Nét chính trong chính sách đối ngoại của Cuba là gì?
Cuba triển khai chính sách đối ngoại năng động, kiên quyết chống chủ nghĩa đế quốc, tích cực ủng hộ phong trào cách mạng, giải phóng và độc lập dân tộc, đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.
Từ đầu thập niên 90, Cuba từng bước điều chỉnh chính sách đối ngoại phù hợp tình hình mới nhằm đa dạng hóa, đẩy mạnh quan hệ với các nước Mỹ Latin-Caribe, đặc biệt là quan hệ chiến lược với Venezuela; tăng cường quan hệ với Nga, Trung Quốc, Ấn Độ…; chủ động, tích cực hoạt động tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương.
Cuba tái thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ (7/2015), bình thường hóa và ký Thỏa thuận Đối thoại chính trị và hợp tác với Liên minh châu Âu (3/2016) và đón Tổng thống Mỹ Barack Obama tới thăm (3/2016). Tuy nhiên, sau đó, dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump, quan hệ Mỹ-Cuba lại xấu đi do các bất đồng trong các vấn đề như trao trả lãnh thổ, dân chủ, nhân quyền, khủng hoảng tại Venezuela... Dưới chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, quan hệ hai nước tiếp tục diễn biến phức tạp, Mỹ áp đặt thêm các biện phạt trừng phạt đối với các cá nhân và tổ chức thuộc các lực lượng vũ trang Cuba.
Trong bối cảnh mới, Cuba sẵn sàng đối thoại mọi mặt, tranh thủ các lực lượng ủng hộ bình thường hóa quan hệ trong nội bộ Mỹ, xử lý linh hoạt các đòi hỏi của Mỹ về dân chủ, nhân quyền để làm giảm tối đa các biện pháp cấm vận, nhưng không đánh đổi các nguyên tắc về chủ quyền và quyền tự quyết, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau trong quan hệ với nước lớn.