Kỷ niệm 79 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945-2/9/2024), Tổng Bí thư Tô Lâm có bài viết quan trọng “Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”.

Chuyên đề “Cách mạng chuyển đổi số để phát triển đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam” của Báo Nhân Dân phân tích những tư tưởng mới, mang tính đột phá của Tổng Bí thư Tô Lâm về cuộc cách mạng chuyển đổi số, xây dựng phương thức sản xuất số để phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất trong kỷ nguyên mới, phân tích những khó khăn, thách thức và sự cần thiết phải có cuộc cách mạng; từ đó, đưa ra những định hướng, giải pháp trong thời gian tới.

Bài 4:

Doanh nghiệp Việt trong hành trình xác lập phương thức sản xuất số

Thuộc top 20 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất tại Việt Nam, sau hàng chục năm sáng tạo ra phương thức sản xuất (hoạt động) mới dựa trên công nghệ, dữ liệu số, FPT đã cung cấp Hệ sinh thái giải pháp chuyển đổi số gồm hơn 200 giải pháp đúc kết các công nghệ mới nhất, phù hợp với mọi nhu cầu doanh nghiệp trong vận hành, kinh doanh, quản trị… Trong khi đó, VinBigdata với việc sở hữu hệ cơ sở dữ liệu lên tới 3.500 TB thuộc đa lĩnh vực đã sử dụng công nghệ thuần Việt, được phát triển từ dữ liệu của người Việt, do người Việt hoàn toàn làm chủ từ tầng lõi sâu nhất, ứng dụng vào thực tế để nâng tầm cuộc sống của người Việt, đặt nền móng vững chắc cho công nghệ Việt vươn ra toàn cầu, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế.

Đây là hai trong số hàng chục nghìn doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đã tiên phong trong xác lập phương thức sản xuất. Họ không chỉ tạo nên những giá trị vượt bậc về thương hiệu và doanh thu từ việc chuyển đổi số chính hoạt động của mình, mà còn cung cấp các công cụ, ứng dụng, nền tảng sử dụng trí tuệ nhân tạo và các công nghệ mới để thực hiện chuyển đổi số quốc gia, tạo nên cuộc thay đổi phương thức sản xuất trong kỷ nguyên số trên toàn quốc. Tuy nhiên, để Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên số, thì việc thay đổi phương thức sản xuất số đòi hỏi một cuộc cách mạng mạnh mẽ hơn.

Xác lập phương thức sản xuất số là xu hướng tất yếu

Trong bài viết “Chuyển đổi số - động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”, lần đầu tiên đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã đề cập tới nội dung về việc cần xác lập “phương thức sản xuất số”, trong đó đặc trưng của lực lượng sản xuất là sự kết hợp hài hòa giữa con người và trí tuệ nhân tạo; dữ liệu trở thành một tài nguyên, thành tư liệu sản xuất quan trọng; đồng thời quan hệ sản xuất cũng có những biến đổi sâu sắc, đặc biệt là trong hình thức sở hữu và phân phối tư liệu sản xuất số”.

Tiến sĩ Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam mới đây chia sẻ trên Tạp chí Tự động hóa nhận định, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đặt ra vấn đề rất ít được thảo luận trước đây về phương thức sản xuất số, rằng “Chuyển đổi số không đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế-xã hội, mà còn là quá trình xác lập một phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại - phương thức sản xuất số”.

Nhận định về việc cần "xác lập phương thức sản xuất số" đã chỉ ra một xu hướng tất yếu và những biến đổi căn bản trong cách mà các doanh nghiệp và nền kinh tế hoạt động khi bước vào kỷ nguyên số. Đây là một quan điểm quan trọng trong bối cảnh phát triển công nghệ hiện nay, với 3 yếu tố chính được đề cập: sự kết hợp giữa con người và trí tuệ nhân tạo, vai trò của dữ liệu như một tài nguyên, và những biến đổi trong quan hệ sản xuất.

Trước vấn đề lý luận này, nhiều người đặt ra câu hỏi, vậy Việt Nam đã thật sự có phương thức sản xuất số chưa? Và liệu chúng ta sẽ làm thế nào để thúc đẩy nhanh hơn việc hình thành phương thức sản xuất số một cách toàn diện để tạo nên cuộc cách mạng số trên toàn quốc.

