Di tích Đoan Môn

Kinh thành Thăng Long gồm ba vòng thành: La Thành rộng lớn bao quanh ṿòng ngoài, tiếp đến là Hoàng Thành, trong cùng là Cấm Thành, nơi ở, làm việc của vua và hoàng gia. Đoan Môn là cửa trong cùng, dẫn vào Cấm thành.

Cửa Đoan Môn nguyên là công trình được xây dựng từ đời Lý, với tên gọi Ngũ Môn Lâu, mà tên gọi này hiện nay vẫn còn ghi trong nội dung của tấm bia Sùng Thiện Diên Linh (chùa Đọi) được vua Lý Nhân Tông (1072 - 1128) cho khắc năm Thiên Phù Duệ Vũ thứ hai (1121). Tuy nhiên, căn cứ vào vật liệu xây dựng và phong cách kiến trúc hiện còn của di tích,cổng Đoan Môn hiện còn là do nhà Lê sơ xây dựng (thế kỷ 15) và được sửa sang, tu bổ dưới thời Nguyễn (thế kỷ 19).

Đoan Môn là cổng có vị trí rất quan trọng trong các hoạt động mang tính nghi lễ của Hoàng Thành. Giữa Đoan Môn và Điện Kính Thiên là Long Trì (Sân Rồng, thời Lê còn gọi là Đan Trì). Đây là một không gian mang ý nghĩa văn hóa tâm linh quan trọng của Cấm Thành, nơi cử hành các nghi lễ chính trị và tôn giáo thiêng liêng, ví dụ như sự kiện mở hội Nhân Vương (1077,1126), mở hội đèn Quảng chiếu (1126), duyệt cấm quân (năm 1351), vua khảo thí thi Đình (năm 1466,1475,1481,1496).

Đoan Môn có cấu trúc hình chữ U, từ Đông sang Tây dài 46,5 m, có 5 vòm cổng, vòm cổng chính giữa dành cho vua đi.

Năm 1999, các nhà khảo cổ học đã chọn hố khai quật ngay tại chính giữa cửa Đoan Môn hiện còn để tìm dấu vết con đường Ngự đạo xưa. Ngay ở độ sâu 1,2 m đã xuất lộ một đường viền đá lát chân tường Đoan Môn, một sân lát đá gạch vồ thời Lê và ở độ sâu 1,90m đã xuất lộ dấu tích một con đường lát gạch “hoa chanh” thời Trần. Theo hướng Bắc Nam, con đường được dự đoán còn kéo dài hơn nữa và rất có thể đó là con đường đi từ Đoan Môn đến Điện Thiên An thời Trần. Đáng chú ý là trong số gạch lát con đường thời Trần còn có những viên gạch thời Lý được dùng lại.

Như vậy kết quả khảo cổ học tại Đoan Môn càng củng cố thêm giả thiết Đoan Môn thời Lý, Trần, Lê về cơ bản đã tọa lạc tại cùng một vị trí.

(Theo tư liệu Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long- Hà Nội)