Tây Bắc (tương ứng với địa bàn Quân khu 2 hiện nay) là khu vực rộng lớn, có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh. Phía Bắc giáp tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), dài 215km; phía Tây có đường biên giới dài 552km giáp với hai tỉnh Hủa Phăn và Phôngxalỳ (Lào). Dãy núi Hoàng Liên Sơn dài 180km theo hướng Tây Bắc-Đông Nam giữa hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu kéo dài đến phía Tây tỉnh Yên Bái; dãy núi sông Mã và cao nguyên đá vôi chạy từ Phong Thổ, Lai Châu đến Thanh Hóa dài 410km.

Tây Bắc là địa bàn cư trú của 34 dân tộc anh em. Từ bao đời nay, nhân dân Tây Bắc luôn tự lực, tự cường, phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết trong đấu tranh chống ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ đất nước. Đặc biệt, đồng bào các dân tộc Tây Bắc đã có những đóng góp to lớn về sức người, sức của, cùng với quân và dân cả nước giành thắng lợi trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Cuối tháng 9/1954, Bộ Chính trị họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bàn nhiệm vụ quân sự Đông Xuân 1953-1954.

Hội nghị xác định phương hướng chiến lược và chủ trương tác chiến là: Sử dụng một bộ phận chủ lực mở những cuộc tiến công vào những hướng địch sơ hở, đồng thời tranh thủ cơ hội tiêu diệt địch ở những hướng địch có thể đánh sâu vào vùng tự do của ta; đẩy mạnh chiến tranh du kích ở các chiến trường sau lưng địch. Phương châm tác chiến: “Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt”. Trong hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh kết luận: Về hướng hoạt động, lấy Tây Bắc làm hướng chính, các hướng khác là hướng phối hợp. Hướng chính hiện nay không thay đổi, nhưng trong hoạt động thì có thể thay đổi. Phép dùng binh là phải “thiên biến vạn hóa”.

Thực hiện quyết tâm chiến lược đó, quân và dân ta đã khẩn trương tiến hành công tác chuẩn bị và tổ chức 5 đòn tiến công chiến lược trên các mặt trận Lai Châu, Trung Lào, Hạ LàoĐông Bắc Campuchia, Bắc Tây NguyênThượng Lào. Trước những đòn tiến công của ta, buộc địch phải phân tán lực lượng trên nhiều hướng. Cuối năm 1953, phát hiện chủ lực của ta lên Tây Bắc, Nava gấp rút điều động các đơn vị cơ động nhảy dù chiếm Điện Biên Phủ, xây dựng nơi đây thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương, hòng “nghiền nát” các đại đoàn chủ lực của ta.

Tháng 12/1953, tại chiến khu Việt Bắc (Thái Nguyên), TƯ Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở mặt trận có tính chiến lược tiêu diệt tập đoàn cứ điểm quân viễn chinh tinh nhuệ Pháp ở Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)

Tháng 12/1953, tại chiến khu Việt Bắc (Thái Nguyên), TƯ Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở mặt trận có tính chiến lược tiêu diệt tập đoàn cứ điểm quân viễn chinh tinh nhuệ Pháp ở Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)

Trên cơ sở đánh giá, phân tích khoa học về tình hình, âm mưu, hành động của địch, đầu tháng 12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và thông qua phương án tác chiến của Tổng Quân ủy. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, đây là một chiến dịch lịch sử có ý nghĩa rất quan trọng về quân sự, chính trị, ngoại giao nên căn dặn Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước khi ra mặt trận: Phải đánh thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh. Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị, các đơn vị bộ đội của ta đã vào vị trí tập kết sẵn sàng nổ súng theo phương châm tác chiến “đánh nhanh, giải quyết nhanh”. Lúc này nhận thấy địch đã tăng cường lực lượng phòng ngự vững chắc, Đảng ủy Mặt trận, Bộ Chỉ huy Chiến dịch đã đưa ra quyết định đúng đắn: Giữ vững quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, song thay đổi phương châm tác chiến từ “Đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc”.

