Những đổi thay
hướng tới chỉ số hạnh phúc
Quảng Ninh là một trong những địa phương được coi là có chỉ số hạnh phúc cao khi người dân được thụ hưởng các giá trị văn hóa tinh thần và ngày càng được nâng cao hơn đời sống tinh thần, bên cạnh những hưởng thụ trong các lĩnh vực xã hội khác như y tế, giáo dục.
Ở thành phố Móng Cái, ông Nguyễn Ngọc Thạch, Phó Chủ tịch phường Ka Long vẫn tự hào gọi khu vực biên giới đi qua phường mình là “đường biên giới hạnh phúc”. “Thông thường, khi nhắc đến đường biên giới, ai cũng nghĩ đến khu vực hẻo lánh, xa khu dân cư, trên núi cao hiểm trở… Nhưng ở địa bàn Móng Cái, đường biên giới hầu hết chạy qua khu vực dân sinh. Ở những nơi này, đường rộng sạch sẽ, sáng sủa, lối đi được quy hoạch gọn gàng, cho nên đã trở thành chỗ tập thể thao, đi bộ, đạp xe… của người dân. Người dân cũng là “tai, mắt” giám sát các cây cột mốc biên giới.” – ông Nguyễn Ngọc Thạch kể.
“Người ta đi tập thể dục hằng ngày, chỉ cần có cành cây rơi, hoặc trời mưa, cây cỏ dại mọc lên nhiều là đã có người báo ngay cho chúng tôi. Chúng tôi gọi những đoạn đường biên giới đi qua địa bàn mình là “đường biên giới hạnh phúc”, vì vừa gọn đẹp, khang trang sạch sẽ, được người dân quan tâm và trở thành một phần trong cuộc sống hằng ngày của họ. Chúng tôi và cả người dân đều cảm thấy hạnh phúc vì điều đó” – ông Thạch nói.
Cột mốc 1368 còn là địa điểm quen thuộc của những buổi kết nạp Đoàn, Đội của học sinh các trường phổ thông trên địa bàn thành phố Móng Cái. Điểm đặc biệt của cột mốc 1368 này là vị trí gắn liền với “cột mốc tâm linh” – đền Xã Tắc chỉ cách đó vài chục mét. Chính vì thế, nơi này đã trở thành một địa chỉ hữu ích để tìm hiểu về lịch sử, về văn hóa truyền thống đối với thế hệ trẻ ở Móng Cái. Đặc biệt, đền xã tắc và mốc 1368 là cụm di tích lịch sử văn hóa đầu tiên ở Móng Cái được tích hợp đầy đủ thông tin về lịch sử hình thành, ý nghĩa, các câu chuyện… qua mã QR được đặt tại di tích.
Chuyện “thẩm thấu” về lịch sử, văn hóa tại những di tích trên địa bàn chỉ là một phần của việc đời sống tinh thần người dân được nâng cao ở đây. Đại diện Phòng Văn hóa thông tin thành phố Móng Cái cho biết, rất nhiều hoạt động, dịch vụ, thông tin văn hóa được phát triển phục vụ cho đời sống tinh thần của người dân, như các cuộc thi văn nghệ, ẩm thực, các câu lạc bộ văn hóa, nghệ thuật, thể thao… thu hút đông đảo người dân tham gia sinh hoạt.
Ông Đinh Nghĩa Bình, Phó trưởng Phòng Văn hóa Thông tin thành phố Móng Cái cho biết, thường xuyên có các cuộc giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao giữa thành phố và các địa phương giáp biên của Trung Quốc. “Có những cuộc thi, năm nào bạn cũng mời chúng ta sang dự” – ông Đinh Nghĩa Bình cho biết.
Cùng với những phong trào văn hóa văn nghệ, thể thao quần chúng, thành phố còn đang có định hướng phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa trong đó có Phố đi bộ, Khu ẩm thực, Chợ đêm, các dịch vụ vui chơi giải trí..., vừa phục vụ nhu cầu người dân, vừa thu hút khách du lịch.
Ông Đinh Nghĩa Bình cho biết, mục tiêu của thành phố là cung cấp các thông tin, dịch vụ văn hóa, thể thao cho người dân cơ bản bảo đảm để người dân địa phương hoặc người từ nơi khác đến đây sinh sống đều hạnh phúc, bảo đảm cuộc sống.
