Walden-Một mình sống trong rừng”, “Từ dạo ấy”,
Những đỉnh núi du ca-Một lối tìm về cá tính H’Mông”, “Châu Phi nghìn trùng”, “Chuyện Trà” là 5 cuốn sách bạn có thể đọc vào dịp Tết 2022 trong một nhịp điệu sống chậm rãi, nhiều dư vị thưởng thức hơn.

Đây là những tác phẩm thuộc nhiều thể loại từ tiểu
thuyết, khảo cứu đến triết học… Trong đó có bên cạnh những cuốn kinh điển ra cách nay cả trăm năm, lại có tác phẩm vừa ra mắt bạn đọc, song ít nhiều đều có thể mang lại cho độc giả những cảm hứng về con người, cuộc sống.

Đây là công trình nổi tiếng nhất của Henry David Thoreau (1817-1862) – nhà văn, nhà thơ, nhà triết học, nhà tự nhiên học, nhà sử học, nhà trắc đạc nổi tiếng người Mỹ.

Tác phẩm là một hồi tưởng đầy chiêm nghiệm suy tư về quãng đời sống một mình suốt “hai năm hai tháng hai ngày” của tác giả trong một mảnh đất rừng bên cạnh đầm Walden-“giọt nước của trời”.

Xuất bản lần đầu năm 1854 và được coi như tác phẩm kinh điển của Mỹ, tuy nhiên “Walden-Một mình sống trong rừng” vẫn khiến các nhà phê bình phân vân không biết xếp tác phẩm vào thể loại nào: triết học, tiểu thuyết hay hồi ký?

Bản sao ngôi nhà mà Thoreau tự xây dựng và đã sống bên đầm Walden giờ đây vẫn là một địa chỉ tưởng niệm danh nhân đồng thời là nơi tham quan của du khách. Bạn đọc dễ dàng tìm thấy những video về Walden trên YouTube.

Bản tụng ca về
thiên nhiên và cuộc sống


Walden có 17 chương và một chương Kết luận. Những cái tên cho thấy tính đa dạng và kết nối trong câu chuyện đa tầng, thách thức đến hấp dẫn của ông. “Kinh tế”, “Tôi sống ở đâu và sống bằng gì?”, “Đọc”, “Những âm thanh”, “Cô đơn”, “Làng”, “Những cái đầm”, “Các vị khách của tôi”, “Sưởi ấm ngôi nhà”, “Mùa xuân”…

Bạn đọc sẽ tìm thấy nhiều chủ đề thực sự gần gũi với cuộc sống hằng ngày của mình, cả những trăn trở mà con người trong xã hội văn minh thường vẫn đang “vật vã” tự hỏi, tự trả lời. Có điều, nó được nhìn nhận và chưng cất bằng bộ lọc của một triết gia với quan điểm “yêu sự thông thái đến mức sống theo những tiếng gọi của nó, một đời sống đơn giản, độc lập, cao thượng và tin tưởng.”

Độc giả có thể đọc lần lượt hơn 300 trang sách từ đầu đến cuối hoặc chọn đọc riêng từng chương mà về cơ bản không ảnh hưởng đến cái nhìn tổng thể. Câu chuyện của Thoreau là sự đan xen giữa những trải nghiệm thực tế, những đúc kết sâu sắc, những miêu tả dịu dàng, sống động và cả những triết luận rành mạch, dứt khoát, không khoan nhượng về thiên nhiên, cuộc sống.

Tinh thần tối giản của Thoreau gửi gắm trong hầu như các chương sách. Nó quyết liệt và mạnh mẽ bên cạnh sự dịu dàng và mơ mộng của ông khi nói về cuộc sống nơi đầm Walden.

Phần lớn những thứ xa xỉ và nhiều thứ gọi là những tiện nghi của đời sống, không chỉ không tuyệt đối cần thiết mà còn là những trở ngại thực sự đối với sự phát triển của nhân loại.
Henry David Thoreau.

Ông cho rằng: "Kết quả của một cuộc sống xa hoa chỉ là sự xa hoa, dù trong nông nghiệp thương mại hay văn chương nghệ thuật."

