Tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng số, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đang nhanh chóng trưởng thành, phát triển nhanh cả về chất và lượng, tiếp tục khẳng định vị thế và vai trò tại thị trường trong nước, từng bước thành công vươn ra nước ngoài. Đây chính là nền móng vững chắc cho sự phát triển của kinh tế số Việt Nam trong tương lai sắp tới.
***
Sau đại dịch Covid-19, nhu cầu chuyển đối số đang bùng nổ trên khắp toàn cầu, tạo ra thị trường rất lớn cho các sản phẩm và dịch vụ số. Đây là thời cơ cho các doanh nghiệp công nghệ số của Việt Nam mở rộng thị trường, mang tri thức và công nghệ của mình góp phần giải các bài toán chuyển đổi số ở các nước, cũng như đẩy nhanh tiến trình xây dựng thế giới số.
Đi trước đón đầu
KardiaChain là startup (doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo) thành lập năm 2008 bởi hai đồng sáng lập là Nguyễn Huy và Phạm Minh Trí, chuyên cung cấp giải pháp công nghệ thông qua nền tảng blockchain cho các doanh nghiệp trong nước. Công ty này thành lập Karidia Lab vào năm 2020 với đội ngũ kỹ sư người Việt, mục tiêu tập trung nghiên cứu và phát triển công nghệ blockchain.
Đến giữa năm 2021, vốn hóa của KardiaChain đã vượt ngưỡng 300 triệu USD, được Yahoo Finance bình chọn vào top những công ty công nghệ xu hướng năm 2021. Hiện tại, startup này đã trở thành blockchain hàng đầu tại Đông Nam Á với hơn 600 nghìn người sử dụng, ghi nhận gần 60 triệu hoạt động trên chuỗi.
Theo Giám đốc công nghệ Nguyễn Huy, KardiaChain nhanh chóng có được thành công là nhờ chọn đúng sản phẩm/dịch vụ từ công nghệ mới, tức là chọn vạch xuất phát ngang bằng với các công ty toàn cầu. Trong lịch sử 13 năm công nghệ blockchain được ra mắt với Bitcoin Network, KardiaChain cũng đã có 5 năm nghiên cứu và phát triển công nghệ này.
Ở vị thế là công ty công nghệ số tư nhân lớn nhất Việt Nam, FPT cũng đang gặt hái được nhiều “trái ngọt” từ việc đón đầu phát triển công nghệ mới. Chủ tịch FPT Trương Gia Bình chia sẻ: Thành lập năm 1988, FPT đã tăng trưởng nhanh trong giai đoạn đầu, thậm chí đạt 200%/năm nhưng sau đó chậm dần, doanh thu giảm và năng suất lao động không thay đổi.
Vì vậy 10 năm trước, chúng tôi quyết định phải đầu tư vào công nghệ mới như như cloud, big data, AI,… từ đó mở ra cơ hội với nhiều thị trường, nhiều tập đoàn lớn, đưa FPT bước vào giai đoạn phát triển mới. Ở thời điểm này, Tập đoàn đã có hơn 60 nghìn nhân viên tại 26 quốc gia thuộc 4 châu lục trên khắp thế giới. Năm 2022, FPT ghi nhận doanh số 1 tỷ USD từ thị trường quốc tế, trong đó riêng doanh thu từ chuyển đổi số chiếm gần một nửa.
Chủ tịch FPT Trương Gia Bình:
Năm 2000, FPT chính thức mở 2 văn phòng đại diện đầu tiên tại nước ngoài. Văn phòng thứ nhất được đặt tại Bangalore (Ấn Độ) - thủ phủ ngành phần mềm thế giới và văn phòng thứ 2 tại Thung lũng Silicon (Mỹ) - thủ phủ công nghệ thế giới. Nhưng trong suốt 2 năm đầu, FPT không ký được hợp đồng nào dù đã thuê cả người Mỹ làm giám đốc bán hàng. Ngày ấy, Tập đoàn FPT chỉ có 34 kỹ sư phần mềm, cả Việt Nam cũng mới chỉ có 7.000 kỹ sư phần mềm.
Rất nhiều người đã định buông bỏ, nhưng chúng tôi vẫn cố gắng động viên nhau. TIỀN sắp CẠN nhưng NIỀM TIN vẫn CÒN. Đó là niềm tin người Ấn độ làm được thì người Việt Nam cũng sẽ làm được.
