ĐỘI ĐẶC NHIỆM  "CHĂM CẦU"

"Khám phá nghề đặc biệt theo một cách đặc biệt"

Bước ra từ sau cánh cửa gian phòng ngầm dưới chân cầu Rồng (nơi tập kết của đội Đội quản lý, vận hành cầu thuộc Xí nghiệp quản lý cầu Đà Nẵng) là hai cô gái trông có vẻ liễu yếu đào tơ, lọt thỏm trong bộ đồ bảo hộ lao động hơi quá khổ. Sau mấy câu giới thiệu, nhóm phóng viên chúng tôi mới biết họ không phải là nhân viên truyền thông của đơn vị, mà chính là những thành viên thực chiến của “Biệt đội chăm cầu trên sông Hàn”.

Kiều Hạnh, cô gái mảnh dẻ nhưng trông rất hiện đại và duyên dáng là kỹ sư xây dựng cầu đường thuộc bộ phận kế hoạch kỹ thuật, có nhiệm vụ kiểm tra công tác duy tu, vận hành để phát hiện sự cố và lập kế hoạch xử lý, bảo dưỡng kịp thời cho những cây cầu đặc biệt trên sông Hàn. Chị đã có gần 20 năm trong nghề, được mọi người yêu mến gọi là “Hạnh lớn” để phân biệt với "Hạnh nhỏ" - nữ đồng nghiệp đang chập chững vào nghề.

“Hôm nay mình sẽ cùng các bạn khám phá những cây cầu đặc biệt theo một cách đặc biệt!” Lời mời của một thành viên “Đội đặc nhiệm chăm cầu” làm nhóm phóng viên chúng tôi vô cùng háo hức và tin rằng: Sẽ có nhiều điều đặc biệt như cách mà chị nhấn mạnh tới hai lần.

... Từ dưới lên

Dẫn chúng tôi len lỏi qua những dầm thép Poni dưới gầm cầu Nguyễn Văn Trỗi, chàng thợ cầu da sạm nắng vừa nhắc khách cẩn thận, vừa hào hứng chỉ dẫn: “Ngắm sông từ dưới gầm cầu thú lắm, đi giữa giàn thép khổng lồ mọc lên từ đáy sông cảm giác rất lạ, cứ như đang ở trong cung điện dưới nước”.

Cầu này được người Mỹ xây dựng vào thập niên 1960. Tới năm 2013, khi cầu Trần Thị Lý được dựng lên bên cạnh thì sứ mệnh giao thông của cầu chấm dứt và trở thành cầu đi bộ. Đà Nẵng giữ lại cây cầu như một bảo tàng sống, nơi lưu giữ những ký ức văn hóa, lịch sử và là chứng nhân cho sự đổi thay của thành phố. Để tàu bè dễ dàng qua lại, hệ thống điều khiển và giám sát nhịp nâng cầu phục vụ thông thuyền đã được cải tạo, lắp đặt và vận hành từ năm 2015. Nhiều người Đà Nẵng vô cùng ngạc nhiên vì dù đã sống lâu năm ở đây mà chưa hề biết "cây cầu già" có chức hiện đại như vậy.

“Vào mùa bão, mỗi lần nhìn cây cầu như một người hùng giữa dòng sông, chúng tôi cũng thấy tự hào bởi được tham gia vận hành cơ thể khổng lồ trong trận quyết đấu cùng thiên tai ấy", Anh Lưu Đức Nguyên Phương, nhân viên Tổ vận hành cầu hầm - Xí nghiệp Quản lý cầu - Công ty Cổ phần Cầu đường Đà Nẵng dí dỏm chia sẻ.

Cận cảnh nhịp nâng - hạ của cầu Nguyễn Văn Trỗi

Cận cảnh nhịp nâng - hạ của cầu Nguyễn Văn Trỗi

...Từ trên cao

Rời cây cầu Nguyễn Văn Trỗi cổ kính, hai cô nàng tên Hạnh động viên chúng tôi bước lên thang máy để tham quan cầu Trần Thị Lý từ... trên đỉnh.  

Với kết cấu độc đáo sử dụng hệ dây văng 3 chiều kết hợp trụ tháp nghiêng 12 độ, cao đến 145m so với mặt nước biển, cầu Trần Thị Lý trông duyên dáng tựa như một cánh buồm căng gió. Chiếc thang máy trong lòng trụ tháp cầu khá hẹp, chỉ đủ chỗ cho 3 người đứng nép vào nhau.