Phải đánh thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh

Để bảo đảm chắc thắng, Trung ương Đảng ra chỉ thị “Toàn dân, toàn Đảng và Chính phủ nhất định đem toàn lực chi viện chiến dịch Điện Biên Phủ và nhất định làm mọi việc cần thiết để giành toàn thắng cho chiến dịch”1. Tổng Quân ủy, các liên khu ủy và khu ủy: “Cần phải nhận rõ chủ trương quân sự của Trung ương, phải đặt nhiệm vụ tác chiến và phục vụ tiền tuyến là nhiệm vụ trọng tâm thứ nhất trong mọi công tác lúc này và phải quyết tâm huy động nhân lực, vật lực để phục vụ tiền tuyến. Đồng thời kết hợp chặt chẽ việc phục vụ tiền tuyến với việc phát động quần chúng giảm tô, cải cách ruộng đất và việc tăng gia sản xuất”2.

Toàn dân, toàn Đảng và Chính phủ nhất định đem toàn lực chi viện chiến dịch Điện Biên Phủ và nhất định làm mọi việc cần thiết để giành toàn thắng cho chiến dịch

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và chấp hành Chỉ thị của Bộ Chính trị, Khu ủy Tây Bắc đã động viên toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân vùng tự do cũng như vùng tạm chiếm, huy động mọi khả năng, nhân lực, vật lực phục vụ cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong tổng số gạo huy động cho chiến dịch là 25.056 tấn, thì đồng bào Tây Bắc đã đóng góp hơn 7.143 tấn gạo; 389 tấn thịt, khoảng 700-800 tấn rau xanh; động viên hơn 31.818 dân công ngắn hạn, gồm 1.296.078 ngày công làm cầu đường, kho lán3.

Đồng bào dân tộc tỉnh Lai Châu, nơi vừa là mặt trận, vừa là vùng trung tuyến của Chiến dịch, Đảng bộ và nhân dân ngoài việc cử nhiều đoàn đại biểu đến thăm hỏi, động viên các đơn vị bộ đội, còn huy động hàng chục nghìn dân công đóng góp hàng trăm nghìn ngày công phục vụ trên các cung đường ra chiến dịch. Dựa vào khả năng của nhân dân, tỉnh Lai Châu đã huy động vượt mức được giao 43 tấn gạo, hàng chục tấn thịt, rau xanh bảo đảm cho hậu cần chiến dịch. Ngoài ra, để bảo đảm vận chuyển vật chất, địa phương cũng huy động 348 ngựa thồ, hàng chục nghìn cây gỗ chống lầy, làm đường cho xe cơ giới và bộ đội hành quân vào mặt trận4.

Để bảo đảm giao thông thông suốt tuyến đường số 13, tỉnh Yên Bái đã huy động hàng chục nghìn lượt thanh niên nam, nữ tham gia lực lượng dân công, thanh niên xung phong đi mở đường, tải đạn, tiếp lương cho bộ đội, hoàn thành nhiệm vụ chi viện cho chiến dịch giành thắng lợi. Nhân dân trong tỉnh còn đóng góp 300 tấn gạo, 105 tấn thịt và hàng vạn tấn rau xanh; hàng nghìn thanh niên được động viên nhập ngũ, bổ sung cho các đơn vị chủ lực5.

Tỉnh Sơn La được giao nhiệm vụ bảo đảm huyết mạch giao thông Đường 13 nối từ tỉnh Yên Bái đến tỉnh Sơn La, dài hơn 100km và Đường 41 từ cao nguyên Mộc Châu lên Tuần Giáo, Lai Châu, nối liền Việt Bắc với Tây Bắc; đồng thời là địa điểm xây dựng các tổng kho lưu trữ. Quá trình đó còn phải thường xuyên chiến đấu với các ổ nhóm gián điệp, thổ phỉ, biệt kích do địch gây dựng để phá hoại, ngăn chặn lực lượng của cả nước ra mặt trận. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng tỉnh đã huy động được hàng chục nghìn dân công, hàng nghìn tấn gạo, thịt và rau xanh.

Tỉnh Phú Thọ đã tuyển chọn 1.434 thanh niên lên đường nhập ngũ bổ sung vào đơn vị chủ lực; huy động một lực lượng lớn dân công với hàng chục nghìn ngày công tham gia vận tải, làm đường, bảo đảm giao thông thông suốt. Hàng trăm tấn lương thực, thực phẩm được nhân dân địa phương đóng góp, kịp thời chuyển tới mặt trận; huy động 3.130 thuyền mảng, 1.087 xe đạp thồ sử dụng làm phương tiện vận tải, đáp ứng kịp thời nhu cầu của mặt trận. Ngoài ra, tỉnh còn động viên nhân dân ủng hộ nhiều tặng phẩm phục vụ cho Chiến dịch như: Quần, áo, chăn bông và nhiều vật phẩm khác cùng 208.515 bức thư động viên cán bộ, chiến sĩ và lực lượng dân công tham gia chiến dịch6.