Ấn bản “Walden-Một mình sống trong rừng” năm 1854.

Ấn bản “Walden-Một mình sống trong rừng” năm 1854

Sách của triết gia có khó đọc?


Dịch giả Hiếu Tân có đôi lời: Walden không dễ đọc, vì 3 lẽ. Giọng văn cổ, nhiều ẩn dụ; Một logic dựa trên góc nhìn khác về cuộc sống, giọng văn linh hoạt đôi khi trêu ghẹo, đánh đố bạn đọc; Những ý tưởng đa tầng của tác giả thách thức việc chuyển ngữ.

Nhưng dịch giả cũng khẳng định: Nếu cuốn sách này “kén” độc giả thì đó là loại độc giả không kiếm loại sách “dễ đọc”. Và chắc chắn bạn đọc sẽ được đền bù xứng đáng. Bởi vì, nhà thơ Mỹ Robert Frost đã phải thốt lên khi nói về Thoreau và Walden: “Chỉ trong một quyển sách, ông đã vượt qua tất cả những gì chúng ta đã có ở Mỹ”.

Cuối cùng, người viết bài này chỉ bày tỏ thêm: Walden thực sự là một khu rừng mênh mông và một vài gợi mở như trên chỉ là lời dẫn gọi trân trọng để bạn đọc bước đi trong niềm hân hoan tự khám phá những chiều kích bí ẩn của cuộc sống an nhiên, tự tại.

Natsume Soseki (1867-1916) là nhà văn cận-hiện đại lớn của Nhật Bản. Ông là đại diện cho một thế hệ những nhà văn Nhật Bản tinh hoa sinh ra và trưởng thành trong bối cảnh sự đối đầu văn hoá Đông Tây đang len lỏi vào mọi ngõ ngách của đời sống xã hội thời kỳ Meiji. Là một trong những chủ soái của trường phái văn chương tâm lý cao sang (yoyuha – Dư dụ phái), Natsume Soseki được giới phê bình văn học đánh giá là “một trong ba trụ cột của của văn học hiện đại Nhật Bản”. Nhiều thế hệ nhà văn Nhật Bản đã chịu ảnh hưởng sâu sắc từ những kiệt tác của ông.

Nhân vật xuyên suốt trong các tác phẩm của Natsume Soseki đại diện cho một lớp người chứng kiến những thay đổi trong xã hội đương thời. Họ không khỏi hoang mang trước lựa chọn: giữ khư khư trong mình cái cũ hay hoà mình theo cái mới. Bên cạnh mâu thuẫn với xã hội, các nhân vật trong tiểu thuyết của Soseki còn nảy sinh mâu thuẫn trong chính mình, từ suy nghĩ đến hành vi. Hành trình của các nhận vật là phát hiện ra mâu thuẫn, tìm cách xử lý mâu thuẫn nhưng luôn bế tắc. Câu hỏi lớn nhất đặt ra cho các nhân vật là sống theo bản ngã hay bỏ qua nó mà chạy theo lối sống của hầu hết mọi người ngoài xã hội. Soseki không đưa ra cái kết nào rõ ràng cho các tiểu thuyết của mình mà chỉ để nhân vật tiếp tục sống cuộc đời của họ bởi còn sống là còn phải đồng hành cùng những mâu thuẫn.”
Dịch giả Đỗ Mai.

“Từ dạo ấy” được đơn vị xuất bản giới thiệu là tiểu thuyết sâu sắc và gây xúc động nhất của Natsume Soseki với bối cảnh câu chuyện diễn ra thời kỳ chuyển giao giữa Mạc phủ và Duy Tân Minh Trị.

Tiểu thuyết này đã được chuyển thể thành phim tại Nhật Bản vào năm 1985 dưới cái tên Sorekara (And then).

Poster phim Sorekana.

Poster phim Sorekana.