Chúng tôi đến gặp huyền thoại xuất khẩu phần mềm của thế giới, ông Narayana Murthy, người sáng lập Infosys. Ông Murthy đã động viên chúng tôi rằng Việt Nam có thể trở thành trung tâm sản xuất phần mềm của thế giới. Nhờ những lời động viên đó mà chúng tôi giữ vững ý chí để tiếp tục hành trình toàn cầu hóa.
Và tôi quyết định sẽ phải bán hàng bằng cách khác. Cứ mỗi tháng, tôi dành khoảng nửa thời gian ở nước ngoài để đến gặp vài chục công ty, chào bán các sản phẩm phần mềm của FPT nhưng kết quả ban đầu vẫn chưa khả quan.
Tiếp tục tìm cách khác, tôi đến gặp lãnh đạo IBM và gợi ý nếu Tập đoàn này mua 1 USD phần mềm của FPT thì chúng tôi sẽ mua 1.000 USD phần cứng của IBM. Thế là chúng tôi có được bản hợp đồng đầu tiên, tuy giá trị nhỏ nhưng là nguồn động viên rất lớn đối với anh em trong tập đoàn. Quan trọng hơn, bán hàng cho IBM giúp thương hiệu FPT được kiểm chứng cũng như nhiều người biết đến.
Sau đó chúng tôi tìm cách tấn công thị trường Nhật Bản. Khi đến đây, các bạn Nhật Bản nói với tôi rằng họ sẽ đi học tiếng Anh để làm phần mềm với FPT. Tôi hiểu đây là một lời từ chối khéo và trả lời rằng chúng tôi sẽ đi học tiếng Nhật để làm việc cùng các bạn. Tập đoàn đã xin Chính phủ cho thành lập đại học FPT - đại học đầu tiên dạy các kỹ sư phần mềm nói tiếng Nhật. Và việc học tiếng Nhật đã mở “cánh cửa” cho FPT tiến vào thị trường Nhật Bản.
Thời gian tiếp đó, dù có việc nhưng năng suất lao động của FPT vẫn chậm cải thiện và chỉ có những đơn hàng mà người khác không muốn làm. Do đó, 10 năm trước, chúng tôi quyết định phải đột phá, “ĐI TRƯỚC, ĐÓN ĐẦU”, chuyển sang nghiên cứu các công nghệ mới nhất như Cloud, Big Data, AI,… từ đó mở ra hàng loạt cơ hội với nhiều thị trường, nhiều tập đoàn lớn.
FPT cũng bắt đầu làm con chip ô-tô cho các hãng lớn nhất thế giới và giờ đây hàng trăm nghìn ô-tô đang chạy khắp toàn cầu giới đều có 1 lệnh phần mềm của FPT. Tương tự, FPT đi sâu hơn vào những sản phẩm có tính chất chuẩn mực toàn cầu. Bằng cách này, Tập đoàn đã thâm nhập vào cách ngành “khó” như tài chính ngân hàng, sản xuất thông minh,…
Cũng nhờ sớm tiếp cận với các công nghệ mới nên năng suất lao động của FPT ngày càng tăng: Bắt đầu từ trung bình 1.500 USD/người/năm, tăng lên 20.000-30.000 USD/người/năm và bây giờ là 45.000 USD/người/năm. So trung bình 52.000 USD/người/năm của Ấn độ đã dịch chuyển sát mức. Năm 2022, FPT vui mừng có được doanh số 1 tỷ USD từ thị trường nước ngoài.
Theo Quyết định số 411-QĐ/TTg, kinh tế số được phân chia làm 3 lĩnh vực chính, bao gồm: kinh tế số ICT (công nghiệp công nghệ thông tin-viễn thông); kinh tế số nền tảng là hoạt động kinh tế của các nền tảng số, các hệ thống trực tuyến kết nối giữa cung-cầu và các dịch vụ trực tuyến trên mạng; kinh tế số ngành là hoạt động kinh tế số trong các ngành lĩnh vực.
