Di tích Hậu Lâu

Hậu Lâu còn gọi là Tĩnh Bắc Lâu, Lầu Công chúa hay Pagode des Dames (Chùa các bà), là công trình được xây dựng muộn hơn (1821) so với các di tích nằm trên trục trung tâm của thành Hà Nội. Ban đầu được sử dụng vào mục đích tôn giáo (thờ Phật). Cuối thế kỷ XIX, Hậu Lâu bị hư hỏng nặng, người Pháp đã cải tạo xây dựng lại như hiện nay.

Lầu được xây bằng gạch, phía dưới hình hộp, phía trên là các công trình kiến trúc với 5 tầng mái đan xen nhau. Lầu dưới cùng có 3 tầng mái, lầu trên làm 2 tầng mái. Mái lợp kiểu ngói ống, trát vữa, xi măng, bốn góc đao cong, hai góc bờ ngoài đắp đầu rồng, hai đầu hồi đắp hổ phù, hai góc đao đắp hình hồi long bằng vữa.

Qua các cuộc khai quật khảo cổ học tại Hậu Lâu (năm 1998-1999), các nhà khảo cổ học đã tìm thấy các hiện vật có niên đại từ thế kỷ IX đến đầu thế kỷ XX. Trong số đó có các đồ gốm sứ trắng mỏng- đồ ngự dụng thời Lê Sơ. Tại độ sâu 3,2m đã tìm thấy dấu tích bến nước thời Lê Sơ được xây dựng bằng gạch và đá chân tảng hoa sen thời Lý, Trần.

Những kết quả này một lần nữa khẳng định Hậu Lâu nằm trong khu vực trung tâm của Hoàng thành Thăng Long thời Lý, Trần, Lê.

(Theo tư liệu Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long- Hà Nội)