trị chiến đấu với địch trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968.

Du kích Quảng Trị chiến đấu với địch trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968.

Phân Khu ủy Phân khu 1 (Sài Gòn-Gia Định) họp bàn kế hoạch cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.

Phân Khu ủy Phân khu 1 (Sài Gòn-Gia Định) họp bàn kế hoạch cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.

Quân giải phóng mặt trận Sài Gòn-Gia Định tuyên thệ, nhận nhiệm vụ trước giờ xuất kích.

Quân giải phóng mặt trận Sài Gòn-Gia Định tuyên thệ, nhận nhiệm vụ trước giờ xuất kích.

Bí mật vận chuyển vũ khí qua các sông rạch vào nội đô Sài Gòn.

Bí mật vận chuyển vũ khí qua các sông rạch vào nội đô Sài Gòn.

Nữ đặc công Sài Gòn nghiên cứu bản đồ Quận 7, trước giờ nổ súng tấn công các vị trí của địch.

Nữ đặc công Sài Gòn nghiên cứu bản đồ Quận 7, trước giờ nổ súng tấn công các vị trí của địch.

Do thế và lực của cách mạng ngày càng phát triển, vào những tháng cuối những năm 1964 - đầu năm 1965, cục diện chiến trường có nhiều biến chuyển, khả năng giành những thắng lợi lớn hơn xuất hiện. Một số tài liệu được công bố gần đây ở nước Mỹ cho biết, trước khi bị ám sát (ngày 22/10/1963), Tổng thống Mỹ Kennedy đã nhận thấy “sự dính líu” của Mỹ ở Việt Nam có thể làm cho Mỹ bị sa lầy, ảnh hưởng đến chiến lược toàn cầu, nên đã chuẩn bị một kế hoạch rút lực lượng ra khỏi miền nam Việt Nam. Trong tình hình đó, theo chủ trương của Trung ương, tôi đã cùng anh Nguyễn Chí Thanh xuống khu Sài Gòn-Gia Định cùng cấp ủy đảng địa phương chỉ đạo kế hoạch tiến công quân sự vào một số mục tiêu quan trọng trong thành phố kết hợp với nổi dậy của quần chúng, tranh thủ thời cơ giành thêm những thắng lợi mới, làm phá sản chiến lược "chiến tranh đặc biệt" của địch.

Kế hoạch đang được triển khai thì Mỹ chuyển sang thực hiện chiến lược "chiến tranh cục bộ", ồ ạt đưa quân viễn chinh vào chiến trường miền nam, dùng không quân và hải quân đánh phá miền bắc, "ngăn chặn chiều hướng thua" của quân ngụy và "tìm diệt" chủ lực quân giải phóng. Cuộc chiến đấu với lực lượng lớn quân viễn chinh Mỹ có vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại trong hai mùa khô 1965-1966 vô cùng gay go, ác liệt. Mặc dù đối tượng tác chiến và quy mô chiến tranh có thay đổi, ta vẫn kiên quyết giữ vững thế chủ động tiến công, kiên trì chủ trương đánh địch trên cả ba vùng chiến lược.

Ở Sài Gòn và các đô thị, ta tiếp tục xây dựng thêm nhiều cơ sở chính trị và cơ sở vũ trang, hình thành các "lõm căn cứ" ngay trong nội thành và vùng ven; đồng thời, đẩy nhanh phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng chống quân Mỹ xâm lược. Ta đã phát triển mạnh phương thức tác chiến của lực lượng đặc biệt tinh nhuệ đánh sâu vào hậu cứ, sân bay, kho tàng, cư xá của sĩ quan, nhân viên kỹ thuật Mỹ, gây chấn động lớn. Một số đơn vị tập trung như cụm, đội biệt động được thành lập, có nhiệm vụ đánh địch thường xuyên gây thôi động và hỗ trợ phong trào đấu tranh của quần chúng, đồng thời dựa vào cơ sở trong nội thành để phát triển thêm nhân mối, chuẩn bị nơi ém quân, hầm bí mật chứa vũ khí, thiết lập đường dây liên lạc và chuyển vũ khí vào gần các mục tiêu tiến công, sẵn sàng đón và đáp ứng thời cơ chiến lược.