Trong đó, công nghiệp ICT được xác định là vòng lõi của kinh tế số, nơi làm “tổ” của khoảng 40.000 doanh nghiệp với FPT là “sếu đầu đàn”, cùng rất nhiều “cánh chim nhỏ” khác như KardiaChain dù ít tuổi đời nhưng đã sớm trưởng thành. Tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của nhóm doanh nghiệp này trong thời gian gần đây đã giúp ngành công nghiệp ICT ngày càng khẳng định vai trò chủ lực trong nền kinh tế, góp phần nâng cao năng lực toàn diện về chuyển đổi số, thúc đẩy hình thành quốc gia số.
Mặt khác, kinh tế số nền tảng với lĩnh vực chủ chốt là thương mại điện tử cũng đang có những bước phát triển nhanh, tốc độ tăng trưởng bình quân 20%/năm. Việt Nam được eMarketer xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới. Năm 2022, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam ước đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% tổng doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng.
Ngoài ra, còn hàng loạt những dịch vụ số cũng đang phát triển “nóng” như dịch vụ vận tải và giao đồ ăn ứng dụng công nghệ số, sản xuất nội dung số cho thấy rõ tiềm lực của nền kinh tế số của Việt Nam. Financial Times vào cuối năm 2022 đánh giá Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế số nhanh thứ 2 toàn cầu (12,3%), thậm chí dự báo sẽ dẫn đầu thế giới giai đoạn 2022-2026.
FPT university hà nội, nơi đào tạo nguồn nhân lực đào tạo nguồn nhân lực kỷ nguyên số 1
FPT university hà nội, nơi đào tạo nguồn nhân lực đào tạo nguồn nhân lực kỷ nguyên số 1
Khách tham quan những thành tựu tại triển lãm chuyển đổi số ngành ngân hàng 1
Khách tham quan những thành tựu tại triển lãm chuyển đổi số ngành ngân hàng 1
Khách tham quan những thành tựu tại triển lãm chuyển đổi số ngành ngân hàng.
Khách tham quan những thành tựu tại triển lãm chuyển đổi số ngành ngân hàng.
Bước ra sân chơi toàn cầu
Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông) Trần Minh Tuấn nhìn nhận kinh tế số như động lực tăng trưởng chính cho Việt Nam trong giai đoạn tới đây. Nước ta đã có thời gian dài phát triển dựa trên nền tảng vốn đầu tư và gia công, lắp ráp; quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng chậm, chưa đáp ứng yêu cầu đã khiến tốc độ phát triển kinh tế bắt đầu có dấu hiệu giảm sút trong giai đoạn 2018-2020.
Sau khi phân tích dư địa cho đột phá, Nghị quyết Đại hội XIII đã đặt ra mục tiêu lớn đến năm 2030 là thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Trong các Văn kiện của Đại hội XIII, cụm từ “chuyển đổi số” được lặp đi lặp lại 21 lần, cụm từ “KINH TẾ SỐ” lặp lại 6-7 lần, chứng tỏ nhận thức của Đảng về lĩnh vực này rất mới, kỳ vọng sẽ thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình và nâng cao chất lượng tăng trưởng, từ đó không chỉ duy trì tốc độ tăng trưởng cao như giai đoạn trước mà còn tạo đột phá mạnh mẽ hơn để đưa Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030.
Cũng theo ông Tuấn, dù kinh tế số của Việt Nam đang rất tiềm năng, nhưng vẫn đề nào cũng có hai mặt và nếu không kiểm soát tốt thì sự phát triển quá “nóng” cũng dễ gây ra hệ luỵ. Thí dụ, kinh tế số vốn được coi là nền tảng cho sự phát triển của tăng trưởng xanh vì giúp nâng cao năng suất, tiết giảm nguyên phụ liệu và năng lượng đầu vào cho các hoạt động sản xuất.
Nhưng thời gian gần đây đã xuất hiện tranh cãi về việc kinh tế số cũng gia tăng xả thải ra môi trường. Đó là rác thải cứng cùng nhu cầu tiêu thụ năng lượng khổng lồ của các trung tâm dữ liệu; hoạt động thương mại điện tử sử dụng lượng lớn bao bì nilon;…
Một vấn đề khác cần quan tâm là quy mô thị trường số của Việt Nam còn nhỏ, gây ảnh hưởng đến sự phát triển của các ngành kinh tế số. Đơn cử, tổng dung lượng thị trường phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin của Việt Nam năm 2022 là khoảng gần 2 tỷ USD.
