Đòn bẩy phục hồi kinh tế thế giới

Sự xuất hiện của biến thể Omicron đã kéo lùi triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu, khi làn sóng lây nhiễm do biến thể mới của virus SARS-CoV-2 quét qua hầu hết các khu vực. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã bước sang năm thứ ba và tình hình kinh tế thế giới còn nhiều bất định, hợp tác toàn cầu vẫn là điều cần thiết hơn bao giờ hết, nhằm giúp các nền kinh tế vượt qua khó khăn và trở lại lộ trình tăng trưởng.

Tăng trưởng giảm tốc

Kinh tế thế giới trong 10 tháng đầu năm 2021 đã cho thấy dấu hiệu phục hồi nhanh hơn kỳ vọng và dần trở lại giai đoạn trước đại dịch. Tuy nhiên, đà phục hồi đang chững lại kể từ những tháng cuối năm 2021, do những nguy cơ từ làn sóng dịch mới gây ra bởi biến chủng Omicron, được phát hiện lần đầu ở Nam Phi và Botswana vào tháng 11/2021, rồi nhanh chóng lan ra khắp thế giới.

Nhân viên kho hàng bốc xếp hàng tồn kho tại Công ty điện tử ABT Electronics ở Glenview, Illinois, Mỹ. (Ảnh: REUTERS)

Xếp hàng chờ tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho những người vô gia cư và gặp khó khăn ở Berlin, Đức, ngày 14/12/2021. (Ảnh: REUTERS)

Nhân viên kho hàng bốc xếp hàng tồn kho tại Công ty điện tử ABT Electronics ở Glenview, Illinois, Mỹ. (Ảnh: REUTERS)

Xếp hàng chờ tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho những người vô gia cư và gặp khó khăn ở Berlin, Đức, ngày 14/12/2021. (Ảnh: REUTERS)

Chỉ trong một thời gian ngắn hoành hành, Omicron đã khiến nhiều quốc gia liên tục vượt mốc kỷ lục mới về số ca nhiễm hằng ngày, gây sức ép lớn lên hệ thống y tế. Tác động nhanh chóng của biến thể mới dễ lây lan này đã khiến một loạt các tổ chức tài chính và định chế tài chính quốc tế đồng loạt cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Mới đây nhất, trong báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm 2022 xuống mức 4,4%, thấp hơn 0,5% so với dự báo công bố tháng 10 năm ngoái.

Theo IMF, yếu tố dẫn tới sự sụt giảm này là do đợt bùng phát gần đây của biến thể Omicron, dẫn đến nhiều quốc gia phải áp dụng các hạn chế đi lại, khiến tình trạng thiếu lao động gia tăng, trong khi gián đoạn nguồn cung càng thúc đẩy lạm phát tăng cao. Báo cáo của IMF cho biết, sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron dự kiến sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế thế giới trong quý đầu tiên của năm 2022, nhưng sau đó tác động do biến thể này có thể giảm dần bắt đầu từ quý II/2022.

Tương tự, trong báo cáo Triển vọng Kinh tế toàn cầu mới nhất, Ngân hàng thế giới (WB) cũng cho rằng, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm tốc đáng kể trong năm nay, xuống còn 4,1%, thấp hơn so với mức 5,5% của năm 2021, thậm chí có thể giảm mạnh xuống còn 3,2% năm 2023, khi gián đoạn trong chuỗi cung ứng kéo dài và các chính phủ thu hẹp chương trình hỗ trợ tài chính và tiền tệ khổng lồ, vốn được triển khai trong thời gian đại dịch. Dự báo tăng trưởng chỉ đạt 4,1%, thấp hơn so với mức 4,3% được WB đưa ra hồi tháng 6/2021, và con số này có thể còn giảm nếu biến thể Omicron tiếp tục hoành hành.

Theo tác giả bản báo cáo, chuyên gia kinh tế trưởng của WB Ayhan Kose, sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron cho thấy đại dịch vẫn tiếp tục gây gián đoạn sự phục hồi của các nền kinh tế, cùng với tình trạng gia tăng các ca nhiễm làm quá tải hệ thống y tế có thể khiến dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm thêm 0,7%.

Có sự suy giảm rõ rệt đang diễn ra. Các chính sách hỗ trợ đang được rút lại và có vô số rủi ro ở phía trước chúng ta.
Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng thế giới (WB), Ayhan Kose

Còn theo Báo cáo Triển vọng và tình hình kinh tế thế giới 2022 công bố ngày 13/1, Liên hợp quốc cho rằng, động lực tăng trưởng có được trong năm 2021 bắt đầu chậm lại từ cuối năm ngoái, có thể thấy ở các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Liên minh châu Âu và Mỹ, do các biện pháp kích thích tiền tệ tài chính bắt đầu giảm dần và tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng lại nổi lên. Theo đó, nền kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ tăng trưởng 4% trong năm 2022, thấp hơn so với mức 5,5% của năm 2021 và tới năm 2023 sẽ chỉ còn 3,5%, trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm mới đang xảy ra, cộng với những thách thức về thị trường lao động, chuỗi cung ứng và lạm phát tăng cao.

