Hỗ trợ doanh nghiệp
vượt bão Covid-19:

"Món quà" ý nghĩa ngày Doanh nhân

Cơn bão Covid-19 quét qua nền kinh tế đã và đang khiến doanh nghiệp gặp vô vàn khó khăn. Số doanh nghiệp đang hoạt động giảm mạnh; số người thất nghiệp tăng cao. Nếu không có “liều thuốc” kịp thời cho doanh nghiệp, nền kinh tế cũng sẽ lâm nguy.

Gặp khó trăm bề

Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở nước ta, mạng đường bay quốc tế gần như “đóng băng” từ tháng 3/2020 khiến sản lượng khách quốc tế đi/đến Việt Nam 6 tháng đầu năm 2021 chỉ bằng 1,4% so với năm 2019.

Khách nội địa cũng giảm nghiêm trọng, đặc biệt trong những giai đoạn dịch bệnh bùng phát. Đường bay giữa Hà Nội và TP Hồ Chí Minh từng là một trong những đường bay đông đúc nhất thế giới với khoảng 30.000 khách/ngày thì chỉ còn khoảng 800-1.000 khách/ngày vào thời điểm 6 tháng đầu năm và gần như đóng băng trong khoảng 3 tháng gần đây do các yêu cầu phòng chống dịch bệnh.

Các chuyến bay giữa hai thành phố lớn nhất cả nước của Vietnam Airlines những tháng gần đây chủ yếu chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại cấp thiết, kết nối giao thương và duy trì hoạt động lãnh đạo, điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành cũng như hoạt động vận chuyển y, bác sĩ đi chống dịch tại các khu vực dịch bệnh tăng cao.

Sự sụt giảm này đã khiến các doanh nghiệp hàng không như Vietnam Airlines, từ vị trí là một trong những doanh nghiệp lớn nhất cả nước, đang gặp rất nhiều khó khăn.

Thực trạng của Vietnam Airlines cũng là thực trạng chung của nhiều doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) nhận định: “Có thể nói rằng, chưa bao giờ doanh nghiệp gặp khó khăn như hiện nay. Có đến hơn 90 nghìn doanh nghiệp rời khỏi thị trường trong 9 tháng qua. Các doanh nghiệp còn đang hoạt động cũng trong tình trạng kiệt quệ, rất khó khăn. Những khó khăn doanh nghiệp đang gặp phải đã gây ra nhiều hệ lụy. Tính riêng về mặt lao động, số người trong độ tuổi lao động giảm đến 2,4 triệu người, tức là 2,4 triệu người phải cố gắng tìm việc làm mới hoặc tham gia vào “đội quân” thất nghiệp”.

Các doanh nghiệp hàng không gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Các doanh nghiệp hàng không gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Kết quả khảo sát do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) thực hiện tháng 8 vừa qua với 21.500 doanh nghiệp, hộ kinh doanh cũng cho thấy, có tới 86,4% cho biết đang tạm ngừng hoạt động do dịch Covid-19 và tự đánh giá rằng chỉ có thể cầm cự được từ 1-3 tháng nữa vì đã cạn kiệt dòng tiền.

Khó khăn của doanh nghiệp là một trong những nguyên nhân khiến 9 tháng đầu năm, tăng trưởng GDP cả nước đạt được rất thấp (1,42% so với cùng kỳ). Riêng quý 3, cả nước đã tăng trưởng âm 6,17%. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử GDP theo quý âm. Nếu tình hình không được cải thiện trong những tháng tới, thì tăng trưởng GDP sẽ còn sụt giảm nhiều hơn.

Với những diễn biến như vậy, Việt Nam từ vị trí nền kinh tế “ngôi sao” trong suốt năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021 đã trở thành một quốc gia mà cả kết quả phòng chống dịch và phát triển kinh tế đều ở mức dưới trung bình.

