Đầu những năm 2000, như một cơn lốc cuốn phăng chuẩn mực thông tin, báo lá cải có một thời tung hoành như “hiện tượng truyền thông”. Cùng với tiếng loa rao báo vang khắp phố phường, những dòng tít như “Chấn động!”, “Kinh hoàng!”, “Lộ clip nóng!”... trở thành thứ lôi kéo, thu hút độc giả. Trong hành trình ấy, báo lá cải đã để lại những vết rạn dài lâu trong đạo đức nghề nghiệp và niềm tin mà công chúng gửi gắm đối với báo chí.

TỪ “THÁNH VẬT SÔNG TÔ LỊCH” ĐẾN VÒNG EO NGƯỜI MẪU

Đường phố Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đầu những năm 2000 thường râm ran những tiếng rao bán báo qua loa dạo. Những tiếng rao khàn đặc, đôi khi lạc cả âm, nhưng rộn rã và gấp gáp, mời gọi. «Tin nóng sáng nay! Rắn thần ở miền Tây! Ca sĩ X khóc khi bị chồng phản bội! Vào trang 3 An ninh Thủ đô để biết thêm chi tiết...”.

Loa báo chính là “bộ khuếch đại” đầu tiên của báo lá cải. Một thời chưa xa, giọng rao báo, qua những chiếc loa giữa phố, đã vô tình ươm mầm cho cách tiếp nhận thông tin nhanh, ngắn, giật gân - với văn hóa “nghe ngóng” mà báo lá cải đã biết tận dụng triệt để.

Trong tôi vẫn in đậm ký ức về một thời đất nước vừa bước vào thời kỳ Đổi mới, khi dư luận còn tò mò, khát khao cái mới và người dân truyền tay nhau tờ Tiền Phong có bài viết gây chấn động “Con cua hình mặt người”.

Loạt bài “Thánh vật sông Tô Lịch” đăng trên tờ Bảo vệ Pháp luật từ tháng 3 đến giữa tháng 4/2007 cũng có thể được coi là sự kiện của làn sóng thị trường hóa báo chí. Loạt bài đẩy cao kịch tính với những hiện tượng bất thường sau quá trình khai quật như ngất xỉu, tử vong, gắn với yếu tố trấn yểm tâm linh. Dư luận lên cơn sốt, báo in cháy hàng, loa báo dạo rền vang, những bản báo được phô-tô luồn lách khắp hang cùng ngõ hẻm.

Báo lá cải dễ nhận diện qua những tít bài giật gân, gây sốc, đánh mạnh vào cảm xúc như tò mò, giận dữ hoặc ham muốn. Nội dung thường hời hợt, thổi phồng, thậm chí bịa đặt, xoay quanh đời tư người nổi tiếng, scandal, sex, bạo lực, tâm linh.

Không ít trang báo diện tử đã góp phần dựng nên những hình tượng showbiz gây tranh cãi, điển hình là người mẫu N.T. Trước năm 2010, cô chỉ là người mẫu hạng thường. Năm 2011, sau khi đăng quang một cuộc thi nhỏ ở Mỹ và phát ngôn “không tiền thì cạp đất mà ăn”, cô lập tức thành tâm điểm của báo mạng “câu view”.

Chỉ trong giai đoạn 2011-2014, một trang tin dành cho giới trẻ đã đăng hơn 1.000 bài viết về cô, trung bình mỗi bài hút cả triệu lượt xem.

Ngay cả một tờ báo điện tử - vốn nổi tiếng với các bài chính luận, phản biện xã hội - cũng lao vào đường ray lá cải. Vì áp lực lượt xem, báo nghiêm túc bỗng “sốc, sến, sex”, tin bài ngập tràn “máu me, tình tiền, tù tội”. Đằng sau cuộc “cải hóa” ấy có bóng dáng một nhà thơ trẻ, từng có “thành tích” lèo lái vài tờ báo giấy giật gân.

Giai đoạn đỉnh cao (2006-2012), một số ấn phẩm lá cải có thể bán từ 30.000 - 80.000 bản/ngày.

