Đội thanh niên công tác tiếp quản thủ đô
một thời để nhớ
Trước ngày tiếp quản thủ đô Hà Nội, Đội Thanh niên công tác tiếp quản thủ đô được thành lập chóng vánh với nhiệm vụ “có một không hai”, đó là tiền trạm và làm công tác vận động, tuyên truyền về chính sách của Đảng với nhân dân Hà Nội trước khi bộ đội tiếp quản.
Ông Nguyễn Văn Khang (sinh năm 1935), Trưởng ban liên lạc của Đội Thanh niên công tác tiếp quản thủ đô bấy giờ, vẫn kể vanh vách từng nhiệm vụ và cảm xúc của những thanh niên 18-19 tuổi trong ngày lịch sử của 70 năm trước.
TUYÊN TRUYỀN ĐỂ DÂN TIN TƯỞNG CHÍNH SÁCH CỦA CHÍNH PHỦ
19 tuổi, đang học ở trường Tân Trào (Tuyên Quang), Bí thư đoàn trường Nguyễn Văn Khang cùng 11 đoàn viên được Hội đồng giáo viên nhà trường tuyển chọn tham gia đoàn viên thanh niên cứu quốc ưu tú. “Các anh chị khóa trước ở trường cũng đã lên Điện Biên Phủ tham gia quản lý dân công, kho tàng, quản lý sổ sách. Tôi nghĩ mình sẽ cũng được về mặt trận Điện Biên Phủ, anh em tinh thần khí thế lắm”, ông Khang mở đầu câu chuyện với chúng tôi.
Nhưng thay vì lên Tây Bắc như suy nghĩ, đoàn của ông lại đi qua bến phà Bình Ca sang Đại Từ (Thái Nguyên). Lúc đó, ông mới biết mình được tuyển chọn vào Đội Thanh niên công tác tiếp quản thủ đô.
Trong 2 tháng (từ tháng 7-9/1954), khoảng 400 đoàn viên thanh niên trẻ từ các trường: Tân Trào, Hùng Vương, Lương Ngọc Quyến, Nguyễn Thượng Hiền; những thanh niên là giáo sinh của trường Nam Ninh (Trung Quốc)..., được chỉ huấn (tập huấn-PV) học tập chính sách của Chính phủ, để thực hiện một nhiệm vụ quan trọng trước ngày tiếp quản thủ đô. “Chúng tôi phải học và thấm nhuần chính sách của Chính phủ để có đủ thông tin giải thích cho nhân dân yên tâm”, ông Khang nói.
"Chúng tôi phải học và thấm nhuần chính sách của Chính phủ để có đủ thông tin giải thích cho nhân dân yên tâm."
Chỉnh huấn xong, các ông nhận được chỉ thị của cấp trên vào thành phố Hà Nội phải nghiêm túc, "không được đụng đến cái kim, sợi chỉ của nhân dân"; thanh niên ở trong đội không được yêu nhau. Ngày 3/10/1954, chàng thanh niên 19 tuổi lần đầu tiên được đặt chân tới Hà Nội.
“Với tôi, không gì sung sướng bằng được nghe tin mình được về Hà Nội tiếp quản Thủ đô, nhưng kèm theo đó là cảm giác khá lo lắng. Lúc đó, chúng tôi là những thanh niên mới chỉ 19-20 tuổi, còn rất trẻ nhưng được giao nhiệm vụ phải tiếp xúc với nhân dân trước khi đoàn quân bộ đội trở về. Chúng tôi lo vì không biết sẽ phải làm thế nào để hoàn thành tốt nhiệm vụ này. Làm thế nào để có thể tuyên truyền, vận động nhân dân thành công?”, ông Khang tâm tư.
Từ khoảng ngày 3 đến 6/10/1954, Đội Thanh niên tiếp quản thủ đô bắt đầu làm nhiệm vụ “có một không hai” là đi tiền trạm, tiếp xúc với nhân dân Hà Nội trước khi Đoàn quân tiến về tiếp quản. Lúc bấy giờ, địch đưa ra nhiều thông tin xuyên tạc nhằm lôi kéo nhân dân ta di cư vào miền nam. Khoảng 400 thành viên của Đội Thanh niên được chia thành từng nhóm chừng 7-10 người, len lỏi về 36 phố phường thực hiện nhiệm vụ được giao.
