Di tích nền
điện Kính Thiên

Nền điện Kính Thiên là điểm di tích quan trọng của di sản văn hóa thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.

Điện Kính Thiên được xây dựng năm 1428, trên nền điện Càn Nguyên, Thiên An thời Lý- Trần.

Theo quan niệm phong thủy cổ truyền, Núi Nùng hay Long Đỗ là nơi hội tụ khí thiêng của non sông đất nước nên chính điện của vương triều được xây dựng ngay trên ngọn núi thiêng này. Khi vua Gia Long cho phá bỏ thành Thăng Long và xây một thành mới theo kiểu Vauban, điện Kính Thiên đời Lê vẫn ở vị trí cũ và là trung tâm của khu hành cung thời Nguyễn, mặc dù quy mô đã bị thu hẹp hơn trước. Năm 1841, nhà Nguyễn đổi tên là điện Long Thiên. Năm 1886, sau khi chiếm được thành Hà Nội, người Pháp phá hành cung Kính Thiên và xây tòa nhà Sở chỉ huy pháo binh. Sau này được gọi là Nhà Con Rồng, nơi làm việc của Bộ Tổng tham mưu- Bộ Quốc phòng quân đội nhân dân Việt Nam.

Hiện nay điện Kính Thiên chỉ còn nền cũ và hai bậc thềm rồng đá.

Thềm Rồng điện Kính Thiên được tạo tác năm 1467, gồm 9 bậc đá (không kể bậc chìm trong lòng đất), mỗi bậc cao 20 cm, rộng 40 cm, từ Đông sang Tây dài 13m, tạo thành 3 lối lên xuống, lối chính giữa dành cho vua đi, hai bên dành cho quần thần. Đôi rồng ở giữa được tạo tác theo phong cách tả thực, bằng đá nguyên khối. Rồng dài 5,3m, uốn 7 khúc và có 5 móng- biểu tượng cho quyền lực của các bậc đế vương. Hai bên là đôi rồng mây hóa, rồng cách điệu văn mây- biểu tượng cho vũ trụ và trời đất.

Thềm Rồng phía sau được tạo tác khoảng cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII. Thân rồng dài 3,4m. Hai bên lan can trang trí hoa sen, uyên ương, sóng nước, (hoa) văn mây, đao lửa, cá hóa rồng rất trau chuốt, tinh xảo.

Đây là những hiện vật vô cùng quý giá, biểu tượng cho sức sống mãnh liệt, trường tồn của văn hóa dân tộc.

(Theo tư liệu Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long- Hà Nội)