Có thể nói, cùng với đấu tranh chính trị, thế trận, lực lượng và phương thức tiến hành chiến tranh nhân dân ở Sài Gòn và các thành thị miền nam đã có bước phát triển mới trong những năm Mỹ ồ ạt đưa quân viễn chinh vào chiến trường. Đây là thắng lợi lớn của phương châm đánh địch trên ba vùng chiến lược, là một trong những cơ sở quan trọng để Đảng ta hạ quyết tâm đưa chiến tranh vào đô thị, mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt trong dịp Tết Mậu Thân 1968.

Quân giải phóng tiến công tiêu diệt địch tại Sài Gòn, đêm 30, rạng sáng 31/1/1968 (đêm mồng 1, rạng sáng mồng 2 Tết). Ảnh: TTXVN

Quân giải phóng tiến công tiêu diệt địch tại Sài Gòn, đêm 30, rạng sáng 31/1/1968 (đêm mồng 1, rạng sáng mồng 2 Tết). Ảnh: TTXVN

Cũng có người cho rằng trong cuộc Tổng tiến công đánh vào các đô thị miền nam không có sự nổi dậy của quần chúng. Đúng là do ta giữ bí mật tuyệt đối để giáng đòn bất ngờ cho địch, quần chúng không nổi dậy diệt ác phá kìm giành quyền làm chủ khóm phường cùng lúc với lực lượng biệt động và các tiểu đoàn chủ lực đánh vào các cứ điểm quy định. Nhưng chính quần chúng đã tham gia tích cực vào cuộc chuẩn bị cho đợt tiến công này và sau khi nổ súng đã tham gia rất đông đảo, trực tiếp và gián tiếp bằng nhiều hình thức trên nhiều lĩnh vực.

Không có nhân dân trinh sát, nắm tình hình địch, dẫn đường, che giấu... các đội biệt động không thể ém quân bí mật ngay gần các cơ quan đầu não địch, không thể có vũ khí để chiến đấu, các đơn vị chủ lực cũng không thể vượt qua các tuyến ngăn chặn dày đặc của địch, tiến vào nội thành đánh địch ngay trên các đường phố. Nhân dân còn trực tiếp tham gia chiến đấu, tiếp tế cơm nước cho bộ đội, che chở và nuôi dưỡng thương binh rồi đưa về căn cứ an toàn. Nhiều người, có trường hợp cả gia đình bị địch bắt, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng đất nước.

Cũng cần phải nói thêm về hình thức tổ chức và phương thức hoạt động của biệt động. Đây là một sáng tạo về hình thức tổ chức lực lượng vũ trang của Đảng, gọn nhẹ, bí mật, linh hoạt, nằm trong dân, hòa vào dân, thường xuyên hoạt động trong lòng địch. Khác với lực lượng tình báo trinh sát, biệt động là lực lượng chiến đấu, thường đánh đòn hiểm, táo bạo, bất ngờ vào cơ quan đầu não và các mục tiêu quan trọng của địch ở các đô thị.

Chiến sĩ biệt động Huỳnh Bá Liên đánh mìn Đài Phát thanh Sài Gòn, đêm 30/1, rạng sáng 31/1/1968 (đêm mồng 1, rạng sáng mồng 2 Tết). Ảnh: TTXVN

Chiến sĩ biệt động Huỳnh Bá Liên đánh mìn Đài Phát thanh Sài Gòn, đêm 30/1, rạng sáng 31/1/1968 (đêm mồng 1, rạng sáng mồng 2 Tết). Ảnh: TTXVN

Lực lượng biệt động ra đời từ kháng chiến chống thực dân Pháp, phát triển mạnh trong kháng chiến chống Mỹ, đặc biệt là ở Sài Gòn-Gia Định. Sự ra đời và phương thức hoạt động của lực lượng biệt động đánh dấu bước phát triển mới của chiến tranh nhân dân và là nét đặc sắc của nghệ thuật quân sự Việt Nam. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt Tết Mậu Thân 1968, bằng tinh thần dũng cảm vô song, "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", lực lượng biệt động đã mở đầu xuất sắc cuộc tiến công ở Sài Gòn và các đô thị, gây chấn động lớn, có thể nói đã lập công đầu.