Trong bài viết “Chuyển đổi số - động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”, lần đầu tiên đồng chí Tổng Bí thư-Chủ tịch nước Tô Lâm đã đề cập tới nội dung về việc cần xác lập “phương thức sản xuất số”, trong đó đặc trưng của lực lượng sản xuất là sự kết hợp hài hòa giữa con người và trí tuệ nhân tạo; dữ liệu trở thành một tài nguyên, thành tư liệu sản xuất quan trọng; đồng thời quan hệ sản xuất cũng có những biến đổi sâu sắc, đặc biệt là trong hình thức sở hữu và phân phối tư liệu sản xuất số”.

Chúng tôi đã tìm câu trả lời, bằng việc tiếp cận 2 doanh nghiệp số lớn: Một công ty thuộc top 20 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất tại Việt Nam, với ba lĩnh vực kinh doanh cốt lõi gồm: Công nghệ, Viễn thông và Giáo dục-Tập đoàn FPT. Và một doanh nghiệp công nghệ thuộc Tập đoàn Vingroup - Công ty cổ phần VinBigdata, chuyên cung cấp giải pháp công nghệ và các sản phẩm tiên tiến dựa trên nguồn dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo.

Tiên phong trong xác lập phương thức sản xuất số, ông Trương Gia Bình – Chủ tịch Hội đồng Quản trị FPT cho biết, nhiều năm trước, FPT đưa ra chiến lược Digital Conglomerate 5.0 (DC5), hướng đến mục tiêu trở thành tổ chức kiến tạo hạnh phúc cho mỗi con người, tức là công nghệ vì con người. FPT tập trung dữ liệu để phục vụ tốt nhất khách hàng của mình, từ khách hàng nhà nước, khách hàng doanh nghiệp đến người tiêu dùng.

Đặc biệt, FPT triển khai chương trình đào tạo nhân lực liên tục. Từ nhiều năm trước, tất cả người FFT phải học về công nghệ số, về chuyển đổi số, thì bây giờ, tất cả đều đang học sử dụng trí tuệ nhân tạo.

Ở cấp cao, FPT đã hợp tác với những cái tổ chức hàng đầu thế giới, những cha đẻ của ngành học máy như Mila, Landing AI, Nvidia. FPT thành lập những phòng thí nghiệm chung với các trường đại học như là trường Đại học Quốc gia Singapore để bảo đảm tiến bộ trong công việc.

“Hàng quý, chúng tôi sẽ phải xem xét lại xem chúng tôi đã tạo ra được bao nhiêu công cụ sản xuất mới, tức là các sản phẩm về số. Chúng tôi đã áp dụng dữ liệu vào trong lĩnh vực, lĩnh vực gì để nâng cao doanh thu và năng suất lao động của cán bộ. Mục tiêu của chúng tôi là trước đây làm được 3 việc, hôm nay phải làm được 10 việc, hoặc ít nhất là 4 việc để tăng trưởng năng suất đều đặn mỗi năm. Đại học FPT đào tạo các môn công nghệ cao là xu hướng như: bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ ô-tô số…”, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị FPT cho biết.

Để tạo nên sự thay đổi phương thức sản xuất, thì quan trọng nhất, chính là sự thay đổi của lực lượng sản xuất.

Ông Trương Gia Bình – Chủ tịch Hội đồng Quản trị FPT

Ông Bình nhấn mạnh, để tạo nên sự thay đổi phương thức sản xuất, thì quan trọng nhất, chính là sự thay đổi của lực lượng sản xuất. Và đây là điều mà FPT có nhiều điều kiện thuận lợi. “Chúng tôi có điều kiện là có một hệ thống giáo dục mạnh ở bên cạnh để đào tạo, áp dụng tất cả những công nghệ mới cho thế hệ trẻ. Chúng tôi đưa vào dạy nhiều thứ tiếng từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Pháp… vào chương trình dạy học. Một điều quan trọng nữa, chúng tôi thở nhịp thở của thế giới. Google, Microsoft, Amazon đều trao đổi thường xuyên và tất cả các công nghệ mới có thể chia sẻ với FPT”, ông Bình tự hào nói.

Một điểm được coi là lợi thế cạnh tranh của FPT trong cách mạng chuyển đổi số hiện nay chính là luôn tiên phong, đi đầu trong tạo ra các sản phẩm số ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Ông Bình tự hào nói, một trong những sản phẩm được nhiều doanh nghiệp đón nhận và ông cũng tâm đắc là nền tảng FPT.