Đặc biệt, tại châu Âu, nơi đang chiếm phần lớn số ca mắc mới toàn cầu trong làn sóng Omicron, tăng trưởng cũng đang trong đà giảm. Theo kết quả khảo sát hằng tháng do công ty nghiên cứu thị trường IHS Markit (Anh) công bố ngày 24/1, tăng trưởng kinh tế của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng 1 đã giảm xuống mức thấp nhất trong 11 tháng qua do tác động của biến thể Omicron lên một số lĩnh vực kinh tế. IHS Markit cho biết, nguyên nhân là do ngành dịch vụ bị ảnh hưởng và các nhà sản xuất đang trong giai đoạn chững lại vì khó khăn về nguồn cung. Số ca nhiễm mới biến thể Omicron tăng vọt tại nhiều nước trong khu vực đã làm gián đoạn các ngành dịch vụ hướng tới người tiêu dùng, khi các ngành này phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực và các quy định giãn cách xã hội.

Nhận diện nguy cơ

Việc các tổ chức tài chính quốc tế hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2022 đã cho thấy những tác động hiện hữu của làn sóng lây nhiễm do biến thể Omicron gây ra. Nhưng cùng với tình trạng dịch bệnh vẫn tiếp diễn, các chuyên gia cũng chỉ ra những nguy cơ cản bước phục hồi kinh tế toàn cầu.

Theo IMF, kinh tế thế giới bước sang năm 2022 với tốc độ tăng trưởng yếu hơn so với kỳ vọng, và sự xuất hiện của biến thể Omicron vào cuối tháng 11 năm ngoái đe dọa làm chậm lại đà hồi phục yếu ớt hiện nay. Trong khi đó, giá năng lượng tăng cao, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, nhu cầu tăng vọt cùng với tình trạng thiếu hụt các nguyên liệu quan trọng ở các nền kinh tế tiên tiến đã thúc đẩy làn sóng tăng giá, qua đó khiến lạm phát tăng trên phạm vị rộng hơn và trong thời gian dài hơn so với dự báo.

Các chuyên gia của Goldman Sachs đánh giá, yếu tố gây bất ngờ nhất năm 2021 chính là lạm phát phi mã, dẫn đến tình trạng hỗn loạn trong các chuỗi phân phối và thiếu hụt các sản phẩm thiết yếu cho thương mại quốc tế. Có tới 39 nền kinh tế ghi nhận tỷ lệ lạm phát trong quý III/2021, tăng so với cùng kỳ năm 2019, trong đó Mỹ và 18 nền kinh tế khác có chỉ số lạm phát tăng tới 2 điểm phần trăm.

Người mua sắm thanh toán bằng đồng euro tại 1 khu chợ ở Nice, Pháp. (Ảnh: REUTERS)

Người mua sắm thanh toán bằng đồng euro tại 1 khu chợ ở Nice, Pháp. (Ảnh: REUTERS)

Theo nhận định của Liên hợp quốc, áp lực lạm phát ngày càng cao ở các nền kinh tế phát triển và một số nền kinh tế đang phát triển đang tạo ra nhiều nguy cơ đe dọa tiến trình phục hồi toàn cầu. Riêng tại Mỹ, giá tiêu dùng đã tăng 6,8% trong tháng 11/2021, đẩy lạm phát tăng 7% trong tháng 12 năm ngoái so cùng kỳ năm 2020, tốc độ nhanh nhất trong gần 4 thập kỷ. Lạm phát ở Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu cũng ở mức 5,2% trong tháng 11, cao nhất kể từ tháng 6/1992. Con số này của cả khu vực Eurozone là 5% trong tháng 12/2021, cũng là mức cao nhất trong 25 năm. Trung bình cả năm 2021, lạm phát toàn cầu lên tới 5,2%, tăng 2 điểm phần trăm so xu hướng chung trong 10 năm trở lại đây.

Chi phí năng lượng tăng cao kéo theo lạm phát tăng mạnh, đặc biệt là ở châu Âu, sau khi giá nhiên liệu hóa thạch tăng gần gấp đôi trong năm qua. Giá lương thực tăng cũng góp phần đẩy tỷ lệ lạm phát tăng phi mã.

Chi phí năng lượng tăng cao kéo theo lạm phát tăng mạnh, đặc biệt là ở châu Âu, sau khi giá nhiên liệu hóa thạch tăng gần gấp đôi trong năm qua. Giá lương thực tăng cũng góp phần đẩy tỷ lệ lạm phát tăng phi mã.

