Nhóm sinh viên Hà Nội trong đoàn 50 lưu học sinh sang Cuba năm 1966 (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Nhóm sinh viên Hà Nội trong đoàn 50 lưu học sinh sang Cuba năm 1966 (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Đoàn lưu học sinh 50 người, sang Cuba năm 1966, toàn nam giới, trong đó có mười cán bộ, gồm năm anh ngành công an, an ninh, còn trẻ măng, chắc mới vào nghề vài ba năm. Năm anh khác đang là cán bộ, tuổi đời từ 23 đến 29, lương chắc khởi điểm 60 đồng/tháng; quê Hưng Yên, Hà Bắc, Việt Trì, Quảng Bình. Hai anh đã có vợ và gia đình, ba anh kia vẫn trai tân, chưa có một mối tình nào vắt vai. 20 anh danh nghĩa được Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam cử đi học vừa tốt nghiệp Phổ thông ở các trường khu vực miền Nam; 20 anh vừa học hết cấp 3 được tuyển thẳng vào Đại học, trong đó có 15 chàng trai Hà Nội, năm anh ở tỉnh Hà Tây (cũ), cửa ngõ Thủ đô.

Những bức ảnh đen trắng, không màu nhưng rõ nét từng khuôn mặt thân thương, đầy dấu ấn và cá tính của các thành viên trong đoàn 50 thanh niên chuẩn bị vượt trùng dương, ra khơi xa đi từ Đông sang Tây bán cầu để du học... cách đây hơn nửa thế kỷ.

Thời gian chậm chạp trôi, quay ngược lại, sống vội sẽ đánh mất hết bao ký ức và kỷ niệm đẹp đẽ của tuổi thanh xuân mà nào ai đã có thể nhớ hết...

Hà Nội, tháng 8/1966, chiến tranh đang leo thang cực nhanh với những đợt ném bom ồ ạt của Mỹ xuống các thành phố lớn, ở miền Bắc, Thủ đô không nằm trong diện ngoại trừ. Không khí hối hả và khẩn trương thể hiện trên từng khuôn mặt người dân, từ già đến trẻ không ai rõ kẻ thù sẽ còn những âm mưu thủ đoạn nào tàn bạo hơn “để đưa miền Bắc Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá" đây? Chính những ngày ấy, ba tốp học sinh trên được lệnh tập trung học chính trị. Tôi nhớ khoảng hơn một tuần ở Đại học Kinh tế Kế hoạch, Trường Đại học Bách khoa và Trường Đoàn ở Tương Mai. Nội dung gồm chủ nghĩa Mác-Lênin, vai trò lãnh đạo của Đảng, nhiệm vụ Cách mạng hai miền, quy chế kỷ luật đi học ở nước ngoài đối với lưu học sinh, phải tuyệt đối tuân thủ lịch phân công của tổ chức về ngành nghề sẽ học để sau này về phục vụ đất nước.

Trong khi ngay từ đầu các đoàn khác đã được thông báo rõ sẽ đi học ở nước nào thì đoàn chúng tôi phải đợi tới những ngày cuối cùng của đợt tập trung mới được biết là sẽ đi Cuba.

Chúng tôi được quán triệt là tình hình Cuba vẫn rất căng thẳng, nguy cơ Mỹ có thêm những hành động quân sự chống Cách mạng Cuba vẫn hiện hữu và trong trường hợp xảy ra chiến sự, lưu học sinh Việt Nam ở Cuba phải sẵn sàng tham gia chiến đấu bên cạnh nhân dân Cuba. Đó chính là lý do chủ yếu tại sao đoàn 50 người chúng tôi toàn nam giới; giống như các lớp đàn anh sang Cuba các năm trước đó.... 

