Những “rạn vỡ” văn hóa...
DỌC ĐƯỜNG ĐỨT GÃY SAGAING

Được mệnh danh là kinh đô Phật giáo của Myanmar, Mandalay từng nổi tiếng với hàng nghìn cơ sở tự viện cổ kính, thể hiện nét kiến trúc đặc trưng riêng có. Thế nhưng, sau trận động đất kinh hoàng hồi cuối tháng 3, những ngôi chùa dát vàng, những tu viện thâm u… tất cả đều đổ sập, vụn vỡ trong niềm luyến tiếc của cả nhân loại.
MẤT MÁT Ở... THÀNH PHỐ CỦA NHỮNG VIÊN NGỌC

Mandalay, trong tiếng Phạn có nghĩa là thành phố của những viên ngọc. Cuối thế kỷ 19, hoàng đế Mindon - vị vua sùng kính Phật pháp đã quyết tâm biến nơi đây thành kinh đô Phật giáo của Myanmar. Trong gần 30 năm tiếp theo, thành phố bên dòng Ayeyarwady vĩ đại đã xây dựng nên hàng ngàn ngôi chùa, tu viện mang tính biểu tượng.
Ông U Htun Htun, 59 tuổi, chỉ tay về chùa Maha Lawka tại Mandalay. Ngôi chùa đã bị sập một phần khi trận động đất kinh hoàng kéo đến.
Ông U Htun Htun, 59 tuổi, chỉ tay về chùa Maha Lawka tại Mandalay. Ngôi chùa đã bị sập một phần khi trận động đất kinh hoàng kéo đến.
Đã hơn 1 tuần nay, ông U Htun Htun, 59 tuổi, ngày nào cũng đứng thẫn thờ nhìn về phía chùa Maha Lawka đã bị sụp đổ phần hậu điện. Những vết nứt rộng cả gang tay chạy vằn vện trên cánh cổng chỉ còn lại một phần. Nhà hành lễ phía sâu bên trong nghiêng ngả, được chăng bằng dải dây màu vàng cảnh báo nguy hiểm. 4 bức tượng Phật lớn dát vàng giờ được phủ một lớp bụi trắng xóa, lấm lem.
Khối công trình kế cận thậm chí còn bị động đất kéo sập. Khoảng sân ngổn ngang gạch, đá, mảnh kính… cao tới quá đầu người. Một chiếc xe bị vò méo mó nằm chỏng chơ nhô lên.
Phần nhà lễ phía sau chùa Maha Lawka tại Mandalay đã bị động đất đánh sập.
Phần nhà lễ phía sau chùa Maha Lawka tại Mandalay đã bị động đất đánh sập.
Nhà của Htun nằm ngay con ngõ nhìn ra khung cảnh hoang tàn này. Trưa 28/3, khi mặt đất rung chuyển bởi sự xô lệch địa tầng, ông đang ở gần chùa và nhìn thấy “cánh cổng nghiêng ngả, các khối nhà hành lễ từ từ sụp xuống”. Ngọn tháp mạ vàng với chiều cao 30m ở trung tâm chùa “quay tròn như một sợi dây mảnh gặp gió” trước khi bị bẻ cong gập xuống.
Dẫn chúng tôi vào sâu trong phế tích, Htun liên tục thở dài. Dưới phần đổ nát, người dân đã đưa ra thi thể một bé trai. Cậu mất khi đang chơi đùa trong khoảng sân trồng đầy hoa padauk chuẩn bị nở.
Bảng chỉ dẫn bằng tiếng Anh đặt mé bên sân ghi rõ: Chùa Maha Lawka hay “cung điện của Đức Phật vĩ đại” được xây dựng từ thế kỷ thứ 13 theo phong cách tháp phù đồ chóp nhọn mạ vàng. Có hàng trăm pho tượng, kinh sách quý giá hiện đang được lưu giữ bên trong.