AI phục vụ hàng chục triệu người dùng, hơn 100 doanh nghiệp lớn tại 15 quốc gia, giúp doanh nghiệp tăng đến 67% năng suất vận hành và giảm 40% chi phí. Nền tảng AI của FPT cũng đạt giải Trợ lý ảo thông minh nhất do Software Reviews vinh danh. Hay công cụ CodeVISTA - trợ lý lập trình AI giúp lập trình viên của FPT tự động hóa quy trình viết code 30%.

Tiếp cận VinBigdata ở góc độ đơn vị đang nắm kho dữ liệu số được cho là lớn nhất Việt Nam, Tiến sĩ Đào Đức Minh, Tổng Giám đốc VinBigdata cho hay, ngay từ ngày đầu, VinBigdata đã nhìn ra lợi thế trong việc thu thập dữ liệu người Việt về ngôn ngữ, tiếng nói, hình ảnh, dữ liệu gen, các loại dữ liệu khác…, từ đó phát triển giải pháp với những đặc trưng của người Việt, để giải quyết những bài toán của người Việt. VinBigdata đã xác định mục tiêu mũi nhọn là xây dựng nền tảng dữ liệu lớn để tạo ra nguồn dữ liệu khổng lồ cho việc nghiên cứu và phát triển các ứng dụng AI, hỗ trợ các doanh nghiệp trong chuyển đổi số, thay đổi phương thức sản xuất số.

Chia sẻ về những điểm khác biệt trong nghiên cứu và phát triển ra các sản phẩm công nghệ phục vụ đời sống của công ty, Tiến sĩ Đào Đức Minh tiết lộ, VinBigdata lấy dữ liệu làm nền tảng, coi dữ liệu là “gốc rễ” cho các ứng dụng AI. Do đó, VinBigdata chú trọng việc thu thập, phân loại và xử lý dữ liệu và đã sở hữu hệ cơ sở dữ liệu lên tới 3.500 TB thuộc đa lĩnh vực, với đa dạng các loại dữ liệu (giọng nói, hình ảnh người, vật thể, phương tiện, ảnh y tế, hệ gen người Việt,…). 

“Chúng tôi luôn nghiên cứu công nghệ mới, sản phẩm mới, ứng dụng mới không chỉ hướng đến hỗ trợ cho một bài toán cụ thể. Bài toán làm chủ phải phát triển dựa trên nguồn dữ liệu của mình, từ đó ứng dụng vào giải quyết hàng trăm bài toán khác nhau”, ông Minh nói. 

Góp phần kiến tạo phương thức sản xuất số cho tổ chức công và doanh nghiệp

Phương thức sản xuất số đã làm thay đổi căn bản hoạt động kinh doanh, sản xuất và là một bước tiến quan trọng để đưa ngành khoa học công nghệ của chúng ta phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai. Mà trong đó, muốn tạo nên cuộc cách mạng số, vai trò tiên phong chính là các doanh nghiệp công nghệ số. Bằng việc xác lập phương thức sản xuất mới, các doanh nghiệp công nghệ thông tin cũng đã kiến tạo nên cuộc cách mạng chuyển đổi số trong Chính phủ, cộng đồng và doanh nghiệp.

Ông Trương Gia Bình chia sẻ, lâu nay chúng ta cũng nói về công nghệ rất nhiều nhưng mà thuần công nghệ thì chỉ có những người làm công nghệ hiểu và nếu chỉ những người làm trong ngành công nghệ góp công thì chuyển đổi số rất chậm. Vì thế, khi Tổng Bí thư Tô Lâm nói thuật ngữ: cách mạng, tư liệu sản xuất, lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất, tức là quan điểm của Tổng Bí thư rất sâu sắc, tác động mạnh mẽ đến toàn xã hội và tất cả mọi người đều phải hành động.

Để tác động đến xã hội cùng thay đổi trong công cuộc chuyển đổi số, vai trò của các doanh nghiệp công nghệ thông tin trong nước đặc biệt có giá trị trong làm thay đổi phương thức sản xuất trong kỷ nguyên số. Bằng các giải pháp và sản phẩm công nghệ nổi bật, được thiết kế tương thích với nhu cầu của khách hàng, các doanh nghiệp công nghệ đã tạo nên một cuộc cách mạng lớn trong chuyển đổi số quốc gia.