Nhóm sinh viên Hà Nội năm 1966 tại Cuba (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Nhóm sinh viên Hà Nội năm 1966 tại Cuba (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Chiều tối ngày 08/8/1966, bầu trời hôm nay nắng nhẹ, máy bay Mỹ mấy hôm trước vẫn vần vũ trên không gian Hà Nội và vùng lân cận. Các tốp tập trung theo nhóm nhận vali, quần áo và giày ở kho Bộ Tài chính (phố Phan Huy Chú, Hà Nội). Đoàn đi Cuba, xa xôi nhất, khí hậu nhiệt đới, ngoài bộ comple dạ xỉn màu, còn được phát thêm một bộ “tropical” (nhiệt đới) mỏng nhẹ màu xanh da trời. Vì may đồng loạt và chỉ có ba kích thước to lớn, trung bình và nhỏ nên mấy cậu bé cao 1,5m đành phải lấy cỡ trung bình. Mặc vào ai cũng ngồ ngộ vì quần ống thì to, rộng thùng thình. Hồi ấy không được sửa cắt lại, nghe nói sau khi sử dụng xong phải trả lại kho cho người khác mượn nên ai cũng có ý thức phải giữ gìn thật tốt. Khổ nhất là mấy anh bàn chân nhỏ đi giày tây số rộng nên cứ phải bước nhẹ nhàng, chỉ sợ tụt ra đường ai trông thấy cũng phải buồn cười. Giày tất cả màu đen nhưng không đủ nên có ba anh phải nhận giày màu đỏ, giống màu gạch non thì đúng hơn…

Ông Phạm Xuân Sinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp.

Ông Phạm Xuân Sinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp.

Ông Phạm Xuân Sinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp.

Ông Phạm Xuân Sinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp.

Đoàn tàu liên vận đã chờ sẵn ở ga Hàng Cỏ. Buổi chia tay thật bịn rịn, một số bạn ở Hà Nội có người thân trong gia đình đi tiễn, cảnh xúc động trào dâng nước mắt. Các bạn nhóm Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam thì nghịch ngợm hơn, quen với sinh hoạt tập thể, xa ba má đã lâu đứng chụm từng tốp nhỏ, thì thầm nghe tin chiến sự ở miền Nam. Không khí dặn dò, kẻ ở người đi sôi nổi nhất lúc tàu kéo còi. Các nhân viên đường sắt và loa phóng thanh nhắc mọi người lên tàu. Lúc đó là 21 giờ đêm, xa Thủ đô, bao giờ ta trở lại... Mỗi người một tâm tư, một suy nghĩ. Cùng đi trên đoàn tàu này còn có một số bạn học sinh và một số cán bộ các ngành đi Đông Âu học tập và công tác.

Đoàn chúng tôi có 50 người. Các anh nhóm cán bộ là: Bút, Sỹ, Dy, Triển, Đoản, Lược, Hải, Cầu, Lục, Luận.
Nhóm năm anh Hà Tây lúc đó có: Lực, Sứ, Lập, Vân, Hanh.
Nhóm 15 anh học sinh Hà Nội là: Văn Phú, Đức, Sinh, Hải, Thương Phú, Xuân Lượng, Thuần, Khoa, Đạt, Minh Lượng, Vĩnh Thắng, Bắc, Hoan, Bảo, Tất Thắng.
Nhóm 20 anh em học sinh miền Nam, học rải rác ở các trường ở nhiều tỉnh tập hợp về có: Chiểu, Thạch, Thành, Viêm, Bé, Dũng, Oanh, Em, Sơn, Na, Định, Luận, Cầm, Trữ, Hớn, Quỳnh, Đựng, Tha, Dân, Chính.
Như vậy trong đoàn đi năm 1966, có năm cặp trùng tên Phú Phú, Lượng Lượng, Hải Hải, Thắng Thắng, Luận Luận.

Tiếng tàu hành lý liên vận chạy xình xịch, đèn trông tối lù mù. Anh em chuyển vác vali lên khoang tàu, ngồi vào ghế dựa, mặt ai cũng buồn tênh, ít nói. Tàu chạy chắc chỉ 15 hay 20km/giờ, có lúc ì ạch từng bước qua những chiếc cầu vừa được sửa vội ở Bắc Giang, Kép, Bắc Lệ, Sông Hóa, Đồng Mỏ.

Ông Phạm Xuân Sinh năm 1966 tại Cuba. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Ông Phạm Xuân Sinh năm 1966 tại Cuba. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Sáng ngày 9/8, sau hơn chín tiếng đồng hồ, đoạn đường dài hơn 170km cũng đã qua. Ga Đồng Đăng trước mặt, mọi người ngủ gà ngủ gật được đánh thức dậy, thay quần áo mới, làm thủ tục xuất cảnh ra khỏi Việt Nam. Qua Hữu Nghị quan đến Bằng Tường là đất Trung Quốc. Ở đây đường tàu rộng 1,41m và chạy nhanh hơn, qua Trùng Khánh, Vũ Hán, vượt sông Hoàng Hà, Dương Tử và các thành phố khác ít dừng lại, đôi lúc nghỉ một tiếng để bổ sung đồ ăn, thức uống. Đến Bắc Kinh được chuyển tàu khác, ghé khách sạn Bắc Vỹ ăn trưa và qua Bách hóa Đại lầu.

