Chính sách đối ngoại của Campuchia có điểm gì nổi bật?
Theo Hiến pháp, Campuchia thực hiện chính sách đối ngoại trung lập, không liên kết, không xâm lược hoặc can thiệp công việc nội bộ nước khác. Campuchia hiện tiếp tục chính sách đối ngoại trung lập, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ.
Campuchia thiết lập quan hệ ngoại giao với hơn 170 nước, có cơ quan đại diện tại hơn 60 nước, có quan hệ thương mại với khoảng 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Campuchia chú trọng quan hệ với các nước lớn, các nước tài trợ, nước láng giềng và đẩy mạnh hội nhập khu vực và quốc tế.
Campuchia gia nhập Liên hợp quốc vào tháng 10/1955. Tháng 4/1999, Campuchia trở thành thành viên thứ 10 của ASEAN. Campuchia là thành viên thứ 148 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào tháng 9/2003. Tại Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM) 5 tại Hà Nội tháng 10/2004, Campuchia gia nhập ASEM.
Campuchia cũng tham gia nhiều cơ chế hợp tác khu vực, như Ủy hội Mekong quốc tế (MRC); Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam (CLV); Hợp tác Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam (CLMV); Hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS); Chiến lược hợp tác phát triển kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong (ACMECS)...
Campuchia tham gia ngày càng tích cực, qua đó nâng cao vị thế và uy tín trong các thể chế hợp tác đa phương, như Liên hợp quốc, ASEAN và một số cơ chế hợp tác khu vực khác.
Campuchia xác định mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và quốc gia có thu nhập cao vào năm 2050. Campuchia thúc đẩy ngoại giao theo hướng thu hút đầu tư nước ngoài, đa dạng hóa các nguồn đầu tư, mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút khách du lịch, quảng bá văn hóa đất nước trên trường thế giới