Bạn thấy đó, một phần lịch sử của chúng tôi đã ngã xuống. Đường vào phía sau dành cho cư dân giờ khóa kín, chỉ còn gạch đá”, Htun vừa chỉ tay cho chúng tôi xem 2 bức tranh mô tả cảnh vua Paganmin Srithudhama xây dựng chùa khi xưa, vừa nói. Bức tranh ố bụi, treo trên bức tường nứt toác nằm sâu bên trong nhà hành lễ đã sập một phần.
Người quản lý chùa đồng ý cho chúng tôi trèo qua đống đổ nát để vào sâu hơn bên trong. Một chuông đồng cỡ lớn đứng vững sau cơn tức giận của thiên nhiên, nhưng phía sau đó đã hoàn toàn là phế tích. Ngọn tháp vàng trung tâm khuôn viên ủ rũ, như một vị sư áo vàng gục đầu vào nền trời xám xịt một ngày cuối mùa khô. Vài bông hoa padauk nở sớm lác đác điểm trên mặt sân chùa đầy mảnh vỡ.
Nhưng Maha Lawka dẫu sao cũng chỉ “mất mát” một phần nhỏ. Cách đó không xa, tu viện Moe Kaung Kyoung – nơi theo học và tu tập của hàng trăm nhà sư địa phương thậm chí còn bị phá hủy hoàn toàn. Ngày chúng tôi đến, Ayaz, người bạn người địa phương đã đứng rất lâu nhìn vào chiếc máy múc cỡ lớn đang loay hoay san ủi, đẩy đổ 4 mảng tường nghiêng ngả để dọn đường cho việc tái thiết.
Tu viện Moe Kaung Kyoung tại Mandalay bị tàn phá nặng nề bởi trận động đất kinh hoàng.
Tu viện Moe Kaung Kyoung tại Mandalay bị tàn phá nặng nề bởi trận động đất kinh hoàng.
Gian chính điện, đặt trên tầng 3 lộ hẳn ra dưới mặt trời, khi toàn bộ bức tường chắn bị vò nát vụn. Ở đó, 3 tòa tháp tinh xảo bằng gỗ, phục vụ cho nghi thức tôn giáo vẫn còn vẹn nguyên. Ayaz gọi đó là điều kỳ diệu, rồi liên tục chắp tay, vái dài.
Nhưng Moe Kaung Kyoung thì vẫn điêu tàn như thế. Đoạn cầu thang sơn vàng, thiết kế theo hình tượng cánh sen đầy gạch vữa, dẫn lên tòa nhà chính nay đã mất dấu, chỉ trơ hàng cột nham nhở, nay còn lại một phần ba.






Chiếc xe tuktuk tiếp tục chạy dọc lòng cố đô, chạy qua chùa Muhamuni – biểu tượng của vùng đất Phật Mandalay nay đã xô lệch như những mảnh lego lắp sai hàng. Chùa Mahamuni do vua Bodawpaya thuộc triều đại Konbaung xây dựng vào năm 1785 để thờ phụng một bức tượng Phật được cho là tạc vào thời đức Phật còn tại thế.
Rồi, Ayaz ra hiệu cho chiếc xe đỗ lại trước Cố cung. Vài ngày trước, đây vẫn là điểm không thể bỏ qua khi tới Myanmar. Nhưng, hiện cung điện được xây dựng từ năm 1857, gắn với quá trình vua Mindon thành lập kinh đô hoàng gia Mandalay đã hoàn toàn đóng cửa. Đại địa chấn đã quật đổ ngọn tháp ở cánh cổng phía Đông, đồng thời làm sạt lở nhiều đoạn tường thành vốn kéo dài nhiều kilomet. Các lối dẫn vào Cung điện bị phong tỏa. Không được phép vào, nên cũng rất ít người biết thêm về những hư hại bên trong.