Những thiết chế văn hóa phục vụ đời sống tinh thần người dân
Giữa trưa của một ngày giữa tuần, khách du lịch và thanh thiếu niên chụp ảnh check-in tại khu vực Bảo tàng Quảng Ninh vẫn rất đông. Các nhóm phải xếp hàng chờ nhau để đợi đến lượt chụp ảnh với công trình nổi tiếng ở Quảng Ninh này.
Những năm gần đây, du khách đến với Quảng Ninh không chỉ với tâm thế là một địa điểm du lịch biển nổi tiếng, mà còn là một thành phố hiện đại, với nhiều công trình văn hóa bề thế, ấn tượng. Chỉ trong một thời gian ngắn, những công trình văn hóa với kiến trúc độc đáo, mang đặc trưng, bản sắc của Quảng Ninh đã trở thành điểm tham quan, check in ưa chuộng của đông đảo du khách, đặc biệt là giới trẻ từ nhiều nơi.
Có thể kể đến Bảo tàng - Thư viện tỉnh; Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh; Quảng trường 30/10; Trung tâm Thể thao vùng Đông Bắc, trong đó Nhà thi đấu đa năng 5.000 chỗ ngồi được xây dựng trên diện tích gần 150.000m2, đạt tiêu chuẩn quốc tế; sân vận động Cẩm Phả quy mô 16.000 chỗ ngồi, được Ban Tổ chức V.League đánh giá là sân vận động có mặt sân đẹp nhất, tốt nhất Việt Nam; Khu vui chơi giải trí quốc tế Tuần Châu; Công viên Hoa Hạ Long; Công viên Hạ Long; Sun World Hạ Long Park; Trung tâm Tổ chức hội nghị quốc tế của Tập đoàn FLC…
Điểm đặc biệt nhất của Quảng Ninh là hệ thống thiết chế văn hóa được xây dựng đồng bộ, cùng với các công trình Bảo tàng – Thư viện tỉnh, Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh là hệ thống trung tâm văn hóa thể thao các địa phương, nhà văn hóa thôn, khu… phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân.
Ở thành phố Hạ Long, con đường ven biển chạy qua hai công trình Bảo tàng Quảng Ninh và Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh được mệnh danh là con đường đẹp nhất, kéo dài tới tận Cẩm Phả. Ngay cả trong ngày thường, không phải cuối tuần hay dịp nghỉ lễ, vẫn có du khách dạo bộ ngắm cảnh thành phố và vịnh trên con đường này. Con đường có vỉa hè rộng không kém lòng đường, mùa nào hoa nấy rực rỡ. Người dân có cơ hội rèn luyện, trải nghiệm, tập thể dục thể thao, tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ suốt dọc vỉa hè của con đường này. Cứ vào buổi sáng sớm hoặc tối, các địa điểm này đều rộn ràng tiếng nhạc tập thể dục, khiêu vũ…
Song song với con đường là công viên thành phố Hạ Long chạy dài, với màu xanh mướt mát của cỏ cây và những sắc màu rực rỡ của hoa lá…
Với diện tích 12ha, nằm sát biển, gồm các khu vực tưởng niệm, quảng trường hoa, khu vui chơi giải trí, thể thao ngoài trời, khu trung tâm trưng bày và triển lãm nghệ thuật, công viên thành phố Hạ Long lâu nay đã là địa chỉ quen thuộc đối với người dân thành phố trong rất nhiều hoạt động như thư giãn, nghỉ ngơi, rèn luyện thể thao, ngắm cảnh.
Ở thành phố Hạ Long, không khó để thấy phần diện tích đất dành cho các công trình tiện ích công cộng rất lớn, chứng tỏ sự quan tâm của chính quyền địa phương tới đời sống người dân.
Trước kia, người dân cho biết khu vực này vốn là nơi ngập mặn, cây trồng lên rất khó khăn. Nhưng với những nỗ lực cải tạo của chính quyền thành phố và người dân, đất ngập mặn đã trở thành “nơi đáng sống”, một trong những địa chỉ thường xuyên lui tới của cả người dân thành phố Hạ Long và du khách.
Ông Nguyễn Minh Hùng, khách du lịch Hà Nội tới tham quan Hạ Long cho biết, hiếm có thành phố nào có được cảnh đẹp vừa của núi, vừa của biển, lại có những thiết chế văn hóa công cộng quy mô như ở đây. “Tôi tin rằng người dân sinh sống ở đây có một cuộc sống thật thoải mái về mặt tinh thần, khi được thụ hưởng những giá trị văn hóa tích cực như vậy”.