Giai đoạn đỉnh cao (2006-2012), một số ấn phẩm lá cải có thể bán từ 30.000 - 80.000 bản/ngày.

Khi showbiz dần nguội, báo lá cải rẽ hướng sang tâm linh - vùng đất màu mỡ của sự tò mò và tâm lý mê tín. Các chuyên mục “Giải mã bí ẩn”, “Truyện ma có thật”, “Thế giới tâm linh” mọc lên như nấm, dẫn lượng truy cập vọt lên chóng mặt. Một số phóng viên chuyên mảng phóng sự nhanh chóng “bắt sóng” trào lưu này, kể lại những phong tục lạ ở vùng cao bằng lối viết “trồng cải”: phóng đại, giật tít. Loạt bài “Chân người gác bếp” ở Hà Giang gây sốc và “hút view cực khủng”.

Tít bài kiểu “Cây đa biết khóc máu”, “Bùa ngải yêu”, “Trẻ em tái sinh tiền kiếp”... tràn lan trên mạng, vượt xa cả các bài báo chính luận về độ phủ sóng. Theo thống kê tại Hội nghị Báo chí năm 2015, bài có nội dung liên quan yếu tố tâm linh lượng đọc cao gấp 3-5 lần nội dung khác. Google Trends giai đoạn 2013- 2015 cũng cho thấy: “bùa yêu”, “vong nhập”, “nhà ma” luôn nằm trong “Top từ khóa tìm kiếm”.

“Công nghệ lá cải” thời kỳ này không chỉ nằm ở nội dung giật gân, mà còn nằm ở hệ thống sản xuất ngoài luồng, ngôn ngữ pháp lý “xảo quyệt”, chiến lược phân tán trách nhiệm, và tận dụng tối đa các “khe hở” giữa truyền thông thị trường và quản lý nhà nước.

“CÔNG NGHỆ” LÀM BÁO LÁ CẢI

Nhiều tờ báo giấy được “thầu” lại với hình thức liên kết truyền thông. Đây là hình thức “khoán báo” hoặc “xã hội hóa báo chí trá hình” - được một số đơn vị báo chí thời đó dung túng để tăng nguồn thu. Đã có hẳn công nghệ “trồng cải” là in offset khổ nhỏ (A3- A4) trên giấy mỏng, chi phí rẻ, dễ gập, dễ phân phối. Những tờ này thường dàn trang bắt mắt, tít bài “tam đoạn”: Nhiều trang báo thời ấy dùng tít chia làm 3 tầng, một tiêu đề giật gân, một lời dẫn ly kỳ cộng một chú thích ảnh đầy ẩn ý.

Một đồng nghiệp từng gọi xin tôi bức ảnh chụp trong phòng giam tử tù để làm minh họa cho một bài viết... hư cấu. Với phóng viên “trồng cải”, chỉ cần một tấm ảnh trông có vẻ thật - thứ họ gọi là “phôi bài” - là có thể dựng lên nhiều sản phẩm, nơi sự thật bị đẩy xuống hàng cuối cùng. Nhưng anh bạn ấy đã sớm trả giá, bài viết tung hô một lang băm thành “thần y” khiến người thân ở quê tưởng thật, mua thuốc uống làm bệnh lại nặng thêm.

Với phóng viên “trồng cải”, chỉ cần một tấm ảnh trông có vẻ thật - thứ họ gọi là “phôi bài” - là có thể dựng lên nhiều sản phẩm, nơi sự thật bị đẩy xuống hàng cuối cùng.

Báo lá cải thường thay sự thật bằng suy đoán giật gân, kiểu “Có hay không chuyện ông A bị bùa yêu của ca sĩ B?” - không khẳng định gì nhưng đủ để gieo nghi ngờ và câu view. Nhiều tờ thuê cộng tác viên hoặc “phóng viên tự do” chỉ để rình tin sốc từ mạng xã hội, quán cà-phê hay chợ búa rồi nhanh chóng “chắp nối” thành bài, dù không có mặt tại hiện trường. Họ lách luật bằng ngôn ngữ lập lờ: “Dư luận xôn xao...”, “Một nguồn tin cho biết...”, “Người dân nghi ngờ rằng...”.