Xao động “Từ dạo ấy”


Cậu ấm Daisuke trong cuộc sống vô định, không sự nghiệp, không vợ con… trước ngã rẽ cuộc đời cùng với tình yêu của mình đã buộc phải thực hiện công cuộc tìm kiếm bản thân rốt ráo. Nhưng bi kịch giằng xé giữa tự do cá nhân và trách nhiệm xã hội, giữa khát vọng khẳng định chính mình và những phù phiếm danh phận, giữa cuộc sống thanh cao với thách thức cơm áo gạo tiền, giữa việc đấu tranh cho tình yêu và định kiến đạo đức, giữa những lạc hậu của “nền giáo dục vô lý khi xây dựng tiêu chuẩn hành vi và cảm xúc của con người ở những nơi xa xôi nằm bên ngoài chính bản thân…” với ham muốn sống của thời hiện đại, có phải chỉ là của một mình Daisuke?

Những băn khoăn triết luận này của nhân vật chính dường như xuyên suốt nhiều thời đại:

“Làm việc cũng được. Nhưng nếu làm việc mà chỉ vì để kiếm sống thì nó sẽ chẳng có gì vinh dự cả. Tất cả những lao động cao quý đều xa rời miếng ăn”…  

...

“Đấy cậu xem, nếu miếng ăn là mục đích và làm việc là phương tiện thì người ta sẽ điều chỉnh cách làm việc của mình để dễ dàng kiếm được miếng ăn… Một khi nội dung, phương hướng hoặc trình tự của lao động bị điều khiển bởi những thứ bên ngoài thì lao động đó là lao động tha hoá.”

Độc giả ưa thích tác phẩm văn học cũng có thể tìm thấy trong “Từ dạo ấy” những trang viết miêu tả nội tâm tài tình của Natsume Soseki. Ông lách ngòi bút tinh tế tới những trạng thái bản thể không dễ gọi tên, khiến người đọc nhiều phen “lặng người”. Trong đó, không thể không ám ảnh với trang viết về tình yêu, điều mà con người luôn khao khát nắm bắt, sở hữu nhưng cũng vì nó mà đau khổ. 

Nguyễn Mạnh Tiến là nhà dân tộc học thế hệ 8X, hiện làm việc tại Viện Văn học, tác giả của một loạt khảo biên khảo vừa giàu tư liệu vừa cuốn hút với giọng văn cá tính, đa sắc, biểu cảm như “Những đỉnh núi du ca-Một lối tìm về cá tính H’Mông”, “Sống đời của chợ”, “Khai nguyên Rồng Tiên”.

“Những đỉnh núi du ca – Một lối tìm về cá tính H’Mông” được xuất bản lần đầu năm 2014, vừa được tái bản với tinh thần “Giữ nguyên các ý tưởng của lần xuất bản đầu tiên, đồng thời có một sự gia cố các dẫn liệu dân tộc học từ nhiều nguồn, cả văn bản và thực địa, được dồn nén chủ yếu ở các phụ chú nới rộng và phụ chú mới nằm ở cuối sách.”

Điều ấy có nghĩa, với bạn đọc bận rộn và không cần tìm hiểu các vấn đề khá chuyên môn, có thể bỏ qua phần phụ chú để sự đọc được nhẹ nhàng hơn mà vẫn nắm bắt được toàn bộ tinh thần quyển sách.

Tìm lại mình
trên những đỉnh núi du ca


Đúng như tinh thần tác phẩm và chia sẻ tác giả, công trình này thoả mãn cả người đọc nghiên cứu và những ai mang theo niềm đam mê tìm hiểu văn hoá cùng bước chân phiêu du. “Những đỉnh núi du ca” đã mang đến cái nhìn thấu hiểu, trân trọng về một tộc người không chỉ có “nổi loạn, dữ dội” mà còn “thấm đẫm thi tính”.

Tác phẩm cũng như lời hát mở ra không ngừng những trường liên tưởng rộng, sâu, mới mẻ về văn hoá, về “một Việt Nam nhìn từ núi với tính bản địa đa tộc người của quốc gia” trải qua những biến cố, những va đập, đứt gãy, nối liền. Theo bước chân Nguyễn Mạnh Tiến trên những đỉnh núi du ca cũng để phá bỏ những định kiến sai lầm, để nới rộng những hiểu biết và sau cùng là những thông hiểu mang lại cho người đọc cảm xúc, năng lượng mới mẻ.