Đỉnh tháp đây rồi! Chung quanh gió mạnh như bão, cảm giác như đang bay trên khinh khí cầu, người và xe cộ dưới chân bé xíu, sự choáng ngợp xâm chiếm.

Điểm cao nhất của cầu Trần Thị Lý ở độ cao gần 150m

Điểm cao nhất của cầu Trần Thị Lý ở độ cao gần 150m

Chàng “thợ cầu” Hoàng Ngọc Thiện vừa kiểm tra các mối nối, pa-lăng, puli dẫn hướng trong hệ thống vận thăng vừa tuyên bố: “Hôm nay là lần đầu tiên đỉnh tháp cầu cùng lúc được đón tiếp tới 3 cô nương đấy nhé, trước giờ lên tận đây làm việc chỉ có mỗi kỹ sư Kiều Hạnh là nữ”.

Tôi quay micro sang nhân vật nữ chính: “Cảm giác của chị khi thường xuyên làm việc ở vị trí này như thế nào?”

Chị "Hạnh lớn" đáp trong tiếng gió phần phật: “Được có mặt trong đội hình chăm sóc cây cầu hiện đại như thế này, đối với một kỹ sư xây dựng là một vinh dự. Việc áp dụng công nghệ hiện đại trong xây dựng cầu Trần Thị Lý thể hiện đà hội nhập và phát triển không ngừng của Việt Nam, đáng tự hào lắm!”

Trước khi rời đỉnh cao 145m giữa trời, nhóm phóng viên chúng tôi cố gắng thu vào ống kính thật nhiều hình ảnh, bởi vị trí này, nếu không phải là thành viên “Đội đặc nhiệm chăm cầu”, thì khó có cơ hội quay trở lại.

Trong... họng rồng

Điểm đến tiếp theo của chúng tôi là cầu Rồng. Cây cầu không chỉ là biểu tượng kiến trúc độc đáo của Đà Nẵng mà còn đạt kỷ lục Guinness “con rồng thép lớn nhất thế giới”, lọt vào tốp cầu đẹp nhất do CNN bình chọn.

Nối gót các kỹ sư leo lên chiếc thang treo nhả xuống từ đầu rồng mà chúng tôi cảm thấy mình như đang theo nghề xiếc. Đã nhiều lần được đứng từ xa xem rồng phun lửa, phun nước, nhưng đây là lần đầu tiên các phóng viên của đoàn được vào tận bên trong để mục sở thị những thiết bị vận hành.

Kỹ thuật viên leo lên phòng thao tác của cầu Rồng

Kỹ thuật viên leo lên phòng thao tác của cầu Rồng

Hằng tuần, để bảo đảm an toàn, đội ngũ kỹ thuật viên phải giám sát hệ thống quan trắc gồm các cảm biến theo dõi “sức khỏe” của cây cầu dài 666m, nặng gần 9.000 tấn.

Kỹ sư trẻ Tán Thịnh – đội phó đội vận hành hầm, cầu giảng giải: “Điểm nhấn của đầu rồng nằm ở đôi mắt thiết kế theo hình trái tim. Đó là biểu tượng của nhân văn, nhân ái. Mỗi tuần, thấy người dân xếp hàng chờ rồng phun lửa, phun nước, chúng em tự hào lắm bởi cảm thấy đó là động lực cho mình làm việc, cũng là một niềm tự hào, bởi không phải ai cũng được đảm nhận chức trách gìn giữ một phần biểu tượng của thành phố như thế này.”

Nhìn chàng thanh niên cẩn thận vặn từng con ốc, tra thêm chút dầu nhớt, xem lại các chỉ số đồng hồ..., tôi biết anh và các đồng đội đã dành cho công việc này bao niềm ưu ái.

Trải nghiệm theo chân những người "chăm Rồng"

Trải nghiệm theo chân những người "chăm Rồng"

Nơi cuối sông đầu biển

Với người Đà Nẵng, nhắc tới “cuối sông đầu biển”, ai cũng đoán ra ngay đó là cầu Thuận Phước. Cầu dài 1.850m là cây cầu treo dây võng dài nhất cả nước nối hai bờ vịnh nơi con sông Hàn về với đại dương.

