Di tích Kỳ đài
(Cột cờ Hà Nội)

Kỳ Đài, thường gọi là Cột Cờ Hà Nội, được khởi dựng cùng với việc xây thành Hà Nội vào đầu thời Nguyễn (1805-1812). Vị trí này vốn là nền cũ của Tam Môn, cổng phía ngoài của Cấm thành thời Lê. Đây là điểm chuẩn, đánh dấu sự khởi nguyên ở đầu phía nam trục chính tâm của tòa thành, từ đây theo đường “ngự đạo”, qua Đoan Môn rồi tới điểm quan trọng nhất, điểm trung tâm của Hoàng thành là điện Kính Thiên.

Kỳ Đài là một trong những công trình kiến trúc quý báu còn lại thuộc khu vực Thành cổ Hà Nội may mắn thoát khỏi sự phá hủy của thực dân Pháp trong những năm 1894- 1897.

 Kỳ Đài cao 33,4m, gồm ba tầng đế và một thân cột. Các tầng đế hình chóp vuông cụt, nhỏ dần, chồng lên nhau, xung quanh xây ốp gạch. Tầng một mỗi chiều dài 42,5m; cao 3,1m, có hai thang gạch dẫn lên. Tầng hai, mỗi chiều dài 27m; cao 3,7m có 4 cửa, phía trên mỗi cửa khắc các chữ Hán như: "Nghênh Húc" (đón ánh sáng ban mai) ở phía đông, "Hồi Quang" (ánh sáng phản chiếu) ở phía Tây, “Hướng Minh" (hướng về ánh sáng) ở phía Nam, cửa Bắc không có chữ đề. Tầng ba, mỗi chiều dài 12,8 m; cao 5,1m có cửa lên cầu thang trông về hướng Bắc. Trên tầng này là thân Cột Cờ, cao 18,2m; hình trụ tám cạnh, thon dần lên trên, mỗi cạnh đáy chừng 2m.

Trong thân có cầu thang 54 bậc xây xoáy trôn ốc lên tới đỉnh, có 39 cửa nhỏ hình hoa thị và 6 cửa hình dẻ quạt để soi sáng và thông hơi. Đỉnh Cột Cờ được cấu tạo thành một cái lầu hình bát giác, cao 3,3m có 8 cửa sổ tương ứng với 8 cạnh.

Ngày 10/10/1954, sau khi vào tiếp quản thủ đô, quân đội nhân dân Việt Nam đã tổ chức trọng thể lễ chào cờ tại đây dưới sự chỉ huy của thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Chủ tịch Ủy ban quân chính Hà Nội.

Hiện nay, Kỳ Đài là một trong 5 điểm di tích nằm trên trục chính tâm của di sản Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long Hà Nội, là biểu tượng của thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến.

(Theo tư liệu Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long- Hà Nội)