Nỗ lực gấp đôi

để làm việc trong mùa dịch

Công nhân Đinh Văn Chương
Sinh năm 1988
Công nhân Công ty TNHH Daikan Việt Nam, đường số 13, khu công nghiệp Amata, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Sống và làm việc ngày thứ 38 tại công ty theo phương án“ba tại chỗ”


Lượng công nhân trong nhà máy hiện chỉ còn khoảng 65% so với trước khi thực hiện “ba tại chỗ”. Nhân sự giảm đáng kể trong lúc số lượng đơn hàng vẫn giữ nguyên, mọi người đều phải nỗ lực gấp đôi để có thể “choàng” việc cho nhau.


6:00

Thức dậy theo thói quen hơn một tháng nay thực hiện “ba tại chỗ” trong nhà máy, sau 15 phút vệ sinh cá nhân, tôi đi bộ nơi khuôn viên rợp cây xanh, hít thở bầu không khí trong lành, dễ chịu. Dưới ánh bình minh le lói, mát mẻ, hơn chục công nhân khác đang chơi cầu lông, tập thể dục trên sân. Ai nấy hào hứng rèn luyện sức khỏe để chuẩn bị khởi động ngày làm việc mới năng suất, hiệu quả.

7:00

Từ khi ở lại nhà máy, tôi không còn phải chịu cảnh gấp gáp chen lấn tắc đường, mệt mỏi vì khói bụi từ nhà đến chỗ làm như trước đây, mà ngược lại hiện tại khá thong dong, thoải mái.

Bước tới khu vực công ty phát đồ ăn sáng, tôi đón nhận một hộp cơm tấm. Để giữ khoảng cách, người ghé căng tin, người lên lầu, còn tôi chọn cho mình chiếc ghế đá kê dọc bên hông xưởng sản xuất ngồi ăn sáng.

Giống như lúc còn ở nhà, tôi pha vội ly cà-phê hòa tan, vừa nhâm nhi vừa lướt qua một số trang báo mạng xem tin tức về dịch bệnh Covid-19.

Trước khi vào ca, tôi không quên tranh thủ gọi điện hỏi thăm tình hình vợ con và dặn dò hết sức cẩn trọng, giữ an toàn vì khu vực phường Trảng Dài, TP Biên Hòa, nơi gia đình tôi thuê trọ là tâm dịch, đang áp dụng biện pháp cách ly y tế.

8:00

Sớm hơn 5 phút, tôi có mặt bấm thẻ, bước vào xưởng, nhận bàn giao công việc từ người quản lý trực tiếp. Đúng 8 giờ, tiếng chuông reo báo hiệu một ngày làm việc chính thức bắt đầu. Tôi nhanh chóng nhấn nút khởi động chiếc máy cắt laser quen thuộc.

Lượng công nhân trong nhà máy hiện chỉ còn khoảng 65% so với trước khi thực hiện “ba tại chỗ”. Nhân sự giảm đáng kể trong lúc số lượng đơn hàng vẫn giữ nguyên, mọi người đều phải nỗ lực gấp đôi để có thể choàng việc cho nhau.
Anh Đinh Văn Chương

Với công việc vận hành máy, ngay khi nhận mẫu, tôi khẩn trương thao tác cắt bằng công nghệ tia laser tấm nhựa mica acrylic, thép không rỉ để làm ra sản phẩm bảng hiệu quảng cáo.

12:00

Sau tiếng chuông nghỉ giữa ca, tôi cùng các đồng nghiệp xếp hàng giãn cách, từng người tiến ra nhận cơm trưa ở khu vực trước nhà máy, rồi tự giác ngồi ăn ở ba khu vực giống như bữa sáng.

Trước dịch, có hai chị nuôi nấu cơm trưa, nhưng từ ngày áp dụng “ba tại chỗ”, công ty đặt bên ngoài. Cơm hôm nay ngon, thức ăn khá nhiều món. Sau khoảng 25 phút, các công nhân về lều nghỉ ngơi.

