Ngành Giáo dục xác định rất dứt khoát: Lấy việc phát triển, đổi mới, chăm lo, xây dựng cho đội ngũ nhà giáo là yếu tố mang tính nền tảng, trụ cột và có tính chất quyết định sự thành công của đổi mới giáo dục.
Kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2022), Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn có những chia sẻ với Báo Nhân Dân chung quanh vấn đề xây dựng phát triển đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, chưa bao giờ đội ngũ nhà giáo có sự lớn mạnh, hùng hậu như hiện nay. Tuy nhiên, bối cảnh đổi mới giáo dục cũng đang đặt nhà giáo trước trách nhiệm, sứ mệnh và yêu cầu cao, thách thức lớn, khó khăn nhiều. Vì vậy, đổi mới đội ngũ nhà giáo là yêu cầu khách quan, đòi hỏi tất yếu của công cuộc đổi mới giáo dục. Đổi mới đội ngũ nhà giáo không phải một sớm, một chiều là xong, mà cần bắt đầu từ những hạt nhân nhỏ nhất, đó là ở từng cá nhân nhà giáo cho đến những tập thể cụ thể của từng cơ sở giáo dục, của địa phương và của toàn ngành Giáo dục.
THÍCH ỨNG VỚI YÊU CẦU MỚI
Phóng viên: Đổi mới giáo dục hiện nay đòi hỏi có sự thay đổi, thích ứng cao. Theo Bộ trưởng, ngành Giáo dục cần tập trung vào vấn đề trọng tâm nào để đáp ứng tốt nhất đòi hỏi trên?
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Có thể thấy đất nước đang hướng đến mục tiêu phát triển, phấn đấu trở thành nước công nghiệp, quốc gia có thu nhập trung bình khá, đời sống người dân không ngừng được cải thiện, không ngừng hội nhập quốc tế. Trong đó, phát triển nguồn nhân lực là một trong ba đột phá chiến lược, bên cạnh đột phá về thể chế, hạ tầng. Để thực hiện được đột phá chiến lược thì cần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đúng theo tinh thần Nghị quyết 29, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã chỉ ra.
Đổi mới căn bản, toàn diện thể hiện rất nhiều nội dung, nhiều tầng thứ, nhiều khâu nhưng thể hiện bằng một số việc lớn mà ngành Giáo dục đang triển khai trong thực tế. Đó là: Chuyển đổi nền giáo dục từ nặng về trang bị kiến thức sang phát triển năng lực, phẩm chất, tạo dựng cho người học những kỹ năng cần thiết để có thể có lực lượng lao động chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu tình hình mới và xa hơn là tạo dựng ra thế hệ người Việt Nam mới với phẩm chất mà chúng ta mong muốn. Vì vậy, cần đổi mới từ giáo dục mầm non đến đại học; từ triết lý giáo dục đến các phương diện quản trị giáo dục… Có thể nhìn nhận giáo dục và đào tạo ở thời điểm hiện nay đang trong giai đoạn chuyển đổi trong bối cảnh cả đất nước, xã hội, nền kinh tế cũng đang chuyển đổi mạnh mẽ.
Với bối cảnh như vậy thì làm thế nào để thực hiện được trách nhiệm đổi mới căn bản, toàn diện, và sự chuyển đổi đó dựa vào đâu là chính, lấy chỗ nào làm trụ cột, làm bệ đỡ, là trọng tâm?
Ngành Giáo dục xác định rất dứt khoát rằng: Lấy phát triển, đổi mới, chăm lo, xây dựng cho đội ngũ nhà giáo là yếu tố mang tính nền tảng, trụ cột, có tính chất quyết định sự thành công của đổi mới giáo dục. Như vậy, chưa bao giờ nhà giáo đứng trước trách nhiệm, sứ mệnh và yêu cầu cao, thách thức lớn, khó khăn nhiều như thời điểm hiện nay.