Tôi chợt chú ý đến hình ảnh được in lên trên hông chiếc xe Tuktuk mình thuê. Phía trên vẽ biểu tượng cố cung với tường thành, vầng mặt trời đỏ rực hạ xuống sát phần mái – nay đã bị đổ. Chung quanh, có vài cánh chim bay cùng biểu tượng Tôi yêu Mandalay… Tất cả giờ đã thành một quá vãng chưa xa…
Những rạn vỡ trên đường đứt gãy Sagaing

Khi trận động đất chiều 28/3 tấn công Myanmar, Thái Lan và một số quốc gia lân cận, các nhà nghiên cứu bắt đầu nhắc nhiều hơn về khái niệm Đứt gãy Sagaing. Đây là một đứt gãy lớn hình thành khi tiểu lục địa Ấn Độ va chạm với châu Á cách đây hàng chục triệu năm. Nó kéo dài tới 1.200km theo hướng bắc – nam qua miền trung Myanmar và luôn tiềm ấn mối đe dọa địa chất lớn. Hàng chục trận động đất có cường độ lớn trên 7 độ đã xuất hiện trong gần 600 năm qua trên đường đứt gãy này, theo số liệu của Mitearth, một tổ chức chuyên về khảo sát địa chất.
Cầu Ava, cây cầu huyết mạch bắc qua sông Ayeyarwady bị đổ sập, cũng nằm trên Đường đứt gãy Sagaing.
Cầu Ava, cây cầu huyết mạch bắc qua sông Ayeyarwady bị đổ sập, cũng nằm trên Đường đứt gãy Sagaing.
Người dẫn đường Ayaz không biết đến những thông tin này. Nhưng anh lại vô tình dẫn chúng tôi đi theo đúng đường đứt gãy chạy ngầm dưới lục địa khi hướng dẫn lái xe chạy về phía Sagaing. Đây cũng chính là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của thảm họa vừa qua.
Tại chùa Taung Mingyi, thuộc địa phận Oo Bin, cánh cửa dát vàng bên ngoài đã được khóa kín. Lối vào bị lấp một nửa bởi những mảnh vụn vỡ sau động đất. Một phần công trình bên trong bị kéo sập. Tòa tháp tròn màu trắng ở khoảng sân sau đã vỡ mất một nửa, để lộ ra lớp đất nâu khô khốc bên trong, tựa như vừa hứng chịu một mảnh đạn pháo cỡ lớn. Nhìn qua bức tường lỗ chỗ vết thời gian có thể thấy một bức tượng chim dát vàng bị giật đổ trên một cây cột trụ cao.
Tất cả trái ngược hoàn toàn với bức ảnh chụp chùa khi bình yên được lồng kính treo bên trong một phế tích điêu tàn. Ngay cả điểm bán vé cho khách tham quan gần đó cũng dừng hoạt động. Chung quanh chùa, chỉ còn những gia đình mất nhà, trải chiếu nằm la liệt dưới bóng những cây me già nghìn tuổi.
Bên phải là chùa Taung Mingyi trước động đất. Bên trái là cảnh chùa hiện nay. Một lỗ hổng lớn như vừa bị ném bom. Đó là dấu tích còn sót lại của ngôi chùa hàng trăm năm tuổi trên địa phận Oo Bin, Myanmar.
Bên phải là chùa Taung Mingyi trước động đất. Bên trái là cảnh chùa hiện nay. Một lỗ hổng lớn như vừa bị ném bom. Đó là dấu tích còn sót lại của ngôi chùa hàng trăm năm tuổi trên địa phận Oo Bin, Myanmar.
Tiến sâu hơn vào Sagaing – địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tâm chấn, cũng là ngọn nguồn của đường đứt gãy có cùng tên, những rạn vỡ càng hiển hiện rõ.
Trưa 28/3, vị sư trụ già làng Sagaing đang tụng kinh trong gian hành lễ ở chùa Jino. Cùng với ông là gần 300 vị sư trẻ khác. Rồi động đất ập đến, không hề báo trước. Chuỗi rung chấn kéo dài khoảng 5 phút hất các nhà sư nghiêng ngả. Tiếng đổ vỡ như bom rơi. Tiếng gãy gập của các khối nhà lắc rắc. Tiếng la thất thanh lẫn vào trong khói mịt mù.