Đối với  chị “Hạnh lớn”, Thuận Phước nhiều ấn tượng và kỷ niệm đặc biệt là trong những lần kiểm tra định kỳ. Một cuộc kiểm tra như thế sẽ là hành trình thử thách bản thân cực lớn khi thành viên đội phải cùng nhau leo trên các dây văng để tới đỉnh cầu. Tất nhiên, chúng tôi chỉ được đứng phía dưới quan sát, bởi hoạt động này không dành cho những người chưa qua đào tạo chuyên nghiệp.

“Khó nhất chắc chắn là lần đầu - khi được phân công leo lên đỉnh tháp kiểm tra, mình cũng sợ lắm, sợ không biết có đủ sức bám chặt dây trước những cơn gió giật, sợ ngợp độ cao. Nhưng mình cứ nghĩ 'không sợ, không sợ' rồi lại đi tiếp”, kỹ sư Kiều Hạnh kể.

Hồng Hạnh - hay "Hạnh nhỏ" chưa được phép làm “người nhện” vì chưa đủ kinh nghiệm, nhưng cô vẫn quyết tâm phấn đấu để có thể nối gót đàn chị trong tương lai.

Những người "làm xiếc" ở nơi cuối sông đầu biển

Những người "làm xiếc" ở nơi cuối sông đầu biển

Trở lại mặt đất sau cuộc kiểm tra định kỳ cầu Thuận Phước ở độ cao hơn trăm mét so với mặt nước biển, khi được hỏi: “Kiều Hạnh có thấy mình là người đặc biệt đang làm một công việc đặc biệt không?”

Cô “Người nhện” cười lớn: “Ồ không, mình cũng chỉ là người bình thường, với một công việc bình thường, chỉ khác chăng là hơi vất vả một chút và luôn phải cố gắng vượt qua khó khăn để sống trọn vẹn với công việc mà mình yêu thích.”

Mình cũng chỉ là người bình thường, với một công việc bình thường, luôn phải cố gắng vượt qua khó khăn để sống trọn vẹn với công việc mà mình yêu thích.
Nguyễn Thị Kiều Hạnh, Xí nghiệp Quản lý cầu - Công ty cổ phần cầu đường Đà Nẵng

Vũ điệu trên sông

23 giờ. Ông Huỳnh Bá Hồng kéo chiếc ba-ri-e ngăn khách qua cầu sông Hàn, rồi vẫy tay ra hiệu cho chúng tôi đi về phía giữa cầu. Ở đó có một lối thang cuốn đi xuống chân cầu. Vài phút nữa, vũ điệu trên sông sẽ bắt đầu.

Cầu Sông Hàn được khánh thành năm 2000. Chiếc cầu mang ý nghĩa đặc biệt vì được thiết kế, xây dựng bởi các kỹ sư người Việt Nam và ngân sách xây dựng cầu là từ quyên góp của người dân Đà Nẵng. Cầu sông Hàn có khả năng quay quanh trục chính – lý do nhiều người yêu mến gọi công trình là “Cầu Quay” - giúp tàu thuyền lớn dễ dàng di chuyển.

Dịp cuối tuần, dù gần nửa đêm nhưng hàng trăm du khách, người dân vẫn kéo đến để được chứng kiến trọn vẹn khoảnh khắc cây cầu độc đáo quay vòng 90 độ.

Phòng điều hành nằm ngay phía dưới nhịp cầu quay nơi các kỹ thuật viên tiến hành các thao tác xoay cầu. Căn phòng đã cũ dần theo thời gian, ngổn ngang những hệ thống tời, tua–bin chằng chịt. Máy móc lên tiếng – những âm thanh rì rì đều đặn, còn đội ngũ kỹ thuật viên thì im lặng. Bởi họ đã làm công việc này đến mức thuần thục, mỗi người một việc, không ai bảo ai. Và cũng bởi họ luôn tận hưởng cảm giác khi bên ngoài ô cửa sổ, ở phía xa, những người dân cùng du khách “ồ - à,” vui cười và trước màn trình diễn.