Anh Nguyễn Ngọc Bút, được phân công làm trưởng đoàn của cả ba nhóm bồi hồi nhớ lại những ngày đó:
“Một điều mà đến nay tôi vẫn còn giật mình là lúc sắp lên tàu, có loa phóng thanh gọi: “Em Bút lên ngay phòng đợi để làm việc!”. Tại phòng đợi, người đại diện Bộ Đại học và Trung học chuyển sang cho tôi một gói tiền rúp và nói: Tiền ăn, ở, tiêu vặt và tiền mua vé máy bay cho cả đoàn từ Mạc Tư Khoa đến Cuba. Lúc đó do tôi còn thiếu kinh nghiệm nên không thấy hết tầm quan trọng của công việc này…

Sau gần hai tuần đi tàu, các bạn vui đùa hoan hỷ. Lên tàu, niềm vui của tuổi trẻ được cử đi học nước ngoài. Chúng tôi đến Mạc Tư Khoa lúc trời sẩm tối, cùng nhau vào phòng WC xịt nước tắm vì ban đêm nhà tắm đóng cửa. Đại diện sinh viên Việt Nam ở Mạc Tư Khoa lo cho chúng tôi nơi ăn, ở và hướng dẫn các vấn đề cần thiết.

Hôm sau, các sinh viên đến gặp tôi và tự giới thiệu là Đại sứ quán cử đến làm việc và giúp đỡ chúng tôi, trong đó có yêu cầu tôi:
- Nộp lại khoản tiền trọ của đoàn ở Mạc Tư Khoa vì các anh đã can thiệp cho đoàn ở tại trường Điện. Sau khi hội ý lãnh đạo đoàn, tôi đã trao tiền cho các anh.
- Nộp lại khoản tiền mua vé máy bay của 20 học sinh đoàn Mặt trận, Đại sứ quán sẽ mua vé tàu thủy. Khoản này tôi không đồng ý với lý do ở Việt Nam đã đặt vé máy bay rồi.

Sau này tôi nhận thấy khoản tiền rúp mà Bộ Đại học Trung học chuyên nghiệp giao cho tôi điều hành, quản lý là một việc hệ trọng vì cả đoàn 53 bạn (50 bạn đi Cuba, 3 bạn đi Anbani). Đây là tiền ăn, ở, mua vé máy bay, tiền tiêu vặt của cả đoàn. Vậy mà Bộ bàn giao cho tôi bằng miệng một cách vội vàng lúc tàu sắp chạy. Mất thì ăn nói làm sao đây... may mà cả đoàn đi an toàn, không gặp sự cố gì”, anh Bút kể lại.

Đoàn tàu liên vận đã chờ sẵn ở ga Hàng Cỏ. Buổi chia tay thật bịn rịn, một số bạn ở Hà Nội có người thân trong gia đình đi tiễn, cảnh xúc động trào dâng nước mắt...

Chúng tôi xin nguyện làm những viên gạch nhỏ xây đắp tình hữu nghị, đoàn kết giữa hai dân tộc ngày một phát triển tốt đẹp.

--- Phạm Xuân Sinh---

Ở Liên Xô, chúng tôi như lạc vào thế giới mới xa lạ, nhà quê ra tỉnh, cái gì cũng thấy khác biệt, mọi sinh hoạt ăn uống đi lại ở các nhà ga xe điện, metro, siêu thị, cửa hàng rất nhộn nhịp, sầm uất. Con người Nga hiền lành, chất phát, đôn hậu...văn hóa đa dạng phong phú; dưới ga tàu điện thỉnh thoảng được nghe các ban nhạc chơi các bản nhạc sôi nổi, hào hùng bằng đàn accordion. Sau hơn một tuần ở Mạc Tư Khoa, chúng tôi ở ký túc xá trường Điện. Trong đoàn, duy nhất có Bắc học được ít tiếng Nga do anh Khiến - nghiên cứu sinh giúp hướng dẫn đoàn đi thăm các nơi, nói chuyện và mua sắm vài thứ lặt vặt.  