Nhà hành lễ chùa Jino bị quật ngã. Gian phòng rộng hơn 100 mét vuông trực tiếp bị xé làm đôi, chôn vùi hàng chục người phía dưới. Vài tiếng sau, những nạn nhân may mắn được đưa ra ngoài. Nhưng 11 tăng, ni đã vĩnh viễn không trở về.
Nhóm công nhân đang cố gắng dọn dẹp lại phế tích của chùa Jino, làng Sagaing, Sagaing, Myanmar.
Nhóm công nhân đang cố gắng dọn dẹp lại phế tích của chùa Jino, làng Sagaing, Sagaing, Myanmar.
Sau ngày thảm họa ấy, sư trụ trì cùng một sư trẻ nhận nhiệm vụ thống kê các khoản quyên góp để sớm tái thiết lại chùa. Ông ngồi lặng im theo tư thế kiết già trên một chiếc ghế gỗ, vai lộ ra sau lớp áo nâu.
“Chùa đã mất đi 11 người. 250 người khác bị thương hiện đang được điều trị tại các bệnh viện tại Sagaing. Tất cả công trình cũng không thể ở do nguy cơ sập thứ cấp vẫn còn. Chúng tôi hiện trú tạm tại bãi đất trống đầu làng”, vị ni cô mặc tăng bào màu hồng nhạt bên cạnh chắp tay phiên dịch.
Một chú tiểu nhỏ tuổi của chùa Jino đứng dưới gốc cây già. Đây là điểm ở và tu tập tạm thời của chú khi chùa bị phá đổ.
Một chú tiểu nhỏ tuổi của chùa Jino đứng dưới gốc cây già. Đây là điểm ở và tu tập tạm thời của chú khi chùa bị phá đổ.
Số người chết do trận động đất ở Myanmar đã tăng lên 3.354 người, trong khi 4.850 người bị thương và 220 người mất tích, truyền thông nhà nước Myanmar đưa tin ngày 5/4.
Động đất xảy ra ngày 28/3 với tâm chấn gần Mandalay, thành phố lớn thứ hai Myanmar, đã khiến nhiều tòa nhà đổ sụp hoặc hư hỏng nghiêm trọng, đẩy hàng nghìn người vào cảnh mất nhà cửa.
Ja Naw Dawshi, một người Mandalay sống tại Thành phố Hồ Chí Minh buồn rầu bảo: Người dân đất nước anh luôn coi chùa là nơi linh thiêng nhất. Họ tích cóp vàng để đóng góp dát lên những bức tượng, những con đường như một niềm tin bền bỉ.
Dawshi ví, Mandalay, Sagaing, Neypyidaw… của anh đã phải hứng chịu thảm họa như vài quả bom nguyên tử thả xuống cùng một lúc. Có sự mất mát về người. Và cũng đáng buồn hơn, đại địa chấn trên Đường đứt gãy Sagaing đã làm xô lệch những giá trị lịch sử ngàn năm, làm vụn vỡ nhiều mảnh ghép văn hóa – tín ngưỡng quan trọng trong cộng đồng.
Vị sư già chùa Jino vẫn bị ám ảnh bởi động đất - thảm họa khiến 11 vị sư của ông tử nạn.
Một gia đình phải ở dưới gốc cây khi trận động đất phá hủy hoàn toàn ngôi nhà bình yên họ sinh sống.
Ngày chúng tôi rời Mandalay, dọc đường vẫn ngổn ngang những ngôi chùa mất ngọn, những phế tích im lìm vàng ánh lên trong nắng chiều. Một vài nữ Phật tử sửa soạn hoa tươi, đem đến chân các ngọn tháp, ngồi khoanh chân và bắt đầu tụng kinh. Tiếng kinh da diết bay lên trên những tòa nhà đổ gục.
Ven đường, người dân cũng lập những điểm quyên góp để có thêm kinh phí xây dựng lại chùa chiền. Tất cả tùy tâm, bao nhiêu cũng quý. Hành trình để Myanmar tái thiết lại cuộc sống, khôi phục phần nào những biểu tượng văn hóa có lẽ vẫn còn rất, rất dài.