Ông Trương Gia Bình – Chủ tịch Hội đồng Quản trị FPT

Ông Trương Gia Bình – Chủ tịch Hội đồng Quản trị FPT

Trong công cuộc xây dựng quốc gia số, FPT sát cánh cùng Chính phủ, lãnh đạo các tỉnh, thành phố thúc đẩy phát triển Chính phủ số, Kinh tế số, Xã hội số, với khát vọng mang lại hạnh phúc cho mọi nhà lãnh đạo, mọi tổ chức và người dân. Năm 2021, FPT thành lập công ty tư vấn chuyển đổi số với mong muốn mang đến một hệ sinh thái chuyển đổi số toàn diện từ tư vấn lộ trình đến triển khai, cung cấp các giải pháp số.

FPT đã nhanh chóng triển khai nhiều chương trình, hoạt động nhằm góp phần thay đổi nhận thức về chuyển đổi số của hàng chục nghìn nhà lãnh đạo, cán bộ chủ chốt, thanh niên tại các tổ chức, tỉnh, thành phố, truyền cảm hứng về một quốc gia hùng cường dựa trên những đổi mới sáng tạo của công nghệ. Dựa trên sức mạnh của dữ liệu, FPT xây dựng nền tảng, giải pháp, sản phẩm, dịch vụ giúp lãnh đạo các tổ chức, tỉnh thành chỉ đạo tức thời bằng dữ liệu thời gian thực, nâng cao năng lực của chính quyền trong phục vụ người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy Chính phủ số, chính quyền số.

Một trong những giải pháp nổi bật đóng góp vào quá trình xây dựng kinh tế số - xã hội số của FPT là giải pháp xác thực dữ liệu thẻ CCCD gắn Chip - FPT.IDCheck. FPT.IDCheck ra đời trong bối cảnh Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”.  Giải pháp giúp đáp ứng bài toán xác thực định danh tại các lĩnh vực: Tài chính – Ngân hành, Bảo hiểm, Thương mại điện tử… FPT.IDCheck đồng hành cùng các Ngân hàng nhanh chóng triển khai Quyết định số 2345/QĐ-NHNN, hay cùng cơ sở giáo dục triển khai Mô hình 21 của Đề án 06.

Hiện nay FPT là một trong những doanh nghiệp tư nhân đầu tiên tại Việt Nam đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn về công nghệ và bảo mật để được Bộ Công an cấp phép cung cấp dịch vụ xác thực thẻ CCCD gắn Chip. Giải pháp có hơn 1 triệu lượt xác thực CCCD gắn chip chỉ sau 1 năm triển khai, hơn 20 triệu lượt face matching, và hơn 50 khách hàng là tổ chức tín dụng đang tin dùng.

Các nền tảng, phần mềm, giải pháp thương hiệu Việt có tính ứng dụng cao do FPT phát triển đã nỗ lực thay đổi cách vận hành, quản trị; gia tăng năng suất lao động và thúc đẩy kinh doanh cho hàng nghìn doanh nghiệp trên toàn cầu.

FPT đã song hành hàng chục nghìn doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số. Thí dụ như, FPT đã làm thay đổi phương thức sản xuất và quản trị theo mô hình truyền thống của Nhà máy Rạng Đông, để từ đó giúp lãnh đạo quản lý nền sản xuất thông minh, trở thành một doanh nghiệp thực số, tăng năng suất lao động, nâng cao trình độ tự động hóa, nâng cao năng lực điều hành theo thời gian thực, rút ngắn thời gian đưa sản phẩm mới ra thị trường.

Hay hành trình FPT chuyển đổi số cùng Boston Phamra trong bối đại dịch Covid-19. Với nhu cầu dược phẩm tăng cao, kèm theo thách thức làm sao để cung ứng kịp thời tới người tiêu dùng, Boston Pharma đã phối hợp cùng FPT triển xây dựng nền tảng quản trị tập trung, nâng cao 50% năng suất làm việc cho nhân sự, số hoá kênh bán hàng trên ứng dụng với 100.000 lượt truy cập/tháng.

“Tập đoàn FPT sẵn sàng nguồn lực đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp từ khâu tư vấn, lập kế hoạch đến triển khai; cung cấp Hệ sinh thái giải pháp chuyển đổi số Made by FPT gồm hơn 200 giải pháp đúc kết các công nghệ mới nhất, phù hợp với mọi nhu cầu doanh nghiệp trong vận hành, kinh doanh, quản trị… 60.000 nhân sự làm việc tại 29 quốc gia trên thế giới, trong đó có hơn 30.000 chuyên gia công nghệ và hàng ngàn chuyên gia có hiểu biết sâu sắc các lĩnh vực, ngành nghề của khách hàng là những chiến binh bền bỉ để đưa các khát vọng chuyển đổi số thành hiện thực”, ông Trương Gia Bình cho hay.