Tác phẩm “Những đỉnh núi du ca-Một lối tìm về cá tính H’Mông”.

Tác phẩm “Những đỉnh núi du ca-Một lối tìm về cá tính H’Mông”.

Nguyễn Mạnh Tiến viết: “Nhưng người ta không thể tồn tại nếu thế giới nội tâm chỉ ngả mãi về một chiều, chiều cực đoan đấu tranh quyết liệt và dữ dằn. H’Mông cũng thế, những lễ hội mùa xuân, nền văn hoá khai phóng tính dục, tự do hôn nhân, chợ tình, tục kéo/bắt/cưới dâu và nhất là những bài dân ca… tất cả đem lại cho H’Mông một chiều kích khác của hiện hữu, sự mộng mơ bên cạnh sự quyết liệt… Tất cả, là dấu chỉ vào sự thông hiểu tồn tại của H’Mông ở đời. Một hiện hữu H’Mông: hiểm nguy, hùng vĩ, tự do và thơ mộng như những đỉnh núi cao bất tận, vô danh, đời đời mù sương phủ.”

Và nữa, sự thơ mộng có thể bắt gặp đây đó thường xuyên trên hành trình này, như một điểm nghỉ xen giữa những dồn nén tư liệu, phân tích sắc sảo và phóng khoáng.

Và sự thơ mộng sẽ dâng lên nhiều hơn nếu bạn còn giữ đủ niềm mơ. Hãy nhớ mà liên tưởng con đường đang bám dọc ven sông kia chảy trôi theo khe bãi của nàng tiên phơi đồi núi! Những nương ngô, ruộng lúa xanh mướt. Những nếp nhà nhỏ xinh. Những váy áo sặc sỡ thỉnh thoảng lại đột ngột xuất hiện trên đường, báo cho lữ khách biết núi đồi không cô độc.

“Châu phi nghìn trùng” vừa giành Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam ở mục tác phẩm dịch.

Tác giả Isak Dinesen (1885-1962) là nhà văn nữ Đan Mạch hai lần được đề cử giải Nobel vào các năm 1954-1957. Nhà văn Earnest Hemingway sau khi nhận giải Nobel văn chương vào năm 1954 đã phát biểu: “Hôm nay tôi cũng sẽ hạnh phúc-hạnh phúc hơn nữa-nếu giải thưởng này được trao cho nhà văn nữ Isak Dinesen”.

“Châu Phi nghìn trùng” gây tiếng vang lớn ở Mỹ và châu Âu ngay lần in lần dầu năm 1937 bằng tiếng Anh. Sau đó, cuốn sách mới được dịch sang tiếng Đan Mạch. Đến nay, tác phẩm đã được chuyển ngữ sang nhiều thứ tiếng, liên tục có mặt trong danh sách những cuốn sách phi hư cấu hay nhất mọi thời đại.

Tác phẩm đã được chuyển thể thành phim điện ảnh dưới tên gọi: “Out of Africa” vào năm 1985.

Những trang viết như thơ
và sự minh triết của châu Phi


Châu Phi nghìn trùng” có thể xem như là sự tái hiện một phần đời tác giả ở Châu Phi trong 17 năm đầu thế kỷ XX - giai đoạn bà gánh vác một đồn điền cà phê dưới chân rặng Ngong và trải qua vô vàn biến cố trong cuộc sống riêng cũng như trong kinh doanh. Như dịch giả Hà Thế Giang viết trong lời mở đầu: “Một trong những nguyên nhân cuốn sách được nồng nhiệt đón nhận còn bởi nó như một ẩn dụ của thời đại lúc ấy với mô tả cuộc vật lộn của một cá nhân cùng số phận giữa chiến tranh và hạn hán, nền kinh tế biến động, nỗi đau mất mát người thân cùng sự sụp đổ một cuộc sống lý tưởng”.