Nguy cơ lớn nhất của chúng ta hiện nay là sức chống chịu của người dân, doanh nghiệp và cả hệ thống đã gần tới ngưỡng và Việt Nam đang có nguy cơ lỡ nhịp trong nền kinh tế toàn cầu. Bởi vì các nền kinh tế khu vực và trên thế giới, trong đó có những đối tác chiến lược của chúng ta, các nền kinh tế hàng đầu và các đối thủ cạnh tranh của chúng ta đều đang trong quá trình hồi phục khá mạnh mẽ. Như vậy, quá trình tái cấu trúc lại kinh tế sau khủng hoảng không có chúng ta
- ÔNG VŨ TIẾN LỘC
Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)

TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, nhận định, trong làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4, kinh tế Việt Nam khá ngược chiều với kinh tế thế giới khi các chỉ số sản xuất công nghiệp, bán lẻ, xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng nặng, khác với kịch bản đã đặt ra.

Về chính sách hỗ trợ của Nhà nước, Việt Nam có nhiều cách hỗ trợ tương đồng với thế giới, như diện hỗ trợ rộng, cách thức hỗ trợ đa dạng: tài khóa có, chính sách tiền tệ có; bên cạnh đó là các nỗ lực thúc đẩy đầu tư công, cải thiện chính quyền điện tử… Nhưng đánh giá chung, quy mô hỗ trợ còn khá khiêm tốn so với mức trung bình của thế giới. Quy mô hỗ trợ chính sách tài khóa còn nhỏ.

“Các hỗ trợ của Việt Nam vẫn cơ bản dựa nhiều vào chính sách tiền tệ, dù chính sách tiền tệ chỉ ở mức trung bình của thế giới. Không những vậy, hiệu lực thực thi còn khá xa so với ta kỳ vọng. Đơn cử, gói chính sách giãn, hoãn thuế năm ngoái trị giá 180 nghìn tỷ đồng nhưng hết năm mới giải ngân được khoảng 90 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ hỗ trợ an sinh xã hội thấp, số doanh nghiệp tiếp cận được các chính sách hỗ trợ thấp…”, TS Võ Trí Thành đánh giá.

Theo TS Huỳnh Thanh Điền, Đại học Nguyễn Tất Thành, khi doanh nghiệp không làm ăn được, người lao động mất việc làm ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách trong bối cảnh áp lực chi phí chống dịch đang đè nặng lên ngân sách.

Không những thế, doanh nghiệp gặp khó khăn về sản xuất, ảnh hưởng dòng tiền, vốn, thì rủi ro đối với hệ thống tài chính ngân hàng là không thể tránh khỏi.

Nếu doanh nghiệp ngưng hoạt động hoặc làm ăn thua lỗ kéo dài, khó lòng trả được các khoản vay đến hạn. Rủi ro nợ xấu trong hệ thống ngân hàng sẽ tăng, không chỉ đối với các khoản cho vay doanh nghiệp, mà còn đối với các khoản cho vay cá nhân. Bởi nhiều người lao động mất việc làm hoặc bị giảm lương nên cũng gặp khó khăn trong thanh toán các khoản nợ vay như cam kết.

Đáng chú ý là các tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía nam là nơi tập trung nhiều doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài, phần lớn trong số họ là sản xuất xuất khẩu. Việc giãn cách xã hội nghiêm ngặt, kéo dài, đã gây khó khăn cho việc sản xuất các đơn hàng xuất khẩu. Đối tác đặt hàng có xu hướng chuyển đơn hàng ra khỏi Việt Nam để đặt hàng tại các quốc gia đã thực hiện sống chung với dịch.

Tình hình đăng ký doanh nghiệp 9 tháng đầu năm 2021. Dữ liệu Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/9.

Tình hình đăng ký doanh nghiệp 9 tháng đầu năm 2021. Dữ liệu Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/9.

Cần đa dạng giải pháp
hỗ trợ doanh nghiệp

Về giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thời gian tới, ông Vũ Tiến Lộc nêu quan điểm: “Tôi luôn luôn quan niệm rằng gói hỗ trợ và kích thích kinh tế lớn nhất là mở cửa thị trường”.