Lạm phát tăng nhanh đã khiến nhiều Ngân hàng Trung ương trên thế giới bắt đầu thu hẹp các biện pháp nới lỏng tiền tệ. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) vừa phát đi tín hiệu về 1 đợt tăng lãi suất vào tháng 3/2022, nhằm ứng phó tình trạng lạm phát quá “nóng” tại nền kinh tế lớn nhất thế giới. Theo đó, phát biểu sau cuộc họp chính sách ngày 26/1 vừa qua, Chủ tịch FED Jerome Powell nhận định, nền kinh tế Mỹ hiện không cần hỗ trợ bằng chính sách tiền tệ ở mức cao nữa, và vì vậy, FED sẽ sớm có đủ cơ sở để nâng lãi suất. Là nền kinh tế lớn nhất thế giới, việc FED tăng lãi suất chắc chắn sẽ có tác động đến các thị trường quan trọng của thế giới như chứng khoán, bất động sản, vàng, hay dầu. Vì thế, các chuyên gia cho rằng, điều này có thể làm cản bước tăng trưởng của nhiều nền kinh tế trên toàn cầu.

Đồng quan điểm, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho biết, làn sóng mới trong đại dịch đe dọa làm gia tăng thêm căng thẳng hiện có đối với nền kinh tế thế giới do lạm phát duy trì ở mức cao liên tục. Tổ chức có trụ sở tại Paris cho biết thêm, nếu Omicron được chứng minh có khả năng lây truyền cao hơn các biến thể khác, hoặc kháng nhiều loại vaccine hiện có hơn, điều này có thể làm trầm trọng thêm sự gián đoạn đối với các chuỗi cung ứng vốn đã bị “đứt đoạn”, và càng tăng nguy cơ làm lạm phát tăng cao trong một thời gian dài. Nếu diễn biến nghiêm trọng hơn, dịch bệnh cũng có thể buộc các chính phủ áp đặt các hạn chế đi lại nghiêm ngặt hơn, làm ảnh hưởng đến nhu cầu hàng hóa và dịch vụ, dẫn đến hoạt động kinh tế giảm mạnh và lạm phát thấp, tương tự như giai đoạn đầu của đại dịch.

Khảo sát do Reuters tiến hành từ ngày 4 đến 26/1, với hơn 500 chuyên gia kinh tế được khảo sát đã đưa ra dự báo lạm phát năm 2022 cho 46 nền kinh tế (màu xám không có dữ liệu).

Khảo sát do Reuters tiến hành từ ngày 4 đến 26/1, với hơn 500 chuyên gia kinh tế được khảo sát đã đưa ra dự báo lạm phát năm 2022 cho 46 nền kinh tế (màu xám không có dữ liệu).

Tuy nhiên, điều các chuyên gia lo ngại nhất chính là sự không đồng đều trong tốc độ phục hồi của các nước. Theo Tổng Giám đốc IMF, bà Kristalina Georgeva, trở ngại lớn nhất trước mắt chính là bất bình đẳng về tiêm chủng, khi nhiều quốc gia có quá ít khả năng tiếp cận với vaccine, khiến nhiều người không được bảo vệ trước Covid-19. Đồng thời, các quốc gia vẫn còn chia rẽ sâu sắc về khả năng ứng phó, hỗ trợ phục hồi và đầu tư cho tương lai.

OECD cũng cho rằng, việc không bảo đảm được tiêm chủng nhanh chóng và hiệu quả trên phạm vi toàn cầu đã khiến thế giới phải “trả giá”, với nguy cơ cao về tương lai bất định cho phục hồi vẫn hiển hiện, trong bối cảnh các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 vẫn có khả năng xuất hiện thêm.

Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc về các vấn đề kinh tế và xã hội Liu Zhenmin cảnh báo, nếu thế giới không có được 1 phương pháp tiếp cận toàn cầu để phối hợp một cách bền vững nhằm đối phó với Covid-19, bao gồm giải quyết vấn đề tiếp cận vaccine cho mọi người, thì đại dịch sẽ tiếp tục là nhân tố gây rủi ro lớn nhất cho sự phục hồi toàn diện và bền vững của nền kinh tế thế giới.

Định hình thế giới hậu đại dịch

Trong 11 tháng đầu năm 2021, đà phục hồi của nền kinh tế thế giới đến từ hiệu quả của các biện pháp, chính sách tài khóa chưa từng có tiền lệ, cùng việc dần kiểm soát dịch bệnh nhờ triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19. Việc biến thể Omicron bắt đầu hoành hành từ những tháng cuối năm ngoái đã làm chậm đà phục hồi của kinh tế toàn cầu, song thế giới vẫn hoàn toàn có động lực mạnh mẽ để thúc đẩy tăng trưởng quay lại quỹ đạo ổn định như trước đại dịch, nhờ việc đẩy mạnh thích ứng an toàn với Covid-19. Để làm được điều này, điều quan trọng nhất vẫn là phải cần hợp tác quốc tế để phục hồi và định hình 1 thế giới hậu đại dịch tốt hơn cho tất cả mọi người, như khuyến nghị của Tổng Giám đốc IMF.