Bóng đá nữ, nét đặc sắc ở Bình Liêu.
Bóng đá nữ, nét đặc sắc ở Bình Liêu.
Rất nhiều vận động viên chuyên nghiệp và nghiệp dư dự cuộc thi VNExpress Marathon Amazing Hạ Long 2023.
Rất nhiều vận động viên chuyên nghiệp và nghiệp dư dự cuộc thi VNExpress Marathon Amazing Hạ Long 2023.
Trình diễn múa rồng tại Công viên giải trí Sun World.
Trình diễn múa rồng tại Công viên giải trí Sun World.
Những năm gần đây, sự sáng tạo của Hạ Long theo xu hướng khai thác các dịch vụ văn hóa cao cấp đang đem lại những lợi ích to lớn cho người dân. Các điểm du lịch âm nhạc chất lượng cao đang biến thành phố Hạ Long trở thành một điểm đến văn hóa giải trí mới, hiện đại, sang trọng và khác lạ.
Chị Vũ Thị Vân Oanh, Phó Phòng Văn hóa – Thông tin thành phố Hạ Long cho biết, những năm gần đây, có thể nhận thấy rõ đời sống tinh thần của người dân thành phố Hạ Long tăng lên một cách rất rõ rệt. Người dân đã được tiếp cận rất nhiều lợi ích từ những phát triển trong các lĩnh vực văn hóa, du lịch của thành phố để nâng cao đời sống tinh thần. Các điểm du lịch âm nhạc được tổ chức định kỳ, hầu hết vào các dịp cuối tuần, mời các ca sĩ tên tuổi, ăn khách đến biểu diễn. Rất nhiều ca sĩ được yêu thích trong nam ngoài bắc đã hiện diện ở các chương trình ca nhạc như thế này ở Hạ Long, như Mỹ Linh, Mỹ Tâm, Bằng Kiều, Quang Hà, Lệ Quyên, Tuấn Hưng, Bạch Công Khanh…
“Đến bây giờ, với các điểm du lịch âm nhạc cuối tuần được tổ chức thường xuyên, với người dân Hạ Long, việc đi xem ca nhạc cuối tuần là hết sức bình thường. Có rất nhiều lựa chọn cho người yêu thích loại hình giải trí này, như nghe nhạc trên tàu du lịch, trong quán cà phê, trên đồi dưới biển đều có. Điểm đặc biệt của các chương trình âm nhạc này là nhiều khi giống như một liveshow mini của một ca sĩ tên tuổi nào đó”- Chị Vân Oanh cho biết. Không chỉ thu hút khách du lịch, các điểm biểu diễn âm nhạc này còn đang trở thành địa chỉ quen thuộc, đưa việc thưởng thức nghệ thuật trở thành thói quen của người dân Hạ Long.
Chị Vũ Thị Vân Oanh cho biết, ngoài những chương trình mà các đơn vị tổ chức sự kiện bán vé, Phòng Văn hóa Thông tin thành phố cũng đã làm việc, đề nghị hai bên phối hợp để thỉnh thoảng có những buổi diễn miễn phí cho cộng đồng. Những buổi diễn miễn phí này có thể diễn ra tại địa điểm của đơn vị tổ chức, hoặc tại quảng trường 30/10 để phục vụ người dân. Các chương trình miễn phí này cũng mời đầy đủ các ca sĩ tên tuổi biểu diễn chứ không chỉ ca sĩ của địa phương.
Đây là bước chuyển biến rất mạnh của thành phố Hạ Long, trong việc thu hút, nâng cao phục hồi du lịch nói riêng và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân nói chung.
Không chỉ về văn hóa nghệ thuật, giờ đây nhiều địa phương ở Quảng Ninh còn là điểm đến của các sự kiện thể thao quốc tế, phổ biến nhất là các giải chạy marathon trong nước và quốc tế, như Hạ Long, Cô Tô, Móng Cái. Đây là cơ hội quý giá để người dân vừa rèn luyện thân thể, nâng cao sức khỏe, vừa được tiếp cận những nhân vật thể thao tên tuổi mà trước đây họ chỉ được biết trên mạng hoặc qua các phương tiện thông tin đại chúng. Nhiều người đã có cơ hội được chạy cùng một cung đường với những người nổi tiếng ở trong nước và quốc tế, những vận động viên chuyên nghiệp…, điều mà trước đây có lẽ họ chỉ mơ ước.