Đơn cử, việc TP Hồ Chí Minh có một khuôn khổ riêng, một kế hoạch riêng và cẩm nang hướng dẫn riêng là đúng, bởi nếu chờ đợi và đáp ứng những tiêu chí ngặt nghèo của ngành y tế, thì phải vài tháng nữa, TP Hồ Chí Minh mới có thể mở cửa trở lại. Việc mở cửa của TP Hồ Chí Minh là một vấn đề có ảnh hưởng, có tính chất quyết định tới số phận của nền kinh tế đất nước.

Hà Nội cũng đã có những biện pháp phòng chống dịch rất tốt và bây giờ đã đẩy mạnh việc mở cửa.

Nếu cả hai đầu tầu kinh tế lớn nhất cả nước cùng với các tỉnh thành phố khác đồng loạt mở cửa trên cơ sở bảo đảm điều kiện kinh doanh an toàn, chấp nhận rủi ro nhưng có kiểm soát, thì đó sẽ là cách đi đúng.

Không thể nào cầu toàn và chậm trễ được nữa. Mở cửa thị trường sớm là mệnh lệnh của cuộc sống!
- ÔNG VŨ TIẾN LỘC
Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)

Ngoài việc mở cửa thị trường, cần cải cách thể chế, tiếp tục cải cách mạnh mẽ các thủ tục hành chính liên quan đến người dân và doanh nghiệp.

Trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn, trong bối cảnh nước sôi lửa bỏng của công cuộc quốc kế dân sinh như thế này, thì đây là thời điểm thích hợp nhất để tạo được sự đồng thuận cho việc thúc đẩy cải cách thể chế. Phải hết sức tạo thời cơ thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp vì đây là sức sống của nền kinh tế, là sinh kế của người dân.

“Bên cạnh đó, phải tổ chức thật tốt các gói hỗ trợ về tiền tệ, an sinh mà chúng ta đã ban hành. Hiện hỗ trợ này chỉ mới thực hiện trên dưới 50%, như vậy chúng ta vẫn còn dư địa 50% nữa. Nếu đẩy mạnh và các đối tượng được thụ hưởng, thì sẽ thực sự là động lực để giúp doanh nghiệp hồi sức”, TS Võ Trí Thành nêu rõ.

Cần bổ sung thêm các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Cần bổ sung thêm các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, cũng cần bổ sung thêm các chính sách hỗ trợ khác, như tăng cường các chính sách về tài khóa cộng hưởng với những biện pháp về tiền tệ để có thể giúp cho các doanh nghiệp giải quyết vấn đề lớn nhất hiện nay của họ, đó là tính thanh khoản. Bên cạnh đó, hỗ trợ nâng cao năng lực của các doanh nghiệp.

Ngoài ra, một chính sách quan trọng nằm trong phạm vi chính sách tài khóa là đầu tư công, hiện nay mới đạt được 47%. Đẩy mạnh đầu tư công là một giải pháp để đạt được như là một mũi tên trúng hai đích, vừa có được cơ sở hạ tầng cho nền kinh tế, vừa kích cầu, tạo tác động lan toả cho sự phát triển.

Cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho những ngành, lĩnh vực mang tính “dẫn dắt”.

Cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho những ngành, lĩnh vực mang tính “dẫn dắt”.

Cũng liên quan đến các chính sách hỗ trợ, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ Tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội (Hanoisme) cho rằng, các chính sách hỗ trợ phải quyết liệt, mạnh mẽ, liên tục, thông suốt, công khai, minh bạch, đúng đối tượng, kịp thời, dễ tiếp cận, quy mô hỗ trợ phải tương xứng với ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh. Điều kiện, tiêu chuẩn các gói hỗ trợ phải khả thi; các quy trình, thủ tục để hưởng hỗ trợ phải được đơn giản hóa tối đa.

Song song với đó, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp bảo đảm đúng mục tiêu, trúng đối tượng là những doanh nghiệp, hợp tác xã đang giảm hoặc không có lợi nhuận do tác động tiêu cực của dịch bệnh. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho những ngành, lĩnh vực mang tính “dẫn dắt”, có tác động lan tỏa, lâu dài, đang tạo nên dư địa tăng trưởng mới cho nền kinh tế, kịp thời đón đầu nhu cầu của thế giới đang dần mở cửa sau đại dịch thay vì dàn trải nguồn lực.