Giai đoạn đỉnh cao (2006-2012), một số ấn phẩm lá cải có thể bán từ 30.000 - 80.000 bản/ngày. Giá bìa thường từ 3.000 - 6.000 đồng/tờ, như vậy chỉ tính riêng tiền phát hành, tòa soạn có thể thu từ 100 triệu đến hơn 300 triệu đồng/ngày. Có những phóng viên được trả 3 triệu đồng cho 1 bài “phóng sự” dạng một tuần có thể “chế” được cả chục... Báo lá cải thời kỳ 2000-2015 là một ngành kinh doanh truyền thông phi chính thức cực kỳ sinh lợi, có thể gọi là một “công nghệ” làm tiền bằng hoài nghi và nỗi sợ của đám đông.

Phía sau những con số ấy đôi khi là những bi kịch. Một tờ báo từng giật tít: “Nữ sinh lớp 7 mang thai, cả thị trấn xôn xao”, kèm đầy đủ tên tuổi, hình ảnh, địa chỉ nhà và trường học của cô bé 13 tuổi. Tít bài này xuất hiện tới gần 49.000 kết quả trên mạng. Không chịu nổi sức ép dư luận, cô bé và người yêu đã mua xăng tự thiêu!

“Công nghệ lá cải” thời kỳ này không chỉ nằm ở nội dung giật gân, mà còn nằm ở hệ thống sản xuất ngoài luồng, ngôn ngữ pháp lý “xảo quyệt”, chiến lược phân tán trách nhiệm, và tận dụng tối đa các “khe hở” giữa truyền thông thị trường và quản lý nhà nước. Chúng không tồn tại như một toà soạn báo bình thường, mà như một bản sao méo mó của báo chí chính thống, vận hành theo kiểu “chợ đen”, nhưng luôn biết đứng ở lằn ranh “chưa vi phạm pháp luật nghiêm trọng”.

Năm 2016, trao đổi với tôi về vấn nạn báo lá cải, ông Lưu Đình Phúc (Cục trưởng Báo chí thời đó), thẳng thắn gọi hiện tượng “sốc, sex, sến” là biểu hiện xuống cấp đạo đức nghề, chạy theo lợi nhuận bất chấp hậu quả. Ông nhấn mạnh: báo chí cần đẩy lùi cái ác, lan tỏa cái thiện, nuôi dưỡng giá trị tích cực trong xã hội. Về phía quản lý, ông khẳng định sẽ kiên quyết xử lý những tờ báo lệch tôn chỉ, chỉ chăm chăm câu view mà bỏ quên sứ mệnh định hướng cộng đồng.

Trào lưu báo lá cải một thời, khi nhìn lại, chẳng khác nào một cơn sốt mang tính “lâm sàng” - một giai đoạn nhiễu động cần thiết để cả báo chí và công chúng nhận diện rõ hơn giá trị của thông tin chân thực, từ đó trưởng thành, tỉnh táo và bản lĩnh hơn trên hành trình sản xuất và tiếp nhận thông tin.

SAU MỘT THẬP KỶ HOÀNG KIM, BÁO LÁ CẢI Ở VIỆT NAM THOÁI TRÀO TỪ GIỮA NHỮNG NĂM 2010, KHI MẠNG XÃ HỘI BÙNG NỔ VÀ ĐỘC GIẢ DẦN CHUYỂN SANG CÁC NỀN TẢNG SỐ ĐỂ TIẾP CẬN THÔNG TIN NHANH, MIỄN PHÍ VÀ ĐA CHIỀU HƠN. CÙNG LÚC, CÁC QUY ĐỊNH SIẾT CHẶT VỀ NỘI DUNG SAI SỰ THẬT, QUẢNG CÁO TRÁ HÌNH, VÀ VAI TRÒ GIÁM SÁT CỦA CÔNG CHÚNG NGÀY CÀNG CAO ĐÃ KHIẾN BÁO LÁ CẢI ĐẾN BÊN BỜ "VỰC SÂU", NHƯNG BÓNG MA VẪN CÒN LỞN VỞN ĐÂU ĐÓ.