Hơn một tháng sau khi viết bài “Chuyển đổi số - động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”, trong cuộc gặp với các doanh nhân, Tổng Bí thư Tô Lâm nhận định sự trỗi dậy của cách mạng kỹ thuật số, đặc biệt là trong các lĩnh vực như thương mại điện tử, công nghệ tài chính (fintech), trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây... đã mở ra tiềm năng khai thác các thị trường toàn cầu mà không gặp nhiều rào cản về địa lý đáng kể. Đây chính là cơ hội cho các doanh nhân Việt Nam có tầm nhìn về cách tân công nghệ, xác lập “phương thức sản xuất số”, đi tắt, đón đầu xu hướng của thế giới, tạo vị thế và tầm ảnh hưởng mạnh trong một số ngành công nghiệp then chốt, tạo giá trị gia tăng cao, đưa nền kinh tế quốc gia thăng tiến lên những nấc thang cao hơn của chuỗi giá trị.

Đối với VinBigdata, ông Đào Đức Minh cho hay, VinBigdata cũng phát triển hệ sinh thái sản phẩm tích hợp AI, ứng dụng vào nhiều lĩnh vực khác nhau (trợ lý ảo trên ô-tô điện; GenAI chatbot, callbot cho các tổ chức ngân hàng, bảo hiểm; AI camera giám sát cho các khu đô thị thông minh…). VinBigdata cũng chú trọng phối hợp với cơ quan doanh nghiệp khác để đưa sản phẩm hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp, nhanh chóng có nhiều đơn hàng hợp tác với các cơ quan và doanh nghiệp trong các dự án chuyển đổi số, cung cấp các giải pháp AI giúp tối ưu hóa quản lý và vận hành trong nhiều lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ. 

Đặc biệt hơn, đơn vị này cũng cung cấp giải pháp số để tạo nên sự thay đổi phương thức sản xuất của nhiều đối tác. Đến nay, từ nguồn dữ liệu lớn đang sở hữu, VinBigdata đã phát triển nhiều giải pháp trong tối ưu vận hành nâng cao trải nghiệm đa lĩnh vực, từ các cơ quan thuộc Chính phủ cho tới doanh nghiệp ngành BFSI, công nghiệp ô-tô, bất động sản, bán lẻ, du lịch khách sạn, chăm sóc sức khỏe…

Ông Đào Đức Minh, Tổng Giám đốc VinBigdata.

Ông Đào Đức Minh, Tổng Giám đốc VinBigdata.

Một trong những sản phẩm nổi bật góp phần vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia chính là ứng dụng ViGPT đã được triển khai tại Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư) với tên gọi Trợ lý ảo ứng dụng công nghệ Gen AI (Gen AI Bot), để hỗ trợ người dùng trên Cổng Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Đây là bước đột phá mới trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào công tác quản lý và hỗ trợ đăng ký doanh nghiệp, đánh dấu sự tiên phong của Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh trong việc tích hợp Gen AI vào hệ thống đăng ký kinh doanh quốc gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

“Gen AI Bot có khả năng hiểu ngữ cảnh từ các truy vấn của người dùng, giúp đưa ra câu trả lời chính xác với trích dẫn đầy đủ từ kho dữ liệu lên tới hàng nghìn trang tài liệu chuyên môn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Người dùng sẽ được giải đáp mọi thắc mắc liên quan đến thông tin đăng ký kinh doanh, hướng dẫn chi tiết về hồ sơ, thủ tục đăng ký doanh nghiệp, hộ kinh doanh... cũng như cung cấp thông tin các văn bản pháp luật và cách xử lý các vấn đề thường gặp trên cổng”, ông Minh chia sẻ.

Với hệ thống ngân hàng, VinBigdata đã hợp tác với Ngân hàng ACB với việc phát triển trợ lý ảo AI BOT thế hệ mới, tích hợp vào hệ thống chăm sóc khách hàng của ngân hàng từ tháng 10/2022, nhằm mang đến trải nghiệm vượt trội hơn nữa trên không gian số. 