Chính sách riêng cho các doanh nghiệp đầu tàu

Bên cạnh các chính sách hỗ trợ để phục hồi cho các trung tâm kinh tế, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, cần chính sách để vực dậy những ngành kinh tế quan trọng, các doanh nghiệp lớn, đóng vai trò dẫn dắt, tạo tác động lan tỏa đang gặp khó khăn. Thời gian vừa qua, các biện pháp triển khai hỗ trợ cho các ngành này dường như còn chậm trễ, có nhiều vướng mắc.

“Có thể do quyết tâm của chúng ta chưa cao, các khuôn khổ pháp lý còn vướng mắc, nên việc hỗ trợ chưa được như kỳ vọng. Hy vọng trong thời gian tới, Quốc hội có thể giao cho Chính phủ trong phạm vi thẩm quyền của mình triển khai những biện pháp tương đối đặc biệt, đưa ra những biện pháp có thể chưa được quy định trong hệ thống pháp luật hiện hành. Cần bảo đảm khẩn trương để hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, cũng là hỗ trợ cho nền kinh tế.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 22/9/2021 biểu quyết thông qua phương án sử dụng nguồn cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2021. Ảnh: Duy Linh

Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 22/9/2021 biểu quyết thông qua phương án sử dụng nguồn cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2021. Ảnh: Duy Linh

Hơn lúc nào hết, sự đồng hành của Quốc hội đối với Chính phủ giữ vai trò vô cùng quan trọng bởi vì Quốc hội là người quyết định về thể chế, cơ chế điều hành hệ thống luật pháp. Nhiều vướng mắc hiện nay của chúng ta trong hoạt động thường ngày của doanh nghiệp, của chính quyền trong bối cảnh đại dịch đụng vào những quy định của pháp luật. Cho nên sự vào cuộc khẩn trương, thực sự đồng hành của Quốc hội với Chính phủ vô cùng quan trọng”, ông Vũ Tiến Lộc chỉ rõ.

Về chính sách tiền tệ, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng Các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội gần đây đã gợi ý ngân sách nhà nước có thể hỗ trợ lãi suất 2.000 tỷ đồng, tương đương quy mô dư nợ 60.000 - 65.000 tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp đang gặp khó khăn bởi dịch Covid-19. Sau khi bàn bạc với Bộ Tài chính, dự kiến gói này sẽ tăng lên khoảng 3.000 tỷ đồng, tức quy mô dư nợ khoảng 100.000 tỷ đồng. Ngành ngân hàng sẽ tiếp tục phối hợp các bộ, ban, ngành để xây dựng những kịch bản, chương trình nếu thực hiện gói hỗ trợ này. Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ báo cáo các cấp thẩm quyền được áp dụng cơ chế đặc biệt cho gói hỗ trợ lãi suất này.

Tới đây, khi xây dựng cơ chế chính sách chúng ta phải tính toán tới hai mục tiêu: Mục tiêu quan trọng nhất là ổn định vĩ mô. Mục tiêu thứ hai là kiểm soát lạm phát. Không bảo đảm được hai mục tiêu này thì các chính sách được đưa ra có thể sẽ không tích cực, thậm chí còn phản ứng ngược, gây tác hại lớn cho nền kinh tế
- ÔNG NGUYỄN TUẤN ANH
Vụ trưởng Vụ Tín dụng Các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước)

Doanh nghiệp vốn có vai trò quan trọng, không chỉ tạo ra của cải vật chất, mà còn đồng hành với đất nước trong mọi chính sách an sinh xã hội. Trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến doanh nghiệp thực sự gặp khó khăn như hiện nay, thiết nghĩ, món quà ý nghĩa nhất cho không chỉ ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10) năm nay, mà còn cho cả chặng đường phát triển phía trước của doanh nghiệp, chính là những chính sách hỗ trợ kịp thời, đúng lúc.

Tổ chức thực hiện: NGỌC THANH
Nội dung: XUÂN BÁCH, HÀ ANH
Trình bày: DIỆU THU, PHAN ANH
Ảnh: TRẦN HẢI, CTV