Phóng viên: Vậy đội ngũ nhà giáo cần làm gì để đáp ứng yêu cầu đổi mới hiện nay?
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Như tôi đã nói ở trên, đổi mới đội ngũ nhà giáo là một yêu cầu khách quan, đòi hỏi tất yếu của công cuộc đổi mới giáo dục nhưng không thể hoàn thành một sớm, một chiều. Để đổi mới thành công cần bắt đầu từ những khâu mang tính hạt nhân nhất đó là ở từng cá nhân nhà giáo cho đến những tập thể mà cụ thể là từng cơ sở giáo dục rồi đến các địa phương và của toàn ngành Giáo dục.
Như vậy, mỗi nhà giáo đều đứng trước những thách thức, cần có sự thích ứng với những yêu cầu mới của giáo dục. Đó là yêu cầu tiếp cận năng lực; trang bị những điều cần thiết của khoa học giáo dục hiện đại. Bởi vì nhà giáo không thể trang bị cho học sinh những kỹ năng, phẩm chất mong muốn mà chính họ lại không có. Trong đó, đối với giáo viên phổ thông đang tham gia vào việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới (2018) phải chuyển từ chỗ dạy học lấy sách giáo khoa làm chuẩn sang dạy học lấy chương trình làm chuẩn. Những phương pháp kiểm tra, đánh giá, những yếu tố mới có rất nhiều yêu cầu, đòi hỏi nhà giáo phải có được những kỹ năng; các cơ sở giáo dục phải năng động, chủ động và sáng tạo hơn. Đối với giảng viên đại học cần đội ngũ không chỉ tinh thông trình độ chuyên môn mà còn có năng lực hội nhập quốc tế, đổi mới sáng tạo, có nhiều công trình khoa học giải quyết được những vấn đề kinh tế-xã hội, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Phóng viên: Theo Bộ trưởng, đội ngũ nhà giáo hiện nay liệu đã đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục?
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Tôi có thể khẳng định rằng chưa bao giờ đội ngũ nhà giáo có sự lớn mạnh, hùng hậu và có sự đa dạng về thành phần, diện mạo như hiện nay. Nhìn chung đội ngũ nhà giáo phát triển về quy mô, gia tăng về chất lượng theo hướng ngày càng quốc tế hóa và có sự hình thành rõ ràng hai khối công và tư. Trong đó sự lớn lên ở khu vực tư và quốc tế làm cho giáo dục đa dạng hơn, đem lại cho trẻ em Việt Nam cơ hội học tập tốt, cũng khiến cho hệ thống công không ngừng điều chỉnh, phát triển về đội ngũ.
Nhìn nhận một cách công bằng, trước xu thế quốc tế hóa, đội ngũ nhà giáo ở thời điểm hiện nay có năng lực, khả năng thích ứng và sự linh hoạt phát triển hơn so với giai đoạn trước. Đây là dấu hiệu rất đáng mừng. Trong đó, giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đang hướng theo những chuẩn nghề nghiệp cao hơn. Giảng viên các trường đại học, nhất là giảng viên những trường đang tham gia vào các chỉ số xếp hạng quốc tế cũng không ngừng cải thiện những tiêu chuẩn, chỉ số, điều kiện để có thể đạt đến những bình diện chung của thế giới.
Mặc dù, thời gian gần đây cũng có những ý kiến về việc này, việc khác liên quan đến đội ngũ nhà giáo. Tuy nhiên, nhìn trên bình diện chung có thể thấy những dấu hiệu đáng mừng về đội ngũ hơn 1,6 triệu nhà giáo cho xu thế phát triển của giáo dục nước nhà.
TẠO ĐIỀU KIỆN TƯƠNG XỨNG
KHI CÓ ĐÒI HỎI LỚN, YÊU CẦU CAO
Phóng viên: Mặc dù có tính chất quyết định nhưng chỉ các nhà giáo đổi mới thôi thì chưa đủ. Dưới góc độ cơ chế, chính sách và sự quan tâm của xã hội, Bộ trưởng có giải pháp gì để giúp nhà giáo hoàn thành trọng trách của mình?