Nếu chia trung bình con số này cho 40 nghìn doanh nghiệp công nghệ số hiện có thì mỗi doanh nghiệp chỉ có thể thu về khoảng 50 nghìn USD/năm (tương đương 1,2 tỷ đồng), thấp hơn cả doanh thu của nhiều quán cà phê. Tương tự, nếu mức lương trung bình hiện nay cho mỗi nhân lực IT là khoảng 180 triệu đồng/năm thì thị trường Việt Nam cũng chỉ đủ “nuôi sống” khoảng 250 nghìn người, chưa được một nửa so thực tế là 550 nghìn.
Trong khi đó, theo Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Thiện Nghĩa, thị trường thế giới với còn rất rộng lớn với ước tính khoảng 1.800 tỷ USD. Trong đó, có gần 530 tỷ USD là “khoảng sân” của các tập đoàn công nghệ đa quốc gia; 220 tỷ USD khác là “miếng bánh” cạnh tranh giữa các doanh nghiệp công nghệ lớn; hơn 1.000 tỷ USD còn lại là sân chơi đủ để doanh nghiệp Việt thoả sức vẫy vùng.
Không những vậy, lợi thế lớn nhất mà doanh nghiệp Việt có được khi đi ra toàn cầu là nguồn nhân lực giá rẻ nhưng chất lượng cao. Xét trên mặt bằng chung của thế giới, lương kỹ sư IT Việt Nam chỉ bằng 1/10 ở các nước phát triển, nhưng chất lượng sản phẩm làm ra lại được đánh giá rất tốt. Hiện Việt Nam đang xếp thứ sáu trong các quốc gia về nhân lực BPO/ITO (phát triển phần mềm quản trị web, nghiệp vụ doanh nghiệp,…); thứ hai ở châu Á Thái Bình Dương và 22 toàn thế giới về Chỉ số kỹ năng Toàn cầu (GSI) năm 2020.
Chúng ta hoàn toàn có đủ năng lực cạnh tranh sòng phẳng khi đi ra bể lớn. Thực tế cũng cho thấy, nhiều doanh nghiệp như FPT, Viettel,… đã rất thành công khi “đem chuông đi đánh xứ người”. Doanh thu mang về từ xuất khẩu phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin của 1.000 doanh nghiệp ICT (với 80 nghìn kỹ sư) năm 2022 đã đạt 2,8 tỷ USD, gấp gần 1,5 lần tổng dung lượng của thị trường trong nước.
Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông khẳng định, đã đến lúc các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam phải mạnh dạn tấn công ra thị trường bên ngoài, mang tri thức, công nghệ Việt Nam đi “mở cõi”.
Để mang lại hiệu quả, các doanh nghiệp cần “đi cùng nhau”, doanh nghiệp lớn dẫn dắt doanh nghiệp nhỏ hơn và doanh nghiệp đi trước dẫn dắt doanh nghiệp đi sau. Kinh nghiệm và chiến lược chinh phục thị trường thế giới của các doanh nghiệp tiên phong sẽ là những bài học quý giá, mở hướng cho các doanh nghiệp công nghệ số trong nước tự tin bước ra thị trường quốc tế”, Phó Cục trưởng cho hay.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, cùng với sự bùng nổ của cách mạng số trên toàn thế giới, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đang đứng trước cơ hội “trăm năm có một” để khai phá, mở ra không gian phát triển mới, tiến bước ra sân chơi toàn cầu. Nhưng đây cũng là trách nhiệm của các doanh nghiệp với việc đóng góp cho xây dựng tương lai số không chỉ ở trong nước mà trên toàn thế giới, đồng thời thúc đẩy thu hẹp khoảng cách giữa Việt Nam với các quốc gia phát triển. “Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam bước ra thế giới, sẵn sàng cọ xát, cạnh tranh với các đối thủ xuất sắc nhất để có thể trở nên xuất sắc hơn. Trong giai đoạn mới của lịch sử phát triển, các doanh nghiệp Việt sẽ dần lớn mạnh, trở thành các tập đoàn công nghệ toàn cầu, đồng thời là trụ cột vững chắc cho sự phát triển bền vững của đất nước trong giai đoạn tới”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Ngày xuất bản: 12/4/2023
Chỉ đạo thực hiện: Thu Hà
Thực hiện: Tô Hà, Việt Hải
Video: Đỗ Bảo, Minh Châu, Trần Sơn
Ảnh: Trần Hải
Trình bày: NHB