VinBigdata xác định “Công nghệ Việt – Vì tương lai Việt” chính là sứ mệnh xuyên suốt quá trình hình thành và phát triển. Mục tiêu mũi nhọn của VinBigdata là dùng công nghệ thuần Việt, được phát triển từ dữ liệu của người Việt, do người Việt hoàn toàn làm chủ từ tầng lõi sâu nhất, ứng dụng vào thực tế để nâng tầm cuộc sống của người Việt, đặt nền móng vững chắc cho công nghệ Việt vươn ra toàn cầu, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế.

Doanh nghiệp phải biến dữ liệu thành “dầu mỏ” trong kỷ nguyên số

Xác định dữ liệu trở thành một tài nguyên, trở thành tư liệu sản xuất quan trọng trong cuộc cách mạng chuyển đổi số, từ 6 năm trước, khi bắt đầu hành trình thu thập dữ liệu người Việt, ông Đào Đức Minh tiết lộ: VinBigdata xác định xây dựng dữ liệu là nền tảng xuyên suốt vì dữ liệu đóng vai trò quan trọng tạo ra sự khác biệt lớn, giá trị lớn. Làm chủ công nghệ bằng chính dữ liệu người Việt sẽ giúp chúng ta không phụ thuộc công nghệ nước ngoài, có tùy biến, ứng dụng vào bài toán cụ thể hơn.

VinBigdata đã thu thập dữ liệu, làm sạch, xử lý dán nhãn nguồn dữ liệu, tạo ra những nguồn dữ liệu lớn, đa dạng, tin cậy để sử dụng cho huấn luyện mô hình AI chất lượng cao. Những dữ liệu được thu thập đều mang tính đặc trưng của người Việt về ngôn ngữ, tiếng nói, văn bản, hình ảnh hoặc nguồn dữ liệu cụ thể như y tế 

“Đây là tài sản quý của VinBigdata để phát triển công nghệ AI. Đến nay, chúng tôi có nền tảng dữ liệu lớn, với hệ cơ sở dữ liệu khổng lồ lên tới 3.500 TB thuộc hơn 100 lĩnh vực kiến thức, hơn 30 nghìn giờ dữ liệu giọng nói chất lượng cao, hàng triệu dữ liệu hình ảnh khuôn mặt người, phương tiện, autopilot, hơn 2 triệu dữ liệu ảnh y tế,…”, ông Minh bày tỏ. 

Với hướng đi mục tiêu đó, VinBigdata đã làm chủ hoàn toàn công nghệ lõi thuần Việt, từ công nghệ xử lý ngôn ngữ và tiếng nói, công nghệ thị giác máy tính, cho tới công nghệ mới nhất hiện nay là mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt và AI tạo sinh. Dựa trên cơ sở dữ liệu mang tính đặc thù của người Việt, việc nghiên cứu và phát triển công nghệ lõi thay vì sử dụng công nghệ của nước ngoài giúp bảo đảm bảo mật và an toàn dữ liệu, tăng cường khả năng tùy chỉnh cho từng lĩnh vực, phù hợp với nhu cầu sử dụng của các tổ chức, doanh nghiệp khác nhau. Đến nay, các sản phẩm của VinBigdata được đánh giá chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế (FDA, NIST, iBeta), được công nhận bằng nhiều giải thưởng (Sao Khuê 2023-2024, Top 10 Doanh nghiệp cung cấp nền tảng chuyển đổi số, Top 10 Doanh nghiệp A-IoT, Tech Awards,…).

“Chúng tôi có rất nhiều giải pháp được xây dựng từ kho dữ liệu số. Một trong những giải pháp “thuần Việt" mà chúng tôi rất tự hào là trợ lý ảo ViVi dành cho người Việt, đang được tích hợp trên các dòng ô tô điện của VinFast. Bên cạnh đó, ViVi cũng có thể được ứng dụng trong nhà thông minh tương tự các giải pháp trên thế giới như trợ lý ảo của Google, với những tính năng ưu việt hơn dựa trên dữ liệu của người Việt, đặc biệt là khả năng nhận diện giọng nói đặc trưng của các vùng miền khác nhau”, ông Minh bày tỏ. 