Cùng với các lễ hội cổ truyền, truyền thống đã có từ trước, nhiều lễ hội hiện đại đang được Quảng Ninh sáng tạo ra, vừa để thu hút khách du lịch, vừa tạo ra những giá trị văn hóa đặc sắc, tiêu biểu là lễ hội Carnaval hằng năm.
Những giá trị tinh thần ấy đang ngày càng hiện hữu trong đời sống người dân Quảng Ninh, cho thấy sự thay đổi từng ngày.
Từ những chủ trương đúng đắn
Bà Nguyễn Huyền Anh, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh cho biết, thực hiện các chính sách của Nhà nước đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, tỉnh cũng có những chính sách hỗ trợ các vùng đồng bào này, trong đó có đề án 06, đồng thời có các chương trình bảo tồn tại chỗ đối với di sản văn hóa các dân tộc, kết hợp với khai thác du lịch. Nhiều lễ hội, hoạt động bảo tồn di sản văn hóa truyền thống của địa phương đã trở thành các sản phẩm du lịch thu hút đông du khách tham quan, đồng thời đem lại những thay đổi cho cuộc sống của đồng bào dân tộc ở nhiều nơi. Điều này xuất phát từ những chủ trương đúng đắn của tỉnh.
Năm 2018, Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 09/3/2018, trong đó nêu rõ mục tiêu chung là giữ gìn và phát huy bền vững bản sắc văn hóa, các giá trị di sản thiên nhiên, di sản văn hóa, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; Xây dựng con người Quảng Ninh với các đặc trưng Năng động – Sáng tạo – Hào sảng – Lành mạnh – Văn minh – Thân thiện; Phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực quan trọng để xây dựng và phát triển Quảng Ninh với các đặc trưng Hành chính minh bạch - Kinh tế phát triển - Văn hóa đặc sắc - Xã hội văn minh - Nhân dân hạnh phúc.
Năm 2020, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV nhiệm kỳ 2020-2025 nêu rõ, một trong ba khâu đột phá của Quảng Ninh đến năm 2025 là “Xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo”, cùng với các khâu “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao” và “Hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, liên thông tổng thể”.
Cũng tại Đại hội XV, Quảng Ninh đã đưa “Thiên nhiên tươi đẹp” trở thành một giá trị mới của tỉnh và là giá trị đứng đầu tiên trong hệ giá trị của tỉnh gồm: Thiên nhiên tươi đẹp - Hành chính minh bạch - Kinh tế phát triển - Văn hóa đặc sắc - Xã hội văn minh - Nhân dân hạnh phúc. Đây chính là giá trị khác biệt, cơ hội nổi trội không nơi đâu có được, là một tài sản, nguồn lực, động lực phát triển đặc biệt của tỉnh.
Trong định hướng phát triển, tỉnh Quảng Ninh đặc biệt quan tâm phát triển con người toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững gắn với tiêu chí hạnh phúc. Nhiều năm liền, tỉnh giữ vững vị trí trong nhóm 6 địa phương đứng đầu cả nước về chỉ số phát triển con người (HDI). Riêng giai đoạn 2018-2022, HĐND tỉnh ban hành 24 nghị quyết nhằm xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh. Vì vậy, người dân Quảng Ninh có cuộc sống ổn định, an toàn, ấm no, tự do, hạnh phúc trong một môi trường xã hội văn minh, lành mạnh; có trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, văn hóa phát triển.
Các thành tố của hệ giá trị Quảng Ninh có quan hệ khăng khít, chặt chẽ, tương hỗ, bao quát khá toàn diện trên các lĩnh vực, trong đó “thiên nhiên tươi đẹp” là điều kiện; “văn hóa đặc sắc” là nền tảng; “xã hội văn minh” là chuẩn mực; “hành chính minh bạch” là môi trường; “kinh tế phát triển” là phương tiện và “nhân dân hạnh phúc” là mục tiêu cuối cùng hướng đến.
Và những thành quả đang hiện hữu ngày nay, chính là những trái ngọt ban đầu của chặng đường “Nhân dân Hạnh phúc” mà tỉnh Quảng Ninh đang hướng tới.