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Trước yêu cầu đổi mới, ngoài sự cố gắng, nỗ lực của nhà giáo về phía Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội cũng rất quan tâm chỉ đạo, tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất, tạo điều kiện để toàn bộ hệ thống giáo dục Việt Nam có bước cải thiện nhằm thực hiện được nhiệm vụ đổi mới.
Tuy nhiên cũng có thể thấy, nhiều năm qua mỗi vùng miền, địa phương, do đặc thù nên có những khó khăn khác nhau trong quá trình triển khai. Cả xã hội, đất nước đang trong giai đoạn chuyển đổi, phát triển và có nhiều thứ để đầu tư, ưu tiên, cho nên có nơi, có lúc sự quan tâm chưa được như mong muốn.
Mặt khác, trong khi chuyển đổi giáo dục đang diễn ra thì xảy ra đại dịch Covid-19 khiến cho hàng nghìn cơ sở giáo dục, đặc biệt cơ sở giáo dục mầm non tư thục phải đóng cửa, giải thể khiến cho số lượng không nhỏ nhà giáo phải chuyển sang làm nghề khác. Bên cạnh đó, trước nhiều sức ép về các mối tương tác xã hội, dẫn đến một số vụ việc đáng tiếc. Tuy nhiên, những vụ việc đó chỉ là thiểu số nên không thể lấy đó để đánh giá, nhìn nhận sai lệch về nghề giáo.
Để lực lượng nhà giáo có thể tiếp tục phát triển lớn mạnh, đáp ứng được đầy đủ yêu cầu thì có nhiều việc cần phải làm. Ở thời điểm hiện nay, tôi cho rằng trước hết cần nhìn nhận một cách công bằng là: Khi có những đòi hỏi lớn, yêu cầu cao thì cũng cần tạo điều kiện tương xứng cho nhà giáo làm việc và cống hiến. Vì vậy, trong một vài diễn đàn gần đây tại Quốc hội và một số số nơi, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề cập nhiều đến mong muốn Quốc hội, Chính phủ có những chủ trương để sớm tăng lương, phụ cấp ưu đãi cho nhà giáo. Việc tăng này chắc chắn chưa giải quyết được một cách cơ bản và đầy đủ nhu cầu vật chất tối thiểu nhưng đó cũng là sự ghi nhận, động viên và cải thiện được một phần đời sống nhà giáo.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn
Tôi có thể lấy thí dụ, nếu giáo viên mầm non mới vào nghề, trong vòng 3 năm đầu thì họ chỉ có trên dưới 3 triệu là thu nhập thực tế. Đối với giáo viên mầm non và tiểu học thì cả lương và phụ cấp trong 5 năm đầu là không vượt quá được 4,8 triệu, cho nên thực tế lương giáo viên là thấp. Vì vậy, ngành Giáo dục đề nghị mức phụ cấp đối với giáo viên mầm non và tiểu học tăng từ 35% như hiện nay lên tối thiểu 70%, bằng với mức phụ cấp cán bộ y tế cơ sở.
Về phía xã hội, các bậc phụ huynh bên cạnh sự đòi hỏi, chúng tôi mong muốn có một sự chia sẻ, thấu hiểu, hợp tác với đội ngũ nhà giáo. Đối với công tác chuyên môn, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tính toán tăng cường nhiều hơn biện pháp nhằm hỗ trợ, động viên, khích lệ nhà giáo hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ đổi mới.
Về phía xã hội, các bậc phụ huynh bên cạnh sự đòi hỏi, chúng tôi mong muốn có một sự chia sẻ, thấu hiểu, hợp tác với đội ngũ nhà giáo.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: Duy Linh
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: Duy Linh
Phóng viên: Như Bộ trưởng chia sẻ ở trên, đội ngũ nhà giáo là yếu tố có tính chất quyết định sự thành công của đổi mới giáo dục. Tuy nhiên, số lượng nhà giáo, nhất là số lượng giáo viên lại đang không đủ để thực hiện nhiệm vụ đổi mới. Vậy giải pháp nào để khắc phục tình trạng này?