Dữ liệu là dầu khí của nền kinh tế xã hội. Việt Nam số có nguồn vốn quý nhất là dữ liệu sạch. CEO Nvidia nói: dân tộc có trên một triệu người thì sở hữu dữ liệu phong phú, có thể cạnh tranh với rất nhiều dân tộc trên thế giới. Kho dữ liệu của chúng ta có thể đứng thứ 13, 14 trên thế giới. Điều này tạo ra khả năng để Việt Nam đứng rất cao trong cuộc cách mạng chuyển đổi số trên quy mô thế giới và bây giờ chúng ta phải chiếm lấy chỗ đứng đó.
------------------
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị FPT

Các chuyên gia công nghệ thông tin nhận định, rõ ràng, trong kỷ nguyên số, dữ liệu là nền tảng của sản xuất số, giúp tối ưu hóa các quy trình hiện có, đồng thời mở ra cơ hội cho các sản phẩm và dịch vụ hoàn toàn mới, như các hệ thống AI tự động đưa ra dự đoán hoặc các giải pháp cá nhân hóa trong kinh doanh. Các doanh nghiệp có khả năng thu thập, phân tích và sử dụng dữ liệu hiệu quả sẽ có lợi thế cạnh tranh lớn hơn (điển hình như Amazon, Google, Facebook).

Dữ liệu là "dầu khí" của nền kinh tế xã hội.

Ông Trương Gia Bình – Chủ tịch Hội đồng Quản trị FPT

Theo phân tích của ông Trương Gia Bình, trong 3 yếu tố của phương thức sản xuất, dữ liệu là tư liệu sản xuất quan trọng nhất. Trong nền kinh tế số, dữ liệu có thể tự nhiên sinh ra, có thể tự nhiên mất đi và có thể hiện diện ở khắp mọi nơi. Cho nên, con người trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, sẽ đối diện với rất nhiều các vấn đề mới, hoàn toàn mới như là ai là người sở hữu dữ liệu, ai quản lý dữ liệu, sử dụng và vận hành dữ liệu ra sao, phân phối dữ liệu như thế nào. Nhiệm vụ đặt ra với một đất nước trong cuộc cách mạng chuyển đổi số là phải biến dữ liệu trở thành dầu mỏ và tạo ra của cải vật chất cho xã hội.

“Dữ liệu là dầu khí của nền kinh tế xã hội. Việt Nam số có nguồn vốn quý nhất là dữ liệu sạch. CEO Nvidia nói: dân tộc có trên một triệu người thì sở hữu dữ liệu phong phú, có thể cạnh tranh với rất nhiều dân tộc trên thế giới. Kho dữ liệu của chúng ta có thể đứng thứ 13, 14 trên thế giới. Điều này tạo ra khả năng để Việt Nam đứng rất cao trong cuộc cách mạng chuyển đổi số trên quy mô thế giới và bây giờ chúng ta phải chiếm lấy chỗ đứng đó”, ông Bình bày tỏ.

Lực lượng sản xuất phải làm chủ trí tuệ nhân tạo (AI)

Phân tích nhận định của Tổng Bí thư Tô Lâm, Tiến sĩ Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Khoa học Công nghệ cho hay, lực lượng sản xuất hiện nay không chỉ đơn thuần là con người mà là đội ngũ lao động có trình độ công nghệ, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin, góp phần làm thay đổi toàn bộ cấu trúc sức sản xuất trong lực lượng sản xuất mới. Đặc biệt, hiện nay trí tuệ nhân tạo (AI) đang dẫn đầu trong quá trình chuyển đổi số và ngày càng gia tăng qua từng năm. Việc tích hợp AI sẽ giúp phân tích dữ liệu quy mô lớn, tối ưu hóa hoạt động, dự đoán nhu cầu và đưa ra quyết định kinh doanh chính xác. Thêm vào đó, các doanh nghiệp có thể tận dụng các thuật toán AI trong bảo trì thiết bị tự động và quản lý chuỗi cung ứng.

Chia sẻ về thực tế ứng dụng AI vào quá trình tạo ra những sản phẩm mang tính giải pháp cung ứng cho nhiều đối tác, ông Đào Đức Minh bày tỏ rõ ràng, việc ứng dụng AI giúp nâng cao hiệu suất công việc. Đặc biệt, sự hỗ trợ của AI giúp mở ra cơ hội để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới đột phá hơn, mang tính cá nhân hoá, hiểu và đáp ứng nhu cầu của khách hàng tốt hơn. AI không chỉ đóng vai trò là một công cụ hỗ trợ, mà còn trở thành một thành phần cốt lõi trong quá trình sản xuất và ra quyết định.

Với đặc trưng của lực lượng sản xuất trong cách mạng chuyển đổi số là sự kết hợp hài hòa giữa con người và trí tuệ nhân tạo, ông Minh cho hay, AI không thể hoàn toàn thay thế con người mà sự kết hợp hài hòa giữa con người và AI là yếu tố quyết định. Con người cần làm chủ AI, hướng dẫn và quản lý nó trong việc đưa ra các quyết định quan trọng, sáng tạo và có tính chiến lược.