“Chúng tôi tiếp xúc từ công chức (làm việc cho địch), thanh niên đường phố, thanh niên trong các trường đại học, trung học ở Hà Nội, thiếu niên, tiểu thương, những người buôn bán nhỏ và bà con dân phố… nói về chính sách của Chính phủ ta; tuyên truyền cho bà con yên tâm, tin tưởng chính sách của Chính phủ khi tiếp quản Hà Nội. Nhiều khi đến nhà mà chủ nhà không mở cửa, chúng tôi vẫn kiên trì quay lại lần sau để thuyết phục”, ông Khang khua tay, giọng hừng hực khí thế như thuở đôi mươi khi nhận nhiệm vụ quan trọng này.
Có rất nhiều câu hỏi của người dân thủ đô mà các ông phải trả lời ngọn ngành, thí dụ như: Có được mặc áo dài không? Có được tiếp tục buôn bán không? Lương có bị thay đổi không? Có bị trả thù không?… Nhờ được chỉ huấn về chính sách, chủ trương của Đảng, Chính phủ về các hoạt động buôn bán, học tập tại nhà trường, nên ai nấy đều dõng dạc, tự tin nói với nhân dân: “Chính phủ sẽ duy trì cuộc sống như trước đây. Mọi việc không có gì thay đổi, bà con yên tâm tiếp tục sinh sống tại Hà Nội”.
Bằng công tác dân vận này đã thuyết phục được một bộ phận người dân không dao động, nghe lời dụ dỗ của địch chạy vào miền nam.
Bằng công tác dân vận này đã thuyết phục được một bộ phận người dân không dao động, nghe lời dụ dỗ của địch chạy vào miền nam.
Để gây cảm tình với tầng lớp thanh thiếu niên, Đội Thanh niên công tác tiếp quản thủ đô xuống phố, gặp gỡ, trò chuyện, vừa dạy hát múa cho các em. Từ đó, phát động phong trào học thuộc bài hát để đón bộ đội về tiếp quản; cùng nhau đi kẻ những khẩu hiệu mới: Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm; Đảng lao động Việt Nam muôn năm; Hoan nghênh bộ đội vào tiếp quản thủ đô... Những thanh niên này cũng đã cùng Đội Thanh niên xóa nhiều khẩu hiệu cũ rất phản động như: “Đi vào nam hay ở lại Hà Nội để vào trại Nguyễn Bá Sơ” (một trại tù thuộc Chính phủ ta ở Thanh Hóa).
Kể lại một thời hoạt động say mê, tâm huyết, ông Nguyễn Văn Khang tự hào nói: “Nhờ công tác tuyên truyền, vận động đó, nên khi quân ta về thủ đô tiếp quản, mọi hoạt động của các công sở, nhà máy điện, nước, trường học vẫn diễn ra bình thường. Chỉ khác là quân đội Pháp không còn có mặt ở Hà Nội. Nếu như đặt giả thiết không có sự tuyên truyền trước, liệu dân ta có ùa ra đón bộ đội tưng bừng như thế không, tình quân dân có như cá với nước thế không?”.
Được sự vận động, giải thích của các đội viên thanh niên công tác tiếp quản thủ đô Hà Nội, phố xá sau khi không còn bóng dáng quân Pháp, nhân dân thanh thiếu niên đường phố đã cùng đội thanh niên làm công tác vệ sinh đường phố sạch sẽ. Những bài hát, điệu múa âm thầm luyện tập trước đó mấy ngày, lúc này vang lên khắp phố phường Hà Nội, chuẩn bị cho ngày 10/10.
Việc đưa Đội thanh niên gồm những học sinh ưu tú về thủ đô làm công tác dân vận là chủ trương sáng suốt của Chính phủ để người dân Hà Nội hiểu hơn về đoàn quân trong ngày tiếp quản Hà Nội. Bác Hồ từng dạy, có dân là có tất cả, nên công tác dân vận này rất có giá trị để chúng ta có được sự ủng hộ của người dân.