Anh Bắc lúc đó khác chúng tôi là bỏ tiền mua một chiếc caravat và diện chụp ảnh suốt trong thời gian đi tham quan ở Quảng trường Đỏ, Lomonosov, Triển lãm kinh tế quốc dân, thành phố Ngôi sao.

Đoàn bay từ Thủ đô Mạc Tư Khoa đến Murmansk (một sân bay ở phía Bắc Liên Xô) lạnh giá để đi tiếp Cuba. Dừng chân ở một sân bay nhỏ của Maroc và một sân bay nữa của Canada và rồi men theo bờ biển phía Đông nước Mỹ xuôi xuống La Habana đến sân bay José Martí. Đại diện Đại sứ quán Việt Nam ở Cuba, đại diện Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, một số anh em sinh viên khóa trước ra đón vui vẻ, hồ hởi, gặp mặt nói cười, hỏi han đủ chuyện sôi nổi và sau đó lên ba chiếc xe ca của ký túc xá dong thẳng về khu vực Siboney gần trường Pepito Mandoza học ngoại ngữ tiếng tiếng Tây Ban Nha.

Ông Phạm Xuân Sinh (thứ 6 từ phải sang) vinh dự tham gia buổi chặt mía cùng Fidel Castro và Raúl Castro năm Việt Nam Anh hùng 1967 và các dũng sĩ diệt Mỹ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Ông Phạm Xuân Sinh (thứ 6 từ phải sang) vinh dự tham gia buổi chặt mía cùng Fidel Castro và Raúl Castro năm Việt Nam Anh hùng 1967 và các dũng sĩ diệt Mỹ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Thế là từ tháng 9/1966, chúng tôi bước vào đời lưu học sinh được bố trí ở hai căn biệt thự cạnh nhau. Sống, học tập và sinh hoạt theo nề nếp bán quân sự. Mọi hoạt động từ sáng khi bắt đầu thức dậy cho đến tối khi lên giường đi ngủ đều thực hiện theo hiệu lệnh của một chiếc kẻng đặt ở ngoài sân. Cứ mỗi buổi sáng tất cả đều rất hào hứng xếp hàng một đi đến lớp học trong bộ đồng phục dân quân Cuba.

Sau một năm đèn sách miệt mài, đánh vần chữ “Español”, chúng tôi tiếp tục chia thành các ngành học khác nhau; người đi học trường kỹ thuật (điện, kiến trúc, xây dựng) ở Đại học Công nghệ Havana José Antonio Echeverría, người đi học văn học Cuba - Mỹ Latin ở ký túc xá tại góc đường 12 và Malecón, sau đổi ra góc đường F y 3a (số 3), khu Vedado gần biển, gần tòa nhà Bộ Ngoại giao và Nhà Châu Mỹ, một số đi các trường Đại học khác ở xa Thủ đô như Nông nghiệp, Thú y, Chăn nuôi...

Năm 1967, niềm vui lớn đến khi có đoàn 300 và 150 sinh viên sang với nhiều tà áo dài quê hương. Đó là những khuôn mặt tươi trẻ, hồn nhiên của các em gái sang học ở Cuba. Thế là từ nay sinh viên Việt Nam học ở Cuba có cả nam và nữ. Anh em đoàn chúng tôi cảm thấy phấn chấn hẳn lên, cứ mỗi cuối tuần lại có lý do để chỉnh trang quần áo, đầu tóc...đi gặp gỡ, giao lưu với các đoàn và các em gái mới sang. Cũng rất may và hạnh phúc, duyên trời khéo kết, khóa chúng tôi cũng có được vài em để ý đến các anh lớn hơn và trở thành dâu hiền, hiếu thảo, trọn vẹn tình yêu đến mãi bây giờ. (Xin lưu ý là họ cũng phải vượt qua bao rào cản, sức ép, kỷ luật, quy chế đề ra lúc bấy giờ để thành những nhân chứng lịch sử của hơn nửa thế kỷ sinh viên Việt Nam ở Cuba). Chúng tôi cũng cảm ơn các lớp đàn anh đi trước, đó là những tấm gương sáng ngời để khóa chúng tôi học tập noi theo và lớp đàn em hậu sinh khả úy luôn động viên khích lệ chúng tôi vươn lên phấn đấu học tập.