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Bảo đảm đủ số lượng để thực hiện các nhiệm vụ đổi mới cũng quan trọng không kém yêu cầu cải thiện điều kiện, môi trường làm việc cho giáo viên. Bảo đảm đủ giáo viên cần các giải pháp tổng thể nhưng giải pháp cấp bách đầu tiên là cần tuyển thêm giáo viên. Có thể tuyển bằng chỉ tiêu cũ, chỉ tiêu mới; tuyển bằng dạng hợp đồng, từ ngân sách địa phương…
Bên cạnh đó, việc rà soát hệ thống các cơ sở giáo dục, sắp xếp lại trường lớp, điểm trường… sao cho gọn gàng để học sinh có cơ hội học tập tốt hơn, sắp xếp đội ngũ hợp lý hơn cũng đang được triển khai. Khắc phục tình trạng thừa, thiếu cục bộ hơn 10 nghìn giáo viên, riêng năm học vừa qua trên cả nước đã sắp xếp được hơn 5 nghìn và tiếp tục sắp xếp số còn lại.
Tuy nhiên, trong việc tuyển dụng giáo viên, vấn đề quan trọng là tạo nguồn ra sao, vai trò của các trường sư phạm như thế nào?
Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang đề nghị sửa đổi Nghị định 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm sao cho sát với thực tế hơn. Luật Giáo dục năm 2019 và Nghị định 71/2020/NĐ-CP quy định giáo viên tiểu học, trung học cơ sở có trình độ đại học (lộ trình thực hiện đến hết năm 2030 phải hoàn thành). Trong khi thực tế hiện nay có một số lượng đáng kể giáo viên các môn học đang thiếu nhiều như: Ngoại ngữ, tin học, mỹ thuật, âm nhạc… được đào tạo ở các trường cao đẳng theo chuẩn cũ, mấy năm qua chưa được tuyển dụng. Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Chính phủ trình Quốc hội, càng sớm càng tốt, có giải pháp tình thế, cho tuyển số lượng giáo viên nói trên dạy học tiểu học. Ngành Giáo dục sẽ tổ chức đào tạo, bảo đảm đạt trình độ đại học theo chuẩn quy định của Luật Giáo dục năm 2019 và theo đúng lộ trình hoàn thành trước năm 2030.
Một giải pháp nữa trong việc giải quyết vấn đề đội ngũ là linh hoạt trong các phương pháp dạy học.
Theo ước tính của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ nay đến năm 2026 thiếu ít nhất khoảng 26 nghìn giáo viên các môn tin học, ngoại ngữ, mỹ thuật. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay 100% các cơ sở giáo dục và tất cả các lớp trong cả nước đã được bố trí học môn tin học, ngoại ngữ với các hình thức khác nhau như trực tiếp, trực tuyến. Thí dụ tại tỉnh Yên Bái có những khu vực bố trí giáo viên dạy ngoại ngữ cho một cụm trường khác nhau; hoặc một số trường lớp có sự kết nối, hỗ trợ từ giáo viên của Hà Nội dạy trực tuyến cho lớp học ở Yên Bái.
Như vậy, sự linh hoạt trong dạy học trực tiếp, trực tuyến, bài giảng điện tử... sẽ bảo đảm tối thiểu cho học sinh quyền được học theo chương trình giáo dục phổ thông. Dù chưa phải là giải pháp tốt nhất, nhưng việc triển khai dạy tin học, ngoại ngữ, mỹ thuật… ở tất cả các trường như vậy sẽ tạo điều kiện để các tỉnh có căn cứ chuẩn bị giáo viên, trang thiết bị, cơ sở vật chất, công nghệ thông tin… cho việc đổi mới.