Hòa cùng nhân dân, thanh thiếu nhiên đường phố tay trong tay, cờ hoa, biểu ngữ, khẩu hiệu sung sướng vẫy chào đoàn quân trở về sau 9 năm xa cách. Hà Nội là một rừng cờ đỏ và khẩu hiệu. Đồng bào và bộ đội, bao dồn nén, chờ đợi bừng lên như sóng trào, cờ đỏ, hoa tươi tung cao vào hàng ngũ bộ đội đang đều tăm tắp đi trên đường phố, hoa rơi trên mũ lưới, hoa bám vào cáng xe kéo pháo, hoa đọng trên quốc kỳ, quân kỳ. Nhiều bà con mừng vui lau nước mắt vì chờ mong, vì cảm động.
Ông Nguyễn Văn Khang
MỪNG MỪNG, TỦI TỦI
NGÀY TIẾP QUẢN THỦ ĐÔ
Đêm trước ngày 10/10, một xe ô-tô đi khắp thành phố thông báo sáng mai bộ đội sẽ về Hà Nội tiếp quản. Cả thành phố không ngủ. Các thanh niên, bà con ở các khu phố thức xuyên đêm để chuẩn bị cờ biểu ngữ.
Ở Hàng Đào, thanh niên kết cổng chào bằng lụa, bay trong gió mùa thu rất đẹp. Phía Hàng Nón, mọi người làm cổng chào toàn bằng nón; phía Hàng Thùng, người dân xếp những chiếc thùng chồng lên nhau… Phố có gì, người ta làm cổng chào bằng cái đó, thể hiện sự nhiệt tình và náo nức của người dân đón bộ đội tiếp quản.
Sáng sớm 10/10, trên các con phố rực rỡ cờ, chật kín người đứng hai bên đường, trên tay cầm hoa vẫy chào. Đội Thanh niên công tác tiếp quản thủ đô đứng lẫn với bà con, vừa giữ cho bà con không ùa xuống lòng đường, vừa hòa vào niềm vui chung chiến thắng. Trong trí nhớ của ông Khang, Hà Nội chưa bao giờ sống động, tưng bừng như thế khi đoàn quân đi qua, thanh thiếu niên cùng đi theo bộ đội và sau đó nắm tay nhau nhảy múa, ca hát những bài ca, điệu múa.
Ông Khang không thể nào quên những gương mặt chứa đầy biểu cảm khi ấy. Có người òa khóc khi gặp lại người thân; có những bạn bè ôm chầm lấy nhau; có em bé nhào vào lòng cha sau bao năm xa cách… Xúc động nhất trong trí nhớ của ông là nhiều người mẹ cứ ôm các anh bộ đội nghẹn ngào, như được gặp lại con mình sau thời gian loạn lạc, chia cắt… “Đó là hình ảnh đẹp đẽ nhất khi quân ta vào tiếp quản thủ đô Hà Nội”, ông Khang miên man trong dòng hồi tưởng.
Trích đoạn trong tác phẩm "Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - Biên niên sử truyền hình".
Trích đoạn trong tác phẩm "Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - Biên niên sử truyền hình".
Sau ngày tiếp quản thủ đô, Đội thanh niên tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chống dụ dỗ di cư ở Hà Nội. Ông Khang bồi hồi nhớ lại: “Đồng bào từ Thái Bình, Nam Định… gồng gánh một bên con, một bên đồ đạc lên Hà Nội, sống vạ vật ở ga Hàng Cỏ, Nhà thờ Lớn, để chờ tàu đi Hải Phòng. Thời điểm ấy, phía địch cũng cài cắm người lôi kéo đồng bào ta.
Nhiều anh chị em hòa mình với bà con, tâm sự, khuyên nhủ, giải thích, nhiều anh chị em thật lòng chăm sóc các em nhỏ, các cụ già ốm yếu trên đường di cư đi vào nam, đã làm cho bà con cảm động tin tưởng mà quay trở lại quê hương. Ngoài lo cơm nước cho bà con đầy đủ, Đội thanh niên cùng bộ đội tổ chức đoàn xe đưa người dân yên tâm về quê sinh sống”, ông Khang nhớ lại.