Đối với tỉnh Hà Giang, Đông xuân 1953-1954, thực dân Pháp tăng cường móc nối, lôi kéo thổ phỉ và phản động cũ nổi dậy chống phá hậu phương và vùng biên giới nhằm gây áp lực cho ta tại Điện Biên Phủ. Quân và dân Hà Giang vừa phải trực tiếp chiến đấu bảo vệ hậu phương, vừa huy động sức người, sức của phục vụ chiến dịch, với hàng chục nghìn lượt dân công, đóng góp 250 tấn thóc cho Chiến dịch Điện Biên Phủ7.

Tỉnh Tuyên Quang cùng với Việt Bắc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ khu căn cứ địa cách mạng, trung tâm của cuộc kháng chiến chống Pháp, ATK của Trung ương. Đồng bào các dân tộc Tuyên Quang đã huy động hàng chục nghìn dân công, đóng góp hàng nghìn tấn lương thực, thực phẩm đáp ứng kịp thời nhu cầu ngày càng cao của chiến dịch. Ngoài ra, để bảo đảm chi viện nhanh chóng và kịp thời, các lực lượng còn thường xuyên duy trì thông suốt tuyến đường 37, nối liền Việt Bắc với Tây Bắc.

Tỉnh Lào Cai, mặc dù phải chiến đấu chống âm mưu “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”; “dùng người Việt trị người Việt” và âm mưu “phỉ hóa toàn dân” của thực dân Pháp, song quân và dân Lào Cai đã tiến hành gần 1.000 trận phục kích, tập kích tiêu diệt và làm tan rã hàng nghìn tên phỉ, đập tan âm mưu gây phỉ và âm mưu “dùng người Việt đánh người Việt”. Thắng lợi của cuộc chiến đấu tiễu phỉ đã đập tan âm mưu gây phỉ trong chiến lược “dùng người Việt đánh người Việt” của thực dân Pháp, bảo vệ hậu phương kháng chiến, tạo điều kiện thuận lợi cho việc huy động sức người, sức của cho tiền tuyến, góp phần vào chiến thắng Điện Biên Phủ và giải phóng hoàn toàn Tây Bắc.

Trong khi đó tại Vĩnh Phúc, bước sang Đông Xuân 1953-1954, địch tăng cường lực lượng, tổ chức các đợt càn quét nhằm triệt phá các khu du kích, cơ sở kinh tế, chính trị, khôi phục lại các vị trí chiếm đóng và các tuyến giao thông quan trọng. Quân và dân địa phương đã chiến đấu kiên cường, dũng cảm, tổ chức nhiều đợt phản công, tiêu diệt và bắt sống trên 2.000 tên, phá hủy 72 xe cơ giới, thu 624 khẩu súng các loại, phá tan âm mưu bình định và củng cố vùng chiếm đóng của địch. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đã huy động hàng nghìn dân công, tuyển chọn 791 thanh niên lên đường nhập ngũ bổ sung vào đơn vị chủ lực8.

Đoàn dân công xe thồ phục vụ tiền tuyến. (Ảnh: TTXVN)

Đoàn dân công xe thồ phục vụ tiền tuyến. (Ảnh: TTXVN)

Bộ đội cùng đồng bào các dân tộc Tây Bắc xẻ núi, làm đường vào trận địa. (Ảnh: TTXVN)

Bộ đội cùng đồng bào các dân tộc Tây Bắc xẻ núi, làm đường vào trận địa. (Ảnh: TTXVN)

Cùng với việc huy động nhân vật lực, hoạt động sửa, nâng cấp các tuyến đường để chi viện cho Chiến dịch Điện Biên Phủ có ý nghĩa rất quan trọng. Trong báo cáo Bộ Chính trị ngày 6/12/1953, Tổng Quân ủy nêu rõ để tiến hành chiến dịch lớn này, ta có nhiều khó khăn, khó khăn lớn nhất vẫn là cung cấp mà chủ yếu là đường xá. Để khắc phục khó khăn đó, Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy đã xây dựng kế hoạch cụ thể. Việc chuẩn bị mọi mặt cho Chiến dịch được tiến hành khẩn trương, trong đó khâu quan trọng nhất là làm đường, bảo đảm giao thông thông suốt phục vụ tốt cho Chiến dịch. Đường lên Tây Bắc, Điện Biên Phủ lúc này chỉ có Đường 41 nối với Đường 6 từ Hòa Bình đi Suối Rút lên Cò Nòi, Sơn La; từ Thuận Châu qua Tuần Giáo đến Điện Biên Phủ dài 210km và Đường 13 từ Yên Bái qua Phù Yên, Bắc Yên, Tạ Khoa rồi hợp với Đường 41 tại Cò Nòi dài khoảng 120km.