Đối với đội ngũ giảng viên, ngành Giáo dục đang tích cực triển khai Quyết định 89/QĐ-TTg ngày 18/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Đề án Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 - 2030.
Phóng viên: Vừa thực hiện nâng chuẩn trình độ đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019, vừa triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới được coi như “áp lực kép” đối với đội ngũ nhà giáo. Theo Bộ trưởng, ngành Giáo dục làm gì để giúp giảm áp lực và việc học tập nâng cao trình độ, đổi mới phương pháp của giáo viên đi vào thực chất?
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Trong giai đoạn đổi mới hiện nay, đương nhiên áp lực với đội ngũ nhà giáo là lớn hơn. Vì vậy, mỗi nhà giáo cần thật sự cố gắng đổi mới thì mới có thể đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra. Đối với ngành Giáo dục và các địa phương khi triển khai việc nâng chuẩn đội ngũ, bồi dưỡng đổi mới, cần làm sao để tránh được việc thực hiện một cách hình thức, đối phó. Trong đó, cần giảm bớt yêu cầu nặng hành chính hóa mà sẽ đi vào thực chất của việc nâng chuẩn, bồi dưỡng đổi mới. Quá trình triển khai của ngành Giáo dục có sự chia sẻ, trợ giúp đối với đội ngũ nhà giáo thì sẽ thực hiện được.
Phóng viên: Hơn 70 năm nền giáo dục cách mạng và tròn 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, Bộ trưởng có chia sẻ gì về sự kỳ vọng đối với đội ngũ nhà giáo trong công cuộc đổi mới giáo dục?
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Hiện nay, nhiệm vụ nhà giáo rất nặng nề, đảm nhiệm việc lớn và khó. Vì vậy chúng tôi mong muốn đối với Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội đã, đang quan tâm thì sẽ quan tâm nhiều hơn nữa với lực lượng nhà giáo.
Về phía ngành Giáo dục, cá nhân mỗi nhà giáo cần nỗ lực phấn đấu vươn lên thực hiện sứ mệnh vinh quang, được xã hội tôn vinh mỗi thời kỳ có những đòi hỏi khác nhau. Kiến thức, kỹ năng, nội dung dạy học mỗi thời kỳ có sự khác nhau nhưng thứ bất biến là nhà giáo lấy tinh thần kiến tạo những giá trị tốt đẹp cho con người là giá trị vĩnh hằng. Trong mọi trường hợp vừa đổi mới, vừa thích ứng nhưng nhà giáo vẫn luôn củng cố các giá trị cốt lõi làm căn bản để giữ được sự tôn vinh trong mọi hoàn cảnh, điều kiện.
Công cuộc đổi mới hiện nay, yêu cầu rất cao, nhiệm vụ rất nặng nề đối với đội ngũ nhà giáo thì càng cần được xã hội tôn vinh, ghi nhận hơn lúc nào hết để làm thế nào đó sự nghiệp giáo dục chỉ được thắng lợi. Vì sự thất bại của công cuộc đổi mới sẽ không chỉ là thất bại của riêng ngành Giáo dục.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Cô giáo Trường Tiểu học và THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (Thuận Nam, Ninh Thuận) trong giờ dạy tiếng Việt. Ảnh: Xuân Kỳ
Cô giáo Trường Tiểu học và THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (Thuận Nam, Ninh Thuận) trong giờ dạy tiếng Việt. Ảnh: Xuân Kỳ
Đào tạo sư phạm tài Trường đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: Quốc Toản
Đào tạo sư phạm tài Trường đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: Quốc Toản
Ngày xuất bản: 20/11/2022
Thực hiện: XUÂN KỲ
Ảnh: Xuân Kỳ, Duy Linh, Trần Hải, Quốc Toản, Trung tâm truyền thông Giáo dục
Trình bày: Diệu Thu