Chúng ta vẫn có thể bảo đảm được sự phục hồi mạnh mẽ hơn ở mọi nơi và định hình 1 thế giới hậu đại dịch tốt hơn cho tất cả mọi người, bằng cách làm việc cùng nhau.
Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Kristalina Georgeva
Có thể nói, hợp tác toàn cầu chính là thông điệp xuyên suốt mà nhiều nhà lãnh đạo thế giới mong muốn duy trì để đưa nền kinh tế toàn cầu vượt qua giai đoạn suy thoái, như đã được thể hiện rõ suốt 2 năm qua. Trước những hệ lụy của tình trạng chia rẽ và bất bình đẳng đang tạo ra nhiều rào cản, cách mà các bên “làm việc cùng nhau” sẽ đóng vai trò quyết định để giúp giảm bớt tác động kinh tế bất lợi của đại dịch, từ đó phục hồi đà tăng trưởng một cách đồng đều và bền vững.

Bà Mari Pangestu, Giám đốc điều hành chính sách phát triển và quan hệ đối tác của WB cho rằng, những quyết sách mà các nhà hoạch định chính sách đưa ra trong vài năm tới sẽ quyết định tiến trình tăng trưởng của thập niên tới. Ưu tiên trước mắt là bảo đảm vaccine được triển khai rộng rãi và công bằng để kiểm soát được đại dịch Covid-19.

Đồng quan điểm, IMF cho rằng, điều quan trọng là phải bảo đảm khả năng tiếp cận vaccine, xét nghiệm và điều trị trên toàn thế giới để giảm nguy cơ mắc các biến thể nguy hiểm hơn nữa, trong khi nhiều nước sẽ cần tăng lãi suất để kiềm chế áp lực lạm phát.

Tại tuần lễ Chương trình nghị sự Davos năm 2022 do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tổ chức mới đây tại Davos (Thụy Sĩ), Chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab đánh giá, chính cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra đã bộc lộ những “lỗ hổng” trong các hệ thống, từ y tế, kinh tế, tài chính tới năng lượng..., cho thấy nhiều điều đang bị lỗi thời và không còn phù hợp trong thế kỷ 21. Bởi vậy, ngoài vấn đề ứng phó với đại dịch, thế giới cần tìm cách “trám” những lỗ hổng như vậy thông qua cải tổ và định hình hệ thống cho kỷ nguyên hậu Covid-19. Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo thế giới cũng cần phải đổi mới phương thức hợp tác và hành động một cách có hệ thống trên quy mô toàn cầu.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhận định, cần sự chung tay của tất cả mọi người, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu, nhằm giúp hình thành 1 hệ thống tài chính toàn cầu hoạt động cho tất cả các quốc gia, nhất là khi thế giới đã chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn với dịch bệnh, đẩy mạnh khôi phục và phát triển kinh tế. Ông Guterres cũng kêu gọi các quốc gia và nhà sản xuất ưu tiên cung cấp vaccine cho chương trình chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX. Đặc biệt, các công ty dược phẩm cần chia sẻ giấy phép, bí quyết và công nghệ trong sản xuất vaccine.

Thách thức sẽ vẫn còn cho tăng trưởng toàn cầu năm 2022 trước những rủi ro và nguy cơ như đã nêu trên. Trong bối cảnh tốc độ phục hồi sẽ không mạnh mẽ như dự báo trước đây và cũng chưa chắc chắn khi nào đại dịch mới kết thúc, bên cạnh những giải pháp chống dịch, phục hồi kinh tế quyết liệt và linh hoạt, chính phủ và các nhà hoạch định chính sách cần tiếp tục thúc đẩy hợp tác quốc tế, giải quyết bất bình đẳng, tháo gỡ những lực cản để đưa nền kinh tế toàn cầu trở lại lộ trình tăng trưởng vững chắc trong năm 2022./.


Ngày xuất bản: 4/2/2022
Tổ chức thực hiện: TRƯỜNG SƠN
Nội dung: TRUNG HƯNG
Trình bày và đồ họa: TRUNG HƯNG
Nguồn tin và dữ liệu: Liên hợp quốc, Ngân hàng Thế giới, IMF, OECD, Reuters, The Guardian, The New York Times, Bloomberg, VOV, TTXVN, chinhphu.vn
Ảnh: Reuters