Hoạt động chiến đấu, chiến công xuất sắc, sự hy sinh to lớn của lực lượng biệt động và sự tham gia rộng lớn của nhân dân Sài Gòn và các đô thị trong những ngày Tết Mậu Thân 1968 là một đỉnh cao thắng lợi của chiến tranh nhân dân Việt Nam, góp phần tạo nên hiệu lực chiến lược lớn của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt, góp phần đánh bại cố gắng chiến tranh cao nhất của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải chịu thua về chiến lược, xuống thang chiến tranh, chấp nhận đàm phán với ta để tìm cách kết thúc chiến tranh. Đây là kết quả của quá trình chuẩn bị, xây dựng thế trận, lực lượng trong nhiều năm trước đó, trong đó có kết quả xây dựng cơ sở chính trị và cơ sở vũ trang ở các đô thị theo phương châm đánh địch trên ba vùng chiến lược của Đảng.

Hoạt động chiến đấu, chiến công xuất sắc, sự hy sinh to lớn của lực lượng biệt động và sự tham gia rộng lớn của nhân dân Sài Gòn và các đô thị trong những ngày Tết Mậu Thân 1968 là một đỉnh cao thắng lợi của chiến tranh nhân dân Việt Nam, góp phần tạo nên hiệu lực chiến lược lớn của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt, góp phần đánh bại cố gắng chiến tranh cao nhất của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải chịu thua về chiến lược, xuống thang chiến tranh, chấp nhận đàm phán với ta để tìm cách kết thúc chiến tranh.
- Tổng Bí thư NGUYỄN VĂN LINH -

Sau đợt 1 cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, ngày 31/3/1968, Mỹ phải đơn phương tuyên bố hạn chế ném bom phá hoại miền bắc và chính thức gợi ý về một giải pháp ngoại giao, đàm phán với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 13/5/1968, phiên họp đầu tiên của cuộc nói chuyện chính thức giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ ở cấp Bộ trưởng đã khai mạc tại Paris (ảnh), mở đầu cuộc đàm phán lịch sử kéo dài hơn 4 năm. Ảnh: TTXVN

Sau đợt 1 cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, ngày 31/3/1968, Mỹ phải đơn phương tuyên bố hạn chế ném bom phá hoại miền bắc và chính thức gợi ý về một giải pháp ngoại giao, đàm phán với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 13/5/1968, phiên họp đầu tiên của cuộc nói chuyện chính thức giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ ở cấp Bộ trưởng đã khai mạc tại Paris (ảnh), mở đầu cuộc đàm phán lịch sử kéo dài hơn 4 năm. Ảnh: TTXVN

Sau thắng lợi vĩ đại của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt Tết Mậu Thân, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta đã chuyển sang một giai đoạn mới. Mặc dù còn phải tiếp tục chiến đấu, còn phải trải qua nhiều gian khổ, ác liệt, hy sinh, quân và dân ta đã có điều kiện và thời cơ mới để thực hiện thắng lợi "Di chúc" thiêng liêng của Bác Hồ kính yêu: "Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào", giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước.

Kỷ niệm 30 năm thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt Tết Mậu Thân, đúng vào năm Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh 300 tuổi, vào lúc công cuộc đổi mới của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng đã giành được nhiều thành tựu và đang đứng trước những triển vọng mới, chúng ta càng nhận rõ và sâu sắc hơn sức mạnh to lớn, sức sáng tạo phong phú của nhân dân, trong chiến tranh cũng như trong hòa bình, trong chiến đấu cũng như trong công cuộc xây dựng và đổi mới.

Dựa chắc vào dân, biết khơi dậy, tổ chức và phát huy sức mạnh đoàn kết, sức sáng tạo của nhân dân, chúng ta đã lập nên kỳ tích đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của nước đế quốc hùng mạnh nhất thế giới, hoàn thành sự nghiệp giải phóng đất nước. Phát huy truyền thống và những kinh nghiệm lịch sử quý báu đó, dưới ngọn cờ tư tưởng Hồ Chí Minh và dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhất định dân tộc ta sẽ thực hiện thắng lợi sự nghiệp vĩ đại mới: Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh.

Trình bày: Trung Hưng
Ảnh: TTXVN
Nguồn: Sách "Nguyễn Văn Linh tuyển tập", tập II, nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, trang 1194-1199

E-MAGAZINE
nhandan.vn