13:00

Như thường lệ, trước khi vào ca chiều, các bộ phận trong nhà máy họp đánh giá tiến độ các phần việc đã làm buổi sáng và lưu ý khối lượng còn lại cần hoàn tất trong ngày.

Tiến độ công việc hơi chậm, vì thế quản đốc nhắc nhở tất cả phải cố gắng nhiều hơn. Riêng tôi ở vị trí đứng máy cố định nên chỉ có cách tăng cường độ làm việc.

Khó khăn với tôi hôm nay là cắt các bảng quảng cáo chữ lớn, mất nhiều thời gian, công sức hơn bình thường.

Bù lại, tiền lương một tháng làm việc tại chỗ vừa rồi tôi nhận được tăng hơn 30% so với lúc trước dịch.
Anh Đinh Văn Chương

15:00

Tranh thủ 15 phút nghỉ lấy sức, tôi ra khu vực nhà tắm rửa mặt cho tỉnh táo và rót nước uống. Lúc này, tôi chớp nhoáng cập nhật thông tin dịch bệnh và tắt điện thoại ngay khi có tiếng chuông báo hiệu thời gian làm việc tiếp tục.

17:00

Tận dụng 10 phút trước giờ tan ca, tôi dọn dẹp vệ sinh, tắt máy, rồi tổng hợp lại phần việc trong ngày và vạch ra dự định công việc cho ngày mai. Đây là khâu bắt buộc chúng tôi phải tiến hành mỗi ngày, cho đến khi khép lại ca làm việc liên tục 8 giờ đồng hồ trong xưởng bằng động tác quen thuộc: bấm thẻ chấm công.

17:30

Các sân bóng chuyền, bóng đá, cầu lông trong khuôn viên công ty náo nhiệt trở lại. Tôi hòa mình vào đội bóng chuyền. Trên sân, ai cũng đeo khẩu trang và giữ khoảng cách, nhưng không vì thế mà nhịp độ vận động giảm đi. Thể thao là cách tái tạo sức lao động, thư giãn tinh thần hữu hiệu sau một ngày các công nhân làm việc vất vả.

19:00

Có mặt đợi tới lượt tại khu vực nhà tắm của công ty, chỉ 30 phút sau, tôi đã bỏ quần áo vào máy giặt và đi ăn tối. Suất ăn cuối ngày được đổi món đa dạng gồm thịt kho, chả giò, rau luộc, canh và trái cây tráng miệng. Mọi người rất hạn chế nói chuyện, ăn xong, ai nấy nhanh chóng về lều nghỉ ngơi.

21:00

Việc thường nhật bây giờ là tôi gọi điện hỏi thăm bố mình ở quê nhà Nghệ An. Ông có vẻ yên tâm khi nghe thông báo con cháu trong này vẫn khỏe và vui mừng khi con trai duy trì được việc làm, có thu nhập ổn định những ngày đại dịch.

Tạm biệt bố, tôi gọi video qua mạng Zalo cho vợ, chia sẻ chuyện nhà.

Nước mắt tôi chảy dài khi nghe vợ kể lại đêm qua đứa con gái 3 tuổi nằm mơ, bật dậy gọi “Bố ơi, bố ơi, bố đâu rồi?”
Anh Đinh Văn Chương

Tôi nhờ vợ chuyển máy để an ủi, vỗ về hai đứa nhỏ. Ít phút sau, dường như con gái cũng đỡ nhớ bố hơn, bi bô hát tặng “Bà ơi bà, cháu yêu bà lắm”… Trước khi chúc cả nhà ngủ ngon, tôi động viên vợ ở nhà giữ gìn sức khỏe, chăm lo các con chu đáo.

22:00

Tôi kết thúc ngày làm việc thứ 38 lưu trú tại công ty bằng việc lướt mạng xã hội một chút để nắm thêm tình hình người thân, bạn bè… trước khi chìm dần vào giấc ngủ.



Tổ chức sản xuất: Ngọc Thanh
Thực hiện: Hữu Việt, Hồng Minh, Lê Vân, Bông Mai, Dương Minh Anh, Phương Mai, Thiên Vương, Mạnh Hảo