Đến nay, đoàn chúng tôi 50 người sang Cuba năm 1966, tốt nghiệp trở về nhiều đợt khác nhau và tỏa ra làm việc, đã có mặt ở nhiều ngành nghề khác nhau; cũng tự hào vì đã có những đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Dù ở cương vị nào khắp trong Nam ngoài Bắc, trên mọi miền đất nước, đều về hưu và đã lên chức ông nội, ông ngoại, có anh lên cụ rồi, nhưng hàng năm G50 Cuba nay mở rộng và đã có thương hiệu, đều dành một chút thời gian gặp nhau lúc thì ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, khi thì ở Sơn La, Móng Cái, Cà Mau, Đà Lạt, Nha Trang, Quảng Bình, Đà Nẵng; hay cùng nhau tham dự “Gặp gỡ Mùa thu Hà Nội” với các bạn khóa khác.

Còn nhớ hồi tháng 4/2020, đoàn tổ chức gặp mặt ở Quy Nhơn. Chúng tôi cùng nhau ôn lại kỷ niệm xưa, nhớ đến bạn bè, kẻ còn, người đã đi xa... cùng nhắc lại những ngày ở bên nhau trong ký túc xá, khi mất điện phải leo bộ lên tầng 21, 22... hoặc những lúc nhớ nhà, quê hương ra Malecón ngóng biển; những buổi đi hái rau muống ở ngoại ô, đi tìm cửa hàng bán cá biển để xếp hàng mua vài kilôgam về cải thiện bữa ăn. Những trận bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền, đi tham gia các chiến dịch hè lao động tình nguyện như chặt mía, hái cam, quýt. Đi mít-tinh thâu đêm suốt sáng ở quảng trường Cách mạng, đi diễu hành, đi làm phiên dịch cho các đoàn trong nước sang Cuba, phụ bếp trong dịp Quốc khánh và lễ Tết ở Đại sứ quán...

Sống và học tập nhiều năm ở Cuba, chúng tôi thấy thấm đậm tình cảm thân thiết của người dân Cuba dành cho dân tộc chúng ta. Mỗi khi có dịp trở lại Cuba công tác hay làm nhiệm kỳ ở Đại sứ quán Việt Nam tại đây, nhiều anh em chúng tôi luôn ghé về những nơi cũ - nơi gắn bó với mỗi người trong một thời gian nhất định... Nhiều anh em có dịp gặp gỡ, tiếp xúc, làm việc với bạn bè Cuba cũng thấy cảm thông và khâm phục tinh thần vượt qua mọi khó khăn, thách thức, vững niềm tin thắng lợi của hòn đảo nhỏ anh hùng. Đất nước của Fidel, của Cách mạng đã ủng hộ chí tình, cao cả cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc Việt Nam.

Chúng tôi xin nguyện làm những viên gạch nhỏ xây đắp tình hữu nghị, đoàn kết giữa hai dân tộc ngày một phát triển tốt đẹp. Hasta la Victoria Siempre!

Ông Phạm Xuân Sinh tham dự Đại hội Thanh niên Sinh viên thế giới ở Cuba năm 1988. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Ông Phạm Xuân Sinh tham dự Đại hội Thanh niên Sinh viên thế giới ở Cuba năm 1988. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Ông Phạm Xuân Sinh (thứ hai từ phải sang) chụp cùng đội tuyển Bóng bàn quốc gia Cuba sang thi đấu hữu nghị tại Việt Nam năm 1988. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Ông Phạm Xuân Sinh (thứ hai từ phải sang) chụp cùng đội tuyển Bóng bàn quốc gia Cuba sang thi đấu hữu nghị tại Việt Nam năm 1988. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Kỷ niệm những ngày hè đi chặt mía (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Kỷ niệm những ngày hè đi chặt mía (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Các thành viên trong Đoàn 50 lưu học sinh sang Cuba năm 1966 gặp mặt tại Thành phố Hồ Chí Minh tháng 3/2024. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Các thành viên trong Đoàn 50 lưu học sinh sang Cuba năm 1966 gặp mặt tại Thành phố Hồ Chí Minh tháng 3/2024. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Ngày xuất bản: Tháng 4/2025
Tổ chức thực hiện: Quang Thiều, Trường Sơn
Nội dung: Trích hồi ký của Phạm Xuân Sinh
Trình bày: Kim Hương
Ảnh: Granma, Nhân vật cung cấp