Sau khi quân Pháp rút hoàn toàn khỏi Hà Nội, chúng tiếp tục rút dần ra Hải Dương. Vì thế, 3 phân đội của Đội Thanh niên công tác tiếp quản thủ đô lại tiếp tục thực hiện công tác dân vận ở địa phương này.
Với khẩu hiệu “Việc khó có thanh niên, đâu cần thanh niên có” sau tiếp quản còn nhiều việc mà đội viên làm trên đất Hà Nội như chuẩn bị đón Bác về, đón các đoàn khách quốc tế… và nhiều việc cấp bách Ban Quân quản yêu cầu. Sau hơn một năm hoạt động, lực lượng thanh niên tri thức trẻ được Đảng và Chính phủ đánh giá cao, được coi là những hạt nhân trong công cuộc xây dựng đất nước.
Mồ côi cha từ năm 4 tuổi, ông Nguyễn Văn Khang lớn lên cùng mẹ và ba chị gái. Năm học lớp 6, ông cùng các bạn học chạy từ quê nhà Hưng Yên vào Hà Nam, sau đó lên Phú Thọ, Tuyên Quang ở cùng với con nhà bác, học tiếp tú tài. Cứ thế, tuổi thơ của ông Khang trôi qua với biết bao thăng trầm, loạn lạc nhưng người thanh niên trẻ ấy luôn đầy quyết tâm được đóng góp sức mình vào công cuộc cách mạng của dân tộc.
Một thời gian sau ngày giải phóng thủ đô, ông mới được về gặp mẹ ở quê nhà Hưng Yên. Nhìn mẹ già, ngồi bên túp lều nhỏ, nhà cửa đã bị cháy hết, ông không cầm được nước mắt. Thương mẹ, ông quyết tâm trở lại học tập. Năm 1955, ông được Nhà nước cho đi học ngành nông nghiệp tại Trung Quốc, rồi về công tác tại Bộ Nông trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bây giờ) cho tới khi nghỉ hưu.
...
Ở tuổi 91, ông Khang tai phải đeo trợ thính, nhưng trí nhớ rất minh mẫn và giọng nói vẫn sang sảng. Với ông Khang và nhiều thanh niên trẻ bấy giờ, tuy không phải là người Hà Nội, chỉ tập hợp trong thời gian ngắn gần 1 năm, nhưng đội công tác đã làm một công việc có một không hai với Hà Nội.
Ông bảo, là Trưởng ban liên lạc của Đội Thanh niên công tác tiếp quản thủ đô Hà Nội, ông chỉ mong sử sách Hà Nội chuẩn y giữ lại tên này, thay vì tên gọi “Đội Thanh niên xung phong tiếp quản thủ đô Hà Nội”. Đây là tâm nguyện của rất nhiều anh em trong ban liên lạc còn sống đến thời điểm này.
"Ông bà muốn dành thời gian cuối đời ở thủ đô – nơi có quá nhiều dấu ấn tuổi trẻ của mình".
Sau 10 năm sinh sống cùng gia đình con trai út tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Khang và vợ về sống ở Hà Nội mới gần một năm. Ông bà muốn dành thời gian cuối đời ở thủ đô – nơi có quá nhiều dấu ấn tuổi trẻ của mình. Ông cũng mong mỏi, trong đợt kỷ niệm đặc biệt 70 năm Giải phóng thủ đô, ông sẽ có cơ hội được gặp lại những người đồng đội như các ông bà Vẻ, Đối, Hiền, Phúc, Thọ… những thanh niên đường phố Hà Nội đã cùng hoạt động sôi nổi với Đội Thanh niên công tác tiếp quản thủ đô một thời.
Ngày xuất bản: 27/9/2024
Tổ chức thực hiện: NAM ĐÔNG
Nội dung: THIÊN LAM
Trình bày: NGỌC DIỆP
Ảnh và video: Thiên Lam, Bảo tàng lịch sử quốc gia, Báo Hà Nội mới, Truyền hình Nhân dân