Nhưng “Châu phi nghìn trùng” hấp dẫn có phải chỉ vì vậy? Đồn điền dưới chân rặng Ngong, nằm trên mực nước biển hơn 1800m là một “Châu Phi được chưng cất qua suốt 6 ngàn bộ” với phong vị chủ đạo là khí trời đã hiện diện qua ngòi bút tác giả thêm một lần sinh động, sắc nét. Thiên nhiên, cuộc sống một vùng đất đầy bản sắc như Châu Phi có mặt trong nhiều trang viết của cuốn sách, đáng được xem như những áng văn đặc sắc, hấp dẫn, cuốn hút kỳ lạ.

Giữa cái nóng ban trưa, không khí nhiễu động, rung rinh tựa dây đàn vĩ cầm,  khiến lớp lớp đồng cỏ, vạt cây gai và rặng núi bốc lên cao, tạo nên cả những khoảng nước bạc mênh mông giữa một vùng cỏ khô cháy.

Các nhân vật dưới ngòi bút của Isak Dinesen cũng như những tác phẩm điêu khắc, đường nét và chi tiết nổi bật; đặc biệt là những tính cách, thân phận vừa đời vừa như ảo mộng, gắn liền với nền văn hoá bản địa.

Cùng với đó là những hài hước, dí dỏm, minh triết của vùng đất này:

Huy chương là vật bất tiện cho một người trần như nhộng, bởi họ không có chỗ nào gắn nó lên, và các vị thổ tù Masai cứ đứng ngây ra đó, tay nắm tấm huy chương”.

...

Như chúng ta không ưa tiếng ồn, người bản xứ chẳng ưa gì tốc độ, chí ít họ khó chịu với  nó. Họ sống thuận hoà với thời gian, và ý tưởng giải khuây cho thời gian trôi mau hay làm gì đó giết thời gian chẳng bao giờ nảy sinh trong óc họ.”

...

Đôi khi cuộc sống ở đồn điền thật hiu quạnh, và trong tĩnh mịch của đêm đen khi từng phút, từng phút thời gian trôi qua trên chiếc đồng hồ treo tường và cùng với đó từng giọt, từng giọt sống như đang chảy khỏi bạn, bạn chỉ ước gì có một người da trắng để cùng chuyện trò. Song bao giờ tôi cũng cảm nhận được sự hiện hữu câm lặng, chở che của những người bản xứ, đang song hành với tôi, trên một cõi giới khác…”

...

Người bản xứ hoà hợp làm một với xứ sở này, và khi những con người cao, gầy, mắt huyền, da đen nhẫy, di chuyển, luôn theo hàng dọc một người nên ngay cả các mạch máu giao thông chính của họ cũng chỉ là các lối mòn vừa bước một chân, hoặc nhảy múa tại lễ hội, hay kể bạn nghe một câu chuyện, thì đó chính là châu Phi đang đi lại, làm lụng, nhảy múa hay giúp bạn giải khuây. Trên miệt cao nguyên bạn sẽ nhớ tới mấy câu thơ sau:

Tôi luôn gặp
Nét thanh cao nơi dân bản địa
Và cái vô vị ở kẻ nhập cư

...

Giữa hoang dã tôi đã học cách tránh làm ra những cử động đột ngột… Con người của văn minh đã đánh mất khả năng giữ cho mình bất động, và phải học điều này từ hoang dã trước khi được nó chấp nhận”.

 Tác phẩm “Châu phi nghìn trùng”.

 Tác phẩm “Châu phi nghìn trùng”.

Hơn 400 trang sách “Châu Phi nghìn trùng” khiến vùng đất, con người, những bí ẩn và cả điều giản dị nơi đây như lấp lánh ánh sáng – thứ ánh sáng kỳ ảo như một lễ hội trong đêm trăng tròn ở Phi Châu. Và mọi cảm nhận sẽ càng được nhân lên, mở rộng ra tuỳ theo sự đọc, tương tác của độc giả với tác phẩm.