Người dân thích thú chờ đón cầu sông Hàn quay

Người dân thích thú chờ đón cầu sông Hàn quay

“Từ dưới lên”, “từ trên cao”, “từ họng rồng” hay từ “nơi cuối sông đầu biển”… Những gì ta dễ thấy là những cây cầu, những công trình sừng sững, những biểu tượng hào nhoáng và uy nghi. Vậy nhưng, còn một nét tuy cũng rực rỡ không kém mà lại khó thấy hơn, đó là niềm tự hào của những người làm công việc có phần thầm lặng – Biệt đội chăm cầu. Sông Hàn trong lòng du khách bây lâu nay đã là một sân khấu lấp lánh với những màn “biểu diễn đỉnh cao”. Và một phần nào đó, “Biệt đội chăm cầu” chính là những nghệ sỹ trình diễn trên sân khấu ấy.

Dấu chân thầm lặng nối những nhịp cầu

“Chơi vơi”, “chênh vênh”, “tối tăm”, “khắc nghiệt”, “hiểm trở” và “vất vả” – Những tính từ này có lẽ chỉ vừa vặn để nói về công việc của những người “chăm cầu”. Thế nhưng, đó là suy nghĩ của chúng tôi, còn họ, khi được hỏi, hầu như chỉ cười và đáp “bình thường”.

“Ở đây đi là hụt chân đó. Không đùa đâu!” - anh Hoàng Ngọc Thiện cảnh báo ngắn gọn khi nhắc chúng tôi trong lúc quan sát việc bảo dưỡng nhịp nâng hạ cầu Nguyễn Văn Trỗi. Ấy vậy mà anh lại bước rất nhanh.

So với những cầu như Trần Thị Lý, cầu Rồng và đặc biệt là cầu Thuận Phước, thì việc bảo trì, kiểm tra hay thao tác ở cầu Nguyễn Văn Trỗi là khá đơn giản. Giữa mê cung chằng chịt sắt thép, dù là cái nắng như thiêu đốt ngày hè hay trơn trượt ngày mưa, thậm chí là gió mạnh của mùa bão lũ… họ bỏ qua nỗi sợ : độ cao, không gian hẹp, hụt chân… thường trực, cùng mỗi bước chân, mỗi ánh mắt để lắng nghe tiếng "thở" của mỗi cây cầu.

“Nghề cầu đường này, cây cầu nào cũng mang trong mình một nỗi vất vả, một nguy hiểm riêng”, anh Nguyễn Như Anh Tuấn - đồng nghiệp anh Thiện, nói. “Gió bão hay bất kỳ điều gì không quan trọng, miễn là cẩn thận tuyệt đối. Sợ thì chỉ có sợ hôm đầu tiên thôi.” Anh Tuấn cười lớn.

Đối mặt với bóng tối, với sự yên lặng cũng là một nỗi sợ. Buồng thao tác của cầu sông Hàn chẳng hạn: Những ánh đèn yếu ớt chỉ càng làm không gian thêm cô tịch, vừa đánh đố thị giác trong bộn bề sắt thép, vừa phản chiếu bóng người như để bớt cô đơn. Phá vỡ bầu không khí yên lặng, Ông Huỳnh Bá Hồng – kỹ thuật viên kiểm soát hệ thống truyền động chỉ vào tấm áo chia sẻ: “Hồi trước, mùi dầu luyn hắc lắm. Cái tiếng rầm rầm của bánh răng trục quay nó kêu to hơn giờ nhiều. Mà anh em chai sạn, thành quen”, ông Hồng nói. “Em biết giặt quần áo dính dầu nhớt như nào không ? Giặt bằng nước rửa chén mới ra đấy”. 

Có lẽ, những thứ “bí kíp” được chắt lọc rồi truyền cho nhau như thế này là một loại niềm vui của những người trong nghề. Đôi khi là những kinh nghiệm để dễ quen với công việc, nhưng đôi khi lại là những bài học sống còn. Ở độ cao hơn 80m của cầu Thuận Phước, gió biển phần phật bên dưới là cửa sông dậy sóng… mỗi bước chân trên dây cáp là sự chiến thắng bản năng sợ hãi.

"Bước lên, bước tiếp đi, đừng nhìn xuống dưới. Chóng mặt lắm đấy!"
“Nắm chặt tay vào”.

Giọng anh Bùi Quý Ngọc – một kỹ thuật viên dày dạn kinh nghiệm của Công ty Cổ phần Cầu đường Đà Nẵng sang sảng, mang theo cả sự từng trải và quyết tâm gửi gắm tới các anh, chị, em trong buổi tuần tra định kỳ cầu Thuận Phước. Tất nhiên, những người đi sau sẽ không nhìn xuống, một nửa vì hiệu lệnh, vì lời dặn dò, một nửa là vì phía trước họ có những người đồng đội luôn tiến lên. Chiến thắng nỗi sợ hãi nhiều khi cũng đến từ những việc giản đơn như thế.