Đào Pha-đin trên đường số 6 và đèo Lũng Lô trên đường 13, nơi đã chứng kiến các cuộc hành quân lớn của quân đội ta vào chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)

Đào Pha-đin trên đường số 6 và đèo Lũng Lô trên đường 13, nơi đã chứng kiến các cuộc hành quân lớn của quân đội ta vào chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)

Thực hiện nhiệm vụ Trung ương giao, trên hai tuyến đường hàng vạn dân công, thanh niên xung phong của đồng bào Tây Bắc cùng với bộ đội Trung đoàn công binh 151, ngày đêm xẻ núi, làm cầu, kè ngầm, phát tuyến trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt và sự kiểm soát, bắn phá liên tục của các loại máy bay địch. Tại những trọng điểm như đèo Lũng Lô, đèo Puốc, Pha Đin, đèo Mèo và các đầu mối giao thông quan trọng như Cò Nòi, đèo Pha Đin, ngày cao nhất địch sử dụng 250 lần chiếc máy bay ném từ 160 đến 300 quả bom các loại. Đặc biệt, các cung đường qua đèo Pha Đin và Tuần Giáo-Điện Biên Phủ, đồng bào và các lực lượng làm đường phải lao động vô cùng vất vả, vật lộn với bao khó khăn thiếu thốn, không kể ngày đêm, nổ mìn, xẻ núi, vận chuyển hàng vạn mét khối đất đá, khẩn trương làm hàng nghìn cầu cống bằng vật liệu khai thác tại chỗ. Bằng quyết tâm và lòng dũng cảm, sau hơn ba tháng (từ tháng 12/1953 đến đầu tháng 3/1954), ta đã hoàn thành việc tu sửa các tuyến đường 13, 37, 41; mở mới thông tuyến kịp thời, bảo đảm cho vận tải cơ giới và xe kéo pháo cơ động vào mặt trận đúng kế hoạch. Tại Tây Bắc, bất cứ nơi nào có con đường đi qua, đồng bào đều tự nguyện đóng góp tre, gỗ, nứa để chống lầy, chống sụt; làm cầu cống, lán trại và các kho trung chuyển hậu cần, kỹ thuật phục vụ cho Chiến dịch.

Về công tác vận tải, ta đã bảo đảm cung cấp khối lượng lớn lương thực, thực phẩm, vũ khí, đạn dược phục vụ Chiến dịch nhanh chóng, kịp thời. Công tác vận chuyển được Hội đồng cung cấp Mặt trận phân thành 2 tuyến: Tuyến hậu phương do Tổng cục cung cấp và Hội đồng cung cấp mặt trận Liên khu Việt Bắc, Liên khu 3, Liên khu 4 đảm nhiệm; tuyến chiến dịch do Tổng cục Cung cấp tiền phương, Hội đồng Cung cấp mặt trận Khu Tây Bắc phụ trách và được tổ chức thành 4 binh trạm (Ba Khe, Sơn La, Tuần Giáo và từ Tuần Giáo đi Điện Biên Phủ). Đồng bào các dân tộc Tây Bắc đã huy động rất hiệu quả xe đạp thồ, ở những nơi xe thồ không thể hoạt động thì sử dụng lực lượng khuân vác. Để tiện lợi hơn cho vận chuyển, đồng bào đã sáng kiến lắp thêm một số bộ phận mới như: tay ngai, tay phanh, khung phụ, gá buộc... vào xe đạp thồ để làm tăng thêm khối lượng vận chuyển trên những con đường hiểm trở mà xe ô-tô không đi được. Khi chiến dịch nổ ra, lực lượng dân công được biên chế thành từng đoàn theo địa phương (30-40 xe); mỗi đoàn lại chia nhỏ thành các nhóm nhỏ khoảng 5-6 xe để dễ qua đèo, lội suối. Dù gian khổ, nhưng với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, nhiều xe đã tăng tải trọng thồ hàng từ 160 kg lên tới tối đa 325 kg hàng chi viện cho chiến trường.

Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng

Nguyên đại tá không quân Pháp Giuyn Roa (G. Roy) nhận xét: “Mặc dù nhiều tấn bom được dội xuống các trục lộ giao thông, nhưng tuyến tiếp tế của Việt Minh không bao giờ bị đứt. Không phải chỉ viện trợ của Trung Quốc giúp Việt Minh đã thắng tướng Nava, mà chính là những chiếc xe đạp nhãn hiệu Pơgiô thồ được từ 200-300kg hàng, được điều khiển bởi những dân công ăn không đủ no, ngủ ngay trên nền đất, dưới những tấm vải ni-lông. Tướng Nava đã bị đánh bại không phải bởi các phương tiện chiến tranh, mà là do trí thông minh và ý chí quyết thắng của đối phương”9.

Nói đến thành công của tuyến vận tải, không thể không nhắc đến những con đường nhỏ chạy giữa núi rừng, với các phương tiện vận tải thô sơ nhằm tránh sự kiểm soát của không quân địch. Đó là, những đôi bồ trên vai các anh chị dân công, những chiếc gùi hàng của đồng bào Tây Bắc, ngựa thồ, xe đạp ngày, đêm chuyển hàng ra tiền tuyến. Trên tuyến đường thủy dọc sông Đà, sông Nậm Na, sông Mã và các sông, suối mà bè mảng có thể cơ động được về hướng mặt trận, đồng bào đã hiến những chiếc thuyền, bè vốn là phương tiện nuôi sống của gia đình để phục vụ Chiến dịch. Ngoài ra, những kinh nghiệm lướt ghềnh, vượt thác của chính chủ nhân những phương tiện ấy cũng đã góp phần không nhỏ để đưa hàng vạn tấn lương thực, đạn dược phục vụ chiến dịch. Trong số 2.673 thuyền bè được huy động cho tuyến vận tải thủy, phần lớn là sự đóng góp của đồng bào Tây Bắc. Ở những thời điểm cần giải phóng nhanh lượng hàng, đồng bào còn khẩn trương đóng thêm bè, mảng để kịp thời bổ sung vào tuyến vận tải. Sông Nậm Na, đoạn từ Pa Nậm Cúm đến thị xã Lai Châu (nay là huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu) dài 80km nhưng có 103 thác lớn nhỏ. Với lòng dũng cảm, trí thông minh, khả năng và kinh nghiệm của những người tham gia tuyến vận tải thủy đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, chuyển được 1.700 tấn gạo và hàng nghìn tấn vũ khí đáp ứng yêu cầu của mặt trận.

Mặc dù nhiều tấn bom được dội xuống các trục lộ giao thông, nhưng tuyến tiếp tế của Việt Minh không bao giờ bị đứt. Không phải chỉ viện trợ của Trung Quốc giúp Việt Minh đã thắng tướng Nava, mà chính là những chiếc xe đạp nhãn hiệu Pơgiô thồ được từ 200-300kg hàng, được điều khiển bởi những dân công ăn không đủ no, ngủ ngay trên nền đất, dưới những tấm vải ni-lông. Tướng Nava đã bị đánh bại không phải bởi các phương tiện chiến tranh, mà là do trí thông minh và ý chí quyết thắng của đối phương
Nguyên đại tá không quân Pháp Giuyn Roa (G. Roy)

Trải qua 56 ngày đêm dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, mang tầm vóc lịch sử và ý nghĩa thời đại sâu sắc. Thắng lợi to lớn đó có sự đóng góp to lớn của đồng bào các dân tộc Tây Bắc với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng”. Năm tháng sẽ qua đi nhưng giá trị lịch sử, ý nghĩa thời đại và không khí hào hùng của chiến thắng Điện Biên Phủ năm xưa vẫn còn nguyên trong ký ức của đồng bào, chiến sĩ cả nước, nhất là đồng bào các dân tộc Tây Bắc.

Đại tá Đặng Huy Cương, Trưởng phòng KHQS Quân khu 2

Tham luận tại Hội thảo khoa học "Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và hiện thực" (7/5/1954 – 7/5/2019)

Trình bày: Kim Toàn