Trần Quang Đức (sinh năm 1985) được biết đến như một nhà nghiên cứu, dịch giả, người giảng dạy Hán Nôm có niềm đam mê với lịch sử và văn hoá truyền thống. Anh cũng là tác giả của công trình khảo cứu “Ngàn năm áo mũ” – góp phần làm đậm nét hơn bức tranh vốn khá mờ nhạt và nhiều khoảng trống về lịch sử trang phục Việt Nam.

Mùa xuân
nha nhẩn Chuyện Trà


Trần Quang Đức chia sẻ, tác phẩm mới này của anh dù có những phần đậm chất tư liệu nhưng vẫn là sự cố gắng tiếp cận độc giả một cách gần gũi. Nói cách khác, "Chuyện Trà" đi giữa hai vùng khảo cứu và trò chuyện, “là tập hợp những câu chuyện lịch sử xoay quanh trà Việt sau khi được khảo chứng, đối chiếu với sử liệu. Nội dung bao quát từ chè tươi tới trà sao sấy, ướp hương; từ cách uống trà với gừng đun bằng nồi cho tới lối trà chuyên với trà cụ tươm tất; từ trà Việt Nam tới trà Trung Quốc; từ trà Thiện dạo tới thơ phú văn chương.”

Với tâm thế người làm nghiên cứu, Trần Quang Đức thận trọng bày tỏ:

Mặc dù cố gắng khảo cứu khách quan, song xét đến cùng, vẫn không thể khẳng định hết thảy câu chuyện trình bày đều là sử thực, cho nên Chuyện Trà chỉ nên coi là những câu chuyện được kể lại có chứng lý nhất trong khả năng của tác giả mà thôi.

Dẫn giải là vậy, nhưng mùa xuân đọc chuyện trà, nói chuyện thưởng trà thiết nghĩ cũng là dịp mở lòng học hỏi, lắng nghe, thưởng thức, lưu giữ những hương vị của một thức uống đã đi cùng rộng dài dân tộc. Sâu xa hơn, đúng như những phần chia sẻ cuối cuốn sách như “Tinh thần thưởng trà của trà nhân”, “Thưởng thức trà với tinh thần Phật giáo”, “Không chỉ là câu chuyện về trà”…, cuốn sách mở ra những kết nối giữa người đọc với lịch sử, với truyền thống, với cha ông, với thiên nhiên… để cuối cùng trở về với chính mình trong sự giản dị, thanh tao như thể vừa thưởng một chén trà.

"Chuyện Trà" dành một phần phụ lục dày dặn giới thiệu những áng thơ hay về trà của người Việt do chính tác giả tuyển dịch, như:

Tặng người ngàn dặm thẳm xa,
mỉm cười cầm một âu trà vậy thôi”

Thiền sư Viên Chiếu (999-1090)

...

“Trong gương chẳng bụi, cứ lau chà.
Vô ích mà thôi, uổng sức ra.
Lặng lẽ an nhàn, vui mọi cảnh.
Mỗi khi xong bữa, một âu trà.”

Trần Thái Tông (1218-1277)

                             ...

“Hửng nắng rót trà mời khách khứa,
tạnh mưa kêu trẻ sửa giàn hoa”

Trần Quang Khải (1241-1294)

...

“Cần câu cất, vị trà phai.
Đa tình trăng rọi bên đài điểm trang”

Mai Am Nguyễn Phúc Trinh Thận
(1826-1904)

Sách có sự công phu trong chọn lựa hình ảnh, minh hoạ thanh nhã, tối giản làm đậm đà thêm hương vị tinh thần của Chuyện Trà. Đúng với chia sẻ tác giả gửi gắm những trang cuối sách:

Khi bạn đọc đến đây, chắc hẳn cũng đang rất ung dung nhàn lặng. Bạn vẫn có thể ung dung, nhàn lặng hơn nữa. Cùng tôi nhẹ nhàng xua đi những suy nghĩ chật hẹp, để trải lòng mình rộng lớn hơn, rộng lớn hơn nữa. Những dao động trong lòng ta cũng đang dần chậm lại, nhịp nhàng hơn, để tiến tới cân bằng.

Tổ chức thực hiện: HỒNG MINH
Nội dung: CAO NGUYÊN
Trình bày: MINH THU