Hãy để hình ảnh
lên tiếng:

"Đằng sau vẻ đẹp lung linh, sự vững chãi của những cây cầu biểu tượng bắc qua sông Hàn không chỉ là kết cấu thép, bê tông mà còn là mồ hôi, công sức và những hiểm nguy mà đội ngũ kỹ thuật viên phải đối mặt hằng ngày."

Điểm tựa vững chắc cho những người thầm lặng
"giữ hồn" cầu

“Sự thành công tôi xin phép để người dân và các cấp lãnh đạo đánh giá, tôi chỉ có thể khẳng định rằng: trong những thành tựu mà chúng tôi đạt được, đội ngũ kỹ sư và nhân viên kỹ thuật hiện trường đóng vai trò then chốt. Anh, chị, em làm việc 24/7 bất kể ngày lễ hay thời tiết khắc nghiệt như thế nào… túc trực, tham gia và hỗ trợ để giảm thiểu nguy cơ hư hỏng, bảo đảm giao thông.”
Ông Tống Ngọc Quang – Giám đốc Xí nghiệp quản lý cầu, Công ty Cổ phần Cầu đường Đà Nẵng chia sẻ.

Ông Tống Ngọc Quang (người thứ tư từ phải qua) kiểm tra một buổi đi thực tế tại cầu Thuận Phước

Ông Tống Ngọc Quang (người thứ tư từ phải qua) kiểm tra một buổi đi thực tế tại cầu Thuận Phước

Càng chia sẻ và thấu hiểu công việc của người lao động bao nhiêu, phía công ty càng quan tâm đến sự an toàn và điều kiện làm việc của họ bấy nhiêu. Không chỉ trang bị các phương tiện bảo hộ lao động cá nhân đạt chuẩn, đội ngũ kỹ sư, kỹ thuật viên cũng thường xuyên được tham gia các khóa huấn luyện định kỳ về an toàn lao động nói và các kỹ năng đặc thù khác (làm việc trên cao, dưới nước, xử lý tình huống khẩn cấp.)

"Chúng tôi muốn anh em cảm thấy an tâm nhất khi làm việc, bởi công việc vốn đã tiềm ẩn nhiều rủi ro" - ông Quang bày tỏ.  

Kỹ thuật viên vận hành thiết bị hiện đại

Kỹ thuật viên vận hành thiết bị hiện đại

Sự quan tâm còn thể hiện qua việc mạnh dạn đầu tư công nghệ. Những chiếc flycam hiện đại giờ đây thay con người "len lỏi" đến những vị trí khó tiếp cận nhất trên đỉnh tháp, dưới đáy dầm để kiểm tra. Xe kỹ thuật chuyên dụng, hệ thống quan trắc tự động 24/24 cũng được đưa vào vận hành, giúp việc theo dõi "sức khỏe" cây cầu trở nên chính xác, kịp thời hơn, đồng thời giảm thiểu những rủi ro cho đội ngũ kỹ thuật.

Chiếc xe hiện đại hỗ trợ kỹ thuật viên kiểm tra những vị trí hiểm hóc của các cây cầu

Chiếc xe hiện đại hỗ trợ kỹ thuật viên kiểm tra những vị trí hiểm hóc của các cây cầu

Những chính sách và sự quan tâm toàn diện ấy chính là điểm tựa để đội ngũ "giữ hồn" cho những cây cầu Đà Nẵng luôn giữ vững được niềm tin cùng lòng yêu nghề. Từ đó tiếp tục công việc thầm lặng nhưng đầy ý nghĩa của mình, góp phần giữ gìn những biểu tượng kiêu hãnh và bảo đảm an toàn giao thông cho “thành phố đáng sống.”

Ngày xuất bản: 1/5/2025
Chỉ đạo sản xuất: PHAN THÁI SƠN
Tổ chức sản xuất: PHAN HẢI TÙNG LÂM
Nội dung: Lâm Phan - Phương Lan - Công Vinh
Ảnh: Hoàng Đạt - Công Vinh
Video: Hoàng Đạt - Lâm Phan - Lê Sỹ
Trình bày: Hoàng Đạt