Ông Đào Đức Minh, Tổng Giám đốc VinBigdata.

Ông Đào Đức Minh, Tổng Giám đốc VinBigdata.

Để bảo đảm AI không thay thế con người mà là công cụ phục vụ đắc lực, VinBigdata có chiến lược ứng dụng AI một cách nhất quán và linh hoạt. Theo đó, họ tích hợp AI vào quy trình làm việc một cách hợp lý: Sử dụng AI cho các công việc lặp đi lặp lại, không đòi hỏi nhiều tính sáng tạo và linh hoạt (chatbot nội bộ hỗ trợ giải đáp thông tin cho nhân viên, hệ thống chấm công và kiểm soát ra vào bằng khuôn mặt,…).

“Là đối tác chiến lược với hàng loạt đơn vị uy tín trên thế giới như: Amazon Web Services, Microsoft, Google Cloud, NVIDIA, IBM, Advantech… chúng tôi cũng quy tụ các nhà nghiên cứu, chuyên gia công nghệ tầm cỡ thế giới, đồng thời liên tục đầu tư nâng cao kỹ năng cho đội ngũ chuyên gia AI thông qua các workshop, hội thảo hoặc tài trợ kinh phí học, từ đó đẩy mạnh khả năng sáng tạo và ứng dụng công nghệ AI mới”, ông Minh nói.

VinBigdata ưu tiên tập trung vào các lĩnh vực có thế mạnh thay vì dàn trải nguồn lực, tận dụng và khai thác nguồn dữ liệu đã có sẵn thuộc các lĩnh vực này: Xử lý ngôn ngữ và tiếng nói, Thị giác máy tính, Y tế thông minh. Song song với đó, VinBigdata cũng đầu tư hàng chục cụm máy chủ NVIDIA DGX A100, NVIDIA DGX H100 để huấn luyện AI, cùng với các nền tảng đám mây và công cụ phân tích dữ liệu tiên tiến.

Khi AI trở thành một thành tố của lực lượng sản xuất mới, con người phải giải quyết nhiều bài toán về bảo mật và an toàn dữ liệu.

Tuy nhiên, khi AI trở thành một thành tố của lực lượng sản xuất mới, đòi hỏi con người phải giải quyết nhiều bài toán về bảo mật và an toàn dữ liệu. Triển khai và tích hợp AI vào hệ thống đòi hỏi sự đầu tư ban đầu lớn vào cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và các công cụ phần mềm chuyên biệt. Do đó, khi muốn AI “kết hợp hài hòa giữa con người”, thì cần phải có nguồn nhân lực có chuyên môn, làm chủ AI và áp dụng AI vào thực tiễn mà điều này còn đang thiếu. Ứng dụng AI có thể khiến doanh nghiệp phải có những thay đổi nhất định trong mô hình kinh doanh, điều chỉnh quy trình làm việc và văn hoá doanh nghiệp để phù hợp với xu hướng mới. Đây cũng là thách thức đặt ra với nhiều doanh nghiệp trong việc chuyển đổi số.

Sự thay đổi của lực lượng sản xuất, tư liệu sản xuất cũng dẫn tới hình thức sở hữu các tư liệu này cũng thay đổi. Thay vì sở hữu vật lý, nhiều doanh nghiệp chuyển sang các hình thức thuê, mua dịch vụ dựa trên nền tảng đám mây hoặc các mô hình chia sẻ. Điều này mang lại sự linh hoạt, giảm chi phí đầu tư ban đầu cho doanh nghiệp và mở ra cơ hội tiếp cận công nghệ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Từ thực tiễn của cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam thời gian qua, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đặt ra vấn đề về việc cần thiết phải phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất để hình thành một phương thức sản xuất mới, đó là phương thức sản xuất số, điều mà trước đây chưa được đề cập đến một cách rõ ràng. Sự đổi mới này không chỉ là một yêu cầu mà còn là một bước tiến quan trọng để đưa nền khoa học công nghệ của chúng ta phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.

Ngày xuất bản: 31/10/2024 
Tổ chức sản xuất: Ngô Việt Anh
Nội dung: Thảo Lê - Thiên Lam
Ảnh: Thành Đạt
Clip: Trung Hiếu
Trình bày: Uyển Hương