Di tích Chính Bắc Môn

Chính Bắc Môn còn gọi là Bắc Môn hay Cửa Bắc, là cổng thành duy nhất còn lại của thành Hà Nội thời Nguyễn, được xây dựng năm 1805. Cổng quay hướng bắc chếch tây 15 độ, dạng hình thang.

Mép cửa kè đá hình chữ nhật, riềm trên bằng đá trang trí viền cánh sen. Phía trên vòm cửa chính có gắn tấm biển đá ghi ba chữ Hán “Chính Bắc Môn”, riềm biển đá trang trí nổi hoa dây. Bên cạnh có gắn một tấm biển đá đề ngày 25/4/1882 và 2 vết đạn đại bác, dấu vết cuộc xâm lược Bắc Kỳ của thực dân Pháp và sự phản kháng của quân dân ta thời đó.

Mặt phía Nam có riềm trên trang trí hoa sen bằng những phiến đá ghép lại, cánh sen to, đầu tù, trong có trang trí ba lớp vân xoắn, giữa thân cánh sen thể hiện một đao lửa. Phía này cũng đặt hai máng xối bằng đá trang trí văn mây xoắn.

Dù Bắc Môn là công trình do nhà Nguyễn xây dựng, nhưng dưới chân cổng thành sừng sững này là tầng tầng lớp lớp di chỉ thành quách từ các triều đại trước đó, khẳng định sự liên tục trong lịch sử ngàn năm của Hoàng thành.

Di tích Bắc Môn trước khi trùng tu.

Di tích Bắc Môn trước khi trùng tu.


Năm 1998, tại di tích Bắc Môn, ở độ sâu 1,66m và 2,20m các nhà khảo cổ học cũng đã tìm thấy nhiều dấu tích kiến trúc, trong đó có vết tích của một đoạn tường thành xây bằng đá và gạch vồ.

Hiện nay trên Vọng lâu của Bắc Môn thờ hai vị tổng đốc Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu đã tuẫn tiết, hy sinh khi thành Hà Nội rơi vào tay quân Pháp. Nhiều người dân vẫn thường xuyên lên vọng lâu Bắc Môn để thắp nhang tưởng nhớ hai vị anh hùng lẫm liệt – những người được hậu thế kính cẩn đặt tên cho hai con đường hiện đại chạy hai bên tả hữu vòng thành cổ năm xưa.

Ngày nay, Bắc Môn trở thành điểm tham quan thú vị đối với du khách trong và ngoài nước. Đây không chỉ là một di tích còn sót lại của khu thành cổ Hà Nội mà còn là minh chứng cho những cuộc chiến đấu anh dũng của quân dân Hà Nội trong những ngày đầu chống lại sự xâm lăng của thực dân Pháp chiếm thành Hà Nội.

(Theo tư liệu Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long- Hà Nội)